Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ hai mươi lăm

Chân dương đủ, quần âm lui tán,
Ác dẫy đầy, trọn nhà chìm trôi.(1)

Có bài thơ rằng:

Chân núi Bắc Mang lắm mộ ai
Cỏ hoang rậm đám, chim kêu hoài
Suối vàng nằm mãi người không tỉnh
Đã hết thanh minh đào lý phai.(2)

Nói về Khưu Xứ Cơ đang tĩnh tọa trong miếu ở Bàn Khê, bỗng thấy có hai đồng tử dẫn con hạc trắng đến trước mặt ông nói: “Vâng lệnh Ngọc Đế, chúng tôi kính mời Chân Nhân cưỡi hạc phi thăng.”

Khưu Xứ Cơ thầm nhớ lời Tam Quan Đại Đế nói bảy năm thành Tiên, lẽ nào hôm nay phi thăng? Chẳng phải là âm ma trong tâm ta tấn công ta hay sao? Nó sinh ra muôn cảnh giả, làm bại chân đạo của ta. Chính điểm này làm ông tỉnh ngộ. Hai đồng tử và con hạc trắng cũng không thấy nữa.

Ông ngồi một mình trên nửa tấm bồ đoàn, ngoài song cửa trăng sao soi sáng, không gian tĩnh mịch. Đang bình thường bỗng nảy sinh nhiều chuyện kỳ quái. Nếu niệm niệm yên ổn, thì đâu có sự nguy hiểm sai một ly đi một dặm.

Ông tự hối rằng giá đừng nổi hứng đi thử tài Tái Ma Y thì đâu bị âm ma chướng khí thế này. Nếu không luyện trừ khử âm khí, thì sao được thuần dương? Ông nghĩ phải dùng phép hỗn ma mới có thể trừ khử sạch sẽ quần âm, không chừa một khe hở nào cho chúng lẻn vào phá quấy, như thế là thượng sách.

Thế rồi ông bỏ Bàn Khê, đến một ngọn núi đất, thấy ở dốc núi có hòn đá tròn, nặng chừng trăm cân, cũng là một nơi thanh tĩnh. Ông lấy cỏ kết thành cái am và tĩnh tọa ở trong.

Nếu thấy âm ma hiện ra, ông liền tốc dậy, đi ra lăn hòn đá lên nửa dốc núi, thả lăn xuống, rồi tĩnh tọa tiếp. Hễ một cảnh tượng nào sinh ra, thì ông đi lăn đá nữa. Cứ vậy suốt ba năm, ông mới trừ sạch âm ma, thân thể thuần dương, mọi cảnh tượng hiện trước mắt đều thành không, tâm sáng rỡ như mặt trời, thiên cơ tự ứng, biết trước một chuyện sắp xảy ra ở nhà nọ mà không dám tiết lộ thiên cơ. Cho nên ông muốn đi tới đó điểm hóa cho họ một phen. Nếu họ biết tỉnh ngộ, thì sẽ tránh được trầm luân. Như vậy đã không làm mất đức hiếu sinh của Trời, lại còn mở ra cửa cứu người nữa. Nghĩ vậy, ông rời bỏ núi đất, đi Khan Lũng lo một việc sắp xảy ra.

Nói về đất Khan Lũng có nhà phú hộ, tên là Vương Vân, người người đều gọi ông ta là Vương Đại Hộ. Chỗ này kể ra là một cuộc đất tốt, gần sông dựa núi, sông núi vây bọc, ngoài cửa có con sông chảy ngang.

Vương Vân giàu có nhưng tâm địa khắc bạc, cân gian đong thiếu gạo thóc, khinh nghèo hiếp yếu, chiếm đoạt ruộng đất người khác. Bọn tôi tớ là thứ cáo dựa oai hùm, cậy thế của chủ mà hiếp đáp lường gạt người trong thôn, gian dâm phụ nữ, việc gì cũng dám làm, gây biết bao tội ác.

Trước cửa nhà y có một tảng đá lớn, dài hơn một trượng, cao vài thước, đầu lớn, đuôi nhỏ, giống con sư tử nằm, nên người ta gọi là sư tử đá. Người làm bên ngoài cũng khá nhiều, tới giờ cơm, người coi cửa leo lên sư tử đá lấy chày gõ mấy cái, tiếng vang xa bốn phía đều nghe, tức thì họ về nhà ăn cơm. Việc này thành lệ.

Gần đó có cái dốc núi, triền dốc có cái miếu Quan Âm do ông nội quá cố của Vương Vân xây dựng, có hiến đất và mời người trụ trì. Đến đời Vương Vân thì người trụ trì bị đuổi đi, đất hiến bị thu hồi. Miếu chưa hư nát, tượng thờ còn, mà miếu bỏ hoang.

Khưu Xứ Cơ đến tạm trú trong miếu hoang này. Mỗi ngày nghe tiếng chày nện lưng sư tử đá thì biết tới giờ cơm, ông liền tới xin cơm. Ông đến xin hơn mười lần mà chẳng ai ngó ngàng. Một miếng nước lạnh cũng không cho, nói chi tới cơm chay.

Trong bọn tôi tớ có con Xuân Hoa, thấy ông tới hoài mà tới tay không về cũng tay không, nó bất nhẫn quá, nên lén lấy bánh đưa cho ông và nói: “Thầy mau đi đi! Chỗ này dữ lắm!”

Qua hai ngày sau, ông lại tới nữa, thấy Vương Vân đứng trước cổng. Vốn muốn điểm hóa cho Vương Vân, nên khi thấy y đứng trước cổng ông liền đọc bốn câu:

Vì lợi tham danh, chẳng ngoái đầu
Vô thường một sớm có còn đâu
Đầy rương vàng bạc không mang được
Mắt lệ hai hàng suối chảy sầu.(3)

Khưu Xứ Cơ đọc xong, Vương Vân nổi giận mắng: “Tên tu hành giả hiệu này, mi đừng đứng đây nói năng lung tung! Ta chưa từng tin Phật pháp. Mi sớm xéo đi, kẻo mang nhục!”

Khưu Xứ Cơ nói: “Bần đạo đến quý phủ hóa trai. Tùy tâm bố thí!”

Vương Vân thấy ngoài cửa có cái thùng cứt ngựa, bên cạnh sẵn có cái xẻng, liền đến xúc một xẻng cứt đem lại nói rằng: “Mi cầu ta bố thí. Nay ta bố thí cái này được không?”

Khưu Xứ Cơ đang muốn thử lòng Vương Vân, tưởng y nói chơi, nên lấy bình bát đưa ra. Vương Vân liền đổ cứt vô bình bát.

Khưu Xứ Cơ nói: “Cứt ngựa này dùng vào việc chi?”

Vương Vân nói: “Cứt đó ta mướn người đi hốt, nay đem cho mi cũng là bố thí.”

Khưu Xứ Cơ nghe vậy, nói: “Thiện tai! Thiện tai!”

Cả nhà Vương Vân và bọn tôi tớ đều cười hô hố. Chỉ riêng có Xuân Hoa không cười.

Ngày nọ, thấy bọn người nhà đi làm, nó lén lấy bánh giấu trong tay áo, rồi đi ra cổng xem ông đạo có tới không. Thời may Khưu Xứ Cơ đang đứng trước cổng. Nó tới đưa bánh cho ông.

Ông nói: “Ta không phải tới để xin bánh đâu. Ta dặn con phải nhớ kỹ: Nếu thấy hai con mắt sư tử đá có màu đỏ, thì mau chạy lên miếu Quan Âm lánh nạn. Ở đó sau một giờ ba khắc thì mới bảo toàn mạng sống.”

Nói xong, ông nhẹ bước đi mất.

Xuân Hoa ghi nhớ như in, mỗi ngày chạy ra cổng mấy lần xem mắt sư tử đá thế nào. Qua mấy tháng, có đứa chăn trâu thấy Xuân Hoa làm vậy, bèn hỏi: “Tại sao mỗi ngày chị cứ ra nhìn mắt sư tử đá vậy?”

Xuân Hoa nói: “Hôm trước có ông đạo đến xin cơm chay, nói chị phải thăm chừng con mắt sư tử đá. Hễ thấy mắt màu đỏ, thì mau chạy lên miếu Quan Âm lánh nạn. Sau một giờ ba khắc thì khỏi nạn lớn.”

Đứa chăn trâu nghe nói chuyện lạ muốn phá chơi, lén lấy cục đất đỏ. Chiều dẫn trâu về, nó leo lên sư tử đá lấy cục đất đỏ trét lên hai con mắt sư tử, rồi núp một bên, xem Xuân Hoa làm thế nào.

Trời gần tối, Xuân Hoa trong nhà bỗng bồn chồn máy mắt, ngồi đứng không yên, thầm nghĩ hay là sư tử mắt đỏ rồi. Nó vội chạy ra xem, chẳng sợ chủ quát mắng. Quả nhiên hai con mắt của sư tử đá đỏ hết. Nó kinh hãi liền chạy ù lên miếu Quan Âm. Đứa chăn trâu thấy vậy cũng chạy theo.

Bỗng có một tiếng nổ long trời lở đất, cuồng phong nổi bốn phía, mây đen giăng đầy trời, mưa trút xuống như thác đổ, đến nửa đêm mới tạnh.

Xuân Hoa và đứa chăn trâu núp dưới gầm bàn thờ, tai nghe tiếng đùng đùng như ngàn người đánh trống, sầm sập như muôn con ngựa tranh chạy. Đến sáng hai đứa mới dám bước ra khỏi miếu quan sát thì kinh hồn khiếp vía: toàn bộ nhà cửa Vương Vân trôi mất hết, chỉ còn con sư tử đá nằm lăn quay giữa sông.

Xuân Hoa thấy trọn nhà chủ trôi hết, không tránh khỏi khóc lóc, làm kinh động mọi người. Họ xúm lại xem, đều nói trời cao có mắt, báo ứng chẳng sai. Lại thấy Xuân Hoa khóc, họ bèn hỏi: “Trọn nhà chủ trôi chết hết, sao con thoát được vậy?”

Xuân Hoa bèn kể lại mọi việc của ông đạo đến xin cơm cho mọi người nghe. Ai nấy đều nói: “Vương Vân hung ác quá, nên Trời giáng thủy tai. Còn ông đạo là Thần Tiên, đến chỉ điểm cho, mà Vương Vân không chịu hồi tâm, nên y bị nước cuốn chết. Xuân Hoa là đứa đầy tớ, nhưng có thiện căn, nên thoát chết, lại còn cứu được đứa chăn trâu. Xem ra trong cõi trời đất nhân gian, ta phải làm việc tốt, khi đại nạn xảy ra thì ta được cứu.”

Họ lại hỏi Xuân Hoa bây giờ tính làm sao. Xuân Hoa nói: “Cái miếu này nguyên ông nội đã khuất của ông chủ con lập ra. Ruộng đất xung quanh lấy hoa lợi để cúng trong miếu. Nay con xuống tóc tu hành tại miếu này, không ham việc đời chi nữa.”

Mọi người nói: “Vậy cũng tốt lắm. Chúng ta cho con chút tiền để tạm thời sống qua ngày. Đợi sau mùa thu hoạch thì có ăn không ít.”

Nói xong thì họ gom góp tiền và gạo cho Xuân Hoa, rồi tìm một bà già đến ở chung với nó cho có bạn. Xuân Hoa cám ơn mọi người, từ đó một lòng một ý, khổ hạnh tu hành.

Được mấy năm, Khưu Xứ Cơ tĩnh dưỡng ở động Long Môn, biết Xuân Hoa chân tâm hướng đạo, liền đến độ cho. Xuân Hoa bái ông làm thầy, về sau cũng thành chính quả. Đó là việc sau.

Nói về Khưu Xứ Cơ, sau khi dạy cho Xuân Hoa chạy lên miếu Quan Âm lánh nạn, thì ông vào núi Lũng Châu, thấy có vách đá, vách có cái hang động. Đó là chỗ của ông Lâu Cảnh (cuối đời Tần, đầu đời Hán) cư ngụ để xem nhật nguyệt. Bên dưới có con suối, vách đá chắn suối, nước thường chảy vòng theo vách, đứng xa ngó lại thấy như dựng giữa suối. Động giống như cái cửa, người thời đó đặt tên là Long Môn (cửa rồng), lấy ý cá chép nhảy qua vũ môn hóa rồng.

Khưu Xứ Cơ tới đây ngộ ra câu “môn thượng long phi” (rồng bay trên cửa) là ứng chỗ này. Ông bèn ở lại Long Môn dưỡng tính tu chân.

Chưa đầy hai năm sau, Lũng Châu bị hạn hán. Thái thú Lũng Châu lãnh đạo dân chúng cầu mưa, nhưng không có mưa, lúa mạ khô héo, dân chúng lo lắng.

Khưu Xứ Cơ bèn tới Lũng Châu, nói cầu đảo ba ngày sẽ có mưa để cứu muôn dân. Quan thái thú mừng rỡ, bái thỉnh ông lên đàn cầu mưa. Khưu Xứ Cơ đạo phục tề chỉnh, phủ phục trước đàn, niệm niệm thành kính thông lên Thượng Đế. Quả nhiên mưa suốt ba ngày ba đêm, ruộng lúa sung túc, muôn dân yên ổn.

Năm sau, mấy tỉnh phía bắc bị hạn hán nặng nề, đã lâu không mưa. Vua suất lĩnh trăm quan cầu mưa mà không có mưa. Nguyên Thuận Đế (tại vị 1333-1370) truyền chỉ các quan địa phương treo bảng mời đạo sĩ cầu mưa. Ai cầu mưa được thì vua ban cho quan cao tước trọng. Bảng treo lên rồi, các tỉnh nghe nói quan thái thú Lũng Châu tiến cử một người có thể cầu mưa được.

Không biết người này là ai. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Năm xưa khổ mất mùa
Hôm nay động tới vua.(4)



CHÚ THÍCH:

1.
真 陽 足 群 陰 退 散 — Chân dương túc quần âm thoái tán
惡 貫 盈 合 家 沉 淪 — Ác quán doanh hợp gia trầm luân.

2.
北 邙 山 下 列 墳 茔 — Bắc Mang sơn hạ liệt phần doanh
荒 草 迷 離 怪 鳥 鳴 — Hoang thảo mê ly quái điểu minh
長 臥 泉 台 人 不 醒 — Trường ngọa tuyền đài nhân bất tỉnh
桃 殘 李 謝 過 清 明 — Đào tàn lý tạ quá thanh minh.

3.
貪 名 為 利 不 回 頭 — Tham danh vị lợi bất hồi đầu
一 旦 無 常 萬 事 休 — Nhất đán vô thường vạn sự hưu
縱 有 金 銀 帶 不 去 — Túng hữu kim ngân đái bất khứ
空 遺 兩 眼 淚 長 流 — Không di lưỡng nhãn lệ trường lưu.

4.
昔 年 困 饑 饉 — Tích niên khốn cơ cận
如 今 動 帝 王 — Như kim động đế vương.