Trang

【Tiễn Đăng Tân Thoại】●Vĩnh Châu Dã Miếu Ký

Ngoài cánh đồng Vĩnh Châu có ngôi thần miếu, lưng dựa vào núi, trước mặt có một dòng sông. Sông sâu và chảy gấp. Chung quanh cỏ hoang bát ngát xanh rì. Đại thụ thâm u rậm rạp, chót vót, che kín cả mặt trời, san sát đếm không xuể. 
Thường thường mưa gió vẫn từ thần miếu nổi lên.Vì thế, người ta sợ hãi, đều phải cung tế cung phụng. Khách đi đường qua đó, nhất định phải có tam sinh lễ vật đem vào cúng dưới điện, mới có thể đi qua yên ổn được. Bằng không, gió mưa thình lình nổi lên. Rồi mây đen kéo đến, trời đất tối thui. Gang tấc không  nhìn rõ mặt nhau. Hành lý, phẩm vật, bỗng dưng không cánh đều bay đâu mất biến. 
Tình trạng như thế đã xẩy ra từ mấy năm nay rồi. 
Vào khoảng niên hiệu Đại Đức đời vua Thành Tông nhà Nguyên, có người thư sinh tên Tất Ứng Tường, nhân việc phải đến Hành Châu, buộc đi qua miếu đó, nhưng vì túi rách không tiền, không có lễ vật để vào cúng trong miếu đó, đành chỉ kính cẩn vái lậy thần miếu. Rồi đi. 
Sinh đi chưa khỏi vài dặm, thình lình nổi lên một trận gió lớn, ào ào cát bay đá chạy, mây đen sương mờ, từ đằng sau ùa tới.Chàng ngoái đầu lại nhìn, thấy binh lính mặc giáp trụ rất nhiều, có đến hàng ngàn hàng vạn, đuổi theo truy cản. Chàng tự nhủ, mệnh tất tuyệt. Bình thời, Sinh vốn quen tụng niệm kinh "Ngọc Xu Kinh "  của đạo gia, nay tình thế cấp bách, cứ vừa chạy vừa niệm. Khoảnh khắc, mây tan gió ngừng, trời đất sáng láng trở lại, những kỵ binh đuổi theo truy cản chàng đều biến đâu mất. Sinh may mắn bảo toàn tính mệnh, tới được Hành Sơn, đi qua  núi Chúc Dong Sơn, ghé vào Nam Sơn Từ, nhớ lại chuyện vừa mới xẩy ra, bèn viết một tờ trạng nói rõ sự việc, đốt đi để bẩm vị thần trong từ đó. 
Đến tối, Sinh nằm chiêm bao, thấy một viên bổ khoái đến bắt chàng, đưa chàng đi  đến một cung điện thật lớn. Chung quanh thị vệ đứng la liệt, còn các cấp quan lại xếp theo thứ bậc. Viên bổ khoái dẫn Sinh đến dưới thềm đình. Chàng ngẩng đầu nhìn lên, thấy  trên điện treo một chiếc rèm ngọc, bên trong rèm, trải trướng gấm vàng, đèn đuốc huy hoàng, sáng láng như ban ngày. Cảnh trí trông trang trọng oai nghiêm, tĩnh mịch, không huyên náo 
Sinh nín thở chờ lệnh. 
Lát sau, một viên quan mặc áo đỏ, lưng đeo giác đái, từ bên trong điện đi ra, hô truyền mệnh lệnh : 
-Có lệnh chỉ ban xuống, hỏi ngươi muốn kiện tụng ai ? 
Sinh cúi rạp mình xuống đất, thưa : 
-Thân con học trò nghèo, lại thêm ngu muội, nào đâu có biết điều danh lợi mà xin, cũng chẳng biết đến nhà cửa đất đai chỗ nào mà tìm kiếm. Aó bố y, cơm rau cỏ, an phận thủ kỷ, vả, cũng chưa từng một mình đến cửa công bao giờ, thật chẳng biết trả lời thế nào ! 
Viên quan lại hỏi : 
-Thế buổi sáng nay ngươi đầu cáo trạng về việc gì ? 
Sinh hồi tưởng lại, bấy giờ mới rập đầu,bẩm : 
-Bẩm con xin thưa, nhân con vì nghèo khổ quá, phải rời bỏ quê hương, đến nhờ vả người khác. Đường đi Vĩnh Châu, phải qua miếu thần, tiền độ đường vì đã tiêu hết, nên không có lễ vật để vào tế miếu, đến nỗi xúc phạm thần oai, thình lình khởi gió hưng mưa, cho giáp binh kỵ mã truy lùng, con bối rối khốn cùng, té lên ngã xuống, cơ hồ suýt bị bắt kịp. Trong lúc sợ hãi nguy cấp, không nơi kêu cầu, nên đường đột mạo phạm thánh linh, thật là điều bất đắc dĩ. 
Viên quan nghe xong đi vào bên trong, một lát đi ra, nói : 
-Có lệnh chỉ, cho thẩm tra đối chất ! 
Lập tức viên quan cùng mấy tên giáp sĩ phi đằng lên không. Lát sau trở về, áp giải một ông già râu trắng toát, đội khăn đen, y phục theo lối đạo gia, đến bắt quỳ ở dười bệ thềm, rồi tuyên đọc lệnh chỉ, cật hỏi : 
-Ngươi là thần một phương, được mọi người cúng tế, tại sao lại dùng võ lực để reo hoạ và khủng bố người ta, đòi hỏi trà lá lễ lậy, bách hại người học trò kia, đến nỗi suýt mất mạng. Tham lam ,độc hại đến như thế, tội đó sao thoát khỏi hình phạt ! 
Ông già râu bạc, quỳ xuống vái, rồi thưa : 
- Qủa thật tôi là thần giữ miếu hoang ờ Vĩnh Châu, nhưng ngôi miếu hoang này bị yêu mãng chiếm cứ cả năm nay rồi, tôi không đủ sức đối địch, chức quyền bị mất đã lâu, việc đòi hỏi chà lá, rượu thịt trước đây, đều do loài yêu mãng này làm ra, đâu phải lỗi của tôi. 
Viên quan lại hỏi : 
-Nếu như thế, sao không chịu bẩm báo sớm ! 
Đáp : 
-Loài quái vật này sống trên đời đã lâu, hưng yêu tác nghiệt, sức không ai địch nổi. Các hồn ma ở xã miếu, ở gia từ, ở hoang miếu, đều bị con yêu này chèn ép. Thần long, hải sà, cũng bị nó chỉ huy. Mỗi khi tôi muốn khiếu nại, thưa gửi thì bị nó cản trở, ngăn chặn, cuối cùng không thể thực hiện được. Hôm nay nếu không có lệnh chỉ, lẽ nào tôi đến được đây ! 
Bấy giờ Sinh phủ phục ở dưới thềm, thì nghe trên điện truyền xuống, sai viên quan và giáp sĩ đi điều tra. 
Lại nghe lão già râu bạc thưa : 
-Loài yêu nghiệt đã thành hình, trợ giúp nó rất đông. Quan viên binh mã dù có đi, cũng vô ích, trừ phi phái thần binh, mới  bắt được mà thôi. 
Sinh thấy trên điện chấp nhận đề nghị của lão già râu bạc, ra lệnh cho một viên thần tướng đem năm nghìn thần binh ra đi. Một lát sau, Sinh lại thấy mấy chục tên quỷ tốt, dùng một tấm ván lớn, khiêng  một cái thủ cấp trở về đặt ở dưới thềm điện. Té ra, đó là cái đầu của một rắn trắng, to bằng cái ang, chứa được năm thạch thóc, trên đầu rắn có cái mào đỏ. 
Sau đó, Sinh được viên quan ra lệnh trở về nhà. Chàng vươn người đứng dậy, thì ra, vừa trải qua một giấc chiêm bao. Khắp người mồ hôi nhễ nhại. Ứơt đầm lưng áo. 
Sau khi Sinh hoàn tất công việc, lúc về, đi qua chốn cũ, nhưng ngôi miếu hoang đó nay đã biến đâu mất, không còn dấu tích gì. Hỏi thăm thôn dân gần đó, có người trả lời : 
-Đêm nọ, vào khoảng sau canh ba, bỗng có sấm sét nổi lên ầm ầm. Trong mưa gió chỉ nghe những gươm giáo sát phạt giết nhau, rất là kinh hồn sợ hãi, chẳng biết chuyện gì. Đến khi trời sáng, tới nơi coi, thấy ngôi miếu đó đã bị phá huỷ tan tành, có một con bạch sà dài mấy chục trượng bị giết chết nằm ở dưới một lùm cây, đầu bị chặt. Còn lại, các loài độc xà, phi xà, huỷ xà, chết vô chết, tử khí tanh tưởi, lợm giọng, kéo đến nay vẫn chưa hết. 
Sinh tính toán, ngày hôm đó chính phù hợp với ngày Sinh chiêm bao. 
Chàng về nhà, một hôm giữa ban ngày,nhàn hạ ngồi chơi, thình lình có hai quỷ tốt đến gặp chàng, nói : 
-Địa phủ có lệnh triệu ngài xuống đối chất một án kiện. 
Xong cứ nắm vai chàng mà kéo đi. Xuống đến nơi, Sinh thấy Diêm Vương ngồi trên đại sảnh, dùng cũi sắt nhốt một người đàn ông, mặc quần áo trắng, đầu quấn khăng đỏ, trông dáng người rất khôi ngô to lớn, đang tự khai báo với Diêm Vương : 
- Bẩm ngài, khi còn ở dương thế, con chưa hề bị phạm một hạng tội nào, mà bị tên học trò Tất Ứng Tường vu cáo với thần núi Nam Nhạc, đến nỗi thần binh xuống oai giáng phạt, toàn tộc bị diệt, nhà cửa sào huyệt bị tàn phá, huỷ hoại, thật sự quá nhiều oan khổ. 
Sinh nghe nói thế, biết rằng yêu sà vì thù hận vu hãm chàng, bèn trình bầy cặn kẽ những việc làm tổn nhân hại vật của nó. Chàng và con yêu sà đối chất nhau qua chiếc cũi sắt, lời qua tiếng lại, hết sức kịch liệt, nhưng gã yêu sà nhất định không nhận tội. Diêm Vương liền sai lại thuộc viết văn thư đến thần núi Hành Sơn và Thành Hoàng ở Vĩnh Châu để nghiệm chứng. Qủa nhiên, một lát sau được Hành Sơn Phủ và Thành Hoàng Ty hồi đáp, phù hợp đúng với những điều Sinh đã khai. 
Bấy giờ, yêu sà đuối lý  mới chịu khuất phục. 
Từ trên điện, Diêm vương giận dữ trách cứ : 
-Nhà ngươi khi sống thành yêu quái, chết còn cả gan vu hãm người ta. Quân sĩ, mau áp giải tên bạch y yêu sà này xuống địa ngục, vĩnh viễn giam lại, không cho trở lại dương thế nữa. 
Lập tức con yêu sà bị mấy viên quỷ tốt dẫn đi. 
Diêm Vương lại ủy lạo Sinh : 
-Làm phiền đến tiên sinh mà chẳng có gì để báo đáp. 
Liền sai lấy sổ bạ tịch có họ Tất ra coi lại, phê bên dưới tên của Sinh tám chữ : 
" Trừ yêu khử hại duyên thọ nhất kỷ". 
Sinh lập tức vái tạ ơn, ra về. 
Khi về đến cửa, tỉnh ra, thì đang gục đầu trên án thư mới ngủ dậy.

Chú thích:
Tam Sinh 三牲: 
Thời cổ, tại ba triều Hạ, Thương, Chu, sử dụng ba loài súc vật là trâu, dê, lợn (thỉ 豕), để cúng tế, gọi tam sinh. Theo Khổng An Quốc chú dẫn thì  ngưu, dương, thỉ là tam sinh. 
Nhưng về sau việc sử dụng tam sinh trâu, dê, lợn,  làm tế phẩm, đối với những gia đình nghèo khó ít có điều kiện thi hành, nên việc cúng tế trong dân gian được sử dụng bằng ba súc vật khác là gà, cá ,lợn (trư 豬) thay thế cho tam sinh trâu, dê, lợn. 
Theo đạo gia, tam sinh có phần khác biệt, đó là con hươu, con hoẵng, và con chương, một loài giống như con hươu mà chân nhỏ.

Nguyên Triều 元朝 : 
Nguyên là danh xưng của một triều đại tại Trung Quốc. 
Năm 1206, lãnh tụ của bộ tộc Mông Cổ là Thành Cát Tư Hãn sau kiến lập Mông Cổ Hãn Quốc, khuyếch trương thế lực đến lưu vực sông Hoàng Hà.Từ Thành Cát Tư Hãn đến thời Mông Ca Hãn, liên tiếp diệt được các vương triều Tây Liêu, Tây Hạ, Kim, Đại Lý, rồi thành lập các cơ cấu hành chánh ở Thổ Phiên, trực tiếp tiến hành thống trị. 
Đến năm 1271, Hốt Tất Liệt đặt quốc hiệu là Nguyên.Đến năm 1279 Hốt Tát Liệt diệt được Nam Tống, thống nhất toàn Quốc, định đô ở Yên Kinh, sau đổi tên là Đại Đô, nay là Bắc Kinh, dựng lên một đế quốc rộng lớn. 
Đến năm Chí Chính thập nhất niên, đời vua Thuận Đế nhà Nguyên,tức năm 1351, bạo phát cuộc nổi dậy của Hồng Cân Quân ,do các lãnh tụ của bốn chi phái do Lưu Phúc Thông, rồi Qúach Tử Hưng, Từ Thọ Huy, Vương Quyền, lợi dụng Bạch Liên Giáo phát động, làm dao động nhà Nguyên. 
Năm 1368, Chu Nguyên Chương phái đại tướng Từ Đạt công chiếm Đại Đô, lật đổ sự thống trị của nhà Nguyên. 
Nhà Nguyên kể từ Hốt Tất Liệt định quốc hiệu năm 1271, trải qua 11 đời vua, cộng 98 năm.

Nguyên Thành Tông 元 成 宗 : 
Thành Tông nhà Nguyên là ông vua thứ hai của Nguyên triều, cháu đích tôn của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, tên gọi Kỳ Ác Ôn Thiết Mộc Nhĩ, con của Hoàng Thái Tử Chân Kim, mẹ là Hoằng Cát Liệt Thị, sinh năm 1265, lên ngôi năm 1294, có hai niên hiệu là Nguyên Trinh và Đại Đức. 
Năm 1307, Nguyên Thành Tôn mất, chung niên 43 tuổi.

Hành Sơn 衡 山: 
Hành Sơn là tên một trong Ngũ Nhạc nổi tiếng của Trung Quốc, thường gọi là Nam Nhạc, nằm ở phía tây huyện Hành Sơn tỉnh Hồ Nam, chu vi rộng 800 dặm, có 72 ngọn núi lớn nhỏ.Nổi tiếng là nguy nga,rậm rạp là các ngọn Chúc Dong, Thiên Trụ, Tử Cái, Phù Dung, cao chót vót chọc trời,thác nước như những giải lụa trắng xoá, bay phơi phới. 
Tương Truyền, ngày xưa vua Thuấn đi tuần phương nam và vua Vũ trị thuỷ từng đặt chân đến đây. 
Các đời vua sau, đều đến đây để cử hành những đại điển tế tự.Nổi tiếng là sơn linh kỳ tú, bên trong núi có những chùa miếu, nơi tu trì của giới tăng lữ và đạo sĩ, và là nơi có nhiều thắng cảnh,cổ tích, đã lưu dấu chân của các tao nhân mặc khách đến đây du lãm, như Chúc Thánh Tự, Nam Nhạc Đại Miếu, Tàng Kinh Điện, Ma Kính Đài, Hoàng Đình Quan. 
Tương truyền rằng ngọn Chúc Dong Phong là  táng địa của họ Chúc Dong Thị thời viễn cổ. 
Từ trên đỉnh núi này nhìn xuống, thấy la liệt vô số những hòn núi nhỏ, mây và núi như dao động, được xem là chỗ đẹp nhất để ngắm cảnh  mặc trời mọc, tưởng chừng như từ  dưới biển đi lên. Trong núi còn đủ loại kỳ hoa dị thảo, được Trung Hoa coi là kho tàng  những bảo vật. 
Đời Đường, đầu năm Khai Nguyên Tư Mã Thừa Trinh đến đây tu đạo, lập ra Bạch Vân Am.Đời Ngũ Đại, có Nhiếp Sư Đạo cũng đến đây tu hành.

Bố y 布衣 : 
Y phục được may bằng vải ma bố (vải gai) hoặc bằng cát bố (vải đay) gọi là bố y.Nước Tàu thời cổ ,trước khi có việc chuyển nhập bông vải vào,vật liệu vật phẩm làm quần áo là gai,đay,và tơ .Thông thường thì chỉ có quý tộc và quan viên được mặc y phục dệt bằng tơ,còn giới bình dân thì  mặc quần áo bằng vải gai,vải đay,gọi chung là bố y.Vì thế,bố y trở thành từ  ngữ chỉ người bình dân. 
Lý Tư ,trong Sử Ký của Tư  Mã Thiên, bị gọi một cách khinh thị là ''Thượng Sái bố y,lư hạng chi kiềm thủ 上 蔡 布 衣 閭 巷之 黔 首'' -dân áo vải đất Thượng Sái,kẻ đầu đen trong xóm ngõ- tức kẻ bình dân.Sau Lý Tư làm thừa tướng nước Tần. 
Bố y,còn chỉ người học trò lúc tay trắng nghèo,chưa hiển đạt.

Diêm Vương 閻王 
Diêm Vương là do dịch âm từ chữ phạnYamaraja mà ra,cùng gọi là "Diêm La Vương","Diêm Ma Vương",hay "Diêm La".Còn dịch ý thì "diêm" có nghĩa là "trói buộc",trói buộc tội nhân. 
Theo thần thoại cổ Ân Độ,thì Diêm Vương là vị vua quản lý cõi âm,Phật Giáo duyên dụng theo thần thoại  của Ân Độ,coi Diêm Vương là Ma Vương quản lý địa ngục. 
Trong phong tục của Trung Quốc,Diêm Vương được coi là vị vua  của cõi âm.Người ta sau khi chết,phải đến cõi âm để chịu thẩm phán của Diêm Vương,nếu lúc sinh tiền làm điều lành,việc thiện,thì lên thiên đường hưởng phú quý,còn làm điều ác thì phải xuống địa ngục,chịu hình phạt. 
Phật Giáo  Trung Quốc cho rằng có Thập Điện Diêm La, là từ ngữ dùng để chỉ mười vị Diêm Vương trông coi địa ngục,thuyết này có từ cuối đời Đường.Mười vị Diêm Vương đó là :1-Tần Quảng Vương.2-Sơ Giang Vương.3-Tống Đế Vương.4-Ngũ Quan Vương.-5 Diêm La Vương.6-Biến Thành Vương.7-Thái Sơn Vương.8-Bình Đẳng Vương.9-Đô Thị Vương.10-Ngũ Đạo Chuyển Luân Vương. 
Mười vị này phân ra cư trú ở mười điện dưới địa ngục,nên được gọi là Thập Điện Diêm Vương.

Thành Hoàng 城 隍 : 
Theo thần thoại đời xưa của người Trung Quốc, thì Thành Hoàng là vị thần trông coi bảo hộ thành trì. Sau được Đạo Giáo tin thờ cúng tế. 
Ngôi miếu Thành Hoàng được kiến lập sớm nhất là vào năm Xích Ô nhị niên nhà Ngô đờiTam Quốc (tức năm 239). 
Các triều đại kể từ nhà Đường trở về sau, các quận, huyện đều có sự cúng tế Thành Hoàng.Trương Thuyết, Hàn Dũ, Đỗ Mục đều từng làm văn tế Thành Hoàng. Từ sau đời nhà Tống trở đi, việc cúng tế Thành Hoàng được phổ biến trên toàn quốc.Ở Tô Châu thờ Xuân Thân Quân làm Thành Hoàng.Ở  Hàng Châu thờ Văn Thiên Tường. Ở Thượng Hải thờ Tần Duệ Bá. 
Thành Hoàng thường là những người có công với đương địa. 
Năm 934 nhà Hậu Đường phong "vương" cho Thành Hoàng.Và Minh Thái Tổ cũng từng phong "đế" cho Thành Hoàng  ở kinh đô. 
Đạo Giáo tôn Thành Hoàng là vị thần "Trừ gian diệt ác, bảo quốc an bang", có thể đáp ứng những cầu khẩn của con người. Trời hạn hán thì gíang mưa, trời lụt lạo thì cho nắng, để bảo hộ mùa màng phong phú, nhân dân xung túc.Đạo Gíao còn coi Thàng Hoàng là vị thần quản lãnh các vong hồn, nên đạo sĩ có thể lập đàn siêu độ vong hồn nhưng phải  lập văn báo trước; mới gọi vong hồn đến đàn được.

Trừ yêu khử hại duyên thọ nhất kỷ 除 妖 去 害 延 壽 一 紀 : 
Có công diệt trừ yêu quái, trừ hại cho dân, cho thọ thêm một kỷ nưã.(Một kỷ là 12 năm)