Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ mười hai

Dạy tọa công, giảng rõ diệu lý
Học chân đạo, mừng gặp minh sư.(1)

Có bài thơ rằng:

Ân ái buộc ràng mở chẳng ra
Một mai bỏ xác chỉ mình ta
Như nay buông bỏ không vương vấn
Tới bệ Diêu Trì chẳng chút xa.(2)

Nói về đứa nhỏ ở thôn tây đang muốn nói với mẹ nó về ông Vương đoán trước sự việc rất linh nghiệm, bỗng thấy trước cửa có năm sáu người hỏi đường tới Mã gia trang.

Đứa nhỏ hỏi: “Các ông hỏi về Mã gia trang để tới tìm thần tiên sống phải không?”

Họ đáp: “Đúng vậy.”

Đứa nhỏ nghe vậy, vui lắm, nói với họ rằng: “Không xa đâu, để con dẫn đường cho.”

Nói xong, nó đi trước, bọn họ theo sau, rời khỏi thôn tây.

Đi không bao lâu thì họ tới Mã gia trang. May thay Mã viên ngoại đang ngồi ở tiền sảnh, thấy họ vào, liền đứng dậy mời họ vào sảnh ngồi.

Ông hỏi: “Các vị đến tệ xá có việc gì không?”

Họ đáp: “Thưa ông, chúng tôi đến xin học đạo.”

Mã Đan Dương nghe vậy, dẫn họ đến am cỏ bái kiến thầy Vương.

Trong bọn họ có một người tên Đàm Xứ Đoan, hiệu Trường Chân Tử. Năm nọ Đàm Xứ Đoan bị bệnh nặng. Bấy giờ Vương Trùng Dương mới đến Sơn Đông, có dạy Đàm Xứ Đoan cách luyện công trị bệnh. Bệnh khỏi, ông một lòng ngộ đạo, đi thăm thầy, nhưng không biết thầy ở đâu. Nay nghe người ta đồn Mã gia trang có một vị thần tiên sống, tên là Vương Trùng Dương, ông biết ngay thầy ở đó.

Đàm Xứ Đoan còn rủ một bạn đạo đi chung. Người bạn này cùng cư ngụ ở huyện Văn Đăng, tên Hác Đại Thông, hiệu Thái Cổ. Mấy người kia cũng thích học đạo, khỏi cần nói tên họ làm chi.

Bấy giờ Đàm Xứ Đoan nói với thầy Vương rằng: “Đệ tử đến để tạ ân thầy năm xưa trị bệnh cho, sau là xin học đạo.”

Vương Trùng Dương nói: “Cửa pháp rộng mở. Ai đến thì đến. Ai đi thì đi. Ai đến không lưu. Ai đi không cản.”

Nói rồi, ông bảo Mã Đan Dương dẫn mấy người ấy tới ở am cỏ thứ hai.

Hai ngày sau, có hai người tu hành đến Mã gia trang. Một người tên Lưu Xứ Huyền, hiệu Trường Sinh Tử. Người kia tên Vương Xứ Nhất, hiệu Ngọc Dương Tử. Họ đều là người ở tỉnh Sơn Đông.

Mã Đan Dương tiếp đón, hỏi rõ hai người đến làm chi, thì họ cũng nói là đến xin học đạo. Ông liền dẫn họ tới bái kiến thầy Vương. Vương Trùng Dương bảo Mã Đan Dương dẫn họ đến ở am cỏ thứ ba. Như vậy, không đầy một tháng có vài chục người đến học đạo.

Vương Trùng Dương bảo Mã Đan Dương bàn bạc sắp xếp công việc với họ, ai cũng quản một việc, đều có quy tắc, không ai được chuyên quyền. Mọi việc đều thỏa đáng rồi, Vương Trùng Dương giảng dạy công phu tĩnh tọa. Các đệ tử xếp hàng hai bên, kính cẩn nghe giảng.

Vương Trùng Dương dạy:

“Thân người lấy khí làm bản, lấy tâm làm căn, lấy tính làm màn che.(3) Trời đất cách nhau tám mươi bốn ngàn dặm. Tâm và thận của người cách nhau tám tấc bốn phân. Thận đây là nội thận, ở dưới rún ba tấc ba phân. Tâm thận liền một mạch để thông hơi thở. Hơi thở mở đóng trăm mạch. Thở ra một cái thì trăm mạch đều mở ra. Hít vô một cái thì trăm mạch đều đóng lại. Trời đất tạo hóa lưu hành đều không ngoài hai chữ hô (thở ra) và hấp (hít vào). Nếu người ta hô hấp giữa tâm và thận thì khí huyết tự thuận, nguyên khí tự kiên cố, bảy tình không phóng túng, trăm bệnh chẳng cần trị mà chúng tự hết.

Phép tĩnh tọa thực hành mỗi ngày bốn thời: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Trong phòng tu luyện để nệm dày. Ngồi xếp bằng trên nệm dày. Mắt hé nhìn xuống rún. Lấy bông gòn bịt lỗ tai. Tâm dứt tuyệt các niệm lự. Để cái ý đi theo hô và hấp, một ra một vào, lên xuống giữa hô và hấp. Chớ chậm, chớ nhanh. Tùy theo tự nhiên mà làm. Ngồi lâu bằng thời gian đốt hết một nén nhang, thì cảm thấy khí trong miệng và mũi không thô, mà dần dần dịu nhẹ. Lại ngồi lâu thêm một nén nhang nữa, thì cảm thấy khí trong miệng và mũi dường như có dường như không. Sau đó thong thả duỗi chân ra, mở mắt, gỡ bông gòn khỏi lỗ tai. Đứng dậy bước đi vài bước. Rồi nằm nghiêng. Khuya ăn nửa chén cháo hay canh. Đừng làm việc nặng nhọc và chớ sân giận, vì nó làm tổn công phu và hại chân khí.”

Có bài thơ rằng:

Tĩnh tọa công phu chẳng cậy đa
Toàn nhờ luyện khí với trừ ma
Bao nhiêu chướng ngại đều xua hết
Lưới võng tâm ta chớ vướng a
Chướng ngại không tiêu, phiền não tụ
Lưới giăng chẳng gỡ, khổ bao la
Rành rành đạo lý truyền trao đủ
Ma chướng đừng theo tự hại ta.(4)

Vương Trùng Dương giảng về phép tĩnh tọa xong, thì nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Các đệ tử cũng lui ra, ai về am nấy.


* * * * *



Ở thôn Đậu, huyện Thê Hà, phủ Đăng Châu, tỉnh Sơn Đông, có một người tên Khưu Xứ Cơ, hiệu Khải Phát. Cha mẹ mất sớm. Nhà có ba anh em: Anh cả tên Khải Minh, anh kế tên Khải Hưng, ông là em út.

Khải Phát nhờ anh và chị dâu chăm sóc, nên thành người, nhiều năm đọc sách, cũng biết làm thi phú, nhưng không màng công danh. Ông thích thanh tĩnh, thường ngồi một mình suốt ngày, chẳng chuyện trò với ai, dường như lòng có sự đắc ý riêng nhưng không ai biết.

Anh chị nhiều lần khuyên ông đọc sách cầu công danh, ông liền đáp rằng đọc sách là để thấu triệt đạo lý, chứ đâu phải để cầu danh tranh lợi.

Anh chị muốn ông lấy vợ, nhưng ông kiên quyết từ chối: “Nam nhi chưa tự lập, lẽ nào để hôn nhân buộc ràng?”

Anh chị nghe ông nói lời lẽ khác phàm, cũng không dám nài ép, để ông làm gì thì tùy ý.

Khưu Xứ Cơ, tức Khải Phát, thường nói: “Người ta sống trên đời, nếu không tìm con đường thoát, mà cứ cầu danh tranh lợi, yêu vợ mến con, một mai quỷ vô thường tới, thì muôn việc đều là không. Người đời xem thế sự là chân thật, nhưng ta xem nó là mây nổi, là sương sớm, là bọt nước, là ảo ảnh mà thôi.”

Ngày nọ ông nghe đồn rằng ở Mã gia trang tại huyện Ninh Hải có thầy Vương Trùng Dương tu hành đạo đức. Huyện Thê Hà cũng có mấy người học đạo ở đó. Khưu Xứ Cơ vốn mộ đạo, nghe lời ấy bèn muốn đến đó học đạo.

Ông không nói ý muốn cho anh chị biết, sợ anh chị không chấp thuận. Cho nên ông sắp xếp chút lộ phí, quần áo, và vật tùy thân, rồi thừa lúc ban đêm lẻn ra khỏi nhà, nhắm hướng huyện Ninh Hải mà đi.

Chưa hết một ngày thì ông đến Mã gia trang, gặp ngay Mã Đan Dương hôm đó đang ngồi trực. Mã Đan Dương hỏi lý do vì sao đến, rồi ghi tên vào sổ. Trong sổ đã ghi các ông Đàm Xứ Đoan, Lưu Xứ Huyền, Vương Xứ Nhất, Hác Đại Thông, v.v… Nay thấy thanh niên xin học đạo, Mã Đan Dương vui vẻ nói: “Thanh niên như vầy mà thành tâm học đạo, thật là hiếm thay!”

Nói xong, liền dẫn Khưu Xứ Cơ đến am cỏ bái kiến Vương Trùng Dương. Mã Đan Dương trình lý do đưa Khưu Xứ Cơ tới.

Thầy Vương nhìn ngắm Khưu Xứ Cơ rồi lắc đầu: “Người này tâm tư quá nhiều, quá ư lanh lợi, học đạo không thành. Thôi, sớm về nhà đi, đừng sai lầm.”

Khưu Xứ Cơ quỳ xuống thưa: “Con một lòng học đạo, quyết không hai lòng. Xin thầy thu nhận.”

Mã Đan Dương cũng nói giúp vài lời cầu xin, nhưng thầy Vương vẫn không thuận, nói với Mã Đan Dương rằng: “Chẳng phải ta không nhận hắn, nhưng mà gốc khổ của hắn rất nặng, sợ sau này hắn không vượt qua được nạn ma, thì hắn thối chí nản lòng. Chi bằng đừng nhận hắn thì hơn.”

Khưu Xứ Cơ muốn nói thêm vài câu, nhưng Vương Trùng Dương bước ra ngoài am cỏ, đứng ngắm hoa.

Mã Đan Dương không biết tính sao, đành dẫn Khưu Xứ Cơ lên tiền sảnh ngồi. Ông bảo Khưu Xứ Cơ quét dọn tiền sảnh, thầm nghĩ sẽ chỉ dạy Khưu Xứ Cơ phép tĩnh tọa.

Khưu Xứ Cơ nói với Mã Đan Dương rằng: “Thầy Vương không nhận tôi. Vậy tôi nay sao không bái ông làm thầy cho rồi?”

Mã Đan Dương nói: “Không được đâu! Không được đâu! Cầu người phải cầu đại nhân, cầu thầy phải cầu minh sư. Tôi chẳng qua chỉ hiểu sơ sơ chút công phu thôi, đến như Đại Đạo tôi còn chưa được nghe. Huynh cứ an tâm ở lại đây, từ từ tôi sẽ lo liệu chu toàn cho huynh.”

Khưu Xứ Cơ nghe vậy, vui lắm. Mỗi ngày sớm chiều hai lần, siêng năng dọn dẹp, ai cần sai vặt, gọi một tiếng thì ông dạ liền. Ông ở được mấy ngày, mọi người đều vui vẻ, ai cũng mến ông.

Ngày nọ, ông theo các sư huynh đến am cỏ của thầy. Vương Trùng Dương đang ngồi chính giữa am, các đệ tử xếp hàng đứng hai bên, cung kính nghe giảng. Vương Trùng Dương dạy:

“Ta từ khi đến đây, quyết tâm độ đời, dạy người chẳng mệt, lòng muốn người người đều lìa bỏ bến mê mà cùng quay về nẻo giác.

Ta vốn khác người: sinh ra biết mộ đạo, lúc nhỏ thì ngây dại, lớn lên thì thích quái dị, trưởng thành thì thích thần thông.

Đời xem ta là dị nhân. Ta lẽ nào là dị nhân? Chẳng qua ta dại, ta tầm thường, ta ngu. Tại sao ta ngu? Vì ta không tham lam ganh ghét. Tại sao ta dại? Vì ta không vọng tưởng. Không biết mưu này kế nọ, không biết xảo quyệt, tức là ngu. Không nói điều quái dị, không lạc chỗ trần tục, tức là tầm thường.

Người đời chê ta dại, cười ta ngu, trách ta tầm thường. Trái lại ta muốn lấy cái quá dại, quá ngu, quá tầm thường của ta mà giác ngộ cho người đời.

Các ngươi không biết được tâm thì sẽ không biết Đạo. Cho nên người tu đạo trước tiên phải luyện tâm. Nên luyện cho tâm chưa phát. Tâm phát rồi là cái tâm rong chơi, phóng túng, đầy tạp niệm. Nếu tâm đã phát rồi, thì phải khiến nó im lìm bất động, bèn giữ tâm, định tâm, thu tâm.

Giữ tâm là giữ lúc nó chưa động. Thu tâm không dễ. Trước tiên phải tùy khởi tùy thu. Thu tâm càng mau, giữ tâm càng bền, định tâm càng lâu. Đó là chỗ huyền diệu của phép tu luyện tâm của ta.

Phải khiến cho cái tâm này trống không, chẳng có một vật gì. Tâm là chân dương của một khí tiên thiên kết thành. Cho nên tâm thuộc Hỏa. Không có trường hợp thuần dương mà không âm. Trong dương tự có chân âm. Cho nên hình chữ tâm 心 trên là ba chấm úp xuống, dưới là mặt trăng nằm ngang đội lên.

Có thể thấy rằng dương không âm thì dương không trưởng, âm không dương thì âm không sinh. Chân âm theo chân dương, nên lấy tâm làm tên. Do đó khi chút xíu vọng niệm dấy động thì chân khí trong tâm giảm đi. Khi một sự việc vào tâm thì một ma chướng thêm vào.

Cái tâm khởi lên thì không gọi là tâm, mà gọi là niệm. Chữ niệm 念 gồm ba yếu tố: nhân 人 , nhị 二 , tâm 心 ; tức là người có hai lòng (nhị tâm). Người có hai lòng thì không chuyên nhất. Do đó trăm việc chẳng thành, còn đối với Đạo thì càng xa lắm.

Tâm là chủ của cái thân. Tâm có một chứ không có hai. Nếu khởi hai lòng thì gọi là niệm. Cái niệm này ngay khi khởi lên thì sinh ra nhiều việc hư vọng, mà tâm cũng không thể làm chủ được nữa, khiến cho thân bị hãm vào chỗ chìm đắm. Hỡi ơi, khó mà vớt lên được.”

Vương Trùng Dương giảng tới đây, Khưu Xứ Cơ đứng trong bọn đệ tử, nghe được, thích quá liền la lớn: “Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!”

Vương Trùng Dương ánh mắt có vẻ giận ngó Khưu Xứ Cơ, rồi không giảng nữa. Mọi người đi ra và oán Khưu Xứ Cơ. Tại vì Khưu Xứ Cơ la lớn như vậy nên thầy ngừng giảng đạo.

Khưu Xứ Cơ giả bộ như không thấy họ oán mình. Ông thầm nhớ lời thầy giảng về phép luyện tâm chính là khẩu quyết. Người luyện đạo, nếu trước tiên không luyện tâm cho tốt thì diệu đạo cũng luyện chẳng thành. Bởi vậy, mỗi ngày ông kiểm điểm tâm mình, xem nó có lỗi hay không có lỗi, có sai hay không có sai.

Ngày nọ, thấy các sư huynh không có mặt ở tiền sảnh, Khưu Xứ Cơ nghĩ chắc là họ đang ở phía sau nghe thầy giảng đạo. Thế là ông cũng chạy tới nghe giảng. Chẳng biết ông nghe được những gì. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Thiên hạ vốn không việc khó
Chỉ sợ trên đời kẻ có tâm.(5)



CHÚ THÍCH:

1.
指 坐 功 申 明 妙 理 — Chỉ tọa công thân minh diệu lý
學 真 道 喜 逢 明 師 — Học chân đạo hỷ phùng minh sư.

2.
恩 愛 牽 纏 解 不 開 — Ân ái khiên triền giải bất khai
一 朝 身 去 不 相 偕 — Nhất triêu thân khứ bất tương giai
於 今 撒 手 無 沾 滯 — Ư kim tát thủ vô triêm trệ
直 上 瑤 池 白 玉 階 — Trực thướng Diêu Trì bạch ngọc giai.

3. Nguyên văn: 人 身 以 氣 為 本 , 以 心 為 根 , 以 性 為 幕 . Nhân thân dĩ khí vi bản, dĩ tâm vi căn, dĩ tính vi mạc. Mạc là màn che. Cả bản sách in và bản trên Internet đều chép là mạc. Bản dịch của tiền bối Lâm Xương Quang (1937) in: “Thân người lấy Khí làm bổn, lấy Tâm làm căn, lấy Tánh làm mạng mới phát ra đặng.” Xin tồn nghi.

4.
打 坐 工 夫 不 在 多 — Đả tọa công phu bất tại đa
全 憑 煉 氣 與 除 魔 — Toàn bằng luyện khí dữ trừ ma
且 將 障 礙 一 齊 去 — Thả tương chướng ngại nhất tề khứ
勿 使 心 頭 有 網 羅 — Vật sử tâm đầu hữu võng la
障 礙 不 消 煩 惱 聚 — Chướng ngại bất tiêu phiền não tụ
網 羅 不 解 怎 娑 婆 — Võng la bất giải chẩm sa bà
分 明 至 理 相 傳 授 — Phân minh chí lý tương truyền thụ
切 勿 因 循 自 坎 痾 — Thiết vật nhân tuần tự khảm kha.

5.
天 下 原 來 無 難 事 — Thiên hạ nguyên lai vô nan sự
只 怕 世 上 有 心 人 — Chỉ phạ thế thượng hữu tâm nhân.