修文舍人傳
Hạ Nhan tự là Hy Hiền, người huyện Trấn Trạch đất Ngô Trung, bác học đa tài, tính tình hào hùng phóng khoáng, thường thường đội khăn, mặc áo cừu, chu du giữa hai vùng phía đông và tây Triết Giang. Nhan lại say mê bàn luận thời sự một cách hăng hái, thường thao thao bất tuyệt, không hề biết mệt mỏi, được người đời rất khâm phục.
Tuy thế, phận số mỏng manh, hẩm hiu, thực dụng trong nhà mỗi ngày chẳng đủ, nên thường tự thở dài, than rằng :
- Hạ Nhan ơi ! Ngươi rèn luyện thân tâm, cẩn thận hành sự, mà sao không đem nổi no ấm cho gia đình ?.
Than xong, lại tự an ủi, giải thích :
- Nhan Uyên bị khổ nơi ngõ hẹp, đâu phải vì không đủ đạo nghĩa ? Gỉa Nghị có tài trị lý quốc gia mà phải ép mình làm Thái Phó ở Trường Sa, há phải vì văn chương không phú lệ sao ? Đời Hán, làm Hiệu Uý thì được phong hầu, còn danh tướng Lý Quảng thì lại không, há đâu phải vì không đủ trí dũng ? Lại như, Châu Nho ăn no đến chết, mà Đông Phương Sóc luôn lo chết đói, há phải vì tài năng không được mẫn tiệp sao? Âu cũng là do số mệnh của mỗi người cả, không nên cố ép, cưỡng cầu. Thôi thì, ta cứ thuận theo tự nhiên mà chấp nhận, chẳng nên đi tìm làm gì.
Vào đầu năm Chí Chính đời Nguyên Thuận Đế, Nhan mất, trong lúc khách cư ở Nhuận Châu, xác chôn dưới chân núi Bắc Cố Sơn.
Sinh tiền, Nhan có người bạn giao tình rất hậu. Một hôm, thình lình người bạn gặp Nhan ở giữa đường, ngồi trong một chiếc xe thật lớn, có lọng hoa nghênh ngang, đầu đội mũ cao, dát ngọc, uy nghi như bậc công hầu. Trước sau, lại có bọn thị tòng cầm võng to, nghi trượng lớn, đi theo mở đường bảo vệ, phong thái phiêu dương, khác hẳn với ngày xưa.
Xe và đoàn tuỳ tùng của Nhan nhắm hướng bắc đi tới, người bạn không dám đường đột gọi lại.
Một hôm khác, người bạn của Nhan dậy sớm, tản bộ trước cửa, lại gặp lại Nhan ở giữa đường. Nhan vội vã vạch màn, xuống xe, chắp tay thi lễ, hỏi :
-Cố nhân có được an mạnh không ?
Người bạn bèn cùng Nhan đem cựu tình hàn huyên, nắm tay nhau khẩn khoản đàm đạo như lúc Nhan còn sống.
Người bạn hỏi :
-Cùng huynh cách biệt chưa lâu, mà nay thang mây rạng rỡ, địa vị hiển quý, xe ngựa bộc tòng thênh thang, mũ áo xiêm y hoa lệ thế này, có thể nói là điều đắc ý của bậc đại trượng phu, khiến đệ hâm mộ quá !
Nhan đáp :
-Nay đệ đang nhậm chức ở dưới âm gian, địa vị cao trọng, nhưng chức vụ thanh nhàn. Cố nhân đã hỏi,đệ nào lại dấu diếm. Chỉ vì giữa đường giữa chợ, không tiện thuật rõ cho cố nhân biết mà thôi. Qủa như cố nhân không nghi ngại, tối mai xin hẹn cố nhân đến Đa Cảnh Lâu ở chùa Cam Lộ, đủ thì giờ cho đệ bầy tỏ niềm riêng sau ngày cách biệt, như vậy có được không ? Mong rằng cố nhân sẽ không chê đệ là ma mà nghi ngại từ chối !
Người bạn nhận lời rồi từ giã chia tay.
Tối hôm đó, người bạn đem sẵn rượu ngon và đồ nhắm tốt đến Đa Cảnh Lâu, thì đã thấy Nhan có mặt ở đấy từ trước. Nhan thấy bạn y hẹn thì thập phần mừng rỡ, đứng dậy, chậy ra tiếp rước, nói :
-Huynh qủa là người thành thực, thủ tín, đúng là chỗ sinh tử chi giao được !
Xong lại tiếp :
-Ở dưới âm gian, vui cũng không kém gì dương thế. Nay đệ đang làm Tu Văn Xá Nhân, chức vụ mà Nhan Uyên và Tử Hạ ngày trước từng làm. Nhưng ở dưới này, việc tuyển dụng, đề bạt, thăng thưởng người, rất là tinh tường. Tài năng và chức vụ phải tương xứng với nhau, mới ban quan tước, cho hưởng bổng lộc, chẳng giống như ở dương thế, có thể dùng hối lộ để mua quan tước, hoặc do môn đệ con ông cháu cha mà tiến thân, hoặc vì hư danh mà giữ chức lớn.
Đệ xin cùng huynh bàn bạc. Cứ xét việc quan trường ở trên thế gian hiện nay xem. Ở vai Tể tướng, há có phải là những Tiêu Hà, Thào Tham, Bính Cát, Nguỵ Tướng chăng ? Người cầm binh làm tướng, há đều phải là những tài năng quân sự như Hàn Tín, Bành Việt, Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh ? Bậc văn học nho thần, phô bấy văn chương chữ nghĩa ở Hàn Lâm Viện, há đều phải là Ban Cố, Dương Hùng, Tư Mã Tương Như, Đổng Trọng Thư chăng ? Tại ấp quận, chăn dắt dân chúng, phải chăng đều là nhữnng viên quan biết thương dân như Cung Toại, Hoàng Bá, Chiêu Tín Thần, Đỗ Thi ?
Sự thực không phải như thế.
Trên dương gian ngày nay, ngựa Kỳ, ngựa Ký thì phải kéo muối.Ngựa liệt, ngựa què nằm ăn cỏ thơm. Chim cú làm tổ nơi cung đình. Phượng hoàng phải đậu trên cành gai nhọn. Người tài đức, da mặt xanh xao vàng vọt, chết dưới hoàng tuyền. Đứa vô hạnh kéo bè kết đảng vinh vang trần thế. Bởi vậy, thiên hạ đại trị thường ít thấy. Binh hoang mã loạn lại quá nhiều.
Còn dưới âm gian thì khác hẳn.
Việc thăng quan, giáng chức nhất nhất phải quang minh rõ ràng.Việc thưởng phạt nhất định phải công bình. Bọn phản vua hại chúa, bọn gian thần làm hại nước, khi sống từng tước cao bổng hậu, nay xuống âm gian, nhất định phải chịu tai hoạ. Người ngày trước tích thiện, tu nhân, chịu điều khốn khó, lúc xuống âm gian sẽ được hưởng phúc. Sinh tử luân hồi, trước sau báo ứng, không ai có thể đào thoát đươc.
Nói xong, Nhan đổ đầy rượu làm một hơi cạn sạch, liên tiếp ba bốn chén tống, rồi dựa vào lan can, đưa mắt vọng trông ra phía xa, miệng ngâm mấy câu thơ (1) tặng người bạn.
Sau đó, đưa tay xoa đầu ngẫm nghĩ, rồi tiếp :
-Điều tối cao thượng là tu dưỡng đạo đức, sau đến lập công danh, và sau nữa là lập ngôn.Lúc đệ còn sinh thời, chẳng lập được đức nghiệp gì, cũng không lập được công nghiệp nào, nhưng có trứ tác và thu góp được gần trăm quyền. Văn chương được hơn nghìn bài, đều là nghiên cứu về sự thâm áo vi diệu của sự vật. Sau khi khứ thế, gia nghiệp suy bại, môn hộ bên trong, đồng bộc không ai ngó ngàng. Bên ngoài thì lại thiếu người có thể hiểu được giá trị những tác phẩm của đệ. Thêm vào đó, đạo tặc ăn trộm, chuột bọ đục khoét, văn cảo mười phần chỉ còn lại một hai, thật đáng tiếc. Đệ khẩn khoản xin huynh, thương tài mà nhớ, nghĩ đến giao tình cố cựu mà giúp người cấp bách, thi ân cho kẻ không báo được, đem những thủ cảo này của đệ khắc in, truyền cho kẻ hiếu sự, hoạ may tránh khỏi bị hủ nát cùng cỏ cây. Đó chính là cái ơn của huynh, nay đem nói ra, cũng thật là điều xấu hổ.
Người bạn nhận lời, hứa sẽ thi hành. Nhan tỏ ra thập phần mừng rỡ, hiện trên nét mặt, bèn bưng cao chén rượu lên, hướng về phía người bạn vái tạ, như muốn bầy tỏ lòng biết ơn.
Phía đông, trời đã dần dần sáng rõ. Nhan cùng người bạn cáo biệt, rồi biến mất.
Người bạn Nhan trở về Ngô Trung, tìm đến nhà của Nhan, trừ một số văn cảo bị thất tán và bị tàn khuyết, thấy còn để lại mấy trăm bài viết, cùng những sách sáng tác như : Cấp Cổ Lục, Thông Huyền Chí.Nhân thế vội vã tìm thợ khắc in và đem ra hàng sách bán, để truyền bá rộng rãi cho mọi người.
Vài hôm sau, người bạn thấy Nhan đến để tạ ơn.Và như thế nhiều lần. Mỗi lần được người bạn hỏi Nhan về sự cát hung, may rủi, Nhan đều dự tiên báo trước.
Ba năm sau, người bạn bị bệnh, Nhan đến thăm, nhân tiện nói :
-Đệ được sung nhậm ở Tu Văn Phủ, thời hạn đã mãn. Phủ sẽ kiếm người thay thế. Ở cõi âm gian, chức vụ này rất được coi trọng, rất khó đến tay. Nếu như huynh không thích chức vụ này, thì đệ không dám ép, vạn nhất như muốn, đệ xin hết lòng tiến cử. Sở dĩ phải hấp tấp nghĩ ngợi như vậy, là để đền đáp cái ơn của huynh đã cho in những trứ tác của đệ. Người ta sống ở trên đời rồi đều phải chết, miễn cưỡng có sống thêm vài năm, cũng đâu có thể vĩnh cửu trên thế gian này mãi.
Người bạn vui vẻ nhận lời, an bài hậu sự, rồi không chịu uống thuốc trị liệu.
Được vài hôm thì mất.
Chú thích:
Tu Văn 修 文:
-Thời xưa người ta gọi các bậc văn nhân bị mất sớm là tu văn. Cho nên Đỗ Phủ từng có câu thơ rằng :
Nhất đại phong lưu tận
一 代 風 流 盡
Tu văn địa hạ thâm.
修 文 地 下 深
(Một đời phong lưu đã hết, bậc văn nhân mất sớm nằm sâu dưới đất)
-Tu văn còn có nghĩa là hưng tu văn giáo.Năm 621 nhà Đường thiết lập ra Tu Văn Qúan, đặt ra Học Sĩ, trông coi việc hiệu chính sách vở, dậy sinh đồ, tu sửa các nghi lễ của triều đình.Đến nãm 626 đổi tên là Hoằng Văn Qúan. Đầu đời Minh cũng đặt Hoằng Văn Quán, sau phế bỏ.
Chấn Trạch 震 澤:
Tức Thái Hồ là một trong năm hồ lớn - Ngũ Hồ- của Trung Quốc là Động Đình Hồ, Thái Hồ, Sào Hồ, Phan Dưong, và Hồng Trạch Hồ.
Thái Hồ nằm vắt ngang hai tỉnh Giang Tô và Triết Giang, do bùn cát ở hạ du hai sông Tiền Đường và Trường Giang ứ tắc cổ hải loan mà thành. Hồ rộng 2425 ki lo met.Bên trong hồ 48 cái đảo lớn hoặc nhỏ, là một thắng tích nổi tiếng của Trung Quốc, như cảnh sơn thuỷ vùng Vô Tích, Viên Lâm ở Tô Châu, những hang động thiên nhiên ở Nghi Hưng.
Nhan Uyên 顏 淵 :
Nhan Uyên sinh năm 521 trước Công Nguyên, mất năm 490 trước Công Nguyên, là đệ tử Khổng Tử tên là Hồi,tự là Tử Uyên,người nước Lỗ thời Xuân Thu, tính thông minh mẫn tiệp, hiếu học, không trút giận qua người khác, cũng không lầm lỗi đến hai lần, sống vui nơi ngõ hẹp tồi tàn, với rỏ cơm bầu nước, được Khổng Tử khen là người hiền, hậu thế tôn là "Phục Thánh" , xếp vào Tứ Phối (Nhan Uyên,Tăng Sâm, Tử Tư,Manh Kha) để thờ chung với Khổng Tử và Chu Công thờ ở Văn Miếu.
Gỉa Nghị 賈 誼 :
Giả Nghị sinh năm 200 trước Công Nguyên và mất năm 168 trước Công Nguyên.
Ông là người Lạc Dưong ( nay là Lạc Dương Hà Nam), văn học gia, chính luận gia thời Tây Hán, thường gọi là Gỉa Sinh. Hồi còn trẻ đã đọc được sách Thi Thư, lại giỏi văn chương, nên được người trong quận ca tụng.
Đình Uý Ngô Công tiến cử Gỉa Nghị lên Hán Văn Đế, được Hán Văn đế bổ nhậm làm Bác Sĩ, ít lâu sau thăng làm Thái Trung Đại Phu.
Đối với sự hủ bại của thời chính, Gỉa Nghị từng nhiều lần đề xuất chủ chương đổi mới, như đề nghị phong nhiều chư hầu để tước nhược thế lực của chư hầu vương, củng cố trung ương tập quyền, chủ trương trọng nông ức thương, đánh trả các quý tộc Hung Nô xâm lược. Vì thế bị các đại thần thủ cựu như Chu Bột, Quán Anh chỉ trích, bài xích, rồi bị Hán Văn Đế lạnh nhạt, biếm làm Thái Phó cho Trường Sa Vương.Trong ba năm làm Thái Phó cho Trường Sa Vương, lúc đi qua Tương Thuỷ, ông làm bài phú để điếu Khuất Nguyên, rồi lại làm bài Bằng Điểu Phú.Về chính luận ông có "Trần Chính Sự Sớ", và "Qúa Tần Luận"
Sau lại ông được chiêu về làm Thái Phó cho Lương Hoài Vương, một người con yêu của Hán Văn Đế. Khi Lương Hoài Vương bị té ngựa chết, ông cho đó là lỗi của mình, buồn rầu sinh bệnh mà mất, mới 32 tuổi.
Thái Phó 太 傅:
Thái Phó có các nghĩa:
-Một chức quan thời cổ,một trong Tam Công, nhà Chu đặt ra chức quan này đầu tiên, có nhiệm vụ phụ giúp quốc quân.Nhà Tần phế, nhà Hán thiết lập lại. Địa vị của Thái Phó chỉ dưới Thái Sư, cùng vơi Thái Sư, Thái Bảo, được coi là ba trọng thần, tham dự triều chính, cùng nhau nắm giữ quyền hành về quân sự và chính trị toàn quốc.
-Thời Đông Hán, mỗi lần vua mới lên ngôi, đều đặt ra một Thái Phó. Các đời sau do quan khác kiêm lãnh,và phần lớn là vinh hàm của các đại thần, không có thực chức.
Các triều Minh và Thanh, Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo chỉ là cũng không phải là thực chức.
-Ngoài ra, người trông coi dậy dỗ Thái Tử cũng gọi là Thái Phó, như Gỉa Nghị là Thái Phó của Trường Sa Vương và, Lương Hoài Vương, con của Hán Văn Đế, và thường gọi là Thái Tử Thái Phó.
Cam Lộ Tự 甘 露 寺:
Chùa này đươc xây vào năm Cam Lộ đời Ngô Mạt Đế ở Bắc Cố Sơn, vì thế mà thành tên gọi.
Tể Tướng 宰 相:
Tên một chức quan.Dưới thời phong kiến, tể tướng là người chịu trách nhiệm trước hoàng đế, là người phò trợ hoàng đến, là vị trưởng quan cao cấp nhất , thống lãnh các quan, nắm giữ tất các việc chính trị.
Tể có nghĩa là chủ trì
Tướng có nghiă là phò trợ, trợ giúp.
Tuỳ theo mỗi triều đại, tể tướng có những danh xưng khác nhau, chức quyền rộng hay hẹp, và quyền hành cũng khác nhau.
-Chẳnng hạn, nhà Tần và nhà Tây Hán thì Tể Tướng gọi là Tướng Quốc, hay Thừa Tướng.Lý Tư là Thừa Tướng nhà Tần,còn Ngự Sử Đại Phu là một chức phó.
-Thời Đông Hán, chức Tư Đồ ngang với chức Thừa Tướng, như Tư Đồ Vương Doãn, cùng với các chức Tư Không và Thái Uý coi về chính vụ, nhưng thực quyền đều thuộc về Thượng Thư Lệnh, nắm hết mọi việc.
-Từ các thời Nguỵ Tấn trở về sau, thì dùng những Trung Thư Giám, Trung Thư Lệnh, Thị Trung, Thượng Thư Lệnh, Bộc Xạ, hay các tướng quân nắm chính quyền làm Tể Tướng, không có định danh xưng.
-Sau triều Tuỳ,Đường, dùng vị trưởng quan ở ba cơ quan là Trung Thư, Môn Hạ, Thượng Thư (Tức Trung Thư Lịnh, Thị Trung, Thượng Thư Lịnh, Bộc Xạ) làm Tể Tướng. Từ sau trung kỳ nhà Đường, hoàng đế chủ trì tuyển chọn những quan khác gia thêm chức hàm Tham Tri Chính Sự hoặc Đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự làm Tể Tướng,và các triều sau đó duyên theo.
-Đời Tống, lấy Đồng Bình Chương Sự làm Tể Tướng, và lấy chức phó là Tham Tri Chính Sự hợp xưng là Tể Chấp.;
-Đời Nam Tống, năm 1129 lấy Tả Hữu Bộc Xạ gia thêm Đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự làm Tể Tướng.Năm 1172 đổi Thượng Thư Tả Hữu Bộc Xạ ra Tả Hữu Thừa Tướng.
-Thời Nguyên lấy Trung Thư Tỉnh làm Chính Vụ Trung Khu, còn Trung Thư Lệnh thỉnh thoảng Thái Tử, hoặc thân vương kiêm lãnh, còn dưới thì đặt Thừa Tướng, Bình Chương Tham Chính.
-Đời Minh từng thiết lập chức Thừa Tướng, sau để đề phòng sự quyền thần soán đoạt, nên trừ bỏ chức Thừa Tướng, dùng Đại Học Sĩ phò trợ hoàng đế, xử lý chính vụ, vì thế, Đại Học Sĩ trên thực tế là Tể Tướng.
-Đời Thanh duyên theo.
Trong văn thơ cổ điển của Trung Quốc,người ta thường gọi Tể Tướng bằng thành ngữ "Sa lung trung nhân-Người ở trong lồng the", vì Tể Tướng đời Đường là Lý Phiên, khi chưa ra làm quan, có vị tăng bảo Lý Phiên là "Sa lung trung nhân", vầ bảo rằng người có phúc phận làm Tể Tướng, thì ở dưới âm gian đã nặn tượng, và dùng lồng bằng the đậy lại để bảo vệ
Tiêu Hà 蕭 何 :
Tiêu Hà là đại thần thời kỳ đầu nhà Tây Hán, người Bái Huyện ( nay thuộc tỉnh Giang Tô), từng làm tư lại ở Bái Huyện. Cuối đời nhà Tần, phò tá Lưu Bang khởi nghĩa. Khi quân Lưu Bnag vào chiếm Hàm Dương, kinh đô nhà Tần, Tiêu Hà thâu thập hết các luật lệnh, đồ thư, sách vở của nhà Tần, nhờ thế hiểu biết được tất cả những chỗ sơn xuyên hiểm yếu, hộ tịch của các quận huyện, cũng như tình hình xã hội lúc bấy giờ.
Trong cuộc chiến tranh giữa Lưu Bang và Hạng Võ, Tiêu Hà tiến cử Hàn Tín làm Đại Tướng cho Lưu Bang, còn Tiêu Hà ở lại giữ Quan Trung, lo việc lương hướng, chi trì sĩ tốt tác chiến, thành thử, đối với sự chiến thắng Hạng Võ và kiến lập Hán triều, Tiêu Hà có nhiều công lớn, được phong là Tán Hầu.
Về sau, Tiêu Hà lại giúp Hán Cao Tổ tiêu diệt các dị tính chư hầu vương, như Hàn Tín, Trần Hy, Anh Bố.
Tiêu Hà mất năm 193 trước Công Nguyên.
Tào Tham 曹 參 :
Tào Tham là đại thần thời kỳ đầu nhà Tây Hán, người Bái Huyện (nay thuộc tỉnh Giang Tô),từng là viên quan coi ngục huyện Bái. Cuối đời nhà Tần, Tào Tham theo Lưu Bang khởi nghĩa, nhiều lần lập chiến công. Khi nhà Hán kiến lập, Tào Tham được phong là Bình Dương Hầu, từng nhậm tướng quôcs Tề chín năm, sau lại giúp Hán Cao Tổ bình định Trần Hy, Anh Bố cùng những dị tính chư hầu vương. Đến thời Hán Huệ Đế, lên thay Tiêu Hà ở chức Thừa Tướng, nhưng tiếp tục giữ vàkhông thay đổi những chính sách qui định của Tiêu Hà, nên đựơc xưng tụng là " Tiêu qui Hà tuỳ".
Tào Tham mất năm 190 trước Công Nguyên.
Hàn Tín 韓 信 :
Một trong chư Hầu Vương thời Hán Sơ.
Hàn Tín người Hòai Âm (nay thuộc tỉnh Giang Tô) .Lúc mới đầu Hàn Tín theo Hạng Võ, sau theo Lưu Bang,được Bang phong làm Đại Tướng. Trong cuộc chiến tranh Hán Sở, Lưu Bang dùng kế sách của Hàn Tín, đánh chiếmQuanTrung.Trong lúc Lưu Bang cầm cự với Hạng Võ ở Vinh Dương và Thành Cao,thì Tín tập kích hậu lộ phía sau Hạng Võ,phá vỡ được đất Triệu,Tề, chiếm cứ vùng hạ du sông Hòang Hà, Hàn Tín được phong làm Tề Vương.
Sau đó ít lâu, Tín xuất quân hội hợp với Lưu Bang đánh diệt được Hạng Võ ở Cai Hạ (nay thuộc phía nam Linh Bích tỉnh An Huy).
Đến khi nhà Hán thành lập, Hàn Tín được cải phong là Sở Vương, sau bị người vu cáo là làm phản, bị giáng làm Hoài Âm Hầu.Sau lại bị vu cáo là cùng với Trần Hy cấu kết làm phản ở Trường An, rồi bị Lã hậu giết.
Tín là vị tướng lành giỏi cầm binh, và tự xưng là “đa đa ích thiện”, và từng viết ba thiên binh pháp, nay bị thất lạc.
Bành Việt 彭 越:
Bành Việt là một chư hầu vương thời đầu nhà Hán,tự là Trọng,người Xương Ấp (nay thuộc Kim Hương tỉnh Sơn Tây),thường câu cá ở đẩm Cự Dã Trạch.Cuối thời nhà Tần Bành Việt tụ họp dân chúng rồi khởi nghĩa đi theo Hạng Vũ. Khi Hạng Vũ đánh nhau với Lưu Bang, Bành Việt đem ba vạn binh về hàng Lưu Bang, đánh chiếm đất Lương (nay thuộc tỉnh Hà Nam), và tuyệt được chở lương thực của Hạng Vũ, ít lâu sau đem quân cùng Lưu Bang hội binh ở Cai Hạ (nay thuộc huyện Linh Bích tỉnh An Huy) nhờ thế Lưu Bang đánh diệt được Hạng Vu.
Sau khi nhà Hán được thàn lập, Bành Việt được phong là Lương Vương. Lúc Lưu Bang đi đánh Trần Hy, muốn Bành Việt cầm quân đi đánh, nhưng Bành Việt cáo ốm không đi.
Viên quan Thái Bộc của Lương vì thù oán đến vu cáo với Lưu Bang là Việt làm phản,Lưu Bang giết Bành Việt và chu di tam tộc của Việt, rồi lóc thịt làm mắm để chia cho các chư hầu để răn đe.
Nguỵ Tướng 魏 相 :
Nguỵ Tướng là Đại Thần thời Tây Hán tự là Nhược Ông, người Định Đào (nay thuyộc huỵen Định Đào tỉnh Sơn Đông), sau dời đến Bình Lăng ( thuộc Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây), được tiến cử Hiền Lương làm huyện lệnh huyện Mậu Lăng, sau làm Thái Thú Hà Nam. Nguy Tướng chủ trương ức chế thế lực hào cường. Khi Tuyên Đế lên ngôi, ông được bổ làm Đại Tư Nông, rồi Ngự Sử Đại Phu, kế đó làm Thừa Tướng, phong la Cao Bình Hầu, được ngươi xung tụng ca tụng.
Nguỵ Tướng mất năm 59 trước Công Nguyên.
Bính Cát 丙 吉:
Bính Cát là đại thần thời Tây Hán, tự là Thiếu Khanh, người Lỗ Quốc (nay thuộc Khúc Ấp tỉnh Sơn Tây), vốn là một viên lại ngục, sau thăng Đình Uý.Hán Tuyên Đế,co của Vệ Thái Tử, cháu nội của Hán Võ Đế, lúc mới sinh bị hạ ngục vì Vệ Thái Tử có tội, Bính Cát thấy vậy đem lòng thương, bí mật tuyển trọn một người nữ phạm trung hậu để nuôi dưỡng Tuyên Đế. Sau Hán Tuyên Đế lên ngôi được ban tước Quan Nội Hầu, thay Nguỵ Tướng làm Thừa Tướng, gia phong Bác Dương Hầu.Bính Cát dùng người không kể lỗi người ấy, biết khen thưởng những tài năng cùng ưu điểm của họ, người đương thời khen Bính Cát là một vị Thừa Tướng giỏi.
Bính Cát mất năm 55 trước Công Nguyên.
Vệ Thanh 衛 青 :
Vệ Thanh là danh tướng nhà Tây Hán, tự là Trọng Khanh, người Bình Dương Hà Đông (nay thuộc Lâm Phần tỉnh Sơn Tây ), em của Vệ Hoàng Hậu.
Vệ Thanh vốn là gia nô của Bình Dương Công Chúa, sau được Hán Võ Đế Trọng dụng, làm quan đến Đại Tướng Quân, phong Trường Bình Hầu.
Thời kỳ đầu nhà Tây Hán, các quý tộc Hung Nô liên tiếp quấy nhiễu biên thuỳ miền bắc nhà Hán. Năm 127 trước Công Nguyên, Vệ Thanh đem quân đánh bại được Hung Nô và khống chế vùng Hà Bắc. Tổng cộng bẩy lần, Vệ Thanh đánh thắng Hung Nô và giải trừ được sự Uy hiếp của Hung Nô đối với vương triều nhà Hán.
Vệ Thanh mất năm 106 trước Công Nguyên.
Hoắc Khứ Bệnh 藿 去 病 :
Hoắc Khứ Bệnh sinh năm 140 trước Công Nguyên, là danh tướng thời Tây Hán người Bình Dương Hà Đông (nay thuộc Lâm Phần Sơn Tây), làm quan đến Phiêu Kỵ Tương Quân, phong Qúan Quân Hầu. Năm 121 trước Công Nguyên, Hoác Khứ Bệnh hai lần đánh thắng quý tộc Hung Nô, khống chế được vùng Hà Tây, mở thông đường sang Tây Vực. Nam 123 trước Công Nguyên, Hoắc Khứ Bệnh cùng Vệ Thanh lại đánh bại Hung Nô, được Hán Võ Đế xây cất phủ đệ, nhưng Hoắc Khứ Bệnh từ khước nói : "Chưa diệt xong Hung Nô, thì làm nhà để làm gì ".
Hoắc Khứ Bệnh sáu lần đánh Hung Nô giải trừ được sự đe doạ của Hung Nô đối vương triều nhà Hán.
Hoắc Khứ bệnh mất năm 117 trước Công Nguyên.
Lý Quảng 李 廣 :
Lý Quảng là danh tướng nhà Tây Hán, người Thành Kỷ Lũng Tây (nay thuộc Tàn An tỉnh Cam Túc), ông là người thiện xạ. Thời Hán Văn Đế, Lý Quảng từng tham dự những cuộc chiến phản kích sự xâm lăng của quý tộc Hung Nô, được làm Võ Kỵ Thường Thị.Vào thời Hán Cảnh Đế và Hán Võ Đế làm Thái Thú các quận Lũng Tây và Bắc Địa. Năm 134 trước Công Nguyên làm Vệ Uý, sau đổi làm Thái Thú Hữu Bắc Bình, Hung Nô nhiều năm không dám quyấ nhiễu, gọi Quảng là Phi Tướng Quân. Năm 119 trước Công Nguyên theo Đại Tướng Quân Vệ Thanh đánh Hung Nô giữ tiên đạo bị phạt, rồi tự tử chết.
(1) Nguyên văn bài thơ chữ Hán như sau :
滿 身 風 露 夜 茫 茫
一 片 山 光 與 水 光
鐵 甕 城 邊 人 玩 月
鬼 門 關 外 客 還 鄉
功 名 不 博 詩 千 首
生 死 何 殊 夢 一 場
賴 有 故 人 知 此 意
清 談 終 夕 據 籐 床
Mãn thân phong lộ dạ mang mang
Nhất phiến sơn quang dữ thuỷ quang
Thiết Úng Thành biên nhân ngoạn nguyệt
Quỷ Môn Quan ngoại khách hoàn hương
Công danh bất bác thi thiên thủ
Sinh tử hà thù mộng nhất trường
Lại hữu cố nhân tri thử ý
Thanh đạm chung tịch cứ đằng sàng