Ban rượu trấm,(1) hoàng hậu thử đạo
Đội mão vàng, Chân Nhân ngâm thơ.(2)
Có bài thơ rằng:
Đan thành chín chuyển mới thuần dương
Vào thánh vượt phàm mạng thọ trường
Không bị một lần việc thắc mắc
Danh sao vạn thuở rạng muôn phương.(3)
Nói về hoàng hậu nghe lời xúi của Thiền Sư Bạch Vân thì sai nội thị đến chùa Bạch Vân thỉnh Khưu Chân Nhân vào cung. Hoàng hậu đã chuẩn bị rượu độc để đãi. Chân Nhân vốn biết ý đồ của hoàng hậu, khi lên đường dặn dò hai học trò Triệu Bích và Lý Hùng chuẩn bị hai mươi bốn lu nước trong mát, xếp thành một hàng, chờ Chân Nhân về dùng, không được sai lỡ làm hư việc của ngài.
Dặn dò xong, Chân Nhân cùng quan nội thị vào cung tham kiến hoàng hậu.
Hoàng hậu nói: “Trước kia Chân Nhân bói toán ta sinh thái tử, quả đúng vậy. Nay ta không có chi đền đáp, xin kính Chân Nhân ba chung ngự tửu.”
Nói rồi bà truyền nội thị dâng rượu Chân Nhân.
Khưu Chân Nhân chẳng chối từ, liền uống ba chung rồi tạ ân ra về. Về tới chùa Bạch Vân thấy hai mươi bốn lu nước lạnh để sẵn dọc hành lang, ngài nhảy vô ngâm một hồi, hễ nước nóng thì nhảy qua lu nước kế bên ngâm tiếp. Cứ thế ngâm hết hai mươi ba lu, còn một lu chưa đổ đầy nước, ngồi ngâm nước không dâng tới ngực, khí độc chưa hết sạch, lửa độc xông lên trên đầu, làm rụng hết một mảng tóc rộng ba ngón tay, nên Chân Nhân trụi hết nửa đầu.
Thiền Sư Bạch Vân nghe tin Khưu Chân Nhân chưa chết, bèn vào cung tâu hoàng hậu hay. Hoàng hậu nói: “Uống rượu độc mà không chết chắc là Thần Tiên rồi.”
Thiền Sư Bạch Vân nói: “Có thể rượu chưa đủ độ độc, nên không làm chết được chăng? Thần nghe nói Thần Tiên khắc ngũ kim bát thạch. Hễ vàng, bạc, đồng, sắt đến tay Tiên thì biến thành bùn, muốn vuông thì vuông, muốn tròn thì tròn. Cửa đạo có đội khăn mang mão. Khăn phủ tóc, mão bó tóc. Nay nương nương sai người làm một cái mão bằng vàng, ban cho y, bảo y đội mão trên đầu. Nếu y đội mà ổn, thì chắc là Thần Tiên. Nếu không ổn, mọi người cười một trận, y phải xấu hổ mất mặt, rút lui về rừng núi không chừng!”
Hoàng hậu nghe vậy thích quá, lại sai nội thị đến chùa Bạch Vân mời Chân Nhân vào cung. Khưu Chân Nhân theo nội thị vào cung.
Hoàng hậu thấy đầu ông rụng tóc một mảng, bèn hỏi: “Chân Nhân sao không có tóc?”
Khưu Chân Nhân đọc bốn câu rằng:
Bề trên có lệnh đến hầu ngay
Vương Mẫu ban thần yến tiệc say
Liền uống ba chung trường thọ tửu
Nào hay đầu thượng cửa trời khai.(4)
Chân Nhân đọc xong, hoàng hậu mắc cỡ, không muốn thử phép mầu của Chân Nhân nữa, nhưng trót nghe lời Thiền Sư Bạch Vân xúi rồi, bèn gượng cười nói: “Chân Nhân quả là Tiên, thần thông chẳng ít, khiến người ta phải khâm phục. Ta ngự chế một cái mão vàng, Chân Nhân đội lên đầu, rất hợp với tướng đạo.”
Nói xong, bà sai nội thị đem mão vàng ra.
Nội thị mang cái mâm bằng mã não, đựng cái mão bằng vàng đem ra, mời Chân Nhân đội: “Nương nương ban tặng cái mão vàng, kính thỉnh Chân Nhân đội để tạ ân!”
Khưu Chân Nhân sớm biết trước, đã thủ trong tay áo một cây kim cứng, hai tay tiếp cái mão, ngài vận dụng chân hỏa tam muội thổi vào cái mão một hơi, vàng mềm như bùn, đội trên đầu, lấy kim xỏ ngang, ngay ngắn yên ổn.
Hoàng hậu nghe lời xúi của Thiền Sư Bạch Vân, muốn cười nhạo Khưu Chân Nhân, ai ngờ cái mão có xỏ kim ngang trở thành lệ ở cửa đạo.
Ngày nay mão vàng mà các đạo hữu đội bắt nguồn từ tích này. Chuyện đó không nói nữa.
Nói về Khưu Chân Nhân đội mão vàng rồi, liền tạ ân hoàng hậu, và ngâm bốn câu thơ:
Mấy lần thọ chiếu hưởng ân sâu
Mạo muội làm thơ dâng mấy câu
Quân tử trong lòng không cảm lạnh
Mão vàng ban tặng đội trên đầu.(5)
Khưu Chân Nhân ngâm xong, hoàng hậu thấy xốn xang, liền đứng dậy nói: “Ta biết lỗi rồi. Xin Chân Nhân đừng chấp.”
Khưu Chân Nhân nói: “Đó là vì thần tham luyến hồng trần lâu, nên rước lấy ma chướng.”
Chân Nhân chưa dứt lời thì Thiền Sư Bạch Vân từ sau bình phong bước ra, nói: “Chẳng phải ông tự rước ma chướng, mà tại lão tăng gây ma chướng cho ông.”
Khưu Chân Nhân nói: “Thiền Sư là người xem tứ đại giai không,(6) sao có thể gây ma chướng cho tôi. Xem ra, tôi tự có lỗi lầm.”
Nói xong, ngài liền ngâm bốn câu thơ:
Việc đời mê luyến biết bao nhiêu
Càng sống lâu năm họa rước nhiều
Phiền não do mình, mình chuốc lấy
Phải đâu ai khác khiến liêu xiêu.(7)
Khưu Chân Nhân đọc bốn câu nhận lỗi về mình. Thiền Sư Bạch Vân vốn chẳng nhiều chuyện, mà vì Chân Nhân thay rồng đổi phụng, thắng cược lấy mất chùa Bạch Vân. Do đó mà sinh ma chướng, Thiền Sư xúi hoàng hậu ban Chân Nhân rượu độc và mão vàng để báo thù. Nếu Chân Nhân không chiếm chùa, thì sao có chuyện thị phi? Chân Nhân nhận lỗi về mình, đó là thiên lương chưa muội. Người đời sau chớ lấy việc kẻ thắng người bại này mà bàn luận.
Thiền Sư Bạch Vân thấy Khưu Chân Nhân nhận lỗi thì cũng hối hận là mình đã bày mưu sâu kế độc cho hoàng hậu thi hành, nên ông cũng ngâm bốn câu thơ:
Kinh Phật đọc rồi: vạn sự không
Cớ sao một sớm vướng mang lòng
Nói rồng nói phụng đều vô ích
Uổng phí tâm cơ, dụng sái công.(8)
Hoàng hậu thấy Thiền Sư và Chân Nhân ai cũng nhận lỗi, biết hồi quang phản chiếu, thì vui mừng lắm, bà đang muốn khen ngợi vài câu thì bỗng nghe cung nhân bẩm báo: “Hoàng thượng giá lâm!”
Bà vội vàng nghinh tiếp vua. Chân Nhân và Thiền Sư cùng đứng lên vái chào. Vua Nguyên rất vui, nói rằng: “Trẫm thấy hai thầy bất hòa, nên thường lo nghĩ. Nay đến Tây Cung để khuây khỏa, mới hay cung nhân báo rằng hai thầy nay vui vẻ hòa hảo, trẫm rất vui mừng.”
Hoàng hậu kể vua nghe việc Chân Nhân và Thiền Sư ai cũng nhận lỗi về mình. Vua Nguyên rất vui, nói: “Tam Giáo vốn không hai lý, tăng đạo vốn thuộc một nhà. Nay trẫm cũng ngâm vài câu tặng hai thầy:
Một tăng một đạo giữa phồn hoa
Tăng đạo xưa nay vốn một nhà
Đừng có phân chia đây với đó
Viên thành bồ tát cũng là ta.(9)
Khưu Chân Nhân và Thiền Sư Bạch Vân nghe xong, đồng thanh tạ ân vua. Nguyên Thuận Đế nói với Thiền Sư Bạch Vân rằng: “Trẫm đã sai xuất tiền trong kho để xây dựng một ngôi chùa mới cho Quốc Sư rồi. Đợi công trình hoàn thành thì cho dời các tượng Phật từ chùa Bạch Vân qua đó, và đặt tên cho chùa mới. Còn chùa Bạch Vân thì đổi thành Bạch Vân Quán.(10) Rồi cho đắp lại tượng Đạo Tổ [Đức Lão Tử]. Như vậy tăng và đạo sẽ phân biệt tông phái của mình, để hương khói thiên thu, và muôn đời chiêm ngưỡng. Làm vậy để không phụ công hai thầy đã bảo vệ quả nhân.”
Khưu Chân Nhân và Thiền Sư Bạch Vân nghe xong, lại đồng thanh tạ ân vua lần nữa. Vua Nguyên ra lệnh thiết tiệc chay, vua và bầy tôi cùng vui vẻ. Trong tiệc, hai thầy luận bàn về Đạo diệu và Phật pháp. Phật lấy không không mà lập giáo, Đạo lấy hư vô làm tông chỉ. Không, tức là Vô vậy. Hư, cũng là Vô vậy. Xem ra cả hai cùng một lý. Tiệc xong, Khưu Chân Nhân và Thiền Sư Bạch Vân cùng từ biệt vua Nguyên, ai về chỗ nấy.
Nói về mấy sư sãi ra khỏi chùa Bạch Vân, di tản qua các chùa miếu khác. Ngày nọ, tình cờ gặp nhau, họ bàn bạc rằng: “Bọn ta có ngôi chùa đẹp, bị Khưu Xứ Cơ chiếm mất. Để yên được sao?”
Trong bọn có một sãi nhiều chuyện, tên là Đổng Phong Giám, nói rằng: “Theo ý tôi, nên xây dựng chùa Tây Phong trước mặt chùa Bạch Vân, làm cho chùa Bạch Vân đại bại.”
Mọi người hỏi làm sao mà đại bại được, thì sãi nhiều chuyện đáp: “Há không nghe nói phong thủy sợ người phá hay sao? Gió tây (Tây Phong) thổi mây trắng (Bạch Vân). Lo chi họ chẳng đại bại? Lo chi họ chẳng tứ tán?”
Bọn sư sãi nghe xong vỗ tay cười lớn, khen hay tuyệt. Thế là họ làm sổ sách quyên góp.
Một sãi văn hay chữ tốt viết ra một bài tựa, rồi họ cùng nhau đến gặp Thiền Sư Bạch Vân mời ông làm chủ, và xin phép quan nha xây cất chùa theo câu nói “Gió tây thổi mây trắng”.
Thiền Sư cười nói: “Ai bày ra ý này?”
Bọn sư sãi chỉ tay vào sãi nhiều chuyện, rồi thưa với Thiền Sư rằng: “Chính là vị bồ tát thượng thừa này ạ!”
Thiền Sư Bạch Vân hỏi Đổng Phong Giám: “Ngươi cho nổi gió tây thổi mây trắng là có ý gì?”
Phong Giám nói: “Chúng con muốn báo thù cho thầy!”
Thiền Sư Bạch Vân nói: “Từ khi lập giáo tới nay, Phật dạy chỉ nên kết duyên chứ không kết oán. Người xuất gia xem tứ đại đều là không. Một hạt bụi chẳng nhiễm. Có thù chi mà phải báo? Xưa Phật bị Ca Lợi Vương cắt xẻ thân thể, Phật không oán hận, cho nên ngài chứng quả vị đại hùng, bất sinh bất diệt.(11) Ngài nhờ nhẫn nhục, nhân từ, ôn nhu, mà thần thông có đủ. Cho nên trong cửa Phật chúng ta lấy cái không mà thuyết pháp, mọi thứ đều là không, vô ngã vô nhân (không có ta, không có người), bất thanh bất xú (không âm thanh, không mùi hơi). Đã vô ngã vô nhân, thì có oán chi mà phải báo? Có gió chi mà phải thổi? Hơn nữa, Khưu Chân Nhân với ta không oán không hận. Ta cược thua, mất chùa, nên phải giao chùa cho ông. Nào phải ông chiếm đoạt đâu. Hôm qua Thiên Tử đã sai xuất tiền trong kho để xây dựng một ngôi chùa mới cho chúng ta rồi. Ngươi nay nhiều chuyện, sinh sự. Nếu Thiên Tử hay biết mà giáng tội cho ngươi, lão tăng đây đảm đương không nổi đâu.”
Thiền Sư nói rồi, bỏ đi tịnh dưỡng.
Bọn sư sãi nghe Thiền Sư nói, liền tỉnh ngộ. Ý niệm gió tây thổi mây trắng phút chốc tiêu tan. Sổ sách vừa làm định đưa quyên góp bị lôi ra đốt bỏ. Rồi ai nấy trở về chùa mình tạm trú. Riêng sãi nhiều chuyện Đổng Phong Giám là lòng chẳng phục, gặp ai cũng nói: “Tôi đi quyên tiền hễ được vài ngàn lượng bạc thì xây chùa Tây Phong phía trước chùa Bạch Vân. Gió tây nổi lên thì mây trắng phải tan tác. Bọn đạo sĩ ấy một người ở cũng chẳng được.”
Sãi nhiều chuyện nói lớn lối để dọa đạo hữu trong Bạch Vân Quán. Trong đạo hữu có người nói nhắn lại: “Cứ xây chùa Tây Phong đi. Đợi chùa Tây Phong xây rồi thì bọn ta xây một vách tường cao, giống cái quạt. Gió tây thổi thì lấy quạt quạt đi. Nên gọi tên là phản phong (gió ngược), tự thổi tự tan.”
Bỗng có người nghe vậy la lên: “Mấy ông phản phong thì tôi đi phóng lửa.”
Không biết người đó là ai. Hồi sau sẽ phân giải.
Quả thật:
Nhẫn nhịn có thể đạt trung hòa
Nhục vinh hư thật chảy về đông.(12)
CHÚ THÍCH:
1. Trấm tửu: Theo truyền thuyết, có loài chim (tên là trấm) thích ăn thịt rắn, lông màu xanh tía. Rượu bị nhúng lông chim trấm vào thì biến thành rượu độc (gọi là trấm tửu) có thể giết người.
2.
賜 鴆 酒 皇 后 試 道 — Tứ trấm tửu, hoàng hậu thí đạo
戴 金 冠 真 人 吟 詩 — Đái kim quan, Chân Nhân ngâm thi.
3.
丹 成 九 轉 盡 純 陽 — Đan thành cửu chuyển tận thuần dương
入 聖 超 凡 壽 命 長 — Nhập thánh siêu phàm thọ mệnh trường
不 有 一 番 曲 折 事 — Bất hữu nhất phiên khúc chiết sự
焉 能 萬 古 把 名 揚 — Yên năng vạn cổ bả danh dương.
4.
昨 承 丹 詔 赴 瑤 階 — Tạc thừa đan chiếu phó diêu giai
王 母 與 臣 賜 宴 來 — Vương Mẫu dữ thần tứ yến lai
連 飲 三 杯 長 壽 酒 — Liên ẩm tam bôi trường thọ tửu
遂 將 頂 上 天 門 開 — Toại tương đính thượng thiên môn khai.
5.
屢 承 丹 詔 頒 恩 深 — Lũ thừa đan chiếu ban ân thâm
臣 敢 將 詩 對 主 吟 — Thần cảm tương thi đối chủ ngâm
君 子 心 中 無 冷 病 — Quân tử tâm trung vô lãnh bệnh
男 兒 頭 上 有 黃 金 — Nam nhi đầu thượng hữu hoàng kim.
6. Tứ đại: Ðất, Nước, Gió, Lửa. Câu Tứ đại giai không (bốn đại đều không có) bắt nguồn từ Tứ Thập Nhị Chương Kinh (kinh 42 chương). Chương 20 chép: “Ðức Phật dạy: Phải nghĩ bốn đại ở trong thân, mỗi đại có một tên, đều là không có Ngã. Ngã đã không có, nó như ảo hóa thôi.” (佛 言: 當 念 身 中 四 大, 各 自 有 名, 都 無 我 者. 我 既 都 無, 其 如 幻 耳. Phật ngôn: Đương niệm thân trung tứ đại, các tự hữu danh, đô vô Ngã giả. Ngã ký đô vô, kỳ như huyễn nhĩ.)
7.
貪 迷 世 故 戀 塵 囂 — Tham mê thế cố luyến trần hiêu
久 戀 塵 囂 魔 自 招 — Cửu luyến trần hiêu ma tự chiêu
煩 惱 實 由 我 自 取 — Phiền não thực do ngã tự thủ
別 人 怎 使 我 動 搖 — Biệt nhân chẩm sử ngã động diêu.
8.
讀 過 佛 經 萬 事 空 — Độc quá Phật kinh vạn sự không
為 何 一 旦 心 朦 朧 — Vi hà nhất đán tâm mung lung
說 龍 道 鳳 終 無 益 — Thuyết long đạo phượng chung vô ích
枉 費 心 機 錯 用 工 — Uổng phí tâm cơ thác dụng công.
9.
一 僧 一 道 在 京 華 — Nhất tăng nhất đạo tại kinh hoa
僧 道 原 來 是 一 家 — Tăng đạo nguyên lai thị nhất gia
從 此 不 須 分 彼 此 — Tòng thử bất tu phân bỉ thử
共 成 正 果 為 菩 薩 — Cộng thành chính quả vi bồ tát.
10. Bạch Vân Quán ở ngoài cửa tây thành Bắc Kinh, là tổ đình của Toàn Chân Phái, nổi tiếng là “Thiên hạ đệ nhất tùng lâm”. Đạo quán được khởi công xây dựng năm 722 theo sắc lệnh của Đường Huyền Tông, tên gọi là Thiên Trường Quán (chứ không phải là Bạch Vân Tự như chép trong Thất Chân Nhân Quả). Đời Kim, giặc Khiết Đan phương bắc kéo xuống phương nam đánh phá, Thiên Trường Quán bị hủy hoại nặng nề. Năm 1167 Kim Thế Tông sắc lệnh trùng tu, đặt tên lại là Thập Phương Đại Thiên Trường Quán. Năm 1202, đạo quán bị đốt cháy, Kim Chương Tông ban sắc lệnh trùng tu năm 1203, đổi tên là Thái Cực Điện, rồi lại đổi thành Thái Cực Cung. Đời Nguyên (Mông Cổ), đạo quán càng nổi danh hơn từ khi Khưu Xứ Cơ được Thành Cát Tư Hãn quý trọng. Trường Xuân Chân Nhân Khưu Xứ Cơ về trụ trì Thái Cực Cung năm 1224. Nguyên Thái Tổ ban sắc lệnh tu sửa nơi này và đổi tên là Trường Xuân Cung. Cuối đời Nguyên, Trường Xuân Cung cũng bị hư hoại trong chiến tranh. Vào những năm Vĩnh Lạc (1403-1424), vua Minh Thành Tổ ban sắc lệnh trùng tu, và đổi tên nơi này thành Bạch Vân Quán (1443). Như vậy Khưu Xứ Cơ đã tiếp xúc với triều đình từ đầu đời Nguyên (với Thái Tổ tức Thành Cát Tư Hãn, lên ngôi 1206) chứ không phải cuối đời Nguyên với Thuận Đế (lên ngôi 1333). Khưu Xứ Cơ (1148-1227) liễu đạo trước khi Thuận Đế (1320-1370) ra đời.
11. Kinh Kim Cương: “Tu Bồ Đề này, trong một tiền kiếp xa xưa, khi bị vua Kalinga (Ca Lợi Vương) cắt đứt thân thể, ta đã không bị kẹt vào khái niệm về Ngã, không bị kẹt vào khái niệm về Nhân, về Chúng Sanh và về Thọ Giả. Vì nếu khi đó ta bị kẹt vào những khái niệm ấy thì ta đã sinh tâm oán hận Kalinga rồi.”
12.
忍 辱 原 能 致 中 和 — Nhẫn nhục nguyên năng trí trung hòa
榮 辱 真 假 任 東 流 — Vinh nhục chân giả nhậm đông lưu.