Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ hai mươi ba

Khuyên người dữ bỏ tà về ngay
Nói thấu lý đòi chết lại sống.(1)

Có bài thơ rằng:

Phú quý khác gì bọt nước đâu
Cần chi cưỡi hạc tới Dương Châu
Ao sen có phép thu tâm đó
Trong tĩnh thầm ngâm bảy bút câu.(2)

Nói về Khưu Xứ Cơ thấy nước trôi đưa trái đào tươi đến mình, ông nghĩ rằng số mạng mình phải bị chết đói, sợ không ăn được trái đào này, nay lấy thử xem thế nào.

Ông vói tay lấy trái đào ăn, hương đào thơm ngào ngạt. Ăn xong, tinh thần ông sảng khoái, không còn đói bụng nữa. Nước khe cũng rút xuống. Mặt trời lên cao, chói chang nóng nực làm mồ hôi đầm đìa, ông nằm trên tảng đá không nổi nên trở mình đứng dậy, thầm nghĩ mạng mình không chết bên khe nước, vậy chắc chết trên núi cao.

Một niệm chấp trước ma, suốt đời chấp mê vọng. Cho nên người tu hành phải xem sống và chết đều là không. Không thể nhất định tham sống, không thể khăng khăng đòi chết. Sống cũng do mình, chết cũng do mình, không thể chấp có, cũng không thể chấp không. Như vậy thì ma không thể nhập thân ta, tâm ta tự nhiên an tĩnh.

Khưu Xứ Cơ đứng dậy, đi lên núi Tần Lĩnh. Trên đỉnh núi có cái miếu nhỏ, chỗ này hoang vắng, không dấu chân người. Ông bước vô miếu, trải bồ đoàn nằm, suốt tám chín ngày không ăn uống chi.

Ngày nọ, ông thoi thóp sắp tiêu đời, bỗng nghe bên ngoài có tiếng nói chuyện lao xao. Ông nhướng mắt đói lên nhìn, thấy hơn mười người ngồi ngoài miếu. Rồi một người bước vô miếu, nhìn ông hỏi: “Ông từ đâu tới đây?”

Khưu Xứ Cơ chẳng nói chẳng rằng, mắt lờ đờ. Người đó thấy ông bộ dạng gần chết nên chẳng hỏi nữa, rồi trở ra ngoài, cùng bọn kia tìm củi, nhóm lửa, lấy ba cục đá làm bếp, đặt nồi lên. Chúng lấy một tảng thịt to trong giỏ ra, bỏ vô nồi nấu. Nấu xong, đem cúng thần. Cúng xong thì bày rượu thịt, bánh hấp ra ăn nhậu.

Chúng nguyên là bọn cướp trên núi Tần Lĩnh, chuyên chận đường cướp bóc dân lành. Trong bọn này có mấy tên sừng sỏ: Triệu Bích, Lý Hùng, Trương Kiến, Vương Năng, Chu Cửu. Ngày đó nhân vừa cướp được một vụ, chúng tụ tập ở đây, bày ra nhậu nhẹt và chia chác đồ cướp.

Nhậu say sần sần, Vương Năng nói với Triệu Bích: “Anh em mình xưa nay làm việc quấy, nay thử làm một việc tốt có được không?”

Triệu Bích hỏi: “Có việc gì tốt cần làm vậy? Chú nói đi, anh sẽ chu toàn cho.”

Vương Năng nói: “Trong miếu có một ông đạo, trông chẳng phải bị bệnh, tôi thấy bộ dạng chắc là bị đói. Sao mình không nấu cháo cho ổng ăn, cứu mạng ổng?”

Triệu Bích nói tốt lắm. Cả bọn thấy đại ca đồng ý, liền xúm lại làm một hồi, nấu xong cháo đem vô miếu mời Khưu Xứ Cơ ăn. Khưu Xứ Cơ không chịu ăn.

Bọn chúng ôm ông dựng ngồi dậy, ôm đầu cạy miệng, ép ăn được hai chén cháo. Dần dần bụng ông có hơi ấm, hoàn dương tỉnh dậy. Ông trách: “Việc lớn của ta sắp xong, các ngươi mang thức ăn vô danh cho ta ăn, khiến ta phải chịu thêm nạn ma nữa. Thiệt là mong sống đã không được mà cầu chết cũng mất công nhiều quá!”

Nghe Khưu Xứ Cơ nói, Chu Cửu nổi giận, rút dao đeo bên mình ra, cầm dao điểm mặt Khưu Xứ Cơ mắng: “Cái tên giả tu này, mi chẳng biết điều. Anh em ta cứu mi sống, mà mi nói là thức ăn vô danh. Nay mi muốn chết, ta cho mi một dao để mi toại nguyện!”

Nói xong, hắn vung dao định chém. Khưu Xứ Cơ không sợ, vỗ bụng nói: “Muốn giết ta thì đừng chém chỗ khác, cứ mổ bụng ta, moi ruột ra, ta trả lại thức ăn vô danh cho ngươi. Ta chết cũng cam lòng.”

Chu Cửu phì cười, nói: “Lão này nói lạ. Thức ăn rồi, moi ra trả lại được nguyên sao? Ta không giết ông. Hỏi ông tại sao mà cầu chết? Có thể nói cho anh em bọn ta biết được chăng?”

Khưu Xứ Cơ bèn kể lại vụ Tái Ma Y xem tướng, nói rằng ông có tướng chết đói, không cách chi sửa được. Do đó ông học sách của hai đại hiền là Bá Di và Thúc Tề, an mệnh thuận Trời.

Khưu Xứ Cơ kể xong, Triệu Bích cười nói: “Thầy không phải làm vậy. Sợ chết đói thì anh em tôi mỗi người hai lượng, góp lại cũng mười mấy lượng, biếu thầy. Thầy tìm một cái miếu tu ở đó, thu nhận một học trò, hai người cần kiệm chịu khó, tích cóp nhiều lúa gạo, thì làm sao mà đói cho được?”

Triệu Bích nói chưa dứt thì Trương Kiến và Lý Hùng mỗi người lấy ra hai lượng bạc ra giao cho Khưu Xứ Cơ. Ông lắc đầu từ chối: “Bình thường tôi không vọng lấy tiền tài của ai, có tấm thẻ gỗ này làm chứng.”

Ông đưa tấm thẻ gỗ cho họ xem, trên đó viết mấy điều tự răn: nhận quấy tiền bạc: tay đứt đoạn; tham quấy ăn uống miệng lở loét; v.v…

Vương Năng ở bên cạnh cười nói: “Anh em tôi cam tâm tình nguyện giúp ông vài lượng bạc, chứ ông đâu tự lấy của bọn tôi, vậy đâu phải là nhận quấy.”

Khưu Xứ Cơ nói: “Hễ không có công mà lấy tiền bạc của người khác, tức là không có lý do. Không có lý do, không có duyên cớ mà lấy tiền bạc của người khác và ăn thức ăn của người khác, chẳng phải là quấy hay sao?”

Chu Cửu nói: “Theo phép vua thì đánh chết, theo Phật pháp thì sống không được. Bọn tôi giúp ông vài lượng, ông không dám lấy, sợ tội. Còn bọn tôi chuyên ăn cướp, thì không biết tội ác nhiều cỡ nào!”

Khưu Xứ Cơ nói: “Mấy người với tôi khác nhau. Kiếp trước tôi không bố thí cứu người, nên kiếp này tôi không được người ta cúng dường. Mấy người thì kiếp trước cho người ta vay và bị người ta lừa tiền bạc, nên kiếp này mấy người đòi lại gấp mấy lần. Còn ai kiếp trước không nợ nần với mấy người, thì kiếp này dù gặp giữa đường mấy người cũng bỏ qua, không cướp đoạt.”

Khưu Xứ Cơ nói xong, mười ba tên cướp rởn óc, nổi da gà. Lý Hùng nói: “Không xong rồi! Theo lời đạo trưởng nói, người người thiếu nợ bọn mình, lẽ nào bọn mình không thiếu nợ ai? Nếu thiếu nợ thì có ngày cũng bị đón đường cướp lại. Tôi sợ nợ nần phải luân hồi trả qua trả lại không dứt.”

Triệu Bích nói: “Anh em mình cũng có ít nhiều tiền bạc, nên mua bán nhỏ, sống qua ngày. Nhân dịp này, mình cải tà quy chánh. Mấy chú tính sao?”

Chu Cửu nói: “Đại ca nói có lý lắm. Bọn mình phải phục thiện.”

Nói rồi ném mấy con dao vào lùm cỏ.

Triệu Bích nói với Khưu Xứ Cơ rằng: “Thầy tu hành cho tốt, anh em chúng tôi không bao lâu nữa sẽ bái thầy học đạo.”

Nói xong, cả bọn kéo nhau đi hết.

Nói về Khưu Xứ Cơ tâm bị ma chướng một lòng đòi chết. Tuy gặp bọn Triệu Bích cứu sống, nhưng gốc ma vẫn còn, nên vẫn cầu chết.

Ông xuống núi xin ăn hơn một tháng, có được hai trăm quan tiền, liền đi mua một dây xích sắt và một ổ khóa. Ông mang theo dây xích và khóa bên mình, đi tìm một chỗ không có miếu, cách xa đường lộ, xung quanh toàn cây cối. Đây là chỗ trong rừng sâu, không ai lai vãng, cổ thụ vút trời, gai góc khắp nơi. Ông lấy một đầu dây xích cột trên cây, một đầu thì quấn vào cổ ông, khóa lại. Ông ném chìa khóa văng mất, rồi nằm xuống bên gốc cây, tự nhủ lần này là chết chắc rồi.

Không ngờ ông làm vậy khiến kinh động thượng giới. Đức Thái Bạch Kim Tinh biến ra một người hái thuốc, đi tới chỗ ông nằm, hỏi: “Thầy phạm tội gì vậy? Ai khóa thầy vào gốc cây này?”

Hỏi mấy lần, Khưu Xứ Cơ mới trả lời: “Ông lo việc ông đi, đừng xía vào chuyện của tôi!”

Người hái thuốc nói: “Việc thiên hạ thì người trong thiên hạ lo liệu. Sao nói là không xía vô việc của thầy? Tôi cũng là người hiểu đạo, thầy có tâm tư gì thì nói tôi nghe, tôi có thể giải thích rõ, hoặc chia sẻ cho thầy bớt sầu.”

Khưu Xứ Cơ nghe nói có lý, liền đem lời Tái Ma Y xem tướng kể cho người hái thuốc nghe: “Ổng nói số tôi bị chết đói, không thế sửa đổi được. Tôi muốn an mệnh thuận Trời, cầu chết cho rồi, nhưng mấy lần cũng có người cứu. Nên tôi đem khóa tại đây để không ai cứu được nữa. Chứ thật ra tôi chẳng có việc chi phiền muộn.”

Người hái thuốc nghe vậy, cười ha hả rằng:

“Ngu quá! Ngu quá! Tâm sao chấp mê vậy. Tôi sợ thầy có việc chi sầu muộn, chứ nguyên là một niệm gặp ma, tự mình lầm lỗi cả đời. Nay tôi nói về ma chướng để ma chướng của thầy tự tiêu.

Tướng định sẵn trọn đời là định cho người tầm thường. Còn người đại hiền, thì tướng cũng khó định đúng. Gặp người đại ác, thì tướng cũng khó định đúng.

Tướng phân biệt trong ngoài: tướng lòng và tướng mặt. Cái tướng ngoài chẳng bằng tướng trong. Mạng tốt không bằng lòng tốt. Người đại hiền thì tướng theo lòng mà biến đổi. Lòng tốt thì tướng cũng tốt. Người số phải chết thì trái lại được trường thọ, gặp dữ thì biến thành lành, gặp khó khăn thì được may mắn. Người đại ác thì tướng cũng theo lòng mà biến đổi. Lòng xấu thì tướng cũng xấu. Số chết lành biến thành chết dữ, phúc biến thành họa, vui biến thành buồn.

Do đó bí quyết của phép xem tướng có nói rằng phúc thọ lâu dài ắt là do đức tính trung hậu lưu truyền trong gia tộc. Mạng ngắn là vì người khinh bạc. Nhưng số bần tiện mà chuyển thành phú quý 1à vì lòng chuyên làm lành cứu người. Số phú quý mà chuyển thành bần tiện là vì lòng ích kỷ. Số chết đói mà trở lại có ăn hoài là vì lòng biết quý tiếc lương thực. Số có ăn dư dật mà trở lại chết đói là vì hoang phí ngũ cốc. Ai con cháu vinh hiển là vì người hiếu sinh, nhân đức. Ai vô hậu, không con nối dõi, ắt là vì người không nhân từ. Đại khái đó là tướng lòng. Tướng mặt sao có thể làm gì được!

Huống chi thầy là người tu hành, có thể xoay chuyển Tạo Hóa, biến đổi đất trời, từ xác phàm tu thành thần tiên. Chưa chắc tướng đã định sẵn là thành thần tiên hay không. Do tâm mà ngộ đạo. Chỉ cần thầy tu luyện thành thần tiên. Thần tiên đó có chết đói được không?

Còn nếu thầy làm như vậy, thì sống không tránh được làm người đói, chết không tránh được làm quỷ đói. Sống đã vô dụng thì chết có ích gì?”

Người hái thuốc giảng một hồi, Khưu Xứ Cơ nghe thấu như chiêm bao mới tỉnh, như tối tăm bỗng bừng sáng, mới biết ý muốn chết của mình giống như tánh đàn bà thường tình, chẳng phải là tâm chí của bậc đại trượng phu, chỉ khiến người ta chê cười thôi. Nghĩ vậy liền muốn mở khóa thoát ra, nhưng chìa khóa thì ông đã ném mất rồi.

Không biết ông có thoát ra được chăng. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Ngàn điều thông lý, ngàn điều diệu
Một chỗ chẳng rành, một chỗ mê.(3)



CHÚ THÍCH:

1.
化 強 梁 改 邪 歸 正 — Hóa cường lương cải tà quy chính
談 至 理 因 死 得 生 — Đàm chí lý nhân tử đắc sinh.

2.
富 貴 由 來 水 上 漚 — Phú quý do lai thủy thượng âu
何 須 騎 鶴 上 揚 州 — Hà tu kỵ hạc thướng Dương Châu
蓮 池 有 個 收 心 法 — Liên trì hữu cá thu tâm pháp
靜 裏 暗 吟 七 筆 勾 — Tĩnh lý ám ngâm thất bút câu.

3.
千 般 通 理 千 般 妙 — Thiên ban thông lý thiên ban diệu
一 處 不 到 一 處 迷 — Nhất xứ bất đáo nhất xứ mê.