Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ mười bốn

Thử tâm phàm, thầy lắm phen trách mắng
Thuận ý thầy, trò liền chịu quy y.(1)

Có bài thơ rằng:

Khử ác như là gỡ mối tơ
Linh tâm tự mở, đúng ngày giờ
Nếu dùng sức mọn làm sai nó
Muôn kiếp ngàn đời vẫn rối bời.(2)

Nói về Mã Đan Dương gọi Khưu Xứ Cơ quay lại, nói rằng: “Thầy và các sư huynh đều mặc đạo phục, thì mới đi xa được. Còn bộ dạng của anh, ăn mặc theo phàm tục, làm sao đi theo thầy được? Tôi có đạo phục đây, anh lấy mặc vào, rồi hãy đi.”

Khưu Xứ Cơ nghe vậy mừng lắm, liền mặc đạo phục vào, lại còn lấy bồ đoàn và vài vật dụng của Mã Đan Dương mang theo.

Khưu Xứ Cơ chạy theo được một hồi thì thấy bóng các anh cùng với thầy. Khưu Xứ Cơ thấy trong xóm có người nấu cơm sáng, thầm nghĩ mọi người ra đi sớm, đều chưa ăn sáng, nên muốn vào xóm xin cơm chay để cúng dường thầy.

Tuy nhiên xưa nay ông chưa từng hóa duyên, không biết cách thức làm sao. Ông bèn ôm bình bát đứng đại ở cửa một căn nhà. Có con chó vàng chạy ra sủa. Người trong nhà nọ bước ra, ngó thấy vậy, bước trở vô, rồi mang ra một bát cơm đầy đổ vào bình bát của ông. Khưu Xứ Cơ mừng lắm, đi thêm xin hai nhà nữa, bình bát đầy, ông vội chạy theo thầy.

Nói về Vương Trùng Dương đi hồi lâu, đến một cây đại thụ, bèn ngồi nghỉ chân. Ông hỏi các đệ tử có mang lộ phí theo không. Lưu Xứ Huyền cười nói: “Vì hồi sáng thầy đi gấp quá, chúng con chưa kịp hỏi anh Mã về lộ phí.”

Vương Trùng Dương nói: “Vậy các ngươi đi xin cơm. Ta ở đây chờ.”

Bốn đệ tử nghe vậy, ôm bình bát đi vào xóm xin cơm. Thầy Vương ngồi một mình ở gốc cây, bỗng thấy Khưu Xứ Cơ chạy tới, ôm bình bát đầy cơm mời thầy ăn.

Thầy Vương giận mắng: “Ai bảo ngươi đi theo quấy nhiễu ta? Ta không dùng cơm của ngươi đâu!”

Khưu Xứ Cơ hai ba lần mời mọc, thầy Vương vẫn không màng. Một lát sau, bốn đệ tử xin cơm trở lại, thầy Vương liền dùng cơm họ mới xin.

Ăn cơm xong, mọi người đứng dậy, đi thêm hơn mười dặm nữa, trời chiều dần tối. Thấy bên đường có cái miếu hoang, tất cả bước vào, dọn dẹp sạch sẽ, rồi trải bồ đoàn, tĩnh tọa suốt đêm.

Sáng hôm sau, sáu thầy trò lên đường. Khưu Xứ Cơ đi phía sau, xin cơm dọc đường, gặp một chủ nhà tử tế, mời vào dùng cơm luôn.

Khưu Xứ Cơ nói: “Tôi có thầy đi đàng trước. Thầy chưa ăn, tôi không dám ăn.”

Chủ nhà nói: “Không sao đâu. Ông cứ dùng cơm. Tôi chừa riêng cho thầy ông một phần cơm chay thanh khiết, lát nữa ông mang dâng cho thầy ông ăn cũng không trễ.”

Khưu Xứ Cơ nghe nói thấy cũng có lý, bèn ngồi ăn no bụng. Rồi ông đứng dậy cám ơn chủ nhà, ôm bình bát đầy cơm chạy theo thầy. Thấy thầy Vương đi cách đó không xa lắm, ông gọi: “Thầy đi chậm lại, con dâng cơm thầy dùng!”

Vương Trùng Dương giả bộ không nghe, cứ đi thẳng tới. Khưu Xứ Cơ ba chân bốn cẳng chạy theo, bắt kịp thầy, liền dâng cơm mời thầy ăn.

Thầy Vương nhìn cơm nói rằng: Đó là cơm của một nhà. Ta có công lao gì mà ăn. Ngươi chẳng nghe hay sao:

Bình bát cơm ngàn nhà
Thân côi muôn dặm xa.(3)

Khưu Xứ Cơ nghe vậy, làm thinh. Chớp mắt, Vương Trùng Dương đã đi trước rồi. Xứ Cơ muốn đem cơm trả lại chủ nhà, mà đã đi quá xa không trở lại được; muốn ăn, nhưng bụng đã no. Không biết tính sao, ông bèn ôm bình bát đi theo sau, ôm riết mỏi tay, mồ hôi đầy mình.

Một hồi ông thấy thầy Vương và bốn sư huynh ngồi trên tảng đá dùng cơm do các sư huynh đi xin. May thay họ xin cơm ít, nên Khưu Xứ Cơ mang cơm tới thì họ chia nhau ăn thêm cũng hết.

Đêm đó thầy trò dừng chân ở một ngôi miếu cổ. Khưu Xứ Cơ thầm nghĩ, thầy mình là người Thiểm Tây, không thích ăn cơm, mà thích ăn bánh mì hấp. Ông quyết định ngày mai đi xin mấy cái bánh dâng thầy ăn.

Sáng hôm sau, quả nhiên xin được vài cái bánh hấp, ông dâng thầy. Vương Trùng Dương giận mắng: “Ta vốn không ăn thức ăn của ngươi. Ngươi cứ quấy ta mãi, là tại sao vậy?”

Nói xong, Vương Trùng Dương giật cái bình bát ném xuống đất, bánh văng ra. Khưu Xứ Cơ vội lượm bánh để lại vào bình bát. Khi ngó lên thì thấy thầy và các sư huynh đã đi xa rồi. Ông liền vội chạy theo.

Tại sao Vương Trùng Dương cứ làm nhục Khưu Xứ Cơ hoài? Bởi vì ông thấy Khưu còn trẻ mà học đạo, khí chất thì chưa già giặn như bốn đệ tử kia. Nếu không mài giũa thì ngọc sao thành đồ vật tốt được? Cho nên Vương Trùng Dương mài giũa bản tính của Khưu Xứ Cơ là vậy. Nào hay, Khưu Xứ Cơ là người căn cơ sâu dày, mấy lần bị thầy trách mắng, mà lòng chẳng oán hận.

Nói về thầy trò Vương Trùng Dương đi hơn hai tháng. Bấy giờ trời trở lạnh, họ trú đêm trong một cái miếu. Mấy học trò đi vào xóm kiếm củi khô. Đêm đó mưa tuyết, thật rét. Các học trò đốt củi sưởi ấm.

Vương Trùng Dương thấy vậy giận, đem hết củi cho vào đốt. Lửa cháy phừng phừng. Rồi Vương Trùng Dương dập lửa, khói bay mù mịt. Các đệ tử ngạt hơi không chỗ trốn. Miễu nhỏ chật hẹp, gió bên ngoài lùa vào. Các học trò đều ràn rụa nước mắt, bỏ chạy ra ngoài hết.

Vương Trùng Dương thấy đệ tử chạy ra ngoài hết thì đóng cửa miếu lại, lấy bồ đoàn để ngay cửa, ngồi chận cửa luôn.

Các học trò đứng bên ngoài một hồi cho hết khói. Bấy giờ trời rất rét, các học trò đẩy cửa trở vô miếu, nhưng cửa đóng không vào được, cũng không dám gọi thầy, đành ngồi ngoài hiên chịu rét lạnh. Bỗng trận gió tuyết thổi tới, ai cũng run lập cập.

Lưu Xứ Huyền nói: “Thầy có truyền bọn mình hỏa công, sao bọn mình không dùng thử để trừ rét?”

Cả bọn bèn ngồi công phu, vận khí, điều tức, được một hồi, chẳng những hết lạnh mà còn nực nữa.

Trời hừng sáng, cửa miếu mở, các học trò bước vào, chỉ thấy Vương Trùng Dương giận mắng: “Các ngươi ghét nóng sợ lạnh, tham sống sợ chết, bỏ chân cầu giả, tham dùng lửa giả, chẳng chịu vận hành lửa thật (chân hỏa). Muốn yên ổn mà không dùng công phu. Lười biếng như vậy thì làm sao tu thành đạo được? Nếu không đánh phạt, thì các ngươi rốt cuộc cũng ban đầu siêng năng đến cuối lười biếng.”

Nói xong, sai Vương Xứ Nhất mang thước bảng tới, đánh cho mỗi người hai chục cái. Các đệ tử nghe vậy xanh mặt, không dám trả lời.

Khưu Xứ Cơ quỳ xuống nói: “Thưa đây là lỗi của con, chứ các anh vô can. Con xin chịu phạt, xin thầy tha cho các anh con.”

Vương Trùng Dương hỏi: “Ngươi dám chịu đòn thế cho các anh ngươi sao?”

Khưu Xứ Cơ đáp: “Thưa vâng!”

Vương Trùng Dương nói: “Ngươi chịu đòn thế, mỗi người hai chục cái, năm người vị chi là một trăm cái.”

Bốn người kia xin thầy tha cho. Vương Trùng Dương cười nói: “Các ngươi cầu xin cho nhau, ta lẽ nào không tha. Nhưng lần sau các ngươi chớ tái phạm mà làm sai lỡ tiền trình.”

Nói rồi, thầy Vương quăng thước bảng xuống đất, rồi nói Lưu Xứ Huyền rằng: “Ta nhất thời muốn đi nam. Tới giờ thì hết hứng, muốn trở về bắc. Lập tức lên đường ngay, chớ bàn bạc gì hết.”

Nói xong, đi ra ngoài. Cả bọn đi theo đường cũ trở về Sơn Đông. Chẳng bao ngày thì tới huyện Ninh Hải, vào Mã gia trang. Khưu Xứ Cơ vội chạy vào trước báo tin cho Mã Đan Dương biết. Mã Đan Dương lật đật chạy ra cổng nghinh đón thầy và các anh vào am cỏ phía sau tịnh dưỡng.

Qua một tháng, các môn nhân nghe tin thầy trở về, liền trở lại Mã gia trang tiếp tục học đạo. Gia trang lại náo nhiệt như xưa. Vương Trùng Dương nghĩ ra diệu kế đuổi bọn giả tu đi khuất.

Không biết diệu kế như thế nào. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Chẳng đem ý dối xua đi hết
Sao được lòng chân ngộ đạo đây.(4)


CHÚ THÍCH:

1.
試 凡 心 屢 施 叱 責 — Thí phàm tâm lũ thi sất trách
順 師 意 常 秉 皈 依 — Thuận sư ý thường bỉnh quy y.

2.
去 惡 猶 如 解 亂 絲 — Khử ác do như giải loạn ti
靈 心 自 有 解 開 時 — Linh tâm tự hữu giải khai thì
若 教 錯 用 些 兒 力 — Nhược giao (*) thác dụng ta nhi lực
萬 劫 千 生 莫 了 期 — Vạn kiếp thiên sinh mạc liễu kỳ.

(*) Chữ giáo 教 còn đọc là giao. Bài Khuê Oán của Vương Xương Linh (698?-756) có câu kết 悔 教 夫 婿 覓 封 侯 . Hối giao phu tế mịch phong hầu. (Hối hận để chồng đi kiếm công danh.)

3.
一 瓢 千 家 飯 — Nhất biều thiên gia phạn
孤 身 萬 里 遊 — Cô thân vạn lý du.

4.
不 將 假 意 遣 開 去 — Bất tương giả ý khiển khai khứ
焉 得 真 心 悟 道 來 — Yên đắc chân tâm ngộ đạo lai.