Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín mươi bẩy

Trả của cải gây thêm ác họa
Hiệu u hồn cứu giúp chân tu


Không nói chuyện Đường Tăng đợi ở trong nhà Hoa Quang đổ nát, khổ cực chịu ẩn mưa một đêm. Hãy nói chuyện trong thành huyện Địa Linh, phủ Đồng Đài có một lũ hung đồ vì chơi bời, rượu chè, cờ bạc, phá tán hết gia tư, không còn gì ăn tiêu, bèn tụ bạ nhau mươi lăm đứa đi ăn cướp. Chúng bàn tính xem trong thành những nhà nào là tài chủ giàu bực nhất, những nhà nào là tài chủ giàu bậc thứ hai, để đi ăn cướp lấy ít vàng bạc tiêu xài. Trong bọn có đứa nói:

- Không cần phải dò la, cũng chẳng cần bàn tính, hiện nay chỉ có nhà lão Khấu viên ngoại vừa mới tiễn chân vị hòa thượng bên Đường Triều, là rất giàu có. Nhân đêm trời mưa, người trong phố không ai đề phòng, bọn lính canh cũng chẳng đi tuần, chúng mình đến đấy sửa một mẻ, cướp lấy ít của làm vốn để chúng mình trai gái, cờ bạc, há chẳng tốt ư?

Bọn cướp vui vẻ nghe theo, cùng nhau mang mã tấu, tay thước, gậy gộc, thừng chão, ống hồng, đội trời mưa lần đến phá cửa nhà lão Khấu, hò reo ồ vào. Cả nhà hoảng hồn, người lớn người bé, người già người trẻ, đều bỏ trốn sạch. Bà già nằm ép ở gậm giường, ông lão chạy ra đằng sau cửa, Khấu Lương, Khấu Đồng cùng mấy chị con gái thân cận đều run sợ liều mạng trốn chạy tán loạn. Bọn kẻ cướp cầm dao, bật hồng lên, bao nhiêu hòm xiểng cậy bật ra hết, những thứ bạc, vàng, vật báu, trâm lược, áo xiêm, nồi sanh các thứ, vơ vét nhẵn.

Viên ngoại tiếc của, không đành dạ, chạy ra ngoài cửa, kêu van với bọn kẻ cướp:

- Lạy các vị đại vương, xin các ngài lấy đủ dùng thôi, còn để lại cho tôi một ít quần áo, cho già này dùng khi tống chung.

Bọn kẻ cướp kia không để cho nói, chạy sấn đến, đá luôn một cái vào hạ bộ Khấu viên ngoại, viên ngoại ngã lăn quay ra đất. Thương hại thay, ba hồn trôi dạt về âm phủ, bảy vía lơ vơ biệt cõi đời!

Bọn cướp lấy được của rồi chạy thoát ra khỏi nhà họ Khấu, bắc thang dây ở chân thành, chuyển các thức ra bên ngoài rồi đội mưa luôn đêm theo hướng tây chạy miết.

Kẻ ăn người ở nhà họ Khấu thấy bọn cướp đi rồi, mới dám ngó ra, đi xem xét đã thấy viên ngoại già nằm chết ở dưới đất. Mọi người òa lên khóc:

- Trời đất ơi! Ông chủ nhà bị đánh chết rồi!

Tất cả gục vào thây ma than khóc, rất đỗi thương xót. Vào khoảng canh tư, bà vợ nghĩ giận Đường Tăng không nhận sự cúng dạng của mình, vì chưng tiễn tống bọn y quá linh đình nên mới gây ra tai vạ này, bèn sinh lòng oán ghét Đường Tăng, định hãm hại bốn người đó. Mụ bèn đỡ lấy Khấu Lương nói:

- Con ơi, đừng khóc nữa. Bố chúng con ngày nay nuôi sư, ngày mai cũng nuôi sư, có biết đâu ngày nay được viên mãn, nuôi được một bọn sư làm cho mất toi mạng đấy!

Anh em y nói:

- Thưa mẫu thân, thế là nghĩa làm sao?

Bà mẹ nói:

- Thấy cướp hung tợn sấn vào trong phong, mẹ vội vàng chui xuống gậm giường, run lẩy bẩy, để ý nhìn vào chỗ có lửa trông thấy rất rõ ràng. Chúng con bảo cướp là ai? Bật hồng đó là Đường Tăng, cầm dao chính là Trư Bát Giới, lấy vàng bạc thì là lão Sa hòa thượng, đánh chết bố con đúng là Tôn Hành Giả.

Hai con nghe lời, đều cho là thực nói:

- Mẫu thân đã trông thấy rõ ràng như vậy, tất nhiên là có. Bốn người nọ ở lại nhà ta đã nửa tháng trời, cửa nhà lối ngõ nhà ta, chỗ nào là họ không tỏ, thấy của động lòng cho nên nhân đêm trời mưa, trở lại nhà mình, đã ăn cướp tiền của, lại sát hại phụ thân, thực là độc ác! Đợi sáng mai sẽ làm đơn đệ lên phủ đường, kiện chúng mới được.

Khấu Đống lại nói:

- Đơn kiện phải viết như thế nào?

Khấu Lương nói:

- Cứ theo như lời mẫu thân, mà viết rằng: “Đường Tăng bật ống hồng, Bát Giới kêu giết người, Sa hòa thượng ăn cướp vàng bạc mang đi, Tôn Hành Giả đánh chết phụ thân mình”.

Người trong nhà bàn tán cho mãi đến sáng, một mặt cho đi mời họ đương, mua sắm quan tài, một mặt anh em Khấu Lương đệ đơn lên phủ đường.

Nguyên quan thứ sử chính đường đại nhân phủ Đồng Đài là người:

Bình sinh ngay thẳng, vốn tính hiền lành, hồi ít tuổi đọc sách nơi án tuyết[77] khi lớn khôn đối sách dưới kim loan. Tên ghi thanh sử [78], để nghìn năm, Cung, Hoàng lại hiện; tiếng dậy hoàng đường [79] truyền muôn thuở, Trác, Lỗ [80] tái sinh.

Lúc bấy giờ, quan phủ đang ngồi ở công đường, phân phát xong các việc công đâu đấy, liền sai khênh bài đầu đơn kiện ra: anh em Khấu Lương bưng bài đi vào, quỳ gối kêu to nói:

- Bẩm quan lớn, lũ chúng con đến kêu về việc trọng tội kẻ cướp lấy của giết người.

Quan thứ sử cầm đơn xem, hết điều này điều khác, tình nọ tiết kia, rồi gạn hỏi:

- Hôm qua có người đồn rằng nhà các anh nuôi sư đã viên mãn, nuôi được bốn vị cao tăng, là la hán nhà Đại Đường bên Đông thổ, phường trống phường kèn tiễn đưa rất là linh đình, làm sao lại xảy ra sự tình thế này?

Bọn Khấu Lương rạp đầu nói:

- Bẩm quan lớn, phụ thân chúng con là Khấu Hồng, nuôi sư đã hai mươi bốn năm, nay có bốn nhà sư này ở phương xa đến, vừa đủ cái số một vạn. Nhân thể làm lễ viên mãn, phụ thân chúng con giữ bọn họ ở lại một tháng, vì thế đường ra lối vào, cửa lớn, cửa nhỏ, chúng đều thông thuộc cả. Ban sáng tiễn đi, đến đêm chúng trở lại, nhân khi trời mưa đêm tối, chúng bật hồng, vác gậy, sấn vào nhà trong, cướp hết vàng bạc, của báu, quần áo, trâm hoa, lại đánh cha chúng con chết lăn ra đất. Cúi mong quan lớn xét xử cho lũ dân ngu!

Quan phủ nghe nói, liền điểm những quân kỵ bộ giỏi cùng tuần phiên đinh tráng cộng cả là một trăm năm mươi người, đều cầm khí giới sắc nhọn, đi ra cửa tây đuổi theo bốn thầy trò Đường Tăng.

Lại nói bốn thầy trò, chịu dột ở dưới gian nhà bẹp trong Hoa Quang hành viện cho đến sáng ngày, mới ra khỏi cửa, theo đường sang tây. Lũ cường đạo vừa ăn cướp nhà lão Khấu hồi đêm, ra khỏi ngoài thành lại cũng đi theo con đường cái sang tây phương. Chúng đi suốt đêm đến sáng ngày, quá Hoa Quang viện về mé tây, có tới hơn hai mươi dặm đường xa, lẩn trốn vào trong hốc núi, chia nhau vàng bạc các thứ. Chưa chia xong chợt thấy bốn thầy trò Đường Tăng cũng thuận đường đi tới, bọn kẻ cướp vẫn chưa biết chán, liền trỏ vào Đường Tăng nói:

- Bọn đó không phải là bọn hòa thượng tiễn đi hôm qua đấy ư?

Bọn cướp lại cười nói:

- Đến vừa hay! Đến vừa hay! Chúng mình buôn luôn cả cái món hời vô thiên vô địa này nữa. Mấy chú hòa thượng đi đường trường tới đây, lại ở nhà lão Khấu đã lâu, chẳng biết trong mình có bao nhiêu của cải, chúng mình phải bắt cho kỳ được, cướp hết tiền của, lấy cả ngựa bạch đem chia nhau, lại chẳng phải là việc vừa lòng thỏa chí ư?

Bọn cướp bèn cầm binh khí, thét to lên một tiếng chạy lên đường cái, đứng sắp hàng chữ nhất, quát to nói:

- Hòa thượng kia, không được chạy, đưa ngay tiền mãi lộ đây, ta tha chết cho! Hễ hé răng nói nửa tiếng “không” thì cho mỗi chú mỗi nhát dao, không còn chỗ sống!

Đường Tăng sợ hãi ngồi trên mình ngựa run lẩy bẩy, Sa Tăng cùng Bát Giới hoảng hồn, nói với Hành Giả:

- Làm thế nào? Làm thế nào? Đã chịu khổ nửa đêm trời mưa rào, sáng ra lại gặp lũ kẻ cướp chẹn lối, thực là “họa vô đơn chí”!

Hành Giả cười nói:

- Sư phụ đừng sợ, các chú chớ lo, để lão Tôn đến hỏi chúng một lời xem sao?

Đại thánh thắt gọn quần da hổ, vuốt ve lại áo dài vải bông, đi tới gần, khoanh tay trước ngực nói:

- Các ngươi làm cái trò gì thế?

Quân cướp quát nói:

- Thằng này không biết thế nào là sống chết, dám đến hỏi ta! Dưới trán mi không có mắt hay sao mà không nhận biết ta đây là đức đại vương! Đưa ngay tiền mãi lộ đây, mới tha cho mi đi!

Đại thánh nghe lời, hớn hở vui cười nói:

- Té ra các ngươi là bọn lẩn bụi rậm, ăn cướp đường!

Bọn cướp điên tiết thét:

- Chặt đầu!

Hành Giả vờ làm ra vẻ sợ hãi nói:

- Thưa đại vương! Thưa đại vương! Chúng tôi là nhà sư tu ở nơi thôn quê, không biết ăn nói lỡ xúc phạm, xin đừng quở, đừng quở! Nếu cần tiền mãi lộ, đừng có hỏi ba người kia, cứ tôi mà hỏi. Tôi là người giữ sổ sách, phàm những việc tiêu tiền giữ tiền, hoặc đi ăn xin, hoặc người bố thí được bao nhiêu, ở cả trong khăn gói, tay nải này, một tay tôi chi thu cả. Cái người cưỡi ngựa kia, tuy là sư phụ tôi, nhưng chỉ biết đọc kinh, chứ không biết trông nom công việc, tài sắc đều quên hết cả, không có tý gì. Cái người mặt đen ấy, là một kẻ hậu sinh mới thu được ở giữa đường, chỉ biết nuôi ngựa. Cái anh mồm dài kia, là người đi ở thuê cho tôi, chỉ biết quẩy gánh. Các ngài cho ba người ấy đi, tôi sẽ đem hành lý đồ vật, biết hết các ngài.

Quân kẻ cướp nói:

- Các chú hòa thượng này cũng có vẻ thật thà đôi chút đấy! Nếu đã vậy, tha cho chú, bảo ba người kia buông hành lý xuống, cho chúng đi qua!

Hành Giả ngoảnh đầu đưa mắt ra hiệu, Sa Tăng liền buông ngay gánh hành lý xuống, dắt cương ngựa cho sư phụ, cùng với Bát Giới đi thẳng sang Tây. Hành Giả cúi đầu mởi khăn gói ra, bốc nắm cát bụi ở dưới đất, tung lên một cái, đọc câu thần chú, tức là làm phép định thân, quát một tiếng “im”.

Cả bọn cướp - có ba mươi tên - đứa nào đứa ấy nghiến chặt răng lại, trợn cả mắt lên, giang hai tay ra, đứng thẳng đờ người, chẳng nói năng gì, không cựa quậy được.

Hành Giả chạy ra đầu đường gọi to:

- Sư phụ, trở lại đây! Trở lại đây!

Bát Giới hoảng sợ nói:

- Hỏng rồi! Hỏng rồi! Không khéo sư huynh cúng chúng mình ra rồi! Trong mình anh ấy không có tiền tài, khăn gói, đào đâu ra vàng bạc, nhất định là gọi sư phụ lấy ngựa cho chúng nó, gọi chúng mình để lột lấy quần áo!

Sa Tăng cưới nói:

- Anh hai chớ tán nhảm, anh cả có phải là người dễ cho người khác lòe được đâu! Từ trước, biết bao ma thiêng quỷ độc, anh còn thu phục nổi, mấy thằng giặc cỏ này thì làm trò gì? Anh ấy gọi trở lại, hẳn có chuyện chi đó, ta trở lại ngay xem sao?

Trưởng lão nghe nói, vui vẻ quay ngựa, đến bên cạnh, gọi hỏi:

- Ngộ Không, có việc gì mà gọi ta trở lại?

Hành Giả nói:

- Mọi người thử nhìn lũ kẻ cướp này xem thế nào?

Bát Giới đến gần ẩy chúng nó, gọi bảo:

- Quân ăn cướp! Tại sao chúng bay không cựa quậy đi?

Bọn giặc vẫn đứng ngay đờ, chẳng biết chi hết, chẳng nói chẳng rằng.

Bát Giới nói:

- Quân này hóa si ngốc rồi!

Hành Giả cười nói:

- Đó là lão Tôn dùng phép định thân bắt chúng nó đứng im như vậy đấy.

Bát Giới nói:

- Mới định có thân chứ chưa cấm khẩu, cớ sao chúng lại không nói ra tiếng được?

Hành Giả nói:

- Mời sư phụ hãy xuống ngựa ngồi đây. Thường có câu: “Chỉ có bắt nhầm, không có tha nhầm”. Anh em ơi, các chú quật ngã chúng nó xuống đất, trói hết lại bắt chúng nó khai một tờ khẩu cung, xem chúng nó là lũ kẻ cướp non tay, hay là đã lõi đời.

Sa Tăng nói:

- Không có thừng chão.

Hành Giả tiến vào, lấy lông tơ hô biến, biến làm ba mươi sợi thừng, quật cả bọn ngã lăn ra một lượt, trói rúm bốn vó lại. Xong đó lại đọc câu thần chú giải tỉnh, lũ kẻ cướp dần dần tỉnh lại.

Hành Giả mời Đường Tăng ngồi ở trên, ba người đều cầm binh khí quát hỏi:

- Giặc cỏ kia! Cái tụi chúng bay có bao nhiêu đứa? Làm nghề này đã mấy năm rồi. Ăn cướp được bao nhiêu của cải? Có giết hại ai không? Còn là sơ phạm hay đã tái phạm, tam phạm rồi?

Lũ kẻ cướp trả lời:

- Xin gia gia tha chết cho!

Hành Giả nói:

- Không kêu van, cung thực ra ngay!

Quân cướp nói:

- Thưa lão gia, chúng con không phải là đã quen nghề đi ăn cướp, vốn là con nhà tử tế, chỉ vì đớn hèn, rượu chè, cờ bạc, trai gái, cơ nghiệp ông cha để lại phung phá đến hết. Bấy lâu dông dài không làm lụng gì, nên không có tiền tiêu. Nhân hỏi dò được trong thành phủ Đồng Đài có lão Khấu viên ngoại nhà rất hào phú, nên đêm qua mưa rào, trời tối, chúng con rủ nhau đến ăn cướp, lấy được một ít vàng bạc và đồ phục sức. Chúng con đương chia nhau tang vật trong hốc núi ở lối núi bên Bắc kia, chợt thấy các vị lão gia đi tới, trong bọn có đứa nhận ra là những người mà Khấu viên ngoại mới tiễn chân thì hẳn là có nhiều của báu; lại thấy gánh hành lý nặng nề, ngựa bạch chạy khỏe, nên sinh lòng tham, ra chặn giữ lại. Dè đâu lão gia pháp lực thần thông, quảng đại, bắt chúng con trói lại. Muôn trông lão gia từ bi, thu lấy những tài vật của kẻ ăn cướp, tha tính mạng cho chúng con nhờ!

Tam Tạng nghe nói là tài vật của nhà họ Khấu sợ hét lên một tiếng hoảng hốt đứng dậy nói:

- Ngộ Không, cụ Khấu viên ngoại rất mực làm lành, sao lại gặp tai ách thế này?

Hành Giả cười nói:

- Chỉ vì khi tiễn chân chúng mình, viên ngoại lại bày ra dù che ngựa cưỡi, chuông trống nhã nhạc om sòm, nên gợi mối thèm thuồng cho người ta, vì vậy bọn này mới đến lấy cướp. Nhưng hãy còn may, gặp được chúng mình đây, bao nhiêu vàng bạc, đồ trang sức lấy lại cho được hết.

Tam Tạng nói:

- Chúng ta quấy quả nhà họ nửa tháng, cảm kích ơn dày, chưa có gì báo đáp, chi bằng đem ngay mọi của cải này đưa về trả lại nhà họ, chẳng là một việc tốt ư?

Hành Giả vâng theo, cùng với Bát Giới, Sa Tăng vào trong hốc núi khuân hết tang vật ra. Thu thập xong, xếp lên lưng ngựa, bảo Bát Giới gánh thêm một quẩy vàng bạc, Sa Tăng thì quẩy gánh hành lý của nhà. Hành Giả muốn đem cả lũ kẻ cướp kia đánh mấy gậy cho chết hết đi, nhưng lại sợ sư phụ oán trách, mình giết hại tính mạng người, nên rùng mình một cái, thu lông tơ lại. Bọn cướp được cởi trói chân tay, lổm ngổm bò dậy, đứa nào đứa ấy tìm bờ lau bụi cỏ chạy trốn hết cả.

Đường Tăng quay ngựa trở lại, mang tài vật về trả viên ngoại. Đi lần này khác nào thiêu thân bay vào ngọn lửa, thân chịu tai ương. Có thơ làm chứng rằng:

Ơn trả bằng ơn đời hiếm có,

Lại đem ơn nghĩa hóa thù hằn!

Với người chết đuối thường khi mắc,

Nghĩ kỹ mà làm khéo lụy thân.

Bọn thầy trò Tam Tạng đang mang những thứ vàng bạc, đồ phục trang quay lại, chợt trông thấy đoàn người mang gươm giáo tua tủa đi tới.

Tam Tạng hoảng sợ nói:

- Đồ đệ, chúng con xem những binh khí tua tủa đang tới kia, lành giữ thế nào?

Bát Giới nói:

- Tai vại tới nơi rồi! Những đứa kẻ cướp vừa được tha ra, đã đi lấy binh khí và rủ thêm người đến đánh lại chúng mình đó.

Sa Tăng nói:

- Anh hai ạ, những người đương đi lại đây không phải là quân kẻ cướp. Anh cả, anh thử nhìn kỹ xem.

Hành Giả buồn rầu nói nhỏ với Sa Tăng:

- Tai nạn sư phụ lại đến nơi rồi, đấy tất nhiên là bọn quan binh đi đuổi cướp!

Nói chưa dứt lời, bọn quân lính ập đến trước mặt bổ vòng vây quây chặt lấy cả bốn thầy trò vào trong và nói:

- Bọn hòa thượng này, đã ăn cướp đồ vật nhà người ta mà vẫn còn nghênh ngang ở đây ư!

Bọn chúng bèn chạy ùa tới, trước tiên lôi Đường Tăng ở trên ngựa xuống, lấy thừng trói lại, sau bắt bọn Hành Giả ba người, cũng trói cả làm một xâu, xỏ vào đòn, hai người khiêng một, dồn cả ngựa, cướp cả gánh, trở về phủ thành. Chỉ thấy:

Đường Tam Tạng run run sợ sợ, sùi sụt, cứng mồm; Trư Bát Giới cảu nhảu càu nhàu, trong lòng oán trách. Sa hòa thượng mặt buồn rười rượi, đang nghĩ lung tung; Tôn Hành Giả miệng cười hì hì, muốn giở thủ đoạn.

Trong chốc lát, bọn quan binh đã về đến phủ thành, giải tất cả lên công đường trình báo:

- Bẩm quan lớn, dân đinh chúng con đã bắt được lũ kẻ cướp giải về đây!

Quan phủ ngồi trên công đường, ban thưởng công cho dân đinh, kiểm điểm lại tang vật, sai gọi nhà họ Khấu đến lĩnh về, lại cho đem Tam Tạng đến trước nha hỏi tội:

- Bọn hòa thượng nhà các ngươi, ngoài miệng thì nói là từ Đông Thổ xa xôi đi sang Tây Thiên bái Phật, té ra là vờ vĩnh để dò xét đường đi lối lại, ăn cướp nhà người ta.

Tam Tạng nói:

- Xin quan lớn soi xét, bần tăng thực không phải kẻ cướp, quyết không dám giả dối! Tôi hiện thông quan, văn điệp mang theo để nghiệm xét, chỉ vì ông Khấu viên ngoại nuôi chúng tôi nửa tháng trời, tình sâu nghĩa nặng, dọc đường chúng tôi gặp lũ cường đạo, lấy lại được những của cải chúng đã ăn cướp của nhà họ Khấu, định đem về trả lại chủ cũ để đền ơn, dè đâu bọn dân định vây bắt, bảo là kẻ cướp, chúng tôi thực không phải là kẻ cướp, xin quan lớn minh xét.

Quan Phủ nói:

- Bọn các ngươi bị quân quan bắt được, còn dẻo miệng à? Đã gặp giặc ở dọc đường, tại sao không bắt cả người giải về, vừa báo quan vừa báo ơn? Tại sao chỉ trơ có bốn thầy trò? Ngươi phải biết, trong đơn tố mất trộm Khấu Lương kêu đây, chỉ rõ tên nhà ngươi, ngươi còn chối cãi gì?

Tam Tạng nghe nói, khác nào để bể cả lật thuyền, hồn xiêu phách lạc, gọi:

- Ngộ Không, sao con không lên mà biện bạch?

Hành Giả nói:

- Có tang chứng rõ ràng, còn biện bạch gì nữa!

Quan Phủ nói:

- Đúng rồi, tang chứng rõ ràng, còn chối cãi gì!

Liền gọi lính hầu:

- Lấy cái đai đầu lại đây, đem tên cướp trọc ra đóng đai vào sọ y rồi hãy đánh!

Hành Giả phát sợ, trong bụng nghĩ thầm:

- Sư phụ mắc phải nạn này, ta không thể để người chịu trăm phần cực khổ được!

Y thấy bọn lính lệ nhặt nhạnh dây rợ, kết một cái đai, liền vội vàng nói lên:

- Xin quan lớn đừng đánh đai lên đầu vị hòa thượng ấy. Ăn cướp nhà họ Khấu đêm qua, đốt đèn cũng là tôi, cầm dao cũng là tôi, cướp của cũng là tôi, giết người cũng là tôi. Tôi chính là tướng cướp, cần đánh cứ đánh tôi, không can gì đến bọn họ. Chỉ bắt tôi là đủ.

Quan Phủ nghe nói hạ lệnh:

- Vậy đánh đai đầu tên ấy trước!

Bọn lính lệ đều chạy đến, chụp cái đai lên đầu Hành Giả, rút chặt lại liền nghe đánh rắc một cái, cái đai đứt phăng ra. Lại kết lại đóng, đai cứ đứt phăng phăng, luôn ba bốn cái liền mà da đầu Hành Giả không dăn dúm tí nào cả. Chúng vừa sắp đi đổi lấy dây rợ, đan cái khác, đã nghe thấy có người vào trình báo:

- Thưa quan lớn, cụ lớn Trần Thiếu Bảo ở trong kinh tới nơi xin mời quan lớn ra ngoài thành đón tiếp.

Quan Phủ liền sai để lại phòng hình:

- Đem giam lũ cướp này lại, canh giữ cẩn mật, để ta đi đón tiếp quan trên, rồi sẽ đem tra khảo.

Bọn đề lại phòng hình liền dồn bốn thầy trò Đường Tăng vào trong nhà giam. Bát Giới, Sa Tăng quẩy gánh hành lý của nhà theo vào ngục thất.

Tam Tạng nói:

- Đồ đệ, họ bắt đi đâu thế này hử?

Hành Giả cười nói:

- Sư phụ cứ vào! Cứ vào! Trong đó không có tiếng chó cắn, tha hồ chơi đùa thỏa thích.

Thương hại thay bốn người bị đem tống giam, người nào người nấy bị ẩy vào một cái cũi xép, bị đá phốc vào bụng, tát vào mặt, thoi vào ngực. Những đứa canh giữ cũng xông lại đánh đấm túi bụi.

Tam Tạng đau khổ không chịu nổi, kêu la:

- Ngộ Không, làm thế nào? Làm thế nào?

Hành Giả nói:

- Chúng đánh để vòi tiền đấy. Thường có câu “Chỗ tốt yên thân, chỗ xấu dùng tiền”, bây giờ cho chúng ít tiền là êm chuyện.

Tam Tạng nói:

- Ta đào đâu ra tiền?

Hành Giả nói:

- Không có tiền, gán quần áo cũng được, thầy cứ đem tấm áo cà sa cho chúng vậy.

Tam Tạng nghe nói, đau đớn như dao cắt ruột. Một lúc lâu bị chúng đánh đau quá không chịu nổi, đành phải nghe theo và nói:

- Ngộ Không, tùy ý con đấy.

Hành Giả liền kêu:

- Thưa các quan, bất tất phải đánh! Ở trong hai cái khăn gói chúng tôi gánh vào đây, có một tấm cà sa vạt gấm đáng giá nghìn vàng, các quan cởi ra mà lấy đi thôi!

Bọn phu canh nghe nói, chạy đi ngay, đem hai cái khăn gói cởi ra, thấy có mấy cái áo vải, một cái túi nữa, nhưng đều chẳng đáng tiền. Lại thấy một vật gì bọc mấy lần giấy dầu rừng rực bốc sáng, biết là vật quý, liền mở bọc ra coi, thật là:

Ngọc minh châu khéo giát,

Báu Phật lạ lùng thay!

Ở giữa thêu rồng cuốn,

Hai bên viền phượng bay.

Chúng tranh nhau xem, làm kinh động đến tai quan coi ngục.

Viên quan bèn chạy đến nơi quát mắng:

- Chúng bay làm gì ồn ào thế?

Bọn phu canh quỳ xuống nói:

- Cụ lớn vừa mới sai tống giam bốn nhà sư hổ mang đi ăn cướp này. Bọn họ thấy chúng tôi mới đánh mấy cái, đem ngay hai cái khăn gói này, không biết định liệu thế nào? Nếu đem xé nát chia nhau, thực là đáng tiếc, để cho một người lấy cả, thì mọi người khác lại không có lợi. May ngài lại đây, xin ngài làm ơn phân xử cho.

Quan coi ngục xem rõ là một tấm áo cà sa, lại dở cả các hạng quần áo khác và cái túi kiểm lại một lượt. Rồi lấy tờ quan văn đựng ở trong túi mở ra xem, thấy có các nước đóng dấu bảo ấn, liền nói:

- May mà ta đến đây xem! Nếu không, chúng bay lại thêm việc ra! Những vị hòa thượng này không phải là giặc cướp, không được động đến quần áo của người ta, đợi đến sáng mai quan phủ thẩm lại, mới rõ đầu đuôi.

Bọn phu canh nghe nói, vội gói lại tử tế, giao khăn gói cho quan thu ngục giữ.

Trời dần tối, trống lên lầu đã điểm canh, đinh tráng đã đi tuần. Đến độ canh tư ba khắc, thấy mọi người không ai rì rầm nữa, ngủ hết cả rồi, Hành Giả nghĩ thầm trong bụng:

- Sư phụ phải chịu tai nạn ngồi tù một đêm nay. Lão Tôn chẳng dám hé răng biện bạch, không dùng đến pháp lực, cũng chỉ vì thế. Giờ đây đã quá canh tư, tai nạn sắp hết, ta phải đi sắp đặt sẵn sàng, để sáng cho người ra khỏi ngục.

Hành Giả liền dùng phép làm cho người bé lại, thoát khỏi cái cũi, nhao mình biến ra một con sâu bay, lách khe ngói trên mái nhà ba ra, thấy trên trời trăng tỏ sao sáng. Chính trong lúc đêm khuya mát mẻ, Hành Giả nhận rõ phương hướng, bay thẳng đến trước cửa nhà ở về phía tây, phố ấy đèn lửa sáng rực; lại bay đến trước cửa nhà ấy nhìn vào, té ra là một nhà làm đậu phụ, thấy một ông lão đang đun bếp, bà vợ thì vắt đậu. Ông lão thốt nhiên nói to:

- Bà mày ạ, quan lớn Khấu là người vừa có con vừa có của, chỉ vì phải cái không thọ, tôi và ông ấy lúc còn nhỏ, đi học với nhau, tôi lại hơn ông ấy năm tuổi. Bố ông ấy tên là Khấu Minh, lúc bấy giờ có tới một nghìn mẫu ruộng đất, cho cấy nộp tô, đòi hỏi không xuể. Đến năm ông ấy hai mươi bốn tuổi, ông cụ Minh chết, ông ta được hưởng cả cơ nghiệp ấy. Thực ra ông ta cũng gặp vận may, lấy được người vợ là con gái ông Trương Vượng, khi ở nhà còn gọi là cô Xuyên Châm, có số vượng phu. Từ khi về nhà chồng, cấy lúa bội thu, cho vay trả gióc, buôn gì cũng có lãi, làm gì cũng có tiền, ngày nay ông ta làm nên gia tư có tới mười vạn. Từ năm bốn mươi tuổi, ông ta hồi tâm làm lành, đến nay nuôi được một vạn sư. Ngờ đâu đêm hôm qua bị kẻ cướp đá chết. Thương hại, năm nay mới sáu mươi tư tuổi, đương độ sung sướng. Ai ngờ những người làm lành, không được thiện báo, sao lại phải chết uổng như thế! Đáng tiếc! Đáng tiếc!

Hành Giả nhất nhất nghe rõ, lúc đó vừa sang canh năm, y bay trở về nhà họ Khấu, nhìn thấy quan tài đặt ở trong nhà, trước quan tài có thắp đèn bày biện hương nến hoa quả, bà vợ ngồi khóc ở bên, có cả hai người con giai cũng đến đấy lạy khóc, hai người con dâu bưng hai chén cơm lên cúng.

Hành Giả đậu ở đầu quan tài, ho lên một tiếng, làm cho hai người con dâu sợ hãi, ba chân bốn cẳng chạy biến ra ngoài. Anh em Khấu Lương nằm ép xuống đấy, không dám động đậy, chỉ hờ:

- Hờ cha ơi, hơ! Hơ! Hơ!

Bà vợ to gan, giơ tay vỗ vào quan tài gọi to:

- Ông viên ngoại ơi, ông sống lại ư?

Hành Giả bắt chước tiếng của lão viên ngoại nói:

- Ta không sống lại đâu!

Hai con trai lại càng sợ hãi, không ngớt rập đầu, giàn giụa nước mắt cứ hờ:

- Hờ cha ơi, hơ! Hơ! Hơ!

Bà vợ cố đánh bạo lại hỏi nữa:

- Ông viên ngoại, ông không sống lại, làm sao lại nói được?

Hành Giả nói:

- Giờ đây ma diêm vương sai quỷ sứ dẫn hồn ta về nhà nói chuyện bảo cho mọi người biết rằng con mẹ Trương Thị Xuyên Châm kia bậy mồm bạ miệng, hãm hại người vô tội!

Bà vợ nghe thấy gọi đến tên tục mình, sợ hãi quỳ xuống, rập đầu nói:

- Ối ông già ơi! Tôn đã ngần này tuổi đầu mà cón gọi tên tục tôi ra hử! Tôi bậy bạ mồm miệng bao giờ, làm hại ai vô tội?

Hành Giả quát mắng:

- Có “Đường Tăng bật ống hồng, Bát Giới kêu giết người, Sa Tăng cướp lấy vàng bạc mang đi, Hành Giả đánh chết cha chúng bay” còn gì nữa? Chỉ vì bay nói sai, làm cho người ngay bị nạn, bốn vị lão sư bên Đường Triều, gặp kẻ cướp nơi dọc đường, cướp lại của cải, đem trả lại để tạ ơn ta, lòng trung hậu biết bao! Bay lại làm đơn kêu mất cướp, sai lũ con đi báo quan. Quan Phủ lại không xét kỹ, hiện nay bắt các vị giam cầm Thần Ngục, Thành Hoàng, Thổ Địa hoảng sợ đứng ngoài không yên, báo xuống Diêm Vương, vua Diêm Vương liền sai quỷ sứ áp giải ta về đây, bảo cho chúng bay lập tức phải xin tha các vị ra, nếu không, ta sẽ về nhà quấy nhiễu một tháng, tất cả già trẻ và gia súc ở trong nhà, một giống gì cũng không còn!

Anh em Khấu Lương rập đầu van lạy nói:

- Xin mời bố về, xin chớ sát hại già trẻ! Đến sáng mai chúng con sẽ đến phủ nha cam nhận nhầm lỗi, xin rút đơn ra, chỉ mong sao cho kẻ sống người chết đều yên.

Hành Giả nghe đoạn liền gọi:

- Đốt giấy tiền, ta đi đây!

Vợ con cả nhà đều đốt giấy.

Hành Giả xòe cánh bay đi, bay thẳng về tận trong tư thất quan phủ, cúi đầu nhòm xuống, thấy trong nhà có ánh đèn sáng, quan phủ đã thức dậy rồi. Y liền bay vào đến gian giữa, nhìn thấy một tờ tranh treo ở giữa bức vách sau, vẽ một vị quan cưỡi trên mình ngựa hoa lốm đốm, có mấy người theo hầu, vác một cây lọng xanh, khoác một cái ghế tréo, nghĩ không biết họ vẽ tranh cổ tích gì, Hành Giả bèn đậu ngay ở quãng giữa. Chợt thấy quan phủ ở trong phòng bước ra, khom lưng xuống chải đầu Hành Giả bất thình lình ho lên một tiếng, làm cho quan phủ sợ hãi cuống quýt, chạy vào trong buồng. Chải đầu rửa mặt xong, quan mặc áo dài, đi trở ra thắp hương, khấn vái trước bàn thờ bức tranh vẽ.

- Kính lạy vong hồn bác là Khương Công Kiều Nhất, cháu có hiếu là Khương Khôn Nhân Tam đội ơn đức của tổ ấm, thi đỗ cử, ngày nay được bổ làm tri phủ, phủ Đồng Đài, sớm trưa thờ cúng, hương lửa không ngơi, làm sao hôm nay bác lại lên tiếng, xin chớ làm ma tác quái để người trong nhã sợ hãi!

Hành Giả nghĩ thầm:

- Đây là tranh truyền thần ông bác hắn ta!

Rồi làm ra vẻ đĩnh đạc lên giọng bảo:

- Cháu Khôn Tam, cháu làm quan, đội ơn tổ ấm, từ trước vẫn giữ thanh liêm, nhưng sao mà hôm qua lại sơ xuất, bảo bốn vị thánh tăng là kẻ cướp, không xét kỹ nguyên do, đem tống giam vào ngục! Làm cho thần ngục, thổ địa, thành hoàng không yên đi báo Diêm Quân, Diêm Quân sai quy sứ dẫn ta về đây nói cho cháu biết, bảo cháu suy tình xét lẽ, mau mau tha các vị ra, nếu không, sẽ bắt cháu xuống âm ti đối chứng đấy.

Quan phủ nghe lời, trong lòng hoảng sợ nói:

- Xin vong hồn bác cứ về, cháu ra công đường, lập tức tha ngay các vị thánh tăng.

Hành Giả nói:

- Đã vậy đốt giấy tiền, ta trở về trả lời Diêm Quân.

Quan Phủ đốt thêm hương và giấy tiền lễ tạ.

Hành Giả lại bay trở ra xem trời, Phương Đông cũng vừa hừng sáng. Kịp khi bay đến huyện Địa Linh, đã thấy quan lại mọi người ngồi ở công đường. Y tự nghĩ:

- Sâu bay biết nói, nếu người ta trông thấy, sẽ lộ chân tướng ra mất thì hỏng.

Y lên trên không, đổi lại pháp thân, đứng trên không trung, thò một chân xuống, giẫm đầy cả sân công đường, to tiếng gọi bảo:

- Các quan nghe: ta là Lãng Đãng Du Thần, trời sai đến đây, nói để mọi người biết là bọn giám ngục đánh ức con Phật đi lấy kinh làm kinh động các vị thần trong ba cõi các thần sai ta đến bảo, phải tha ngay các vị ra, nếu không, ta sẽ buông một chân nữa xuống, đá chết các quan trong toàn phủ, huyện trước, sau giẫm chết dân ở trong hạt, phá tan thành trì như tro bụi.

Tất cả các quan lại hoảng sợ quỳ xuống một loạt, rạp đầu lễ bái nói:

- Xin thượng Thánh cứ về, ngay bây giờ chúng tôi đến phủ, bẩm lên quan phủ, tlập tức tha các vị ấy ra, muôn vàn xin ngài chớ động chân, các hạ quan sợ đến chết mất.

Hành Giả mới thu pháp thân về, lại biến ra con sâu bay, lách qua kẽ ngói phòng giam, bay vào trong, chui vào cũi, nằm y như cũ.

Lại nói quan phủ lên công đường, vừa mới cho khiêng bài đầu đơn ra, đã có anh em Khấu Lương ôm bài quỳ trước cửa kêu trình. Quan phủ truyền lệnh cho vào. Hai người cầm đơn xin thôi kiện đệ lên.

Quan phủ trông thấy phát giận quở:

- Hôm qua các ngươi đệ đơn trình mất cướp, ta đã cho đi bắt được kẻ cướp điệu về, các ngươi đã nhận lĩnh tang vật, làm sao bây giờ lại đến đệ đơn xin thôi kiện?

Hai người sa nước mắt nói:

- Đêm hôm qua cha chúng con hiện hồn về bảo: “Vị thánh tăng bên Đường Triều bắt những tên kẻ cướp, thu hết của cải, tha lũ kẻ cướp, lại có lòng tốt đem trả lại cho nhà chúng con để báo ơn, sao lại đổ cho người là cướp, bắt giam trong ngục? Thổ Địa thành hoàng không yên, báo với Diêm Vương, vua Diêm Vương sai quỷ sứ áp giải ta về đây bảo chúng con đến phủ kêu lại, xin tha Đường Tăng khỏi tai nạn, nếu không già trẻ trong nhà sẽ chết hết”. Vì thế chúng con phải đến đệ đơn xin miễn tố kêu quan lớn rủ lòng cho.

Quan phủ nghe chúng nói bấy nhiêu lời trong bụng nghĩ thầm nói:

- Người cha chúng nó, thi thể còn sống, ma mới hiện hồn về nhà báo ứng, còn được, chứ như ông bác nhà mình chết đã năm sáu năm rồi, làm sao đêm qua cũng hiện hồn về, bảo ta xét tha… Xem như vậy hẳn là oan uổng.

Quan phủ đương nghĩ thầm trong bụng, đã thấy bọn quan lại huyện Địa Linh vội vã chạy đến công đường, líu lưỡi nói:

- Bẩm quan lớn, hỏng to rồi! Hỏng to rồi! Vừa đây Thượng Đế sai vị Lãng Đãng Du Thần xuống hạ giới, bảo ngài tha ngay những người tốt hiện đương bị giam ở trong ngục. Mấy vị hòa thượng bị bắt hôm qua đó, không phải là kẻ cướp, đều là những con Phật đi lấy kinh. Nếu quan lớn không tha ra, còn chậm trễ vị thần ấy sẽ đá chết hết bọn quan viên chúng tôi, lại còn giết chết trăm họ và phá thành trì tan ra tro bụi.

Quan phủ thất kinh, liền gọi đề lại phòng hình hỏa tốc viết bài tha ngay bọn Đường Tăng ra. Quan coi ngục bèn mở cửa nhà lao đưa bốn người ra.

Bát Giới phát sầu nói:

- Không biết hôm nay còn khảo đả thế nào nữa đây?

Hành Giả cười nói:

- Một roi cũng không dám đánh chú nữa! Lão Tôn đã liệu biện đâu vào đấy cả, lên công đường quỳ xuống, bọn họ còn phải bước xuống đón mời chúng mình ngồi trên. Tôi còn đòi lại hành lý, con ngựa, nếu thiếu một tí gì, tôi sẽ đánh họ cho chú xem!

Nói chưa dứt lời, đã đến cửa công đường. Quan phủ, quan huyện và quan viên to nhỏ ở phủ huyện, vừa trông thấy đã chạy xuống đón tiếp nói:

- Hôm qua khi thánh tăng tới nơi, chúng tôi một là vội vàng đi đón tiếp thượng ty, hai là vừa thấy những tang vật bắt được, chưa kịp thẩm xét cặn kẽ.

Đường Tăng chắp tay, nghiêng mình, đem các tình hình trước nói rành mạch lại một lượt.

Các quan đều nói:

- Trót lỡ lầm, xin thứ lỗi, thứ lỗi!

Quan Phủ lại hỏi:

- Thánh tăng ở trong ngục có mất mát thức gì không?

Hành Giả đến gần trừng mắt lên nhìn, dõng dạc lên tiếng nói:

- Ngựa bạch của ta bị nhà quan ngươi lấy mất, hành lý của ta bị người trong ngục lấy mất, trả ngay cho ta! Hôm nay mới là ngày ta tra khảo các ngươi đây! Vu oan cho người ngay là cướp, các ngươi sẽ phải tội gì?

Các quan phủ huyện thấy y làm dữ, chẳng người nào là không sợ, vội cho gọi ai đã bắt ngựa đem trả ngựa, ai đã lấy hành lý đưa trả hành lý, nhất nhất trao trả minh bạch. Ba đồ đệ của Đường Tăng lúc bấy giờ đều giở lối hung hăng, các quan chỉ đem việc nhà họ Khấu ra che đỡ. Tam Tạng khuyên giải nói:

- Đồ đệ ạ, thế vẫn chưa được minh bạch. Ta hãy đến nhà họ Khấu, một là để thăm viếng, hai là cùng họ đối chứng, cho rõ người nào bảo chúng mình là kẻ cướp.

Hành Giả nói:

- Thầy nói phải lắm, để lão Tôn làm cho người chết sống lại xem rằng ai đánh chết y?

Sa Tăng ở trong công đường phủ đỡ Đường Tăng nhảy lên ngựa rồi cả bọn reo hò ra đi. Tất cả các quan phủ huyện cũng theo đến nhà họ Khấu cả. Anh em Khấu Lương sợ hoảng, vái lia lịa như cần cối dã, đón tiếp ở ngoài cửa. Nhìn thấy trong nhà hiếu chủ, cả nhà đều ở bên trong màn thờ hờ khóc, Hành Giả gọi bảo:

- Cái mụ già kia đã vu oan hãm hại người ngay, đừng có khóc nữa, để lão Tôn đi gọi ông chồng mụ về đây, xem y nói là kẻ nào đã đánh chết y để cho mà hổ thẹn nào!

Các quan viên đều cho câu nói của Hành Giả là câu nói đùa. Hành Giả nói:

- Mời các quan tạm ngồi chơi với sư phụ tôi một lúc. Bát Giới, Sa Tăng hãy cẩn thận bảo hộ sư phụ, đợi tôi một lát sẽ về ngay.

Hành Giả bèn chạy ra ngoài cửa, nhảy lên không trung. Chỉ thấy: rợp đất hào quang trùm chỗ ở, đầy trời khí đẹp giúp thần thiêng. Bấy giờ mọi người mới thấy: cưỡi mây nương gió bực thần tiên, cải tử hồi sinh tài đại thánh. Hết thảy mọi người đều thắp hương lễ bái.

Đại thánh đi lộn trên từng mây, thẳng tới địa giới u minh đi ngay vào trong điện Sâm La, nhìn thấy:

Mười điện Diêm Quân ra đón tiếp,

Năm phương quỷ phán đứng hoan nghênh.

Nghìn cây gươm dựng đều nghiêng rạp,

Muôn dãy non đao hết phẳng bình.

Uổng Tứ thành kia, ma giải thoát,

Nại Hà cầu nọ, quỷ siêu sinh.

Ánh thần soi tới như trời thả,

Tối mịt âm ty đã sáng toanh.

Mười vị Diêm Vương đón đại thánh xuống, sau khi tiếp kiến mới hỏi đi đâu, có việc gì?

Hành Giả nói:

- Cái hồn Khấu Hồng hay nuôi sư, quê ở phủ Đồng Đài huyện Địa Linh, ai đã bắt đi, hãy dẫn ra đây ngay cho tôi.

Mười vị Diêm La nói:

- Khấu Hồng thiện sĩ, chưa hề có quỷ sứ đến bắt hồn, y tự ý đến đây, gặp đồng tử áo vàng của Địa Tạng Vương đưa đến nơi Địa Tạng Vương rồi.

Hành Giả liền từ biệt, đến thẳng cung Thúy Vân ra mắt Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bồ Tát cùng y làm lễ chào hỏi rồi Hành Giả nói rõ công việc.

Bồ Tát mừng nói:

- Tuổi thọ của Khấu Hồng vừa đến ngày hết, khi mệnh chung, không bận giường chiếu, bỏ đời mà đi. Nhân thấy y nuôi sư, là người thiện, nên nhận y cho làm người án trưởng giữ quyển sổ thiện duyên. Đại thánh đã đến lấy, ta sẽ rộng cho y sống thêm một kỳ nữa, để y theo đại thánh về.

Đồng tử áo vàng dẫn Khấu Hồng đưa ra. Khấu Hồng trông thấy Hành Giả, luôn miêng kêu gọi:

- Lão sư! Lão sư! Cứu mạng tôi với!

Hành Giả nói:

- Ngài bị kẻ cướp đá chết. Chỗ này là âm ty, nơi ngự của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Lão Tôn đến đưa ngài về nơi dương thế xét rõ việc này, đội ơn bồ tát tha cho về, lại cho sống thêm một kỷ nữa, đợi tới mười hai năm sau ngài sẽ trở lại đây.

Lão viên ngoại lạy tạ khôn xiết.

Hành Giả tạ từ Bồ Tát, đem hồn Khấu Hồng thổi làm hơi, nhét vào trong tay áo, cùng rời âm phủ trở lại dương gian, đi trên từng mây, về nhà họ Khấu: Hành Giả gọi Bát Giới mở nắp quan tài, đưa linh hồn Khấu Hồng nhập vào bản thân. Trong giây phút, Khấu Hồng thông hơi ra được, sống lại, nhoai ra khỏi quan tài, rạp đầu lễ trước bốn thầy trò Đường Tăng và nói:

- Sư phụ! Sư phụ! Khấu Hồng bị chết, ơn sư phụ xuống âm ty cứu sống, thực là công ơn tái tạo, cảm tạ khôn xiết.

Kịp khi ngoảnh lại, y thấy các quan ngồi la liệt, tức thì rập đầu nói:

- Các vị quan lớn có việc gì quá bộ đến nhà tôi?

Quan phủ nói:

- Con lão đệ đơn kêu mất cướp, chỉ danh khiếu tố các vị thánh tăng, ta liền sai quân đi bắt, không dè các vị lại bắt được quân cướp của nhà lão ở dọc đường, lấy lại của cải, đem trả cho nhà lão. Chỉ vì những người ta sai đi bắt nhầm, chưa xét được tường tận, đã đem tống giam các vị thánh tăng. Đêm qua lão hiện hồn về, ông bác ta cũng về nhà tố cáo, trong huyện cũng có vị Lãng Đãng Du Thần xuống hạ giới bảo cho, một lúc mà có ngần ấy vị đến hiển ứng, cho nên ta mới tha các vị thánh tăng, vị thánh tăng lại còn đi cứu sống được lão về đấy.

Lão viên ngoại quỳ nói:

- Bẩm quan lớn, thực là oan uổng cho bốn vị thánh tăng! Đêm hôm ấy có hơn ba mươi tên kẻ cướp bật hồng cầm gậy, cướp hết gia tư, tôi tiếc của không dứt ra được, phải ra nói với chúng, không dè nó đá tôi chết, chứ việc này có can dự gì đến bốn vị!

Lão liền gọi cả vợ con lại hỏi:

- Kẻ khác đã đá chết ta, sao chúng bay dám đi vu cáo, khiến quan lớn bắt nhầm các vị thánh tăng?

Lúc đó già trẻ trong nhà, kêu van lạy lục, xin quan phủ ra ơn, tha tội lỗi cho.

Khấu Hồng sai sửa soạn yến tiệc, thù tạ ơn các quan phủ huyện. Mọi người từ chối về nhà.

Ngày hôm sau Khấu Hồng lại treo biển nuôi sư, tỏ ý muốn giữ thầy trò Tam Tạng lại; Tam Tạng quyết không chịu ở. Khấu Hồng lại đi mời bè bạn, sắm cờ phan, tiễn tống người đi như lần trước. Đó chính là:

Đất rộng vẫn hay còn việc ác,

Trời cao không nỡ phụ người lành.

Tiêu dao nhẹ bước sang Tây Trúc.

Thẳng tới Linh Sơn đất thái bình.

Chưa biết gặp Phật ra sao, xem tới hồi sau sẽ rõ.

Chú thích
[77] Tôn Khang nhà nghèo, không có tiền mua dầu, đêm mùa đông nhờ ánh tuyết sáng mà học, sau này thường gọi bàn học là án tuyết

[78] Trước khi làm được giấy, người ta vót thẻ tre xanh để chép lịch sử nên thường gọi là sử xanh.

[79] Hoàng đường, nhà vách nề màu vàng, là công đường quan tri phủ hồi xưa.

[80] Cung, Hoàng, Trác, Lỗ: bốn quan tri phủ giỏi có tiếng đời Hán là Cung Toại, Hoàng Bá, Trác Mậu, Lỗ Cung.