Giảng tam thừa, diễn thuyết lý Toàn Chân
Hủy nhan sắc, cam làm người xấu xí.(1)
Có bài thơ rằng:
Đã được chân truyền, đạo khá tu
Tam thừa diệu pháp tại ngươi cầu
Uyên Trinh ngày ấy hủy nhan sắc
Đổi được kim thân bền vạn thu.(2)
Nói về Tôn Bất Nhị nghe Mã Đan Dương nói, như có gậy đánh vào đầu, như phá toạc lưới mê, hoát nhiên đại ngộ, như đang mộng mị chợt tỉnh dậy. Bà than: “Nếu sư huynh chẳng nói, tôi đã lầm việc lớn rồi. Bình thường tôi sáng láng hơn sư huynh, mà nay học đạo sao tôi lại thua kém sư huynh?”
Mã Đan Dương nói: “Không phải đạo hữu thua kém tôi, mà vì đạo hữu không đến học thầy. Cho nên nói thông minh quá thì bị cái thông mình làm cho lầm. Nhiều kẻ quá thông minh tự hại thân. Việc đời chỉ có học mới biết, sinh ra mà biết ngay chắc chỉ có vài người.”
Tôn Bất Nhị cám ơn rằng: “Tôi từ nay sẽ vâng lời thầy dạy, lấy hư tâm mà lĩnh giáo.”
Mã Đan Dương vui lắm, trở về phòng riêng tịnh dưỡng.
Mấy ngày sau, Mã Đan Dương muốn đến nhà người cậu để chúc thọ. Ông sắm sửa lễ vật mừng thọ, rồi xin phép thầy. Ông còn mời bà đi cùng, nhưng bà viện cớ bệnh để khỏi đi. Ông sai gia nhân đem lễ vật đi trước, còn ông cưỡi lừa đen đi sau, hướng thẳng tới nhà người cậu.
Nói về Tôn Bất Nhị ở nhà, nhớ lời Mã Đan Dương nói là do bà không chịu lĩnh giáo thầy, nên không hiểu được chỗ huyền diệu của Đạo. Bà ghi nhớ lời ấy.
Nhân lúc Mã Đan Dương đi vắng, tôi tớ vui chơi phía trước, bà liền tới am cỏ của thầy, thấy thầy ngồi xếp bằng tĩnh tọa. Bà liền quỳ trước mặt thầy, thưa rằng: “Đệ tử là Tôn Bất Nhị tâm tính ngu muội, không hiểu được lý sâu. Hai lần lầm lỗi với thầy. Hôm qua nhờ sư huynh khai thị cho, nên đệ tử mới biết lời hôm trước thầy nói là giảng về lý Đạo. Đệ tử rất hối hận, kính xin thầy tha tội, và xin thầy chỉ dạy thêm lần nữa.” Nói xong, bà dập đầu lạy lia lịa.
Vương Trùng Dương dạy: “Ngươi hãy đứng dậy. Ta nói ngươi nghe. Đạo có tam thừa (ba bậc), người tu phải lượng sức mà thực hành. Nay ta giảng ngươi nghe, xem ngươi có thể học được bậc nào.”
Tôn Bất Nhị đứng dậy, đứng nép một bên, kính cẩn nghe giảng. Vương Trùng Dương giảng:
“Người học đạo phải chẳng kể sinh tử. Vậy mới là người bất tử. Bậc thượng thừa là đạo hư vô. Một sợi tơ không mắc vào người, một hạt bụi không nhiễm vào thân, như trăng sáng tỏ trên bầu trời không, muôn dặm không áng mây giăng. Một điểm linh căn có thể đoạt lấy sự tạo hóa của trời đất, có thể tham dự vào chính lý của âm dương. Lấy pháp luyện nó, có thể khiến có trở về không, có thể khiến không tái sinh lại có. Có thể cùng thọ với trời đất, cùng tu với nhật nguyệt, đó là đạo của bậc Thiên Tiên thượng thừa.
Bậc trung thừa thì kính thành trai giới, vái lạy Thánh Tiên, niệm thánh hiệu của Thiên Tôn, tụng kinh của Đức Thái Thượng, một niệm thuần chân, muôn lo lắng đều dứt, được ghi tên trên sổ Trời, vạn linh xét rõ, linh quang bất diệt. Một điểm chân tính thẳng tới hư vô, đứng vào hàng Liệt Tiên. Đó là đạo của bậc trung thừa.
Bậc hạ thừa tích lũy công đức, thi hành rộng khắp các phương tiện, cứu giúp người và làm lợi cho vật, làm nhiều việc tốt, thường kiểm điểm lỗi lầm, chân tính tự có thể bất muội, linh quang sáng rỡ, hoặc ẩn hoặc hiện, chẳng khác gì tiên. Đó là đạo của bậc hạ thừa. Ngươi hãy tự lượng sức, xem học được thừa nào, ta sẽ truyền dạy chân quyết.”
Tôn Bất Nhị đáp: “Đệ tử muốn học đạo của bậc Thiên Tiên thượng thừa.”
Vương Trùng Dương cười nói: “Tâm ngươi rất lớn, sợ chí không bền.”
Tôn Bất Nhị đáp: “Tâm không lớn, mà chí thì rất bền. Thân này có thể diệt, mà chí thì không thể bị ai đoạt được.”
Vương Trùng Dương nói: “Người tu đạo phải được cái linh khí của núi non sông nước, do đó phải chọn đất lành. Nay ở huyện Lạc Dương phía đông, linh khí đang thịnh, xuất hiện một vị Chân Nhân. Nếu tới đó tu luyện, tu được mười hai năm thì thành đạo. Ngươi đi được chăng?”
Tôn Bất Nhị đáp: “Đệ tử nguyện đi.”
Vương Trùng Dương ngắm Tôn Bất Nhị một cái, rồi lắc đầu: “Đi không được! Đi không được!”
Tôn Bất Nhị nói; “Đệ tử bỏ chết quên sống, làm sao mà đi không được?”
Vương Trùng Dương nói: “Từ đây đến Lạc Dương xa hơn ngàn dặm, trên đường có không ít kẻ phong lưu phóng đãng, đứa liều mạng cũng nhiều. Nếu chúng nhìn thấy ngươi mặt xinh đẹp như hoa như ngọc, lẽ nào chúng chẳng động lòng. Việc nhỏ thì buông lời trêu ghẹo, việc lớn thì làm ô nhục thân ngươi. Ngươi bản tính trinh liệt, lẽ nào cam chịu ô uế, tất liều chết để giữ vẹn danh tiết. Vốn muốn cầu trường sinh bất tử, mà trở lại tự làm mất mạng. Do đó ta nói ngươi không đi được.”
Tôn Bất Nhị nghe xong, trầm ngâm một lát, rồi không chào thầy, bà rời am cỏ, đi thẳng xuống nhà bếp. Bảo mọi người đi ra ngoài hết rồi, bà lấy chảo bắc lên bếp, đổ dầu ăn vào. Đợi dầu sôi, bà cầm chén nước lạnh trên tay, nhắm hai mắt lại, tâm can cứng rắn. Bà đưa mặt hướng vào rồi đổ chén nước vô chảo. Dầu đang sôi gặp nước lạnh phừng lên, bắn những giọt dầu sôi làm mặt bà phỏng hết. Tôn Bất Nhị chịu đựng đau đớn, đi tới am cỏ, hỏi thầy: “Đệ tử mặt mũi thế này, có đi được không?”
Vương Trùng Dương cười: “Hay quá! Hay quá! Đời mấy ai có chí lớn thế này. Thật chẳng uổng công ta tới Sơn Đông lần này.”
Vương Trùng Dương nói xong, liền truyền dạy cho Tôn Bất Nhị về diệu lý âm dương, huyền cơ Tạo Hóa, công phu luyện âm thành dương, công phu siêu phàm nhập thánh.
Truyền đạo xong, Vương Trùng Dương nói: “Đại Đạo ẩn ở chỗ không hay không biết. Cái công phu không hay không biết này phải cho thêm vài phân khùng điên, thì mới che mắt được người đời, khiến họ không biết ngươi có công phu, không biết ngươi tu hành. Đợi đến ngày công phu thành tựu, thì mới có thể hiện thân thuyết pháp. Ngươi đợi cho mấy chỗ phỏng trên mặt lành rồi, thì mau đến Lạc Dương. Cũng chẳng cần tới đây chào tạm biệt ta. Đợi tới ngày ngươi công viên quả mãn, sẽ gặp lại ta ở Hội Yến Bàn Đào.”
Vương Trùng Dương nói xong, nhắm mắt làm thinh. Tôn Bất Nhị lạy thầy mấy lạy, rồi rời am cỏ. Tôi tớ thấy bà như vậy, giật mình kinh hãi, bèn chạy tới hỏi han nguyên do.
Bà nói: “Ta muốn chiên bánh cho thầy ăn. Sợ tụi bây không sạch sẽ, nên ta bảo bây ra ngoài, cho ta làm bánh. Rủi thay nước lạnh đổ vào dầu đang sôi, thân mình thì không sao, còn gương mặt thì phỏng thế này. Đây là cái nạn của ta, cũng không nghiêm trọng lắm. Tụi bây đừng có kinh hoảng. Tụi bây ai làm việc nấy đi. Đừng lo cho ta.”
Nói xong, bà về phòng riêng, đóng kín cửa lại. Bà thầm nhớ công phu thầy vừa truyền dạy, thực hành khẩu quyết và lời huyền diệu.
Hai ngày sau, Mã Đan Dương trở về nhà. Ông vừa đến cửa, gia nhân cấp báo về vụ bà bị phỏng. Mã Đan Dương nghe xong, than thở hoài. Ông vội ghé qua am cỏ vấn an thầy, rồi chạy tới phòng bà Tôn Bất Nhị, chỉ thấy gương mặt đầy chỗ phỏng, các mụn phỏng vỡ ra, nước vàng chảy xuống. Gương mặt xinh đẹp như hoa như ngọc nay biến thành mặt quỷ. Ông thấy vậy, liền than thở hoài, rồi nói: “Đạo hữu ơi. Sao bà không cẩn thận, bị phỏng dầu như vầy, thiệt khổ cho bà quá.”
Ông vừa nói xong, Tôn Bất Nhị trợn tròn hai mắt nhìn ông, cười ha hả hoài, rồi xông tới, một tay nắm lôi ông, nói: “Mầy là đồng nhi của bà Tây Vương Mẫu hả? Bả biểu mầy tới mời tao đi dự Hội Bàn Đào. Bữa nay tao với mầy đi tới Thiên Cung. Đi mau! Đi mau!”
Nói xong, bà nhảy lên bàn, tay nắm cái rèm cửa, bộ dạng như muốn bay lên trên trời. Bỗng bà té xuống, gục trên nền nhà, rên rỉ không thôi. Mã Đan Dương vội bước tới đỡ bà đứng dậy. Bà vừa cười vừa khóc. Ông thấy cảnh tượng ấy, lòng rất thương xót, vội chạy đến am cỏ báo cho thầy hay: “Đạo hữu Tôn Bất Nhị muốn thành Thần Tiên mà bây giờ khùng điên rồi, thầy ơi. Sao lại như thế?”
Vương Trùng Dương nói: “Không khùng không điên, ai thành Thần Tiên?”
Mã Đan Dương muốn hỏi nữa, nhưng thấy thầy đã nhắm mắt nhập tịnh, nên không hỏi nữa, bèn trở về tiền sảnh, buồn bực không yên.
Nói về Tôn Bất Nhị dùng lời khùng điên đuổi Mã Đan Dương đi ra rồi, bà được yên tĩnh, thực hành công phu. Bà luyện tới mức tính thể viên minh, huyền diệu khôn tả, tâm sáng láng, mới biết Đạo có nhiều chỗ hay, lòng bà rất vui vẻ. Lấy gương soi mặt, tự thấy mình cũng phát kinh. Các sẹo chỗ hồng chỗ đen. Hơn một tháng, bà chưa chải đầu trang điểm, tóc rối bù xù, trông như quỷ dạ xoa. Tôn Bất Nhị soi gương thấy hình dung mình như vậy, lòng rất vui, thầm nghĩ có thể đến Lạc Dương được rồi.
Tôn Bất Nhị xé rách quần áo, lấy lọ chảo bôi lên mặt. Rồi bà chạy ra khỏi tiền sảnh, cười lớn ba tiếng làm kinh động bọn tôi tớ. Chúng hè nhau chạy tới, bao vây bà. Tôn Bất Nhị thấy chúng chạy tới, bà liền chạy ra ngoài.
Bọn chúng bảo tớ gái lôi bà. Bà cắn bừa. Có đứa tớ gái thương bà, nắm chặt tay bà không buông. Bà quay đầu cắn tay nó một phát bật máu, nó kinh hãi buông tay. Bà liền chạy mất.
Bọn tôi tớ thấy bà hung dữ, không dám đuổi theo, hoang mang đi báo tin cho Mã Đan Dương biết. Mã Đan Dương đang tĩnh tọa trong phòng riêng, bỗng nghe bên ngoài huyên náo, liền dừng lại, bước ra ngoài xem. Ông thấy tôi tớ tới cấp báo: “Bà phát điên nặng, bỏ chạy ra ngoài rồi.”
Mã Đan Dương sợ bà đi mất, bèn sai bọn chúng mau đuổi theo. Ông cũng chạy theo sau.
Nói về Tôn Bất Nhị chạy thẳng ra khỏi gia trang, thấy người giữ cửa cũng không bắt bà lại. Người phía trước và phía sau gia trang nhất thời không nhận ra bà là ai, nên bà chạy thoát. Biết rằng phía sau ắt có người truy đuổi, bà thấy ngoài thôn có một đống cỏ rối, bà liền chui vào ẩn nấp. Quả nhiên bà thấy Mã Đan Dương cùng bọn tôi tớ chạy qua. Bọn họ chạy tới trước không lâu thì bỗng quay lại, theo đường lớn mà đi.
Tôn Bất Nhị nấp trong đống cỏ, nhìn rất rõ, thấy bọn họ đi xa rồi, bà mới chui ra, theo hướng đông nam mà đi. Ban ngày bà xin ăn trong xóm, ban đêm ngủ tạm trong một ngôi miếu xưa nào đó. Nói chung là những chỗ yên tĩnh hẻo lánh, chẳng có người, chỗ có đại thụ che mưa nắng. Nếu ai đến hỏi, thì bà nói trời nói đất, nói năng lung tung, cười cười khóc khóc. Người khác thấy vậy, biết bà khùng điên, nên chẳng hỏi han nữa. Do đó bà đi đường bình an vô sự. Thấy ai đàng hoàng thì bà hỏi đường đi. Chưa đầy hai tháng, bà tới Lạc Dương.
Chẳng biết bà có thể đắc đạo thành tiên được không. Hồi sau sẽ phân giải.
Quả thật:
Một lá thuyền con ra biển lớn
Muôn trượng sóng lừng chẳng hãi kinh.(3)
CHÚ THÍCH:
1.
講 三 乘 演 說 全 真 理 — Giảng tam thừa, diễn thuyết Toàn Chân lý
損 面 容 甘 作 醜 陋 人 — Tổn diện dung, cam tác xú lậu nhân.
2.
既 得 真 傳 道 可 修 — Ký đắc chân truyền đạo khả tu
三 乘 妙 法 任 君 求 — Tam thừa diệu pháp nhiệm quân cầu
淵 貞 當 日 毀 容 面 — Uyên Trinh đương nhật hủy dung diện
換 得 金 身 萬 古 秋 — Hoán đắc kim thân vạn cổ thu.
3.
一 葉 扁 舟 游 大 海 — Nhất diệp thiên chu du đại hải
萬 丈 波 濤 不 著 驚 — Vạn trượng ba đào bất trước kinh.