Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ mười sáu

Thôn Đại Ngụy, Tam Lão nói chuyện cũ
Cầu Tấn An, một lời chỉ đường mê.(1)

Có bài thơ rằng:

Muôn chuyển, thuyền thân chẳng động đâu
Sóng lừng gió dập, khó mà thâu
Theo dòng, tay chặt sào và lái
Một cánh buồm căng tới bến mau.(2)

Nói về Khưu Xứ Cơ cùng các sư huynh đến thôn Đại Ngụy ở Hàm Dương, thấy nhà cửa tan hoang xơ xác, thôn xóm tiêu điều. Có ông lão đang ngồi trước cửa một cái miếu. Khưu Xứ Cơ bước tới vái chào và hỏi thăm nhà ông Vương Hiếu Liêm ở đâu. Ông lão hỏi: “Chú em hỏi nhà ông Vương, vậy chú em có dây mơ rễ má với ổng không?”

Khưu Xứ Cơ đáp: “Ông Vương là thầy của chúng tôi, truyền đạo ở Sơn Đông, nay thầy đã thành Tiên rồi. Anh em chúng tôi đưa linh cữu thầy về, xin đất, và an táng ở chân núi Chung Nam. Trước khi về Sơn Đông, anh em chúng tôi ghé thăm nhà thầy, xem mọi người có bình an không.”

Ông lão nghe vậy, than thở một hồi: “Anh Hiếu Liêm là anh họ của tôi. Tôi thứ ba, nên người ta gọi tôi là Vương Tam Lão. Sau khi anh Hiếu Liêm bỏ nhà đi rồi, vợ ảnh buồn rầu sinh bệnh, rồi mất. Con gái ảnh là Thu, ở bên chồng, một năm hay nửa năm mới về thăm nhà một lần. Nhà anh Vương bây giờ không có ai hết.”

Khưu Xứ Cơ lại hỏi: “Xóm này sao tiêu điều quá vậy?”

Vương Tam Lão lại than thở một hồi: “Từ khi anh họ tôi bỏ đi rồi, không ai đứng đầu để lo liệu công việc. Mạnh nhà nào lo nhà nấy. Xóm có việc gì thì không ai đứng đầu để làm. Để mặc người khác làm thì càng làm càng hư. Bởi vậy mà thôn xóm tiêu điều. Về sau nghe đồn anh Hiếu Liêm thành Tiên, long mạch phong thủy bị ảnh lấy đi. Cái tội lỗi này họ đổ cho ảnh.”

Khưu Xứ Cơ hỏi: “Sao biết thầy tôi thành Tiên?”

Vương Tam Lão chỉ cái miếu nói: “Cái miếu này do dân thôn bắc thôn nam lập nên thờ anh ấy. Mấy chú vào xem thì biết.”

Khưu Xứ Cơ và các sư huynh cùng vào xem, quả nhiên thấy tượng thầy mình nghiễm nhiên như người sống, liền cùng nhau vái lạy. Tấm hoành phi bên trên có bốn chữ Đĩnh hồ nhân hào (bậc nhân hào siêu việt thay). Hai bên tả hữu có cặp câu đối:

Hiển đạo pháp ở Hàm Dương, phun rượu dập lửa
Ban ân lành nơi xóm cũ, phát bùa xua ôn.(3)

Mấy ông xem xong, không hiểu nguyên do, liền hỏi Vương Tam Lão “diệt lửa đuổi ôn” nghĩa là làm sao.

Vương Tam Lão nói:

“Năm nọ nơi này có một trận ôn dịch hoành hành, truyền nhiễm rất dữ, ai cũng kinh hoàng. Bỗng có một vị đạo trưởng áo vàng vẽ bùa linh bằng son đỏ đem cho thôn này miễn phí. Dân trong thôn nhận được bùa linh, dán trước cửa, thì ôn dịch dần dần hết.

Lại nghe người ta đồn, chợ Hàm Dương có lần bị một trận hỏa hoạn lớn lắm, không dập tắt được. Bỗng thấy một vị đạo trưởng áo vàng từ quán rượu đi ra, tay cầm nửa chung rượu, uống một ngụm, rồi phun về phía đám cháy, lửa liền tắt.

Dân ở chợ cảm tạ công ông cứu hỏa, đều đến hỏi tên, thì ông đáp: Ba ngang một dọc là họ, ba kẻ sĩ mở miệng là tên. Nói xong, ông nhẹ bước đi, chớp mắt chẳng thấy đâu. Sau có người giải nghĩa: Ba nét ngang 三 với một nét sổ dọc là chữ Vương 王, ba kẻ sĩ mở miệng là ba chữ sĩ 士 trên ba chữ khẩu 口, tức là chữ Triết 嚞.

Lời đồn này lan tới thôn chúng tôi, mới biết anh Vương Triết thành Tiên rồi. Trong họ chúng tôi có một bà, thiên hạ hay gọi là má Vương, là chị dâu của ảnh, lúc lâm chung, chị nói: ‘Chú Hiếu Liêm mặc áo vàng tới đưa tôi đi.’ Bởi vậy, dân hai thôn nam bắc cảm ơn ảnh phù hộ, cùng nhau lập ra cái miếu này đền đáp ân đức của ảnh. Vách trái có treo tấm bảng gỗ ghi chép lại việc này, mấy chú đọc thì biết.”

Khưu Xứ Cơ và các sư huynh bước lại vách trái, đọc rằng: “Phàm ai lao khổ vì nước thì phải được thờ; ai có công đức với dân thì phải được thờ. Thôn chúng tôi có ông Vương Triết là bậc dị nhân, thuở nhỏ đọc sách, lúc lớn tập võ nghệ. Sau khi thi đậu Hiếu Liêm, ông giả vờ bị trúng gió á khẩu, chẳng ai biết ông động tĩnh thế nào. Ông dưỡng bệnh mười hai năm, không bước ra khỏi cửa. Bỗng một hôm ông biến mất, không ai biết đi đâu, tìm khắp nơi cũng chẳng thấy tông tích. Về sau trong thôn xảy ra bệnh ôn dịch, ông cho bùa cứu người tránh bệnh, bảo toàn tính mệnh cho rất nhiều người. Dân trong thôn đều mang ân đức của ông. Lại nữa, ở chợ Hàm Dương có đám cháy lớn, ông phun rượu dập tắt lửa, rồi để câu đố tiết lộ tên mình. Ông còn độ cho chị dâu lên trời, và phù hộ cho thôn dân nhiều phước. Ông không quên thôn xóm, thì người trong thôn xóm lẽ nào phụ ông? Đã vậy, ông còn có công đức diệt lửa trừ ôn, thôn dân phải thờ ông. Cho nên thôn dân mới hội họp bàn bạc lập nên ngôi miếu này và tạc tượng ông, hằng năm nhang khói cúng tế, để đền đáp ân đức của ông vậy.”

Các ông đọc xong, than: “Thầy chúng mình thần cơ khó biết, biến hóa vô cùng, chúng mình không biết nổi.”

Lại thấy Vương Lão Tam ghé tai một đứa ở, không biết dặn dò điều gì. Đứa ở gật đầu rồi đi. Lát sau nó cùng với một thanh niên đem một giỏ cơm tới mời các ông ăn. Các ông liền cảm ơn.

Vương Tam Lão nói: “Mấy chú em nhọc công đưa linh cữu của anh họ tôi về quê, lại còn đến hỏi thăm nhà cửa. Không có gì ngon để khoản đãi, chỉ có bữa cơm xoàng này. Có đáng gì đâu mà cám ơn.”

Các ông nghe Vương Tam Lão nói vậy, liền ngồi lại ăn cơm.

Đêm đó họ ngủ tại trong miễu. Nhiều người tới hỏi thăm. Hôm sau, trời gần sáng có bảy tám nhà cho người đưa cơm mời mấy ông ăn. Các ông chỉ mấy người, ăn sao cho hết, nên dùng của mỗi nhà một chút để lấy thảo thôi.

Lưu Xứ Huyền nói với các anh em rằng: “Lộ phí anh Mã đưa cho, còn dư hơn mười lượng. Nay nên đưa cho Tam Lão để tu sửa miếu của thầy.”

Các ông nghe vậy khen hay, đồng lòng lấy tiền đưa cho Tam Lão.

Các ông đưa tiền cho Tam Lão rồi vái chào ra đi. Rời khỏi thôn Đại Ngụy, đi hơn mười dặm, thấy một cây lớn, cả bọn liền đến ngồi nghỉ chân.

Đàm Xứ Đoan nói: “Chúng ta đưa thầy về Thiểm Tây, việc lớn xong rồi. Nay trở lại Sơn Đông, chẳng qua làm tốn cơm và tiền bạc của anh Mã mà thôi. Người đời thường nói có bữa tiệc nào chẳng tàn. Lại nói đạo chẳng luyến tình, luyến tình chẳng phải đạo. Đi lâu trên đường, lẽ nào chẳng nghe nói ba người thành đoàn, năm người kết đảng? Như vậy dễ bị dị nghị. Chi bằng anh em ta mỗi người một phương cho có tự do.”

Các ông kia nghe vậy nói: “Anh nói đúng lắm.”

Thế là Lưu Xứ Huyền đi hướng đông nam. Vương Xứ Nhất đi hướng tây nam. Đàm Xứ Đoan đi hướng nam. Hác Đại Thông đi hướng đông. Khưu Xứ Cơ thấy các sư huynh đi hết rồi, mà ông không biết đi đâu, thôi đành ở lại Thiểm Tây xin ăn qua ngày để chí tâm tu hành vậy.

Riêng nói về Hác Đại Thông đi tới đất Tấn, thấy một cái cầu đá, chân cầu có tám chín cái hang tự nhiên. Đến mùa thu và mùa đông, nước sông cạn, thường có dân nghèo tỵ nạn, vào ở trong mấy cái hang này.

Hác Đại Thông thấy chân cầu cũng sạch sẽ. Đang mùa sông cạn nước, ông liền xuống chân cầu ngồi tĩnh tọa. Lúc đầu không ai biết, nên cũng được thanh tĩnh. Về sau dần dần nhiều người biết, nên ông rước phiền nhiễu.

Ông cảm động dân chúng ở xung quanh. Họ thấy ông ngồi tĩnh tọa suốt ngày nên biết là người tu hành. Cho nên họ thường mang bánh mì hấp cho ăn. Ăn không hết, ông để bánh dư trước mặt. Lũ quạ bay tới mổ mỗi con một miếng bay đi, có miếng rơi xuống nước, có miếng rơi trên đường.

Vài đứa trẻ nhặt bánh rơi ăn, lần theo dấu vết và nô giỡn tới chỗ Hác Đại Thông. Thấy ông ngồi bất động, y như tượng đất, chúng xem ông như bồ tát, muốn làm cái miếu thờ, nên nhặt gạch đá chất thành hai hàng cao như vách tường ở hai bên chỗ ông ngồi. Rồi chúng lấy cành cây và lá cây che bên trên làm mái. Mỗi ngày chúng ăn cơm nhà xong rồi, hẹn nhau tới thẳng chân cầu, vái lạy Hác Đại Thông, chơi giỡn, cười huyên náo, ầm ĩ không dứt.

Hác Đại Thông là người có hàm dưỡng, không hề để ý chúng, mặc kệ chúng nhảy nhót la hét cười giỡn. Đây cũng là trường hợp giữ được tĩnh trong cái náo động, cũng chẳng phải vô ích vậy.

Ngày nọ, thôn trước mặt tổ chức lễ hội Quan Âm Liên Đài (đài sen Quan Âm). Mấy đứa trẻ chạy đi xem hội, nên ngày này thật yên tĩnh. Bỗng Hác Đại Thông thấy một người mài cục gạch, xong đưa lên soi mặt, rồi mài, rồi soi, cứ vậy hoài mấy chục lần. Mài mòn hết cục gạch này thì lấy cục khác mài tiếp.

Hác Đại Thông thấy người đó mài được nửa ngày rồi, nghĩ rằng ông ta muốn mài gạch để làm vật dụng gì đó. Nhưng thấy ông ta cứ mài gạch thành bùn rồi lấy cục khác mài tiếp, sợ ông ta uổng phí công phu, nên Hác Đại Thông muốn chỉ giáo mấy lời.

Ông bước tới người mài gạch hỏi: “Ông mài gạch chắc là muốn làm cái chi đó phải không?”

Người ấy đáp: “Đúng vậy.”

Hác Đại Thông nói: “Ông muốn làm cái chi, trước tiên phải định chắc trong tâm. Chỗ cao sửa bằng, chỗ vuông sửa tròn, y theo quy củ thì mới tạo thành đồ vật tinh xảo được. Nay ông chẳng theo phép tắc, mài tới mài lui lung tung, sao thành công được? Rốt cuộc ông muốn mài gạch làm cái gì?”

Người ấy đáp: “Tôi muốn mài cục gạch cho bóng láng, làm cái gương soi, sớm chiều tự soi mặt mình.”

Hác Đại Thông nghe vậy cười nói: “Gạch ngói làm từ đất, đâu phải bằng đồng bằng thiếc, sao có thể mài cho bóng láng làm gương soi cho được?”

Người ấy cũng cười nói: “Theo như ông nói, tôi mài gạch không thể làm gương soi được. Còn ông ngồi sao có thể thành Tiên được? Ngồi chết khô như vậy, có khác gì tôi mài gạch đâu?” (4)

Hác Đại Thông nghe vậy, giật mình kinh sợ, lật đật đến trước mặt người ấy, ý muốn xin được chỉ dạy. Nhưng người đó đã nhẹ bước đi rồi, nên không nói chuyện với ông ta được. Hác Đại Thông biết là bậc dị nhân đến đây chỉ điểm cho mình rằng ngồi chết khô thật là vô ích. Nghĩ rồi, ông thu thập hành lý, rời bỏ cầu Tấn An, nhắm hướng U Yến mà đi.

Có bài thơ rằng:

Gạch mài làm kính uổng công phu
Tĩnh tọa mình ên khí hóa khô
Hai việc đều làm hao phí sức
Một lời thức tỉnh phá mê đồ.(5)

Tạm ngưng chuyện của Hác Đại Thông.

Nói về Đàm Xứ Đoan đi về hướng nam. Ngày nọ đi tới đất Tùy Châu, trời đã về chiều, chẳng thấy ngôi miếu cổ nào để nghỉ qua đêm, cũng chẳng thấy quán trọ chi hết. Chỉ thấy một gia trang, phòng ốc rất nhiều, ông muốn tới xin tá túc, nhân tiện xin bữa cơm chay. Ông bước tới cổng, chợt có người từ trong đi ra, có dáng vẻ như chủ nhà. Người này họ Cố, tên là Túc Thành, hiệu là Dụ Phong. Năm xưa ông cũng từng là người mộ đạo, nhưng bị mấy người đội lốt tu hành, giả bộ như thần tiên, mấy lần lừa ông tiền bạc. Cho nên thấy đạo sĩ là ông ghét lắm, đúng là người trước làm hại người sau.

Nói về Cố Dụ Phong thấy Đàm Xứ Đoan tới trước cổng gia trang, liền la lớn rằng: “Thôi thôi đạo trưởng đừng tới đây. Tôi với Phật và Đạo chẳng có duyên đâu!”

Đàm Xứ Đoan thấy Cố Dụ Phong nói vậy, liền muốn khai thị cho ông ta. Chẳng biết Đàm Xứ Đoan có khai thị được cho Cố Dụ Phong hay không. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Muốn được người khác tin phục mình
Nên đem việc mình tin phục người.(6)


PHỤ LỤC: MÀI GẠCH LÀM GƯƠNG



Đối đáp giữa Hác Đại Thông với người mài gạch tương đồng một giai thoại về đại đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng là Hoài Nhượng (677-744), chép trong Cổ Tôn Túc Ngữ Lục, quyển 1, như sau:

Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) tu ở Truyền Pháp Viện trên núi Nam Nhạc, một mình ngụ trong một cái am, chỉ luyện ngồi thiền. Hễ ai ghé thăm, ông đều chẳng màng. [...]

Ngày nọ, Hoài Nhượng lấy viên gạch mài trước cửa am của Mã Tổ, Mã Tổ cũng không quan tâm.

Một hồi lâu, Mã Tổ bèn hỏi: “Ông làm gì thế?”

Hoài Nhượng đáp: “Mài gạch để thành gương soi.”

Mã Tổ hỏi: “Mài gạch lẽ nào thành gương soi cho được?”

Hoài Nhượng đáp: “Nếu không thể mài gạch để thành gương soi, lẽ nào ngồi thiền có thể thành Phật?” (7)

Chú thích:

Mã Tổ Đạo Nhất (709-788, hoặc 707-786) là đệ tử của Nam Nhạc Hoài Nhượng. Mã Tổ lập phái Thiền ở Giang Tây, nên ông còn được gọi là Giang Tây Đạo Nhất. Nhiều đệ tử của Mã Tổ là người Triều Tiên.

Hoài Nhượng xuất gia năm mười lăm tuổi, là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng. Năm 714, Hoài Nhượng đến tu ở núi Nam Nhạc. Suốt ba mươi năm ở đây, ông rất nổi tiếng và phái thiền của ông được gọi là thiền Nam Nhạc. Trong các đại đệ tử của ông, nổi bật là Mã Tổ Đạo Nhất và Thanh Nguyên Hành Tư.



CHÚ THÍCH:

1.
大 魏 村 三 老 談 往 事 — Đại Ngụy thôn Tam Lão đàm vãng sự
晉 安 橋 一 言 指 迷 途 — Tấn An kiều nhất ngôn chỉ mê đồ.

2.
萬 轉 身 如 不 動 舟 — Vạn chuyển thân như bất động chu
風 翻 浪 湧 便 難 收 — Phong phiên lãng dũng tiện nan thu
臨 流 執 定 篙 和 舵 — Lâm lưu chấp định cao hòa đá [đà]
一 路 輕 帆 到 岸 頭 — Nhất lộ khinh phàm đáo ngạn đầu.

3. 顯 道 術 於 咸 陽 , 噀 酒 滅 火 / 垂 恩 光 於 故 里 , 施 符 驅 瘟
Hiển đạo thuật ư Hàm Dương, tốn tửu diệt hỏa
Thùy ân quang ư cố lý, thi phù khu ôn.

4. Xem phụ lục về mài gạch làm gương ở cuối Hồi Thứ Mười Sáu.

5.
磨磚 枉 自 用 工 夫 — Ma chuyên uổng tự dụng công phu
靜 坐 孤 修 氣 轉 枯 — Tĩnh tọa cô tu khí chuyển khô
兩 下 俱 為 費 力 事 — Lưỡng hạ câu vi phí lực sự
一 言 提 醒 破 迷 途 — Nhất ngôn đề tỉnh phá mê đồ.

6.
欲 要 別 人 信 服 我 — Dục yêu biệt nhân tín phục ngã
須 將 我 事 信 服 人 — Tu tương ngã sự tín phục nhân.

7. 馬 祖 居 南 嶽 傳 法 院, 獨 處 一 庵, 惟 習 坐 禪, 凡 有 來 訪 者 都 不 顧 […] (師) 一 日 將 磚 於 庵 前 磨, 馬 祖 亦 不 顧. 時 既 久, 乃 問 曰: ‘作 什 么?’ 師 云: ‘磨 作 鏡.’馬 祖 云: ‘磨 磚 豈 能 成 鏡?’ 師 云:‘磨 磚 既 不 成 鏡, 坐 禪 豈 能 成 佛?’

Mã Tổ cư Nam Nhạc Truyền Pháp Viện, độc xử nhất am, duy tập tọa thiền, phàm hữu lai phỏng giả đô bất cố. [...] (Sư) nhất nhật tương chuyên ư am tiền ma, Mã Tổ diệc bất cố. Thời ký cửu, nãi vấn viết: “Tác thập ma?” Sư vân: “Ma tác kính.” Mã Tổ vân: “Ma chuyên khởi năng thành kính?” Sư vân: “Ma chuyên ký bất thành kính, tọa thiền khởi năng thành Phật?”