Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ một trăm

Về thẳng phương Đông
Năm thánh thành Phật


Hãy gác chuyện bốn người thoát thân, theo các vị Kim Cương cưỡi gió mà đi. Đây nói việc nhiều người trong chùa Cứu Sinh ở Trần Gia Trang, sáng sớm trở dậy, lại vẫn hái quả làm bữa, đến dưới lầu, không thấy Đường Tăng. Kẻ này chạy đến hỏi, người kia chạy đến tìm, ai nấy hoảng hốt sờ hãi không biết làm thế nào, kêu ầm trời lên nói:

- Thế là để mấy vị hoạt Phật đi mất rồi!

Một hồi lâu không còn cách nào, họ đành phải đem những phẩm vật đã chu biện khênh cả lên trên lầu, đốt giấy tiền tế lễ. Từ đấy về sau cứ mỗi năm lại cử hành bốn lần đại tế, hai mươi bốn lần tiểu tế. Lại còn những người cầu bệnh; những kẻ cầu bình an, cầu thân, phát nguyện, cầu của, cầu con trai, chẳng lúc nào vắng. Chính thực là: lô vàng nghìn thuở hương còn ngát, phao ngọc muôn năm lửa chẳng mờ.

Nói về tám vị Đại Kim Cương, làm hai trận gió thơm, đưa bốn thầy trò Đường Tăng trở về Đông Thổ, dần dần đã trông thấy Trường An.

Số là vua Thái Tôn tiễn chân Đường Tăng ra thành vào ba hôm trước hôm rằm tháng chín, niên hiệu Trinh Quán thứ mười ba, đến năm thứ mười sáu, sắc sai quan công bộ xây một tòa “Vọng Kinh Lầu” để đón kinh ở cửa Tây An. Hằng năm vua Thái Tôn ra ngự nơi đó. Một ngày kia xa giá vua vừa ra đến trên lầu, chợt trông thấy giữa phương tây mây đẹp đầy trời, gió thơm thổi lộng, các vị Kim Cương đứng ở trên không gọi to:

- Thánh tăng ạ, đây là thành Trường An rồi! Chúng tôi không tiện xuống, người ở đấy tinh khôn, sợ làm tiết lộ hình tượng chúng tôi. Tôn đại thánh ba vị cũng không cần phải xuống, chỉ một mình ngài xuống trao kinh trả lại nhà vua, rồi lại trở về ngay. Chúng tôi đợi ngài ở trên từng mây này, cùng trở về trả lệnh chỉ một thể.

Hành Giả nói:

- Lời tôn giả nói cũng đúng đấy, nhưng thầy tôi quẩy thế nào được gánh kinh, lại dắt thế nào được ngựa nữa! Phải có chúng tôi cùng đưa người xuống. Các vị ở trên không đợi một chút, không dám để lỡ.

Kim Cương nói:

- Hôm trước Bồ Tát đã bạch với Như Lai vừa đi vừa về chỉ có tám ngày, hôm nay đã quá bốn ngày rồi, chỉ sợ Trư Bát Giới tham mỗi giàu sang, làm lỡ mất kỳ hạn.

Bát Giới cười nói:

- Sư phụ thành Phật, tôi cũng mong thành Phật, còn tham lam gì nữa! Các ông hãy đợi cả chúng tôi ở đây, trao trả kinh xong, sẽ cùng các ông quay hướng cùng về.

Nói đoạn chú ngốc quẩy gánh lên, Sa Tăng dắt ngựa bạch, Hành Giả đưa Đường Tăng dừng từng mây lại, bước cả xuống bên lầu Vọng Kinh.

Vua Thái Tôn cùng các quan mọi người trông thấy, vội vã xuống lầu đón tiếp nói:

- Ngự đệ đã về!

Đường Tăng cúi mình lạy xuống.

Thái Tôn đỡ dậy, lại hỏi:

- Ba người này là ai?

Đường Tăng nói:

- Đây là những đồ đệ thu đuợc ở dọc đường.

Thái Tôn rất mừng, truyền các quan hầu:

- Đem con ngựa ở xe của trẫm đóng yên cương vào, mời ngự đệ cưỡi lên, về triều cùng với trẫm.

Đường Tăng tạ ơn rồi lên ngựa. Đại thánh cầm gậy như ý theo rịt bên cạnh. Bát Giới, Sa Tăng dắt ngựa và quẩy gánh cùng theo xa giá về Trường An. Thực là:

Năm nào vui dự yến thăng bình

Văn võ hai hàng rõ hiến vinh.

Thúy lục đàn chay sư giảng pháp,

Kim Loan điện ngọc chúa sai mình.

Tên ghi văn điệp Đường Tam Tạng,

Kinh chép nguyên nhân đủ ngũ hành.

Chịu khó tu trì ma chướng hết

Công thành trở lại chốn thần kinh.

Bốn thầy trò Đường Tăng theo vua vào triều. Khắp trong thành không một người nào là không biết tin người đi lấy kinh đã về.

Lại nói các nhà sư trong chùa Hồng Phúc là nơi Đường Tăng trụ trì hồi còn ở Trường An, trông thấy một nhóm cây thông, cây nào cây ấy quay cả về phía Đông, đều kinh ngạc nói:

- Quái lạ! Quái lạ! Đêm vừa qua không hề có gió, ngọn cây tại sao lại ngoẹo cả đi thế kia!

Trong bọn có người đồ đệ cũ của Tam Tạng nói:

- Mặc ngay quần áo vào, sư phụ già đi lấy kinh đã về đấy.

Các sư hỏi:

- Tại sao chú biết hử?

Người đồ đệ cũ nói:

- Năm xưa sư phụ khi ra đi, đã có nói rằng: “Sau khi ta đi hoặc dăm ba năm, hoặc sáu bảy năm, hễ bao giờ thấy những cành thông hướng về bên Đông, là ta về đấy”. Sư phụ mình là bực miệng Phật lời thánh, cho nên mới biết.

Mọi người mặc áo đi ra, vừa đến phố đằng tây, đã thấy có người kháo nhau:

- Người đi lấy kinh vừa mới về đến đây, nhà vua đón vào trong thành rồi.

Các sư nghe nói, vội vàng chạy đi theo, may ra được gặp. Khi thấy xe vua, không dám tới gần, liền theo sau đến ngoài cửa triều môn. Đường Tăng xuống ngựa, cùng mọi người vào trong triều, đem long mã và gánh kinh sách cùng với Hành Giả, Bát Giới, Sa Tăng đứng cả ở dưới thềm ngọc. Thái Tôn truyền lệnh mời ngự đệ lên điện, cho ngồi. Tam Tạng cảm ơn ngồi xuống, sai mang những quyển kinh lên. Bọn Hành Giả lấy ra, các quan hầu cận chuyển lên. Thái Tôn lại hỏi:

- Nhiều kinh như thế, làm thế nào mà đưa về?

Tam Tạng nói:

- Nhà sư tôi đến Linh Sơn, ra mắt Phật tổ, hai vị tôn giả A Nan, Ca Diếp, trước dẫn đến lầu ngọc cho ăn cơm chay, sau đưa đến gác báu giao kinh cho; vị tôn giả đó đòi lễ, vì không biện kịp, không có gì đưa, nhưng y cũng lấy kinh ra cho. Đến khi tạ ơn Phật tổ, trở về bên Đông, bỗng đâu yêu ma đến cướp lấy kinh, may có đồ đệ hóa phép thần thông đuổi cướp lại, bị nó vứt tung vứt té, nhân tiện mở ra xem, thấy toàn là kinh không có chữ, lũ chúng tôi sợ hãi, trở lại lạy xin tha thiết. Phật tổ nói: “Cái hồi kinh vừa chép xong, có vị Tỳ Kheo thánh tăng đem xuống núi tụng cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ một lượt, phù hộ cho nhà ấy người sống được an toàn, kẻ mất được siêu thăng, chỉ lấy có ba đấu ba thăng vàng cốm, ý người còn cho là bán rẻ, con cháu sau này lấy tiền đâu mà tiêu dùng. Lũ hạ thần biết rằng Phật tổ biết rõ việc hai vị tôn giả đòi ăn lễ, đành phải đem cái bát tộ bằng vàng tía vua ban biếu họ, họ mới chịu truyền cho bộ chân kinh có chữ. Pho kinh này có ba mươi lăm bộ. Mỗi bộ lấy ra mấy quyển giao cho. Tổng cộng là năm nghìn linh bốn mươi tám quyển. Số ấy vừa đúng một tạng đấy.

Thái Tôn càng mừng, truyền:

- Quang lộc tự đặt tiệc tại điện Đông Các để tạ ơn ngự đệ.

Nhà vua chợt nhìn thấy ba vị đồ đệ đứng ở dưới thềm, dùng mạo khác thường, liền hỏi:

- Các vị cao đồ là người ngoại quốc cả chứ?

Trưởng lão phủ phục nói:

- Đại đồ đệ họ Tôn, pháp danh là Ngộ Không, hạ thần lại gọi y là Tôn Hành Giả. Y vốn xuất thân là người ở Đông Thắng Thần châu, nước Ngạo Lai, núi Hoa Quả, động Thủy Liêm. Năm trăm năm trước đây vì đại náo thiên cung, bị Phật tổ giam hãm vào trong hộp đá dưới chân núi Lưỡng Giới ớ bên Tây Phiên, đội ơn Quan m Bồ Tát khuyến thiện, giốc lòng theo đạo, hạ thần đến đấy cứu ra, rất nhờ cậy ở sức đồ đệ ấy đi bảo hộ. Nhị đồ đệ họ Trư, pháp danh là Ngộ Năng, hạ thần lại gọi là Trư Bát Giới. Y xuất thân nguyên là người ở núi Phúc Lăng, động Vân Sạn, vì làm yêu quái ở Cao Lão trang nước Ô Tư Tạng, cũng ơn Bồ Tát khuyến thiện, nhờ Hành Giả thu phục. Trong khi đi đường thừa sức gánh gồng, dày công bơi lội. Tam Đồ Đệ họ Sa, pháp danh là Ngộ Tĩnh, hạ thần lại gọi là Sa hòa thượng, xuất thân vốn là yêu quái ở sông Lưu Sa. Cũng ơn Bồ Tát khuyến thiện, theo đạo Sa Môn. Con ngựa này cũng không phải con ngựa bệ hạ đã ban cho trước.

Thái Tôn nói:

- Vẫn hình sắc ấy, sao lại không phải?

Tam Tạng nói:

- Hạ thần đến núi Xà Bàn, lội qua khe Ưng Sầu, con ngựa trước bị con ngựa này nuốt chửng mất, nhờ có Hành Giả mời Bồ Tát trả lai lịch, con ngựa ấy, nguyên là con vua Tây Hải. Long Vương bị tội, cũng ơn Bồ Tát cứu thoát, bắt y biến làm con ngựa cho hạ thần, dọc đường nhờ vào sức y rất nhiều.

Thái Tôn nghe nói, ngợi khen khôn xiết, lại hỏi:

- Đi sang phương Tây, mất tất cả bao nhiêu dặm đường?

Tam Tạng nói:

- Theo lời Bồ Tát nói trước, đường xa tới mười vạn tám nghìn dặm, dọc đường không ghi chép được, chỉ biết rằng đã trải qua mười bốn lần nóng rét. Ngày ngày lên núi, ngày ngày trèo non, qua bao rừng thẳm, gặp mấy sông sâu, đi qua kể đã nhiều nước, đều có ấn tín xét nghiệm.

Nói đoạn liền gọi:

- Đồ đệ, lấy thững quan văn điệp đệ lên đây, nộp trả lại nhà vua.

Lúc đệ lên, Thái Tôn nhìn xem thấy là giấy cấp ba ngày trước hôm rằm tháng chín năm Trinh Quán thứ mười ba Thái Tôn cười nói:

- Đi xa xôi lặn lội lâu năm khó nhọc, nay đã đến năm Trinh Quán thứ hai mươi bảy.

Trên tờ điệp có đóng ấn nước Bảo Tượng, nước Ô Kê, nước Xa Trì, nước Tây Lương, nước Tế Trại, nước Chu Tử, nước Tỳ Kheo, nước Diệt Pháp, lại có cả ấn quận Phượng Tiên, châu Ngọc Hoa, phủ Kim Bình nữa. Thái Tôn xem xong thu lấy.

Lúc ấy đã thấy quan đương giá mời đi ăn yến, vua liền khoác tay Đường Tăng cùng đi xuống điện và hỏi:

- Các vị cao đồ có biết lễ phép không?

Tam Tạng nói:

- Bọn tiểu đồ đều là yêu ma ở những nơi đồng hoang núi trọi, chưa biết lễ giáo của thánh triều bên Trung Hoa ta. Muôn trông bệ hạ tha tội!

Thái Tôn cười nói:

- Không bắt tội, không bắt tội. Mời cả đến điện Đông Các cùng ăn yến.

Tam Tạng cảm ơn rồi gọi cả ba người, đều lên trên gác coi xem, quả là nước Trung Hoa Đại Quốc, nước tầm thường không thể sánh bì.

Cả bốn thầy trò cùng các quan văn võ, đều đứng hầu ở cả hai bên tả hữu. Thái Tôn Hoàng Đế ngồi ngay chính giữa. Múa hát đàn sáo, tề chỉnh nghiêm trang, vui chơi một ngày ròng, thực là:

Quân vương mở hội sánh Đường, Ngu

Lấy được chân kinh phúc có thừa.

Nghìn thuở lưu truyền, nghìn thuở thịnh

Ánh vàng Phật rọi sáng ngôi vua.

Đến chiều hôm ấy tan tiệc tạ ơn, Thái Tôn về cung, các quan về nhà. Bọn Đường Tăng về ở chùa Hồng Phúc, các sư trong chùa rập đầu đón tiếp. Các sư vừa đi vào cửa vừa nói:

- Thưa sư phụ, những ngọn cây này sáng hôm nay tự nhiên hướng về bên Đông, chúng con nghĩ nhớ những lời sư phụ, ra ngoài thành đón tiếp, quả nhiên sư phụ đã về.

Tam Tạng vui mừng khôn xiết, vào trong phương trượng. Lúc đó Bát Giới cũng không ăn uống gì, cũng chẳng hề làm ồn ào. Hành Giả, Sa Tăng, ai nấy thận trọng, đều là nhờ đạo quả đã hoàn chỉnh, tự nhiên được yên tĩnh. Đêm hôm ấy ngủ yên.

Sáng hôm sau Thái Tôn ra triều, nói với quần thần rằng:

- Trẫm nghĩ đến công của ngự đệ rất sâu rất lớn, chẳng biết lấy gì đền bù, cả đêm không ngủ, miệng đọc mấy câu nôm na, tạm tỏ ý cảm tạ, nhưng chưa viết ra.

Liền gọi quan Trung Thư đến truyền:

- Trẫm sẽ đọc từng câu, nhà ngươi chép hết lại cả.

Bài văn rằng:

“Thường nghe lưỡng nghi có hình tượng hiển hiện ra che chở bao hàm cả quần sinh; bốn mùa không hình dùng, lặng lẽ thay nóng rét để nuôi hóa muôn vật. Cho nên nhìn trời soi đất, người tầm thường đều biết rõ được nguồn; sáng âm, suốt dương, bậc hiền triết ít suy ra cùng số. Thế thì trời đất bao gồm âm dương mà dễ biết được là vì có hình tượng: âm dương ở trong trời đất mà khó suy cùng là vì vô hình dùng vậy. Cho nên mới biết hình tượng hiển hiện rõ ràng, tuy người không còn ngờ vực; vô hình lần đi khó thấy, dẫu trí vẫn có khi mê Huống hồ đạo Phật chuộng hư không, đi vào u minh, giữ lấy tịch mịch. Rộng giúp muôn loài, giữ trị thập phương. Nâng uy linh lên trên hết, nén sức thần không đâu bằng. Lớn bao trùm cả vũ trụ, nhỏ thu lại như tóc tơ. Vô diệt, vô sinh, trải nghìn kiếp mà vẫn trẻ; như ẩn như hiện, vận trăm phúc mà mời nguyên. Đạo lớn u huyền, đi theo không biết đến đâu cùng cực; dòng pháp, tịch mịch, ôm lấy khó lường được gốc nguồn. Thế nên những kẻ tầm thường, bo bo ngu xuẩn, chạy theo ý chỉ, có thể nào không nghi hoặc được ư? Nguyên đạo lớn nổi lên bắt đầu từ Tây Thổ, soi rõ mộng; vượt sang sân nhà Hán chiếu dòng từ, suốt tới cõi phương đông. Đời xưa khi mới chia hình chia dấu, lời nói chưa chạy xa cũng thành giáo hóa; đương lúc thường hiện thường ẩn, dân đã mộ đức mà biết đến đạo nguồn. Kịp đến khi bóng tối lần theo chân lý thay đổi qua các đời, ánh vàng che sắc, không soi ánh sáng ba nghìn; tượng đẹp mở tranh ngay ngắn chân dùng bốn tám. Do đó chân ngôn truyền rộng, vớt loài chim ở cả ba đường; đi huấn tuyên xa, dẫn quần sinh khắp trông mười cõi. Phật có kinh đã chia ra đại, tiểu thừa; lại có pháp truyền ngoa cái thuật tà, chính. Nhà pháp sư Huyền Trang của ta là đứng đầu trong pháp môn, tuổi nhỏ cẩn thận siêng năng, sớm giác ngộ công quả ba không, lớn lên thần thông thấu suốt, trước đã bao hàm hành vi bốn nhịn, gió thông trăng nước, chưa đủ sánh với tinh hoa; móc tiên, ngọc châu, khó thể so bì cốt cách! Cho nên đem trí tuệ không lụy, thần thông chưa hình, vượt sáu cõi mà xuất trần, thật nghìn đời không đối thủ. Lòng thương phép chính chậm thông, riêng tiếc văn kinh sai suyễn; những muốn xét rõ điều lý, mở rộng đường kiến văn trước; định lại giả chân, mở lối cho kẻ học sau. Cho nên lòng mong tịnh độ, quyết sang Tây Thiên. Muôn dặm non sông, dẹp khói mây mà tiến bước; trăm tầng nóng lạnh, giẫm mưa gió mà xông lên. Khinh lao khổ, trọng lòng thành, đòi hòi cao, nguyện vọng đạt. Chu du Tây Thổ, mười bốn năm ròng. Đi hết nước ngoài, hỏi tìm chính giáo. Vườn Linh Sơn nếm đạo xem hoa, ngọn núi Thứu, ngưỡng kỳ mộ lạ. Vâng lời chí ngôn của tiên thánh, nhận lời dạy thực ở đại hiền. Đạo ba thừa sáu luật rong ruổi ở ruộng lòng; văn một tạng trăm hòm sóng gió ở miệng bể. Thành thử từ các nước đã trải qua vô cùng, lấy được kinh còn vô số hạn. Tổng cộng được văn đại thừa cốt yếu gồm ba mươi lăm bộ, tất cả 5048 quyển, dịch ra ban khắp Trung Hoa, tuyên dương đức nghiệp to lớn. Đưa mây lành ở Tây Cực, tưới mưa pháp ở Đông Phương, thánh giáo khuyết mà lại tròn, dân đen tội mà được phúc. Dập lửa nồng nơi nhà lửa, cùng nhổ đường mê; soi sóng tối trên nước vàng, cùng sang đất Phật. Thế mới biết ác vì nghiệt đọa, thiện do duyên lên. Con đường đọa lên chỉ tự người cả. Ví như cây quế mọc ở non cao, mây móc không thể thấm cho hoa; cây sen nở trên sóng biếc, bụi bay không thể nhiễm vào lá. Không phải tính sen tự trong sạch và tính quế tự cao ngay, do được dựa vào cao, nên vật nhỏ không làm lụy đến, chỗ nương được sạch, nên loại đục không thể thấm vào. Kìa cỏ cây vô tri còn dựa vào thiện mà thành thiện; loài người học thức lại không biết theo phúc mà cầu phúc ư? Mong rằng kinh này, chảy khắp cũng như trăng sao đến vô cùng; phúc lành ban rộng, truyền bá cùng trời đất mà lớn mãi”.

Quan trung thư viết xong, vua cho triệu thánh tăng vào. Lúc bấy giờ Tam Tạng đã đứng đợi ở ngoài triều môn để tạ ơn. Nghe lệnh triệu vội vào, Đường Tăng làm lễ phủ phục Thái Tôn truyền mời lên điện, cầm bài văn đưa cho. Tam Tạng xem xong lạy xuống tạ ơn. Tâu rằng:

- Bệ hạ có lời văn cao cả, nghĩa lý sâu xa, duy không biết tên đề là gì?

Thái Tôn nói:

- Ban đêm đọc ra miệng, có ý dể đáp tạ ngự đệ, nên đặt tên là “Thánh Giáo Tự” chẳng biết có được không?

Trưởng lão cúi đầu tạ ơn. Thái Tôn lại nói:

- Trẫm tài kém ngọc ngà, lời thua vàng đá. Đến như kinh điển, rất ít được nghe. Miệng đọc mấy câu, rất là quê kệch. Bận giấy bút trong sổ vàng, treo gạch ngói nơi rừng ngọc. Trong lòng áy náy, trước mặt ngại ngùng. Thực chẳng dáng ghi, phiền lòng cảm tạ.

Lúc đó các quan đều mừng, đính lễ trước văn vua sắc thánh, truyền khắp trong ngoài.

Thái Tôn nói:

- Ngự đệ đem chân kinh diễn tụng một lượt có được không?

Trưởng lão nói:

- Tâu bệ hạ, muốn diễn chân kinh, phải ở đất Phật. Bảo điện đây không phải là nơi tụng kinh.

Thái Tôn nghe nói, liền hỏi quan đương giá.

- Các chùa trong thành Trường An, có cảnh nào là thanh tịnh?

Trong ban có quan thượng đại học sĩ là Tiêu Vũ đứng ra tâu rằng:

- Trong thành có chùa Nhạn Tháp là thanh tịnh.

Thái Tôn liền sai các quan:

- Hãy thành tâm bưng mấy quyển chân kinh, đi theo trảm đến chùa Nhạn Tháp, mời ngự đệ đến đấy giảng kinh.

Các quan mỗi người bưng mấy quyển, theo xa giá Thái Tôn đi đến chùa, xếp dựng một đài cao, đật bày hương án.

Trưởng lão nói:

- Bát Giới, Sa Tăng dắt long mã, coi hành lý, Hành Giả phải ở luôn bên ta.

Đoạn nói với Thái Tôn:

- Bệ hạ muốn đem chân kinh lưu truyền ra thiên hạ, nên cho sao lục ra bản khác, mới có thể truyền đi, bản chính phải trân trọng cất giữ, không nên coi thường!

Thái Tôn lại cười nói:

- Lời ngự đệ nói rất đúng, rất đúng!

Liền đó, triệu các quan trong viện Hàn Lâm và khoa Trung Thư sao viết chân kinh. Lại xây một ngôi chùa, ở mé đông thành, đật tên là “chùa Đường Hoàng”.

Trưởng lão bưng mấy quyển kinh lên đài, vừa toan tụng niệm, bỗng thấy có gió thơm quấn quít, tám vị đại kim cương hiện thân ở trên không trung gọi bảo:

- Người tụng kinh hãy buông kinh ra, theo ta trở về Tây.

Ở mé dưới bọn Hành Giả ba người, cả ngựa bạch, bỗng từ đất bằng bay lên. Trưởng lão bỏ rơi kinh xuống, cũng từ trên đài bay lên từng mây, cùng vượt không trung bay đi. Vua Thái Tôn cùng các quan hoảng sợ trông lên trên không, sụp lạy. Chính thực là:

Lấy kinh Tam Tạng phật gan bền,

Mười bốn năm ròng đạo đất phiên.

Rẽ lối, tìm đường, bao hoạn nạn,

Trèo non, lội nước, rất truân chiên,

Đủ công tám chín còn thêm chín

Tròn quả ba nghìn cả mọi nghìn.

Đưa được chân kinh về thượng quốc,

Đến nay Đông Thổ vẫn lưu truyền.

Thái Tôn cùng các quan lễ tạ, rồi kén ngay vị cao tăng đến chùa Nhạn Tháp, lập đàn chay đại thủy lục, đọc bộ Đại tạng chân kinh, siêu thoát cho nghiệt quỷ dưới u minh, ban rộng thiện duyên, lấy bộ kinh đã sao lục lại, ban bố khắp trong thiên hạ.

Lại nói tám vị Đại Kim Cương, dẫn bốn thầy trò Đường Tăng cả ngựa là năm, cưỡi gió trở lại Linh Sơn, vừa đi vừa về chỉ trong vòng tám ngày. Khi ấy các thần đương nghe giảng kinh ở trước mặt Phật. Tám vị Kim Cương dẫn mấy thầy trò tiến vào, bạch với Như Lai:

- Trước dây, đệ tử vâng sắc chỉ, đưa bọn thánh tăng cưỡi mây đã đến nhà Đường bên Đông Thổ. Đem kinh giao nộp, nay về trả lệnh chỉ.

Như Lai liền gọi bọn Đường Tăng đến gần nhận chức.

Như Lai nói:

- Thánh tăng, kiếp trước con nguyên là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi là Kim Thuyền Tử, chỉ vì con không nghe thuyết pháp, khinh nhờn đại giáo của ta, nên ta đuổi linh hồn con đi thác sinh sang Đông Thổ. Nay mừng con đã quy y, giữ đạo nhà chùa, theo giáo lý của ta, đi lấy chân kinh, có nhiều công quả, vậy gia thăng lên chính quả chức to, phong làm Chiên Đàn Công Đức Phật. Tôn Ngộ Không, vì con đại náo thiên cung, ta đem pháp lực sâu xa ép con dưới chân núi Ngũ Hành, may mà tai trời đã hết, đi theo đạo thích, rất mừng con biết bỏ điều xấu, làm việc lành, trên đường đi phục ma trừ quái, trọn vẹn trước sau, gia thăng chức to chính quả, phong làm Đấu Chiến Thấng Phật. Trư Ngộ Năng, con xưa là thủy thần sông Thiên Hà, chức Thiên Bồng Nguyên Súy, vì con say rượu trêu ghẹo tiên nga ở hội bàn đào, nên phải đầu thai xuống hạ giới, thân làm súc vật. May mà còn nhớ thân người, tạo ra yêu nghiệt ở núi Phúc Lăng, động Vân Sạn, ưa theo đạo lớn, vào cửa Sa Môn, bảo hộ thánh tăng khi đi đường, chỉ vì lòng tham chưa dứt, tình sắc vẫn còn, nhưng biết gắng công quẩy gánh, gia thăng lên chức chính quả, làm Tịnh Đàn Sứ Giả.

Bát Giới miệng lẩm bẩm nói:

- Bọn họ đều thành Phật cả, làm sao chỉ cho tôi làm Tịnh Đàn Sứ Giả?

Như Lai nói:

- Vì con người khỏe, tính lười, dạ dầy to lớn. Khắp cả bốn bộ châu lớn trong thiên hạ tôn kính đạo ta rất nhiều, phàm công việc Phật, cho con đi khám đàn, cũng là một phẩm cấp có ăn uống, sao lại không tốt? Sa Ngộ Tĩnh con vốn xưa là Quyển Liêm Đại Tướng, chỉ vì đánh vỡ chén lưu li trên hội bàn đào, phải xuống hạ giới, đày ở lòng sông Lưu Sa, tạo ra yêu nghiệt, giết người ăn thịt, may theo đạo ta, thành kính tu hành, giữ thân, bảo hộ Đường Tăng, dắt ngựa trèo núi có công, gia thăng chính quả chức to, làm La Hán mình vàng.

Lại nói đến ngựa bạch:

- Con vốn là con trai Tây Dương đại hải long vương là Quảng Tấn, vì con làm trái mệnh cha, phạm vào tội bất hiếu, may biết quy thân, quy pháp, theo Sa Môn ta, hàng ngày nhờ con đèo cõng thánh tăng sang Tây, lại cõng thánh tăng về Đông. Con cũng là kẻ có công, gia thăng lên chức chính quả, làm Bát Bộ Thiên Long.

Bốn thầy trò trưởng lão, đều cùng cúi đầu tạ ơn. Ngựa cũng tạ ơn. Vẫn lại sai vị yết đế, đưa ngựa xuống hốc núi ở sau Linh Sơn, cho ngựa xuống dưới ao hóa rồng. Trong giây phút, con ngựa vươn mình một cái, trút hết lông da, thay cả đầu và sừng, vẩy vàng mọc ra khắp mình, cằm và mép đều nẩy râu, khí đẹp phủ kín mình, mây lành quầy bốn ngón, bay ra khỏi ao hóa rồng, quay lượn ở trong cửa chùa, ở trên cây hoa biểu đứng sững chống trời. Các Phật đều ngợi khen pháp lực đức Như Lai.

Tôn Hành Giả nói với Đường Tăng rằng:

- Sư phụ ạ, bây giờ con đã thành Phật, cũng được như thầy, mà cứ phải đội mãi cái kim cô à? Thầy có còn phải đọc chú khẩn cô nhi để thắt buộc con nữa đâu? Xin thầy đọc bài chú mở đai bỏ nó xuống, đập vỡ tan tành, không để cho Bồ Tát lại mang đi bát hại kẻ khác!

Đường Tăng nói:

- Chỉ vì lúc bấy giờ con là người khó bảo, nên phải lấy thế để kiềm chế con, nay con đã thành Phật, tự nhiên đai cũng mất thôi, có lẽ đâu còn cứ ở mãi trên đầu con được! Con thử sờ lên mà xem.

Hành Giả giơ tay sờ lên đầu, quả nhiên không còn đai Kim cô nữa.

Lúc bấy giờ Chiên Đàn Phật, Đấu Chiến Phật, Tịnh Đàn Sứ Giả, Kim Thân La Hán, đều đã lên ngôi chính của mình, thiên long mã cũng được trở về chân như. Có thơ làm chứng rằng:

Một lớp chân như lạc xuống trần,

Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.

Năm hành bàn sắc không rồi hết,

Trăm quái không danh hiệu chẳng cần.

Đạo lớn Chiên Đàn nên chính quả.

Danh cao phẩm chức hết trầm luân.

Kinh truyền khắp chốn ban ơn rộng,

Năm thánh trên cao cửa một thần.

Trong khi năm thánh đã thành chính quả, các vị Phật tổ, Bồ Tát, Thánh Tăng. La Hán, Yết Đế. Tỳ Kheo, Ưu Bà Di, tắc, các thần tiên ở các động, các núi, các đại thần, đinh giáp, công tào, thổ địa, hết thảy những sư tiên đã đắc đạo, trước kia cùng đến nghe giảng, bây giờ về cả bản vị. Đó là:

Non Thứu đỉnh cao đầy ráng đẹp, cõi đời cực lạc rợp mây lành. Rồng vàng ôm ấp, hổ ngọc nằm yên. Quạ thỏ đi về tùy ý, rắn rùa quanh lượn vui chân. Phượng đỏ, loan xanh tình ríu rít; vượn đen, hươu trắng ý ân cần. Quả tiên muôn thuở, hoa lạ nghìn xuân. Tùng già bách cỗi, trúc giậu, hoa sân. Mai năm sắc nở hoa kết quả, đào muôn năm khi chín khi xanh. Hoa qua từng từng tranh đẹp, phương trời rực rỡ ráng mây.

Mọi người chắp tay quy y, cùng niệm:

“Nam Mô Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật. Nam Mô Dược Sư Lưu Li Quang Vương Phật, Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Quá Khứ Vị Lai Hiện Tại Phật. Nam Mô Thanh Tịnh Hỷ Phật. Nam Mô Tỳ Lư Thi Phật. Nam Mô Bảo Tràng Vương Phật. Nam Mô Di Lặc Tôn Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô Vô Lượng Thọ Phật. Nam Mô Tiếp Dẫn Quy Chân Phật. Nam Mô Kim Cương Bất Hoại Phật. Nam Mô Bảo Quang Phật. Nam Mô Long Tôn Vương Phật. Nam Mô Tinh Tiến Thiện Phật. Nam Mô Bảo Nguyệt Quang Phật. Nam Mô Hiện Vô Ngu Phật. Nam Mô Bà Lưu Na Phật. Nam Mô Na La Diên Phật. Nam Mô Công Đức Hoa Phật. Nam Mô Tài Công Đức Phật. Nam Mô Thiện Dụ Bộ Phật. Nam Mô Chiên Đàn Quang Phật. Nam Mô Ma Ni Tràng Phật. Nam Mô Tuệ Cự Chiếu Phật. Nam Mô Hải Đức Quang Minh Phật. Nam Mô Đại Tử Quang Phật. Nam Mô Từ Lực Vương Phật. Nam Mô Hiền Thiện Thủ Phật. Nam Mô Quảng Trang Nghiêm Phật. Nam Mô Kim Hoa Quang Phật. Nam Mô Tài Quang Minh Phật. Nam Mô Trí Tuệ Thắng Phật. Nam Mô Thế Tinh Quang Phật. Nam Mô Nhật Nguyệt Quang Phật. Nam Mô Nhật Nguyệt Châu Quang Phật. Nam Mô Tuệ Tràng Thắng Vương Phật. Nam Mô Diệu m Thanh Phật. Nam Mô Thường Quang Tràng Phật. Nam Mô Quan Thế Đăng Phật. Nam Mô Pháp Thắng Vương Phật. Nam Mô Tu Di Quang Phật. Nam Mô Đại Tuệ Lực Vương Phật. Nam Mô Kim Hải Quang Phật. Nam Mô Đại Tông Quang Phật. Nam Mô Tài Quang Phật. Nam Mô Chiên Đàn Công Đức Phật. Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật. Nam Mô Quan Thế m Bồ Tát. Nam Mô Đại Thế Trí Bồ Tát. Nam Mô Văn Thù Bồ Tát. Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát. Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát. Nam Mô Tây Thiên Cực Lạc Chư Bồ Tát. Nam Mô Tam Thiên Yết Đế Đại Bồ Tát. Nam Mô Ngũ Bách A La Đại Bồ Tát. Nam Mô Tỳ, Khâu Di, Tắc, Ni Bồ Tát. Nam Mô Vô Biên Vô Lượng Pháp Bồ Tát. Nam Mô Kim Cương Đại Sỹ Thánh Bồ Tát. Nam Mô Tịnh Đàn Sứ Giả Bồ Tát. Nam Mô Bát Đào Kim Thân La Hán Bồ Tát. Nam Mô Bát Bộ Thiên Long Quang Lực Bồ Tát”.

Như thế là kể tất cả thế giới chư Phật.

Xin đem công đức này

Trang nghiêm đất Phật tổ.

Trên báo bốn lần ơn.

Dưới cứu ba đường khổ.

Nếu ai mà biết ra,

Mở lòng lành tế độ.

Nước cực Lạc cùng sang,

Tấm thân này báo đủ.

Hết thảy chư Phật thập phương tam thế, chư tôn Bồ Tát Ma Ha Tát, ma ha bát nhã ba la mật. Tây Du Ký đến đây là hết.