Nhận thánh chỉ, Thất Chơn đắc chính quả
Dự Diêu Trì, chư Tiên mừng bàn đào.(1)
Có bài thơ rằng:
Tu thành chính quả thoát mê đồ
Mới xứng nhân gian đại trượng phu
Nhật nguyệt sáng soi bền mãi mãi
Đất trời già khỏe cõi Huyền Đô.(2)
Nói về mấy đạo hữu khoe khoang lớn lối, nghe nói sãi kia đòi xây chùa Tây Phong, liền nói: “Bọn ta sẽ xây bên ngoài Bạch Vân Quán một vách tường cao. Người xưa nói: Mây sợ gió, gió sợ tường. Tường này giống cái quạt. Gió tây thổi thì lấy quạt quạt đi. Nên gọi tên là phản phong, tự thổi tự tan.”
Nói chưa dứt lời bỗng Chu Cửu la lên: “Mấy ông phản phong thì tôi đi phóng lửa, đốt nó cháy sạch luôn!”
Vương Năng thấy Chu Cửu hăng quá, vội đến nói: “Chùa nó chưa xây, chú em đốt cái gì? Đợi nó xây chùa xong, đốt cũng không muộn.”
Các đạo hữu nghe vậy, cười ầm một trận. Nào ngờ có một đạo nhân nhiều chuyện, đem chuyện trong đạo quán nói ra ngoài. Thời gian lâu rồi, chuyện kể vẫn còn, truyền nhau chẳng đúng, cứ tưởng chuyện đó có thật rằng sư sãi xây chùa Tây Phong, muốn thổi Bạch Vân Quán, rồi có người phá lại, phóng lửa theo gió ngược đốt chùa Tây Phong.
Kỳ thực, không có mấy chuyện như vậy, chẳng qua chỉ có một sãi nhiều chuyện và một đạo sĩ to mồm mà thôi. Người này nói đi, người kia nói lại. Rồi mấy người thích sinh sự dệt chuyện. Nay theo sách xưa chỉnh sửa lại sai lầm đó, để môn nhân đời sau đừng có tranh mạnh luận yếu, thì việc nhân quả sáng rõ.
Có bài thơ rằng:
Lời xưa đồn đại chớ nên tin
Nói tới nói lui thêm rối tinh
Kẻ thế nay lầm là chuyện thật
Phê bình người trước thiếu thông minh.(3)
Nói về Khưu Chân Nhân và Thiền Sư Bạch Vân sau khi hòa hảo với nhau rồi, thì Chân Nhân tĩnh dưỡng nhiều, tu hành công phu tám mươi mốt chuyển, rồi ví dụ đó là tám mươi mốt nạn, viết thành một bộ sách lớn nhan đề Tây Du Ký.(4) Trong đó ngài xem chân tính, bản tình, tâm viên, ý mã là cái dụng trong bản thân; rồi xem thất tình, lục dục, tam thi, lục tặc là ngoại ma (ma bên ngoài) xâm đoạt bản thân. Ngài viết sách xong, sai một đạo đồng mang tới Tập Hiền Quán tặng Thiền Sư Bạch Vân.
Thiền Sư Bạch Vân là người trí huệ cao thâm, xem sách qua thì biết cảnh tượng trong động, diệu dụng trong tĩnh, và ba mươi sáu nẻo mà ngoại ma tấn công bản thân. Ngài lấy trí tuệ, thần thông, sinh khắc, biến hóa viết thành một bộ sách lớn nhan đề Phong Thần Diễn Nghĩa,(5) rồi sai một sa di mang tới Bạch Vân Quán tặng Khưu Chân Nhân. Hai bên từ đó hòa hảo vui vẻ. Bấy giờ Thiền Sư thần thông đầy đủ, liền tới Giang Nam khai hóa chúng sinh.
Khưu Chân Nhân và Thiền Sư Bạch Vân – một Tiên, một Phật – viết ra hai bộ sách Tây Du Ký và Phong Thần Diễn Nghĩa, truyền mãi muôn đời, diệu dụng vô cùng.
Có bài thơ rằng:
Hai pho sách lớn ẩn thông huyền
Huyễn ảo do người, lẽ tất nhiên
Sáu dục bảy tình từ nội loạn
Sinh ra muôn quỷ vạn ma điên.(6)
Lại nói Khưu Chân Nhân tại Bạch Vân Quán khai đàn thuyết giáo, giảng về giới luật, mở rộng cửa độ thế, làm hưng thịnh Toàn Chân Đạo. Ngài lập quy củ để răn người học sau, viết lời khuyên dạy tặng cho hậu thế, và mở rộng khuôn viên đạo quán bảy mươi hai căn nhà để tiếp nhận con cháu muôn đời của huyền môn.
Ba ngàn công đủ, tám trăm quả đầy, ngài được tuyển vào Tử Phủ,(7) trở thành Đại La Kim Tiên.
Ba mươi ba ngày sau, đan thư chiếu triệu (thư Trời gọi về). Ngày mười chín tháng mười, ngài cưỡi hạc phi thăng. Lúc đó hào quang rực rỡ, mây tía bay trên không, từng đôi Tiên Đồng tiếp đón, từng cặp Ngọc Nữ dẫn đường, gió lành thoang thoảng, lưng trời cờ phướn phấp phới, nhạc trỗi vang lừng. Một lát, ngài lìa xa Bắc Kinh. Trong khoảnh khắc ngài đến cửa trời phía Nam.
Bốn vị quan giữ cửa là Vương, Mã, Ân, Triệu vòng tay thi lễ. Còn các vị Trương, Cát, Hứa, Tát tươi cười nghinh tiếp, đưa đi triều kiến Đức Chí Tôn ở Kim Khuyết, ngắm Thiên nhan ở Ngọc Kinh.
Nơi điện Lăng Tiêu, Khưu Xứ Cơ phủ phục dưới bệ ngọc, tâu rằng: “Ngọc Đế vạn thọ vô cương! Đức háo sinh của Ngọc Đế lớn thay!”
Ngọc Đế thấy rất vui. Tam Quan phụ trách công thần mệnh khảo bước vào điện, đề cử Thất Chân. Tam Quan Đại Đế tâu rằng:
“Công đức Thất Chân rất lớn. Khưu Xứ Cơ khổ hạnh trong và ngoài, là đệ nhất.
Lưu Xứ Huyền thông huyền diệu ở Vô Cực và Thái Cực, là đệ nhị.
Đàm Xứ Đoan đạo tâm kiên cố, là đệ tam.
Mã Đan Dương thanh tĩnh vô vi, là đệ tứ.
Hác Đại Thông nhất trần bất nhiễm, là đệ ngũ.
Vương Xứ Nhất muôn lự đều vắng lặng, là đệ lục.
Tôn Bất Nhị trí huệ tròn đầy, khởi xướng tu hành, công rất lớn, phải cho vượt trên tất cả, nhưng khiêm tốn lùi một bước, trước đã để đứng đầu, nay để đứng chót, là đệ thất.
Bảy vị nêu tên, trọn thủy trọn chung. Kết quả của Thất Chân đã nêu tên nơi Tử Phủ. Nay thần dám tâu lên!”
Ngọc Đế vui mừng, sắc phong Thất Chân như sau:
1. Khưu Xứ Cơ (Trường Xuân) là Thiên Tiên Trạng Nguyên, Tử Phủ Tuyển Tiên, Thượng Phẩm Toàn Chân Giáo Chủ, Thần Hóa Minh Ứng Chủ Giáo Chân Quân.
2. Lưu Xứ Huyền (Trường Sinh) là Huyền Tĩnh Uẩn Đức Chân Quân.
3. Đàm Xứ Đoan (Trường Chân) là Tông Huyền Minh Đức Chân Quân.
4. Mã Ngọc (Đan Dương) là Vô Vi Phổ Hóa Chân Quân.
5. Hác Đại Thông (Thái Cổ) là Thông Huyền Diệu Cực Chân Quân.
6. Vương Xứ Nhất (Ngọc Dương) là Quảng Từ Phổ Độ Chân Quân.
7. Tôn Uyên Trinh (Bất Nhị) là Huyền Hư Thuận Hóa Nguyên Quân.
Ngọc Đế sắc phong rồi, sáu vị Lưu, Đàm, Mã, Hác, Vương, Tôn đều lạy tạ. Riêng Khưu Xứ Cơ không lạy tạ.
Tam Quan Đại Đế trách: “Khưu Xứ Cơ sao không lạy tạ?!”
Khưu Xứ Cơ phủ phục dưới bệ ngọc, nước mắt lã chã, tâu rằng:
“Chẳng phải thần không tạ ân, nhưng vì Đạo vốn khó học, Tiên không dễ thành, người đời sau tu hành học đạo bị trăm ngàn vạn khổ mà không thối chí nản lòng như thần quả thật vạn người mới có một.
Học thật tốt quả là khó khăn. Không học tốt thì không liễu đạo. Thần có biên soạn một chương gọi là Học Hảo Nan (học tốt thì khó) xin trình lên.
Ngộ đạo không dễ, học tốt thật khó. Việc học tốt, nếu không là người có nghị lực lớn, thì không học nổi. Phải chịu đựng đói khát, nhẫn nhịn sỉ nhục, áo không kín thân, cơm không đầy miệng, ngày hai bữa không trọn, đêm khó ngủ một giấc, chẳng ngày nào mà không bị người ghét mắng, biết bao lần bị người lăng nhục. Nói ra xót lòng, nghe cũng lạnh mật.
Thần trải muôn ngàn khổ nạn, nên biết học đạo cho tốt thật là rất khó. Chữ tốt đã khó học, dám vọng tưởng thành Tiên sao?
Thần sợ người đời sau trong thiên hạ tu hành ngộ đạo không thể chịu nổi khổ nạn như thần, chỉ có cái tiếng là học đạo, chứ thực tế thì không học đạo, khiến thần không chỗ hóa độ thì phụ ân Ngọc Đế vinh phong cho thần. Do đó thần không dám lạy tạ. Cúi xin Ngọc Đế xá tội!”
Khưu Chân Nhân trình quyển Học Hảo Nan lên Ngọc Đế.
Quần Tiên im lặng. Chỉ thấy trong Tứ Đại Soái bước ra một vị Tinh Quân. Ngài tóc đỏ, mặt đỏ, râu đỏ, đội kim khôi, mặc giáp vàng, cầm roi vàng, chân đạp xe lửa ba bánh, tốc độ nhanh khủng khiếp, thống lĩnh trăm vạn thú linh (tỳ hưu), hàng yêu bắt quái, tra xét vô tư. Tên ngài là Thiết Diện Lôi Công Hộ Pháp Hữu Cảm Tôn Tiên Thiên Linh Tổ.
Linh Tổ đứng một bên, nghe Khưu Xứ Cơ tâu rằng người học đạo khó, gặp nhiều ma nạn, không ai hộ trì, thì nảy lòng trắc ẩn, nguyện làm Thần hộ pháp, bèn nói lớn rằng: “Khưu Xứ Cơ! Ngươi cứ tạ ân đi. Đời sau có ai học đạo tu hành, kẻ ấy có ba phần tu trì thì ta có bảy phần cảm ứng. Kẻ ấy có mười phần tu trì thì ta tùy thời chiếu cố, cho người cúng dường, không để cho người ấy phải bị đói lạnh.”
Khưu Xứ Cơ nghe Tinh Quân nói vậy, mới lạy tạ Ngọc Đế, rồi vái lạy Tinh Quân, giao gánh nặng ngàn cân cho Tinh Quân vác.
Một hồi sau, Ngọc Đế bãi triều, Quần Tiên thoái lui. Thất Chân cùng tới Tử Phủ tham kiến Đông Hoa Đế Quân, Chung Ly Tổ Sư, Lã Động Tân Tổ Sư, rồi vái lạy Vương Trùng Dương Chân Nhân.
Đông Hoa Đế Quân sai Tử Hà Chân Nhân dẫn Thất Chân tới Uy Nghi Quán học tập lễ nghi trong Diêu Trì, để khi hội Bàn Đào mở thì biết yết kiến cao Tiên.
Đến kỳ hội, Đông Hoa Đế Quân dẫn các vị Chân Tiên mới phong, cùng Ngũ Tổ của Nam Tông (8) và Thất Chân của Bắc Phái,(9) thẳng đến Diêu Trì.
Từ xa thấy Quỳnh Lâu Ngọc Vũ, Kim Khuyết cung bạc, lan can san hô, ngọc đỏ làm thềm, kim bích sáng ngời, đỏ tía chói mắt, ánh sáng lành soi, hương lạ thơm phức, trong rừng quỳnh cây ngọc có phượng múa loan bay. Bên chân cột vàng có cọp rống rồng ngâm, hạc đen, hoa mai, hươu nai, sư tử xanh, voi trắng, mỗi thứ đều phối thành đôi thành cặp. Kiệu phượng xe rồng, loan đưa hạc đón, trên đời không gì có thể sánh được. Thật là nơi Diêu Trì trang nghiêm xinh đẹp không sao tả hết.
Nói về Đông Hoa Đế Quân dẫn các vị Chân Tiên mới phong tới tham bái Tây Vương Mẫu. Vương Mẫu lấy lễ đãi tân khách. Một lát các Thánh Chân tụ tập như mây đùn, Vương Mẫu mừng chào, y theo phép hội trước, đều có thứ tự. Duy có các vị Tiên mới, phải đợi có chủ nhân an bài.
Tây Vương Mẫu nói rằng: “Mấy vị Tiên mới đối với Thượng Thánh không thể tham kiến liền. Nay có thể tùy nghi hành sự, đứng tại thềm, hướng lên lạy ba lạy, làm lễ giống nhau.”
Tây Vương Mẫu dặn dò rồi, Đông Hoa Đế Quân hướng dẫn Quần Tiên quỳ ở bệ ngọc. Quỳ ba lần, lạy chín lạy. Vương Mẫu cho an vị, nhạc tấu vang trời, ca vũ nghê thường, trên bàn tiệc toàn vật quý báu, dưới trần không thể có được.
Nhiều Tiên Đồng rót rượu, vô số Tiên Nữ nâng bình. Vài chục Tiên Đồng tay cầm sào trúc đỏ tía và lẵng, bay lên cây đào hái quả. Phút chốc, đào đựng đầy lẵng, một số Tiên chuyển đào cho nhau. Trái đào lớn nhất được dâng lên Thiên Tôn Đại Thánh, kế đó dâng đào lên Đại La Kim Tiên Tam Giới Chính Thần, rồi đào được dâng cho nhân viên và quyến thuộc của Bồng Đảo Tản Tiên Thị Vệ.
Đào này ăn không phải dễ. Phải là người tu hành thì mới ăn được. Người đời sau muốn ăn được đào tiên thì nên tu hành gian khổ như Thất Chân. Tu hành đắc đạo thì thành Tiên. Hễ tham bái Diêu Trì thì Vương Mẫu tặng cho đào tiên. Ăn một trái sống ngàn năm, sống mãi không già.
Hội Bàn Đào tan, ngàn Tiên vạn Thánh trở về Thiên Cung. Thất Chân theo Đông Hoa Đế Quân trở về Tử Phủ. Tử Phủ trên núi Phương Chư, ngọn núi này cũng tương tự như núi Côn Lôn, nhưng không lớn bằng. Trong núi này cũng có cỏ bốn mùa xanh tươi, hoa tám tiết không tàn. Kể ra cũng là đệ nhất cảnh giới chốn Thiên Cung, không dễ gì đến được.
Quả thật:
Thất Chân Nhân Quả mãi lưu truyền
Chỉ ước người người luyện tập thiền
Chịu được trên đời vô hạn khổ
Mới mong nhàn nhã cõi thần tiên.(10)
LƯỢC SỬ THẦY TRÒ TOÀN CHÂN THẤT TỬ
Tổ Sư Vương Trùng Dương 王 重 陽 (1112-1170). Đạo sĩ đời Kim (115-1234), sáng lập Toàn Chân Đạo 全 真 道, tên là Trung Phu 中 孚, tự là Duẫn Khanh 允 卿; về sau đổi tên là Thế Hùng 世 雄, tự Đức Uy 德 威; sau khi đi tu đổi tên là Triết 嚞, đổi tự là Tri Minh 知 明; hiệu là Trùng Dương Tử 重 陽 子.
Toàn Chân Thất Tử 全真七子
1. Mã Ngọc 馬 鈺 (1123-1183), tự Nghi Phủ 宜 甫, hiệu Đan Dương Tử 丹 陽 子, lập Ngộ Tiên Phái 遇 仙 派.
2. Đàm Xứ Đoan 譚 處 端 (1123-1185), tự Bá Ngọc 伯 玉, hiệu Trường Chân Tử 長 真 子, lập Nam Vô Phái 南 無 派.
3. Lưu Xứ Huyền 劉 處 玄 (1147-1203), tự Thông Diệu 通 妙, hiệu Trường Sinh Tử 長 生 子, lập Tùy Sơn Phái 隨 山 派.
4. Khưu Xứ Cơ 丘 處 機 (1148-1227), tự Thông Mật 通 密, hiệu Trường Xuân Tử 長 春 子, lập Long Môn Phái 龍 門 派.
5. Vương Xứ Nhất 王 處 一 (1142- 1217), tự Ngọc Dương 玉 陽, hiệu Ngọc Dương Tử 玉 陽 子, lập Du Sơn Phái 崳 山 派.
6. Hác Đại Thông 郝 大 通 (1149- 1212), tự Thái Cổ 太 古, hiệu Quảng Ninh Tử 廣 寧 子, lập Hoa Sơn Phái 華 山 派.
7. Tôn Bất Nhị 孫 不 二 (1119-1182), hiệu Thanh Tĩnh Tản Nhân 清 靜 散 人, lập Thanh Tĩnh Phái 清 靜 派.
CHÚ THÍCH:
1.
受丹詔七真成正果 — Thọ đan chiếu Thất Chân thành chính quả
赴瑤池群仙慶蟠桃 — Phó Diêu Trì quần Tiên khánh bàn đào.
2.
修 成 大 道 出 迷 途 — Tu thành đại đạo xuất mê đồ
才 算 人 間 大 丈 夫 — Tài toán nhân gian đại trượng phu
日 月 同 明 永 不 朽 — Nhật nguyệt đồng minh vĩnh bất hủ
乾 坤 並 老 壯 玄 都 — Càn khôn tịnh lão tráng Huyền Đô.*
* Huyền Đô: Nơi Thần Tiên cư ngụ.
3.
自 古 訛 傳 不 可 當 — Tự cổ ngoa truyền bất khả đương
說 來 說 去 越 荒 唐 — Thuyết lai thuyết khứ việt hoang đường
今 人 認 作 真 實 事 — Kim nhân nhận tác chân thật sự
屢 把 前 賢 論 短 長 — Lũ bả tiền hiền luận đoản trường.
4. Thật ra đây là một nhầm lẫn của tác giả truyện Thất Chân Nhân Quả. Huệ Khải đã chứng minh rất rõ sự ngộ nhận này trong các trang 124-140 ở quyển Giải Mã Truyện Tây Du
5. Thật ra tác giả truyện Phong Thần là Hứa Trọng Lâm. Xem lại Giải Mã Truyện Tây Du, theo chú thích (4) trên đây.
6.
兩 部 大 書 藏 妙 玄 — Lưỡng bộ đại thư tàng diệu huyền
幻 由 人 作 理 當 然 — Huyễn do nhân tác lý đương nhiên
七 情 六 慾 從 中 亂 — Thất tình lục dục tòng trung loạn
生 出 魔 王 萬 千 千 — Sinh xuất ma vương vạn thiên thiên.
7. Tử Phủ (phủ đỏ tía) hay Huyền Đô, là nơi Thần Tiên cư ngụ.
8. Nam Ngũ Tổ là Trương Bá Đoan, Thạch Thái, Tiết Đạo Quang, Trần Nam, Bạch Ngọc Thiềm. Năm vị này thuộc Tử Dương Phái do Trương Bá Đoan (Tử Dương Chân Nhân) sáng lập, sau đổi tên thành Nam Tông.
9. Thất Chân của Bắc Phái tức Khưu Xứ Cơ, Lưu Xứ Huyền, Đàm Xứ Đoan, Mã Đan Dương, Hác Đại Thông, Vương Xứ Nhất, Tôn Bất Nhị.
10.
七 真 因 果 永 流 傳 — Thất Chân Nhân Quả vĩnh lưu truyền
惟 望 吾 人 習 妙 玄 — Duy vọng ngô nhân tập diệu huyền
受 得 人 間 無 限 苦 — Thọ đắc nhân gian vô hạn khổ
定 作 天 上 逍 遙 仙 — Định tác thiên thượng tiêu dao tiên.