Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ mười chín

Luận huyền cơ, bốn câu hợp diệu đạo
Đục hốc đá, một người nhọc nhằn thân.(1)

Có bài thơ rằng:

Say đắm trầm luân đã mấy niên
Ngất trời dậy sóng nước sông duyên
Bờ cao lên được nhờ tu luyện
Sao đợi giữa sông mới kiếm thuyền.(2)

Nói về Lưu Xứ Huyền cùng Vương Xứ Nhất và Đàm Xứ Đoan đang đi, bỗng nghe phía sau có tiếng gọi, ba người quay lại nhìn thì thấy Hác Đại Thông. Anh em lâu ngày gặp lại rất vui mừng. Thế là bốn người đồng hành, đi tới huyện Khổ, là nơi Thái Thượng Đạo Tổ giáng sinh.

Tới nơi thấy có chín cái giếng xung quanh một cái đình tám góc. Cạnh đình có một cây lý. Nghe nói Đức Thái Thượng đã hạ sinh nơi gốc cây này. Bốn người vào trong đình, thấy có bia đá, chép sự tích ngài giáng sinh như sau:

“Thời vua Bàn Canh, nhà Thương đổi tên là nhà Ân. Năm thứ năm nhà Ân, nơi này có một người dân giỏi lý số, biết việc quá khứ vị lai, có công phu thanh tĩnh hàm dưỡng, trọn đời ẩn dật, không cần ai biết.

Người ấy có một cô con gái mười chín tuổi chưa chồng, tính hiền thục, thích u tĩnh, chẳng thích nói cười với ai. Ngày nọ cô đến dưới cây lý thấy một trái chín, bèn vói hái ăn, lần lần có thai. Gái không có chồng mà bỗng có thai nên bị tiếng đồn. Người cha xem kỹ lý số, biết có bậc đại thánh nhân giáng thế, nên nuôi con gái khéo lắm.

Thánh thai tự chọn ngày tháng năm giáng sinh, chọn được năm tốt thì không được tháng tốt, chọn được tháng tốt thì không được ngày tốt, chọn được ngày tốt thì không được giờ tốt. Chọn tới chọn lui hoài tới tám mươi mốt năm, bấy giờ thánh mẫu đã tròn trăm tuổi.

Từ lúc mang thánh thai, bà không đói không lạnh, không bệnh không hoạn. Năm đó ngày rằm tháng hai, bà tới gốc cây lý ngồi nghỉ ngơi. Đức Thái Thượng xé hông của mẹ mà ra.

Khi sinh ra tóc ngài bạc trắng, xuống đất biết đi liền, tiến bảy bước, lùi ba bước, miệng nói lớn ba lần: Thiên thượng địa hạ, duy Ngã độc tôn.(3)

Nói xong, lưng chừng trời nhạc tiên nổi lên vang lừng, gió thơm ngào ngạt. Ngọc Nữ rải hoa. Chín con rồng phun nước tắm cho ngài. Chỗ tắm hồi xưa, nay thành chín cái giếng.

Đức Thái Thượng thần trí tuyệt luân, không ai sánh bằng. Thánh đức như trời. Ngài chỉ vào cây lý, lấy chữ Lý làm họ. Vì sinh ra thì tóc đã bạc, nên người thời đó gọi ngài là Lão Tử.

Đó là sự tích ngài giáng sinh. Sự việc thần kỳ của ngài được chép trong kinh sử, trải bao khảo chứng, chẳng phải không có căn cứ vậy.”

Bốn người Lưu, Vương, Đàm, Hác xem xong, khen rằng: “Đạo phong của Đức Thái Thượng để lại làm khuôn mẫu thiên thu cho đời, vạn cổ ngợi khen, nhớ tưởng về ngài không ngớt. Anh em ta ngộ đạo lâu năm rồi. Huyền công áo diệu chưa biết ai hay ai dở, trước cảnh tiên này, ngại ngùng chi mà không lộ tỏ huyền cơ?”

Hác Đại Thông làm thơ:

Kiếm huệ treo cao tinh đẩu hàn
Yêu ma thúc thủ, sự sinh nan
Bồ đoàn ngồi hết ba canh nguyệt
Rồng cuộn, cọp ngồi, cửu chuyển đan.(4)

Vương Xứ Nhất làm thơ:

Ấm lạnh chuyện xưa tại đất tiên
Huyền công khảo chứng rõ pháp thiền
Kim ô, ngọc thố tóm thâu được
Rồng cọp cuộn nằm thật tự nhiên.(5)

Đàm Xứ Đoan làm thơ:

Đạo pháp vô biên lạnh quỷ thần
Siêu phàm nhập thánh có nguyên nhân
Lưới mê xé toạc cho tan nát
Trăng ẩn trong lò, rồng cọp nằm.(6)

Lưu Xứ Huyền làm thơ:

Nói đến người nay lạnh thấu gan
Áo xiêm phấp phới mới sinh đoan
Thông minh bị phản nên ngu tối
Chưa thấy non tiên bóng cọp rồng.(7)

Bốn người làm thơ xong. Vương Xứ Nhất hỏi: “Ba anh em tôi đều có lời hợp đạo huyền. Nói thắng, không nói thua. Nhưng cớ sao anh Lưu nói lời thua thiệt, làm cụt hứng? E rằng lời anh chẳng hợp đạo huyền.”

Đàm Xứ Đoan bảo: “Nói ‘lạnh thấu gan’ và ‘ngu tối’, thật chẳng phải đạo. Nhưng biết lạnh thấu gan tức biết sợ, và biết được mình ngu tối cũng không thể nói là không đạo. Nó không phải là đạo huyền, nhưng đạo huyền ở trong chỗ không đạo mà thành. Đừng lấy thắng thua mà luận nó, thì sao có thể cụt hứng được?”

Hác Đại Thông nói: “Anh Lưu nói vậy, chắc không chỉ việc đó, mà có lý do khác rồi.”

Đàm Xứ Đoan nói: “Đúng thế! Anh Lưu dự yến Diêu Trì, nhìn lén tiên nữ, làm Vương Mẫu giận, nên bị giáng trở lại trần gian. Ảnh với tôi hồi gặp nhau trên đường, có kể tôi nghe chuyện đó. Tôi có lấy tích ngài Hứa Tinh Dương kể ảnh nghe. Ảnh nghe xong thì một lòng muốn đi…”

Đàm Xứ Đoan nói tới đây thì ngừng. Vương Xứ Nhất hỏi: “Ảnh một lòng muốn đi làm gì?”

Đàm Xứ Đoan nói: “Ảnh muốn tới chỗ chứa gái bán phấn buôn hương để diệt sạch sắc tướng mà ngộ đạo.”

Vương Xứ Nhất nói: “Nhìn mà không thấy, nghe mà chẳng nghe, thì tự nhiên không bị vướng sắc tướng.”

Hác Đại Thông nói: “Chi bằng ta và người đều quên, thì sắc tướng tự nhiên thành không.”

Lưu Xứ Huyền nói: “Lời của hai anh chỉ bậc chí nhân thượng trí mới làm được. Tôi nay muốn lấy cái thấy nhiều làm diệu dụng, lấy biết rộng làm công phu.”

Vương Xứ Nhất và Hác Đại Thông cùng nói: “Luyện trừ sắc tướng thì xưa nay cũng không ít người làm, nhưng chưa nghe ai luyện kiểu này.”

Đàm Xứ Đoan nói: “Ai có chí thì làm được khéo. Ai không có chí thì làm vụng. Mỗi cách luyện có chỗ diệu dụng riêng, không cần nói nhiều.”

Mọi người nói xong, nhìn thấy trời đã tối, bèn vào trong đình tĩnh tọa suốt đêm. Sáng hôm sau, chia tay nhau, ai đi đường nấy.

Đây nói về Hác Đại Thông đi đến vùng Hoa Âm bỗng thấy một ngọn núi cao, hình dáng như bàn tay, nhô lên vút tận mây. Lần trước ông đưa linh cữu thầy về Thiểm Tây, đòn khiêng oằn vai, cắm đầu đi nên không để ý núi này. Nay ngao du nhàn tản, trên đường ông ngắm nhiều cảnh non xanh nước biếc, lòng rất ngưỡng mộ. Ông chợt nhớ lời thầy dặn dò lúc lâm chung: “Chỗ thấy là chỗ liễu đạo.” Ông bèn lên trên cao, nhìn thấy núi non chập chùng. Cúi xuống thấy mây gần, chợt nhớ thơ xưa của Khấu Lai Công:(8)

Chỉ có trời trên đầu
Núi nào cao vậy đâu
Ngước lên, đỏ mặt nhật
Cúi xuống, trắng mây sâu.(9)

Nguyên lai ngọn núi này là núi tiên, tên gọi Tây Nhạc Thái Hoa. Trên núi có hơn mười cung điện đạo quán, đều có đông đạo nhân tu hành hương khói. Hác Đại Thông bèn kiếm một chỗ thanh tĩnh. Bản thân ông xưa là thợ đá, nên ông đi chế tạo một cái đục đá, vận dụng thần công đục vách đá sâu thành một cái hốc vừa vặn ngồi tu luyện.

Ông đang định vào hốc ngồi tịnh dưỡng, thì bỗng thấy một đạo hữu mang bồ đoàn và vật dụng cá nhân đi tới, xin ông nhường cái hốc đó cho y tu luyện. Hác Đại Thông chưa kịp trả lời thì y nhào vô hốc chiếm chỗ, lót bồ đoàn ngồi, bất kể Hác Đại Thông đồng ý hay không.

Hác Đại Thông là người hiền từ, nhường cái hốc cho người đó, rồi ông đi lên phía trên, thấy một khối đá rất lớn cao vài trượng, ông bèn hì hục đục một cái hốc lớn hơn cái trước. Ông chưa kịp mừng thì lại có một đạo hữu đi tới, nói không có chỗ tĩnh tọa, xin ông từ bi nhường cho cái hốc này. Hác Đại Thông là người tu hành, chìu ý người đó, nhường cho y cái hốc đó.

Hơn mười năm liền đục đá, trải trăm cay ngàn đắng, Hác Đại Thông tạo được bảy mươi hai cái hốc, và có bảy mươi hai người tới xin nhường lại. Hác Đại Thông rốt cuộc không có chỗ để tu luyện tĩnh dưỡng, nên ông tìm đến phía sau núi, thấy có một chỗ tốt, có thể đục thành hốc. Chỗ này trong vách đá sâu muôn trượng, én bay không tới. Nếu đục cái hốc chỗ này, thì chẳng ông đạo nào tới được, nhưng không có đường lên xuống, phải đu dây xuống, leo dây lên.

Quan sát vậy rồi, Hác Đại Thông xuống núi, dùng tiền tích cóp mấy năm mà mua một sợi dây dài. Nửa đường trở về núi, ông thu nhận một học trò có vẻ thật thà. Hai thầy trò lên núi. Ông cột dây vào một gốc đại thụ, rồi một tay bám dây, một tay cầm đục, chân đạp vào vách đu lần lần xuống. Tới đúng chỗ có thể làm nơi tu luyện thì ông bắt đầu đục. Mỗi ngày ông chỉ đục đá. Bên trên thì tên học trò nấu cơm cho ông. Hác Đại Thông ăn mỗi ngày chỉ một bữa sáng rồi leo xuống đục đá, tới chiều tối mới leo lên.

Tên học trò chán nản chịu không thấu. Nó thầm nghĩ, tưởng đâu theo học đạo thanh nhàn, ai ngờ chỉ làm đầy tớ nấu cơm cực khổ, vậy học đạo có ích gì? Thế là nó sinh lòng bất lương, lén lấy dao chẻ củi giấu trong mình. Biết Hác Đại Thông ăn cơm sáng xong thì leo xuống đục đá, nên nó đi phía sau. Đợi Hác Đại Thông leo xuống một chút thì nó cầm dao chặt đứt dây. Dây rơi xuống muôn trượng, chẳng biết Hác Đại Thông sống chết thế nào.

Ngày nay có người hiếu sự, viết trên vách hốc đá của tổ Hác Đại Thông bốn câu thơ rằng:

Lưu tâm quân tử phòng thân
Vực sâu chín dặm ba phân hãi hùng
Hoa Âm rớt xuống ngàn trùng (10)
Muốn tìm thấy xác phải lùng Thương Châu.(11)

Nói về tên học trò bất lương, chặt đứt dây rồi, yên chí thầy rơi xuống muôn trượng thì thịt nát xương tan, không thế nào sống nổi. Nó liền gom góp hành lý, vác xuống núi.

Đi hơn mười dặm, nó tới một khối đá lớn ngồi nghỉ, bỗng thấy dưới núi có người đi lên giống hệt thầy mình. Nhìn kỹ lại, quả chẳng sai, nó kinh sợ toát mồ hôi, không biết nói sao, đành làm bộ gọi lớn: “Thưa thầy đi đâu về đó?”

Hác Đại Thông mỉm cười: “Cái đục đó lụt rồi, ta đi Thương Châu để rèn lại. Còn ngươi vác hành lý muốn đi đâu đó?”

Nó đáp: “Con thấy thầy đi lâu không về, nên tới đây đón thầy.”

Hác Đại Thông cười lớn nói: “Ngươi đúng là một học trò hiếu thuận! Ta đi mới có một giờ chưa về, mà ngươi có lòng quá, vác hành lý đi đón ta. Đây trở lên trên núi hơn mười dặm, mặt trời chỉ cao hơn ba trượng, đi sao tới được. Nếu ngươi không vác hành lý tới đây, chắc tối nay ta lạnh cóng.”

Hác Đại Thông nói xong bèn đi trước.

Tên học trò ngồi ở tảng đá, thầm nghĩ: thầy mình không biết là người thế nào, chỗ cao muôn trượng rơi xuống mà không chết. Ổng đúng là lao khổ chưa hết, phải tốn sức đục đá tiếp, chẳng được nhàn nhã. Nhưng hành vi của ổng như vậy, chắc là Thần Tiên rồi. Nếu không, tại sao rơi xuống không chết, mà trở lại mau lẹ như vậy? Ổng nhìn mình vui vẻ, chứ không nổi giận, cũng đáng kể là người đại lượng. Nay nếu mình bỏ qua ông thầy này, đi khắp thiên hạ cũng không kiếm được người thứ hai từ bi như ổng. Xem ra hơn phân nửa là lỗi của mình. Chi bằng lên núi tiếp tục hầu hạ ổng. Nghĩ vậy, nó bèn đi theo thầy.

Bỗng nghe thầy nói: “Sợi dây dài đã đứt. Làm sao xuống được để đục đá đây? Thôi cũng không sao, đợi ta nhảy xuống.”

Nói xong, Hác Đại Thông nhảy xuống. Không biết chuyện về sau thế nào? Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Thân thể nhẹ tênh như mây bay
Sợ chi muôn trượng đá treo đây.(12)



CHÚ THÍCH:

1.
論 玄 機 四 言 契 妙 道 — Luận huyền cơ tứ ngôn khế diệu đạo
開 石 洞 一 人 獨 勤 勞 — Khai thạch động nhất nhân độc cần lao.

2.
陷 溺 沈 淪 已 有 年 — Hãm nịch trầm luân dĩ hữu niên
愛 河 滾 滾 浪 滔 天 — Ái hà cổn cổn lãng thao thiên
修 行 自 可 登 高 岸 — Tu hành tự khả đăng cao ngạn
何 用 中 流 另 覓 船 — Hà dụng trung lưu lánh mịch thuyền.

3. Câu này có nghĩa: Trên trời dưới đất, chỉ Chân Ngã mới tôn quý. Chân Ngã tức là Chân Tâm, Phật Tánh, Thượng Đế Tánh… Khi chép câu này có lẽ người thuật chuyện chịu ảnh hưởng Phật Giáo. Kinh Sơ Ðại Bản Duyên trong bộ kinh Trường A Hàm (quyển I) thuật rằng khi Đức Phật vừa đản sanh liền đi bảy bước, có bảy hoa sen đỡ chân. Ngài chỉ tay lên trời, chỉ tay xuống đất, và nói: Thiên thượng thiên hạ / Duy Ngã độc tôn / Nhất thiết thế gian / Sinh lão bệnh tử. (Trên trời hay dưới đất / Chân Ngã tôn quý nhất / Tất cả thế gian này / Đều sanh già bệnh chết.)

4.
慧 劍 高 懸 星 斗 寒 — Huệ kiếm cao huyền tinh đẩu hàn
群 魔 束 手 難 生 端 — Quần ma thúc thủ nan sinh đoan
蒲 團 坐 斷 三 更 月 — Bồ đoàn tọa đoạn tam canh nguyệt
九 轉 還 丹 龍 虎 蟠 — Cửu chuyển hoàn đan long hổ bàn.

5.
仙 亭 覽 古 敘 溫 寒 — Tiên đình lãm cổ tự ôn hàn
考 證 玄 工 最 的 端 — Khảo chứng huyền công tối đích đoan
捉 得 金 烏 並 玉 兔 — Tróc đắc kim ô tịnh ngọc thố
自 然 虎 踞 興 龍 蟠 — Tự nhiên hổ cứ dữ long bàn.

6.
道 法 無 邊 神 鬼 寒 — Đạo pháp vô biên thần quỷ hàn
超 凡 入 聖 豈 無 端 — Siêu phàm nhập thánh khởi vô đoan
一 拳 打 破 癡 迷 網 — Nhất quyền đả phá si mê võng
偃 月 爐 中 龍 虎 蟠 — Yển nguyệt lô trung long hổ bàn.

7.
提 起 今 人 心 膽 寒 — Đề khởi kim nhân tâm đảm hàn
霓 棠 飄 處 始 生 端 — Nghê thường phiêu xứ thủy sinh đoan
聰 明 反 做 痴 迷 漢 — Thông minh phản tố si mê hán
說 甚 仙 山 龍 虎 蟠 — Thuyết thậm tiên sơn long hổ bàn.

8. Khấu Chuẩn, tự Bình Trọng, tể tướng đời Bắc Tống, sau được phong là Lai Quốc Công, đời gọi ông là Khấu Lai Công.

9.
只 有 天 在 上 — Chỉ hữu thiên tại thượng
更 無 山 與 齊 — Cánh vô sơn dữ tề
舉 頭 紅 日 近 — Cử đầu hồng nhật cận
回 首 白 雲 低 — Hồi thủ bạch vân đê.

10. Hoa Âm thuộc tỉnh Thiểm Tây, Thương Châu thuộc tỉnh Hà Bắc. Bài thơ ý nói vì núi quá cao, xác rơi xuống sẽ văng đi rất xa.

11.
君 子 小 心 小 心 — Quân tử tiểu tâm tiểu tâm
下 去 九 里 三 分 — Hạ khứ cửu lý tam phân
人 從 華 陰 墬 下 — Nhân tùng Hoa Âm trụy hạ
商 州 去 把 尸 尋 — Thương Châu khứ bả thi tầm.

12.
身 輕 體 快 如 飛 雲 — Thân khinh thể khoái như phi vân
何 懼 懸 岩 萬 丈 高 — Hà cụ huyền nham vạn trượng cao.