Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ hai mươi mốt

Tôn Bất Nhị nơi Lạc Dương hóa phép,
Mã Đan Dương tại Quan Tây gặp người.(1)

Có bài thơ rằng:

Chớ cho Sáu Giặc (2) phá huyền công
Hình sắc, sắc hình cả thảy không
Ngộ được xưa nay không một vật
Linh đài chỉ tại tấm lòng trung.(3)

Nói về bà Tôn Bất Nhị biến hóa hai nhánh cây thành một người nữ giống hệt bà và một người nam, mỗi ngày trên phố xá ôm vai bá cổ, mắng cũng không đi, đánh cũng không lùi, làm cách chi cũng không giận. Mọi người bèn bàn bạc, tìm cách bắt lấy hai kẻ này. Họ làm một tờ đơn đem đi trình báo quan huyện rằng:

“Toàn thể các hộ dân trong thành Lạc Dương kính xin quan trên chỉnh đốn phong hóa, làm nghiêm túc sự việc trên phố phường.

Mấy năm trước, có một bà điên từ phương xa tới, nương thân trong một cái lò ngói hư nát ở ngoại thành. Chúng tôi thấy bà ta bệnh tật đói khổ, không nỡ đuổi đi, thường cho đồ ăn thức uống để bà ta sống qua ngày.

Nay bà điên cùng với một người nam mỗi ngày cặp kè giỡn hớt trên đường phố, nhiều lần chúng tôi đuổi mà không đi, thật chẳng ra thể thống gì.

Lạc Dương là chốn thị tứ đông đúc, là chỗ xung yếu nam bắc, sao làm ngơ chuyện nhơ nhuốc này, làm trò cười cho người ngoài? Kính mong quan trên làm chủ, cho giết hai kẻ yêu nam yêu nữ này.”

Quan huyện Lạc Dương xem đơn xong, suy nghĩ hồi lâu, rồi cầm bút phê: “Kẻ gọi là bà điên này, nếu mê muội mất bản tính, không hiểu việc đời mà gây chuyện, thì còn có thể không trách phạt. Nay theo tờ bẩm này, thì mụ ta bản tính chưa mê, mà giả bộ điên thôi. Nam nữ cùng chơi, vi phạm lễ giáo, ôm vai bá cổ, bại hoại phong hóa. Giữa ban ngày còn dám làm chuyện ấy, thì ban đêm chẳng biết thế nào. Đường phố chẳng phải là nơi hành lạc, lò ngói nào phải là chốn dâm ô. Đuổi mà chúng không đi, ắt phải giết chết, cho diệt hình tích. Chờ chúng về sào huyệt, chất củi đốt cho dứt tuyệt hạng người này.”

Quan huyện phê xong, sai bọn nha dịch truyền lệnh ra. Dân chúng nhận được lệnh, mỗi người ôm một bó củi khô, tiến về lò ngói hư nát của bà điên ở.

Họ đang đi thì thấy bà điên nắm tay một người nam tung tăng chạy vào lò ngói. Mọi người hô lớn hè nhau chất củi xung quanh lò ngói đốt. Trong khoảnh khắc, lò ngói hư nát biến thành một núi củi khô.

Họ châm lửa đốt, lửa cháy phừng phừng, khói bay mù mịt. Bỗng có cụm khói dày đặc từ ống khói lò ngói bay lên, hóa thành áng mây lành năm sắc, trên có ba người ngồi. Vị ngồi giữa chính là bà điên làm náo loạn phố phường. Bà nói với dân chúng rằng: “Ta là kẻ tu hành, nhà ở Sơn Đông, tên là Tôn Bất Nhị, giả bộ điên khùng để ẩn hình, tu luyện tại đây được mười hai năm. Nay đại công thành tựu, muốn mượn ngọn lửa của các ngươi để phi thăng. Ta lấy hai nhánh cây hóa ra một nam một nữ, để dẫn các ngươi tới đây. Nay nhờ công các ngươi đưa tiễn, ta nguyện bảo vệ địa phương này được an ninh. Đôi nam nữ này, ta tặng cho các ngươi làm chứng cứ.”

Nói xong, bà xô hai người ngồi hai bên xuống. Mọi người chạy xúm lại đưa tay đỡ, thì ra là hai nhánh cây, ai nấy đều cười ồ.

Ngó lên thì họ thấy bà bay lên cao, nhập vào mây, thân hình nhỏ dần, chớp mắt chỉ thấy nhỏ như hình ảnh một con hạc bay vút lên, rồi nhỏ như hạt đậu và biến mất. Mọi người vọng lên thinh không vái lạy.

Quả nhiên liên tiếp mấy năm, Lạc Dương mưa thuận gió hòa, dân chúng sung túc. Cảm ơn thịnh đức của bà, họ lập một cái đền thờ tên là Tam Tiên Từ (đền thờ ba vị tiên). Hễ ai đến cầu xin, đều được linh ứng.

Nói về bà Tôn Bất Nhị về đến huyện Ninh Hải, tỉnh Sơn Đông, vừa tới nhà gặp Mã Hưng chạy ra đón. Bà đi thẳng vào tiền sảnh. Mã Hưng liền báo cho Mã viên ngoại hay. Mã Đan Dương lật đật đi ra thấy bà, mừng rỡ nói: “Tôn đạo hữu lâu nay cực khổ quá!”

Bà đáp: “Sư huynh sao lại nói cực khổ? Cực khổ là để khảo chứng sự tu hành của chúng ta. Chịu khổ không được, thì tu hành sao nổi?”

Đang nói chuyện thì bọn tôi tớ ra chào hỏi. Bà dùng lời hay lẽ phải an ủi chúng. Đêm đó bà cùng tĩnh tọa với Mã Đan Dương. Một đêm ông ngồi phải xả tịnh mấy lần. Còn bà thì ngồi yên tới sáng.

Mã Đan Dương nói: “Tôi thấy đạo hữu công phu khá hơn tôi nhiều!”

Bà nói: “Chẳng phải công phu hơn mà thôi, sự huyền diệu còn hơn mười phần.”

Ông nói: “Đạo hữu chớ xem thường, tôi biết chỉ đá hóa bạc rồi.”

Bà nói:

“Sư huynh biết chỉ đá hóa bạc, còn tôi biết chỉ đá hóa vàng. Nhưng có vàng bạc cũng không thoát khỏi sinh tử, chẳng thành thần tiên, thì vàng bạc ấy cũng vô dụng thôi!

Ngày xưa Thuần Dương Lã Tổ theo học đạo với Chung Ly Lão Tổ. Chung Tổ lấy cái túi vải đựng một vật nặng vài chục cân, bảo Lã Tổ vác đi ba năm, hai vai chai sần, mà Lã Tổ chẳng oán than một lời.

Ngày nọ, Chung Tổ bảo Lã Tổ mở túi ra xem. Mở ra thì thấy là đá. Lã Tổ cũng không buồn giận. Chung Tổ nói: ‘Tuy là đá, nhưng có thể điểm hóa thành vàng, chẳng uổng công ngươi khuân vác ba năm.’

Nói xong, ngài điểm một cái, thì đá biến thành vàng. Ngài nói: ‘Ta dạy ngươi phép chỉ đá hóa vàng này nhé?’

Lã Tổ hỏi: ‘Chỉ đá hóa vàng, có thể giữ cho nó thành vàng mãi được không?’

Chung Tổ nói: ‘Vàng thật và vàng do đá hóa thành thì khác nhau. Vàng thật thì trước sau như một. Vàng do đá hóa thành thì sau năm trăm năm sẽ trở lại là đá.’

Lã Tổ nói: ‘Vậy thì đệ tử không học. Thuật đó mang lợi trước năm trăm năm, mà để lại cái hại sau năm trăm năm, khiến người sau bị lầm. Vậy đệ tử không học.’

Chung Tổ nói: ‘Quan niệm về đạo của ngươi, ta không sánh bằng. Ngươi sẽ chứng quả trên ta.’

Sư huynh lấy đó mà luận, cái diệu thuật chỉ đá hóa vàng này chỉ làm hại cho đời sau, chứ đối với đạo nó có ích chi đâu?”

Mã Đan Dương nghe xong, làm thinh.

Ngày nọ, Tôn Bất Nhị nấu một chảo nước sôi, đổ vô thùng xách vào phòng tắm, đổ vào bồn. Rồi mời Mã Đan Dương đi tắm. Bấy giờ là tháng tám, trời nóng nực, chỉ thấy hơi nước sôi bốc lên nghi ngút, Mã Đan Dương lấy tay thử nước, liền la lớn: “Nóng quá, không tắm được!”

Tôn Bất Nhị cười nói: “Sư huynh tu luyện nhiều năm, mà một chút công phu cũng không có sao? Chờ tôi tắm đây.”

Nói xong, Tôn Bất Nhị cởi áo vào tắm, hơi nước nghi ngút mà bà không nói nóng chút nào. Tắm xong, mặc áo bước ra.

Mã Đan Dương nói: “Đạo hữu với tôi cùng học một thầy, công phu cũng y vậy, mà sao đạo thuật của đạo hữu lại giỏi hơn tôi?”

Tôn Bất Nhị nói: “Thầy truyền thì như nhau, mà trò luyện thì khác nhau. Tôi ở Lạc Dương khổ luyện mười hai năm, mới đạt được huyền diệu. Sư huynh ở nhà nhàn hạ, giữ mấy căn nhà, một bước không rời, không chịu khổ tu, sợ không rời hang ổ, thì làm sao mà có được diệu dụng?”

Mã Đan Dương nói: “Sau khi thầy vũ hóa (4) đăng tiên rồi, không ai gìn giữ gia trang, nên tôi không đi xa. Nay đạo hữu về nhà. Tôi có thể phó thác công việc cho. Tôi cũng muốn đi ra ngoài luyện đạo lắm.”

Đêm đó ông thay đổi áo đạo, soạn hành lý, trời chưa kịp sáng, mọi người trong nhà còn ngủ, ông lẻn rời khỏi gia trang, chẳng ai hay biết.

Tôn Bất Nhị thấy ông đi ra khỏi nhà rồi, lần này ông đi chắc là thành đạo, vậy giữ nhiều tài sản tiền bạc làm chi. Bà mới dùng tiền bạc để sửa cầu, làm đường đi, giúp đỡ những gia đình nghèo khổ. Rồi bà xin con của Mã Minh về làm con nuôi để nối tiếp tông chi của Mã Ngọc. Việc nhà ổn thỏa, bà vào núi Ngọc Nữ thuộc rặng Thái Sơn, tu dưỡng vài năm nữa. Đến ngày mười chín tháng hai, bà phi thăng.

Nói về Mã Đan Dương rời khỏi huyện Ninh Hải thì không biết đi đâu mới tốt, bỗng nhớ mộ phần của thầy ở Thiểm Tây, sao không tới đó viếng thăm một chuyến. Ý đã định vậy, ông liền đi Thiểm Tây.

Ngày nọ ông tới Trường An. Từ một thôn xa xa trước mặt có một đạo hữu đi ra, trông rất giống Khưu Xứ Cơ mà không chắc có đúng không. Ông gọi lớn: “Khưu đạo hữu ơi!”

Người ấy nghe tiếng gọi, chạy như bay lại Mã Đan Dương. Đúng là Khưu Xứ Cơ. Hai người vui mừng lắm và ngồi ven đường nói chuyện.

Mã Đan Dương hỏi: “Mấy năm nay em đi qua những nơi nào? Công phu tu luyện thế nào?”

Khưu Xứ Cơ đáp: “Mộ thầy ở đây, nên không đành lòng đi đâu hết. Công phu luyện tính không dám bỏ.”

Mã Đan Dương cười nói: “Thầy liễu đại đạo rồi chứ đâu phải chết? Nói là chết chẳng qua muốn dứt tuyệt cái ý vọng tưởng thành tiên của người đời sau, chứ có chết thật đâu. Luyện tính là nội công, còn đức hạnh là ngoại công. Thầy thường nói nội ngoại đều phải song tu, thì mới gọi là huyền diệu. Nay em tự nói chưa dám bỏ, thiệt lầm quá.”

Khưu Xứ Cơ nghe xong bỗng đại ngộ, cám ơn Mã Đan Dương rằng: “Bấy lâu nay ngu tối, nay nghe lời anh khai ngộ, thật là may mắn cho em quá!”

Nói rồi kể cho Mã Đan Dương nghe chuyện đưa linh cữu thầy về Thiểm Tây thế nào, v.v.

Mã Đan Dương nói: “Thầy thường nói rằng em không thao quang hối tích (che bớt ánh sáng, làm mờ dấu tích) được, mà hay khoe tài xảo, nên thành đạo chậm sau sáu người. Nay em phải giữ giới, tự xét bản thân, giấu trí xảo, làm chất phác, thì anh lấy đạo thầy truyền cho anh, đem truyền lại hết cho em.”

Khưu Xứ Cơ nghe, vui mừng tạ ơn, rồi dẫn Mã Đan Dương về thôn Đại Ngụy viếng miếu thờ thầy. Sau đó đến chân núi Chung Nam thăm mộ phần của thầy. Xong thì hai người cùng đi Kinh Tương. Khưu Xứ Cơ tự hối lỗi, che giấu hình tích, không khoe tài xảo nữa. Mã Đan Dương quả nhiên truyền huyền cơ diệu đạo lại cho. Khưu Xứ Cơ tu học diệu đạo, không dám bê trễ.

Mã Đan Dương thấy đất Sở phong quang phồn hoa chẳng bằng Thiểm Tây chất phác, bèn cùng Khưu Xứ Cơ từ Tương Hà đi tới Tà Cốc.

Hôm đó trời đổ tuyết lớn. Hai người kẹt trong miễu lạnh, cùng dùng chung một cái bồ đoàn mà tĩnh tọa. Sở dĩ dùng chung một cái bồ đoàn, vì hồi Khưu Xứ Cơ đến Mã gia trang học đạo, chẳng mang theo vật gì. Rồi khi cùng thầy đi Giang Nam, Khưu Xứ Cơ được Mã Đan Dương cho mấy vật tùy thân, quần áo, bồ đoàn, v.v… Rồi lúc đưa linh cữu thầy về Thiểm Tây, Khưu Xứ Cơ cũng mang mấy món đồ đó theo, trải mấy năm, bồ đoàn thì chưa hư, còn mấy món quần áo thì rách hết.

Về phần Mã Đan Dương, hồi ở nhà thì ngồi nệm bông tĩnh tọa nên không dùng bồ đoàn. Đến lúc rời Mã gia trang thì vội vàng, chỉ mang theo mấy bộ quần áo và vài lạng bạc. Đến khi gặp lại Khưu Xứ Cơ, mấy lạng bạc cũng xài hết, nên dựa vào Khưu Xứ Cơ xin ăn qua ngày. Một người xin ăn cho hai người nên không dư tiền mua bồ đoàn. Do đó hai người ngồi chung một cái bồ đoàn, khi tĩnh tọa thì ngồi đâu lưng lại. Người tu hành vốn không cầu an nhàn chỉ muốn có thể thành đạo mà thôi.

Nói về Mã Đan Dương và Khưu Xứ Cơ ngồi tu trong miếu lạnh, đêm đó trời đổ tuyết lớn, tuyết rơi ngoài sân dày ba thước.(5) Tà Cốc ở trong núi, cách xa nhà dân, không tìm xin cơm được, hai người chịu đói ba ngày ba đêm.

Khưu Xứ Cơ bỗng nảy sinh vọng niệm. Không biết vọng niệm thế nào. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Đói lạnh bức bách khó nói khổ
Sao không cho người niệm quấy sinh.(6)



CHÚ THÍCH:

1.
孫不二洛陽顯道術 — Tôn Bất Nhị Lạc Dương hiển đạo thuật
馬丹陽關西遇友人 — Mã Đan Dương Quan Tây ngộ hữu nhân.

2. Sáu Giặc (Lục Tặc: sáu tên cướp): ám chỉ Lục Trần gồm sắc (hình tướng), thinh (âm thanh), hương (mùi), vị, xúc (tiếp xúc với da thịt), pháp (tư tưởng). Lục Căn (gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý nghĩ) gặp Lục Trần sinh ra Lục Dục (sáu ham muốn: mắt muốn nhìn đẹp, tai muốn nghe hay, mũi muốn ngửi thơm, lưỡi muốn nếm ngon, thân xác muốn sung sướng, ý nghĩ muốn vui). Chúng phá hoại tâm thanh tịnh giống như kẻ cướp xông vào nhà quấy nhiễu.

3.
休 教 六 賊 日 相 攻 — Hưu giao Lục Tặc nhật tương công
色 色 形 形 總 是 空 — Sắc sắc hình hình tổng thị không
悟 得 本 來 無 一 物 — Ngộ đắc bản lai vô nhất vật
靈 台 只 在 此 心 中 — Linh đài chỉ tại thử tâm trung

4. Vũ hóa: Đạo sĩ và người tu tiên được gọi là vũ y, khi thành tiên gọi là vũ hóa.

5. Xích (thước Tàu), dài khoảng 0,3 mét.

6.
飢 寒 逼 迫 難 言 苦 — Cơ hàn bức bách nan ngôn khổ
怎 不 教 人 妄 念 生 — Chẩm bất giao nhân vọng niệm sinh.