Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín

Trần Quang Nhị nhậm chức gặp nạn
Sư Giang Lưu trả thù báo ơn

Nói về thành Trường Anh của nước lớn Thiểm Tây là nơi trải bao đời đế vương đã đóng đô. Từ những đời nhà Chu, Tần, Hán trở lại, ba châu hoa tựa gấm, tám suối nước quanh thành, thật là một nước có danh tiếng. Thời ấy là đời vua Thái Tôn nhà Đường, đổi niên hiệu là Trinh Quán, đã làm vua được 13 năm. Năm ấy là năm Kỷ Hợi, thiên hạ thái bình, tám phương tiến cống, bốn bể xin làm tôi. Một ngày kia, vua Thái Tôn ra chầu, hội họp các quan văn võ. Lễ triều bái rồi có thừa tướng Ngụy Trưng đứng ra tâu rằng :
-  Hiện nay thiên hạ thái bình, tám phương yên ổn, nên theo phép cổ, mở khoa thi, kén chọn hiền sĩ, cất dùng nhân tài, giúp việc trị nước.
Thái Tôn phán :
-  Lời tâu của khanh có lý lắm.
Liền truyền chiếu chỉ làm bảng chiêu hiền ban bố ra thiên hạ. Từ các phủ, châu, huyện, không kể quân hay dân, mọi người, hễ là dòng nho học có đọc sách, hiểu rõ văn nghĩa, tinh thông ba trường, đều được đến Trường An ứng thí.
Bảng này về đến địa phương Hải Châu, có một người họ Trần tên Ngạc, biểu tự Quang Nhị, thấy bảng treo, tức thì về nhà thưa với mẫu thân là Trương Thị :
-  Triều đình ban ra bảng vàng, chiếu ra các tỉnh, thi chọn hiền tài, ý con muốn đi ứng thí, nếu được đỗ làm quan, cha mẹ thỏa lòng, mình được nổi tiếng, vợ được phong, con tử, đó là chí của con, xin mẫu thân cho phép con đi.
Bà Trương Thị nói :
- Con là người đọc sách, nhỏ thì học, lớn thì hành, chính là thế đấy. Nhưng đi đường con nên cẩn thận, nếu thi đỗ, con phải về ngay !
Quang Nhị liền dặn dò gia đồng, thu xếp hành lý, bái từ mẹ già lên đường đi Trường An ứng thí. Quang Nhị đến trường thi xong được trúng tuyển. Khi vào thi đình làm ba bài văn sách, vua Đường hạ bút ngự cho đỗ trạng nguyên, cưỡi ngựa chơi phố ba ngày.
Hôm ấy Quang Nhị vô tình đi chơi đến trước cửa nhà quan thừa tướng Ân Khai Sơn. Thừa tướng có con gái tên là Ôn Kiều, lại có tên là Mãn Đường Kiều, chưa kết duyên lành, chính đương ở trên lầu cao gieo cầu kén chồng, Vừa khi Trần Quang Nhị cưỡi ngựa tới dưới lầu, tiểu thư trông thấy Quang Nhị là người nhân tài xuất chúng, biết là quan trạng mới đỗ, trong lòng rất vui vẻ, liền đem quả cầu vóc gieo xuống, vừa hay trúng vào mũ sa đen Quang Nhị. Thế là kèn sáo đàn địch nổi lên, mười mấy ả thị tỳ ở trên lầu xô xuống nắm lấy cương ngựa Quang Nhị, đón quan trạng vào trong tướng phủ làm lễ thành hôn. Thừa tướng và phu nhân tức khắc ra nhà khách cho mời tân khách đến làm cỗ gả tiểu thư cho Quang Nhị. Tạ trời đất rồi, vợ chồng làm lễ giao bái và lạy tạ bố, mẹ vợ. Thừa tướng sai bày tiệc, chè chén suốt đêm. Hai vợ chồng khoác tay cùng vào phòng loan.
Sáng sớm hôm sau, Thái Tôn ngự ra điện Kim Loan hội các quan văn võ vào triều bái. Thái Tôn hỏi :
-  Tân khoa trạng nguyên là Trần Quang Nhị nên bổ chức gì ?
Thừa tướng Ngụy Trưng tâu :
-  Hạ thần tra xét các châu huyện, ở Giang Châu còn khuyết quan, xin chúa thượng bổ cho chức ấy.
Thái Tôn liền bổ Quang Nhị làm tri phủ Giang Châu, phải thu xếp đi ngay, không được lỡ kỳ hạn. Quang Nhị tạ ơn đi ra, về đến tướng phủ, bàn chuyện với vợ, rồi từ biệt bố mẹ vợ, cùng với vợ đến Giang Châu cung chức.
Hai vợ chồng rời khỏi Trường An chính vào cuối mùa xuân. Gió hòa rung lá liễu, mưa nhỏ điểm hoa hồng. Quang Nhị tiện lối về nhà cùng vợ bái yết mẫu thân là Trương Thị. Bà Trương Thị nói:
-  Mừng cho con lại cưới được vợ đưa về.
Quang Nhị nói :
- Nhờ hồng phúc của mẫu thân, con thi đỗ trạng nguyên, hoàng thượng ban cho cưỡi ngựa chơi phố, đi qua cửa phủ Ân Thừa Tướng, gặp quả cầu gieo trúng vào con, đội ơn Thừa Tướng đem tiểu thư gả cho con. Triều đình trao cho con chức tri phủ Giang Châu, nay về đón mẫu thân cùng đi phó nhậm.
Bà Trương Thị rất mừng, thu xếp lên đường ngay. Đi được mấy ngày đến Vạn Hoa điếm, trọ ở nhà Lưu Tiểu Nhị. Bỗng bà Trương Thị mắc bệnh, bà nói với Quang Nhị :
-  Mẹ trong người khó chịu, hãy ở lại điếm nghỉ ngoi, mấy hôm nửa sẽ đi.
Quang Nhị vâng mệnh. Sáng sớm hôm sau. thấy trước cửa điếm có người xách con cá chép vàng ra bán, Quang Nhị lấy một quan tiền ra mua định đem nấu để dâng mẹ ăn. Nhìn thấy mắt cá nhấp nháy, Quang Nhị lấy làm lạ nói :
-  Nghe nói cá, rắn con nào biết chớp mắt là những loại phi thường !
Liền hỏi người thuyền chài :
-  Cá này đánh được ở đâu ?
Người thuyền chài trả lời : .
-  Đánh được ở Hồng Giang cách phủ lý mười lăm dặm. Quang Nhị liền đem cá phóng sinh xuống sông Hồng Giang.
Khi trở về điếm trọ, chàng nói chuyện cho mẹ biết. Bà Trương Thị nói :
-  Phóng sinh là việc tốt, mẹ rất mừng.
Quang Nhị nói :
-  Ta lưu lại điếm này đã ba ngày rồi, trên thì ra hạn rất gấp, con muốn ngày mai sẽ ra đi, không biết mẫu thân đã khỏe chưa ?
Bà Trương Thị nói :
-  Mẹ trong mình chưa khỏe, trời lại nắng nực, sợ đi lại ốm thêm, chi bằng con thuê một gian buồng ở đây để mẹ tạm trú, trả tiền cho họ, rồi vợ chồng con hãy đi trước, chờ đến mùa thu mát mẻ hãy đến đón mẹ.
Quang Nhi bàn với vợ thuê một gian nhà, đưa tiền cho mẹ, rồi cùng vợ bái từ đi trước.
Đường lối khó khăn, ngày đi đêm nghỉ, chốc đã đến đò Hồng Giang. Hai lái đò Lưu Hồng, Lý Bưu ghé đò vào bờ đón tiếp. Cũng vì kiếp trước Quang Nhị mắc phải tai nạn này, nên mới gặp oan gia. Quang Nhị sai người nhà mang hành lý xuống đò, vợ chồng song song xuống sau. Lưu Hồng nhìn trộm thấy Ân tiểu thư mặt như trăng tròn, mắt tựa sóng thu, miệng dánh anh đào, lưng ong liễu biếc, thật có vẻ nhạn sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường, nên động lòng lang ngấp nghé, bèn bàn mưu với Lý Bưu chở đò đến chỗ vắng người, chờ đến canh khuya, trước hết giết chết những gia đồng, sau đánh chết Quang Nhị quẳng xác xuống sông. Tiểu thư thấy chồng bị đánh chết, cũng chực nhảy xuống sông, Lưu Hồng giữ lại nói
-  Nếu cô theo tôi các việc sẽ yên cả, nếu không nghe, tôi cho một nhát dao đứt ra làm đôi ngay !
Tiểu thư ngẫm nghĩ không còn cách nào đành phải tạm thời ưng thuận Lưu Hồng. Tên giặc chở đò sang bờ sông bên kia, giao đò cho Lý Bưu, mặc áo mũ của Quang Nhị, mang văn bằng đến Giang Châu nhậm chức.
Những gia đồng Trần Quang Nhị bị Lưu Hồng đánh chết vứt xuống sông, xác đều theo dòng nước chảy xuôi cả, duy có thi thể Trần Quang Nhị chìm xuống đáy nước vẫn nằm yền không động. Quỷ dạ xoa tuần bể ở cửa sông Hồng Giang trông thấy, tức khắc báo vào Long Cung, gặp ngay khi Long Vương lên điện. Dạ xoa báo rằng :
-  Hiện ở Hồng Giang không biết kẻ nào đánh chết một người thư sinh, vứt xác xuống đáy nước.
Long Vương truyền đem thi thể vào để ở trước mắt, nhìn kỹ một lượt rồi nói :
-  Người này chính là ân nhân đã cứu sống ta, sao lại bị người mưu hại ? Đã có câu : "Lấy ơn báo ơn”, ta quyết phải cứu ông này để trả ơn trước.
Liền viết một đạo điệp, sai dạ xoa đến thẳng Hồng Châu đòi thổ địa, thành hoàng ở đấy, dẫn ngay hồn phách người tú tài đến đây để cứu mạng. Thành hoàng, thổ địa sai tiểu quỷ đem hồn phách Trần Quang Nhị giao cho dạ xoa dẫn đi. Dạ xoa đưa hồn phách ấy về Thuy Tinh cung bẩm với Long Vương.
Long Vương hỏi :
-  Thầy tú tài họ tên là gì, sinh trưởng nơi nào, vì sao đến đây mà bị người đánh chết ?
Quang Nhị vái chào nói :
-  Tiểu sinh là Trần Ngạc, biểu tự Quang Nhị, người huyện Hoàng Nông, thuộc Hải Châu, mới đỗ trạng nguyên, được trao chức Giang Châu tri phủ, đi tới bên sông thuê đò, dè đâu tên lái đò là Lưu Hồng muốn cướp vợ tôi, đánh chết tôi, vứt thây xuống nước. Xin đại vương cứu mạng cho.
Long Vương nghe lời liền nói :
-  Nguyên lai là như thế à ? Thưa tiên sinh, con cá chép màu vàng ngài đã phóng sinh hồi trước tức là tôi đây. Ngài là ân nhân đã cứu tôi, ngày nay ngài gặp nạn, lẽ đâu tôi lại không cứu.
Nói rồi sai đem thi thể Quang Nhị để vào một nơi, cho ngậm một viên ngọc "định nhan châu" cho khỏi hủy hoại, sau này sẽ hoàn hồn trả thù. Lại bảo với Quang Nhị :
-  Chân linh hồn của ngài hãy lĩnh chức đô lĩnh ở trong thủy phủ tôi.
Quang Nhị cúi đầu tạ ơn. Long Vương đặt tiệc khoản đãi.
Nói về Ân tiểu thư căm ghét thằng Lưu tặc, giận không bầm thây xé xác nó ra được. Chỉ vì trong mình đã có thai, chưa rõ trai gái, vạn bất đắc dĩ, nàng đành phải miễn cưỡng đi theo, chốc đã tới Giang Châu. Nha lại lính tráng đều ra đón tiếp. Các thuộc viên đặt tiệc mừng ở công đường.
Lưu Hồng nói:
- Tôi đến đây chỉ trông nhờ vào sức của các ngài.
Thuộc viên đáp :
-  Quan lớn là bậc khôi nguyên tài giỏi, tự nhiên sẽ coi dân như con, kiện cáo ít, hình phạt không. Thuộc viên chúng tôi cũng được phận nhờ, hà tất ngài phải khiêm tốn quá vậy !
Tiệc tan mọi người đều giải tán.
Quang âm thấm thoát, một ngày kia, Lưu Hồng đi xa có việc công, tiểu thư ở trong nhà nhớ mẹ nhớ chồng, ngồi trên hoa đình than thở, bồng nhiên thân thể mỏi mệt; bụng đau quặn, mắt tối tăm, chốc đã đẻ ra một đứa con. Nàng thấy có người dặn ở bên tai: “Mãn Đường Kiểu nghe ta dặn. Ta là Nam Cực Tinh Quân, vâng phép chỉ đức Quan âm đưa đứa con này lại cho cô. Sau này thanh danh lừng lẫy không phải tầm thường. Tên giặc Lưu trở về, tất giết đưa trẻ này, cô nên hết lòng bảo hộ. Chồng cô đã được Long Vương cứu giúp, sau này sẽ được vợ chồng đoàn tụ, mẹ con đoàn viên, sẽ có ngày rửa oan báo thù. Ghi nhớ lấy lời ta, tỉnh dậy ! tỉnh dậy !".
Nói rồi ra đi. Tiểu thư tỉnh lại, nhớ rõ từng câu, tay đỡ con lên, không biết làm thế nào cả. Chợt Lưu Hồng trở về, toan đem đứa bé dìm chết. Tiểu thư nói :
- Hôm nay đã chiều, để ngày mai sẽ đem vứt nó xuống sông !
May sao hôm sau vì có việc quan khấn cấp Lưu Hồng phải đi xa. Tiểu thư nghĩ thầm : Đứa bé này nếu để đến khi thằng giặc về, sẽ không toàn tính mạng, chi bằng sớm đem vứt xuống sông, sống chết nhờ trời, may mà trời thương, có ai vớt được đem về nuôi nấng, ngày sau họa còn gặp được...
Lại sợ sau này không nhận ra được, nàng liền cắn ngón tay lấy máu viết một bức huyết thư, kể rõ họ tên cha mẹ, căn cước nguyên do, rất là tường tận ; nàng lại cắn đút một ngón chân út con để đánh dấu ; rồi lấy áo lót mình bọc đứa bé, nhân lúc vắng người, ôm ra khỏi nha môn. May sao nha môn cũng gần sông, tiểu thư đến bờ sông, khóc lóc một hồi, vừa toan quăng con xuống, chọt thấy có một tấm ván trôi ở sát bờ sông, tiểu thư liền ngẩng mặt lên trời cầu khấn, rồi đặt đứa bé lên trên tấm ván, lấy dây buộc lại, tờ huyết thư gài ở trên ngực. Tiểu thư đẩy tấm ván ra xa, cho trôi đến đâu thì đến. Rồi nuốt nước mắt về nhà.
Đứa bé đặt trên tấm ván, thuận dòng nước chảy xuôi, thẳng tới dưới chân chùa Kim Sơn thì dừng lại. Vị trưởng lão chùa ấy là Pháp Minh hòa thượng, người chân tu mộ đạo, học được diệu quyết tràng sinh. Đương lúc ngồi tham thuyền, chợt nghe có tiếng trẻ khóc, người thấy tâm động, vội chạy ra bờ sông xem xét. Thấy có đứa bé ngủ ở trên tấm ván giạt vào bờ sông, trưởng lão vội vàng cứu lên, đọc bức huyết thư gài ở trước ngực mới rõ lai lịch, bèn đặt tên cho là Giang Lưu, nhờ người nuôi nấng, giữ kín bức huyết thư. Quang âm như tên bắn, ngày tháng tựa thoi đưa, thấm thoắt Giang Lưu đã 18 tuổi. Trưởng lão cho cắt tóc tu hành, đặt pháp danh là Huyền Trang, làm lễ thụ giới, bền lòng tu đạo.
Một ngày vào hồi cuối xuân, mọi người ngồi ở dưới bóng cây thông giảng kinh tham thuyền, luận bàn về lẽ ảo diệu. Một hòa thượng rượu thịt bị Huyền Trang bẻ gẫy, bèn tức giận mắng :
-  Mày là độ nghiệp súc !
Huyền Trang bị y mắng nhiếc như vậy, vào chùa quỳ hỏi sư phụ, nước mắt giàn giụa :
-  Người ta sống trong trời đất, bẩm thụ khí âm khí dương mà nhờ sức năm hành được đều là do cha sinh mẹ dưỡng, lẽ đâu là người ở trên đời mà lại không có cha mẹ ư ?
Huyền Trang hỏi đi hỏi lại hai ba lần, khẩn cầu sư phụ cho biết họ tên cha mẹ. Trưởng lão nói :
-  Nếu như con muốn tìm họ tên cha mẹ con, hãy theo thầy vào trong phương trượng.
Huyền Trang theo vào phương trượng, trưởng lão trèo lên bắp quả hâu đầu, lấy xuống một cái hộp nhỏ, mở ra lấy một bức huyết thư, một tấm áo lót mình đưa cho Huyền Trang. Huyền Trang mở thư ra xem mới biết rõ họ tên, cha mẹ và mọi việc oán thù.
Huyền Trang đọc xong bất giác khóc lăn ra đất nói :
-  Oan thù cha mẹ mà không biết báo còn đáng là người ư ? Mười tám tuổi đầu không biết bố mẹ đẻ, ngày nay mới biết có mẹ. Thân này nếu không được sư phụ cứu vớt nuôi nấng, làm gì có bây giờ ? Xin cho đệ tử đi tìm mẫu thân rồi sau sẽ đầu đội chân nhang, dựng thêm đền miếu, trả ơn sâu sư phụ.
Sư phụ nói :
-  Nếu con tìm mẹ con phải mang theo bức huyết thư và áo lót mình, làm người đi quyên giáo vào thẳng tư thất nha Giang Châu mới gặp được mẫu thân con.
Huyền Trang theo lời sư phụ, làm kiểu sư đi quyên giáo, đến thẳng Giang Châu. Vừa hay gặp Lưu Hồng có việc đi xa. Cũng là việc trời xui khiến Huyền Trang được gặp mẹ, nên Huyền Trang đã đi thẳng vào tư thất quyên giáo. Đêm hôm trước, Ân tiểu thư nằm chiêm bao thấy trăng khuyết lại tròn, nghĩ bụng: "Mẹ chồng chẳng có tin tức gì, chồng đã bị giặc mưu hại, con thì vứt xuống sông, nếu có ai vớt được đem về nuôi nấng thì bây giờ đã mười tám tuổi rồi, hoặc giả ngày nay trời xui khiến cho gặp nhau cũng chưa biết chừng...”.
Tiểu thư đương ngồi nghĩ ngợi, chợt nghe có tiếng tụng kinh ở trước cửa tư thất và luôn có tiếng nói "quyên giáo". Nhân lúc vắng người, tiểu thư bèn ra hỏi :
-  Nhà sư ở đâu lại ?
Huyền Trang trả lời :
-  Bần tăng là đồ đệ của Pháp Minh trưởng lão ở chùa Kim Sơn.
Tiểu thư nói :
-  Nhà sư đã là đồ đệ của Pháp Minh trưởng lão, vậy mời nhà sư vào trong nhà.
Rồi sai sửa cơm chay mời Huyền Trang ăn. Tiểu thư để ý rất tỉ mỉ đến cách nói năng và cử chỉ của Huyền Trang thấy giống chồng hết sức, liền bảo bọn thị tì ra ngoài rồi hỏi :
-  Nhà sư họ là gì ? Có còn bố mẹ không ?
Huyền Trang đáp :
-  Tôi không phải xuất gia từ nhỏ mà cũng không phải lớn lên mới xuất gia. Chuyện của tôi nói ra thì oan rộng bằng trời, thù sâu như bể. Cha tôi bị người mưu hại, mẹ tôi bị giặc chiếm đoạt. Sư phụ tôi là Pháp Minh Trưởng lão bảo tôi đến Giang Châu mà tìm mẫu thân.
Tiểu thư hỏi :
-  Mẹ sư chú họ gì ?
Huyền Trang đáp :
-  Mẹ tôi họ Ân, tên là ôn Kiều, cha tôi họ Trần tên là Quang Nhị, tiểu danh tôi là Giang Lưu, pháp danh là Huyền Trang.
Tiểu thư nói :
-  Ôn Kiều là ta... nhưng chú có gì làm bằng chứng ?
Huyền Trang nghe nói là mẫu thân liền quỳ gối xuống đất khóc lóc thảm thiết :
Nếu mẹ không tin, hiện có huyết thư và áo lót mình làm chứng !
Ôn Kiều cầm lấy xem, thấy quả là đúng, hai mẹ con liền ôm nhau mà khóc. Rồi tiểu thư giục :
-  Con nên đi ngay !
Huyền Trang nói :
-  Con mười tám tuổi không biết bố mẹ đẻ là ai, hôm nay mới được biết mặt mẹ, mẹ lại đuổi con đi thì con dứt đi làm sao được ?
Tiểu thư nói :
-  Con phải lên ra ngay ! Lưu tặc mà về nó sẽ giết con ! Ngày mai mẹ sẽ vờ ốm nói là năm trước có hứa cúng vào nhà chùa một trăm đôi giày sãi, mẹ sẽ đến chùa con làm lễ. Bấy giờ mẹ con sẽ nói chuyện.
Huyền Trang vâng lời từ biệt.
Từ sau khi gặp con, trong lòng tiểu thư vừa mừng vừa lo Bỗng một hôm tiểu thư kêu ốm, không ăn uống gì hết. Lưu Hồng về tới nhà, hỏi nguyên do ốm làm sao, tiểu thư nói :
-  Tôi hồi còn nhỏ đã phát nguyện cúng một trăm đôi giầy sãi, năm hôm trước đây, nằm mộng thấy một vị hòa thượng tay cầm dao nhọn đến đòi số giày ấy, lúc tỉnh giấc thấy trong người khó chịu.
Lưu Hồng nói :
-  Việc cỏn con thế, sao không bảo sớm ?
Rồi đó lên công đường truyền lệnh cho Vương Ta Nha, Lý Hữu Nha bắt nhân dân trong thành Giang Châu, mỗi nhà phải làm một đôi giày sãi, hạn trong năm ngày phải nộp đủ.
Nhân dân đều y hẹn nộp đủ. Tiểu thư báo với Lưu Hồng :
-  Giày sãi đã làm xong, không biết ở đây có chùa nào có thể đến làm lễ phát nguyện được không nhỉ?
Lưu Hồng nói :
-  Ở Giang Châu chi có chùa Kim Sơn và chùa Tiêu Sơn, tùy ý nàng muốn đi chùa nào cũng được.
Tiểu thư nói :
-  Tôi thường nghe nói chùa Kim Sơn là nơi thắng cảnh, vậy tôi đi chùa Kim Sơn.
Lưu Hồng truyền hai nha Vương, Lý sắm sửa thuyền chèo. Tiểu thư cùng mấy người tâm phúc xuống thuyền, lái đò đẩy thuyền ra, chèo xuống chùa Kim Sơn.
Lại nói Huyền Trang về tới chùa, đem công việc nói với trưởng lão. Trưởng lão rất mừng. Mấy hôm sau, có một thị tì đến báo, nói có phu nhân đến chùa làm lễ. Các sư đều ra cổng đón tiếp. Tiểu thư tới cửa chùa tham bái Quan Âm, lập đàn chay, sai thị tì để các thứ giày dép lên bàn thờ. Rồi tiểu thư đến pháp đường tiến hương lễ phật, xong nhờ Pháp Minh trưởng lão chia biếu các sư. Khi thấy các sư đã đi cả rồi, pháp đường không còn ai, Huyền Trang mới đến quỳ trước mặt tiểu thư. Tiểu thư bảo Huyền Trang tụt giày ra xem, quả nhiên thấy chân bên phải thiếu ngón út. Hai người lại ôm nhau than khóc, lạy tạ ơn trưởng lão nuôi nấng. Pháp Minh nói :
-  Mẹ con gặp nhau, sợ gian tặc nó biết, nên về sớm đi kẻo nữa tai vạ.
Tiều thư nói :
-  Này con, mẹ trao cho con cái vòng thơm này, con cầm về Hồng Châu. Cách Hồng Châu ước chừng một nghìn năm trăm dặm về phía tây bắc, có một hàng cơm gọi là Vạn Hoa Điếm, bà nội con là Trương Thị trọ ở đấy. Đấy là bà thân sinh ra bố con. Mẹ lại viết cho con một bức thư, con phải về tận hoàng thành nhà Đường. Ở bên tả Kim Điện là phủ thừa tướng Ân Khai Sơn là ông bà thân sinh ra mẹ đấy. Con cầm thư của mẹ đưa lên ông ngoại, kêu ông ngoại tâu lên vua Đường đưa quân bắt giết thàng giặc này trả thù cho bố con, có thế mới cứu được mẹ ra. Mẹ không dám ở lâu, sợ thằng giặc kia lại ngờ mẹ về muộn.
Liền ra khỏi chùa xuống thuyền trở về.
Huyền Trang than khóc trở vào chùa thưa với sư phụ, rồi bái từ đi luôn về Hồng Châu. Khi đến Vạn Hoa điếm hỏi chủ điếm là Lưu Tiểu Nhị :
-  Ngày xưa vị Trần khách quan ở Giang Châu có bà mẹ trọ ở điếm của ông, bây giờ bà cụ có mạnh khỏe không ?
Lưu Tiểu Nhị nói :
-  Trước bà cụ có trọ ở điếm tôi nhưng sau bị mù mắt. Luôn ba bốn năm cụ không trả tiền thuê nhà cho tôi. Hiện nay cụ ở trong cái nhà ngói nát ở đầu cửa nam, ngày ngày lên phố ăn mày cho qua ngày. Vị khách quan ấy đi đã lâu, tới nay chẳng thấy tin tức gì cả, chẳng biết ra làm sao ?
Huyền Trang nghe đoạn tức thì hỏi thăm đến cái nhà ngói ở đầu cửa nam để tìm bà. Bà cụ nói :
-  Tiếng anh nói tựa như tiếng con tôi là Trần Quang Nhị.
Huyền Trang nói :
-  Cháu không, phải Trần Quang Nhị mà là con Trần Quang Nhị, Ân Kiều tiểu thư là mẹ đẻ cháu.
Bà cụ nói :
-  Bố mẹ cháu sao không đến ?
Huyền Trang nói :
-  Bố cháu bị cướp đánh chết, mẹ cháu bị nó cướp làm vợ.
Bà cụ nói :
-  Vậy thế cháu làm thế nào mà biết đến đây tìm bà ?
Huyền Trang nói :
-  Mẹ cháu bảo đến đây tìm bà. Mẹ cháu có thư đây, có cả một đôi vòng thơm nữa.
Bà cụ tiếp thư và vòng rồi òa lên khóc :
-  Vì công danh mà con đến nỗi thế này ! Mẹ cứ tưởng con quên ơn bội nghĩa, ngờ đâu con bị đánh chết ! Lại mừng trời còn đoái tới, không nỡ để tuyệt nòi giống con tôi, nên ngày nay hãy còn cả đứa cháu đến tìm bà.
Huyền Trang hỏi :
-  Mắt bà làm sao lòa cả thế ?
Bà nói :
-  Chỉ vì bà nhớ bố cháu, trọn ngày mong mỏi chẳng thấy nó về, bà khóc nhiều quá nên mù cả hai mắt đó thôi !
Huyền Trang quỳ xuống cầu khấn :
Huyền Trang mười tám tuổi, oan thù của cha mẹ chưa trả được, ngày nay vâng mệnh mẹ đi tìm bà, trời có thương đến lòng thành của đệ tử xin cho hai mắt của bà tôi lại sáng ra.
Khấn rồi lấy đầu lưỡi đánh mắt cho bà. Phút chốc hai mắt bà Trương Thị lại mở to và sáng sủa như cũ. Bà ngắm nghía sư chú nói :
-  Đúng là cháu bà, giống bố như hệt !
Bà cụ vừa mừng vừa thương. Huyền Trang dẫn bà ra khỏi nhà nát, lại đưa về điếm Lưu Tiểu Nhị tính trả tiền thuê một gian phòng, lại đưa cho bà một ít tiền và nói :
-  Cháu đi lần này độ hơn một tháng sẽ trở lại.
Huyền Trang từ biệt bà nội, thẳng tới kinh thành, tìm đến phủ thừa tương ở phố cửa đông hoàng thành, nói với lính canh cổng :
-  Tiểu tăng là thân thích, đến thăm tướng công.
Lính canh vào bẩm với thừa tướng.
Thừa tướng nói :
-  Ta không có thân thích với vị hòa thượng nào cả
Phu nhân nói :
-  Đêm qua tôi nằm chiêm bao thấy con gái Mãn Đường về nhà, hoặc giả con rể có tin tức gì chăng ?
Thừa tướng bèn sai mời sư chú vào nhà khách. Sư chú nhìn thấy thừa tướng và phu nhân, vừa lạy vừa khóc, và lấy ra một phong thư đệ lên thừa tướng. Thừa tướng mở thư ra xem từ đầu đến cuối rồi òa lên khóc.
Phu nhân nói :
-Việc gì thế tướng công ?
Thừa tướng nói :
-  Nhà sư này là cháu tôi và phu nhân đó. Con rể ta là Trần Quang Nhị bị giặc mưu hại rồi. Mãn Đường Kiểu đã bị giặc cưỡng chiếm làm vợ.
Phu nhân nghe nói cũng òa lên khóc mãi. Thừa tướng nói :
-  Phu nhân chớ nên phiền não, ngày mai vào chầu, tôi sẽ tâu lên chúa thượng, tôi sẽ tự đem binh tướng đi báo thù cho con rể !
Hôm sau thừa tướng vào chầu, tâu lên vua Đường :
-  Nay có con rể thần là trạng nguyên Trần Quang Nhị, cùng vợ ra Giang Châu cung chức, bị tên lái đò là Lưu Hồng đánh chết chiếm con gái thần làm vợ, giả mạo làm con rể thần để làm quan đã lâu năm, thật là biến dị, xin bệ hạ lập tức phát binh tiễu trừ giặc cướp.
Đường vương nghe tâu cả giận lập tức phát sáu vạn quân ngự lâm giao cho Ân thừa tướng quản đốc. Thừa tướng lĩnh chỉ ra khỏi triều, đến giáo trường điểm binh, tiến thẳng ra Giang Châu. Ngày đi đêm nghỉ, chẳng mấy chốc đã đến Giang Châu. Binh mã Ân thừa tướng cắm trại ở bờ sông bên này. Liền đêm hôm ấy, thừa tướng sai thẻ bài đi gọi hai viên đổng tri phủ và châu phân Giang Châu đến. Thừa tướng nói rõ công việc cho họ biết và truyền cho họ phải đem quân đến giúp. Quân mã cùng qua sông sang bên kia, trời chưa sáng, đã vây chặt nha môn Lưu Hồng. Lưu Hồng hãy còn đương ngủ, bỗng nghe thấy một tiếng hỏa pháo, rồi trống chuông vang dậy, quan quân đã kéo vào tư thất. Lưu Hồng trở tay không kịp, liền bị bắt sống. Thừa tướng hạ lệnh giải Lưu Hồng và bọn tòng phạm ra pháp trường và hạ lệnh cho quân mã đóng trại ở ngoài thành.
Thừa tướng đi thẳng vào nha môn ngồi ở gian giữa, cho mời tiểu thư ra gặp mặt. Tiểu thư muốn ra song lại nghĩ thẹn với phụ thân, bèn treo mình tự tử. Huyền Trang nghe biết vội vào cứu xuống, quỳ gối thưa :
-  Con và ông ngoại đem quân tới đây, báo thù cho cha, ngày nay giặc đã bị bắt sao mẹ lại muốn thác ? Mẹ mà chết thì con còn sống làm gì nửa ?
Thừa tướng cũng khuyên can. Tiểu thư nói :
-  Con nghĩ "gái chính chuyên chỉ có một chồng". Chồng con bị giặc giết chết, con còn mặt mũi nào mà theo giặc ? Chỉ vì còn giọt máu trong bụng nên đành phải nhẫn nhục gượng sống. Nay may mà cháu đã khôn lớn, lại được phụ thân đem quân báo thù, con còn mặt mũi nào nhìn thấy phụ thân nữa, chỉ còn đem cái chết mà báo tạ chồng con.
Thừa tướng nói :
-  Con cũng chỉ vì bất đắc dĩ mà phải thế chứ có phải vì thấy việc thịnh suy mà đổi khí tiết đâu. Có gì là phải hổ thẹn !
Cha con ôm nhau than khóc, Huyền Trang cũng sụt sùi không ngớt. Thừa tướng gạt nước mắt nói :
-  Hai mẹ con chúng con chớ nên phiền não nữa, nay ta đã bắt được tên giặc thù, ta phải đi xét xử.
Thừa tướng đứng dậy đi ra pháp trường, vừa khi viên đồng tri sai quân tuần tiễu đi bắt được tên giặc trên sông là Lý Bưu giải đến. Thừa tướng rất mừng, sai quân áp giải Lưu Hồng và Lý Bưu ra đánh cho mỗi tên một trăm côn lớn và bắt khai cung trạng, nói rõ duyên do mưu giết chết Trần Quang Nhị năm trước. Trước hãy bắt Lý Bưu đóng đinh vào con lừa bằng gổ đày đi phố chợ, róc xương ra nghìn mảnh, bêu đầu cho mọi người biết. Còn Lưu Hồng thì sai áp giải đến bến đò Hồng Giang, chỗ y đánh chết Trần Quang Nhị trước kia. Thừa tướng và tiểu thư. Huyền Trang, ba người cùng đến bờ sông, mổ bụng Lưu Hồng lấy tim, gan tươi, làm văn tế tế Trần Quang Nhị giữa trời rồi đốt đi.
Ba người nhìn ra bờ sông khóc, làm kinh động dưới thủy phủ, có quân dạ xoa tuần bể đem văn tế trình lên Long Vương. Long Vương xem xong, sai nguyên soái ba ba đi mời Trần Quang Nhị đến. Long Vương nói :
-  Chúc mừng tiên sinh ! Hôm nay phu nhân nhà ta, cùng với cụ lớn và công tử làm lễ tế điện tiên sinh ở bờ sông, tôi sẽ trả hồn cho tiên sinh về dương gian và tiễn chân ngài một viên ngọc như ý, hai viên ngọc tẩu bàn, mười tấm lụa, một đai ngọc minh châu. Ngày nay gia đình ngài vợ chồng mẹ con sẽ đoàn viên vui vẻ.
Quang Nhị luôn miệng cảm tạ. Long Vương sai Dạ xoa đưa thi thể Quang Nhị ra của sông trả lại hồn. Dạ xoa vâng mệnh lui ra.
Lại nói An tiểu thư tế điện chồng xong lại toan nhảy xuống sông tự tử. Huyền Trang sợ hãi, liều mạng ra giữ lại. Đương lúc hoảng hốt chợt thấy một cái thây người nổi trên mặt nước, giạt vào gần bờ. Tiểu thư vội vàng chạy tới nhìn xem thì ra thi thể chồng, khóa òa lên. Mọi người đều chạy đến xem, thấy Quang Nhị xòe bàn tay, duỗi chân rồi thân thể dần dần cử động, đoạn hốt nhiên ngồi dậy. Mọi người rất đỗi kinh ngạc. Quang Nhị mở mắt nhìn đã thấy An tiểu thư, bố vợ là Ân thừa tướng và một vị sư trẻ tuổi đương ngồi khóc ở quanh mình. Quang Nhị nói :
-  Mọi người làm gì ở đây thế ?
Tiểu thư nói :
-  Vì chung lang quân bị giặc đánh chết, sau thiếp sinh con trai may được vị trưởng lão chùa Kim Sơn nuôi nấng trưởng thành, nó đi tìm thấy thiếp, thiếp liền bảo nó đi tìm ông ngoại. Phụ thân thiếp đem việc ấy tâu lên triều đình, đốc quân đến đây bắt được tên giặc, vừa mới mổ nó lấy tim gan sống tế điện lang quân ở giữa trời, không biết lang quân làm thế nào lại hoàn hồn được ?
Quang Nhị nói :
-  Cái hồi trọ ở Vạn Hoa điếm, chúng ta có mua một con cá chép màu vàng đem thả không ăn thịt. Ai dè đâu con cá ấy lại là Long Vương xứ này. Sau khi nghịch tặc vứt thi thể tôi xuống nước, nhờ được Long Vương cứu chữa, vừa rồi trả lại hồn cho tôi, lại còn cho thêm bảo vật nữa. đều ở cả trong mình tôi đây. Tôi thật không ngờ phu nhân lại sinh con, lại được cả nhạc phụ trả thù cho, thật là khổ tận cam lai, không gì vui mừng bằng nữa.
Các quan nghe biết, đều đến chúc mừng. Thừa tướng sai đặt tiệc thết đãi các quan viên thuộc hạ, rồi nhổ trại đem quân về. Khi về đến Vạn Hoa điếm, thừa tướng truyền đóng quân nghỉ lại. Quang Nhị và Huyền Trang đến Vạn Hoa điếm tìm bà Trương Thị. Đêm hôm ấy bà cụ nằm chiêm bao thấy cây khô nở hoa, sáng ra đằng sau nhà, chim quẹt kêu hoài, bà nghĩ bụng : "Hay là thằng cháu đã về..." Nói chưa dứt lời, đã thấy Quang Nhị và Huyền Trang đến trước cửa điếm. Vị hòa thượng trẻ tuổi trỏ tay nói :
-  Chẳng phải bà nội con là ai kia ?
Quang Nhị trông thấy mẹ. vội chạy đến quỳ xuống đất lạy. Mẹ con ôm nhau khóc lóc một hồi, đem mọi việc cũ nói lại một lượt. Quang Nhị tính trả Tiểu Nhị tiền thuê buồng rồi cả nhà trở về kinh thành. Đến nơi, vào tướng phủ, Quang Nhị, Huyền Trang và ba cụ cùng đến yết kiến phu nhân. Phu nhân xiết bao mừng rỡ, truyền cho gia nhân làm tiệc ăn mừng. Thừa tướng nói :
-  Bữa tiệc hôm nay nên đặt tên là "Hội đoàn viên". Thật là cả nhà sum họp vui vẻ.
Hôm sau hội triều, vua Đường Thái Tôn lên ngự điện, Ân thừa tướng đem mọi tình tiết trước sau tâu lên và tiến Trần Quang Nhị là người có tài làm được việc lớn. Thái Tôn y lời tâu, thăng Trần Quang Nhị giữ chức học sĩ giúp việc triều đình. Huyền Trang quyết chí tu hành, trở về chùa Hồng Phúc học đạo. Về sau, Ân tiểu thư được thung dung cưỡi hạc, Huyền Trang một mình về chùa Kim Sơn, báo ơn Pháp Minh trưởng lão.

Chưa biết sau này sự thể ra sao, xem tới hồi sau sẽ rõ.