Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ hai mươi

Luyện sắc tướng, phấn son lẫn dấu
Nói lời mầu, lòng đạo thuần chân.(1)

Có bài thơ rằng:

Thấy đẹp như không, chẳng động tâm
Công phu tới đó, tự nhiên thâm
Có người học được chân không pháp
Rồng cọp xưa nay rống lại ngâm.(2)

Nói về Hác Đại Thông là người đắc đạo rồi, làm sao khiến cho ông rơi chết được. Khi tên học trò bất lương chặt dây thừng là ông thoát khỏi xác phàm liền. Nay chẳng qua ông hiển đạo một chút, để cho đời sau hiểu rằng người phàm có thể tu học trở thành thần tiên. Tên học trò thấy ông nhảy xuống vách đá sâu, lòng rất kinh hãi. Nó chờ vài ngày không thấy gì, bèn bỏ đi.

Nói về Lưu Xứ Huyền, chia tay các bạn đạo xong, quyết tâm đi luyện trừ sắc tướng. Nghe đồn Hàng Châu và Tô Châu có nhiều gái đẹp, ông bèn tìm tới hai nơi đó. Ông nhặt mấy cục đá, điểm ngón tay vào biến thành vàng bạc, rồi mua vài bộ quần áo tơ lụa mặc thay đạo phục. Sau đó ông ung dung đi vào một nhà chứa.

Người chủ ra tiếp đón, hỏi họ tên. Lưu Xứ Huyền đáp: “Ta hiệu là Trường Sinh Tử, quê Yên Sơn, đi thu mua châu báu mà tới đây. Ta đi ra ngoài cũng lâu rồi, muốn tìm một em thật xinh đẹp để vui vẻ.”

Người chủ nghe nói ông là khách mua châu báu, biết thần tài bồ tát viếng thăm, liền mừng rỡ tươi cười, dẫn ông đến phòng của một cô nhan sắc tuyệt trần. Cô này tên Tự Ngọc, nổi tiếng trong làng bán phấn buôn hương, đàn ca múa hát đều giỏi, cũng biết làm thơ vẽ tranh, ngâm nga vài câu thơ, yêu kiều khả ái.

Tự Ngọc gặp Lưu Xứ Huyền thấy ông phong thái tiêu sái, nói năng ôn hòa, lại đứng đắn đàng hoàng, không chút bủn xỉn, hạng khách quý sao mà chẳng tiếp cho được? Thế là cô làm vẻ ôn nhu mười phần, yểu điệu trăm kiểu, liếc mắt đưa tình, õng ẹo đẩy đưa.

Lưu Xứ Huyền nhớ lời thầy dạy: “Dù Thái Sơn sụp đổ trước mặt cũng không kinh sợ. Chẳng phải là không có lý do kinh sợ, nhưng ta xem như không có núi sụp đổ trước mặt. Dù gái đẹp nhởn nhơ trước mặt cũng không động tâm. Chẳng phải là không có lý do động tâm, nhưng ta xem như không có gái đẹp nhởn nhơ trước mặt.” (3)

Lưu Xứ Huyền y theo lời thầy mà luyện, tâm trống không, ma chướng không thể nhập. Uổng phí công lao của Tự Ngọc, gợi tình trăm kiểu, khiêu khích ngàn chiêu, mà ông cứ tỉnh queo, chẳng hề động tâm.

Tâm là chủ của thân. Tâm không động thì thân phải tĩnh. Các ý niệm khác đều noi theo tâm mà nảy sinh, nếu tâm không động thì chúng cũng không dám động. Chỉ có mắt và tai là hai kẻ lắm chuyện. Thấy sắc đẹp nghe giọng hay, thì báo tin cho tâm biết.

Lưu Xứ Huyền giữ tâm cẩn thận, không cho tâm tin vào lời của tai và mắt, kẻo lầm việc lớn. Cái tâm này quả nhiên vâng lời, tỏ ra không hay không biết, y như em bé, chỉ vui giỡn chứ không biết tình ái mây mưa chi hết. Nằm chung giường, kê đầu chung gối, mà nghĩ chẳng khác gì nằm bên cạnh túi da hôi thối, chung gối với cái đầu lâu có tô điểm phấn son, chẳng chút chi hứng thú.

Nhưng màu xanh đỏ trước mắt khó tránh, tiếng lả lơi bên tai khó né. Vậy Lưu Xứ Huyền giữ gìn cẩn thận tai và mắt, dạy cho chúng phương pháp: thấy như không thấy, nghe như chẳng nghe. Hai tên tai và mắt này noi y theo phương pháp đó, giả mù giả điếc. Tuy cùng người đẹp nằm chung ngồi chung mà không biết nàng là người gì, có quý trọng gì.

Lưu Xứ Huyền luyện ba vị lão gia là tâm, tai, mắt, giữ gìn cho tốt. Ba vị này bảo vệ Lưu Xứ Huyền trong chỗ son phấn làng chơi mà tu đắc thành một vị Chân Tiên.

Bấy giờ chẳng câu nệ hình tích, ông thường vui giỡn với các cô buôn hương bán phấn. Các cô thấy ông vung tiền bạc thoải mái mà không ham chuyện xác thịt, nên ai cũng thích tới vui đùa trọn ngày với ông.

Ngày nọ có một cô đem hoa tặng Tự Ngọc, thấy Tự Ngọc và ông ngồi kề vai nhau, tiện tay cô ta lấy một đóa hoa cài lên đầu ông, rồi thay đổi áo của ông với áo của cô. Đang lúc cởi áo, bỗng nghe bên ngoài có tiếng đằng hắng lớn, rồi một vị sư người Ấn Độ bước vào, mặt đen râu ngắn, mắt to, mày thô, trán vồ, mũi cao, hình dung cổ quái. Mấy cô sợ quá, nép sau lưng Lưu Xứ Huyền, im thin thít, không dám hó hé gì.

Ông tăng này là ai vậy? Nguyên lai là Tổ Sư Đạt Ma ở phương Tây sang Nam Hải,(4) đi ngang qua Hàng Châu, thấy áng mây đỏ tía trên không, từ nhà chứa này bay lên, biết chắc là Chân Tiên giáng thế, nhưng cớ sao lưu lạc vào chỗ son phấn làng chơi này? Ý ông muốn tới điểm hóa và độ cho một phen. Đang lúc Đạt Ma bước vào thì thấy mấy cô gái đang cài hoa và cởi áo ông Lưu ra đùa giỡn. Chủ nhà chứa và mấy cô ở phòng bên cạnh nghe ồn liền chạy qua xem.

Lưu Xứ Huyền thấy Đạt Ma bước vào thì biết là dị nhân, lật đật đứng lên chào và mời khách ngồi. Lưu Xứ Huyền thấy ấm trà trên bàn đã nguội, nhất thời đun nước pha trà không kịp, bèn lấy ấm trà đặt trên bụng rồi vận công. Một hồi nước sôi hơi xông nghi ngút, ông liền pha trà, rót ra chén, hai tay cung kính mời Đạt Ma. Mấy cô thấy vậy, ngây người ra nhìn, cùng la lên là kỳ quái.

Lưu Xứ Huyền cười nói: “Đó là một điểm chân hỏa trong ngũ hành thôi, có chi mà kỳ quái! Ta còn có thể nướng bánh trên bụng nữa kìa.”

Mấy cô nghe nói không tin. Có cô chạy đi lấy bột, lấy nước, rồi nhồi trong chốc lát làm thành cái bánh to bằng miệng chén, xong đưa cho ông nướng.

Lưu Xứ Huyền đặt bánh lên bụng, trở bánh qua trái ba lần, trở bánh qua phải ba lần thì chín, rồi đưa cho mấy cô bẻ mỗi người ăn một miếng.

Đạt Ma vốn xem thế giới này là không, muôn việc đều không để tâm. Bình sinh chẳng muốn hơn người, ông có mười phần tu dưỡng, quảng đại từ bi. Nếu gặp người ham vui háo thắng, thấy Lưu Xứ Huyền trổ một hai phép như vậy, thì cũng trổ vài thuật tranh tài. Nhưng ông hoàn toàn không động tâm, chỉ nói: “Cái phép của ông rất hay, tôi rồi đây cũng học ông chơi!”

Nói xong, liền chắp tay từ biệt, khi ra đi đọc bốn câu rằng:

Đã biết đường đông lai
Về tây chớ để sai
Đừng cho chân tính muội
Bỏ xứ bởi mê say.(5)

Lưu Xứ Huyền đáp lại bốn câu:

Không không chẳng một vật
Một niệm há sai đâu
Ai chủ nhân thân nọ
Nhà ta hỏi xứ nào.(6)

Đạt Ma nghe bốn câu của Lưu Xứ Huyền, biết ông là người có tu hành nên chẳng nói nữa, rồi nhẹ bước ra đi.

Nói về Vương Xứ Nhất từ dạo nói chuyện với Lưu Xứ Huyền tại huyện Khổ, nhớ Lưu Xứ Huyền muốn đi Tô Châu và Hàng Châu để luyện sắc tướng. Từ biệt hơn một năm, sợ Lưu Xứ Huyền ở chỗ nhà chứa lâu ngày mà mất chân tính, nên Vương Xứ Nhất tìm đến Hàng Châu hỏi thăm, ý muốn khuyên Lưu Xứ Huyền sớm trở về núi rừng tu luyện.

Ngày nọ, Vương Xứ Nhất đến Hàng Châu, vào vài nhà chứa mà tìm không thấy Lưu Xứ Huyền. Đi ngang chỗ nọ, thấy hai cô mặt hoa da phấn đứng trước cửa, ông định bước lại hỏi thăm, thì hai cô cười hỏi: “Đạo trưởng đi tìm ông khách nướng bánh trên bụng phải không?”

Vương Xứ Nhất nghe là lạ, đoán rằng Lưu Xứ Huyền đang ở trong nhà chứa đó, bèn nói: “Đúng vậy! Ta đến gặp ổng.”

Một cô nói: “Muốn gặp ổng thì theo tôi!”

Nói rồi, dẫn Vương Xứ Nhất vào trong.

Vì sao hai cô biết Vương Xứ Nhất tìm Lưu Xứ Huyền? Bởi vì hôm qua hai cô thấy ông sư Ấn Độ mặc đạo phục, mang bình bát thăm ông khách kia. Hôm nay hai cô thấy Vương Xứ Nhất cũng mặc đạo phục, mang bình bát, thì đoán là tìm ông khách ấy. Các cô mời ông vào để mong xem thêm trò vui nữa.

Cô nọ dắt Vương Xứ Nhất tới cửa phòng thì nghe chủ nhà chứa gọi mình, bèn bỏ mặc Vương Xứ Nhất ở đó, rồi chạy đi.

Vương Xứ Nhất thấy cửa khép hờ, liền đẩy cửa bước vào, quả nhiên thấy Lưu Xứ Huyền đang nằm ngủ trên giường với một cô tuyệt đẹp.

Vương Xứ Nhất tức cười quá. Nhìn trên bàn thấy ống mồi lửa, ông liền cầm lấy, nhẹ nhàng hướng về mặt Lưu Xứ Huyền thổi một cái, tro bay tứ tung, tàn rơi trên mặt cô gái.

Cô bừng tỉnh, phất tay áo loạn xạ, miệng gào lớn: “Ai chơi lửa đốt người vậy?”

Lưu Xứ Huyền cười nói: “Ma đầu giỡn với ta đó!”

Vương Xứ Nhất cũng cười nói: “Ta giỡn với ma đầu đó!”

Lưu Xứ Huyền đáp:

Anh nói tôi ma thì tôi ma
Một ma có thể khỏi la cà
Anh nay chơi lửa thiêu gương mặt
Đây đó so nhau, ai lắm ma? (7)

Vương Xứ Nhất đang muốn nói chuyện với Lưu Xứ Huyền. Lưu Xứ Huyền nói: “Đi mau lên! Có người tại đất Sở đang đợi anh cùng lên bờ đạo.”

Vương Xứ Nhất hỏi: “Bao giờ anh đi?”

Lưu Xứ Huyền nói: “Chừng nào đi thì tôi đi, chẳng cần định hạn kỳ.”

Vương Xứ Nhất nghe vậy, chắp tay vái chào rồi rời nhà chứa, nhắm hướng đất Sở mà đi. Đang trên đường bỗng gặp Đàm Xứ Đoan, cùng bảo nhau: “Đi hoài đây đó vô ích quá, chi bằng tĩnh dưỡng có công hơn.”

Hai người bèn vào núi Vân Mộng tu luyện, được vài năm thì đắc thành chính quả.

Đàm Xứ Đoan (Đàm Trường Chân) viết quyển Vân Thủy Tập và phi thăng ngày mồng một tháng tư. Còn Vương Xứ Nhất (Vương Ngọc Dương) viết quyển Vân Quang Tập và phi thăng ngày hai mươi bốn tháng tư. Đó là việc về sau.

Nói về Lưu Xứ Huyền (Lưu Ngọc Dương) luyện dứt sắc tướng tại chốn làng chơi, bèn rời Tô Châu và Hàng Châu, trở về Đông Lỗ, vào núi tĩnh dưỡng. Năm Gia Thái thứ ba (tức 1203, đời vua Tống Ninh Tông), ông phi thăng ngày mồng tám tháng hai năm Quý Hợi, để lại quyển Chân Tu Tập.

Còn Hác Đại Thông (Hác Thái Cổ) tu luyện nhiều năm ở núi Thái Hoa, viết quyển Thái Cổ Tập, phi thăng ngày ba mươi tháng mười một năm Ất Sửu (1205).(8)

Trong Thất Chân, tới đây đã có bốn vị liễu đạo phi thăng là: Đàm Xứ Đoan, Vương Xứ Nhất, Lưu Xứ Huyền, và Hác Đại Thông. Còn ba vị đang tu luyện là: Khưu Xứ Cơ (Khưu Trường Xuân), Mã Ngọc (Mã Đan Dương), và Tôn Bất Nhị.

Nói về Tôn Bất Nhị khổ tu mười hai năm tại Lạc Dương, đại đạo viên thành, biến hóa vô cùng, biết Mã Đan Dương lo giữ nhà khó liễu đạo, ý muốn trở về nhà chỉ điểm cho ông. Rồi bà nghĩ rằng mình ở Lạc Dương lâu năm, ai cũng gọi mình là bà điên. Nếu không hiển đạo một chút, làm sao hóa độ được lòng người?

Nghĩ vậy, bà đi ra ngoài lò ngói, bẻ hai nhánh cây, thổi hai hơi chân khí, miệng nói “Biến!”, tức thì hai nhánh cây biến thành một người nữ giống hệt bà và một người nam, nắm tay nhau đi vào thành Lạc Dương.

Dân chúng trong thành thấy bà điên tay nắm tay một người đàn ông vô danh chạy qua lại trên đường phố, ôm eo bá cổ cặp kè, mắng cũng không đi, đánh cũng không lùi, làm cách chi cũng không giận. Lạc Dương này là nơi thị tứ lễ nghi, lẽ nào chấp nhận họ làm càn? Mọi người bèn bàn bạc, tìm cách bắt lấy hai kẻ này.

Chẳng biết có bắt được hai người đó không. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Từ xưa đường phố luôn yên ả
Há để gái trai rối loạn sao? (9)



CHÚ THÍCH:

1.
煉 色 相 煙 花 混 跡 — Luyện sắc tướng yên hoa hỗn tích
說 妙 語 道 念 純 真 — Thuyết diệu ngữ đạo niệm thuần chân.

2.
見 美 如 無 不 動 心 — Kiến mỹ như vô, bất động tâm
工 夫 到 此 自 然 深 — Công phu đáo thử tự nhiên thâm
有 人 學 得 真 空 法 — Hữu nhân học đắc chân không pháp
虎 嘯 龍 吟 邁 古 今 — Hổ khiếu long ngâm mại cổ câm.

3. Xem lại Hồi Thứ Mười Ba.

4. Ấn Độ ở về phía tây nam Trung Quốc.

5.
既 識 東 來 路 — Ký thức đông lai lộ
西 歸 勿 教 差 — Tây quy vật giáo sai
休 將 真 性 昧 — Hưu tương chân tính muội
久 戀 不 歸 家 — Cửu luyến bất quy gia.

6.
空 空 無 一 物 — Không không vô nhất vật
怎 得 念 頭 差 — Chẩm đắc niệm đầu sai
此 身 誰 作 主 — Thử thân thùy tác chủ
何 處 是 吾 家 — Hà xứ thị ngô gia.

7.
你 說 我 魔 我 便 魔 — Nễ thuyết ngã ma, ngã tiện ma
一 魔 可 以 免 蹉 跎 — Nhất ma khả dĩ miễn tha đà
你 今 弄 火 燒 人 面 — Nễ kim lộng hỏa thiêu nhân diện
彼 此 較 來 魔 孰 多 — Bỉ thử giảo lai ma thục đa.

8. Theo sử Toàn Chân Đạo, ngài liễu đạo năm Nhâm Thân (1212).

9.
自 古 街 道 宜 靜 雅 — Tự cổ nhai đạo nghi tĩnh nhã
豈 容 男 女 亂 胡 為 — Khởi dung nam nữ loạn hồ vi.