Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ hai mươi hai

Chia bồ đoàn, đại đạo không luyến mến
Hỏi tướng pháp, trước mặt nói người nghe.(1)

Có bài thơ rằng:

Làm thiện như leo trăm thước thang
Xuống thì rất dễ, lên gian nan
Chỉ nên gắng sức siêng công quả
Chớ để hãi hùng thở với than.(2)

Nói về Mã Đan Dương và Khưu Xứ Cơ tĩnh tọa trong miếu lạnh ở Tà Cốc, bị tuyết rơi phủ đầy cách trở với bên ngoài, nên không đi xin cơm chay được.

Khưu Xứ Cơ không biết Mã Đan Dương là người đắc đạo, cứ thương xót ông là bậc giàu có đi tu, làm sao mà chịu nổi đói rét, ước gì có chén cháo cho ông đỡ đói thì tốt quá. Thế là Khưu Xứ Cơ muốn tìm một nhà nào đó để xin cháo cho Mã Đan Dương.

Ông bước ra ngoài miếu, thấy mây giăng khắp núi, tuyết rơi đầy non. Đừng nói nhà cửa, đến như đường đi cũng không thấy vì tuyết lấp mất dấu, không biết bước chân xuống chỗ nào, nếu bước đại, e rằng sa hầm sụp hố. Lúc đó cháo không ăn được mà tính mạng e cũng không còn.

Ngó quanh quất xong, ông trở vào miếu ngồi xuống. Vì sợ Mã Đan Dương đói lạnh nên Khưu Xứ Cơ niệm tưởng tới việc ăn uống cơm cháo, làm nhiễu loạn thần khí, tâm tư bất an, ngồi tu không yên ổn. Trong một đêm ông bị ý nghĩ ăn uống quấy nhiễu mấy lần, khó dừng. Việc này làm kinh động Thổ Địa, nên ngài vội đến nhà ông cụ họ Trương trong thung lũng mà báo mộng.

Cụ Trương đang ngủ mơ màng, bỗng thấy một ông cụ tóc bạc đến nói: “Trong miếu ta có hai vị tu hành tạm trú vì tuyết rơi ngăn lối. Họ đói ba ngày ba đêm rồi. Ngươi mau mau nấu cơm đưa cho họ ăn khỏi đói nhé.”

Nói xong biến mất. Cụ Trương giật mình tỉnh dậy, kể cho vợ nghe về giấc mộng. Vợ cụ vốn tin tưởng thần thánh, nghe chồng kể vậy, vội vàng đi nhóm lửa nấu cơm. Bà gọi con dâu thức dậy cùng làm cơm, và kể giấc mộng của cụ Trương cho mọi người nghe. Ai nấy đều vui mừng. Một lúc sau cơm làm xong, trời vừa hửng sáng, cụ Trương sai con trai đem cơm tới miếu Thổ Địa mời hai ông đạo dùng.

Mã Đan Dương nghĩ là dân cư lân cận thấy hai người bị đói nên sinh lòng trắc ẩn, đem cơm cho ăn, nên ông cùng Khưu Xứ Cơ ngồi ăn. Ăn xong, hai ông nói cám ơn, rồi tĩnh tọa tiếp. Con trai cụ Trương thấy hai ông đạo ăn xong, liền thu dọn rồi trở về nhà.

Mã Đan Dương ngồi tới xế giờ Ngọ mới đứng dậy xả tịnh, bước ra ngoài miếu định xem thời tiết thế nào, thì chợt thấy đàng xa có bóng người đi tới. Sợ bị phiền nhiễu, ràng buộc, ông vội trở vào miếu.

Vừa ngồi xuống, ông thấy Khưu Xứ Cơ đứng dậy nói: “Xem ra người tu hành cũng có cảm ứng. Tối qua em sợ anh chịu đói lạnh không nổi nên nảy ý niệm làm sao có cháo có cơm cho anh ăn khỏi đói. Niệm khởi, thì hôm nay có người mang cơm tới cho ăn, chẳng phải là có cảm ứng sao?”

Mã Đan Dương biến sắc, giận nói: “Quân tử cầu đạo chứ không cầu miếng ăn.(3) Ngươi không nghĩ tới công phu tiến đạo, mà chỉ nghĩ tới miếng ăn miếng uống. Lẽ nào không nghe câu: Tâm quá khứ không nên giữ, tâm hiện tại không nên có, tâm vị lai không nên khởi? (4) Nay ngươi ba tâm chưa dứt, một niệm chẳng thuần, sao ngộ đạo cho được? Nay ta không đồng hành với ngươi nữa. Đường ai nấy đi cho rồi!”

Khưu Xứ Cơ nghe vậy, hối hận, biết mình khởi vọng niệm, nên lựa lời xin lỗi Mã Đan Dương. Hai người đang trò chuyện, bỗng bên ngoài miếu có người tới đốn cây về nhà làm củi đốt. Mã Đan Dương thấy người đó cầm con dao chặt củi, nên hỏi mượn con dao. Người đó không biết ông mượn làm gì, nhưng vẫn đưa cho mượn. Mã Đan Dương cầm dao cắt cái bồ đoàn làm đôi, rồi trả dao lại người đó.

Mã Đan Dương nói với Khưu Xứ Cơ rằng:

Bồ đoàn này chia đôi
Một mảnh cho một người
Ai nấy tự luyện thôi
Chớ sớm siêng chiều lười
Mà tiền trình sai lỡ.

Nói xong, ông cuốn gói đi liền. Khưu Xứ Cơ không chịu chia tay, nên chạy theo. Người đốn củi thấy vậy hỏi: “Thầy chạy đi đâu?”

Khưu Xứ Cơ đáp: “Tôi chạy theo anh tôi.”

Người đốn củi ngó bốn hướng, không thấy bóng người, hỏi: “Anh của thầy đi lối nào sao tôi không thấy bóng?”

Khưu Xứ Cơ lấy tay chỉ: “Ảnh đi lối này.”

Người đó nói: “Lối này vài chục dặm không có nhà ai hết. Bây giờ trời gần tối rồi, đi thì lấy chỗ đâu mà nghỉ đêm? Chi bằng thầy nghe tôi, nghỉ tạm ở miếu đêm nay, sáng mai đi tìm cũng không muộn.”

Khưu Xứ Cơ nói: “Ông làm ơn gọi giùm, biết đâu anh tôi nghe mà chịu trở lại.”

Người đốn củi leo lên cây gọi lớn: “Đạo trưởng mau về đây! Đi không được đâu!”

Gọi hơn mười lần mà không nghe tiếng trả lời, người đó bèn leo xuống, gom củi vác về nhà.

Nguyên lai Mã Đan Dương đạo quả đã thành, nên chia tay để Khưu Xứ Cơ dễ tu luyện. Nếu đi chung đường thì làm lỡ tiền trình của ông Khưu. Hôm đó Mã Đan Dương rời khỏi miếu, độn thổ đi tới Hà Nam, vào núi Tung Sơn tĩnh dưỡng.

Năm Gia Thái (đời vua Tống Ninh Tông), ông phi thăng ngày hai mươi bảy tháng Chạp năm Giáp Tý (1204), để lại cho đời quyển Tu Chân Ngữ Lục.

Trong Thất Chân, sáu người đã thành đạo, riêng Khưu Xứ Cơ thì chưa thành. Từ khi chia tay với Mã Đan Dương, ông chuyên cần tu luyện, lập vài lời thệ nguyện, làm thành bài thơ Trừ Vọng Niệm như sau:

Vọng niệm nảy sinh không thể ngăn
Khát thì nhớ uống, đói thèm ăn
Nay bao niệm quấy xin cùng dứt
Lòng quấy khi xưa nguyện sửa dần
Hễ quấy tham tiền: gân cốt đứt
Quấy ham ăn uống: miệng lở loang
Bao nhiêu niệm quấy đều tiêu tán
Trống rỗng thân này chẳng chứa mang.(5)

Làm được bài thơ ông mừng lắm, thực hành được hơn tháng, cũng không tránh khỏi đôi lần sai sót, nên ông đến một tiệm thợ mộc, xin miếng gỗ, làm tấm thẻ nhỏ, rồi mượn bút mực viết lên tám câu thơ:

Niệm quấy muốn trừ, mãi chửa thành
Nay trên tấm gỗ viết rành rành
Vọng ngôn quấy ngữ đều trừ hết
Vọng tưởng quấy tham quét sạch sanh
Nhận quấy bạc tiền: tay đứt đoạn
Miệng ham ăn uống: loét không lành
Bên mình mọi việc luôn xem xét
Sáu dục bảy tình khỏi phát sanh.(6)

Khưu Xứ Cơ đeo tấm thẻ gỗ bên mình, mỗi ngày xem hai lần. Niệm quấy trừ được một phân thì công phu sâu một bước. Công phu diệt trừ niệm quấy dần dần luyện được thuần thục, không còn trở ngại nữa.

Ngày nọ ông đến Hà Đông, thấy ven đường có một tòa nhà khang trang, cửa rộng mở. Lúc đó nhằm giờ Ngọ, ông liền đến xin cơm chay. Thấy có một đứa ở đi ra, ông nói: “Tôi từ xa đến, xin chủ nhà một bữa chay.”

Đứa ở nghe vậy trở vào, một lát mang ra một dĩa bánh hấp, đặt trên cái đôn đá trước nhà, mời ông ăn. Ông đang định ăn thì có một ông già ngoài năm mươi tuổi, tóc hoa râm, bước ra ngắm ông một cái, rồi lấy hai cái bánh trong dĩa đưa Khưu Xứ Cơ, còn bao nhiêu thì bảo đứa ở mang vào nhà.

Khưu Xứ Cơ thấy vậy, lòng không vui, nói với ông ta rằng: “Em nhỏ đem thức ăn cho bần đạo để tạo duyên lành, cớ sao ông bảo nó mang bớt vào? Chẳng hay ông tiếc của hay là bần đạo không đáng hưởng? Xin ông nói cho rõ, chớ ngại.”

Ông già cười nói: “Một bữa ăn lẽ nào tôi không làm phước được, có điều đạo trưởng không có phước mà hưởng thôi.”

Khưu Xứ Cơ kinh ngạc nói: “Một bữa ăn mà không có phước hưởng hết, bên trong ắt có duyên cớ gì. Xin ông chỉ giáo giùm!”

Ông già nói: “Tôi từ nhỏ đã tinh thông phép xem tướng Ma Y, nhiều năm từng trải giang hồ, đoán cho người ta vận mạng sang hèn, thọ yểu, vinh nhục, cùng thông, được mất, v.v… không hề sai chạy. Người đời gán tôi danh hiệu Tái Ma Y (sánh bằng Ma Y). Hồi nãy tôi xem tướng đạo trưởng, thấy tướng này ăn không no được. Hễ ăn no một bữa thì phải bị đói mấy bữa. Chẳng bằng ăn ít một chút mà luôn có ăn. Đó là ý tốt của tôi, chứ tôi chẳng tiếc bữa ăn với đạo trưởng.”

Khưu Xứ Cơ nói: “Ông đoán chỗ bại của tôi chẳng sai chút nào. Xin ông xem lại lần nữa, tướng tôi tu hành có thành đạo hay không.”

Tái Ma Y xem tướng lại, nói: “Không được rồi! Đừng trách tôi nói thẳng. Xem tướng đạo trưởng thấy hai bên đầu mũi có hai nếp nhăn chạy vào miệng, sách gọi là đằng xà tỏa khẩu (rắn bay khóa miệng), ứng vào thế chết đói. Các bộ vị khác tuy đẹp, nhưng rốt cuộc không tránh được tai ách. Tai ách này không tránh được thì sao thành đạo được?”

Khưu Xứ Cơ hỏi: “Tướng mệnh có thể sửa đổi được không?”

Tái Ma Y nói:

“Cái tướng đã định vậy thì suốt đời như vậy. Làm sao sửa đổi được? Chừng nào chết thì thôi. Cho dù ông phú quý sang hèn, cho dù ông tại gia hay xuất gia tu hành, cái số phải chết đói thì cuối cùng phải chết đói thôi, chạy trốn không thoát, vô phương giải mở được. Để tôi kể chuyện xưa tích cũ cho đạo trưởng nghe.

Vua nước Triệu thời Liệt Quốc là Triệu Vũ Linh Vương (7) có tướng chết đói. Ổng là vua một nước, tại sao lại chết đói? Bởi vì ổng có hai con trai tranh ngôi vua, dấy quân đánh nhau. Sợ ổng có lòng thiên vị con thương con ghét, nên lũ con nhốt ông trong cung, khóa cửa lại, rồi sai lính canh giữ cửa. Hai phe đánh nhau liền mấy tháng. Trong cung hết lương thực, người trong cung chết đói. Còn Vũ Linh Vương đói khát bảy ngày, thấy trước cung có cái cây to, trên cây có tổ chim sẻ, nên muốn leo lên bắt chim con ăn. Có cái thang dài dựng bên cây, ông leo lên. Nào ngờ chim đã lớn, bay đi hết, trong tổ chỉ còn một quả trứng. Ông cầm quả trứng định ăn, bỗng con chim mẹ bay về, đập cánh. Vũ Linh Vương giật mình làm rơi quả trứng xuống đất. Cái tướng chết đói, đến nỗi một quả trứng chim sẻ cũng ăn không được.

Đời Hán Thành Đế (8) có một vị quan tên là Đặng Thông. Thầy tướng nói ông có số chết đói. Ngày nọ, ông tâu Thành Đế rằng: ‘Thần là Đặng Thông, làm quan thanh liêm, nhà không dư dật. Thầy tướng nói thần có tướng chết đói. Thần thấy gia cảnh đạm bạc như vậy, sợ về sau chết đói thiệt.’ Vua nói: ‘Trẫm có thể làm cho người giàu sang, cũng có thể làm họ sống hay chết. Lời thầy tướng sao đủ làm bằng chứng? Trẫm ban cho khanh núi đồng ở Vân Nam, để đúc tiền xài. Đúc một năm được hơn mười vạn tiền đồng, trong mười năm gia tài của khanh trăm vạn, thì làm sao chết đói cho được?’ Đặng Thông nghe vậy, nghĩ là có thể khỏi bị chết đói rồi. Nào ngờ ít lâu sau thì Thành Đế mất, thái tử lên kế vị. Bá quan văn võ tâu cáo vua mới rằng: ‘Đặng Thông lừa tiên vương để vinh thân phì gia, lấy núi đồng là tài sản quốc gia làm của riêng, tự đúc tiền xài, tội này rất lớn.’ Vua mới lên ngôi đọc tờ cáo trạng liền nổi giận, sai quan Bộ Hình tịch thu tài sản Đặng Thông, nghĩ ông là cựu thần của tiên đế nên tha không giết, mà giam vào ngục. Các quan lại tâu cáo thêm không cho ông ăn uống. Ông bị đói bảy tám ngày, lúc hấp hối thèm một ngụm nước. Lính coi ngục thương xót, đưa nước ông uống. Nhưng quan coi ngục thấy được, liền nạt lớn, tên lính giật mình trợt chân làm đổ nước xuống đất. Đúng là số chết đói chết khát, một ngụm nước uống cũng không được.

Hai người mà tôi kể phú quý tột bực, cuối cùng cũng chết đói. Tướng pháp đâu nói sai! Cho nên hai ông Bá Di và Thúc Tề biết số mệnh, tự nguyện chết ở chân núi Thủ Dương.(9) Lương Vũ Đế và vua Hậu Tần là Phù Kiên không biết số mệnh, nên Lương Vũ Đế chết đói ở Đài Thành,(10) còn Phù Kiên chết đói ở núi Ngũ Tướng.(11) Biết số mệnh hay không biết số mệnh, cái số chết đói thì cuối cùng phải chết đói, không cách nào chạy thoát.”

Khưu Xứ Cơ nghe Tái Ma Y kể chuyện người xưa xong thì kinh hãi, nhiệt tâm hóa thành tro lạnh, lòng tu hành chán nản như ngói sụt băng tan. Ông từ biệt Tái Ma Y, rồi không tiếp tục đi tới, mà trở về Tây Tần, lòng muốn học hai người hiền là Bá Di và Thúc Tề: biết mệnh, thuận theo Trời.

Ngày nọ ông tới đất Tần, gặp khe núi. Hai bên là núi cao, giữa là khe nước sâu. Hai bờ khe có đá tảng ngổn ngang. Con đường nhỏ hẹp, khe núi ít người qua lại. Ông nằm trên một tảng đá lớn, chịu đói bảy ngày bảy đêm, một ngụm nước cũng không uống, an tâm chết đói. Bởi vì ông là người tu hành, thần khí sung mãn, nên không chết, chứ người bình thường thì đã sớm ra ma rồi.

Đói đến ngày thứ chín, không biết mưa ở đâu ào ào, nước dâng đầy khe thành con sông lớn, ngập gần bên mình. Ông thật là người muốn chết, muốn an mệnh thuận theo Trời, để chứng nghiệm phép xem tướng người, chứ chẳng chịu tìm đường khác mà chết, nên có chút chần chờ. Nếu không an mệnh thì ông nhảy xuống nước chết rồi, chần chờ chi cho bị nhiều khốn khổ. Người xưa nói một là một, hai là hai. Không lấy chuyện sống chết để dời đổi tâm niệm, nên xứng danh thuần lương vậy.

Khưu Xứ Cơ nằm trên tảng đá, một trái đào to bằng nắm tay, trôi theo nước bồng bềnh trước mặt ông, mùi thơm của nó xông vào mũi ông. Khưu Xứ Cơ vốn không muốn ăn, nghĩ đến Vũ Linh Vương gần chết mà có quả trứng chim sẻ cũng không ăn được, và nghĩ đến Đặng Thông gần chết mà một ngụm nước cũng không uống được. Ta nay cũng sắp chết, chẳng biết trái đào này có ăn được không?

Chẳng biết Khưu Xứ Cơ có ăn được trái đào đó không. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Mạng chưa phải chết nên được cứu
Trời thưởng đào tươi tới miệng mình.(12)


CHÚ THÍCH:

1.
分蒲團大道不戀情 — Phân bồ đoàn đại đạo bất luyến tình
問相法當面把人量 — Vấn tướng pháp đương diện bả nhân lượng.

2.
作 善 如 登 百 尺 竿 — Tác thiện như đăng bách xích can
下 時 容 易 上 時 難 — Há thời dung dị thướng thời nan
只 須 勤 力 行 功 果 — Chỉ tu cần lực hành công quả
莫 使 身 中 膽 氣 寒 — Mạc sử thân trung đảm khí hàn.

3. Luận Ngữ (Vệ Linh Công, 32): 君 子 謀 道 不 謀 食. Quân tử mưu đạo bất mưu thực.

4. 過 去 心 不 可 存, 現 在 心 不 可 有, 未 來 心 不 可 起. Quá khứ tâm bất khả tồn, hiện tại tâm bất khả hữu, vị lai tâm bất khả khởi. Đạo gia có câu tương tự: Việc đã qua đừng truy cứu nữa, chuyện mai sau đừng đón trước mà nghĩ ngợi; việc hiện tại đừng lưu lại làm kỷ niệm. 已 往 事 勿 追 思, 未 來 事 勿 迎 想, 現 在 事 勿 留 念. Dĩ vãng sự vật truy tư, vị lai sự vật nghinh tưởng, hiện tại sự vật lưu niệm.

5.
妄 念 萌 時 不 可 當 — Vọng niệm manh thời bất khả đang
飢 思 飯 食 渴 思 湯 — Cơ tư phạn thực, khát tư thang
今 將 妄 念 一 齊 了 — Kim tương vọng niệm nhất tề liễu
改 換 曩 時 舊 肚 腸 — Cải hoán nẵng thời cựu đỗ tràng
妄 得 人 財 筋 骨 斷 — Vọng đắc nhân tài cân cốt đoạn
妄 貪 人 食 口 生 瘡 — Vọng tham nhân thực khẩu sinh sang
般 般 妄 想 總 消 盡 — Ban ban vọng tưởng tổng tiêu tận
身 內 空 空 無 所 藏 — Thân nội không không vô sở tàng.

6.
妄 念 欲 除 除 不 清 — Vọng niệm dục trừ, trừ bất thanh
今 於 牌 上 寫 分 明 — Kim ư bài thượng tả phân minh
妄 言 妄 語 齊 除 盡 — Vọng ngôn vọng ngữ tề trừ tận
妄 想 妄 貪 俱 掃 平 — Vọng tưởng vọng tham câu tảo bình
妄 接 銀 錢 手 爪 斷 — Vọng tiếp ngân tiền thủ trảo đoạn
妄 貪 飯 食 口 生 疔 — Vọng tham phạn thực khẩu sinh đinh
時 時 檢 點 身 邊 事 — Thời thời kiểm điểm thân biên sự
莫 教 七 情 六 慾 生 — Mạc giáo thất tình lục dục sinh.

7. Triệu Vũ Linh Vương (tại vị 326-298 trước Công Nguyên), tức Triệu Ung, vua nước Triệu thời Chiến Quốc, sau khi chết, có tên thụy là Vũ Linh Vương.

8. Hán Thành Đế tức Lưu Ngao (tại vị 32-5 trước Công Nguyên), con trưởng của Hán Nguyên Đế (tại vị 48-31 trước Công Nguyên).

9. Bá Di và em là Thúc Tề là con vua Cô Trúc, chư hầu vua Trụ. Khi Chu Vũ Vương (tức Cơ Phát, tại vị 1134-1116 trước Công Nguyên) diệt vua Trụ, lập nhà Chu, hai anh em ông không ăn lúa nhà Chu, rồi trốn lên núi Thủ Dương, nhịn cả rau cỏ và chết tại đó.

10. Lương Vũ Đế tức Tiêu Diễn, tại vị 502-549. Phản thần Hầu Cảnh đánh kinh thành Kiến Khang, Vũ Đế bỏ chạy vào Đài Thành, bị Hầu Cảnh bao vây tới chết đói.

11. Phù Kiên tại vị 357-385. Năm 385, Phù Kiên bị vua Tây Yên Mộ Dung Vĩnh đánh, phải bỏ Trường An, lánh nạn ở núi Ngũ Tướng.

12.
命 不 該 死 終 有 救 — Mệnh bất cai tử chung hữu cứu
天 賜 鮮 桃 口 邊 來 — Thiên tứ tiên đào khẩu biên lai.