Sa hang cọp Kim Tinh cứu thoát
Núi Song Soa Bá Khâm mời sư
Mừng có vua Đường xuống sắc phong
Huyền Trang vâng chỉ hỏi thuyền tông.
Hang rồng quyết chí tìm cho thấy,
Non Tựu[30] bên lòng vượt phải xong.
Bờ cõi trải qua đã lắm nước,
Núi mây lặn lội kể muôn trùng.
Chào vua rời gót sang Tây Trúc,
Vững dạ tu trì rõ sắc không.
Ba ngày trước hôm rằm tháng chín năm Trinh Quán thứ mười ba, vua Đường cùng các quan tiễn chân Tam Tạng ra khỏi cửa thành. Luôn hai ba ngày ngựa không dừng bước, Tam Tạng đã tới chùa Pháp Môn. Trưởng lão tu hành ở chùa ấy dẫn hơn năm trăm vị sư đứng sắp hai hàng đón rước vào chùa, ra mắt, dâng nước trà. Tam Tạng uống trà rồi ăn cơm chay. Ăn xong cơm thì trời vừa tối. Chính là lúc:
Bóng rụng sao như thấp
Trăng sáng không vẩn mây.
Nhạn kêu vang trời thẳm.
Chày đặt rộn xóm tây.
Cây khô chim về đỗ
Kinh Phật giảng đâu đây...
Nhập thiền trên đệm cỏ
Ngồi suốt năm canh chầy.
Dưới ánh đèn, các sư ngồi tụm lại bàn việc Pháp sư vâng chỉ sang Tây Thiên cầu kinh. Có người nói là nước thẳm non xa, có người nói là hùm beo độc ác; lại có người nói là núi cao sông rộng, khó nỗi vượt qua; cũng có người nói là ma thiêng quỷ dữ khôn bề hàng phục. Tam Tạng ngậm miệng không nói gì hết, chỉ lấy tay chỉ vào bụng mình lẳng lặng gật đầu mấy lượt. Các sư không hiểu ý, chắp tay hỏi:
- Pháp sư chỉ vào bụng rồi gật đầu là nghía thế nào?
Tam Tạng trả lời:
- Tâm sinh thì ma nghiệt đều sinh, tâm diệt thì ma nghiệt đều diệt. Trước cửa Phật, ở chùa Hóa Sinh đệ tử tôi đã phát đại nguyện tôi đâu dám chẳng hết lòng. Đi lần này phải đến tận Tây Thiên, lễ Phật cầu kinh, để bánh xe đạo pháp chúng ta chuyển luôn, cầu cho ngôi báu nhà vua thêm vững.
Các sư nghe nói, ai nấy đều khen ngợi, tán dương, đồng thanh gọi Tam Tạng là “Đức Đại xiển pháp sư lòng son dạ sắt”, mọi người chúc tụng không ngớt rồi mời người đi nghỉ.
Sáng hôm sau khi trúc reo khuya trăng lặn, gà gáy sớm sương sa, các sư thức dậy, sửa soạn cơm nước. Huyền Trang mặc áo cà sa, lên chính điện lễ Phật khấn nguyện:
- Đệ tử là Trần Huyền Trang, đi sang Tây Thiên lấy kinh, nhưng vì mắt thịt ngu mê, chưa biết rõ hình phật sống, nay xin phát thệ: trong khi đi đường, gặp miếu dâng hương, gặp Phật lạy Phật, qua tháp quét tháp, chỉ mong đức Phật từ bi, hiện ra mình vàng trượng sáu, ban cho chân kinh lưu truyền ở nơi cõi đông này.
Khấn xong, về nơi phương trượng dùng cơm chay. Ăn xong, hai người đi theo đã đóng ngựa và sửa soạn xong đồ hành lý vào giục lên đường. Tam Tạng ra khỏi cửa chùa, từ biệt các sư, mọi người không nỡ chia tay, tiễn chân ra xa mãi mười dặm, mới gạt nước mắt trở về. Tam Tạng đi thẳng theo hướng Tây. Lúc ấy là cuối mùa thu, chỉ thấy:
Xóm thôn cây trại hoa tàn,
Mấy cây dương liễu lá vàng bay nhanh.
Đường trường muôn dặm vắng tanh
Cố nhân mây cán, bộ hành mưa theo...
Cúc vàng sườn núi cheo leo,
Người tiều tụy, nước trong veo, sen tàn.
Răm hồng, muống trắng tuyết sương.
Ráng vàng, cò lẻ bay ngang... mịt mùng.
Nội hoang khí lạnh não nùng,
Lặng lờ mây cuốn trên không thêm sầu.
Quạ đi, giang đến từ đầu,
Tiếng kêu khắc khoải ra màu khơi trêu.
Đi được mấy ngày, thầy trò đã đến thành Củng Châu, bọn quan lại ở Củng Châu đón tiếp vào trong thành, nghỉ một đêm, sáng hôm sau lại ra đi. Trong khi đi đường, đói ăn khát uống, đêm nghỉ ngày đi, luôn hai ba ngày lại đến Hà Châu vệ. Đây là nơi biên giới non sông nhà Đại Đường. Quan tổng binh nơi biên giới cùng những người tăng, đạo ở địa phương được tin có vị khâm sai ngự đệ pháp sư sang Tây Thiên cầu Phật mọi người hết lòng cung kính, đón vào trong thành cung ứng, rồi bảo vị tăng cương mời người đến chùa Phúc Hậu yên nghỉ. Các sư bản tự đều đến chào mừng, sửa soạn cơm chay. Chiều ăn cơm xong, Tam Tạng dặn hai người đi theo cho ngựa ăn no để sáng hôm sau đi sớm. Khi mới gà gáy, Tam Tạng đã giục người đi theo, làm kinh động đến sư bản tự. Sư bản tự lại dọn cơm chay mời ăn; cơm xong liền sang qua biên giới.
Vì trong lòng lo lắng nên Tam Tạng dậy sớm quá. Thời tiết bây giờ là cuối thu, gà gáy sớm chỉ mới độ canh tư. Một toán ba người, cả ngựa là bốn, đi dưới sương trong, nhìn ánh trăng sáng. Đi được độ vài chục dặm thấy sừng sững một dãy núi, phải vạch cỏ tìm đường, rất là gập ghềnh khó đi, lại còn sợ lạc mất lối. Chính đương khi lưỡng lự, bỗng nhiên Tam Tạng sẩy chân, cả người lẫn ngựa ngã lăn xuống hố. Tam Tạng kinh hoảng, bọn theo hầu sợ run. Đương lúc bàng hoàng sợ hãi lại nghe thấy ở trong có tiếng gào thét:
- Bắt vào đây, bắt vào đây!
Rồi thấy cuồn cuộn một cơn gió thổi năm sáu mươi tên yêu quái kéo ra, bắt Tam Tạng và bọn đi theo lôi đi. Tam Tạng run run sợ sợ liếc mắt nhìn trộm thấy tên ma vương ngồi trên rất là hung ác. Thật là:
Hùng oai thần lẫm liệt,
Hung tợn mặt đường đường.
Mắt loang loáng như chớp,
Tiếng sấm động bốn phương.
Răng bừa cào ngoài miệng
Nanh cá sấu bên mang.
Gấm vóc quàng thân thể
Vằn hoa kín bụng sườn.
Râu chồi mọc kín mặt
Móng hùm sắc như sương.
Đông Hải Hoàng công sợ:
Nam Sơn bạch ngạnh vương.
Tam Tạng hồn xiêu phách lạc, hai người hầu gân nhũn xương mềm. Ma vương quát sai trói cả lại, yêu quái xông lên lấy dây trói cả ba người. Đương khi sắp sửa đem ăn thịt, lại nghe thấy bên ngoài có tiếng dức lác, rồi có người vào báo:
- Hùng Sơn Quân và Đặc Sử Sĩ hai vị đã tới!
Tam Tạng nghe nói ngửng đầu lên nhìn, thấy đứa đi trước là một gã đen nhẻm hình dáng trông ra vẻ:
Hùng hào rất gan dạ
Thân thể lại nhẹ nhàng
Lội nước khoe sức khỏe
Leo rừng thích hung hăng
Trước từng mơ tử tế
Nay lại lộ tài năng.
Trèo cây giỏi vin bẻ
Biết rét khéo dè chừng
Cũng có chút hiển ứng
Nên gọi là Sơn Quân.
Lại thấy tên đi sau là một đứa béo phệ, trông hình dạng thì:
Mũ hai sừng cao vót
Vai, lưng thịt u lên.
Tính ra vẻ hầu hạ
Chân bước chậm như sên
Bố chính là trâu đực
Trâu cái ấy mẹ hiền.
Có công giúp làm ruộng,
Đặc Sử là thành tên.
Hai bên nghênh ngang đi vào. Ma vương vội vàng chạy ra đón tiếp. Hùng Sơn Quân nói:
- Thưa Dần tướng quân, gần đây ngài đắc ý, rất đáng mừng! Đáng mừng!
Đặc Sử Sĩ nói:
- Dần tướng quân diện mạo rạng rỡ, thật đáng mừng! Thật đáng mừng!
Ma vương nói:
- Hai ngài gần đây thế nào?
Sơn Quân nói:
- Chỉ thường thôi!
Đặc Sử Sĩ nói:
- Cũng tùy thời đấy!
Ba đứa hỏi nhau xong, cùng ngồi xuống, chuyện trò cười nói. Một người đi theo bị trói chặt quá, đau đớn kêu khóc, tên đen nhẻm hỏi:
- Ba người này ở đâu lại?
Ma vương nói:
- Họ tự dẫn thân đến.
Sử Sĩ cười nói:
- Có thể đãi khách chứ?
Ma vương nói:
- Xin vâng, xin vâng!
Sơn Quân nói:
- Không thể ăn hết, thịt hai chú thôi, còn một chú để lại.
Ma vương vâng lời, lập tức sai đem người đi theo mổ bụng, moi lấy tim, đem sọ và tim gan, kính biếu hai người khách, chân tay để ăn, còn xương thịt thừa chia cho mọi yêu quái, chỉ nghe tiếng rau ráu như hùm nhai thịt dê một lúc là hết nhẵn. Còn lại một mình sư trưởng thì nằm chết giả ra đấy. Đấy là lần khổ nạn đầu tiên khi vừa ra khỏi Trường An.
Chính đương khi lo sợ, mặt trời đã rạng đông; hai quái vật ở mãi đến lúc trời sáng rõ mới về. Chúng đều nói:
- Hôm nay chúng tôi đến quấy quả ngài, có ngày sẽ hết lòng đáp lại.
Hai con quỷ vái chào rồi ra về. Một lúc sau, mặt trời lên cao, Tam Tạng tối tăm mờ mịt, chẳng còn biết đông tây nam bắc là đâu cả. Đương lúc sắp mất mạng, chợt thấy có một ông già chống gậy đi tới, đến trước mặt lấy tay phất một cái, dây trói đứt tung. Ông già lại thổi một hơi vào mặt, Tam Tạng mới tỉnh, quỳ lạy xuống đất nói:
- Đa tạ cụ đã cứu sống bần tăng!
Ông già đáp lễ nói:
- Ngươi hãy đứng dậy. Ngươi có mất mát đồ vật gì không?
Tam Tạng nói:
- Hai người đi theo bần tăng, bị yêu quái ăn thịt mất rồi, còn đồ hành lý và ngựa không biết ở chỗ nào?
Ông già đỡ dậy trỏ và nói:
- Chả ngựa là gì ở đây kia, cả hai cái tay đẫy nữa!
Tam Tạng ngoảnh đầu nhìn, quả nhiên là đồ vật của mình chưa hề mất mát, bấy giờ mới hơi yên dạ, hỏi lại ông già:
- Thưa cụ, đây là đâu? Sao cụ lại đến đây?
Ông già nói:
- Đây gọi là Song Soa lĩnh, nơi sào huyệt của bọn hổ lang, cớ sao người lại sa vào đây?
Tam Tạng nói:
- Bần tăng ở Hà Châu vệ ra đi vào lúc gà gáy. Không dè đi sớm quá, đội sương rẽ tuyết, sẩy chân ngã xuống chỗ này. Có một ma vương rất là hung ác, bắt bần tăng và hai người đi theo trói lại. Lại thấy một tên nữa da đen xưng là Hùng Sơn Quân và một tên người béo xưng là Đặc Sử Sĩ cùng đến, chúng gọi ma vương kia là Dần tướng quân. Ba yêu quái đã ăn thịt hết hai người đi theo tôi trời mới hơi sáng. Không biết tôi có duyên phận lớn lao thế nào mà may được ơn cụ đến cứu mạng.
Ông già nói:
- Đặc Sử Sĩ là con trâu thành tinh. Sơn Quân là con gấu thành tinh. Dần tướng quân là con hổ thành tinh. Yêu tà quanh quất toàn là ma cây quỷ núi cả, chỉ vì người là bậc bản tính huyền minh, cho nên chúng không ăn thịt được. Hãy theo ta ra, ta sẽ đưa lên đường.
Tam Tạng xiết bao cảm kích, xếp tay đẫy lên mình ngựa, cầm dây cương dắt theo cụ già ra khỏi hang hổ, đi lên đường cái. Tam Tạng thả ngựa ở mé đường cỏ, quay mình lại lạy tạ cụ già thì ông cụ đã hóa ra một trận gió mát, cưỡi một con hạc trắng đầu điểm son lên trên không đi rồi. Chỉ còn thấy một tờ thiếp theo gió là là bay xuống. Tờ thiếp trên viết bốn câu tụng rằng:
Ta Là Thái Bạch ở phương tây
Vì cứu mạng người mới tới đây
Giúp sức có thần đương đón đợi
Chớ vì sóng cả vội rời tay.
Tam Tạng xem xong, ngửa mặt lên trời tạ ơn nói:
- Đa tạ Kim tinh cứu thoát khỏi nạn này!
Lễ xong, dắt ngựa một mình lẻ loi, khó nhọc trèo lên đỉnh núi. Thật là:
Rừng thu mưa gió lạnh lùng.
Khe sâu róc rách thuận dòng chảy ra.
Hương thơm nức, nội đầy hoa.
Đá lô xô mọc trông mà gớm ghê!
Hươu kêu vượn hót bốn bề,
Cáo cầy từng lũ đi về xôn xao.
Chim kêu tiếng thấp, giọng cao.
Lối đi vắng ngắt ai nào lại qua?
Pháp sư lòng rủn, mắt hoa,
Ngựa này chối cẳng bước đà khó theo.
Tam Tạng liều mình gắng sức, trèo lên núi dốc, đi đã nửa ngày, chẳng thấy cửa nhà làng xóm nào. Trong bụng đã đói mèm đường đi lại khấp khểnh. Chính đương khi nguy cấp ấy, đằng trước đã hiện ra hai con mãnh hổ gầm thét, đằng sau lại có mấy con rắn dài quằn quại. Bên tả có loài sâu độc, bên hữu thêm những con thứ kỳ quái. Tam Tạng một mình đành chịu bó tay cứ liều thân phó mặc định mệnh. Khổ hơn nữa là con ngựa đã lưng còng chân khuỵu, nằm lăn ra đất, đánh cũng không dậy, dắt cũng không đi nữa. Pháp sư không còn ẩn nấp vào đâu được, thật là muôn phần khổ cực, chắc là sẽ bỏ mạng, không biết làm thế nào được. Tuy vậy người dù mắc tai ương, vẫn có người cứu giúp. Chính lúc khi sắp chết ấy, thốt nhiên thấy sâu độc trốn lẩn, ác thú chạy tung, mãnh hổ lánh mình, rắn dài mất tích. Tam Tạng ngẩng đầu nhìn thấy một người tay cầm giáo dài, lưng đeo cung nỏ, từ sườn núi đi ra. Quả nhiên là một trang hảo hán. Trông người ấy:
Đầu đội mũ da báo đốm
Mình vận áo lụa cẩm nhung.
Lưng thắt đai thêu sư tử.
Chân đi giày da hươu rừng.
Mắt tròn xoe như mãnh tướng
Râu xồm mọc tủa cỏ bờ sông
Đeo túi cung tên, thuốc độc
Cầm cây thép cứng hai dòng.
Thét vỡ mật loài yêu quái
Khỏe kinh hồn bắt chạy rồng.
Tam Tạng thấy người ấy đến gần, quỳ ngay xuống mé đường, chắp tay van lơn:
- Đại vương cứu tôi với, đại vương cứu tôi với!
Người ấy đến bên cạnh, bỏ đòng hai mũi xuống, hai tay đỡ dậy nói:
- Sư trưởng đừng sợ! Tôi không phải người xằng bậy, chỉ là một người đi săn trong rùng núi, họ Lưu tên là Bá Khâm, hiệu là Trần Sơn Thái Bảo, vừa mới đến đây, định săn mấy con thú rùng về làm bữa, dè đâu lại gặp người, thật là mạn phép.
Tam Tạng nói:
- Bần tăng là hòa thượng bên Đại Đường, được vua sai sang tây Thiên bái Phật cầu kinh, vừa mới đến đây bị hổ lang rắn độc vây chặt không đi được nữa, chợt thấy Thái Bảo tới nơi, chúng sợ chạy tán loạn. Người cứu thoát tính mạng tôi, đa tạ! Đa tạ!
Bá Khâm nói:
- Chúng tôi ở đây, chuyên lấy nghề săn bắn hổ báo để nuôi thân, đánh rắn trăn cho qua ngày tháng, cho nên lũ thú dữ sợ chạy. Người ở bên Đường triều tới đây, cũng là người đồng hương với tôi. Ở đây vẫn còn là đất đai nhà Đường, tôi cũng là dân nhà Đường. Tôi và người cùng ăn ở trên đất nước nhà Đường, cùng là người một nước cả, người đừng sợ, cứ đi với tôi, về nhà tôi cho ngựa nghỉ ngơi, ngày mai tôi sẽ đưa người lên đường.
Tam Tạng nghe nói xiết bao mừng rỡ, tạ ơn Bá Khâm rồi dắt ngựa đi theo.
Vừa qua sườn núi, lại thấy gió ù ù thổi. Bá Khâm nói:
- Sư trưởng đừng sợ, hãy ngồi xuống đây, gió thổi đấy là hổ lang sắp đến đây. Để tôi đi bắt nó đem về thết đãi người.
Tam Tạng nghe nói lại sợ run người lên, không dám đi nữa. Bá Khâm rảo bước tiến lên đằng tnrớc, thấy một con hổ vằn loang lổ đi đến trước mặt. Vừa trông thấy Bá Khâm, nó liền quay đầu chạy miết. Thái Bảo quát to như tiếng sét:
- Giống nghiệt súc kia, chạy đi đâu?
Mãnh hổ thấy người đuổi theo rất gấp, quay mình giơ vuốt đánh lại. Thái Bảo múa đòng sắt hai mũi đón đánh, làm cho Tam Tạng sợ hãi nằm dí xuống bãi cỏ. Hòa thượng từ thuở lọt lòng mẹ có từng trông thấy những cuộc đối chọi dữ tợn như thế bao giờ đâu? Thái Bảo đánh nhau với hổ ở dưới sườn núi người và hổ giữ nhau, thật là một trường ác chiến.
Khí giận bừng bừng, Thái Bảo mũ xô nhiêu gân sức,
Gió lùa cuồn cuộn, hùm vằn rồng thế nhả bụi hồng.
Bên này nhe nanh múa vuốt,
Bên kia chuyển bước quay lưng.
Đòng ba mũi ngang trời lấp bóng,
Đuôi nghìn hoa xua bụi mây tung.
Một bên nhè mặt vồ nuốt
Một bên mũi nhọn đâm hông.
Đánh cho không đường về dương thế
Đánh cho hồn phải xuống âm cung.
Chỉ còn nghe: hùm vằn gào thét, Thái Bảo quát vung.
Thái Bảo quát vung: xuất hiện trăng sao, mở toang thiên phủ.
Hùm vằn gầm thét: kinh hồn chim thú, vang động non sông.
Bên này mắt vàng nhìn giận dữ,
Bên kia mật lớn cắn lung tung.
Thật đáng yêu Trấn Sơn Thái Bảo Cũng đáng khen vua thú vẫy vùng.
Tham sống: người hùm tranh thắng bại,
Bên nào sẩy bước chết như không.
Hai bên đánh nhau một hồi, mãnh hổ dần dần móng chùn, lưng khọm, bị Thái Bảo giơ đòng đâm vào ức, hổ ngã lăn ra. Ôi thôi! Đòng thép đâm thấu ruột gan, chớp mắt máu đã chảy ra lênh láng. Thái Bảo nắm tai lôi tuột xác hổ đến trước mặt Tam Tạng, trông không hề nhọc mệt, sắc mặt không hề thay đổi, thật là một trang hảo hán. Thái Bảo nói với Tam Tạng:
- May quá, may quá! Con hổ này ăn được một ngày đây.
Tam Tạng ngợi khen nói:
- Thái Bảo thật là một vị sơn thần.
Bá Khâm nói:
- Tài cán gì tôi mà người quá khen, cũng nhờ lộc của sư trưởng đấy! Thôi ta đi về, lột ngay da nó ra, lấy thịt nấu thết đãi người.
Anh ta một tay cầm cây đòng, một tay xách con hổ, đi trước dẫn đường, Tam Tạng dắt ngựa đi theo sau, quanh co đi hết sườn núi, chợt thấy một tòa sơn trang, trước cửa thật là:
Cây cổ thụ vút trời
Dây mây leo tràn đất.
Muôn hang gió lạnh lùng
Nghìn núi đỉnh cao ngất.
Một giàn hoa cỏ thơm ngát lừng
Mấy khóm tre non xanh lất phất.
Lều tranh viện nửa, đáng vẽ nên tranh,
Cầu đá vách vôi, thật vui ẩn dật.
Khí sáng bốc cao,
Ve thu xào xạc,
Đầu non mây trắng tung bay.
Bên đường lá vàng đầy đất.
Rừng thưa chim hót véo von,
Cửa trại, chó gâu khoan nhặt.
Về đến trước cửa, Bá Khâm bỏ hổ chết xuống đất gọi:
- Chúng bay đâu?
Ba bốn gia đồng chạy ra, hình dạng quái gở, chạy đến khiêng hổ đi. Bá Khâm dặn lột da ra ngay để làm cơm đãi khách rồi quay lại mời Tam Tạng vào trong nhà. Hai bên làm lễ tương kiến. Tam Tạng lại bái tạ Bá Khâm đã cứu sống. Bá Khâm nói:
- Người đồng hương với nhau cả, có gì phải cám ơn.
Hai người ngồi xuống uống trà xong thấy một bà già dẫn một người thiếu phụ đến trước mặt Tam Tạng vái chào. Bá Khâm nói:
- Đây là mẹ tôi và vợ tôi.
Tam Tạng nói:
- Xin mời cụ ngồi lên để bần tăng được lạy chào.
Bà cụ nói:
- Sư trưởng là quý khách, xin cứ cho tự nhiên, không cần phải làm lễ.
Bá Khâm nói:
- Thưa mẹ, người là hòa thượng được vua Đường sai sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh, may sao con lại được gặp người ở trên núi, con nghĩ rằng người trong một nước với nhau, nên mời về nhà nghỉ chân. Ngày mai con đưa người lên đường.
Bà già nghe nói rất là vui mừng nói:
- Tốt! Tốt! Tốt! Con đã mời người về đây, không được vội vàng làm vậy. Ngày mai giỗ bố con, hãy mời sư trưởng ở lại làm phúc tụng kinh cầu Phật. Đến ngày kia sẽ tiễn chân người.
Bá Khâm tuy là một Thái Bảo giết cọp trấn núi, nhưng lại có lòng hiếu thảo. Nghe lời mẹ bảo, liền đi sắm sửa vàng mã, lưu Tam Tạng ở lại.
Mải trò chuyện, không ngờ trời đã xế chiều. Người nhà dọn bàn ăn, bày mấy đĩa thịt hổ xào chín nóng, khói bốc nghi ngút. Bá Khâm mời Tam Tạng đến ăn tạm rồi sẽ dùng cơm sau. Tam Tạng chắp tay lên ngực nói:
- Mô Phật! Không dám giấu Thái Bảo, bần tăng lọt lòng mẹ là đi tu ngay, không biết ăn mặn.
Bá Khâm nghe nói ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Thưa sư trưởng, nhà chúng tôi từ mấy đời nay không biết thế nào là ăn chay cả. Nhà có măng tre, mộc nhĩ, rau khô, đậu phụ, nhưng cũng đều đã rán bằng mỡ hươu nai, hổ báo cả rồi, không còn chay tịnh nữa. Có hai cái nồi cũng đem nấu mỡ cả. biết làm thế nào, chẳng lẽ tôi lại mời trưởng lão dùng.
Tam Tạng nói:
- Thái Bảo bất tất phải nghĩ ngợi, bần tăng bốn năm ngày không ăn cơm cũng vẫn chịu nổi, không bao giờ dám phá trai giới.
Bá Khâm nói:
- Nhỡ ra chết đói, thì làm thế nào?
Tam Tạng nói:
- Nhờ ơn Thái Bảo đã cứu tôi ra khỏi lũ hùm beo, dù có chết đói vẫn còn hơn để hổ ăn thịt.
Bà mẹ Bá Khâm nghe tiếng, nói:
- Con đừng nói vớ vẩn với sư trưởng, mẹ đã có thức ăn chay để mời người rồi.
Bá Khâm nói:
- Thức ăn chay ở dâu?
Bà mẹ nói:
- Đừng có hỏi, mẹ đã tự có thức ăn chay.
Bà gọi người dâu lấy nồi nhỏ ra, đun lửa cho hết hơi mỡ, lau đi lau lại, rửa lại rửa đi, rồi bắc lên bếp, đổ vào lưng nồi nước sôi, tráng đi không lấy, rồi mới bỏ một dúm lá dâu đất, đổ nước đun làm trà uống: sau lấy ít kê thổi cơm và lấy ít rau khô luộc chín làm hai món, múc đầy hai bát dặt lên bàn. Đoạn đến nói với Tam Tạng:
- Mời sư trưởng thụ trai. Đây là tôi và con bé cháu dâu nhà tôi tự tay thổi cơm nấu nước rất là trong sạch.
Tam Tạng bước xuống tạ ơn rồi mới ngồi vào bàn ăn. Bá Khâm để riêng ra một chỗ bày những thịt hổ, thịt nai, thịt cáo, thịt trăn, thịt thỏ, chẳng xát muối giấm tương gì hết, lại thêm một ít thịt hươu phơi khô, đầy bát lợp đĩa, ngồi tiếp Tam Tạng dùng cơm chay. Vừa mới ngồi xuống, sắp cầm đũa ăn cơm, Bá Khâm thấy Tam Tạng chắp tay tụng kinh, bỗng sợ hãi không dám cầm đũa, vội vàng trở dậy đứng một bên. Tam Tạng đọc mấy câu rồi nói:
- Mời chư vị thụ trai.
Bá Khâm nói:
- Người là hòa thượng đọc kinh ngắn phải không?
Tam Tạng nói:
- Đây không phải là kinh, chỉ là bài kệ đọc khi ăn cơm.
Bá Khâm nói:
- Các ngài xuất gia đi tu, có lắm chuyện, khi ăn cơm cũng tụng niệm, tụng niệm.
Ăn cơm chay xong, khi thu dọn bát đĩa thì trời đã chiều. Bá Khâm dẫn Tam Tạng ra khỏi nhà giữa, đi về đằng sau, xuyên qua đường khe nhà, có một cái lều cỏ. Đẩy cửa đi vào bên trong, chỉ thấy chung quanh treo những cung khỏe nỏ cứng, mấy túi thuốc, hai cái da hổ còn tanh máu căng ở trên xà nhà. Đầu tường dựa rất nhiều gươm, đao, đòng, gậy, ở giữa có đặt hai cái ghế. Bá Khâm mời Tam Tạng vào ngồi. Tam Tạng thấy quang cảnh hung hiểm, mùi tanh hôi như vậy, không dám ngồi lâu bèn ra khỏi lều cỏ. Ngoặt về đằng sau là một cánh vườn rộng, xem không xuể những bụi cúc đương nở nhị vàng, những cây liễu vừa buông tơ đỏ. Bá Khâm vừa gọi một tiếng, mười mấy con hươu béo, một đàn nai vàng chạy ra, chúng thấy người, tỏ ra rất đỗi ngoan ngoãn, không hề sợ hãi. Tam Tạng nói:
- Những hươu này Thái Bảo để nuôi có phải không?
Bá Khâm nói:
- Cũng như nhân dân trong thành Trường An, có tiền thì chứa của báu, có ruộng thì chứa thóc gạo, nhà đi săn chúng tôi cũng nuôi mấy con dã thú phòng khi mưa gió thôi.
Hai người chuyện vãn hồi lâu, trời vừa tối sẫm, cùng trở về nhà trước yên nghỉ.
Ngày hôm sau, già trẻ cả nhà cùng dậy, sửa soạn cơm chay khoản đãi sư trưởng, cầu người làm lễ tụng niệm. Sư trưởng rửa tay, cùng với Thái Bảo thắp hương làm lễ gia đường ở trước cửa. Lễ xong, Tam Tạng mới khua mõ cá, đọc câu chân ngôn tĩnh khẩu nghiệp và đọc câu thần chú tĩnh thân tâm, rồi sau mới tụng một kinh độ vong. Tam Tạng đọc xong, Bá Khâm lại xin viết cho đạo sớ tiến vong. Tam Tạng lại tụng kinh Quan m và kinh Kim Cương nữa, giọng cao tiếng rõ. Tụng kỳ hết rồi ăn cơm trưa. Đoạn tụng kinh Pháp Hoa, kinh Di Đà, mỗi thứ mấy quyển, lại niệm một quyển kinh Khổng Tước và nói chuyện bật sô tẩy nghiệp. Đến chiều, hiến hương hoa quả phẩm, đốt vàng mã cúng chúng thần, rồi đốt đạo sớ tiến vong. Việc Phật đã xong, mọi người yên nghỉ.
Linh hồn phụ thân Bá Khâm được siêu độ vượt qua bể trầm luân, quy hồn về tới phía đông nhà, ứng mộng cho tất cả già trẻ trong nhà nói:
- Ta ở dưới âm ty không thoát khổ nạn, lâu ngày không được siêu sinh. Nay nhờ được vị Thánh tăng tụng kinh niệm phật, siêu thoát tội nghiệp của ta. Vua Diêm Vương đã sai người đưa ta về Trung Quốc cho đầu thai vào một nhà giàu có. Chúng con phải biết ơn người, đưa người lên đường không được trễ nải, không được trễ nải! Ta đi đây!
Thế mới là muôn phép trang nghiêm đầy ý nghĩa, tiến vong thoát nạn khỏi trầm luân.
Cả nhà tỉnh giấc. Mặt trời đã mọc. Vợ Bá Khâm nói:
- Thái Bảo ạ, đêm qua em nằm mộng thấy ông nhà ta về nhà nói người ở dưới âm ty không thoát khổ nạn, lâu ngày không được siêu sinh, nay nhờ vị Thánh tăng tụng kinh nhiệm Phật, tiêu thoát hết tội nghiệp. Vua Diêm Vương đã sai người đưa ta về Trung Quốc, đầu thai vào một nhà trưởng giả, bảo chúng ta phải tạ ơn trưởng lão, không được trễ nải. Nói xong ông ra cửa nhẹ gót trở đi, gọi cũng không thưa, giữ cũng không ở; tỉnh dậy thì ra giấc mộng.
Bá Khâm nói:
- Anh cũng nằm chiêm bao y như em, chúng ta đi nói cho mẹ nghe.
Hai vợ chồng đang định đi, bà mẹ đã đến gọi:
- Bá Khâm con ơi! Lại mẹ nói chuyện cho mà nghe.
Hai người tới gần, bà mẹ ngồi trên giường nói:
- Con ạ! Đêm nay mẹ nằm thấy một cái mộng vui. Mẹ thấy bố con về nói, nhờ có Sư trưởng siêu độ, tiêu thoát tội nghiệp nên được thác sinh vào một nhà trưởng giả ở đất Trung Hoa giàu có.
Hai vợ chồng đều cười ầm lên nói:
- Con và vợ con cũng đều nằm mộng thấy thế, định lại thưa với mẹ, không ngờ mẹ lại đến gọi, cũng lại cái mộng ấy.
Bà gọi già trẻ cả nhà dậy sửa soạn tạ ơn, dắt ngựa đến trước mặt người, cả nhà sụp lạy nói:
- Đa tạ trưởng lão siêu tiến vong phụ chúng tôi thoát nạn siêu sinh, không biết lấy gì báo đáp.
Tam Tạng nói:
- Bần tăng có tài cán gì, để phiền người cảm tạ.
Bá Khâm đem chuyện ba người nằm mộng thuật lại một lượt. Tam Tạng càng mừng. Cơm chay đã dâng lên, lại tạ ơn một lạng bạc. Tam Tạng không nhận cái gì; cả nhà khẩn khoản mãi, Tam Tạng vẫn không nhận, chỉ nói:
- Chỉ mong người phát tâm bồ đề đưa bần tăng đi một độ đường, cũng đủ tỏ lòng yêu mến.
Bá Khâm cùng mẹ và vợ chẳng biết làm thế nào được, vội vã lấy ít gạo rang gói bánh làm lương khô, cho Bá Khâm tiễn chân người một độ đường xa. Tam Tạng vui vẻ thu nhận. Bá Khâm vâng lời mẹ, gọi thêm hai ba gia đồng mang khí giới săn bắn đi theo lên đường cái. Đi đường xem không xuể phong cảnh sườn núi đầu non.
Đi được nửa ngày, thấy ở đằng trước mặt hiện ra một tòa núi lớn, thật là cao ngất từng mây, ngút ngàn hiểm trở; đi một lúc đã đến chân núi. Bá Khâm trèo núi như đi dưới đất bằng. Đi tới lưng chừng, Bá Khâm ngoảnh lại đứng ở bên đường nói:
- Thưa sư trưởng, xin người tự đi thôi, tôi xin từ biệt trở về.
Tam Tạng bèn nhảy ngay xuống ngựa nói:
- Dù sao cũng phiền Thái Bảo đưa tôi một độ đường nữa.
Bá Khâm nói:
- Sư trưởng, lão không rõ. Núi này gọi là Lưỡng Giới Sơn, nửa về bên đông thuộc về nước Đại Đường ta cai quản. Nửa về bên tây là địa giới nước Thát Đát. Hổ lang bên ấy không chịu hàng phục tôi, tôi cũng không thể đi qua biên giới được, một mình người đi thôi.
Tam Tạng lo sợ đành lấy tay xắn quần giữ áo, rỏ lệ chia tay. Đương khi dặn dò từ biệt, bỗng nghe thấy ở dưới chân núi có tiếng gọi như sấm gầm:
- Sư phụ đã đến, sư phụ đã đến!
Làm cho Tam Tạng ngẩn người, Bá Khâm phát hoảng.
Chưa biết người kêu gọi là ai, xem tới hồi sau sẽ rõ.
Chú thích
[30] Non Tựu: Nơi Phật ở.