Vượn thuộc, ngựa thuần, vừa thoát xác
Công thành, hành đủ, gặp Chân Như
Khấu viên ngoại đã được sống lại, lại sửa soạn các thứ cờ phan, kèn trống, lại mời cả nhà sư, thầy đạo, thân thích bạn bè như trước.
Lại nói bốn thầy trò Đường Tăng ra tới đường cái thấy quả nhiên Tây Phương là đất Phật, các nơi đất khác khôn bì.
Nhìn thấy nào hoa thơm cỏ lạ, trắc cỗi, thông già; những nơi đi qua mọi nhà đều theo thiện, nơi nào cũng nuôi sư. Có nhiều người tu hành trên núi, thấy cả tiếng tụng kinh trong rừng. Mấy thầy trò ngày đi đêm nghỉ, đã đến sáu bảy hôm trời, chợt trông thấy một dãy lầu cao, mấy từng gác rộng.
Tam Tạng cầm roi chỉ nói:
- Ngộ Không, nơi kia xinh đẹp chưa?
Hành Giả nói:
- Sư phụ gặp những cảnh giới giả, tượng Phật giả, thì khom lưng quỳ gối lạy, ngày nay đã tới nơi tượng Phật chân chính, cảnh giới chân như, lại không xuống ngựa là tại làm sao?
Tam Tạng nghe nói, hoảng sợ, ở trên mình ngựa nhảy xuống, đi đến trước cửa lâu tòa lầu các đó, thấy một đạo đồng, đứng chếch ở ngoài cửa chùa gọi hỏi:
- Kẻ tới đó có phải là những người ở bên Đông Thổ đi lấy kinh không?
Trưởng lão vội vàng sửa áo, ngửng đầu lên nhìn.
Tôn đại thánh nhận ra người ấy, liền gọi:
- Sư phụ ạ, đây là vị Kim Đỉnh đại tiên ở quán Ngọc Chân dưới chân núi Linh Sơn, người đến đón chúng mình đấy.
Tam Tạng mới tỉnh ngộ, tiến lên chào hỏi.
Đại tiên cười nói:
- Năm nay thánh tăng mới tới. Tôi bị Quan m Bồ Tát đánh lừa. Mười năm trước đây, người lĩnh chỉ của Phật tổ sang Đông Thổ tìm người lấy kinh, có nói là hai ba năm sẽ đến nơi đây, tôi đợi hết năm này qua năm khác, tuyệt không thấy tin, mãi đến bây giờ mới gặp nhau.
Tam Tạng chắp tay nói:
- Làm đại tiên thêm khó nhọc, rất lấy làm cảm kích, cảm kích!
Thế rồi dắt ngựa quẩy gánh, bốn người vào cả trong quán.
Mọi người lần lượt đến chào mừng đại tiên chủ nhân. Liền sai pha trà làm cơm chay, đoạn lại sai tiểu đồng nấu nước thơm để thánh tăng tắm gội, sửa soạn lên đất Phật. Ấy chính là:
Công đủ hạnh tròn nên tắm gội,
Tình thuần tính luyện hợp lòng trời.
Muôn cay nghìn đắng nay vừa hết,
Chín giới ba quy mới hẳn rồi,
Ma hết quả nhiên sang đất Phật,
Tai qua nên được thấy Bồng Lai.
Tắm nhơ, rũ bụi, không gì vướng,
Tới gốc về nguồn rất thảnh thơi.
Mấy thầy trò tắm gội xong, trời vừa sẩm tối, bèn đến cả quán cầm tích trượng, lên nhà lạy từ đại tiên. Đại tiên cười nói:
- Hôm qua còn lam lũ, hôm nay đã tươi đẹp như hoa, tướng mạo này thật đáng là Phật tử.
Tam Tạng lạy từ ra đi. Đại tiên nói:
- Hãy thong thả, để tôi đi tiễn người.
Hành Giả nói:
- Bất tất ngài phải tiễn, lão Tôn đã biết đường.
Đại tiên nói:
- Đường ngài biết đó là đường mây, thánh tăng chưa từng đi đường mây, phải đi theo lối đường bộ.
Hành Giả nói:
- Ngài nói đúng, lão Tôn có đi lại mấy lần, chỉ là đi mây về gió, thực chưa được đi theo đường bộ. Đã có đường lối, vậy phiền ngài đưa đi, sư phụ tôi nặng lòng bái Phật, xin chớ chậm trễ.
Vị đại tiên cười hì hì, khoác lấy tay Đường Tăng, tiếp dẫn đưa lên pháp môn. Số là con đường này không ra lối cửa chùa, mà là từ gian giữa quán, đi xuyên qua lối cửa sau.
Đại tiên trỏ lên Linh Sơn nói:
- Thánh tăng hãy xem nơi lưng chừng trời có mây điểm năm sắc, khí đẹp nghìn tầng, đấy là ngọn núi cao Linh Thứu, nơi đất thánh của Phật tổ đấy.
Đường Tăng nhìn thấy sụp lạy.
Hành Giả cười nói:
- Sư phụ, chưa đến nơi lễ bái đâu! Thường có câu: “Trông thấy rồi còn chạy đổ ngựa nữa kia”. Đất thánh của Phật tổ cách đây còn xa lắm, làm sao đã lạy? Nếu lạy đến trên đỉnh, liệu có sầy da trán ra không?
Đại tiên nói:
- Thánh tăng cùng đại thánh, Thiên Bồng, Quyển Liêm, bốn vị đã đến đất phúc, trông thấy non thiêng, tôi xin trở lại.
Tam Tạng vội vàng lạy từ ra đi.
Đại thánh dẫn bọn Đường Tăng, thong thả bước lên núi, đi chưa đến năm sáu dặm, thấy một dòng sông cuồn cuộn, chiều rộng có tới tám chín dặm, chung quanh không có thấy bóng người. Tam Tạng hoảng sợ nói:
- Ngộ Không, đi đường này sai quách rồi, hay là đại tiên trỏ lầm chăng? Sông này rộng thế, sóng dữ thế kia, không có đò làm sao qua được?
Hành Giả cười nói:
- Không sao đâu! Thầy không thấy ở đằng kia có một tỏa cầu dài đấy ư? Phải đi sang qua cái cầu ấy mới thành chính quả được.
Bọn Đường Tăng đi đến gần ngó nhìn thấy bên cầu có một cái biển, trên biển có ba chữ “Bến Lăng Vân” nguyên là một cái cầu độc mộc. Chính là:
Xa ngắm ngang trời như cột ngọc
Gần nhìn chặn nước một cây già
Ngăn sông ngáng bể làm còn dễ,
Cây một, xà đơn khó vượt qua.
Muôn trượng mây hồng trùm đất rộng
Nghìn tầm lụa trắng tiếp trời xa.
Trơn như dầu đổ khôn qua lại,
Trừ có thần tiên dạo gót hoa…
Tam Tạng kinh hồn mất vía nói:
- Ngộ Không, cầu này không đi được. Chúng mình hãy tìm lối khác mà đi vậy.
Hành Giả cười nói:
- Chính đường này đây! Chính đường này đây!
Bát Giới hoảng sợ nói:
- Cái lối này, bố ai dám đi! Mặt sông đã rộng, sóng gió lại to, vẻn vẹn có mỗi một cây gỗ, vừa nhỏ vừa trơn, đi làm sao được?
Hành Giả nói:
- Mọi người đứng lại đây, để lão Tôn đi cho mà xem.
Đại thánh giơ chân bước, trèo lên cầu độc mộc, vung vung vẩy vẩy, vụt chốc, đã đi sang qua, đứng ở bên kia cầu gọi to:
- Đi sang! Đi sang!
Đường Tăng xua tay, Bát Giới, Sa Tăng cắn ngón tay nói:
- Khó lắm! Khó lắm!
Hành Giả lại từ bên kia cầu trở về, túm lấy Bát Giới nói:
- Chú ngốc, đi theo tôi, đi theo tôi!
Bát Giới nằm lăn ra đất nói:
- Trơn! Trơn! Trơn! Đi không được! Tha cho tôi! Để tôi cưỡi mây sang qua!
Hành Giả giữ lại nói:
- Ở đây là nơi nào, ai cho chú cưỡi mây? Tất phải theo cầu này đi sang qua, mới được thành Phật.
Bát Giới nói:
- Anh ạ, không được thành Phật thì thôi, thực là không đi được.
Hai người đương đứng ở bên cầu, co co kéo kéo sắp đánh nhau, may có Sa Tăng đến khuyên giải, mới chịu buông nhau ra. Tam Tạng ngoảnh lại chợt thấy ở dưới hạ lưu có một người chèo con thuyền tới, gọi bảo:
- Lên đò! Lên đò!
Trưởng lão rất mừng nói:
- Đồ đệ, đừng cãi nhau nữa. Kia đã có một con thuyền đương chở lại đây rồi.
Cả ba người chạy lại, đứng nhìn đăm đăm. Con thuyền chèo gần đến nơi, té ra là một con thuyền không có đáy. Cặp mắt lửa con ngươi vàng của Hành Giả đã nhận ra vị Phật tổ đón tiếp, còn gọi là Nam Vô Bảo Tràng quang vương phật Hành Giả không dám nói rõ, chỉ hỏi:
- Ở đâu đến thế? Chèo lại đây!
Trong chớp mắt thuyền chèo tới bờ sông. Người chèo thuyền gọi:
- Lên đò! Lên đò!
Tam Tạng trông thấy, trong lòng lo sợ, nói:
- Cái thuyền của ngài không có đáy thế này, đi đến nào được?
Phật tổ nói:
- Thuyền ta đây:
Hồng mông từ thuở nổi thanh danh,
May có ta đây lái rất sành.
Sóng gió mặc dù, thường vững chãi,
Trước sau chi kể, cứ thăng bình.
Bụi nhơ không bợn về riêng lối,
Đời kiếp yên vui mặc thỏa tình.
Không đáy con thuyền qua bể rộng,
Xưa nay tế độ khắp quần sinh.
Tôn đại thánh chắp tay tạ ơn nói:
- Cảm ơn ngài đón tiếp thầy tôi! Sư phụ, lên thuyền đi. Thuyền của ngài đây, tuy không có đáy, nhưng vững chãi, dù có sóng gió, cũng không lật được.
Trưởng lão vẫn còn lo ngại, Hành Giả tréo cánh tay, ẩy một cái, Đường Tăng không gượng được, ngã xuống dưới nước đến tõm một cái, được người lái đò đỡ vội ngay lấy, dắt lên trên thuyền. Sư phụ đương rũ quần áo, giậm chân, oán trách Hành Giả. Hành Giả đã dẫn Bát Giới, Sa Tăng dắt ngựa, quẩy gánh cũng lên trên thuyền, đứng cả ở đằng mũi.
Phật tổ nhẹ nhàng ra tay chèo quay ra, bỗng thấy ở phía thượng lưu có một thây người trôi xuống. Trưởng lão trông thấy hoảng sợ.
Hành Giả cười nói:
- Sư phụ đừng sợ, cái đó nguyên là thầy đấy.
Bát Giới cũng nói:
- Đúng là thầy! Đúng là thầy!
Sa Tăng vỗ tay, cũng nói:
- Đúng là thầy! Đúng là thầy!
Người lái đò giơ tay ra hiệu, cũng nói:
- Chính ngài đấy! Đáng mừng! Đáng mừng!
Cả bọn ba người cùng lên tiếng họa theo một loạt. Đò chèo đi, chỉ một lúc, đã sang qua bến đò tiên Lăng Vân rất yên ổn. Tam Tạng quay người lại, nhẹ nhàng bước lên bờ bên kia. Có thơ làm chứng rằng:
Xương cốt phàm phai đã thoát thân,
Tương thân tương ái một nguyên thần.
Giờ đây hạnh đủ đương thành Phật,
Rửa sạch từ xưa hết bụi trần.
Thế mới thực là phép trí tuệ rộng lớn, đưa thầy trò Đường Tăng sang được cõi Phật.
Bốn thầy trò lên bờ, ngoảnh lại, cả người lái đò và con thuyền không đáy cũng không biết đi đằng nào mất. Lúc ấy Hành Giả mới nói cho biết chính là đức Phật dẫn đường. Bấy giờ Tam Tạng mới tỉnh ngộ, vội quay mình lại tạ ơn ba người đồ đệ.
Hành Giả nói:
- Cả hai bên đều không ai phải tạ ai cả, kẻ này người kia đều giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi nhờ sư phụ giải thoát, mượn đường lối tu hành, may được thành chính quả; sư phụ cũng nhờ chúng tôi bảo hộ, giữ đạo tu hành, mừng thoát khỏi phàm thai tục cốt. Thưa sư phụ, thầy thử xem những cảnh vật cỏ, hoa, tùng, trúc, loan, phượng, hạc, hươu, trước mặt đây, so với những nơi yêu tà biến hóa ra, đâu đẹp đâu xấu, đâu thiện đâu ác?
Tam Tạng khen tạ khôn xiết. Người nào người nấy thân thể nhẹ nhàng đi lên tới Linh Sơn, đã trông thấy chùa cổ Lôi m:
Đỉnh sát tầng Tiêu Hán, chân tiếp mạch Tu Di. Núi khéo xếp vòng la liệt, đá lạ bài trí lô nhô. Cỏ ngọc hoa vàng treo sườn núi, huệ thơm lan tía rợp đường đi. Vượn tiên hái quả báu, thẳng lối vào rừng đào, rầng rậc tựa lửa bốc thiêu vàng; hạc trắng đỗ cây tùng, vắt vẻo đầu cành, cuồn cuộn như khói vòng nâng ngọc. Từng đôi phượng múa, hướng dương vang hót phúc lành nhiều. Từng cặp loan xanh, đón gió xòe tung đời ít có. Lại kìa, mái ngói xếp uyên ương vàng rực rỡ; tường nọ gạch hoa mã não sáng long lanh. Đông một hàng, tây một hàng, hết thẩy đều là vầng cung, châu khuyết. Nam một dãy, bắc một dãy, nhìn không chán những gác báu lầu vàng. Điện Thiên Vương bên trên tỏa hào quang; nhà Hộ Pháp đằng sau phun lửa đỏ. Tháp phủ đồ nổi rõ, hoa sen vàng ngát lừng. Chính là nơi: đất cao kỳ, ngỡ trời riêng biệt; mây lơ lửng, thấy ngày dài ghê. Bụi hồng không bợn, mọi duyên cắt hết. Muôn kiếp vô cùng nơi đại pháp môn.
Mấy thầy trò thẩn thơ đi lên đỉnh núi Linh Sơn, đã thấy ưu bà la liệt dưới rừng thông, thiện sĩ xếp hàng trong khóm trắc. Trưởng lão tới nơi làm lễ chào. Các ưu bà tắc, ưu bà di, Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni kinh hoảng chắp tay nói:
- Thánh tăng chớ vội làm lễ, đợi khi người gặp đức Mầu Ni rồi, xin mới đến nói chuyện.
Hành Giả cười nói:
- Vội thế! Vội thế! Hãy đi bái vị trên đã.
Trưởng lão khua chân múa tay, đi theo Hành Giả, thẳng đến bên ngoài cửa chùa Lôi m. Ở đấy có bốn vị Kim Cương đón tiếp nói:
- Thánh tăng đã đến đấy ư?
Tam Tạng cúi mình nói:
- Vâng! Đệ tử Huyền Trang đã đến.
Đường Tăng trả lời xong, muốn tiến vào cửa.
Kim Cương nói:
- Thánh tăng ngồi tạm đây, để tôi đi bẩm rồi sẽ vào.
Các vị Kim Cương để một vị vào trong chùa báo với bốn vị Kim Cương ở từng cửa thứ hai, nói là Đường Tăng đã đến; từng cửa thứ hai truyền báo cửa thứ ba, nói là Đường Tăng đã đến, ở từng cửa thứ ba nguyên là vị thần tăng làm đồ cúng, nghe nói Đường Tăng đã đến, vội đến trước điện Đại Hùng, báo lên đức Như Lai chí tôn Thích Ca Mầu Ni Văn Phật.
- Vị Thánh tăng bên Đường Triều đi sang bảo sơn lấy kinh, đã tới nơi rồi.
Đức Phật tổ rất mừng, liền triệu tám vị bồ tát, bốn vị kim cương, năm trăm vị la hán, ba nghìn vị yết đế, mười một vị đại diệu, mười tám vị già lam, đến đứng ra hai hàng, rồi truyền chỉ cho triệu Đường Tăng vào. Ở bên ngoài, các tầng các cửa, kính theo chỉ Phật, gọi:
- Mời thánh tăng tiến vào!
Đường Tăng cùng Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh, dắt ngựa quẩy gánh, lễ phép cất bước tiến vào trong nhà. Thực là:
Từ khi phất chí lĩnh khâm sai.
Nhận điệp từ vua đến cõi ngoài.
Buổi sáng lên non chào gió sớm,
Chiều hôm gối đá ngắm mây trôi.
Ba nghìn nước biếc chân khoan bước,
Muôn rậm rừng xanh gậy chống nhoài,
Tạc dạ một niềm tìm chính quả,
Ngày nay mới được gặp Như Lai.
Bốn người đến trước tòa điện báu Đại Hùng, rạp mình lạy xuống, lạy xong lại lạy hai bên tả hữu mỗi lần hai lạy, rồi mỗi người đều lạy quanh ba vòng, sau mới đến quỳ trước Phật tổ, đưa tờ thông quan văn điệp, đệ lên. Như Lai xem hết một lượt, trao trả lại Tam Tạng.
Tam Tạng cúi đầu làm lễ, bạch lên:
- Đệ tử là Huyền Trang, vâng chỉ ý vua Đại Đường Hoàng Đế bên Đông Thổ, sai đến Bảo Sơn, cầu lấy chân kinh, tế độ cho chúng sinh, mong đức Phật tổ ra ơn, ban cho để mang về nước.
Như Lai mới mở cửa miệng từ bi, phát tấm lòng thương xót, nói với Tam Tạng:
- Bên Đông Thổ nhà ngươi thuộc vào Nam Thiêm Bộ châu, chính vì trời cao đất dày, người đông vật lắm, nhiều tham nhiều sát, nhiều dâm, nhiều dối, nhiều lọc, nhiều lừa, không theo Phật giáo, không giữ thiện duyên, không kính Tam Quang, không trọng ngũ cốc, chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nghĩa, chẳng nhân, lừa mình dối dạ, cân nhỏ, đấu to, sát sinh hại mạng, tạo nên ác nghiệt vô biên, tội đầy, ác chật, đến nỗi phải tai ương địa ngục; cho nên đọa mãi dưới u mình, phải chịu xiết bao khổ nạn, giã thịt nghiền xương, biến hóa ra súc vật. Có biết bao nhiêu thân hình đâm lông mọc sừng, đem thân trả nợ, đem thịt nuôi người. Những kẻ bị đọa xuống địa ngục A Tụy, không được siêu thăng, đó đều là vì thế cả. Ở bên ấy dù có họ Khổng lập ra nền giáo nhân nghĩa lễ trí, các vị đế vương nối nhau, hình phạt có bỏ tù, đi đày, thắt cổ, chém chết, nhưng đối với những kẻ ngu xuẩn, dốt nát, ngông dại không kiêng kỵ gì thì làm thế nào được? Nay ta có ba tạng kinh, có thể siêu thoát được khổ nạn, giải trừ được tai khiên. Ba tạng là một tạng Pháp bàn việc trời, có một tạng Luận bàn về đất, có một tạng Kinh siêu độ người chết. Cộng là mươi nhăm bộ, có một vạn năm nghìn một trăm bốn mươi tư quyển. Thực là đường lối chân tu, cửa ngõ chính thiện. Phàm những việc thiên văn, địa lý, nhân vật, chim muông, hoa cỏ, đồ dùng, việc người, ở bốn bộ châu trong thiên hạ không điều gì là không chép. Các ngươi ở xa lại, cũng muốn giao cả cho mà mang về, khốn nỗi những người phương ấy ngu xuẩn, ương ách, phỉ báng chân ngôn, không biết nghĩa xa sâu trong đạo sa môn của ta!
Liền gọi:
- A Nan, Ca Diếp, các ngươi dẫn bốn người đến dưới lầu báu, trước hãy đãi cơm chay, xong mở bảo các ra, đem pho kinh Tang Tạng của ta, trong ba mươi nhăm bộ, chọn lấy mấy quyển giao cho chọ truyền sang Đông Thổ, ghi mãi ơn sau.
Hai tôn giả vâng theo Phật dạy, đưa bốn người đến dưới lầu, xem không xiết vật quý của báu, đã thấy các vị thần sắp đồ cúng đặt bày yến tiệc, toàn là những phẩm tiên, thức ăn tiên, trà tiên, quả tiên, trăm món ngon lành, không giống như phàm tục. Bọn thầy trò làm lễ tạ ơn Phật rồi tùy ý ăn uống.
Lần nay Bát Giới gặp may mắn, Sa Tăng được tiện nghi. Nơi Phật tổ được hưởng thọ trường sinh, bữa cơm đổi da thay cốt, tha hồ hưởng thụ Hai tôn giả ngồi tiếp bốn người, cơm xong lại vào bảo các, mở cửa cho lên xem. Bên trong có ánh sáng vẻ đẹp nghìn từng trùm bọc, mây lành, năm sắc, muôn đạo tràn lan. Trên tủ kính, ngoài hòm báu, đều dán thẻ đỏ, ghi các số mục quyển kinh. Đó là:
Một bộ kinh Niết Bàn 748 quyển
Một bộ kinh Bồ Tát 1021 quyển
Một bộ kinh Hư Không Tạng 4009 quyển
Một bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm 110 quyển
Một bộ kinh Hoa Nghiêm 500 quyển
Một bộ kinh Đại Bát Nhã 916 quyển
Một bộ kinh Vị Tăng Hữu 1110 quyển
Một bộ kinh Tam Luận Biệt 270 quyển
Một bộ kinh Chính Pháp Luận 120 quyển
Một bộ kinh Ngũ Long 32 quyển
Một bộ kinh Đai Tập 130 quyển
Một bộ kinh Pháp Hoa 100 quyển
Một bộ kinh Bảo Thường 220 quyển
Một bộ kinh Tăng Kỳ 157 quyển
Một bộ kinh Khởi Tín Luận 1000 quyển
Một bộ kinh Bảo Uy 1280 quyển
Một bộ kinh Chính Luật Văn 200 quyển
Một bộ kinh Duy Thức Luận 100 quyển
Một bộ kinh n Ý Đại Tập 50 quyển
Một bộ kinh Bảo Tàng 45 quyển
Một bộ kinh Lễ Chân Như 90 quyển
Một bộ kinh Đại Quang Minh 300 quyển
Một bộ kinh Duy Ma 170 quyển
Một bộ kinh Kim Cương 100 quyển
Một bộ kinh Phật Bản Hành 800 quyển
Một bộ kinh Bồ Tát Giới 116 quyển
Một bộ kinh Ma Kiệt 350 quyển
Một bộ kinh Du Già 100 quyển
Một bộ kinh Tây Thiên Luận 130 quyển
Một bộ kinh Phật Quốc Tạp 1950 quyển
Một bộ kinh Đại Trí Độ 1080 quyển
Một bộ kinh Bản Các 850 quyển
Một bộ kinh Đại Khổng Tước 220 quyển
Một bộ kinh Cụ Xã Luận 200 quyển
A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng xem khắp tên các bộ kinh rồi nói với Đường Tăng:
- Thánh tăng từ Đông Thổ đến đây, phải có ít nhiều lễ vật cho chúng tôi chứ! Xin đưa ngay ra đây, mới giao kinh cho.
Tam Tạng nghe đoạn, nói:
- Đệ tử Huyền Trang, đường trường xa cách, chưa hề sắm được.
Hai tôn giả cười nói:
- Tốt! Tốt! Tốt! Kế thế giao kinh công không thế này, người sau đến chết đói mất!
Hành Giả thấy bọn họ giở giọng xoay tiền, không chịu giao kinh, tức không nhịn được kêu lên:
- Sư phụ ạ, chúng mình đi bạch Như Lai, bắt họ từ phải mang kinh đến cho lão Tôn!
A Nan nói:
- Đừng có kêu, ở đây là nơi nào mà nhà ngươi còn bướng bỉnh điêu toa! Lại đây mà nhận lấy kinh!
Bát Giới, Sa Tăng đã quen nén tính nóng nảy, khuyên can Hành Giả, rồi cùng quay đi nhận kinh, từng quyển, từng quyển xếp vào trong khăn gói chất lên mình ngựa, lại chia làm hai gánh, cho Bát Giới và Sa Tăng gánh đi, rồi đều đến trước bảo tọa cúi đầu tạ ơn đức Như Lai, đoạn đi thẳng ra cửa, gặp một vị phật tổ, lạy hai lạy, gặp một pho bồ tát, lạy hai lạy. Ra tới cửa lớn lại làm lễ chào tỳ kheo tăng, ni, ưu bà di, tắc, rồi xuống núi trở về.
Lại nói trên bảo các lại có vị Nhiên Đăng cổ Phật, ngồi ở trên gác, mỏng tai nghe thấy công việc truyền kinh, đã biết rõ ràng bọn A Nan, Ca Diếp đem những kinh không có chữ giao cho thầy trò Đường Tăng, liền cười một mình nói rằng:
- Bọn nhà sư bên Đông Thổ ngu mê, không biết là kinh không có chữ, thánh tăng lặn lội lần này, lại chẳng toi công ư?
Liền hỏi:
- Bên tòa có ai ở đấy không?
Đã thấy Bạch Hùng Tôn Giả đứng ra.
Cổ Phật dặn dò bảo:
- Ngươi khá giở hết thần oai, đuổi theo cho kịp Đường Tăng, bao nhiêu những quyển kinh không có chữ cướp lại hết, bảo chúng hãy trở lại cầu lấy chân kinh có chữ.
Bạch Hùng Tôn Giả cưỡi trận gió lốc, đi ra khỏi ngoài cửa chùa Lôi m, giở hết thần oai, đuổi theo bọn Tam Tạng. Đường Tăng đương đi đường, bỗng nghe thấy gió thơm cuồn cuộn, cư bảo là điềm lành của Phật tổ, chưa kịp đề phòng, lại nghe thấy có tiếng vang, một bàn tay ở trên không trung thò xuống, bao nhiêu kinh chất ở trên mình ngựa nhẹ nhàng nhắc đi hết. Tam Tạng sợ hoảng thót bụng lại kêu la, Bát Giới cắm cổ đuổi theo, Sa Tăng đứng giữ mấy gánh kinh, Tôn Hành Giả cũng chạy đuổi theo như bay.
Vị Bạch Hùng Tôn Giả thấy Hành Giả đuổi gần đến nơi, sợ cây gậy của y không biết nể, nhỡ một khi bất chấp trái phải choảng cho mình một gậy thì sao, liền đem cả gói kinh xé toang ra, vứt tung xuống đất. Hành Giả thấy kinh rơi xuống, lại bị gió thơm thổi bay lung tung, tức thì dừng mây bước xuống giữ lấy kinh, không chạy đuổi theo nữa. Vị Bạch Hùng Tôn Giả theo gió cuốn mây về báo với đức Cổ Phật.
Bát Giới chạy đuổi theo, thấy các bổn kinh rơi xuống, bèn cùng với Hành Giả thu lại đèo lên lưng, đến nơi Đường Tăng. Đường Tăng ứa hai hàng nước mắt nói:
- Đồ đệ ạ! Ở nơi cực lạc thế giới này, cũng vẫn còn ma dữ làm hạ thế!
Sa Tăng đỡ lấy những quyển kinh vừa mang lại, mở ra coi, thấy trắng phau như tuyết, chẳng có một chữ nào hết, hoảng sợ nói với Tam Tạng:
- Sư phụ ạ, quyển này không có chữ!
Hành Giả cũng mở ra một quyển, xem thì cũng không có chữ. Bát Giới mở xem một quyển cũng không có chữ.
Tam Tạng bảo:
- Mở hết cả ra xem nào?
Mọi người cùng mở thì ra quyển nào cũng chỉ có giấy trắng. Trưởng lão thở ngắn than dài nói:
- Người Đông Thổ nhà mình quả là vô phúc, những bản kinh không có chữ như thế này, lấy để làm gì? Về gặp vua Đường thì làm thế nào! Cái tội dối vua thực đáng chết!
Hành Giả thấy vậy đoán biết rõ chuyện, nói với Đường Tăng:
- Sư phụ bất tất nói nhiều! Việc này là vì A Nan, Ca Diếp mấy chú bắt ta phải có lễ, ta không có, cho nên mới đem những bản kinh giấy trắng giao cho chúng mình mang đi. Ta nên trở lại ngay, bạch rõ trước mặt Như Lai, hỏi bọn y cái tội hạch tiền làm bậy.
Bát Giới nói:
- Phải đấy! Phải đấy! Đi kiện họ đi!
Bốn người vội vàng trở về núi, hấp tấp trèo lên chùa Lôi m. Một lúc sau, đã đến bên ngoài cửa, thấy mọi người đều chắp tay đón tiếp, cười nói:
- Thánh tăng trở lại đổi kinh phải không?
Tam Tạng gật đầu tạ, các vị Kim Cương cũng không ngăn cản, để cho đi vào. Đường Tăng thẳng tới bước điện Đại Hùng Hành Giả kêu:
- Bạch Như Lai, thầy trò chúng tôi chịu đựng trăm ma nghìn quái, từ bên Đông Thổ đến được chốn này, ơn Như Lai truyền trao kinh cho, bị A Nan, Ca Diếp hạch tiền không được, thông đồng nhau làm bậy, cố ý đưa những bản kinh giấy trắng không có chữ cho chúng tôi mang về. Chúng tôi đưa những của nợ ấy về làm gì? Mong Như Lai xét cho!
Phật tổ cười nói:
- Nhà ngươi chớ nói ồn lên! Chuyện hai người đó đòi lễ bọn ngươi, ta đã biết rồi. Có điều là kinh không phải ai cũng cho, mà cũng không thể lấy không được. Trước đây, các tỳ kheo thánh tăng xuống núi, cũng đem bộ kinh này đọc hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giữ cho nhà ấy người sống an toàn, người chết siêu thoát, chỉ lấy được của nhà ấy ba đấu ba thăng vàng cốm đem về. Ta vẫn còn bảo bọn họ bán rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà dùng.[81] Các ngươi ngày nay tay không đến cầu, cho nên họ mới đưa quyển trắng. Những bản giấy trắng đó, là chân kinh không có chữ, cũng là một thứ tốt. Vì chúng sinh bên Đông Thổ nhà ngươi, ngu mê không tỉnh, chỉ nên truyền cho như thế thôi.
Liền gọi:
- A Nan, Ca Diếp, mau đem những bộ chân kinh có chữ ra đây, trong mỗi bộ chọn lấy mấy quyển cho thầy trò Đường Tăng, rồi trở về đây báo lại ngay.
Hai Tôn Giả lại dẫn bốn người đến dưới lầu ngọc, gác báu, nhưng vẫn đòi Đường Tăng phải đưa tiền lễ. Tam Tạng không có gì dâng kinh, đành phải bảo Sa Tăng lấy bát tộ bằng vàng tía, hai tay dâng lên nói:
- Đệ tử quả là đường xa nghèo túng, không hề sắm được lễ vật. Bát tô này chính tay vua Đường tặng cho, bảo đệ tử giữ lấy để đi xin ăn dọc đường, nay xin đem dâng tỏ chút lòng thành, cúi mong tôn giả thu lấy, đợi về triều tâu lên vua Đường xin sẽ hậu tạ. Chỉ cầu ngài lấy chân kinh ban cho, để khỏi phụ ý khâm sai và công phu đường xa lặn lội.
Vị A Nan đỡ lấy, chỉ chúm chím cười nụ. Mấy người lực sĩ coi lầu ngọc, mấy người đầu bếp ở bếp Hương Tích, thấy tôn giả như vậy, người vuốt mặt, kẻ đập lưng, nào xói tay, nào bĩu mồm cười rộ nói:
- Rõ bêu! Rõ bêu! Lại đi hạch lạc, đòi ăn lễ cả người lấy kinh.
A Nan hổ thẹn, mặt mũi dăn dúm, nhưng tay vẫn giữ chặt lấy cái bát tộ.
Ca Diếp mời thầy trò Tam Tạng vào trong gác kiểm kinh, lấy các thứ soạn ra đưa cho Tam Tạng. Tam Tạng liền gọi:
- Đồ đệ đâu, chúng con phải xem lại cẩn thận, đừng để như lần trước.
Ba người đỡ lấy từng quyển, xem lại từng quyển, quyển nào cũng đều có chữ. Tất cả một nghìn linh bốn mươi tám quyển, đủ số một tạng kinh, xếp bằng bặn chất lên mình ngựa, còn dư bao nhiêu, bó làm một gánh để Sa Tăng quẩy, Bát Giới thì gánh hành lý của nhà, Hành Giả dắt cương ngựa, Đường Tăng chống gậy tích trượng, ấn mũ tỳ lư, phủi bụi áo cầm cà sa, rồi vui vẻ đi đến trước mặt đức Phật tổ. Chính thực là:
Đại tạng chân kinh rất nhiệm mầu.
Như Lai ghi chép có tường đâu.
Huyền Trang trèo núi mòn chân ngựa.
Ca Diếp vòi tiền trớ mặt trâu
Lần trước chưa tưởng nhờ Cổ Phật,
Phen này nhận rõ mới tin nhau.
Từ đây đắc ý về Đông Thổ
Mưa móc nhiều người được thấm sâu!
A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng đến ra mắt Như Lai. Như Lai ngồi trên tòa sen truyền lệnh hai vị đại la hán Hàng Long và Phục Hổ đánh khánh vàng, mời hết ba nghìn chư phật, ba nghìn yết đế, tám kim cương, bốn bồ tát, năm trăm la hán, tám trăm tỳ kheo tăng, các ưu bà di, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, các trời, các động, đất phúc núi thiêng, các tôn giả thánh tăng, lớn nhỏ, có người được mời ngồi lên bảo tọa, có người phải đứng hầu ở hai bên. Trong một lúc, khúc nhạc xa xa, điệu tiên lanh lảnh, rợp trên không mây lành rừng rực, khí đẹp trùng trùng, đủ mặt chư phật đều đến ra mắt Như Lai.
Như Lai nói:
- A Nan, Ca Diếp, truyền cho bọn y được bao nhiêu kinh, nhất nhất báo lại cho rõ:
Hai tôn giả liền khai báo:
- Hiện giao cho Đường Tăng:
- Kinh Niết Bàn 400 quyển
- Hư Không Tạng 20 quyển
- n Ý Đại Tập 40 quyển
- Bảo Tàng 20 quyển
- Lễ Chân Như 30 quyển
- Đại Quang Minh 50 quyển
- Duy Ma 30 quyển
- Kim Cương 1 quyển
- Chính Pháp Luận 20 quyển
- Bồ Tát Giới 60 quyển
- Ma Kiệt 140 quyển
- Du Già 30 quyển
- Tây Thiên Luận 30 quyển
- Phật Quốc Tạp 1638 quyển
- Đại Trí Độ 90 quyển
- Bồ Tát 360 quyển
- Thủ Lăng Nghiêm 30 quyển
- Quyết Định 40 quyển
- Hoa Nghiêm 81 quyển
- Đại Bát Nhã 600 quyển
- Vị Tăng Hữu 550 quyển
- Tam Luật Biệt 42 quyển
- Phật Bản Hành 116 quyển
- Ngũ Long 20 quyển
- Đại Tập 30 quyển
- Pháp Hoa 10 quyển
- Bảo Thường 170 quyển
- Tăng Kỳ 110 quyển
- Khởi Tín Luận 50 quyển
- Bảo Uy 140 quyển
- Bản Các 56 quyển
- Đại Khổng Tước 14 quyển
- Cụ Xá Luận 10 quyển
- Chính Luận Văn 10 quyển
- Duy Thức Luận 10 quyển
Tổng số kinh tạng, cộng ba mươi nhăm bộ, rút ở trong các bộ ra, được năm nghìn linh bốn mươi tám quyển, trao cho thánh tăng bên Đông Thổ lưu truyền ở nhà Đường. Hiện đã thu xếp ngựa thồ người gánh, đâu đấy sẵn sàng, chỉ đợi tạ ơn.
Bốn thầy trò Tam Tạng, kẻ buộc ngựa, người hạ gánh, mọi người đều chắp tay cúi mình, chầu lên trên lễ bái.
Như Lai nói với Đường Tăng rằng:
- Công đức pho kinh này, không có thể cân lường được. Tuy là gương mẫu của môn ta, nhưng chính gốc nguồn trong tam giác. Về đến Nam Thiêm Bộ Châu, nhà ngươi bảo với hết thảy chúng sinh, không được coi thường. Không tắm gội chay tịnh, không được mở kinh. Phải quý hóa, phải trân trọng, vì trong đó có những phép mầu nhiệm đắc đạo thành tiên, có những phương lạ phát minh muôn vật.
Tam Tạng cúi đầu tạ ơn, vâng lệnh làm theo, lễ khắp Phật tổ ba vòng như lần trước, nhận lời giáo giới, lĩnh kinh ra về, đi đến lần cửa chùa thứ ba, nhất nhất tạ ơn hết thảy các thánh.
Như Lai cho Đường Tăng ra về. Lễ truyền kinh cũng xong, Quan Thế m Bồ Tát ở bên cạnh bước ra chắp tay bạch lên Phật tổ nói:
- Thuở trước đệ tử vâng lời vàng đến Đông Thổ tìm người đi lấy kinh, tất cả là mười bốn năm[82] nay đã thành công, mới có năm nghìn linh bốn mươi ngày, còn thiếu tám ngày không hợp với số tạng kinh, xin chuẩn cho đệ tử lại kế tiếp vâng lệnh chỉ.
Như Lai rất mừng nói:
- Lời xin rất đúng!
Liền gọi tám vị Kim Cương dặn bảo:
- Các người dùng ngay thần oai, hộ tống thánh tăng về phương đông, đưa chân kinh ra truyền lưu lại rồi liền dẫn thánh tăng về đây ngay, chỉ ở trong vòng tám ngày cho tròn số một tạng. Không được chậm trễ!
Các vị Kim Cương lập tức đi theo Đường Tăng gọi bảo:
- Những người đi lấy kinh, hãy theo ta!
Bọn Đường Tăng đều thân thể nhẹ nhàng, phất pha phất phới, cười trên từng mây, đi theo các vị Kim Cương. Đó mới là:
Tính sáng lòng không chầu Phật tổ,
Công hoàn, hạnh đủ, khắc bay lên.
Chưa biết về bên Đông Thổ truyền dạy thế nào, xem tới hồi sau sẽ rõ.
Chú thích
[81] Trong bài tựa mở đầu, có dẫn lời Phật Như Lai về việc này, câu dịch chưa được sát nghĩa. Xin các bạn coi câu dịch này là đúng và sửa chữa cho.
[82] Trong bài tựa “Ba lần đọc Tây Du” có chép là 17 năm. Nay đính chính lại cho đúng là 14 năm. Mong các bạn sửa dùm cho.