Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ mười hai

Vua Đường lòng thành mơ đại hội
Quan Âm hiển thánh hóa Kim Thuyền

Quỷ sứ dẫn hai vợ chổng Lưu Toàn ra khỏi âm ty, theo chiều gió thổi về đến Trường An đại quốc, dẫn linh hồn Lưu Toàn vào Kim Đình quán, đưa linh hổn Lý Thúy Liên vào hoàng cung, thấy Ngọc Anh công chúa đang từ từ đi trên đám rêu xanh dưới bóng cây, quỷ sứ đẩy mạnh một cái, Ngọc Anh ngã lăn xuống đất. Quỷ sứ liền bắt lấy linh hồn Ngọc Anh đưa đi, đẩy linh hổn Thúy Liên vào thân thể Ngọc Anh. Rổi trở ngay về âm ty.
Hết thảy thị tỳ lớn nhỏ trong cung thấy Ngọc Anh ngã chết tươi, vội vàng chạy tới điện Kim Loan, báo ngay ba cung hoàng hậu :
- Công chúa, nương nương bị ngã chết tươi rồi.
Hoàng hậu rất sợ vào tâu lên Thái Tôn. Thái Tôn gật đầu than rằng :
- Việc ấy đúng là có ! Ta đã từng hỏi Diêm Vưong : "Già trẻ có yên không ?" Diêm Vương nói : "Yên cả, chỉ lo vị ngự muội tuổi thọ ít, chết đến nơi !" Quả đúng như lời !
Tất cả mọi người trong cung đều thương khóc, chạy đến gốc cây, thấy công chúa vẫn còn thoi thóp thở. Vua Đường nói :
- Đừng khóc, đừng khóc ! Đừng làm cho em ta sợ !
Rổi thân đến nơi lấy tay đỡ em dậy gọi :
- Ngự muội tỉnh dậy, tỉnh dậy !
Ngự muội bỗng nhiên vùng dậy gọi :
- Anh đi chậm lại, đợi em với !
Thái Tôn nói :
- Ngự muội, có bọn ta ở đây !
Công chúa ngẩng đầu, mở mắt nhìn, hỏi :
-  Nhà ngươi là ai, dám đến đây giữ ta ?
Thái Tôn nói
-  Là hoàng huynh, hoàng tẩu, anh và chị dâu em !
Công chúa nói
-  Tôi làm gì có hoàng huynh và hoàng tẩu. Họ nhà tôi là họ Lý, tên tôi là Lý Thúy Liên, chồng tôi họ Lưu tên Toàn, hai đứa đều là người dân Quận Châu. Ba tháng trước đây, tôi rút kim thoa cúng sư ở ngoài cửa, bị chồng tôi mắng là không giữ đạo làm vợ, hay ra đứng ngóng ở cửa. Tôi ức lên không chịu được, lấy dải lụa trắng thắt cổ chết, để lại hai đứa con trai gái, đêm ngày kêu khóc. Ngày nay chồng tôi được vua Đường khâm sai xuống Âm ti tiến bí, Diêm Vương động lòng thương, cho vợ chồng tôi về dương, chồng tôi đi đằng trước, vì tôi đi chậm, theo không kịp, vấp ngã ra đây, các người vô lễ, chẳng biết họ tên dám đến giữ tôi !
Thái Tôn nghe nói bảo với mọi người :
-  Có lẽ em ta ngã, tối tăm mắt mũi, bị sảng tính, nói mê : Liền truyền chỉ sai quan thái y cắt thuốc và vực Ngọc Anh vào trong cung.
Vua Đường lên điện chợt có quan dương giá tâu :
-  Tâu vạn tuế, nay có người tiến bí là Lưu Toàn được sống lại, hiện nay ở ngoài cửa triều đợi chỉ.
Vua Đường rất sợ, vội truyền chỉ triệu Lưu Toàn vào. Toàn phủ phục dưới đan trì, Thái Tôn hỏi :
-  Việc tiến bí thế nào ?
Lưu Toàn nói :
-  Thần đội quả bí đến quỷ môn quan, lên điện Sâm La, vào yết kiến vua Diêm Vương, dâng bí và nói rõ ý bệ hạ ân cần kính tạ. Vua Diêm Vương mừng rỡ cảm tạ bệ hạ và ngợi khen bệ hạ thực là bực hoàng đế có đức có tín.
Vua Đường hỏi :
-  Nhà ngươi ở âm ty thấy những gì ?
Lưu Toàn nói :
-  Thần không được đi xa, không biết gì hết, chỉ thấy Diêm Vương hỏi thần quê quán ở đâu, tên họ là gì, thần đem việc vợ thắt cổ chết, thần bỏ nhà lìa con, tình nguyện đi tiến bí, nói lại một lượt. Vua sai quỷ sứ đưa vợ thần đến gặp mặt nhau ở điện Sâm La. Một mặt lại sai tra xét lại sổ sinh tử nói vợ chồng thần có số sống lâu, lên tiên, liền sai quỷ sứ đưa về, thần đi trước, vợ thần đi sau, may được hoàn hồn: Còn vợ thần đầu hồn vào đâu không biết.
Vua Đường kinh ngạc nói :
-  Vua Diêm Vương có nói vợ nhà ngươi thế nào không ?
Lưu Toàn nói :
-  Diêm Vương không nói gì, chỉ nghe thấy quỷ sứ nói Lý Thúy Liên xuống âm đã lâu, thi thể không còn. Diêm Vương bèn bảo : “Đường ngự muội là Lý Ngọc Anh chết tươi, để cho Lý Thúy Liên mượn thi thể Ngọc Anh hoàn hồn cũng được !".
Thần không biết Đường ngự muội là ai, ở địa phương nào, gia cư ở đâu, thần chưa đi tìm được ?
Vua Đường nghe tâu, rất là vui vẻ, nói với các quan :
-  Khi trẫm từ biệt Diêm Vương, từng hỏi việc trong cung, vua có nói già trẻ bình yên cả, chỉ ngại có ngự muội chết tươi. Vừa rồi ngự muội là Ngọc Anh bị ngã chết ngay ở dưới gốc cây, trẫm vội đỡ dậy, một lát thì tỉnh lại miệng kêu : Lang quân đi chậm chứ, hãy đợi em với !". Trẫm cho là y tối mắt, ngã ra rồi nói mê. Hỏi lại tường tận, thì nàng cũng nói y như Lưu Toàn.
Ngụy Trưng nói :
-  Ngự muội bị ngã chết tươi, chốc hồi tính lại, nói ra như vậy, thế là vợ Lưu Toàn mượn thây người khác hoàn hồn. Việc ấy thường có, xin cho mời công chúa ra, xem công chúa nói ra sao ?
Thái Tôn nói :
-  Trẫm vừa sai quan thái y cắt thuốc, chưa biết thế nào ?
Liền cho phi tần vào cung mời ra. Công chúa ở trong cung dức lác om sòm nói :
-  Tôi không uống thuốc, đây có phải nhà tôi đâu, nhà tôi là nhà ngói mát mẻ, không giống cái nhà ôn dịch này, cánh cửa vẽ những cáo cọp lòe loẹt thế kia ! Buông tôi ra ! Buông tha tôi ra !
Đương khi công chúa nói ồn ồn như thế thì đã thấy năm vị nữ quan, hai ha vị thái giám đỡ nàng đi ra trước điện. Vua Đường nói :
-  Nhà ngươi có nhận được chồng không ?
Ngọc Anh nói :
- Nói lạ nhỉ, hai người chúng tôi lấy nhau từ hồi còn nhỏ, đã sinh trai đẻ gái, sao lại không nhận được ?
Vua Đường bèn sai nội giám đỡ nàng xuống. Công chúa xuống điện đi thẳng ra thềm bạch ngọc, trông thấy Lưu Toàn, ôm chầm lấy nói :
-  Anh ơi, anh đi đâu thế, không đợi em với ! Em vừa ngã một cái, bị ngay bọn người vô đạo lý này vây chung quanh, thế là làm sao ?
Lưu Toàn nghe giọng nói thì đúng là giọng vợ mình mà người thì không phải, nên không dám nhận. Vua Đường nói :
-  Thế mới là : đất tan núi lở còn kẻ thấy, bắt sống thay chết chưa ai hay !
Đấng quân vương có đạo sai đem hết tư trang, quần áo và đồ phục sức của em gái thưởng cho Lưu Toàn hết cũng coi như là của hồi môn. Lại chuẩn y được miễn hết sai dịch cả đời. Hai vợ chồng ở dưới thềm tạ ơn, sung sướng đưa nhau về làng. Có thơ làm chứng :
Kể từ người sinh định sẵn duyên,
Sống lâu chết yểu số thiên nhiên.
Lưu Toàn tiến bí về dương thế,
Mượn xác hoàn hồn Lý Thúy Liên.
Hai vợ chồng từ tạ nhà vua về đến thành Quận Châu thấy nhà cửa con cái đều yên lành nguyên vẹn. Hai vợ chồng bèn tuyên dương thiện quả, tạm không nói đến nữa.
Lại nói Uất Trì Cung đem một kho vàng bạc đến phủ Khai Phong, tỉnh Hà Nam hỏi đến nhà Tướng Lương.
Nguyên người ấy làm nghề bán hàng nước, vợ là Trương Thị bán hàng chậu sành ở đầu phố, mỗi khi kiếm được đồng tiền chỉ để đủ ăn còn nhiều ít thì cúng sư và bố thí. Ở dương gian thì là một người nghèo túng, thế mà ở dưới âm phủ lại là một người trưởng giả lắm ngọc nhiều vàng. Uất Trì Cung đem vàng bạc đưa
đến nhà làm cho Tướng ông và Tướng bà hồn bay phách tán, lại có cả quan hán phủ cũng đến, ở ngoài nhà tranh xe ngựa tấp nập, hai vợ chồng ông già như ngây như dại quỳ ở dưới đất cúi đầu
sụp lạy.
Uất Trì Cung nói :
-  Mời ông đứng dậy, tôi tuy là quan khâm sai nhưng chỉ là người vâng mệnh vua mang vàng bạc đến trả cho ông.
Người ấy run sợ trá lời :
-  Chúng tôi không có tiền bạc gì cho vay, đâu dám nhận thứ của không rõ ràng này ?
Uất Trì Cung nói :
- Tôi cũng hỏi được tin ông bà người nghèo, nhưng hay cúng sư và bô thí hết cả tiền nên dưới âm ty ông mới có được nhiều tiền bạc như thế. Vua Thái Tôn hoàng đế chết đi ba ngày được hoàn hồn sống lại đã vay một kho vàng bạc ấy của ông ở dưới âm ty nay đem trả lại cho ông đủ số, ông nên nhận lấy để tôi về tâu vua.
Hai vợ chồng Tướng Lương chỉ trông lên trời vái lạy không dám thu nhận và nói :
-  Chúng tôi mà nhận lấy vàng bạc này thì sẽ lại chóng chết. Tôi quyết không dám nhận.
Uất Trì Cung nói :
-  Nhà vua vay tiền, bạc của ông đã có Thôi giám quan đứng bảo lĩnh đủ làm bằng chứng, ông cứ nhận đi.
Tướng Lương nói :
-  Dù chết tôi cũng không dám nhận.
Uất Trì Cung thấy ông ta nhất định từ chối phải làm sớ, sai người đem tâu về triều. Thái Tôn thấy sớ biết là Tướng Lương không nhận vàng bạc, nói :
-  Thật là một trưởng giả lương thiện !
Tức thì truyền chỉ cho Hổ Kính Đức đem số vàng bạc ấy làm một ngôi chùa, dựng một nếp sinh từ, mời sư đến làm lễ cầu phúc coi như trả nợ cho ông ấy. Chiếu chỉ mang tới, Kính Đức trông về cửa khuyết tạ ơn, tuyên đọc cho mọi người biết, rồi đem vàng bạc mua một khoảng đất tử tế ở trong thành, chu vi độ năm mươi mẫu, rồi khởi công làm chùa đặt tên là "Chùa Tướng Quốc" bên tả có sinh từ Tướng Lương và Tướng bà, dựng bia đá và khắc chữ - Uất Trì Cung coi làm - tức nay là chùa Tướng Quốc.
Làm xong, Uất Trì Cung về triều tâu lại công việc, Thái Tôn rất mừng, bèn hội họp các quan văn võ ra bảng kén các sư để lập đàn chay "Thủy lục đại hội" để siêu độ cho cô hồn dưới âm phủ. Bảng văn gửi đi khắp thiên hạ, sức cho quan viên các xứ kén chọn các vị cao tăng đại đức đến Trường An mở hội. Mới độ trong vòng một tháng, tăng, ni trong thiên hạ đều đến đông đủ. Vua Đường truyền chỉ sai quan thái thừa là Phó Dịch kén chọn cao tăng, sửa sang việc phật. Phó Dịch tiếp chỉ tức thì dâng sớ ngăn việc phù đồ, nói là không có phật. Tờ biểu viết rằng :
"Cái đạo của nước Tây Vực không có vua tôi cha con, lấy ba đường (1) sáu đạo, lừa dối người ngu xuẩn, truy những tội đã qua, rình những phúc sắp đến, miệng đọc tiếng phạn để mong trốn thuế vua. Vả chăng sống chết thọ yểu vốn là tự nhiên ; hình, đức, oai, phúc do ở đức của vua mà ra. Nay nghe thấy những bọn thô tục cái gì cũng bảo do Phật. Từ năm đời đế đến ba đời vương chưa có đạo Phật. Vua sáng, tôi trung ngôi báu được dài lâu. Đến đời Hán Minh Đế mới tôn thân rợ Hồ. Nhưng chỉ có bọn sư sãi Tây Vực tự tuyên truyền giáo pháp của họ sang. Thật là mọi rợ đã phạm vào Trung Quốc, không đáng tin thờ.
Thái Tôn xem tờ biểu xong vứt xuống cho các quan bàn bạc. Lúc ấy có quan tể tướng là Tiêu Vũ đứng ra tâu rằng :
- Phật pháp có từ mấy triều rồi, làm điều lành ngăn điều dữ ngầm giúp quốc gia, lý không bỏ được, Phật là bực thánh nhân, kẻ phi thánh làm điều trái phép, xin trị tội nghiêm hành.
Phó Dịch cãi lẽ với Tiêu Vũ, nói là lễ gốc ở việc thờ vua thờ cha, mà Phật thì xuất gia quên bố mẹ đem kẻ thất phu chống với thiên tử, lấy thân mình mà bội bạc với cha mẹ. Tiêu Vũ chừng ở lỗ nẻ chui lên mới theo cái đạo không có bố, thật nhũng kẻ bất hiếu thì không biết có cha mẹ.
Tiêu Vũ chỉ chắp tay nói :
-  Địa ngục ở dưới âm ti chỉ vì cái hạng người này mà đặt ra.
Thái Tôn truyền gọi quan thái bộc khanh Trương Đạo Nguyên, quan trung thư lệnh Trương Sĩ Hành vào hỏi việc thờ Phật làm phúc, báo ứng thế nào. Hai người tâu rằng :
-  Thờ Phật cốt để thanh tịnh nhân thứ, nhân quả thì chính, phật pháp thì không. Vua Vũ Đế nhà Chu đem tam giáo chia ra thứ tự ; đức Đại Tuệ thuyền sư có tài tán u viễn, chúng sinh cúng ràng, thấy đều hiển linh ; năm vị tổ sư đi đầu thai, đức Đạt Ma hiện chân tướng ; từ trước tới nay đều nói đạo, tam giáo rất đáng tôn mà không được phỉ báng, không được bỏ. Cúi xin bệ hạ thánh minh xét đoán.
Thái Tôn rất mừng nói :
-  Khanh nói rất hợp lý, ai còn can nữa sẽ có tội.
Liền sai Ngụy Trưng và Tiêu Vũ, Trương Đạo Nguyên làm lễ thỉnh chư phật, kén chọn lấy một vị đại đức cao tăng làm chủ, lập đàn làm chay. Triều thần đều cúi đầu tạ ơn lui ra. Từ đấy ban ra hẳn pháp luật : kẻ nào nhạo sư báng phật phải tội chặt tay.
Hôm sau ba vị triều thần triệu tập các sư ở đàn Sơn Xuyên hỏi han hết lượt, chọn được một vị cao tăng có đức hạnh. Vị ấy là ai ? Linh Thông xưa gọi Kim Thuyền
Chỉ vì lơ đễnh lời truyền Như Lai
Phàm trần chịu nạn chịu tai Sinh vào thế tục chông gai muôn vàn,
Còn trong trứng đã gặp gian.
Ra đời nếm đủ mọi đường truân chiên,
Bố họ Trần đỗ trạng nguyên,
Trong triều ông ngoại giữ quyền tống nhung.
Xuất thân đã phải buông sông.
Dập dềnh trôi nổi giữa dòng Trường Giang,
Chùa Kim Sơn có cao tăng :
Thiện An hòa thượng dẫn đàng hiếu sinh.
Mười tám tuổi gặp mẹ lành.
Về kinh xin được quân binh báo thù.
Khai Sơn thừa tướng vận trù.
Hồng Châu tiễu dẹp quân thù sạch không.
Trạng nguyên Quang Nhị thoát lòng.
Cha con gặp gở, vợ chồng đoàn viên.
Ơn vua lộc nước lâu bền.
Gác Lăng Yêu rõ quan hiền tiếng vang,
Đi tu chẳng tưởng quan sang.
Ở chùa Hồng Phúc theo đường sa môn
Giang Lưu con đức Thế Tôn.
Huyền Trang là hiệu tiếng còn đến nay.
Hôm ấy Huyền Trang pháp sư được cử ra trước mặt các sư. Pháp sư đi tu từ nhỏ, khi lọt lòng mẹ đã ăn chay thụ giới. Ông ngoại là Ân Khai Sơn làm quan tổng quân một lộ của triều ấy. Bố đẻ là Trần Quang Nhị, thi đỗ trạng nguyên, làm quan Văn Uyên điện đại học sĩ. Trong lòng chẳng thiết vinh hoa, chỉ thích tu trì đạo phật. Xét thấy dòng dõi trâm anh, đức hạnh lại tốt nghìn kinh muôn điển không sách nào là không thông, hiệu phật nhạc tiên không điều gì là không biết.
Lúc ấy ba vị đại thần dẫn đến ngự tiền lạy tâu lên
-  Bọn Tiêu Vũ chúng tôi vâng thánh chỉ kén được một vị cao tăng tên là Trần Huyền Trang. Thái Tôn nghe thấy tên, ngẫm nghĩ giờ lâu rồi nói :
-  Có phải Huyền Trang là con quan học sĩ Trần Quang Nhị không ?
Giang Lưu cúi đầu tâu :
-  Chính phải.
Thái Tôn mừng nói :
-  Quả nhiên kén chọn không sai, thật là một vị hòa thượng có đạo đức, có thiền tâm. Trầm ban cho chức "Tả tăng cương, hữu tăng cương, thiên hạ đại xiền độ tăng cương''.
Huyền Trang cúi đầu tạ ơn nhận quan tước đại xiền. Vua lại ban cho một tấm áo cà sa thêu ngũ sắc giáp vàng, một chiếc mũ tỳ lư. Bảo phải dụng tâm cầu lạy bực minh tăng, xếp đặt thứ tự các sư ; viết ý chỉ ra, đem thi hành trước hết đến chùa Hóa Sinh, chọn ngày lành tháng tốt bắt đầu giảng kinh.
Huyền Trang lễ tạ lĩnh chỉ lui ra, đến ngay chùa Hóa Sinh, triệu tập các sư, đóng các giường phản, sửa sang công đức, chỉnh lý âm nhạc, kén được minh tăng lớn nhỏ là một nghìn hai trăm người, chia ra làm ba nhà thượng, trung, hạ. Các đồ phật đều sắm đầy đủ đâu ra đấy cả. Lại định đến mồng ba tháng chín hôm ấy đúng giờ tốt hoàng đạo, mở đàn chay "Thủy lục đại hội" tiết bảy bảy bốn mươi chín ngày. Rồi làm biểu tâu lên, vua Thái Tôn cùng văn võ và quốc thích, hoàng thân đều đúng hẹn đến dự hội dâng hương lễ Phật, có thơ làm chứng.
Thơ rằng :
Năm vừa Trinh Quán thứ mười ba,
Vâng lệnh nhà vua mở hội ra,
Khai diễn phép màu trời phật giáng,
Mở mang đại nguyện tuyết sương pha.
Chùa xây ngũ sắc ơn còn mãi,
Xác lột kim thuyền đức vọng xa.
Quả phúc rộng to không trụy lạc,
Trước sau ba đạo lớn truyền qua.
Năm Trinh Quán thứ 13 là năm Kỷ Tỵ, ngày mồng ba tháng chín, giáp tuất, giữa giờ quý mão tốt lành. Đại xiền pháp sư là Trần Huyền Trang họp một nghìn hai trăm vị cao tăng, khai diễn các pho kinh phật ở chùa Hóa Sinh, trong thành Trường An. Hoàng đế ngự triều buổi sáng xong, đem cả các quan văn võ, ngồi trên long xa phượng liễn, rời điện Kim Loan, đi thẳng đến chùa làm lễ. Trông theo loan giá nhà vua, thật là :
Một trời mây đẹp, muôn đạo hào quang. Gió nhân bay bảng lảng, trời hóa sáng phi thường. Trăm quan áo mũ hầu bên giá ; nghìn đội cờ mao đứng dọc đường. Vác phủ việt, cầm kim qua, oai phong lẫm lẫm ; đội lò hương, bưng cây nến, tướng mạo đường đường. Phượng, rồng bay lạy ; công, cắt múa dâng. Vua thánh minh chính trực ; tôi tín nghĩa trung lương. Hạnh phúc nghìn thu hơn Thuấn Vũ; thanh bình muôn thuở quá Nghiêu Thanh. Lại lấy tân phượng, áo rồng, long lanh đỏ tía. Quất ngà vòng ngọc, lấp lánh xanh vàng. Mũ rồng lộng lẫy, đai phượng huy hoàng.
Xa giá vua Đường đã đến cửa chùa, lệnh truyền tạm ngừng âm nhạc ; vua xuống xe dẫn các quan vào chùa hành hương lễ Phật, quanh đàn ba vòng, ngẩng đầu nhìn lên quả nhiên thấy đàn trường trang nghiêm, tố hảo. Rõ là :
Tràng phan phất phới, trên không xanh đỏ tung bay. Bảo cái huy hoàng, trước mặt tím vàng bóng rợp. Thế Tôn tướng mạo trang nghiêm ; La Hán dung nghi lẫm liệt. Bình cắm hoa tiên, cây gấm rõ ràng trên bảo sát. Lò thiêu đàn giáng, mây thơm cuồn cuộn tận mây xanh. Quả hoa mới mẻ để đầy mâm ; đường kẹo dị kỳ bày khắp án. Cao tăng la liệt tụng chân kinh ; tế độ cô hồn qua khổ nạn.
Thái Tôn cùng các quan văn võ đều dâng hương làm lễ trước Phật tổ, kính vái La Hán. Chợt thấy vị Đại xiền đô cương là Trần Huyền Trang pháp sư dẫn các sư đến bái yết vua Đường. Làm lễ xong, mọi người đứng ra hai hàng. Huyền Trang dâng bức bảng văn tế độ cô hồn lên Thái Tôn xem. Bảng rằng :
"Đức lớn mênh mông, đảo thiền tịch diệt. Thanh tịnh linh thông, khắp trồng ba cõi. Thiên biến vạn hóa, thống trị âm dương. Theo đúng phép thường, xiết bao vui vẻ ! Những cô hồn kia, rất đáng thương xót ! Nay vâng Thái Tôn lệnh chỉ, lựa chọn các sư, tham thiền giảng đạo. Con đường phương tiện mở to, bánh lái từ bi đẩy mạnh. Cứu vớt chúng sinh trong bể khổ ; độ trì người lạc khỏi đường mê, dẫn về đường chính, ăn ở thảnh thơi. Nhàn hạ đời đời, theo đường thuần phác. Tốt lành gặp dịp, hưởng vui phủ tía lầu vàng ; hội họp vừa thời, thoát khỏi đường ma lối quỷ. Về nơi cực lạc rất yên vui, sang tới Tây thiên càng thỏa thích .
Thơ rằng :
Một lò hương thơm nức,
Mấy quyển siêu sinh lực,
Pháp thuật không bến bờ,
Ơn trời đã dưỡng dục,
Oan nghiệt thảy tiêu trừ,
Cô hồn ra khỏi ngục,
Gìn giữ lấy nước nhà,
Thái bình hưởng muôn phúc,
Thái Tôn xem xong trong lòng rất vui vẻ, nói với các sư :
-  Các người giữ vững lòng ngay, việc Phật không nên biếng nhác, đợi khi công thành hoàn mãn mọi người được hưởng phúc lành, trẫm sẽ thưởng công, không để phải uổng.
Một nghìn hai trăm nhà sư đều cúi đầu tạ ơn. Hôm ấy dùng xong ba bữa cơm chay, vua Đường ra về, đợi đến ngày chính hội bảy hôm sau lại đến làm lẻ. Lúc bấy giờ trời đã về chiều, các quan đều lui bước.
Sáng hôm sau, pháp sư lại lên đàn, họp các sư lễ Phật giảng kinh.
Lại nói đến đức Quan Thế Âm Bồ tát ở Nam Hải Phổ Đà sơn từ khi vâng lệnh đức phật Như Lai đi tìm người lấy kinh ở Trường An, lâu ngày chưa gặp được người thật có đức hạnh. Chợt nghe được tên vua Thái Tôn tuyên dương thiện quả, kén chọn vị cao tăng, mở một đàn đại hội, lại thấy nói pháp sư làm chủ hội là vị hòa thượng tên là Giang Lưu Nhi, đúng là người con Phật trong cực lạc xuống trần, lại chính là vị sư mà Bồ tát đã đưa đi đầu thai. Bồ tát rất là vui mừng đem những bảo bối Phật đã giao cho lên trên phố cùng với Mộc Xoa đem bán. Đó là những bảo bối gì ?
-  Một tấm áo cà sa thêu gấm, một cây tích trượng chín vòng. Lại ba cái lồng con có khóa vàng, thức này giữ kỹ để về sau, chỉ đem có áo cà sa, gậy tích trượng ra bán.
Ở trong thành Trường An có một số sư ngu xuẩn không được chọn vừa rồi lại chỉ có mấy đồng xu quèn thôi, họ thấy Bồ tát biến hóa thành một vị sư ghẻ lở, mặc quần áo rách rưới, chân không đầu trần, bưng tấm cà sa hào quang óng ánh, họ bèn đến trước mặt hỏi :
-  Nhà sư ghẻ lở ơi, tấm áo cà sa của người định bán lấy bao nhiêu tiền ?
Bồ Tát nói
-  Áo cà sa năm nghìn lạng, gậy tích trượng hai nghìn lạng.
Bọn sư ngu xuẩn cười nói :
-  Lão sư ghẻ này phát điên phát dại rồi ! Hai cái vật xoàng thế này đòi bán lấy bẩy nghìn lạng vàng ; giá có mặc vào người trẻ mãi không già, thành tiên thành phật thì cũng chẳng bán được từng nấy tiền ! Mang ngay đi, chẳng ai mua đâu !
Bồ tát không đáp, cùng Mộc Xoa lại đi. Đi được một lúc, đến trước cửa Đông Hoa vừa gặp quan tể tướng Tiêu Vũ đi chầu về, có quan đi trước dẹp đường. Bồ tát công nhiên không tránh, cứ mang áo cà sa đi trên phố đến trước mặt quan tể tướng. Quan tể tướng dùng ngựa lại xem, thấy áo cà sa phát ra hào quang óng ánh, liền sai thủ hạ đến hỏi áo cà sa ấy bán bao nhiêu tiền.
Bồ tát nói :
-  Cà sa bán năm nghìn lạng, tích trượng bán hai nghìn lạng.
Tiêu Vũ nói :
-  Có cái gì tốt mà nói giá cao thế ?
Bồ tát nói :
-  Cà sa có chỗ tốt, có chỗ không tốt, có chỗ lấy tiền, có chỗ không lấy tiền.
Tiêu Vũ nói :
-  Sao lại tốt, sao lại không tốt ?
Bồ tát nói :
-  Mặc áo cà sa của ta, không vào trầm luân, không sa địa ngục, không gặp ách ác độc, không bị nạn hổ lang, đấy là chỗ tốt; nếu bọn ngu tăng tham dâm thích họa, lũ hòa thượng chẳng giới chẳng trai, tục phàm phu nhạo phật hủy kinh, khó lòng nhìn thấy mặt tấm áo cà sa của ta, thế là chỗ không tốt.
Lại hỏi :
-  Thế nào gọi là đáng tiền, thế nào gọi là không đáng tiền ?
Bồ tát nói :
-  Không theo phép phật, không kính tam bảo, cưỡng mua cà sa, tích trượng thì nhất định bán lấy bảy nghìn lạng, thế gọi là lấy tiền. Nếu kính trọng tam bảo, thấy việc phúc mừng làm ngay, quy y đức Phật, được nhận tu hành, ta sẽ đem cà sa tích trượng cho không, kết thiện duyên với ta, thế là không lấy tiền.
Tiêu Vũ nghe nói, mặt thêm xuân sắc, biết là người tốt, liền xuống ngựa làm lễ ra mắt Bồ Tát :
-  Chào Đại pháp trưởng lão, xin tha lỗi cho Tiêu Vũ này, Đức Đại Đường hoàng đế chúng tôi rất là hiếu thiện, các quan văn vũ trong triều, không ai là không theo vâng ý chỉ tu hành, hiện nay đương mở "Thủy lục đại hội", áo cà sa này có thể để cho vị đại Đô xiền Trần Huyền Trang mặc dùng. Xin mời trưởng lão cùng tôi vào triều ra mắt hoàng đế.
Bồ Tát vui vẻ đi theo, tiến bước thẳng tới cửa Đông Hoa. Quan hoàng môn chuyển tâu, vua truyền chỉ tuyên triệu vào trong điện. Nhìn ra thấy Tiêu Vũ dẫn theo hai vị sư ghẻ lở đứng ở dưới thềm, vua Đường hỏi
-  Tiêu Vũ đến tâu việc gì ?
Tiêu Vũ cúi đầu tâu :
-  Thần ra cửa Đông Hoa, chợt gặp hai vị sư đi bán áo cà sa và tích trượng, thần thiết tưởng pháp sư Huyền Trang có thể dùng được những thức ấy, nên mới dẫn vào tâu.
Thái Tôn cả mừng hỏi :
-  Áo cà sa đáng giá bao nhiêu tiền ?
Bồ Tát và Mộc Xoa đứng ở dưới thềm không làm lễ, nghe thấy hỏi giá áo cà sa liền trả lời :
-  Cà sa năm nghìn lạng.
Thái Tôn nói :
-  Áo cà sa ấy có cái gì tốt mà bán đắt thế ?
Bồ tát nói :
-  Áo cà sa này, đường khâu rồng uốn, thoát tai ương quạ cắp diều tha ; sợi lụa hạc bay, hưởng phúc quả siêu phàm nhập thánh. Khi ngồi có muôn thần chầu chực, lúc đi được bảy phật hộ thân.
Áo cà sa này, tằm sương miệng nhả ra tơ, thợ khéo tay ươm nên sợi. Tiên nga dệt lụa, thần nữ quay tơ ; từng vuông gấm giát hoa thêu, mỗi tấm lụa chông vóc gấp. Hoa thêu lóng lánh rạng màu tươi, sắc thắm huy hoàng khoe vẻ đẹp. Mặc vào, đầy người mây tía quấn ; cởi ra, một đoạn khói thơm bay. Ba cửa trời quắc lộn bóng huyền quang ; nạm ngọn núi ngát lừng mùi hương báu. Khi xếp liền chẳng khác sen Tây phiên ; vẻ rực rỡ trông như hình Tinh đẩu. Bốn góc đều ngọc dạ quang ; trên đỉnh gài viên châu tổ mẫu. Dẫu không chiếu rọi cả toàn thân, nhưng cũng sáng trong hơn bát bảo.
Áo cà sa này, khi nhân gấp lại, muôn tầng tuyết trắng mây xanh ; gặp thánh mặc vào, khắp chốn thần kinh quỷ sợ. Bên trên có như ý châu, ma ni châu, tỵ trần châu, định phong châu ; bên dưới có hồng mã não ; tử san hô, dạ minh châu, xá lị tử. Trong hơn vẻ nguyệt, đỏ tựa mặt trời. Những tầng tiên khí ngất trên không, cửa trời sán lạn ; mấy đạo tường quang chầu bóng thánh, tà vạt huy hoàng. Chiếu khắp núi non, beo cọp sợ ; bóng tràn sông bể cá rồng kinh. Tà vạt hai bên vàng giát : cổ vai một loạt ngọc viền.
Thơ rằng :
Tam bảo cao cao đạo rất tôn
Bốn sinh sáu dạo, giáng bàn luôn.
Trời, người giải rõ, lòng thêm sáng,
Trí tuệ truyền lâu, tính vẫn còn.
Cõi Phật trang nghiêm thần hộ vệ
Ngọc hồ trong trắng tấm lòng son.
Cà sa từ lúc nhờ ơn phật.
Muôn kiếp đường tu vững chẳng mòn,
Vua Đường ngự trên bảo điện, nghe nói rất mừng, lại hỏi :
-  Thưa hòa thượng, cây tích trượng có gì tốt ?
Bồ tát nói :
-  Cây trích tượng của ta là :
Nạm thau bịt sắt chín vòng liền
Chín đốt song tiên tiết rất bền.
Tay chống như xưa hình vóc yếu
Chân đi tựa cưỡi đám mây lên.
Ma Kha năm tố chơi trời thẳm,
La Bặc tìm bà phá đất liền.
Ô uế hồng trần không chút bợn,
Thần tăng mừng được đến Tây Thiên.
Vua Đường nghe nói, liền sai giở áo cà sa ra, xem xét từ đầu đến cuối, quả là một tấm áo tốt, bèn nói
-  Thưa đại pháp trưởng lão, chẳng giấu gì người, trẫm tay mở rộng thiện quả, cấy nhiều ruộng phúc, hiện đang tụ tập các sư ở chùa Sinh Hóa, tụng kinh lễ phật, trong đó có một vị rất đức hạnh, pháp danh là Huyền Trang. Trẫm sẽ mua những vật báu này để người thụ dụng, vậy thật thà thì bao nhiêu tiền ?
Bồ tát nghe nói cùng với Mộc Xoa chắp tay quy y niệm phật, cúi mình nói :
-  Nếu có người đức hạnh, bần tăng xin biếu, quyết không lấy tiền.
Nói xong quay mình ra đi. Vua Đường vội sai Tiêu Vũ giữ lại, đứng trên thềm nghiêng mình hỏi :
-  Trước kia người nói áo cà sa giá năm nghìn lạng, tích trượng giá hai nghìn lạng, người thấy trẫm cần mua, lại bảo cho không, hay là người cho trẫm là vua nên bức người mà lấy không của người đó sao ? Không bao giờ lại thế, trẫm cứ chiếu theo giá trước trả đủ đồng, người chớ có từ chối.
Bồ tát xua tay nói :
-  Bần tăng đã phát nguyện từ trước, người nào kính trọng tam bảo, tu điều lành, làm việc phúc, quy y phật pháp, sẽ không lấy tiền, chỉ cho không. Ngày nay bệ hạ là bực thánh minh hay làm điều thiện, lại có vị cao tăng có đức hạnh, tuyên dương đạo cả, xin để kính biếu, quyết không lấy tiền. Bần tăng xin để các vật ấy lại dâng, xin cáo từ.
Thái Tôn thấy Bồ Tát ân cần như thế, rất mừng, sai ngay Quang Lộc tự làm tiệc chay tạ ơn. Bồ tát lại từ chối không nhận, vui vẻ lui ra, trở về miếu thổ địa tránh ẩn như trước.
Thái Tôn hội triều vào buổi trưa sai Ngụy Trưng đi triệu Huyền Trang vào điện. Bấy giờ Pháp sư đang hội họp các sư tụng kinh niệm phật, thấy có chiếu chỉ, vội xuống đàn, sửa sang áo mũ theo Ngụy Trưng vào triều. Thái Tôn nói :
-  Phiền Pháp sư làm việc phúc đức, chẳng biết lấy gì tạ ơn. Mới rồi Tiêu Vũ đưa đến hai vị sư, tình nguyện kính biếu một tấm cà sa viền gấm, một cây tích trượng chín vòng, vậy nên mời Pháp sư lĩnh về mà dùng.
Huyền Trang cúi đẩu tạ ơn. Thái Tôn nói :
-  Nếu Pháp sư vừa ý, hãy mặc vào cho trẫm ngó thử.
Huyền Trang mở tấm áo cà sa ra khoác lên trên người, tay chống cây tích trượng, đứng ở trước thềm, quần thần rất đỗi vui vẻ, rõ ràng con phật Như Lai :
Mặt hoa lẫm liệt rất uy nghi
Áo Phật vừa người in như vẽ
Tưng bừng trời đất vẻ tươi vui.
Rạng rỡ kiền khôn thêm đẹp đẽ,
Minh Châu trên dưới thẳng đường ken
Kim tuyến trước sau đều lối kẻ,
Bốn bề viền gấm sắc hồng tươi,
Muôn sợi chỉ thùa màu đỏ khé,
Áo đơm cúc báu khoe chiều thanh,
Lưng thắt đai nhung phô vẻ lệ,
Phật trời lớn nhỏ thấp cao bày,
Tinh tú dưới trên sau trước đệ,
Huyền Trang sư trưởng lắm duyên may,
Vật báu ngày nay được thừa kế,
Khác nào La Hán hiện chân thân,
Tựa thể thần tiên xuống trần thế,
Gậy tích chín vòng sang sảng kêu,
Mũ tỳ lư đội coi bệ vệ,
Đúng là con phật chẳng đồn ngoa,
Hơn cả Bồ đề bao xiết kể!
Các quan văn võ ở dưới thềm hò reo khen ngợi, Thái Tôn mừng rỡ không xiết, để cho Huyền Trang mình mặc cà sa, tay chống tích trượng, có hai đội quân đi hai bên, các quan tiễn đưa ra cửa triều, truyền cho pháp sư đi qua các phố trở về chùa cũng như người đỗ trạng nguyên đi chơi phố. Huyền Trang lạy hai lạy tạ ơn, rồi oanh oanh, liệt liệt, hiên hiên, ngang ngang, đi trên đường phố, nào kẻ buôn người bán, cháu chúa con quan, nhà văn, khách trẻ già trai gái trong thành Trường An đều chen chân xúm lại xem, khen ngợi chạy theo. Họ đều nói :
Thật đúng vị Bồ tát sống xuống hạ giới, vị La Hán thiêng tới phàm trần. Huyền Trang đi đến chùa, mọi sư ra đón tiếp, thấy người mình mặc áo cà sa, tay chống tích trượng, đều nói là Đức Địa Tạng Vương đã lai lâm, mọi người quy y, chầu ở hai bên tả hữu. Huyền Trang lên điện dâng hương lễ phật, thuật lại ơn vua cho các sư nghe rồi đâu về đấy. Lúc ấy mặt trời đã gác non tây. Thật là :
Mặt trời lặn khói trùm cây cỏ.
Trong đế đô chiêng trống vừa khua,
Ba hồi cấm lệnh vừa tan,
Phố trước đường sau vắng vẻ.
Đèn nến sáng trưng nơi tự viện,
Im hơi lặng tiếng chốn cô thôn,
Chúng tăng nhập định đọc kinh xưa,
Chính lúc trừ tà định tính.
Thì giờ thấm thoát, đã đến ngày thứ bảy, ngày hội chính. Huyền Trang lại dâng biểu mời vua Đường đến dự lễ. Lúc ấy tiếng lành đã đổn đi khắp thiên hạ. Thái Tôn ngự giá đem các quan văn võ, hậu phi quốc thích đến chùa. Người trong thành vô luận sang hèn, già trẻ đều đến chùa nghe giảng.
Lúc ấy Bồ tát bảo với Mộc Xoa :
- Hôm nay là ngày “Đại hội thủy lục" lấy số bảy nối tiếp bảy số bảy, đúng thế rồi. Ta và con đi lẫn vào đám người đi dự lễ, một là để xem mở hội ra sao, hai là xem Kim Thuyền tử có phải là người có phúc đáng mặc áo cà sa của ta không, ba là để nghe họ giảng vào môn kinh pháp nào ?
Hai người theo những người đi xem vào chùa. Chính là :
Có duyên gặp được người quen trước,
Trí tuệ tại theo đạo pháp mình.
Khi vào đến trong chùa, thật là triều thần nước lớn, hơn hẳn sa bà, ngang với kỳ viện xá vệ, chẳng kém gì thượng sát chiêu đề.
Một ban tiên nhạc du dương, tụng kinh râm rả. Bồ Tát đến tận bên bảo đài, quả nhiên thấy hình vóc Kim Thuyền thanh sáng.
Thơ rằng:
Trong veo muôn vẻ khác trần ai
Pháp chú Huyền Trang trước giảng đài,
Siêu độ cô hồn vâng sắc chỉ.
Giảng kinh, huyền diệu phật Như Lai,
Ứng thời giúp chúng, đường lòng thẳng,
Gập lúc hồi sinh cửa Tạng vui,
Vô lượng phép mầu thường giảng dạy,
Trẻ già ai nấy sướng vui hoài.
Lại có thơ rằng :
Giáng đàn thế giới đến thung dung,
Gặp được tương tri thật lạ lùng
Trước mắt nói ra nghìn mớ truyện,
Kiếp thần kể lại biết bao công !
Mây thiêng bay lửng trùm đầu núi
Lưới phép căng cao rợp quãng không,
Kiếm điểm người đời tu quả phúc,
Giọt mưa lác đác rụng hoa hồng.
Pháp sư ở trên đài, tụng một bộ kinh "Thụ sinh độ vong", giáng một quyển "An bang thiên bảo", đọc một tập "Khuyến tu công đức". Bồ tát đến gần, đập vào bảo đài, lên tiếng nói to :
-  Vị hòa thượng này chỉ biết giảng giáo lý "tiểu thừa", có giảng được "đại thừa" không ?
Huyền Trang nghe nói trong lòng rất mừng, từ trên đài bước xuống, tới trước Bồ tát chắp tay nói :
-  Thưa lão sư phụ, đệ tử thất tín xin tha lỗi. Hiện nay các sư đều giảng giáo lý "tiểu thừa" chứ chưa biết giáo lý “đại thừa" là thế nào ?
Bồ tát nói :
-  Giáo lý "tiểu thừa" của các người không siêu độ được vong lớn, chỉ đại khái lộn xộn thế thôi, ta có pho kinh "Đại thừa phật pháp tam tạng” có thể siêu độ cho vong hồn được lên trời, có thể cứu vớt người hoạn nạn khỏi khố, có thể tu sống lâu vô lượng, có thể bất sinh bất diệt.
Chính lúc đương giảng, quan giữ việc đèn hương vội đến báo với vua Đường :
-  Hòa thượng đương giảng phép hay, bỗng có hai nhà sư ghẻ lở kéo người xuống nói quàng nói quẻ.
Vua hạ lệnh bắt hai nhà sư lại. Nhiều người túm bắt dẫn đến sau nhà pháp đường ra mắt Thái Tôn. Vị sư ấy không giơ tay cũng không lạy, ngửa mặt hỏi :
-  Bệ hạ hỏi ta việc gì ?
Vua Đường nhận ra được bèn hỏi :
-  Người có phái vị hòa thượng biếu cà sa đó không ?
Bồ tát nói :
-  Chính phải !
Vua Dương nói :
-  Người đã đến nghe giảng, chỉ nên dùng bữa cơm chay, sao lại bàn quanh giảng bậy với pháp sư ta, là rối loạn nhà giảng kinh, lỡ cả việc Phật của ta ?
Bồ Tát nói :
-  Pháp sư người giảng giáo lý "tiểu thừa", không siêu độ vong linh lên trời được. Ta có pho "Đại thừa phật pháp tam tạng” có thể độ vong thoát khổ, tràng thọ không chết.
Thái Tôn tỏ vẻ vui mừng hỏi :
-  Pho Đại thừa phật pháp ấy ở đâu ?
Bồ tát nói :
-  Ở nơi phật Như Lai, tại chùa Đại Lôi âm nước Thiên Trúc bên Tây Thiên, có thể giải kết trảm oan, tiêu trừ tai ách vô vọng.
Thái Tôn nói :
-  Người có nhớ được không ?
Bồ tát nói :
-  Ta có nhớ !
Thái Tôn rất mừng nói :
-  Truyền cho Pháp sư dẫn người đi, mời người lên giảng đài thuyết pháp.
Bồ tát dẫn Mộc Xoa bay lên đài cao, cưỡi mây lành lên thẳng chín tầng trời, hiện thân cứu khổ, tay cầm tịnh bình, dương liễu, bên phải người là Mộc Xoa, Huệ Ngạn tay cầm thiết côn, trông thật oai vệ. Vua Đường mừng rỡ, chầu lên trời lễ bái, các văn võ quỳ xuống thắp hương. Khắp chùa tăng, ni, đạo, tục, sĩ, nông, công, cổ, không người nào là không lễ bái cầu đảo : "Lạy Bồ Tát, lạy Bồ Tát !". Có bài diệu làm chứng. Thực là :
Trời đẹp, mây bảng lảng,
Hào quang giữ pháp thân,
Chín tầng trên trong sáng,
Hiện hình nữ chân nhân.
Bồ tát trên cổ đeo chuỗi hạt châu dải lụa giắt khuy vàng cài hoa biếc, phóng hào quang, lừng hơi ngát ; trên mình mặc tấm áo bào xanh lam kẻ trắng, sắc nhờn nhợt, hoa lơ thơ, rồng ngọc giỡn, phượng hoàng bay ; trước ngực là một cái vòng ngọc thoa hương thơm, nhìn trăng trong, vờn gió mát, lẫn ngọc lành, gài châu báu ; ngang lưng vận một bức xiêm nhung, gấm vóc, tơ tằm sương, dệt mép vàng, vẽ mây xanh, nền nước bể ; bên chân có một yểng non, qua đông dương, khắp thế giới, cảm ơn biết hiếu, mép đỏ lông vàng ; trong tay cầm lọ báu thi ơn cứu đời, trong bình cắm một cành dương liễu rửa sạch trời xanh, tẩy trừ gian ác, quét sạch mây mù. Vòng ngọc luồn khuy gấm, sen vàng mọc dưới chân ; ba tầng trời qua lại, chính thực là Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm.
Đường Thái Tôn mừng rỡ quên giang sơn, quan văn võ vui vầy dâng triều lễ. Mọi người đều niệm : "Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát". Thái Tôn truyền chỉ sai thợ vẽ, vẽ chân tượng Bồ Tát. Chiếu chỉ vừa ra, đã chọn được một tay thợ vẽ rất giỏi vẽ thánh tên là Ngô Đạo Tử - người này về sau vẽ những công thần ở Lăng Yên Các - Lúc ấy vẫy cây bút thần, vẽ bức chân dung. Bồ tát dần dần cưỡi mây đi xa, một lúc sau bóng tường quan không thấy nữa. Chỉ thấy một tờ thiếp từ trên không phất phới bay xuống, trên có mấy lời tụng, viết rất rõ ràng. Tụng rằng :
Kính gửi vua Đại Đường,
Có kinh ở Tây Phương,
Kinh này về thượng quốc,
Ma quỷ được siêu thăng,
Ai mà chịu đi lấy,
Thành chính quả mình vàng (2).
Thái Tôn thấy tờ tụng, liền bảo các sư :
-  Nay hãy tán đàn, đợi khi ta sai người lấy được kinh "Đại thừa" mang về, sẽ lại lập đàn làm lễ trùng tu quả phúc.
Các quan mọi người đều tuân lệnh. Lúc ấy vua hỏi mọi người ở trong chùa :
-  Vị nào ưng lĩnh chiếu chỉ trẫm, sang Tây Thiên lễ Phật cầu kinh ?
Vua nói chưa dứt lời, Pháp sư đã đứng ra làm lễ trước mặt vua nói :
-  Bần tăng là kẻ bất tài xin ra sức khuyển mã, đi cầu chân kinh vệ dâng bệ hạ, giữ gìn non sông bền vững cho nhà vua.
Vua Đường rất mừng, lấy tay đỡ dậy nói :
-  Nếu Pháp sư hết lòng trung tín, không ngại đường xa dặm thẳng, lặn suối qua rừng, trẫm cùng người xin kết làm huynh đệ.
Huyền Trang cúi đầu tạ ơn. Vua Đường thực là người hiền đức, cùng Huyền Trang lạy bốn lạy, kết làm anh em trước bàn thờ Phật ở ngay trong chùa, miệng gọi là "Ngự đệ thánh tăng". Huyền Trang cảm ơn khôn xiết nói :
-  Tâu bệ hạ, bần tăng có tài năng gì, được ơn trời quyến luyến như thế ? Tôi đi lần này xin quên mình gắng sức, đến tận Tây Thiên, không cầu được chân kinh, đành chết không dám trở về nước, mãi mãi trầm luân xuống địa ngục.
Rồi Huyền Trang thắp hương thề trước phật tiền. Vua Đường rất mừng, truyền xa giá về cung, đợi chọn lấy ngày lành tháng tốt, sẽ cấp cho Huyền Trang tờ điệp xuất hành. Các quan cũng ra về.
Huyền Trang về chùa Hồng phúc. Các vị sư và một số đồ đệ trong chùa đã biết việc lấy kinh, đều đến nói hỏi :
-  Pháp sư phát thệ sang Tây Thiên, có thực không ạ ?
Huyền Trang nói :
-  Có thực
Đồ đệ nói
-  Bạch sư phụ, nghe nói đường sang Tây Thiên xa xôi lắm, lại nhiều hổ báo yêu ma, chỉ e có đi không về, khó mà giữ đươc tính mang.
Huyền Trang nói :
-  Ta đã thề không lấy được chân kinh, mãi mãi sa vào địa ngục trầm luân, chỉ vì mang ân nặng nhà vua, tất phải tận trung báo nước. Ta đi lần nay thật là mênh mông, chẳng biết lành dữ thế nào ?
Người lại nói
-  Các đồ đệ, khi ta đi rồi, hoặc hai ba năm, hoặc dăm bảy năm, hề thấy những cành thông ở trước cửa chùa trổ về đằng đông thì là ta về đây. Nếu không thì chẳng bao giờ ta trở lại nữa.
Mọi người đều tâm niệm ghi nhớ câu nói ấy.
Ngày hôm sau, Thái Tôn thiết triều, triệu tập các quan văn võ, viết tờ điệp đi lấy kinh, đóng ấn thông hành. Quan khâm thiên giám tâu
-  Hôm nay là ngày có sao tốt, nên xuất hành đi xa.
Vua Đường cả mừng. Lại thấy quan hoàng môn tâu:
-  Ngự đệ Pháp sư đứng ngoài cửa triều đợi chỉ.
Vua sai tuyên triệu lên điện, nói :
-  Ngự đệ, hôm nay là ngày xuất hành tốt, trẫm cấp cho ngự đệ một đạo văn điệp đi thông cửa quan, lại thêm cho một cái bát bằng vàng, để đi đường hóa chay mà dùng. Lại chọn cho hai người đi theo và một con ngựa để cưỡi đi đường xa, ngự đệ có thể lên đường.
Huyền Trang tạ ơn, nhận lấy các thứ, lại càng không dám có ý chậm trề. Vua Đường lên xa giá cùng các quan đưa chân ra ngoài của thành, đã thấy các sư chùa Hồng phúc và các đồ đệ của Huyền Trang mang quần áo mùa nực và mùa rét đợi ở ngoài cửa thanh. Vua truyền cho thu nhặt đổ hành lý và ngựa xong đâu đấy, rồi mới sai quan nâng bình rót rượu. Thái Tôn nâng chén hỏi :
-  Nhã hiệu của ngự đệ là gì ?
Huyền Trang nói:
- Bần tăng là người xuất gia, chưa dám có hiệu.
Thái Tôn nói:
- Trước kia Bồ Tát có nói bên Tây Thiên có kinh ‘Tam Tạng’, ngự đệ hãy lấy tên kinh làm hiệu ; đặt hiệu là Tam Tạng , thế nào ?
Huyền Trang tạ ơn, đỡ chén ngự tửu nói :
- Rượu là giới đầu tiên của nhà chùa, từ khi là người, thần không hề uống rượu
Thái Tôn nói :
- Việc xuất hành hôm nay, không như những việc khác. Đây là rượu chay, chỉ uống một chén này để giãi hết lòng đưa tiễn của trẫm.
Tam Tạng không dám từ chối, bưng lấy chén rượu toan uống, lại thấy Thái Tôn cúi đầu lấy ngón tay rón một tí đất bỏ vào chén rượu.
Tam Tạng không hiểu ra sao, Thái Tôn cười nói :
- Ngự đệ sang Tây Thiên, bao giờ sẽ về ?
Tam Tạng nói :
- Chi trong vòng ba năm, sẽ trở về thượng quốc.
Thái Tôn nói :
- Ngày tháng lâu dài, đường xa núi cách, ngự đệ uống chén rượu này, hãy nhớ quê nhà một dúm cát, đừng ưa đất khách vạn cân vàng.
Tam Tạng mới hiểu ý lại tạ ơn, cạn chén, từ tạ đi ra ngoài thành. Vua Đường trở về.
Chưa biết đi chuyến này ra sao, xem tới hồi sau sẽ rõ.

(1) Ba đường: theo Phật giáo, người làm ác phải rơi vào ba con đường: địa ngục lửa dữ đốt thân, súc sinh ăn lẫn nhau, quỷ đói bị dao xuyên thấu mình (nguyên chú)

(2) Mình vàng: Phật, tượng Phật