Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ hai mươi bảy

Khuyên bổn đạo luôn luôn giữ giới
Luận tu hành lớp lớp mà làm.(1)

Có bài thơ rằng:

Hoa tàn hoa nở lại qua năm
Mấy thuở đời ai ngắm nguyệt rằm
Danh lợi tháo tung không trói buộc
Sen trồng lửa đỏ mới huyền thâm.(2)

Nói về Khưu Xứ Cơ đi ra ngoài cổng chùa, lấy cái phất trần trong tay áo ra, bứt một nắm chỉ thổi một hơi chân khí, rồi ném lên không trung. Nắm chỉ bị gió thổi bay tứ tán, không biết rơi chỗ nào.

Một hồi vô số đạo chúng kéo tới, theo chân Khưu Xứ Cơ vào chùa. Cứ một ông đạo đổi một ông tăng. Đổi sạch hết. Thiền Sư Bạch Vân vào ở Tập Hiền Quán, còn Khưu Xứ Cơ trụ trì chùa Bạch Vân. Các sư tăng trong chùa phải di tản qua các chùa miếu khác nương náu.

Tại sao Khưu Xứ Cơ muốn lấy chùa Bạch Vân? Bởi vì Bắc Kinh chủ khí đang thịnh, Khưu Xứ Cơ biết đây là vùng đất có thể cư trú lâu dài, nên muốn mượn đất lành lập đàn dạy đạo. Còn Thiền Sư Bạch Vân thì thích hợp với vùng Tam Giang ở phía nam, có thể khai mở đạo ở đó. Nếu Thiền Sư ở lâu tại kinh đô giữ chùa Bạch Vân thì khó mở mang đạo. Cho nên trời xui đất khiến Khưu Xứ Cơ chiếm chùa, còn Thiền Sư thì dời về phương nam phổ độ chúng sinh.

Đúng là trời đất định mỗi người có phần của mình. Lợi người này thì bất lợi người kia. Lợi người kia thì bất lợi người này. Bậc thượng trí tu chân tất tìm chỗ tương sinh, không tìm chỗ tương khắc. Chọn chỗ tương sinh mà ở, thấy chỗ tương khắc thì tránh. Đó gọi là địa lợi.

Khưu Xứ Cơ ở chùa Bạch Vân chiêu tập người tu học. Không hơn một tháng, có vài chục người đến học đạo. Ông xếp đặt công việc trong chùa và giao trách nhiệm cho từng người. Một thời gian, chùa trở nên náo nhiệt đông đúc.

Khưu Xứ Cơ thấy trong đạo hữu kẻ hiền người ngu bất đồng, nên muốn khai thị cho họ một phen. Ông dạy rằng:

“Người gọi là xuất gia thì rời trần bỏ tục. Vậy trước tiên ắt phải xét cái ý rời bỏ trần tục và lòng ẩn cư cầu đạo, mới có thể gọi là người có chân tâm xuất gia.

Nếu nhất thời mong ngóng được thành Tiên, hoặc vì phẫn chí, hoặc tham an nhàn, mà xuất gia, thì người đó mượn đạo làm cái cớ, kỳ thực là muốn an thân mà thôi. Cho nên cái tâm dũng mãnh dễ khởi mà cái tâm tu luyện lâu dài thì khó được. Họ cho rằng đạo có cũng được, không có cũng được, nên rốt cuộc đánh mất sự huyền diệu.

Lại có kẻ thơ ấu mồ côi đến già cô độc bèn xuất gia, thì họ chẳng qua là mượn cửa chùa để náu thân, chứ có phải chán bỏ trần tục mà đi tu đâu.

Nói tóm lại, ai đến thì phải làm cho họ an ổn. Bất kể họ có lìa bỏ trần tục hay không, hễ đến đất tam bảo thì đều là kẻ hữu duyên.

Kẻ vào cửa ta không bần cùng, kẻ ra khỏi cửa ta không giàu sang. Hễ vào cửa ta thì phải theo ý ta. Bậc thượng thì tham huyền tĩnh tọa, bậc trung thì tụng kinh lễ bái, bậc hạ thì khó nhọc làm công quả. Vậy cũng có thể xem là làm tròn việc của người xuất gia.

Cái mà người khác không làm được thì mình gắng làm cho được. Cái mà người khác không nhẫn được thì mình phải nhẫn được. Kẻ làm được thì có thể dứt tuyệt tình cảm và ham muốn. Kẻ nhẫn được thì có thể chịu đựng được đói rét. Làm được vậy thì vượt quá người khác rồi.

Muốn trong tâm hư vô thì chớ chứa một chút chướng ngại gì, chớ khởi một chút riêng tư. Chẳng những không có người mà cũng không có ta luôn. Đã xem cái ta là không có, thì ma từ đâu mà có. Nếu ở trong cái hư vô đó mà cầu đạo, thì công phu tự đạt được. Bằng không, thì mất chân đạo.

Sự việc gì đều phải lượng sức mà làm. Đừng thái quá, đừng bất cập. Biết việc lớn thì làm việc lớn. Biết việc nhỏ thì làm việc nhỏ. Nương theo chuẩn mực mà làm, noi theo quy củ mà làm. Dù không thành Tiên thành Phật, thì cũng không mất đi người tốt, cũng không uổng một phen xuất gia.

Nếu chỉ biết búi tóc là đạo gia, cạo đầu là sư sãi, mà không biết năm uẩn (3) là không, chưa quên bốn tướng,(4) bên ngoài bảnh bao áo mão, bên trong xấu xa tựa cầm thú, chưa phai nhạt lòng háo danh hám lợi, thường nuôi lòng thị phi, niệm tưởng xa hoa, còn sợ cơm áo chẳng bằng thiên hạ, lòng còn mong cầu may mắn, thường mơ ước việc mình làm được như ý nguyện, thì hạng người này tuy nói là xuất gia chứ chẳng phải xuất gia, tên gọi là người đạo chứ chẳng hề trong đạo.

Lấy đó mà xem, họ chẳng bằng hoàn tục về nhà, lấy khổ làm sướng, hà tất lưu luyến cửa huyền, lấy đạo mưu sinh, tạo vô biên tội lỗi? Kiếp này đã không siêu thoát, kiếp sau rơi vào biển khổ. Kiếp này quả phước chưa hưởng, kiếp sau tội nghiệt sớm trồng. Các ngươi phải tự mình răn lòng, tỉnh ngộ vậy.”

Khưu Xứ Cơ đang giảng đạo thì ngoài sơn môn (5) có mười mấy người hảo hán đi vào. Họ là ai vậy? Thì ra là đám thảo khấu Triệu Bích, Vương Năng, Chu Cửu, v.v… từng cứu Chân Nhân trên ngọn Tần Lĩnh. Khi trước họ cứu sống Chân Nhân, được Chân Nhân giảng mấy câu về nhân quả họa phước, nên tỉnh ngộ, cải tà quy chính. Họ buôn bán tạp hóa linh tinh sống qua ngày, bôn ba giữa vùng đất U và đất Yên hơn mười năm.

Triệu Bích, Lý Hùng, Trương Kiến nay đã già, chỉ có Vương Năng và Chu Cửu là chưa có râu. Họ nghe đồn chùa Bạch Vân có Khưu Chân Nhân, là người có đạo, năm ngoái cầu mưa cứu khắp muôn dân, sau đó bói toán hoàng hậu sinh thái tử, rồi đánh cược với Thiền Sư Bạch Vân và thắng cược được ngôi chùa Bạch Vân. Nay Chân Nhân chiêu mộ rộng khắp người tu hành học đạo, tại chùa giảng kinh thuyết pháp.

Bọn Triệu Bích nghe đồn như vậy, rất vui mừng, nói: “Năm nọ anh em bọn ta cứu sống một ông đạo trên núi Tần Lĩnh, trên mình có đeo tấm thẻ gỗ chép bài thơ Trừ Vọng, bên dưới có câu ‘Khưu mỗ phụng hành’ (Khưu tôi làm theo). Hay là ổng nay đắc đạo rồi? Bọn ta sao không tới chùa Bạch Vân xem thử?”

Trương Kiến nói: “Bọn ta đi đây đó tìm người có đạo, nay được toại nguyện chẳng biết chừng.”

Chu Cửu nói: “Chỉ cần ông ấy là người đạo đức, anh em ta bái làm thầy, xuất gia tu hành luôn.”

Triệu Bích nói: “Chú em nói rất hay!”

Thế là cả bọn kéo nhau tới chùa Bạch Vân, đang lúc đó trong đại điện Khưu Xứ Cơ giảng cho các môn đồ về vấn đề xuất gia học đạo. Thấy bọn Triệu Bích đi vào, Khưu Xứ Cơ đứng dậy chào: “Các hảo hán từ khi tạm biệt vẫn khỏe chứ?”

Bọn Triệu Bích không nhận ra Chân Nhân, thấy hỏi thì đáp: “Ơn Trời chúng tôi vẫn mạnh khỏe. Dường như chúng tôi đã gặp thầy đâu rồi, nhất thời không nhớ ra được, xin thầy nói rõ giùm!”

Khưu Xứ Cơ nói: “Chẳng nhớ đạo nhân đói lả trong miếu trên núi Tần Lĩnh sao?”

Triệu Bích hỏi: “Đạo trưởng phải chăng là ông đạo năm đó đã chỉ điểm đạo lý cho chúng tôi?”

Khưu Xứ Cơ nói: “Chính là bần đạo đó.”

Bọn Triệu Bích nghe vậy liền cùng nhau sụp lạy, thưa rằng: “Từ biệt nhau hơn mười năm, chúng tôi nay lão suy rồi, còn thầy thì dung nhan không thay đổi mấy, quả thực là người có đạo! Ngày trước chúng tôi từng nói với thầy, sau khi thầy đắc đạo thì chúng tôi bái thầy để xin làm đệ tử, chẳng hay ý thầy thế nào?”

Khưu Xứ Cơ nói:

“Xưa nhờ ơn các hảo hán cứu mạng, đến nay tôi vẫn không quên. Nếu nói đắc đạo, thật tình tôi không đắc cái chi cả, chẳng qua là nương đạo để khai hóa người đời.

Hỡi ơi! Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ. Năm xưa chẳng qua tôi nói lên cái ý tự răn mình, ai dè các vị nghe qua lời ấy, rửa lòng đổi mặt, dũng cảm sửa lỗi, không mất đi người tốt.

Hơn mười năm qua, các vị giữ chí bền lòng, nay đã chán bỏ cõi bụi hồng, muốn xuất gia tu hành, cũng là việc làm tốt đẹp.

Đã muốn xuất gia, tức là kiếp trước có tích nhiều việc thiện, nên nay mới khởi ý niệm đó. Dù phát tâm là sư sãi hay đạo nhân, thì cũng phải tuân theo pháp ngôn pháp huấn, phải có tâm hiền từ, nén cơn nóng giận, cung kính tất cả. Không thể buông thả tính tình, vọng niệm ngàn thứ.

Phải vì người mà quên mình. Tối kỵ làm tổn hại sinh mạng người khác. Chớ nói ta chẳng bằng người rồi sinh lòng ganh tỵ. Đừng nói người chẳng bằng ta rồi nảy ý kiêu căng. Chớ sinh lòng hiếu thắng mà lăng nhục người. Đừng khởi niệm ngạo mạn, kiêu căng. Ta chẳng bằng người vì ta tu hành tích đức chưa tới. Người chẳng bằng ta vì thời vận họ chưa đến.

Đạo không có lớn nhỏ, người chẳng có cao thấp. Bất luận phú quý, bần tiện, cao thấp, già trẻ, ai có đạo thì lớn, ai có đức thì cao. Ai hiếu học là vàng là ngọc, ai không hiếu học là cỏ là rác. Chẳng quý bạc vàng của nả, chỉ trọng nhân nghĩa đạo đức thôi. Thiên tử xuất gia chẳng phải là sang, ăn mày xuất gia chẳng phải là hèn.

Ta khi còn nhỏ, cha mẹ mất sớm, nhờ anh chị dìu dắt nên người. Ta biết chẳng có phận với cõi bụi hồng, nên một lòng cầu đạo tu chân. Về sau thầy ta là Vương Trùng Dương Chân Nhân truyền cho Chí Đạo, rồi nhờ sư huynh Mã Đan Dương chỉ điểm thêm. Từ khi chia tay ở Tà Cốc, ta cố gắng thêm nhiều, đói lớn bảy mươi hai lần thậm chí suýt toi mạng, đói nhỏ thì vô số kể. Khổ nạn không sao kể xiết. Vậy mà lòng ta như sắt đá, thà chết chẳng bỏ tâm nguyện ban đầu. Càng gặp nạn ma thì chí càng thêm bền chắc. Rồi sau ở tại Bàn Khê khổ hạnh sáu năm, khốn khổ kể sao cho xiết.

Đời thường nói ‘Khổ tận cam lai’ (đắng hết, ngọt tới), một sớm ta bỗng tỉnh ngộ. Nhờ Trời chiếu cố, ta mấy lần cầu mưa thì được mưa lớn. Nhất thời tên ta động tới nước trời, nên đích thân đi dự tuyên triệu. Tuy nói ‘đạo quả chưa thành’ nhưng đạt được tới bậc này cũng không phải dễ.

Các vị muốn xuất gia, thì nên suy nghĩ như thế. Đừng để giàu sang động tâm, chớ cho nghèo hèn đổi chí. Phải xem thân này là cái xác chưa chôn. Nay tìm sự sống trong cái chết, phải khởi một niệm lớn là cầu phép bất tử, mới có thể gọi là bậc chí nhân vậy.”

Khưu Xứ Cơ nói xong, bọn Triệu Bích rưng rưng nước mắt, xót thương Chân Nhân tu hành cực khổ.

Khưu Chân Nhân nói: “Không đạt tới tột đỉnh của cái khổ thì gốc khổ không tận diệt, trí huệ khó khai mở. Nay ta mong các trò phải ở trong cái khổ mà cầu đạo. Nhận lãnh một lần khổ thì đẩy lùi một ma chướng. Nhận lãnh mười lần khổ thì ma khí bị tiêu diệt hoàn toàn.”

Chân Nhân nói xong, chọn ngày lành, cho mỗi người búi tóc, mặc áo đạo, đội khăn đạo, rồi ban đạo hiệu cho mỗi người. Việc này cũng không cần nói nữa.

Nói về hoàng hậu thầm nghĩ: “Ta sinh ra rõ ràng là bé gái, nhưng khi bé được ẵm ra điện vua thì nó biến ra bé trai, khiến cho Thiền Sư Bạch Vân thua mất chùa về tay Khưu Xứ Cơ. Vì ta mà một người chịu tai họa.”

Sợ Thiền Sư Bạch Vân phiền não, hoàng hậu liền sai nội thị đi thỉnh Thiền Sư vào cung. Bà an ủi: “Vì đứa bé này mà sư thầy mang lụy.”

Thiền Sư Bạch Vân nói: “Thần bói lý số, biết chắc đứa bé là gái, không biết Khưu Xứ Cơ dùng tà thuật gì mà biến thành trai. Thần sợ đây chẳng phải là cái phước của xã tắc!”

Hoàng hậu nói: “Thánh thượng không người nối dõi, nên ta cũng không dám nói nhiều. Nay thánh thượng có con trai nối nghiệp, nên kính trọng Khưu Xứ Cơ như Thần Tiên. Ngày nào họ cũng ở trong ngự uyển giảng đạo đàm huyền, ít vào cung.”

Thiền Sư Bạch Vân nói: “Ngày xưa Đường Minh Hoàng tại vị,(6) văn võ bá quan đầy triều đều gọi Trương Quả là thần tiên.(7) Đường Minh Hoàng sai lấy thuốc độc cho vào rượu, bảo Trương Quả uống. Ông liền uống ba chén rồi nói rằng: ‘Rượu không ngon.’ Nói xong, hôn mê nửa khắc, răng đen như mực. Chừng tỉnh dậy, trước mặt vua ông lấy sắt như ý gắp nhổ hết răng đen. Ông ngậm miệng một giờ, thì mọc răng trắng lại hết. Bấy giờ Đường Minh Hoàng mới tin ông là Chân Tiên giáng thế. Nay nương nương sao không học sách của Đường Minh Hoàng, để rượu độc trên án, bảo Khưu Xứ Cơ uống. Nếu hắn uống vào mà không chết thì mới đúng là Chân Tiên.”

Hoàng hậu nghe vậy vui lắm, liền sai nội thị làm ngay.

Không biết Khưu Xứ Cơ Chân Nhân uống rượu sẽ thế nào? Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Kế độc mưu thâm bày
Thần Tiên liệu có thoát.(8)



CHÚ THÍCH:

1.
諭 吾 人 諄 諄 告 誡 — Dụ ngô nhân truân truân cáo giới
論 修 行 層 層 做 來 — Luận tu hành tằng tằng tố lai.

2.
花 落 花 開 又 一 年 — Hoa lạc hoa khai hựu nhất niên
人 生 幾 見 月 常 圓 — Nhân sinh kỷ kiến nguyệt thường viên
打 開 名 利 無 栓 鎖 — Đả khai danh lợi vô thuyên tỏa  
烈 火 騰 騰 好 種 蓮 — Liệt hỏa đằng đằng hảo chủng liên.

3. Năm uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

4. Bốn tướng: ngã tướng (xem ta là có thật), nhân tướng (xem người là có thật), chúng sinh tướng (xem chúng sinh là có thật), thọ giả tướng (xem thân này trường thọ).

5. Sơn môn: Cổng chùa, cổng đạo quán, cổng tu viện.

6. Đường Minh Hoàng (hay Đường Vũ Hoàng) tức vua Huyền Tông (Lý Long Cơ, 685-762, lên ngôi năm 712).

7. Trương Quả hay Trương Quả Lão là một vị trong Bát Tiên.

8.
略 施 些 小 計 — Lược thi ta tiểu kế
神 仙 也 難 逃 — Thần Tiên dã nan đào