Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ mười một

Băng đá rơi, Thợ Trời gìn đạo pháp
Bói quẻ thần, Chân Nhân chỉ đàng mê.(1)

Có bài thơ rằng:

Say đắm trầm luân đã mấy niên
Ngất trời dậy sóng nước sông duyên
Bờ cao lên được nhờ tu luyện
Sao đợi giữa sông mới kiếm thuyền.(2)

Nói về Tôn Bất Nhị ra khỏi Mã gia trang. Trên đường đi, bà giả bộ khùng điên để bảo thân. Đi được vài tháng, bà tới ngoại thành Lạc Dương. Ở đó có một lò làm ngói đã hư hỏng. Bà bèn nương thân nơi ấy. Hằng ngày bà vào thành xin ăn, giả bộ khùng điên thật. Mấy đứa trẻ trên đường, thấy bà thì trêu ghẹo, gọi là “Bà điên! Bà điên!”

Lâu ngày người trong ngoài thành đều biết bà là người điên khùng, nên không quấy nhiễu bà, nhờ vậy bà mới yên tâm luyện đạo, phù hợp với lời dạy của Vương Trùng Dương: “Đại Đạo ẩn nơi khùng điên.”

Huyện Lạc Dương có hai tên du côn là Trương Tam và Lý Tứ.(3) Chúng thường gian dâm, lừa đảo, chuyện gì cũng dám làm. Mấy lần chúng thấy Tôn Bất Nhị xin ăn trên phố, tuy mặt mũi xấu xí, nhưng mắt sáng răng đẹp. Nếu mặt không có sẹo phỏng, thì cũng là một người đẹp. Hai tên du côn thấy bà rồi, lòng nhớ nhung hoài.

Đêm nọ, trăng thanh gió mát, sao giăng đầy trời. Hai tên du côn vào xóm lừa gạt dân lành xong, ăn nhậu say sưa trở về. Trên đường, chúng cách lò ngói không xa.

Trương Tam nói với Lý Tứ: “Tụi mình tới lò ngói vui vẻ với bà điên coi.”

Lý Tứ nói: “Không được đâu mầy ơi! Tao thường nghe người ta nói: nếu hãm hại bà điên thì làm ăn xui xẻo lắm! Không ngóc đầu lên được.”

Trương Tam nói: “Tụi mình là hạng người thần trời chẳng nhận, thần đất chẳng ham. Sá chi thời vận xui xẻo hay không.”

Nói rồi, Trương Tam liền mò tới lò ngói. Lý Tứ thấy vậy cũng đi theo. Hai tên đi gần tới lò ngói, còn chừng vài bước, liền thấy một đám mây đen kéo tới lò ngói. Một tiếng sấm long trời lở đất giáng xuống đầu hai tên du côn, làm chúng ù tai nhức đầu.

Đám mây đen lan ra làm trời đất tối tăm mịt mù, xòe tay ra chẳng thấy bàn tay. Cuồng phong nổi lên, thổi ào ào làm hai tên du côn lạnh thấu xương. Một trận mưa dữ dội đổ xuống, như đánh trống trên đầu hai tên, làm chúng nhức óc.

Lý Tứ lấy tay che đầu. Thấy hạt mưa rơi trên lưng bàn tay, như đạn sắt dập xuống, hắn mới biết không phải là mưa thường mà là mưa đá, người đời thường gọi nó là đạn tuyết hay là cục đá lạnh.

Mưa đá đổ xuống, đánh vào hai tên du côn đang chạy trên đường, không có chỗ trốn. Lý Tứ không dằn được liền nói lớn: “Báo ứng rồi! Tao vốn không muốn đi, mà mầy cứ ép đi. Giờ thấy thế nào hả?”

Trương Tam nghe Lý Tứ oán trách, liền nổi giận. Bỗng chân hắn đạp cục đạn tuyết. Cục đá lạnh này bóng loáng trơn ướt, làm sao mà hắn được yên ổn? Đạp một cái thì hắn trợt té xuống. Hoảng hồn bò dậy, hắn lại té xuống, như có ai xô. Té mấy lần, u đầu sứt trán, máu me đầm đìa. Hắn chỉ biết kêu trời.

Một lát sau, mây tan, trăng sao hiện trở lại. Lý Tứ tuy bị mưa đá dập, mà không bị té nên không bị thương tích gì lớn. Còn Trương Tam bị té mấy lần, u đầu sứt trán, chóng mặt nhức đầu. Hắn le lưỡi lắc đầu: “Không được rồi! Đừng rớ tới bà điên này!”

Lý Tứ nói: “Bây giờ mầy mới hiểu là không được phạm bà điên hả? Để xem lần sau mầy có làm nữa hay không.”

Trương Tam nói: “Thôi, tao không dám tái phạm đâu!”

Hai tên nói xong liền đi, ai về nhà nấy. Lý Tứ kể chuyện này cho đám du côn lưu manh nghe. Một đồn mười, mười đồn trăm. Do đó bọn vô học không dám mon men tới lò ngói làm bậy. Tôn Bất Nhị ở Lạc Dương được mười hai năm, tu hành luyện đạo, không ai dám mạo phạm, cũng là nhờ công của Lý Tứ.

Người đời sau, đọc truyện tới chỗ này, có bài thơ rằng:

Chân Nhân tại đó ngộ huyền công
Du đãng lưu manh động dục lòng
Mưa đá dập vùi đau xác thịt
Mới hay hộ pháp có Thiên Công.(4)

Tạm ngưng chuyện về Tôn Bất Nhị. Nói về Vương Trùng Dương ở Mã gia trang thấm thoát hơn một năm. Bên ngoài có mấy người rỗi hơi, lê la đôi mách với nhau: “Mã viên ngoại không hưởng được phước. Bỗng dưng đem tài sản hiến cho người khác, khiến vợ phát khùng phát điên, chẳng biết bỏ nhà đi đâu.”

Trong bọn họ có tên Đoàn An Nhân, hơn năm mươi tuổi, nói:

“Hôm qua tôi tới đó để gặp Mã viên ngoại. Cổng ngoài chẳng ai canh giữ. Tôi đi thẳng vô trong, không thấy bóng đàn bà, chỉ thấy đàn ông. Tôi hỏi họ viên ngoại đâu, thì họ nói ổng ở am cỏ phía sau, nghe ông Vương giảng đạo.

Tôi tới đó, thấy có nhiều cái am cỏ. Mã viên ngoại và ông Vương đang tĩnh tọa trong một cái am cỏ.

Mã viên ngoại thấy tôi, bèn bước ra, đưa tôi lên tiền sảnh nói chuyện.

Tôi hỏi thăm bà Tôn đâu. Viên ngoại nói: ‘Bả có đạo của bả, tôi có huyền diệu của tôi.’

Rồi tôi hỏi về bọn tôi tớ ở đâu sao không thấy, thì viên ngoại đáp: ‘Trai cho cưới vợ, gái cho lấy chồng, đứa nào cũng thành gia thất hết rồi.’

Tôi hỏi viên ngoại cất mấy cái am cỏ làm chi, thì viên ngoại nói: ‘Để cho những người tu hành đến tịnh dưỡng, luyện đạo.”

Tôi hỏi ông Vương đâu, sao không thấy ra ngoài. Viên ngoại nói: ‘Thầy tôi thích thanh tĩnh, không giao thiệp với người phàm tục.’

Tôi hỏi ông xong, chào ra về thì gặp Mã Hưng. Tôi hỏi nó: ‘Hồi trước mấy người ở gia trang này vui vẻ náo nhiệt lắm, nay thì nơi này vắng vẻ lạnh tanh, sao giống như chùa quá vậy?’

Mã Hưng trả lời: ‘Ông không biết đó thôi. Thầy Vương đến nhà này là một thần tiên sống. Ông không thích om sòm huyên náo, mà rất thích thanh tĩnh. Sau khi bà chủ đi mất rồi, thầy Vương cho đám tôi tớ gái đi hết. Chỉ giữ lại mấy người già như tụi tôi thôi. Bởi vậy nên gia trang vắng vẻ lạnh tanh như vầy.’

Tôi lại hỏi: ‘Làm sao biết ông Vương là thần tiên sống?’

Mã Hưng đáp: ‘Bất kể việc chi trong ngoài không ai cho ông hay mà ông cũng biết hết. Cái đó cũng chưa kỳ. Việc chưa xảy đến, hoặc ngày nào mưa ngày nào nắng, ông cũng biết hết. Như vậy chẳng phải là thần tiên sống hay sao?’”

Đoàn An Nhân nói hết mấy chuyện của Mã gia trang xong. Trong bọn có ông lão họ Phan, nói: “Theo chú nói, ông Vương chắc biết việc quá khứ vị lai. Nay trong thôn xóm mình bị khô hạn, đã lâu không mưa, sao mọi người không cùng đi hỏi ông ấy xem bao giờ có mưa?”

Mấy ông già kia đều nói: “Hay lắm.” Rồi họ cùng lão Phan đi tới Mã gia trang. Trước tiên họ gặp Mã Đan Dương, liền nói lý do tại sao tới. Mã Đan Dương dẫn họ tới am cỏ của Vương Trùng Dương để hỏi khi nào có mưa.

Vương Trùng Dương nói: “Phía đông của thôn này có cái miếu thổ địa. Trên vách tường có ghi kỳ hạn mưa. Mấy người tới đó xem thì biết.”

Mọi người bèn kéo nhau, rời gia trang, đi tới miếu thổ địa. Quả nhiên trên vách có viết mấy câu. Lão Phan đọc cho mọi người nghe rằng:

Trước mặt vua người có cặp dưa
Trân châu một hạt chiếu vương gia
Ngày hai mươi ba tuôn mưa lớn
Hòa thượng miệng mồm bùn ói ra.(5)

Ở sau có mấy hàng chữ nhỏ, viết bốn chữ nguệch ngoạc. Lão Phan xem xong, cười nói: “Mấy đứa học trò con nít viết mấy chữ đố đây mà. Có kỳ hạn mưa gì đâu.”

Mấy ông lão hỏi: “Ông có đoán được mấy chữ đố không?”

Lão Phan nói:

“Đố chữ tôi quen lắm. Sao mà không đoán ra được chứ.

Chữ nhân 人 ở trên, chữ vương 王 ở dưới, thêm cặp dưa (tức hai chấm) là chữ kim 金.

Một hạt trân châu (tức một chấm) nằm bên chữ vương王 là chữ ngọc 玉.

Năm chữ nhị thập tam hạ vũ 二十三下雨 ghép lại là chữ mãn 滿.

Chữ thượng 尚 trong miệng có bùn đất (tức chữ thổ 土), ghép lại chẳng phải là chữ đường 堂 hay sao?

Bốn chữ này là kim ngọc mãn đường 金玉滿堂 (vàng ngọc đầy nhà). Có nói kỳ hạn mưa nào đâu?”

Đoàn An Nhân chỉ câu “Ngày hai mươi ba tuôn mưa lớn” nói: “Đây nói rõ ràng là ngày 23 có mưa lớn. Mấy người nói không có là sao. Tuy là mấy câu đố chơi nhưng cũng có cơ duyên bên trong. Hôm nay là 19, bốn ngày nữa là 23. Để xem ngày 23 có mưa hay không. Rồi mới biết ông Vương linh hay không linh.”

Mấy ông già nói: “Anh Đoàn nói có lý lắm.” Thế rồi ai về nhà nấy.

Đến ngày 23, mây đen đầy trời, mưa như trút nước từ sáng sớm. Tới giờ ngọ mưa mới tạnh. Bấy giờ mọi người mới bắt đầu tin Vương Trùng Dương là thần tiên sống.

Ở thôn bắc có người mất một con trâu, tìm hoài không được, bèn đến nhờ ông Vương chỉ giúp. Ông nói: “Trâu của ngươi nằm trong tổ quạ trên cây lớn, ở thôn nam.”

Người mất trâu nghe vậy, không nín cười được, hỏi: “Con trâu lớn, tổ quạ nhỏ, làm sao lên trên được?”

Ông Vương nói: “Ngươi tới đó thì tìm được trâu. Chớ nói nhiều.”

Người ấy rời am cỏ, đi qua thôn nam, quả nhiên thấy có cây cao lớn, trên có tổ quạ, vội trèo lên xem, chỉ thấy có tổ không, giận giật lấy ném xuống.

Bỗng nhánh cây khô rớt trên mặt, liền cúi đầu xuống, chợt thấy trong thôn có cái nhà nát, trong cột một con trâu. Người này nhìn kỹ, đúng là con trâu của mình bị mất. Con trâu nằm trong cái nhà nát, xung quanh có mấy đống củi và cỏ che khuất. Nếu không ở trên cao nhìn thì không thấy được.

Người ấy vội leo xuống, thầm nghĩ thôn này có kẻ trộm trâu, nếu ông Vương không chỉ dẫn, đêm nay kẻ trộm dắt trâu đi xa bán cho kẻ khác, thì vô phương tìm lại. Người ấy vội chạy tới nhà nát đó, dắt trâu về.

Ngày nọ, thôn tây có mấy người đến hỏi ông Vương vài việc nhà. Có đứa trẻ mười ba mười bốn tuổi hỏi ông: “Anh con ra khỏi nhà mấy tháng rồi. Không biết khi nào anh ấy về nhà, nên con tới hỏi ông.”

Ông Vương nói: “Ngươi về hỏi tay của mẹ ngươi thì rõ.”

Đứa nhỏ nghe nói, cười hoài. Lát sau, trở về nhà, thấy mẹ nó cầm trên tay lá thư. Bà nói: “Anh mầy buôn bán ở Lai Châu. Có gởi thư về, người đưa thư mới đi ra đó. Mầy đọc cho tao nghe cái coi.”

Đứa nhỏ đọc: “Con trai hư viết thư kính mẹ hiền. Từ khi cha mất, nhờ mẹ nuôi dạy, con nay thành người. Nay con thể hiện chí của cha, ra ngoài buôn bán, cũng khá thuận lợi. Nhưng còn nhiều món nợ chưa đòi, nên con không về sớm được để an ủi mẹ. Tới mùa thu, giữa tháng chín, con về nhà, phụng dưỡng mẹ.”

Đứa nhỏ vỗ tay cười: “Linh nghiệm quá! Linh nghiệm quá!”

Mẹ nó đang muốn hỏi linh nghiệm cái gì, chợt thấy ngoài cửa có năm sáu người tới. Không biết họ làm gì. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Không nhờ ngư ông dắt
Sao thấy được sóng lừng.(6)



CHÚ THÍCH:

1.
降 冰 雹 天 公 護 法 — Giáng băng bạc Thiên Công hộ pháp
施 妙 算 真 人 指 迷 — Thi diệu toán Chân Nhân chỉ mê.

2.
陷 溺 沈 淪 已 有 年 — Hãm nịch trầm luân dĩ hữu niên
愛 河 滾 滾 浪 滔 天 — Ái hà cổn cổn lãng thao thiên
修 行 自 可 登 高 岸 — Tu hành tự khả đăng cao ngạn
何 用 中 流 另 覓 船 — Hà dụng trung lưu lánh mịch thuyền.

3. Người Hoa nói Trương Tam, Lý Tứ cũng như người Việt bảo là thằng Giáp, thằng Ất, tên Mít, tên Xoài.

4.
真 人 在 此 悟 玄 功 — Chân Nhân tại thử ngộ huyền công
豈 叫 狂 徒 來 逞 雄 — Khởi khiếu cuồng đồ lai sính hùng
冰 雹 降 時 遭 毒 打 — Băng bạc giáng thời tao độc đả
方 知 護 法 有 天 公 — Phương tri hộ pháp hữu Thiên Công.

5.
人 王 面 前 一 對 瓜 — Nhân vương diện tiền nhất đối qua
一 顆 珍 珠 照 王 家 — Nhất khỏa trân châu chiếu vương gia
二 十 三 天 下 大 雨 — Nhị thập tam thiên há đại vũ
和 尚 口 內 吐 泥 巴 — Hòa thượng khẩu nội thổ nê ba.

6.
不 因 漁 父 引 — Bất nhân ngư phủ dẫn
怎 得 見 波 濤 — Chẩm đắc kiến ba đào.