Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ mười bảy

Đùa cô Hỷ Hồng, tính kế thoát thân
Nạn lão Hồn Nhiên, lời chân nên nói.(1)

Có bài thơ rằng:

Tâm cảnh xưa nay phải sáng ngời
Chớ vì một việc, lỡ làng đời
Năm xưa từng bị người lừa dối
Nay gặp Chân Nhân ngộ nhận thôi.(2)

Nói về Đàm Xứ Đoan thấy Cố Dụ Phong có mấy phần khí lành, muốn khai hóa cho. Nào ngờ Cố Dụ Phong không đợi ông mở miệng đã nói luôn: “Đạo trưởng chớ nhiều lời. Mấy ông nói cái gì tôi đã nghe phát chán rồi. Ông nói nữa tôi cũng không tin đâu. Tôi bị mấy ông làm cho sợ thất kinh. Mấy ông có tu hành gì đâu, theo tôi thấy chỉ là bọn kiếm cơm áo thôi.”

Nói xong, ông vội bước trở vào, không đi ra ngoài nữa.

Đàm Xứ Đoan nghe mấy lời hủy báng cửa đạo đó, liền muốn chấn chỉnh phong khí trong đạo. Ngước lên nhìn, trời đã về chiều, ông bèn ngồi trước cửa nhà ấy. Trời tối, có mấy trai tráng trong nhà ra đuổi ông đi. Họ xách thùng nước lạnh dội ướt chỗ cửa rồi đi vô. Đàm Xứ Đoan thấy họ làm ác như vậy, liền đi ra ven đường ngồi. Đêm đó trời đổ tuyết, dày hơn thước.

Rạng ngày, trai tráng trong nhà mở cửa ra xem, thấy ông ngồi ngoài trời, xung quanh tuyết vun thành đống cao, còn ngay trên thân ông thì chẳng bám chút tuyết nào. Thấy lạ lùng quá, họ bèn chạy bẩm báo cho Cố Dụ Phong biết.

Dụ Phong nghe nói, liền bước ra xem, tới gần Đàm Xứ Đoan thấy bên thân ông có hơi nóng bốc lên. Dụ Phong biết đây là người có đạo, liền mời vào nhà, đãi như thượng khách.

Dụ Phong nói: “Chẳng phải tôi không tin đạo, chỉ vì cửa đạo không có người tốt. Nếu họ cũng khổ công tu hành như đạo trưởng, thì ai mà chẳng tôn kính? Tôi nay nguyện cung dưỡng đạo trưởng. Ông ở nhà tôi ba năm, hay năm năm, hay mười năm tôi cũng vui lòng. Ngày mai tôi chọn giờ lành, xin bái đạo trưởng làm thầy, chẳng hay ông có nhận lời hay không?”

Đàm Xứ Đoan vốn muốn độ cho Dụ Phong, nay thấy ông ta khởi lòng tin đạo, nên gật đầu đồng ý.

Cố Dụ Phong mừng lắm, sai tôi tớ quét dọn một gian phòng phía sau, rồi mời Đàm Xứ Đoan vào nghỉ ngơi. Mỗi ngày đều có cơm chay đầy đủ, không thiếu sót chút nào. Dụ Phong còn sai một a hoàn tên Hỷ Hồng thường lo trà nước cho Đàm Xứ Đoan. Thật là đạo tôn đức quý, diệu lý vô cùng.

Thấm thoát hơn nửa năm, mà Dụ Phong chẳng tới cầu học đạo gì hết. Quả thực Dụ Phong là người ham đạo chứ không muốn học đạo. Muốn người ta nhận cung dưỡng của ông để tạo phước cho ông, tu hành thế cho ông, để ông thụ hưởng phước đức hiện thành.

Đàm Xứ Đoan thấu suốt tâm cơ của Dụ Phong, nên chẳng muốn nhận cung dưỡng nữa, mấy lần muốn từ biệt ra đi, nhưng Dụ Phong cầm giữ hoài, rồi sai người nhà canh chừng kỹ lưỡng, ngăn cản, không cho Đàm Xứ Đoan ra đi. Đàm Xứ Đoan đi không được, bèn nghĩ ra một diệu kế. Làm theo kế này thì mới ra đi được.

Một lát, con Hỷ Hồng mang trà vào. Đàm Xứ Đoan nắm cổ tay nó nói: “Tay nàng trắng trẻo sạch sẽ quá, khiến người ta thương lắm!”

Hỷ Hồng mắc cỡ đỏ mặt, gượng đáp: “Trắng như sơn đen thì có. Thầy đừng cười ghẹo tui à nha.”

Nói xong, nó chạy lên nhà trên bẩm báo cho vợ của Cố Dụ Phong biết. Bà liền nói với chồng: “Thầy Đàm vừa chọc ghẹo con a hoàn nhà mình. Lão ta không phải là người tu hành chân chính đâu. Thôi, để lão đi khuất cho rồi!”

Dụ Phong nghe vậy, không tin, nói rằng: “Con Hỷ Hồng làm biếng đem trà nước cho thầy, nên đặt điều vậy thôi!”

Vợ Dụ Phong nghe chồng nói vậy, liền quay lại mắng Hỷ Hồng vài câu. Hỷ Hồng không dám nói nữa.

Hai ngày sau, Dụ Phong thấy con Hỷ Hồng đưa trà nước đến Đàm Xứ Đoan, liền đi lén phía sau, xem động tĩnh thế nào. Quả nhiên thấy Đàm Xứ Đoan nắm tay Hỷ Hồng, cười nói: “Tay nàng trắng như ngọc, mềm như bông. Người đâu mà đáng yêu quá.”

Dụ Phong đứng rình bên ngoài, nghe thấy, giận lắm, muốn tới tống cổ lão này đi, nhưng lại nghĩ lão ta mấy lần muốn đi mà mình hai ba lần cầm giữ lại, nay đuổi lão đi thì tỏ ra mình bất nhân, chi bằng viết mấy câu dán trên vách. Lão ta đọc hiểu là nhất định sẽ tự ra đi, còn mình dặn thủ hạ đừng ngăn cản, vậy là tốt rồi.

Hôm sau, cơm sáng xong, Đàm Xứ Đoan không thấy Hỷ Hồng mang trà nước tới, thì biết kế đã thành.

Bước ra ngoài xem, ông thấy trên vách có dán một tờ giấy, viết bốn câu:

Gió tây khuya thổi tuyết tung hoa
Ngồi lạnh bồ đoàn hình ảnh tà
Chớ nói thích tay ai tợ ngọc
Thân xưa như ếch nhớ chăng ta.(3)

Đàm Xứ Đoan đọc xong, cười cười, đi vào phòng, thấy trên bàn có bút mực, cầm lấy rồi trở ra bên ngoài viết bốn câu lên tờ thiếp đó. Viết xong, ông vào phòng gom góp hành lý, đi thẳng ra cổng, nói liền mấy tiếng “Đa tạ! Đa tạ!”

Chẳng có ai trả lời. Ra khỏi gia trang, ông đi về hướng nam. Đi được hai năm, thì ông trở về bắc. Chuyện của ông sẽ nói sau.

Nói về đám gia nhân của Dụ Phong, vì chủ dặn dò rồi nên chúng để mặc Đàm Xứ Đoan ra đi, không ngăn cản. Sau khi Đàm Xứ Đoan đi rồi, chúng chạy vào bẩm báo Dụ Phong.

Dụ Phong đi ra phía sau, thấy tấm thiếp của mình dán trên vách có viết thêm bốn câu rằng:

Nói chi tuyết nguyệt với phong hoa
Ruột thẳng, há buồn hình ảnh tà
Không nói Hỷ Hồng tay tợ ngọc
Thân này ếch giếng thoát không ra.(4)

Cố Dụ Phong đọc xong bốn câu, mới biết Đàm Xứ Đoan nói giỡn với con Hỷ Hồng chỉ là cái kế để thoát thân thôi, nên than thở hoài. Chuyện không nói tới nữa.

Đây nói về Vương Xứ Nhất sau khi rời thôn Đại Ngụy và chia tay đạo hữu thì đi tới đất Phòng Châu. Lộ phía bắc của Phòng Châu có một ông tên Diêu Sùng Cao, từng làm quan ở phủ Tân An, vì chán tình đời nên từ quan về vui thú điền viên.

Ông rất mộ đạo, thấy người xuất gia thì xem như người thân thích. Bất kể người tu hành hay không, ông đều muốn đàm đạo.

Gần chỗ ông ngụ có cái đạo quán tên là Ngộ Tiên Quán. Trụ trì đạo quán cũng là một đạo sĩ. Phàm sư tăng hay đạo sĩ qua lại thường tá túc ở đạo quán này. Diêu Sùng Cao dặn dò quán chủ (5) rằng hễ có người tu hành nào tá túc đạo quán thì thông báo ông biết. Quán chủ đồng ý.

Ngày nọ, có một người không phải sư tăng cũng không phải đạo sĩ, tự xưng là người có đạo, khoe khoang mình có thần thông quảng đại, năm nay chín mươi sáu tuổi, từng gặp tổ sư Trương Tam Phong vài lần, cũng gặp Lã Động Tân mấy bận. Đạt Ma là thầy ông, Tế Điên là bạn ông. Ông có thể tĩnh tọa một hai ngày không mệt. Ngày đó ông tới đạo quán, khoe là đã độ vô số người.

Quán chủ hỏi tên. Ông ta nói hiệu là Hồn Nhiên Tử. Quán chủ liền dẫn Hồn Nhiên Tử tới gặp Diêu Sùng Cao.

Vừa thấy mặt, Hồn Nhiên Tử nói ngay: “Hòa thượng là quỷ đói chỗ sắc. Đạo sĩ là ma vương chỗ khí. Không thành Tiên, chẳng thành Phật. Sao bằng ta đây, nhìn thấu muôn việc, hạt bụi không nhiễm, vậy mới đáng kể là bậc tu hành chân chính. Ai học đạo của ta thì sống vài trăm tuổi.”

Diêu Sùng Cao nghe nói vậy thì thích lắm, liền bái Hồn Nhiên Tử làm thầy, lưu trong nhà để cung dưỡng. Hồn Nhiên Tử ăn nói bất kể số, chẳng kiêng ai, mở miệng là chê bai sư tăng và đạo sĩ.

Bấy giờ đạo sĩ trụ trì Ngộ Tiên Quán đứng bên cạnh, nghe Hồn Nhiên Tử chê bai sư tăng và đạo sĩ như vậy, lòng chẳng phục, thầm nghĩ lão già này chẳng biết điều, mình có hảo ý tiến dẫn lão ta tới đây để lão được cung dưỡng, vậy mà mở miệng ra là lão hủy báng sư tăng và đạo sĩ liền. Chẳng biết hễ dở ngói mái nhà thì phải coi chừng người bên dưới. Lão thấy Diêu Sùng Cao kính trọng lão, thì lão trở mặt khi rẻ đạo sĩ chúng ta. Phải tìm một cao nhân tĩnh tọa hơn lão, cho lão một phen bẽ mặt, thì mới toại lòng ta. Nghĩ xong, quán chủ từ biệt Diêu Sùng Cao rồi trở về đạo quán.

May sao vài ngày sau có Vương Xứ Nhất ghé đạo quán tá túc. Quán chủ nhìn tướng mạo tiêu sái của Vương Xứ Nhất thì biết là người có đạo, lại thấy ông suốt ngày tĩnh tọa, tinh thần sảng khoái.

Quán chủ thầm nghĩ, muốn chơi lão Hồn Nhiên Tử một vố thì phải nhờ ông đạo này. Nhưng sợ ông này không chịu đi, quán chủ bèn nghĩ ra một kế.

Ông nói với Vương Xứ Nhất rằng: “Nhà của ông Diêu Sùng Cao có một vị tu hành rất cao. Ông ta có thể tĩnh tọa hơn mười ngày không mệt mỏi. Tôi muốn cùng đạo hữu tới đó thăm ông ta chơi, không biết ý của đạo hữu thế nào?”

Vương Xứ Nhất nghe nói vậy thì rất vui, liền cùng quán chủ tới phủ của Diêu Sùng Cao. Người gác cửa chạy vào bẩm báo, Diêu Sùng Cao bước ra nghinh tiếp, rồi mời họ vào phòng khách đãi trà.

Chưa kịp nói năng chi, bỗng thấy một ông lão bạc đầu đi vào.

Vương Xứ Nhất nhìn lão ta, thấy chân mày thô, mắt nhỏ, mũi huếch, gò má cao, môi hở, răng vẩu, mặt vuông, tai dài, râu ria lưa thưa, tóc bạc vài chòm, hình dung giống bà lão lắm. Lão ta đi vào phòng, ngồi ghế trước mặt.

Quán chủ nói với Vương Xứ Nhất rằng: “Lão tiên sinh đây là vị tu hành rất cao mà tôi đã nói với đạo hữu đó.”

Vương Xứ Nhất nghe vậy, liền đứng dậy vái chào. Lão ta điềm nhiên ngồi chẳng nhúc nhích, coi như dưới mắt lão không có Vương Xứ Nhất vậy.

Lão nói: “Ngươi đã trồng hoa hay là cắm liễu?”

Vương Xứ Nhất không hiểu, chưa kịp đáp, thì lão hỏi tiếp: “Ngươi có vợ chưa?”

Thấy lão hỏi về chuyện thế tục, Vương Xứ Nhất đáp: “Cũng có rồi, nhưng đi tu nên bỏ ở nhà.”

Lão ta nói: “Uổng cho ngươi đi tu quá. Mới hỏi vài câu mà không biết chi hết. Ta nói ngươi biết: trồng hoa tức là thiếu niên xuất gia; cắm liễu tức là trung niên xuất gia. Hỏi ngươi có vợ chưa, tức là chân âm tiêu tức chưa. Ngươi lại lấy chuyện thế tục để trả lời ta. Ngươi thiệt là không biết đạo gì hết. Nếu hỏi ngươi có thai chưa, chắc ngươi cũng không hiểu.”

Lão Hồn Nhiên Tử làm nhục người khác ngay trước mặt. Vương Xứ Nhất không để tâm, nhưng nhìn thấy quán chủ thất sắc, mặt đỏ nhừ, thì không thể không nói vài câu giữ thể diện: “Lão tiên sinh vừa nói tới chân âm, vậy chân âm là vật gì vậy? Lại nói tới có thai, nhưng không biết thai từ chỗ nào mà kết? Cái được mang thai đây là vật chi?”

Hồn Nhiên Tử nhất thời trả lời không được, gượng cười nói: “Huyền cơ không thể tiết lậu, há có thể nói ngươi biết dễ dàng vậy sao?”

Quán chủ thấy lão ta trả lời gượng, biết là lão ta không hiểu, nên nói với Vương Xứ Nhất rằng: “Xin đạo hữu giảng giùm, ông ta không biết, đừng hỏi ông ta nữa.”

Không biết Vương Xứ Nhất giảng cái chi. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Mấy lần khoe lỗ miệng
Hỏi cái, đáp chẳng xong.(6)



CHÚ THÍCH:

1.
戲 喜 紅 定 計 脫 身 — Hý Hỷ Hồng định kế thoát thân
難 渾 然 當 真 盤 道 — Nạn Hồn Nhiên đương chân bàn đạo.
2.
心 境 原 來 要 朗 明 — Tâm cảnh nguyên lai yếu lãng minh
莫 因 一 事 誤 平 生 — Mạc nhân nhất sự ngộ bình sinh
昔 年 曾 被 假 人 騙 — Tích niên tằng bị giả nhân biển
今 遇 真 人 認 不 清 — Kim ngộ Chân Nhân nhận bất thinh.

3.
西 風 盡 夜 飛 雪 花 — Tây phong tận dạ phi tuyết hoa
冷 坐 蒲 團 形 影 斜 — Lãnh tọa bồ đoàn hình ảnh tà
休 羨 今 朝 手 似 玉 — Hưu tiện kim triêu thủ tự ngọc
回 思 曩 昔 身 如 蛙 — Hồi tư nẵng tích thân như oa.

4.
休 言 雪 月 與 風 花 — Hưu ngôn tuyết nguyệt dữ phong hoa
心 正 豈 愁 形 影 斜 — Tâm chính khởi sầu hình ảnh tà
不 說 喜 紅 手 若 玉 — Bất thuyết Hỷ Hồng thủ nhược ngọc
此 身 定 作 井 中 蛙 — Thử thân định tác tỉnh trung oa.

5. Quán chủ: Người làm chủ một đạo quán.

6.
屢 次 誇 大 口 — Lũ thứ khoa đại khẩu
一 問 答 不 來 — Nhất vấn đáp bất lai.