Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ mười tám

Vương Xứ Nhất lấy chân phục giả
Đàm Xứ Đoan giảng xưa chứng nay.(1)

Có bài thơ rằng:

Sen lạ nghe trồng cõi Tây thiên
Ra hoa mười trượng, ngó (2) như thuyền
Linh Đài tự có Kỳ Viên thụ
Tâm điền sáng rỡ tức Phật Thiên.(3) (4)

Nói về Vương Xứ Nhất hỏi vài câu thiết yếu thì Hồn Nhiên Tử cứng họng. Quán chủ ở bên cạnh vỗ tay cười lớn, nói với Vương Xứ Nhất rằng: “Xin đạo hữu giảng giùm. Ông ta không biết, đừng hỏi ông ta nữa.”

Hồn Nhiên Tử thấy quán chủ nói mình không biết, liền nổi giận. Vương Xứ Nhất hòa giải:

“Lão tiên sinh chẳng phải không biết, mà vì không muốn nói ra thôi. Tôi nói lẽ đạo này, mọi người xem xét thế nào.

Chân âm và chân dương là hai khí âm dương. Khí chân dương chứa ở gan, khí chân âm chứa ở phổi. Gan thuộc hành Mộc, là chỗ tụ hồn. Phổi thuộc Kim, là chỗ tàng phách. Kim là Đoài nữ. Mộc là Chấn nam. Mộc vượng ở đông. Kim sinh ở tây. Cho nên nói ngụ ý là đông gia lang (chàng bên nhà đông) và tây gia nữ (nàng phía nhà tây).

Muốn cho Kim và Mộc gặp nhau, thì hồn không lìa phách, phách chẳng rời hồn, như chồng yêu vợ, như vợ dựa chồng. Đó là lý âm dương hội hợp.

Thầy Hồn Nhiên hỏi tôi có vợ chưa, tức là mượn Hoàng Bà (bà lão vàng) dẫn dắt, để cho vợ chồng hảo hợp. Hoàng Bà là chân ý. Mượn chân ý để hội ý cho Kim và Mộc đừng ngăn cách, thì vợ chồng mới có thể hảo hợp. Ý thuộc hành Thổ, mà đa tình. Nó màu vàng lại hiếu động, nên nói tỷ dụ là Hoàng Bà. Đông tây qua lại, hai nhà thông nhau, Hoàng Bà giống như làm mai mối vậy.

Còn mang thai là ý nói chân khí ngưng kết ở đan điền, trạng thái giống như cái thai nhi. Chân khí đầy đủ thì hiện ra thần, cho nên nói thần là con của khí, khí là mẹ của thần. Do đó nói có Anh Nhi giáng sinh. Đạt tới bước này, là đại đan thành tựu vậy. Bấy giờ ta cùng già với trời đất, cùng sáng với nhật nguyệt.”

Diêu Sùng Cao nghe giảng xong, khen ngợi không dứt.

Hồn Nhiên Tử sợ Vương Xứ Nhất cướp mất chén cơm của mình, liền nói lớn: “Người có đức thì nói được, người nói được chưa chắc có đức. Ngươi dám tĩnh tọa đua với ta không? Ngồi lâu hai ba ngày không trà nước mới đáng kể là công phu.”

Vương Xứ Nhất cười nói: “Ngồi lâu ngày thì tôi không làm được, chứ hai ba ngày thì tôi chìu tiên sinh.”

Nói xong, cả hai bắt đầu thi tài công phu tĩnh tọa tại phòng khách.

Hồn Nhiên Tử bình thường cũng có thể ngồi lâu được hai ba ngày không ăn uống, nhưng nay vì muốn ganh đua với Vương Xứ Nhất, trong lòng nổi sân hận, cho nên ngồi không yên, sinh ra nhiều phiền não.

Ngồi được một lúc thì muốn uống trà uống nước; một lúc nữa thì muốn đi tiêu đi tiểu. Một ngày đi uống nước, tiêu tiểu đến mấy lần.

Qua ngày thứ hai, Hồn Nhiên Tử ngồi không được nữa, lúc thì đứng dậy tìm đồ ăn thức uống, lúc thì ngủ gục, rồi thì ngủ khò khò.

Vương Xứ Nhất ngồi sang ngày thứ ba mới xả tịnh, thần khí sảng khoái.

Diêu Sùng Cao khen nức nở: “Công phu tĩnh tọa của thầy quả thực ông Hồn Nhiên không thể sánh kịp!”

Vương Xứ Nhất nói: “Chẳng phải lão tiên sinh không bằng tôi, mà vì tuổi ông đã cao, người già khí lực suy. Nếu tôi già cỡ như ông ấy, sợ là ngồi nửa ngày cũng không chịu nổi.”

Hồn Nhiên Tử nghe lời khiêm nhường ấy, vui lòng, cảm phục, trở lại nói chuyện với Vương Xứ Nhất, không dám tự cao tự đại nữa, dần dần có hư tâm, hạ khí xuống.

Vương Xứ Nhất ở tại nhà Diêu Sùng Cao mấy ngày, cũng truyền dạy Sùng Cao mấy bài huyền công, hai bên rất tương đắc.

Ngày nọ, Vương Xứ Nhất nói là qua Ngộ Tiên Quán lấy chút hành lý. Đi mấy ngày, không thấy trở lại nhà Diêu Sùng Cao. Sùng Cao cho gia nhân qua hỏi thăm, thì quán chủ nói: “Hôm đó ông đạo có về đây, lấy hành lý rồi đi liền.”

Diêu Sùng Cao nghe vậy, giậm chân than thở: “Mình thật là không có duyên với thầy!”

Hồn Nhiên Tử cũng có ý luyến tiếc.

Tạm ngưng chuyện của Vương Xứ Nhất. Đây nói về Lưu Xứ Huyền, sau khi chia tay với các bạn đạo thì đi hướng nam, rồi đi qua đông tới đất Lỗ. Ông tu luyện ở núi Thái Sơn ba năm, đắc thành chính quả.

Đêm nọ ông bay lên thượng giới, dự yến Cung Diêu Trì, tham bái Vương Mẫu. Ông thấy phía sau Vương Mẫu có vài mươi tiên nữ, dung nhan cực kỳ xinh đẹp, thế gian hiếm có, đẹp khó tả, khó vẽ, đáng yêu biết chừng nào. Ông không tránh khỏi vọng niệm, nhìn lén các tiên nữ một cái.

Vương Mẫu rầy: “Ngươi nhìn lén tiên nữ. Ý ngươi muốn gì vậy?”

Lưu Xứ Huyền thấy Vương Mẫu rầy như vậy, tự biết mình thất lễ, hoảng sợ tạ tội, phủ phục thưa: “Đệ tử tình cờ thấy áo xiêm phấp phới, vô ý nhìn tiên nữ một cái, kỳ thực không có ý gì khác. Kính xin Vương Mẫu tha tội.”

Vương Mẫu trách: “Chỗ ta người hãy còn, sắc tướng chưa dứt. Dù kim đan thành tựu cũng không thể siêu phàm nhập thánh. Khá trở lại cõi phàm, khổ tu khổ luyện mới được!”

Nói xong, Vương Mẫu sai vị tiên giữ cửa trời phía Nam tiễn Lưu Xứ Huyền đi ra. Vị tiên vâng lệnh, đưa Lưu Xứ Huyền đến cửa trời phía Nam. Lưu Xứ Huyền cưỡi mây hạ xuống, bị vị tiên ấy đánh một chưởng, rớt khỏi cửa trời phía Nam.

Lưu Xứ Huyền bừng tỉnh, mới biết là chiêm bao, hồi tưởng lại chuyện xảy ra ở Cung Diêu Trì, đúng là sai một niệm rồi. Trước đây thầy Vương Trùng Dương từng nói mình đạo thiền cũng tốt, chỉ có điều sắc tướng chưa hết. Nay nằm mộng thấy Vương Mẫu ở Cung Diêu Trì trách mắng, thật là ăn khớp với lời của thầy mình. Nhưng chẳng biết phải luyện công phu thế nào để diệt sắc tướng, như vậy phải xuống núi, tìm hỏi cao nhân chỉ dạy mới được.

Thế là ông xuống núi, đi được mấy ngày thì tình cờ gặp Đàm Xứ Đoan. Hai người chuyện trò một hồi, kể nhau nghe những việc xảy ra gần đây.

Lưu Xứ Huyền nói: “Anh không nhận cung dưỡng của Cố Dụ Phong, một niệm chẳng hề sai. Còn tôi, nhìn lén tiên nữ ở Cung Diêu Trì, một niệm chẳng hề đúng. Nay tôi muốn luyện cho sắc tướng đều là không, chưa biết bắt đầu từ đâu.”

Đàm Xứ Đoan nói:

“Hồi xưa, lúc Hứa Tinh Dương (5) còn trẻ, rất thích săn bắn. Ngày nọ vào núi bắn tên trúng một con nai nhỏ. Con nai nhỏ mang mũi tên chạy trốn, Tinh Dương sai gia nhân đuổi theo tìm kiếm. Một hồi thì thấy hai con nai trong hốc núi. Nai con nằm, nai mẹ liếm vết thương cho con. Thấy người tới, nai mẹ không chạy trốn, cam chịu bị bắt chung với nai con.

Khi bọn săn bắn đem nai về nhà, cởi dây trói, thấy hai con nai đã chết. Mổ bụng nai ra xem, thấy ruột nai mẹ đứt ra từng khúc. Nai con tuy bị thương đau đớn nhưng ruột còn y nguyên. Thế mới biết lòng mẹ đau đớn thương xót con còn dữ dội thống thiết gấp muôn lần cái đau đớn của đứa con bị tên bắn.

Hứa Tinh Dương nhìn thấy, lòng rất xúc động, bèn phá hủy hết cung tên, rồi vào núi tu luyện, đắc thành chính quả. Ông muốn hóa độ mười phương, nên đăng đàn thuyết pháp, thu nhận mấy trăm học trò.

Ngày nọ, Tinh Dương nói với học trò rằng: ‘Các ngươi có vài trăm người, chẳng phải ít. Bỏ nhà học đạo, chẳng phải không có lòng thành. Nhưng người tu hành phải xem sắc tướng là không. Các ngươi thấy sắc mà không tham được chăng?’

Các học trò đồng thanh nói: ‘Nếu luận về tài, khí, tửu, có thể chưa trừ được hết. Chứ cái chữ sắc này, chúng con vốn không tham.’

Hứa Tinh Dương nói: ‘Các ngươi nói đã sạch sẽ về sắc. Ta e rằng chưa được.’

Các học trò đáp: ‘Chúng con chẳng dám nói sai, dối thầy.’

Tinh Dương nói: ‘Ta có một phép, có thể chứng minh thực hư. Các ngươi mỗi người kiếm một khúc than dài hơn hai thước, hoặc ba bốn thước càng tốt,(6) rồi đặt trên giường, ngủ bên cạnh khúc than một đêm. Sáng hôm sau nộp lại khúc than cho ta xem. Ta tự có công phu truyền cho các ngươi.’

Các học trò nghe vậy, không hiểu lý do, nhưng ai cũng kiếm một khúc than đặt trên giường rồi ngủ cạnh nó. Đêm đó họ ngủ, bỗng tỉnh giấc thấy có người nằm bên cạnh, đưa tay qua rờ rẫm thấy mềm như bông, mướt như ngọc, mò xuống bên dưới thì biết là con gái. Lửa dục bừng lên, dằn không được, bèn giao hợp, chân dương xuất ra, rồi ôm nhau ngủ.

Tới sáng, bên ngoài có tiếng la: ‘Mau nộp khúc than. Thầy chờ lâu rồi!’

Các học trò bừng tỉnh, ai cũng ôm khúc than vào lòng, đang kinh ngạc, thì bên ngoài có tiếng thúc giục nộp khúc than. Ai nấy đều vội mặc y phục đi nộp.

Hứa Tinh Dương bảo học trò đứng hai bên, gọi từng người lên. Người thứ nhất đến nộp. Hứa Tinh Dương hỏi: ‘Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi?’

Người đó đáp: ‘Năm nay con bảy mươi sáu tuổi.’

Tinh Dương nói: ‘Ngươi nay lớn tuổi mà sao chữ sắc chưa diệt được?’

Người đó hỏi: ‘Sao thầy biết con chưa diệt được?’

Tinh Dương nói: ‘Ngươi nói diệt được chữ sắc rồi, mà sao khúc than có dính hồ vậy?’

Người ấy nhìn đoạn giữa khúc than thấy có vết hồ trắng, dấu tích sự ô uế tối qua, bắt đầu hiểu tối qua chân dương tiết lậu, nên xấu hổ cúi mặt, không dám nói gì.

Từng học trò mới vỡ lẽ rằng cô gái mình ăn nằm tối qua chính là khúc than biến ra. Khi nhìn khúc than, dấu vết ô uế rành rành, ai nấy đều sợ và xấu hổ, đứng ngây người ra. Thầy thúc hối mà họ không dám lên nộp. Chỉ có một người cười cười đến nộp. Khúc than sạch sẽ chẳng vết tích gì.

Tinh Dương hỏi: ‘Sắc là cái ai cũng ham, vì sao ngươi chẳng ham?’

Người đó đáp: ‘Con đã luyện công phu từ chỗ sắc.’

Tinh Dương hỏi: ‘Phép luyện của ngươi như thế nào?’

Người đó đáp: ‘Hễ có ham, thì có sợ. Lúc đầu sợ không có được sắc, nên lo buồn. Khi vào tay rồi, sáng vui chiều mừng, hoan lạc không chịu ngưng nghỉ. Lâu ngày thần suy khí nhược, mới lo lắng tính mạng. Do đó mà sợ. Sợ quá thì phải tránh. Cho nên đối cảnh mà quên tình, tuyệt dục để bảo thân. Con thuở nhỏ, chơi bời không răn dè. Trọn ngày nằm với đàn bà con gái, cả năm không về nhà. Luôn xem chỗ chơi bời là nhà mình. Con thấy nhiều gái đẹp yêu kiều, kể sao hết vô số việc gái gú mây mưa, nó tổn hại thần. Sợ hãi muốn tránh mà tránh không được. Do đó mà chạy tới đây học đạo, để bảo toàn tính mạng, chẳng tham luyến nữ sắc nữa. Chẳng phải con có bí quyết gì khác, chẳng qua đã thấy lắm biết nhiều, từng trải đời rồi.’

Hứa Tinh Dương nghe xong, gật đầu, rồi đuổi các học trò kia về, chỉ truyền đạo cho người đó mà thôi. Người này sau cũng đắc thành chính quả. Lấy chuyện này mà luận, nói chung việc gì phải có trải qua, thấy nhiều, thì mới biết chán, mà bỏ nó.”

Đàm Xứ Đoan lấy chuyện người xưa mà giảng lý đạo xong, Lưu Xứ Huyền nói: “Tôi vốn chẳng màng làm chuyện ở trong, mà chỉ ham dung mạo ở ngoài. Bữa nào tôi phải đến chỗ nhà chứa, ngắm cho tận mắt các cô nàng mặt hoa da phấn, cho kiến thức mở mang, luyện cho con mắt chẳng còn chút ham muốn mới được.”

Đàm Xứ Đoan rủ Lưu Xứ Huyền đến đất Tấn, thăm viếng chỗ Đức Đạo Tổ giáng sinh. Hai người đi được mấy ngày, bỗng gặp Vương Xứ Nhất, bèn cùng nhau đi tới đó. Vương Xứ Nhất kể hết cho hai người nghe chuyện của ông với Diêu Sùng Cao và Hồn Nhiên Tử.

Lưu Xứ Huyền cười nói: “Như vậy rất hay! Cái lão này sao có được đạo diệu mầu như của chúng ta!”

Vương Xứ Nhất nói: “Nếu tôi không ngồi lâu thì lão ta chẳng phục.”

Đàm Xứ Đoan nói: “Xem ra tĩnh tọa là then chốt của người học đạo chúng ta. Người của đạo ta không thể không học tĩnh tọa vậy.”

Ba người vừa đi vừa trò chuyện, bỗng phía sau có tiếng la: “Các anh đi mau quá vậy!”

Không biết người đó là ai. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Xinh tươi nhờ phấn trát đầu lâu
Chiều sướng sáng vui chẳng biết sầu
Một sớm tắt hơi, muôn việc dứt
Suối vàng khó chuộng kẻ phong lưu.(7)



CHÚ THÍCH:

1.
王 玉 陽 以 真 服 假 — Vương Ngọc Dương dĩ chân phục giả
譚 長 真 說 古 證 今 — Đàm Trường Chân thuyết cổ chứng kim.

2. Ngó: ngó sen.

3. Phật Thiên: Phật và Trời.

4.
聞 說 西 方 種 異 蓮 — Văn thuyết Tây phương chủng dị liên
花 開 十 丈 藕 如 船 — Hoa khai thập trượng ngẫu như thuyền
靈 臺 自 有 祇 園 樹 — Linh Đài tự hữu Kỳ Viên thụ
本 地 風 光 即 佛 天 — Bản địa phong quang tức Phật Thiên.

5. Hứa Tinh Dương tức Hứa Tốn (239-374), tự là Kính Chi, người Nhữ Nam (nay thuộc tỉnh Hà Nam), nhà ở Nam Xương (nay thuộc Giang Tây). Ông học đạo với thầy Ngô Mãnh. Hứa Tốn là dòng dõi thế gia thời Ngụy Tấn. Năm Thái Khang nguyên niên (280 Công Nguyên) đời Tây Tấn (vua Vũ Đế tức Tư Mã Viêm) ông nhậm chức huyện lệnh ở huyện Tinh Dương, quận Thục (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc). Về sau ông từ quan đi ở ẩn, rồi lấy Nam Xương làm trung tâm truyền đạo. Ông sáng lập Tịnh Minh Trung Hiếu Đạo, gọi tắt là Tịnh Minh Đạo. Đời gọi ông là Hứa Chân Quân hay Hứa Tinh Dương.

6. Đây là thước tàu (xích), dài khoảng 0,3 mét. Khúc cây đốt thành than gọi là mộc thán.

7.
嬌 姿 原 是 粉 骷 髏 — Kiều tư nguyên thị phấn khô lâu
暮 樂 朝 歡 總 不 休 — Mộ lạc triêu hoan tổng bất hưu
一 旦 無 常 萬 事 了 — Nhất đán vô thường vạn sự liễu
夜 臺 難 逞 舊 風 流 — Dạ đài nan sính cựu phong lưu.