Gốc khổ hết, tướng theo tâm đổi
Âm ma khởi, huyễn sinh bởi người.(1)
Có bài thơ rằng:
Đèn tắt nguyên tiêu lại tối tăm
Sáng trưng muôn thuở chỉ nơi tâm
Trọn ngày tâm sáng không hề tắt
Soi chiếu đến nay biết mấy lần.(2)
Nói về Khưu Xứ Cơ, nghe người hái thuốc nói vậy, ông như người đang ngủ mê bị đánh thức tỉnh, mới biết việc mình đã làm thật là trẻ con, chẳng phải là hành động của bậc đại trượng phu. Ông muốn mở khóa, mà không có chìa, nên khó chịu.
Người hái thuốc nói: “Tôi lượm được chìa khóa này.”
Rồi ông lấy trong tay áo ra một cái chìa, và mở khóa.
Khưu Xứ Cơ nói: “Tôi là người đã chết, may nhờ ông có mấy lời dẫn đường chỉ lối, tôi như chết đi sống lại. Ơn này thật chẳng gì sánh bằng.”
Người hái thuốc nói: “Tôi chưa hề cho thầy tiền bạc hay cơm nước gì cả. Chẳng qua tôi có mấy lời khuyên giải, tin hay không cũng do thầy. Tin thì khỏi chết, không tin ắt tiêu đời. Hai chữ sống chết tự thầy tạo nên, đâu phải do tôi.”
Nói rồi, người hái thuốc đi mất.
Khưu Xứ Cơ từ đó về sau không còn vọng niệm cầu chết nữa, như mây đen vừa tan, trời quang đãng lại, bạch nhật thanh thiên, sáng khắp ngàn dặm, không còn chút chướng ngại gì.
Nếu không có Đức Thái Bạch Kim Tinh giảng lý chính, nhổ dứt gốc ma, thì dẫu có trăm vạn binh trời cũng khó trừ ma chướng. Cho nên người tu hành nếu gặp ma chướng thì phải tìm gốc cội của nó, xem nó khởi từ chỗ nào, thì ở ngay chỗ khởi đó mà nhẹ nhàng dứt bỏ nó, chẳng tốn chút sức lực gì.
Nếu ma có gốc ở đây mà mình đi tìm ngọn chỗ kia để nhổ bỏ, thì cũng tìm không ra ngọn. Dù mình lấy lời hay của thiên hạ nói cho người ta đừng chấp trước vào tâm bệnh, thì họ cũng chẳng phục mình.
Nói về Khưu Xứ Cơ, sau khi người hái thuốc chỉ giáo phá đường mê cho, thì ông chuyên tâm luyện tập huyền công, tu hành khổ hạnh.
Ngày nọ, ông đến địa phương kia, thấy sông núi xinh đẹp, có một con suối băng ngang đường lộ. Bấy giờ là mùa hè, nước suối lớn mà không có cầu, lòng suối cạn không đi ghe xuồng qua được, chỉ có thể lội suối qua mà thôi. Dân lân cận, quen lội nước, nên lội qua lội lại như thường. Còn khách phương xa thì than thở hoài, không dám lội qua.
Khưu Xứ Cơ nảy ra một niệm, muốn làm công quả. Ai không biết lội qua suối thì ông cõng qua. Người hảo tâm rộng rãi thì cho ông vài đồng mua thức ăn qua ngày. Có nhiều người ông chẳng lấy xu nào, mà ông cũng cõng họ qua suối.
Khi nước rút cạn thì ông đi xin ăn. Sáng xin bảy nhà, chiều xin tám nhà. Xin được rồi, nếu gặp ai đói lạnh, thì ông cho họ ăn, thà mình chịu đói. Nếu ngày nào mưa giăng tuyết đổ, không đi xin ăn được, thì ngày đó không ăn. Trước sau vài năm ông bị đói hơn trăm lần. Đói lớn bảy mươi hai lần, đói nhỏ thì vô số kể.
Khưu Xứ Cơ khổ công tu hành, đêm trú miếu lạnh. Trong miếu có tấm bảng nhỏ ghi “Chúng đệ tử ở Bàn Khê kính dâng” mới biết con suối này tên là Bàn Khê,(3) chợt nhớ lời thầy Vương Trùng Dương nói: “Thạch bàn bên suối, khổ căn hết sạch ở đây.” Cho nên ông đại phát hằng tâm, tham ngộ đạo diệu. Lúc rảnh việc thì tĩnh tọa, công phu. Như vậy được sáu năm, gặp biết bao gian khổ, kể sao cho hết, nhưng tới lúc sơn cùng thủy tận thì cũng làm cảm động người hiếu thiện đến cung dưỡng, giúp ông thoát cơn đói lạnh.
Có bài thơ rằng:
Trời xanh nào phụ kẻ tu hành
Chỉ sợ người tu lòng chẳng thành
Nếu khổ, chân tâm mà ngộ đạo
Lo chi cơm áo trọn đời mình.(4)
Nói về Khưu Xứ Cơ khổ hạnh sáu năm, tới lúc tu hành viên mãn. Ngày nọ nước suối dâng tràn, có ba người mặc quân phục tay cầm dao. Một người tay xách cái đầu người, nói đã chém được đầu một tên đại tướng cướp, nay mang lên tỉnh báo công, nhưng họ không biết lội nước, muốn nhờ Khưu Xứ Cơ cõng qua giùm.
Khưu Xứ Cơ là người chịu khó, lẽ nào lại không cõng qua, cho nên ông cõng được hai người qua suối rồi. Còn người thứ ba thì nhát gan, nói: “Tôi sợ nước lắm. Ông phải cẩn thận kỹ lưỡng nha!”
Khưu Xứ Cơ nói: “Không sao đâu! Đừng có sợ!”
Cõng ra tới giữa suối, bỗng có sóng đánh tới làm ông đứng không vững. Người lính trên lưng ông la: “Không xong rồi!”
Rồi vội nắm áo ông, lúc đổi tay thì cái đầu rơi xuống nước. Người lính bảo ông vớt giùm. Ông ngó lại thấy cái đầu rớt xuống nước chảy băng băng, vội cõng người lính vào bờ, rồi lội trở lại thì cái đầu đã trôi mất. Người lính đấm ngực giậm chân kêu trời gọi đất.
Khưu Xứ Cơ hoang mang chẳng biết làm sao, nhất thời không chủ ý, nói: “Thôi ông cầm dao cắt đầu tôi mà thế vào, có được không?”
Người lính nói: “Ông vô can. Cái đầu là do tôi lỡ tay làm rớt mà.”
Khưu Xứ Cơ nói: “Tôi là người cô độc, chết cũng chưa hết tội. Còn ông là người mà cả nhà nương vào để sống. Vậy việc này sao nói là không làm được?”
Người lính nói: “Ông thiệt là người tốt. Nhưng tôi không nỡ lòng giết ông. Thường nói dao tuy bén, nhưng không giết người vô tội. Nếu ông muốn chu toàn việc lớn của tôi, thì ông tự cắt đầu mới được.”
Nói xong, người lính đưa dao cho Khưu Xứ Cơ. Khưu Xứ Cơ cầm lấy dao, định tự cắt đầu mình, thì trên không trung có tiếng gọi: “Khưu Trường Xuân trả cái hốt (5) lại cho ta!”
Khưu Xứ Cơ ngó lên thấy ba người lính đứng ở trên áng mây lành năm sắc, nói rằng: “Chúng ta là Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan,(6) vì thấy ngươi đạo tâm kiên cố, khổ hạnh tròn đầy, nên đến hóa độ cho ngươi. Ngươi quả là vì người khác mà quên bản thân, tích công bồi đức, nay phàm thân của ngươi sẽ đổi làm đạo thân, huyễn thể đổi làm tiên thể, sáu năm ngộ đạo công đủ, bảy năm chứng quả thành chân, lại hưng phát việc đạo, ngươi phải tinh tấn chớ sai.”
Tâm của Khưu Xứ Cơ bỗng nhiên tỏ ngộ, linh cơ hiển sáng, nhìn lại trong tay thì thấy là cái hốt của quan chứ không phải là con dao. Lại thấy ba ông quan thì có một ông không cầm hốt, vậy cái hốt mình đang cầm là của ông quan đó, phải trả lại cho ổng thôi. Vừa nghĩ tới đó thì ông tự nhiên bay lên áng mây năm sắc đưa cái hốt lại cho ông quan đó. Ba ông quan đằng vân đi mất.
Khưu Xứ Cơ muốn hạ xuống, chợt nhớ Tái Ma Y xem tướng mình phải chết đói, nay mình đạo quả viên thành, sẽ không bị chết đói được, sao mình không nương áng mây năm sắc này mà qua Hà Đông thăm Tái Ma Y một chuyến, xem nhãn lực ông ta thế nào?
Chủ ý vậy rồi, ông cưỡi mây đi, trong khoảnh khắc đi được ngàn dặm. Tới trước nhà Tái Ma Y, ông từ trên mây hạ xuống đất, thấy một người hơn hai mươi tuổi từ trong nhà đi ra, đúng là đứa nhỏ hồi trước từng mang bánh hấp cho ông ăn.
Đứa nhỏ hỏi: “Ông đi đâu?”
Khưu Xứ Cơ đáp: “Đi xem tướng.”
Đứa nhỏ nói: “Lão gia đã lâu không ra khỏi nhà. Ông muốn xem tướng thì theo tôi vào trong.”
Nói xong, nó dẫn ông vào tiền sảnh.
Bấy giờ Tái Ma Y đang ngồi ở tiền sảnh, thấy Khưu Xứ Cơ bước vào, liền đứng dậy tiếp đãi trà nước đàng hoàng. Khưu Xứ Cơ thấy Tái Ma Y tóc đã bạc hết, lụm cụm già yếu. Ông nói: “Mấy năm không gặp, tiên sinh tóc bạc hết rồi!”
Tái Ma Y nói: “Tôi không biết đã gặp đạo trưởng ở đâu, nhất thời không nhớ ra.”
Khưu Xứ Cơ nói: “Tiên sinh không nhớ người có tướng đằng xà tỏa khẩu sao?”
Tái Ma Y nhìn ngắm một hồi, vỗ tay cười lớn: “Kỳ diệu quá! Chẳng biết đạo trưởng có lập công đức chi lớn mà nay cái tướng năm xưa đã thay đổi rồi!”
Khưu Xứ Cơ nói: “Tiên sinh từng nói tướng đã định suốt đời, không thể nào sửa được. Nay sao lại nói tướng cũ đã thay đổi vậy?”
Tái Ma Y nói: “Tôi chỉ biết xem tướng mặt chứ không biết xem tướng tâm. Nay đạo trưởng có tướng biến theo tâm, nên tôi không biết được. Trước kia thì hai lằn chỉ từ cánh mũi chạy vào khóa miệng, nên gọi là đằng xà tỏa khẩu, ứng với tướng chết đói. Nhưng nay hai lằn chỉ đi vòng xuống huyệt thừa tương,(7) mà chỗ huyệt này lại mọc nốt ruồi son, phối hợp thành một cách gọi là lưỡng long hý châu (hai rồng giỡn hạt ngọc), quý không nói hết, ứng với đế vương được cung dưỡng, phúc đức không thể lường. Lão dốt đây cũng không thể biết hết được.”
Khưu Xứ Cơ nghe xong, bái phục Tái Ma Y tướng pháp thần thông, bèn cáo từ ra về. Ông trở về miếu ở Bàn Khê tĩnh tọa.
Chỉ vì động tâm muốn cười ngạo Tái Ma Y mà ông gặp một ma chướng nữa. Đang tĩnh tọa, trong lúc mơ màng như còn như mất, bỗng ông thấy thân mình ở trong rặng núi, rồi bỗng có trận cuồng phong nổi lên, hai con cọp dữ hiện ra nhe răng giơ vuốt muốn vồ ông. Ông xem cái chết như không, thì cọp biến mất. Toàn là cái ý hiện ra thôi.
Rồi đang lúc mơ màng, ông thấy một đạo đồng đi tới nói: “Thầy tôi là Mã Đan Dương tới. Sao sư thúc không đứng dậy tiếp đón?”
Quả nhiên ông thấy Mã Đan Dương bước vào. Khưu Xứ Cơ nghĩ: đạo không luyến tình. Đến là do ổng, đi cũng là do ổng.
Rồi bỗng thấy nhiều người tới nói: “Nhờ ông cõng bọn tôi qua sông. Nay đang lúc thu hoạch lúa. Bọn tôi cho ông hơn một thạch (8) lúa mạch, đủ dùng một năm. Ngoài ra bọn tôi tặng ông hai xâu tiền, may cho ông một bộ quần áo.”
Nói rồi, họ để lúa mạch trước mặt ông và đưa ông hai xâu quan tiền, muốn ông tự tay cầm. Ông không quan tâm.
Rồi trong lúc mê mệt, ông thấy một cô gái chừng mười bảy mười tám tuổi, nói bị mẹ ghẻ đánh đập độc ác, nên chạy trốn tới đây. Cô gái nói: “Con muốn tới nhà ông cậu mà ngại đi đường một mình. Nhờ đạo trưởng đưa đi, con cảm ơn vô cùng.”
Nói rồi, cô gái khóc thút thít. Khưu Xứ Cơ không màng tới. Trong tâm chỉ là không người không ta, không hay không biết.
Chớp mắt bỗng thấy chị dâu cả dắt vài đứa bé tới nói: “Anh hai của chú chết rồi. Ông bác chiếm nhà cửa vườn tược làm của riêng, khiến mấy cháu của chú không đủ ăn, không đủ mặc. Tôi là đàn bà làm sao nuôi dưỡng bọn chúng nổi. Chú nghĩ tình cốt nhục, xin lo liệu cho mẹ con chúng tôi.”
Chị nói xong thì bọn trẻ níu áo, lôi lôi kéo kéo, khóc lóc, miệng kêu gào “chú ba ơi!”, “chú ba hỡi!”, đòi ăn đòi uống loạn xạ. Khưu Xứ Cơ trong cực tĩnh, trí huệ ngẫu sinh, trong tâm không có một vật.
Bỗng nghe giữa không trung có tiếng nổ lớn, cửa trời phía nam mở ra. Có hai đồng tử dẫn con hạc trắng đến trước mặt Khưu Xứ Cơ nói: “Vâng lệnh Ngọc Đế, chúng tôi kính mời Chân Nhân cưỡi hạc phi thăng.”
Hồi sau sẽ phân giải.
Quả thật:
Chớ để Tam Thi (9) sinh cảnh giả
Nên phòng Sáu Giặc (10) loạn tâm điền.(11)
CHÚ THÍCH:
1.
苦 根 盡 相 隨 心 變 — Khổ căn tận tướng tùy tâm biến
陰 魔 起 幻 由 人 生 — Âm ma khởi huyễn do nhân sinh.
2.
元 宵 燈 後 更 無 燈 — Nguyên tiêu đăng hậu cánh vô đăng
萬 古 常 明 只 此 心 — Vạn cổ thường minh chỉ thử tâm
朗 照 終 天 總 不 滅 — Lãng chiếu chung thiên tổng bất diệt
光 明 皓 皓 到 於 今 — Quang minh hạo hạo đáo ư kim.
3. Khê: Suối, khe nước.
4.
蒼 天 不 負 修 行 人 — Thương thiên bất phụ tu hành nhân
只 恐 修 行 心 不 真 — Chỉ khủng tu hành tâm bất chân
若 是 真 心 苦 悟 道 — Nhược thị chân tâm khổ ngộ đạo
何 愁 衣 食 不 終 身 — Hà sầu y thực bất chung thân.
5. Cái hốt (tablet): Làm bằng ngọc, ngà hay tre. Ngày xưa quan ra chầu vua đều chắp tay cầm cái hốt để ngay ngắn trước bụng.
6. Tức là Tam Quan Đại Đế: Gồm Thiên Quan (vua Nghiêu), Địa Quan (vua Thuấn), và Thủy Quan (vua Vũ).
7. Huyệt thừa tương ở ngay chính giữa và dưới môi dưới. Tức là chỗ lõm giữa cằm và môi dưới. Ở đàn ông, chỗ này thường mọc chòm râu.
8. Thạch: Bằng mười đấu hay một trăm lít.
9. Tam Thi hay Tam Bành là: Thượng Thi tên Bành Cư, thích báu vật, ở trong đầu con người. Trung Thi tên Bành Chất, thích năm vị, ở nơi bụng con người. Hạ Thi tên Bành Kiểu thích sắc dục, ở trong chân con người. Dân gian Việt Nam hay nói: “Nổi tam bành lục tặc.”
10. Sáu Giặc (Lục Tặc): Xem lại chú thích ở bài thơ mở đầu Hồi Thứ Hai Mươi Mốt.
11.
莫 教 三 尸 生 幻 境 — Mạc giáo Tam Thi sinh huyễn cảnh
須 防 六 賊 亂 心 田 — Tu phòng Lục Tặc loạn tâm điền.