Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ hai mươi sáu

Cầu mưa móc, xoay trời đổi nhật
Ra phép mầu, tráo phụng thay rồng.(1)

Có bài thơ rằng:

Lòng thành một tấm thấu trời cao
Năm đói hóa ra lúa gạo giàu
Khoan nói vua Nguyên thương đại chúng
Chân Nhân pháp thuật rất là mầu.(2)

Nói về Nguyên Thuận Đế truyền chỉ các quan địa phương treo bảng mời đạo sĩ cầu mưa cứu dân. Quan thái thú Lũng Châu dâng sớ đến kinh đô bẩm rằng: “Cao sĩ Khưu Xứ Cơ động Long Môn ở Lũng Châu đạo đức thanh cao. Năm ngoái Lũng Châu hạn hán, nhờ công lực của người này, cầu được mưa ngọt, cứu khắp muôn dân. Nay hoàng thượng muốn cầu mưa để dân bớt khổ, ngoài người này thì không ai cầu đảo được. Thần xem việc cứu dân là cấp thiết, nên trình tấu.”

Nguyên Thuận Đế xem sớ, rất vui mừng, liền sai quan đại phu Cáp Lý Thoát Thoát đi thỉnh Khưu Xứ Cơ. Đại phu đi gần một ngày thì tới Long Môn, trình chiếu chỉ của vua Nguyên thỉnh cầu đảo vũ. Khưu Xứ Cơ vui lòng nhận lời, rồi cùng quan đại phu về Bắc Kinh.

Ngày kế ông vào triều kiến. Nguyên Thuận Đế lấy lễ tôn ông là thầy, ban chức trên Cửu Khanh, giao nhiệm vụ cầu mưa.

Khưu Xứ Cơ nói: “Hoàng thượng thương dân tha thiết, thần nào dám chẳng gắng sức, có điều phải lập đàn cao hai tầng. Hoàng thượng đích thân đốt nhang vái lạy. Thần sau đó đảo cáo Thượng Đế, kỳ hạn ba ngày có mưa.”

Vua Nguyên cả mừng, liền sai quan Hữu Tư lo liệu việc lập đàn, rồi sai quan Thái Giám đưa Khưu Xứ Cơ tới Tập Hiền Quán nghỉ ngơi. Hôm sau họp triều sớm, quan Hữu Tư tâu rằng đàn cầu mưa đã lập xong, kính thỉnh pháp sư đăng đàn.

Nguyên Thuận Đế liền mời Khưu Xứ Cơ cùng đi tới đàn. Vua cung kính đốt nhang, vái lạy, xong rồi ngự giá về cung, còn Khưu Xứ Cơ phủ phục tại đàn cầu mưa, khẩn thiết cầu đảo.

Tới ngày thứ ba, giữa giờ Ngọ và giờ Mùi, mặt trời đỏ trên không như bánh xe lửa, nắng chói chang khắp nơi, người người đều đổ mồ hôi. Khưu Xứ Cơ lấy cành dương liễu nhúng vào tịnh thủy, rồi hướng lên mặt trời rảy một cái. Một lát sau, xung quanh mặt trời sinh ra một vầng khí đen, rồi biến thành mây đen, che khuất mặt trời. Một lát, trời đất tối tăm, mưa lớn đổ như trút. Mưa liên tiếp mấy ngày, cây cối đang khô héo trở lại xanh tươi. Dân chúng vui mừng. Mọi sinh linh nhờ cậy!

Nguyên Thuận Đế mừng vui hớn hở, phong Khưu Xứ Cơ là Hoằng Đạo Chân Nhân, lưu tại kinh đô, trọng đãi là thượng khách. Ngày nọ, vua mời ông vào cung, dạo chơi ngự uyển. Trong vườn cây cỏ xanh tươi, hoa thắm không tàn, đá lạ lùng, cây kỳ quái, không biết tên chi. Vua và ông ngồi luận bàn về đạo huyền. Có áng mây lành năm sắc trên không, giống như tàn lọng che phía trên đầu. Luận đến chỗ tinh vi, vua than rằng: “Trẫm nếu không vướng bận việc nước, nguyện theo chân ngài Xích Tùng Tử phiêu du. Chờ trẫm có người nối dõi, trẫm sẽ bái Chân Nhân làm thầy, vào núi tu luyện.”

Khưu Xứ Cơ nói: “Bệ hạ chớ lo lắng. Hoàng hậu đang mang thai, không lâu nữa sẽ lâm bồn.”

Vua Nguyên thầm nghĩ Chân Nhân quả thật là Thần Tiên, biết được hoàng hậu có thai, liền hỏi: “Quả thật hoàng hậu đang mang thai, nhưng không biết là sinh rồng (trai) hay phụng (gái).”

Khưu Xứ Cơ nói: “Thần bói rồi, chắc chắn hoàng hậu mang long thai, sinh hoàng tử.”

Vua nói: “Nếu đúng như Chân Nhân nói, trẫm thật là may mắn.”

Khưu Xứ Cơ nói xong, lui ra. Nguyên Thuận Đế hồi cung, nói với hoàng hậu rằng: “Khưu Chân Nhân bói rằng hoàng hậu mang long thai sinh hoàng tử. Chẳng biết có đúng vậy hay không.”

Hoàng hậu nói: “Chân Nhân làm sao bói đích xác được. Sao bệ hạ không mời Quốc Sư cùng Chân Nhân vào triều mà bói, nếu hai lời bói khớp nhau thì mới chính xác.”

Vua cả mừng, hôm sau thỉnh Thiền Sư Bạch Vân trụ trì chùa Bạch Vân vào triều, cùng Chân Nhân bói toán, xem hoàng hậu sinh hoàng tử hay công chúa.

Thiền Sư Bạch Vân bấm ngón tay tâu rằng: “Theo thần bói, hoàng hậu đang mang phụng thai, sẽ sinh công chúa.”

Vua Nguyên lại hỏi Khưu Xứ Cơ. Ông nói: “Hôm qua bệ hạ với thần đàm luận rõ ràng rồi, chắc chắn là hoàng hậu mang long thai, sinh hoàng tử. Sao còn hỏi lại nữa?”

Thiền Sư Bạch Vân cười nói: “Ông đã ngộ đạo huyền, ắt biết lý số, hãy bói lại lần nữa xem!”

Khưu Xứ Cơ nói: “Dù bói hay không, thì cũng chắc chắn là long thai, sinh hoàng tử.”

Thiền Sư Bạch Vân nổi giận nói: “Về lý số, tôi bói không sai chạy. Ông sao lại nói xàm, làm loạn thánh đức!”

Khưu Xứ Cơ nói: “Lý số sao bằng lý Trời, âm đức có sức chuyển Trời, làm lành có công cải số. Nay thánh thượng đích thân đốt nhang vái lạy cầu mưa, cứu khắp muôn dân, côn trùng, thảo mộc cũng đều thấm nhuần ân huệ của thánh thượng. Âm đức này lớn lắm, có thể cảm động Trời cao, chuyển thai nữ thành nam, biến phụng thành rồng cũng chưa biết chừng.”

Thiền Sư Bạch Vân nói: “Tôi tưởng ông là người có đạo, ai dè cũng tầm thường. Có thai là chuyện trước, cầu mưa là chuyện sau. Lẽ nào có cái lý thai nhi đã thành hình rồi mà còn biến đổi lại được?”

Khưu Xứ Cơ nói: “Tôi liệu định rồi, việc gì phải nói cứng!”

Thiền Sư Bạch Vân nói: “Ông dám đánh cược với tôi không?”

Khưu Xứ Cơ đáp: “Đánh cược thì đánh. Có chi mà không dám.”

Thiền Sư Bạch Vân nói: “Nếu hoàng hậu mang long thai sinh hoàng tử, tôi dâng chùa Bạch Vân cho ông.”

Khưu Xứ Cơ nói: “Nếu hoàng hậu mang phụng thai sinh công chúa, tôi dâng thủ cấp cho ông.”

Thiền Sư Bạch Vân cười nói: “Chớ có hối hận nhé!”

Khưu Xứ Cơ nói: “Một lời làm chuẩn, sao lại hối?”

Thiền Sư Bạch Vân nói: “Nói miệng không có bằng chứng. Phải viết ra chữ làm chứng cứ.”

Khưu Xứ Cơ xin đem giấy, bút, mực ra, trước ngự án viết tờ cam kết như sau: “Người đánh cược dâng thủ cấp là Khưu Xứ Cơ. Nay đánh cược với Thiền Sư Bạch Vân rằng: Nếu hoàng hậu sinh phụng, Khưu Xứ Cơ tôi thua, nguyện dâng thủ cấp. Không hề trái lời.”

Thiền Sư Bạch Vân cũng viết một tờ cam kết: “Người đánh cược dâng chùa Bạch Vân là Sư Bạch Vân. Nay đánh cược với Khưu Xứ Cơ rằng: Nếu hoàng hậu sinh rồng, Bạch Vân tôi thua, nguyện dâng chùa Bạch Vân cho Khưu Xứ Cơ. Không hề trái lời.”

Viết xong, hai bên đổi tờ cam kết cho nhau đọc một lần, rồi trình lên ngự án. Nguyên Thuận Đế lướt mắt duyệt qua, tự cất hai tờ giấy vào mình, đợi hoàng hậu hạ sinh rồi tính. Vua cho bãi triều, ai về nhà nấy.

Nói về Thiền Sư Bạch Vân trở về chùa rồi, nghĩ tới chuyện Khưu Xứ Cơ nói cứng, nên hoang mang. Hay là hoàng hậu sẽ sinh hoàng tử thật, còn mình thì bói sai? Không yên tâm, Thiền Sư bấm ngón tay lần nữa, thấy kết quả vẫn vậy, không sai chạy. Bấy giờ ông mới mừng thầm: “Khưu Xứ Cơ ơi, mi đừng trách ta. Cái này là mi tự chuốc tai họa, tự làm toi đời. Uổng cho mi tu đạo một phen!”

Khưu Xứ Cơ Chân Nhân trở về Tập Hiền Quán, bói xem chính xác ngày hoàng hậu hạ sinh, rồi ông viết một lá bùa, mượn một vị trong cung Cửu Thiên Huyền Nữ tên là Ngọc Trinh Tiên Nữ, biến hóa vô cùng, thần thông quảng đại. Tiên Nữ vâng lệnh Cửu Thiên Thánh Mẫu đến nghe Khưu Xứ Cơ sai khiến.

Khưu Xứ Cơ nói với Tiên Nữ rằng: “Đêm nay giờ Sửu trong phủ Ninh Vương, vương phi hạ sinh. Tiên Nữ lấy cái hồ lô biến thành bé gái, rồi vào cung đổi lấy bé trai vương phi hạ sinh. Sau đó ẵm bé trai tới điện Kim Loan. Chờ tôi đổi phụng rồi thì Tiên Nữ thu hồi hồ lô lại.”

Tiên nữ vâng lệnh, đi ngay.

Đêm đó giờ Tý, hoàng hậu hạ sinh một công chúa, quả nhiên ứng với lời bói của Thiền Sư Bạch Vân. Cung nhân liền báo tin cho vua biết. Nguyên Thuận Đế thầm phục Thiền Sư Bạch Vân bói toán chính xác như thần, lại lo lắng Chân Nhân không toàn mạng, phải nghĩ cách cứu Chân Nhân mới là đạo làm vua.

Buổi thiết triều sớm mai, bá quan đã biết hoàng hậu sinh công chúa, nên tề tựu chúc mừng. Thiền Sư Bạch Vân cũng vào triều chúc mừng rằng: “Thần nghe hoàng hậu sinh công chúa, tiếp nối mạch của thánh triều. Thần không nén được vui mừng, nguyện cho hoàng hậu vạn tuế, công chúa thiên thu.”

Nguyên Thuận Đế than: “Trẫm số mạng không người nối dõi, cũng chẳng hận. Nhưng Khưu Chân Nhân bói âm dương sai lạc, bị thua cược. Trẫm nghĩ công lao Chân Nhân cầu mưa, muốn cứu Chân Nhân bằng cách tặng mười vạn quan tiền tu bổ chùa Bạch Vân để chuộc thủ cấp của Chân Nhân.”

Vua nói xong, Thiền Sư Bạch Vân còn đang trầm ngâm suy nghĩ, thì bên ngoài quan coi cửa bẩm báo có Chân Nhân triều kiến. Vua truyền cho vào. Khưu Xứ Cơ vào triều, vái chào vua xong, chúc mừng rằng: “Hoàng hậu đã sinh hoàng tử. Thần kính mừng chúa thượng.”

Vua nói: “Chân Nhân lầm rồi. Hoàng hậu sinh công chúa mà.”

Khưu Xứ Cơ nói: “Thần bói không hề sai. Nếu quả thật hoàng hậu sinh công chúa, xin ẵm ra xem. Thần có chết cũng cam lòng!”

Vua Nguyên muốn cứu Chân Nhân, mà thấy ông nói cứng cỏi như vậy, nên cũng buồn, bèn sai cung nhân ẵm công chúa ra. Lúc đó giữa giờ Dần và giờ Mão, Tiên Nữ lấy hồ lô biến thành bé gái, đổi bé trai của hoàng hậu, che thần quang, đứng ở Kim Loan điện chờ hồi lâu.

Chỉ thấy cung nhân ẵm bé gái đến vua. Vua bảo ẵm bé qua cho Chân Nhân xem. Khưu Xứ Cơ hai tay ẵm bé, lấy tay áo che khuất, Tiên Nữ liền lấy bé trai ra đổi lấy bé gái (vốn là hồ lô hóa ra). Văn võ bá quan đều là người phàm mắt thịt, không thấy được. Thiền Sư Bạch Vân là người có chút trí huệ, chứ không có thần thông, nên cũng không thấy được.

Đổi tráo xong, Khưu Xứ Cơ hai tay ẵm đứa bé mời bá quan nhìn ngắm xem là hoàng tử hay công chúa. Bá quan nhìn xong, đồng loạt hô lớn: “Thái tử thiên thu!”

Thiền Sư Bạch Vân nghe tiếng hô, mặt thất sắc trắng bệch, chạy qua xem, rõ ràng là hoàng tử. Ông sượng sùng mặt đỏ bừng, bèn gượng chúc tụng vua: “Quả là thái tử nối nghiệp!”

Hoàng tử được trình cho vua xem. Vua thấy qua, rất kinh ngạc, miệng cãi: “Trẫm nghe cung nhân bẩm báo là công chúa thì biết vậy chứ chưa đích thân nhìn thấy. Đây là lỗi của nội cung!”

Thế rồi vua ra lệnh Quang Lộc Tự thiết tiệc ba ngày, đại xá thiên hạ. Xong, vua bãi triều, văn võ bá quan ai về nhà nấy.

Khưu Xứ Cơ hỏi Thiền Sư: “Sư thầy bây giờ tính làm sao?”

Thiền Sư Bạch Vân đáp: “Một lời đã nói, xe bốn ngựa khó theo. Ngày mai tôi giao chùa cho ông. Ông dọn tới, tôi dọn đi. Vạn sự đều xong rồi, còn tính toán chi nữa?”

Nói xong, Thiền Sư về chùa.

Khưu Xứ Cơ về Tập Hiền Quán, sai Tiên Nữ trả hồ lô cho Cửu Thiên Thánh Mẫu.

Thiền Sư Bạch Vân về chùa rồi, lòng tức tối chẳng phục, lại bói lý số nữa, cũng không tính ra, quả là “cờ cao một nước khó thủ thắng, nghề yếu ba phân cũng thấy thua”. Hai mắt trân trân, than thở hoài. Người thị giả đứng hầu Thiền Sư nói: “Khưu Xứ Cơ chỉ có một mình, sao chiếm trọn chùa lớn? Chúng ta một đổi một. Đổi không được thì chúng ta cứ ở lại, từ từ rồi tính.”

Thiền Sư nghe nói rất mừng. Hôm sau Khưu Chân Nhân đến. Thiền Sư Bạch Vân nói: “Sư sãi nhiều chùa rộng, chùa lớn người ít. Ông tới một người đạo, tôi đi một người tăng. Một người đổi một người. Nếu đổi không hết, thì đi cũng không hết. Tăng ở cũng được, đạo ở cũng được.”

Khưu Chân Nhân đáp: “Như vậy cũng tốt. Để tôi đi ra trước núi gọi chúng nó tới.”

Khưu Xứ Cơ nói rồi đi ra ngoài cổng chùa, lấy cái phất trần trong tay áo ra, bứt một nắm chỉ, thổi một hơi chân khí rồi ném lên không trung.

Không biết ông làm vậy để chi. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Đừng nói nay ta nhân lực ít
Nên biết bên thân phép mầu nhiều.(3)



CHÚ THÍCH:

1.
祈 雨 澤 回 天 轉 日 — Kỳ vũ trạch hồi thiên chuyển nhật
施妙 術 換 鳳 偷 龍 — Thi diệu thuật hoán phượng thâu long.

2.
一 片 至 誠 可 格 天 — Nhất phiến chí thành khả cách thiên
卻 將 兇 歲 轉 豐 年 — Khước tương hung tuế chuyển phong niên
休 言 元 主 愛 民 切 — Hưu ngôn Nguyên chủ ái dân thiết
還 是 真 人 道 妙 玄 — Hoàn thị Chân Nhân đạo diệu huyền.

3.
莫 說 我 今 人 力 少 — Mạc thuyết ngã kim nhân lực thiểu
須 知 身 邊 玄 妙 多 — Tu tri thân biên huyền diệu đa.