Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ mười ba

Bãi đàn trường, đệ tử về nhà hết
Thay áo đạo, thầy trò bước xuôi nam.(1)

Có bài thơ rằng:

Ơi hỡi người phàm chẳng rõ không
Mê hoa, mến rượu, khoái anh hùng
Đêm xuân hưởng lạc vui không dứt
Tuổi tác chất chồng chết khó dung
Đùa giỡn ta như mèo bắt chuột
Thời gian tên bắn vút rời cung
Nào hay xui khiến tinh thần kiệt
Thân chịu vùi trong đất lạnh lùng.(2)

Nói về Khưu Xứ Cơ, ngày nọ thấy các sư huynh không có mặt ở tiền sảnh, ông nghĩ chắc là họ đang ở phía sau nghe thầy giảng đạo. Thế là ông cũng chạy tới nghe giảng. Ông đứng ngoài cửa, lắng tai nghe thầy giảng:

“Cái niệm của người tu hành, trong cái tế vi có cái tế vi. Nếu ta có một niệm về tư (riêng tư), thì trong tâm ta có một chút cặn bã. Nếu ta có một niệm về dục (ham muốn), thì trong tâm ta có một ma chướng lớn.

Khi tư dục khởi lên, thì ta mất tiên thiên. Cho nên phải khử bỏ tư dục, thì ta mới bảo tồn được tiên thiên. Tiên thiên là một khí vậy. Tư dục khởi thì hỏa động. Hỏa động thì khí tán. Khí tán rồi, làm sao còn có tiên thiên? Rồi làm sao thẩm xét được hỏa hầu?

Tư mà nặng nề, thì khí sẽ tồi tệ, vậy thì làm sao phục hồi linh cơ (máy linh)? Dục mà thái quá, thì khí sẽ khô queo, vậy thì làm sao đạt được ảo diệu? Bộ máy linh đó như thế, vậy tư niệm đáng trừ hay không? Dục niệm có đáng trừ hay không? Vọng niệm có đáng trừ hay không?

Theo lời ta nói, ai có tư niệm thì nên giữ giới. Ai có dục niệm thì nên giữ giới. Ai có vọng niệm thì nên giữ giới.

Tóm lại, ta phải dưỡng cho tâm lặng lẽ bất động, thì mới diệt được các niệm. Niệm mà diệt thì tư sẽ tận (hết tận). Tư mà tận thì dục sẽ tịnh (sạch sẽ). Dục mà tịnh thì dương sẽ thuần (không tạp). Dương mà thuần thì âm sẽ tiêu (mất hết). Chân Tiên đều từ trong chỗ đó mà thành, đều bắt đầu hạ thủ công phu từ chỗ niệm. Các ngươi chớ có xem thường.”

Vương Trùng Dương đang giảng tới chỗ tinh vi, Khưu Xứ Cơ đứng bên ngoài cửa, quên béng là mình núp nghe lén, la lớn: “Hay quá!”

Vương Trùng Dương bảo các đệ tử: “Người trong cửa nói pháp, người ngoài cửa rình nghe. Thử hỏi bao nhiêu người? Ai là kẻ tri âm?”

Vương Trùng Dương nói xong, Mã Đan Dương bước ra ngoài cửa xem, thì thấy Khưu Xứ Cơ, liền mời vô trong. Vương Trùng Dương thấy, giận Mã Đan Dương lắm: “Ta đã dặn ngươi đuổi hắn về nhà rồi mà. Sao hắn còn ở đây?”

Thầy Vương nói chưa dứt lời, các đệ tử Đàm Xứ Đoan, Lưu Xứ Huyền, Vương Xứ Nhất, Hác Đại Thông, cùng bước tới thưa: “Khưu Xứ Cơ đến bái sư học đạo, kính xin thầy niệm tình thương xót, thu nhận hắn để sớm chiều hắn được thầy dạy dỗ.”

Vương Trùng Dương nói: “Nào phải ta không muốn nhận hắn. Chỉ sợ hắn tâm không chân thành, lỡ gặp nạn ma thì hắn sinh lòng chán nản. Lúc đó đạo tu chẳng thành, trái lại còn mắc tội nữa. Chi bằng không nhận hắn thì hơn.”

Bọn Lưu Xứ Huyền lại năn nỉ khẩn cầu. Còn Khưu Xứ Cơ thì quỳ mọp xuống, không đứng dậy.

Vương Trùng Dương nói: “Các ngươi hai ba lần xin giùm cho hắn. Ta cũng đành niệm tình thu nhận vậy. Các ngươi nên lo cho hắn. Ta ban cho hắn đạo hiệu là Trường Xuân.”

Khưu Xứ Cơ lạy thầy ba lạy, dập đầu chín lần, rồi đứng dậy làm lễ với các sư huynh. Vương Trùng Dương ngưng giảng. Mọi người ai về am nấy.

Hơn một tháng sau, Vương Trùng Dương sai Mã Đan Dương mời mọi đạo hữu đến nghe thuyết pháp. Lần này lập đàn thuyết pháp bên ngoài am. Mã Đan Dương vâng lời, đi mời mọi người. Một lát sau, mọi người tụ tập đầy đủ. Áo mão trang nghiêm, dáng vẻ đường hoàng. Họ cùng đến trước am, thỉnh thầy đăng đàn thuyết pháp.

Vương Trùng Dương ra khỏi am, lên đàn, ngồi ngay ngắn hồi lâu, rồi nói:

“Ta dạy các ngươi lấy chữ tĩnh (3) làm chủ. Chữ tĩnh này, trên thì có thể tham dự vào sự hóa dục, dưới có thể bao trùm vạn tượng. Nay ta giảng các ngươi nghe về chữ tĩnh. Kẻ tu hành ngộ đạo có thể dùng nó. Kẻ tề gia trị quốc cũng có thể dùng nó. Một chữ tĩnh, diệu lý vô cùng. Nhưng người nói về tĩnh thì nhiều, còn người biết tĩnh thì ít, bởi vậy họ muốn tĩnh mà không tĩnh được. Đó là vì họ chưa tìm ra căn nguyên của tĩnh.

Căn nguyên của tĩnh: Trước tiên phải xem thế giới là không. Cửa của tĩnh: Phải từ chỗ không tĩnh mà hạ thủ công phu chặt đứt. Kết thúc của tĩnh: Phải áp dụng khi thường tĩnh. Diệu pháp phòng bị: Khi niệm vừa khởi lên thì tiêu diệt nó. Đã diệt niệm mà nó còn tái sinh, thì đừng để nó sinh. Hễ niệm sinh thì diệt liền, khiến cho niệm bị diệt vĩnh viễn. Đó là chỗ tột đỉnh của tĩnh vậy.

Không tĩnh thì tự làm cho tĩnh. Ngưng ở chỗ chí thiện, chẳng gì bằng tĩnh. Tĩnh rồi, dù Thái Sơn sụp đổ trước mặt cũng không kinh sợ. Chẳng phải là không có lý do kinh sợ, nhưng ta xem như không có núi sụp đổ trước mặt. Tĩnh rồi, dù gái đẹp nhởn nhơ trước mặt cũng không động tâm. Chẳng phải là không có lý do động tâm, nhưng ta xem như không có gái đẹp nhởn nhơ trước mặt.

Cho đến động tác và hành vi, đãi người tiếp vật, công phu trấn tĩnh của ta tự nhiên như vậy. Cha mẹ thấy ta cho là lì lợm, thì ta hiền từ. Anh em thấy ta cho là ngang bướng, thì ta hiền hòa. Vợ ta thấy ta cho là hung hãn, thì ta thuận. Bạn bè thấy ta cho là giả dối, thì ta chân thành. Người đời thấy ta cho là thô lậu, thì ta tinh tế. Kẻ sĩ thấy ta cho là phóng túng, thì ta thu liễm.

Lấy tĩnh mà trung với vua, thì cái trung này là một phần của tính. Lấy tĩnh mà thương dân, thì đó là tình thương chân thật. Có đạo sao không thực hành? Có chí sao không khai triển? Lời nói này chẳng kỳ lạ, mà kỳ lạ thì không thể nói được. Chẳng phải ta tĩnh trong cái cực tĩnh, mà trong cái động ta cũng tĩnh nữa. Dù gặp động hay tĩnh, thì ta đều tĩnh hết, như vậy đạo mới thành.

Phật gia nói minh tâm kiến tính, nếu ta không tĩnh thì không thể minh với kiến. Nho gia nói cùng lý tận tính, nếu ta không tĩnh thì không thể cùng với tận. Đạo gia nói tu chân dưỡng tính, nếu ta không tĩnh thì không thể tu với dưỡng. Tĩnh là cái mạch sống của Tam Giáo.

Chẳng phải đặc biệt riêng như vậy mà thôi. Thử xem, ban ngày không có cái tĩnh của ban đêm, thì không thể xem cái tĩnh là gốc của cái động của ban ngày. Bốn mùa không có cái tĩnh của mùa đông, thì không thể xem cái tĩnh là gốc của cái động của mùa xuân.

Cho nên Đạo cốt ở tĩnh, đó là lý tự nhiên vậy. Đạo vốn là tự nhiên, nếu bỏ tĩnh thì từ đâu mà vào cửa Đạo?”

Vương Trùng Dương giảng về chữ tĩnh, nó là công phu cốt lõi của Tam Giáo. Sĩ, nông, công, thương, vương, hầu, khanh, tướng, tất cả cũng đều phải từ chữ tĩnh mà về sau tâm mới an; an thì về sau tâm mới lự;(4) lự thì về sau tâm mới đắc. Cha mẹ mà tĩnh, thì con tự có hiếu. Vua mà tĩnh, thì bề tôi tự trung. Anh em mà tĩnh, thì hòa thuận nhau. Bạn bè mà tĩnh, thì tin cậy nhau. Vợ chồng mà tĩnh, thì thuận lợi.

Vương Trùng Dương giảng chữ tĩnh này cho tất cả đệ tử nghe. Trong số vài chục đệ tử, chỉ có sáu người hiểu: Khưu Xứ Cơ, Lưu Xứ Huyền, Vương Xứ Nhất, Đàm Xứ Đoan , Mã Đan Dương, Hác Đại Thông, cho nên họ mới chịu chuyên tâm luyện đạo. Còn những người kia đều là hạng sớm siêng chiều lười, có đầu không có đuôi, chẳng phải là người tu hành đích thực, về sau khó tránh được thói cầu danh tranh lợi. Do đó, Vương Trùng Dương giảng về phép luyện tĩnh để bọn họ có chút công phu mà tiêu diệt thói ngang ngược và tập tành hàm dưỡng. Tuy họ không siêu phàm nhập thánh được, nhưng cũng có thể tu thân tề gia, không mất dịp làm người tốt, không uổng công tới đây bái sư học đạo.

Nói về Khưu Xứ Cơ nghe thầy giảng chữ tĩnh, tự nhiên thấu triệt, không nén được vui mừng, nên múa tay nhịp chân. Chẳng may thầy trông thấy, liền nổi giận, điểm mặt Khưu Xứ Cơ nói: “Ngươi nghe đạo không tiến, biết lý không ngộ, hiển lộ thông minh, phô bày linh lợi, không thể nhẫn nại, không biết ẩn giấu, đem trí xảo làm quấy, không phải là đạo khí (công cụ của đạo). Ta mấy lần thuyết pháp, bị ngươi phạm quy củ. Nay ta phải đi đông nam, để xa lánh ngươi, kẻo bị ngươi quấy rối.”

Ông nói xong liền bảo Mã Đan Dương: “Ngày mai ta đi Giang Nam hành đạo, chỉ muốn bốn người cùng đi là Lưu Xứ Huyền, Đàm Xứ Đoan, Hác Đại Thông, Vương Xứ Nhất. Còn ngươi thì trông nom gia viên. Những người khác thì đi hay ở tùy ý. Ta đi lần này lâu lắm là một năm, mau lắm là nửa năm, mới trở về.”

Lời Vương Trùng Dương dặn dò khiến nhiều người động tâm nhớ nhà, muốn về nhà thăm cha mẹ, thăm con cái. Ngay đêm đó họ thu dọn hành lý, đợi sáng sớm mai thì về nhà. Sáng hôm sau, họ đến từ giã Mã Đan Dương. Mã Đan Dương đành tiễn họ ra khỏi gia trang. Mọi người chắp tay vái chào từ biệt.

Mã Đan Dương trở vào am cỏ. Vương Trùng Dương sai Mã Đan Dương thu xếp cho năm bộ y phục, năm cái bồ đoàn (đệm ngồi), và các thứ vật dụng như mão đạo, nón rơm, dép cỏ, lộ phí, v.v…

Vương Trùng Dương và bốn người cùng đi là Lưu Xứ Huyền, Đàm Xứ Đoan, Hác Đại Thông, Vương Xứ Nhất thay đổi đạo phục, sửa soạn tề chỉnh, đợi sáng sớm thì lên đường.

Mờ sáng hôm sau, năm người lặng lẽ rời gia trang. Mã Đan Dương đưa tiễn ra ngoài cổng, khi quay vào bỗng thấy Khưu Xứ Cơ chắp tay vài chào từ giã: “Tôi muốn đi theo thầy.”

Mã Đan Dương nói: “Thầy không chịu nổi anh, nên mới ra đi. Nay anh đi theo, thầy chắc giận lắm.”
Khưu Xứ Cơ nói: “Đâu phải thầy không chịu nổi tôi, mà thầy muốn tôi học tốt thôi. Nay tôi không đi theo thầy, thì phụ lòng tốt của thầy.” Nói xong, đi liền.

Mã Đan Dương gọi: “Mau quay lại đây! Tôi có chuyện muốn nói với anh nè!”

Không biết Mã Đan Dương nói cái gì. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Ai cũng nhớ nhà, tự trở về
Trường Xuân mến thầy, gấp chạy theo.(5)



CHÚ THÍCH:

1.
散 壇 場 學 人 歸 家 去 — Tán đàn trường học nhân quy gia khứ
換 道 裝 師 徒 往 南 來 — Hoán đạo trang sư đồ vãng nam lai.

2.
磋 嘆 凡 夫 不 悟 空 — Tha thán phàm phu bất ngộ không
迷 花 戀 酒 逞 英 雄 — Mê hoa luyến tửu sính anh hùng
春 宵 漏 永 歡 娛 促 — Xuân tiêu lậu vĩnh hoan ngu xúc
歲 月 長 時 死 限 攻 — Tuế nguyệt trường thời tử hạn công
弄 巧 常 如 貓 捕 鼠 — Lộng xảo thường như miêu bộ thử
光 陰 卻 似 箭 離 弓 — Quang âm khước tự tiễn ly cung
不 知 使 得 精 神 盡 — Bất tri sử đắc tinh thần tận
願 把 此 身 葬 土 中 — Nguyện bả thử thân táng thổ trung.

3. Cần phân biệt hai chữ: tĩnh (yên tĩnh), và tịnh (sạch sẽ).

4. Lự: Cân nhắc, suy tính cẩn thận.

5.
諸 人 思 家 各 自 去 — Chư nhân tư gia các tự khứ
長 春 戀 師 趕 將 來 — Trường Xuân luyến sư cản tương lai.