Cho thấy hóa tiên, thầy quy ẩn
Đưa tiễn quan tài, trò nhọc lao.(1)
Có bài thơ rằng:
Lá phan gió động phải đâu chân (2)
Bản tính sáng tròn ấy pháp thân
Cười mỉm cùng hoa ai hiểu ý (3)
Về sau không chỗ lấm bụi trần.(4)
Nói về Vương Trùng Dương thấy những người học đạo trở lại tụ tập đông đúc như xưa, nhìn kỹ bọn họ, thấy chẳng ai có lòng thành học đạo, chẳng qua là một bọn giả danh tu hành thôi. Họ muốn tỏ ra cho mọi người thấy họ là người tu hành ngộ đạo, chứ thật ra họ chẳng có chút ý niệm gì về đạo.
Vương Trùng Dương nghĩ, nếu không tống cổ bọn này đi, để lâu chúng lấy hư dối làm rối loạn chân thật, khiến cửa đạo pháp không còn thanh tĩnh nữa.
Vương Trùng Dương nghĩ ra một diệu kế, gật gù đắc ý. Bỗng nhiên ông gào lớn: “Không hay! Không hay!”
Môn nhân kinh sợ, chạy lại hỏi thăm. Thầy Vương nói: “Ta không nên ra khỏi cửa nữa. Vừa rồi trên đường đi ta bị trúng khí nóng ẩm thấp, nên tim ta kết uất, mình ta nổi mụn.”
Ông cởi áo cho đệ tử xem, quả nhiên chỗ tim sưng phù lên, toàn thân nổi mụn. Hoảng hốt, Mã Đan Dương và các đệ tử Khưu Xứ Cơ, Lưu Xứ Huyền, v.v… vội chạy tìm thầy kiếm thuốc. Vài danh y được mời đến, cho uống mấy thang thuốc hay mà thầy Vương chẳng khỏi bệnh.
Hai ngày sau, các mụn vỡ ra, mủ chảy đầm đìa, hôi thối không chịu nổi. Bọn đội lốt tu hành lén bàn nhau: “Thầy Vương chắc là không có đạo rồi. Thân ổng mà ổng còn không tự bảo vệ được, thì làm sao mà độ được người khác? Có bệnh mà không trị hết được, sao thành thần tiên? Bọn mình mau về nhà cho rồi, kẻo lầm việc lớn.”
Bàn xong, từng người một lén rút lui. Không đầy hai ngày, bọn họ đi sạch bách. Chỉ còn sáu người đêm ngày phục dịch thầy: Khưu Xứ Cơ, Lưu Xứ Huyền, Đàm Xứ Đoan, Mã Đan Dương, Hác Đại Thông, Vương Xứ Nhất.
Vương Trùng Dương thấy bọn đội lốt tu hành rút êm hết rồi, bèn gọi sáu đệ tử lại dặn dò: “Ngày mai giờ Ngọ ta chết. Từ lúc tới đây, ta lấy tiền bạc của Mã Ngọc cứu trợ người nghèo khổ, giúp người mai táng, cưới vợ lấy chồng, lại còn lo dựng vợ gả chồng cho bọn tôi tớ, mọi sính lễ và chi tiêu làm tốn kém rất nhiều. Rồi cung dưỡng những kẻ tới đây học đạo nữa. Một hai năm nay, tiền bạc dùng hết. Tủ đựng tiền trống rỗng. Sau khi ta chết, nếu lo tang sự, ắt phải bán ruộng đất. Nghe lời ta dặn, đừng xài phí tiền bạc. Ngay cả lúc ta chết, cũng đừng than khóc, đừng cúng kiếng để tang. Chỉ cần lấy vài tấm ván mỏng, chứa cái túi da hôi hám này. Rồi năm đệ tử Khưu Xứ Cơ, Lưu Xứ Huyền, Vương Xứ Nhất, Đàm Xứ Đoan, Hác Đại Thông thay phiên khiêng ta về Thiểm Tây, huyện Sư, dưới chân núi Chung Nam. Khiêng đi, đến chỗ nào dây đứt thì chôn ta chỗ đó. Chớ có làm sai. Nếu trái lời ta, ta ắt không yên.”
Các đệ tử nghe dặn dò, sụt sùi chực khóc. Vương Trùng Dương rầy: “Chớ có thái độ của bọn đàn bà con nít.”
Tuy thầy dặn dò như vậy, nhưng sáu đệ tử không nén được đau buồn.
Đến giờ Ngọ hôm sau, Vương Trùng Dương mặc đạo phục, đội mão tề chỉnh, ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn, gọi sáu đệ tử tới gần, rồi dạy:
“Phép tính mệnh song tu phải có đủ trong và ngoài. Khuyết ngoại công thì đức hạnh không vẹn toàn, khuyết nội công thì bản nguyên không trong trẻo.
Về ngoại công, tâm phải chân thành. Lời nói cẩn thận, thì lời nói có công. Hành động cẩn thận, thì hành động có công. Mọi việc không cẩu thả. Chẳng phải công tự tích lại, mà là do mình làm thôi.
Về nội công, phải tỉnh táo, đừng để tối tăm. Phòng ngừa cái ý như phòng hiểm nguy cho thành lũy. Giữ trống không chẳng vướng một vật. Giữ tâm phải nghiêm hơn giữ thân. Lúc đó ranh giới giữa Trời và người rất ít. Trời và người trong hội giao chiến vậy.
Ta nói thêm về nội công: nội công không thể kiến sắc, không thể cầu tướng, không thể cầu may, không thể cẩu thả. Quét sạch một chút sắc tướng thì có một chút dương sinh. Quét sạch vô số sắc tướng thì có vô số dương sinh. Sắc tướng quét sạch, không còn dây mơ rễ má, thì thể sẽ thuần dương.
Nhiều người tu hành chẳng phải lòng tin không kiên cố, nhưng tệ ở chỗ nôn nóng muốn mau thành. Công phu chưa đạt, liền nghĩ tới chứng quả.
Lại có nhiều kẻ tu tập đạo của ta chẳng phải có ý lần khân, nhưng tệ ở chỗ an nhàn. Ngày ngày lừ đừ muốn ngủ, giờ giờ buồn bực chẳng vui. Tinh thần không phấn chấn, khó khăn hành trì, không chịu dụng công. Lẽ nào chẳng biết rằng một nghề tinh thông, dùng tận vô hạn tâm cơ? Như vậy mới tùy tâm ra tay ứng phó. Nửa sợi tơ mà hao phí nhiều khí lực thì mới xứng lòng đủ ý. Lẽ nào học làm Thần Tiên mà không khổ công sao?”
Vương Trùng Dương nói xong, lấy ra một quyển sách chính ông viết, nhan đề Thao Quang Tập (tập sách nói về che bớt ánh sáng), trong có dạy đạo hối tích (làm mờ dấu tích) (5) và sự huyền diệu của ẩn dật, rồi đưa cho Mã Đan Dương, dặn dò: “Sáu người các ngươi phải nghiên cứu lý sâu trong đó. Biết không khó, thực hành mới khó. Nên phải cố gắng thực hành nó, thì mới không phụ lòng ta. Đạo hữu Tôn Bất Nhị đạo quả đã chín muồi, ngươi chớ lo nghĩ chi. Chỉ có Khưu Xứ Cơ công hành rất ít, ngươi phải dạy thêm cho hắn. Lưu Xứ Huyền chưa dứt sạch sắc tướng, lại còn chút nạn ba đào. Hác Đại Thông đi đông trở lại tây, chỗ thấy là chỗ liễu đạo. Đàm Xứ Đoan gặp Cố mà thông huyền. Vương Xứ Nhất gặp Diêu mà nhập diệu. Khưu Xứ Cơ thạch bàn bên suối khổ căn hết tận. Rồng bay trên cửa, đại đan thành!”
Vương Trùng Dương nói xong, cười một tiếng rồi đi. Sáu đệ tử nhớ lời dặn của thầy, không dám khóc lóc, cứ theo phép mà liệm. Rồi dùng dây thừng cột quan tài, tìm một cây đòn dài và hai cây đòn ngang, đợi sáng sớm ngày mai thì bốn người Khưu Xứ Cơ, Vương Xứ Nhất, Đàm Xứ Đoan, Hác Đại Thông sẽ khiêng đi.
Sáng sớm, bốn người đi trước, Lưu Xứ Huyền lưng mang hành lý đi sau. Mã Đan Dương đưa tiễn hơn hai mươi dặm. Lúc chia tay, ông lấy một gói bạc vụn chừng bốn năm chục lượng, đưa Lưu Xứ Huyền và nói: “Tiền bạc trong nhà, thầy đã dùng hết vào việc tốt. Nhất thời xoay không ra. Chỉ còn chút bạc vụn này, anh cầm làm lộ phí, trên đường dè sẻn một chút thì được. Chôn thầy xong rồi thì gấp trở về đây, cùng nhau tu hành.”
Lưu Xứ Huyền cầm gói bạc, chia tay Mã Đan Dương. Họ đi chừng vài dặm, thấy nhiều người mang nhang đèn ra cúng tế. Lưu Xứ Huyền lại gần để xem thì ra họ là đám giả tu, từng học đạo của thầy. Lưu Xứ Huyền liền tạ lễ.
Nào ngờ Vương Trùng Dương lúc sống vốn ghét bọn giả tu, nay ông tuy mất rồi, mà chân linh chưa muội, nên từ quan tài hơi thối xì ra. Bọn giả tu ai cũng bịt mũi, muốn ói, đứng không vững, lạy vài cái loạn xạ rồi bỏ chạy hết. Bọn họ chạy hết rồi thì mùi hôi thối liền dứt.
Bốn đệ tử khiêng quan tài đi về hướng tây. Đi gần mười dặm, có người mang cơm ra mời ăn. Năm ông nghĩ đó là người quen với thầy, nay nghe thầy quy thiên nên đem cơm mời ăn, cũng là tình người lẽ thường, chẳng chi lạ, vội đặt quan tài xuống để ăn cơm. Ăn xong, tạ ơn, rồi khiêng đi tiếp.
Đi không lâu, thấy ven đường có ngôi miếu cổ, mà khiêng quan tài không nổi, nên họ đưa vào miếu để tạm, và tá túc qua đêm ở miếu. Hửng sáng hôm sau, họ khiêng đi tiếp. Đi tới giờ cơm sáng, bỗng thấy có người đưa cơm mời ăn. Rồi khiêng đi tới giờ trưa cũng có người mang cơm đến mời ăn. Đi đến chiều tối thì cũng dừng nghỉ ngơi ở một ngôi miếu hoang. Đi như vậy hơn một tháng, gần đến biên giới Thiểm Tây.
Khưu Xứ Cơ thầm nghĩ đến sự việc đã xảy ra, thấy rất lạ. Giữa trời đất sao có chuyện trùng hợp quá vậy. Như ở chỗ gần, thì cho là người quen của thầy hay tin thầy mất mà ra lạy và đưa cơm tận tình. Còn nay đi rất xa rồi, mà vẫn có người ra đưa cơm. Việc này thật là quái lạ, phải tìm hỏi duyên cớ mới được. Lòng thầm định vậy rồi. Đi đến giờ Ngọ, cũng có người mang cơm tới mời ăn. Các ông cám ơn rồi ăn.
Khưu Xứ Cơ liền hỏi người mang cơm rằng: “Anh làm sao biết được chúng tôi tới đây mà mang cơm cho ăn? Có duyên cớ gì chăng?”
Người ấy đáp: “Hồi sáng sớm có một lão đạo trưởng mặc áo đạo màu vàng vô xóm tôi nói rằng ông có năm học trò từ Sơn Đông khiêng quan tài đi ngang đây, nên muốn làm phiền gia chủ một bữa cơm cho các đệ tử. Chủ tôi là người thích làm lành, nghe nói vậy liền sai tôi tới đây đưa cơm.”
Khưu Xứ Cơ nghe vậy, ghi nhớ liền. Sáng hôm sau, tới giờ cơm, Khưu Xứ Cơ giả bộ đau bụng, muốn vào xóm phía trước xin chén nước nóng uống. Ông nhờ Lưu Xứ Huyền khiêng quan tài giúp. Lưu Xứ Huyền bằng lòng, bèn đưa hành lý cho Khưu Xứ Cơ vác. Khưu Xứ Cơ vác hành lý ba chân bốn cẳng chạy lên trước vài dặm, quả nhiên thấy một ông lão mặc áo đạo màu vàng rất giống thầy mình, đang đi vào xóm.
Khưu Xứ Cơ chạy nhanh tới, bắt kịp, liền quỳ xuống, một tay nắm áo đạo của vị đó và nói: “Xin thầy chậm bước, có đệ tử đến hầu.”
Vương Trùng Dương quay lại, giận dữ mắng: “Ngươi đúng là đồ tạo nghiệp, chẳng biết lẽ doanh hư tiêu tức (đầy vơi tăng giảm) của trời đất và đạo hối tích (làm mờ dấu tích). Ngu muội tỏ vẻ lanh xảo, tiết lậu thiên cơ. Ngày sau phải mất ba năm dùng công trừ ma chướng. Đó là tự mình chuốc họa vào thân.”
Nói xong, Vương Trùng Dương hóa thành gió đi mất.
Khưu Xứ Cơ hối hận lắm, kịp thấy linh cữu đi tới, nên ông lật đật đến đổi tay khiêng với Lưu Xứ Huyền. Từ đó trở đi, không ai mang cơm đến mời ăn nữa. Cũng may có chút lộ phí Mã Đan Dương đưa cho, nếu không thì cả bọn khó tránh được chết đói.
Đi thêm nửa tháng, họ đến huyện Sư, chân núi Chung Nam, bỗng dưng các dây đều đứt, linh cữu rơi xuống đất. Khưu Xứ Cơ thấy xóm trước mặt có một ông lão đứng nhìn.
Khưu Xứ Cơ liền đi tới vái chào, chưa kịp mở miệng, thì ông lão hỏi rằng: “Mấy người có phải từ Sơn Đông khiêng linh cữu về đây chăng?”
Khưu Xứ Cơ đáp: “Dạ phải, sao cụ lại biết?”
Ông lão nói: “Tối qua tôi nằm chiêm bao, thấy ông Vương Hiếu Liêm nói ổng đã chết rồi. Có năm đệ tử của ổng khiêng linh cữu từ Sơn Đông về đây. Ông Vương muốn xin tôi một cái huyệt để chôn. Tôi nhớ ngày xưa cùng với ổng thi cử chốn tỉnh thành. Hai chúng tôi là chỗ tâm giao, nghe ổng nói là tôi bằng lòng ngay. Tôi lại hỏi mấy giờ thì chôn. Ổng nói là giờ Ngọ hôm nay. Tôi tỉnh dậy, mới biết là chiêm bao. Nửa tin nửa ngờ, mấy lần đi ra chỗ này trông ngóng. Giờ mới thấy mấy người khiêng linh cữu tới và thấy nó rơi xuống đất nhà tôi.”
Khưu Xứ Cơ kể cho ông lão nghe rằng thầy Vương dặn hễ khiêng tới chỗ nào mà dây đứt, thì chôn thầy chỗ đó. Ông lão rất mừng, liền gọi mấy trai tráng trong nhà mang cuốc xẻng ra đào huyệt.
Họ dời linh cữu qua một bên, rồi đào ngay chỗ linh cữu rơi. Xong cái huyệt thì an táng. Chẳng mấy chốc, họ đắp thành một ngôi mộ lớn. Năm người vái tạ ông lão và mấy trai tráng lao nhọc. Ông lão cũng mời năm người về nhà dùng cơm chay. Cơm nước xong, năm người từ giã ông lão và hỏi thăm đường tới thôn Đại Ngụy. Mọi người chắp tay vái chào rồi đi. Không biết lần đi này thế nào. Hồi sau sẽ phân giải.
Quả thật:
Đưa thầy về tây, xong việc lớn
Tìm đạo sang đông, thành đạo chân.(6)
CHÚ THÍCH:
1.
示 羽 化 先 生 歸 隱 — Thị vũ hóa (*) tiên sinh quy ẩn
送 靈 櫬 門 人 服 勞 — Tống linh sấn môn nhân phục lao.
(*) Vũ hóa: Đạo sĩ và người tu tiên được gọi là vũ y, khi thành tiên gọi là vũ hóa.
2. Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Tựa, chép rằng hai ông sư cãi nhau về phướn và gió. Một ông nói lá phướn động, ông kia nói gió động. Lục Tổ Huệ Năng (638-713) liền nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà tâm các ông động.”
3. Đức Phật đưa đóa hoa lên (niêm hoa) và Ca Diếp mỉm cười (vi tiếu). Câu này ám chỉ pháp môn lấy tâm truyền tâm của Thiền Tông.
4.
風 幡 動 處 原 非 真 — Phong phan động xứ nguyên phi chân
本 性 圓 明 是 法 身 — Bản tính viên minh thị pháp thân
解 得 拈 花 微 笑 意 — Giải đắc niêm hoa vi tiếu ý
後 來 無 處 著 纖 塵 — Hậu lai vô xứ trước tiêm trần.
5. Chủ trương của thánh nhân là: Che bớt ánh sáng làm mờ dấu tích, che giấu vẻ thánh, làm lộ nét phàm. 韜 光 晦 跡 , 隱 聖 顯 凡 .Thao quang hối tích, ẩn thánh hiển phàm.
6.
送 師 西 歸 大 事 畢 — Tống sư tây quy đại sự tất
訪 道 東 行 真 道 成 — Phỏng đạo đông hành chân đạo thành.