Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ chín

Vương Trùng Dương phân thân hóa độ
Tôn Bất Nhị nổi giận trách thầy.(1)

Có bài thơ rằng:

Ta độ chúng sinh dạy bí truyền
Không không có có miệng khôn tuyên
Hiểu rằng Đạo lớn không xa lắc
Nếu chẳng học siêng sẽ mất duyên.(2)

Nói về Mã Đan Dương nghe con Thu Hương nói rằng bà đang ngồi tại tiền sảnh giận ngây, muốn mời ông đến nói chuyện. Mã Đan Dương thưa với thầy rằng: “Xin thầy ngồi thư thả một chút, cho đệ tử đi một chút rồi trở lại.”

Vương Tổ gật đầu: “Ngươi đi đi.”

Mã Đan Dương rời tư phòng, đi tới tiền sảnh, thấy Tôn Bất Nhị đang giận dữ, mặt đỏ bừng. Ông liền cười nói: “Đạo hữu giận việc chi? Hay là tôi tớ trong nhà phạm lỗi gì? Thôi, mình là chủ nhân thì nên độ lượng với tôi tớ, chấp chúng nó làm chi.”

Tôn Bất Nhị đáp: “Sư huynh không biết đó thôi. Tôi tưởng Vương Trùng Dương là người có đạo, nào ngờ lão già này không đàng hoàng. Lão ta mới vào phòng tôi nói điều chướng tai, làm tôi giận điên lên. Cái đạo này tôi không học nữa đâu.”

Mã Đơn Dương cười nói: “Thầy đến phòng đạo hữu hồi nào?”

Tôn Bất Nhị nói: “Vừa mới đến đó.”

Mã Đan Dương nói: “Đạo hữu nói có nói sai không? Từ sáng sớm thầy đến phòng tôi giảng đạo, chưa rời một bước, mà tôi cũng ngồi sát bên thầy. Thầy vẫn còn đang ngồi phòng tôi. Hồi nãy con Thu Hương tới mời tôi, nó cũng nhìn thấy mà. Không tin, đạo hữu hỏi nó thì biết.”

Tôn Bất Nhị chưa kịp nói thì con Thu Hương thưa: “Hồi con đến mời ông thì thấy thầy Vương đang giảng về trời, luận về đất. Sau khi ông với con tới đây, không biết thầy Vương còn ngồi ở đó hay không.”

Tôn Bất Nhị nghe xong, cúi đầu làm thinh.

Mã Đan Dương sợ thầy ngồi lâu, nên chẳng nói với bà nữa, rồi vội vàng trở lại phòng mình.

Tôn Bất Nhị bực bội, chỉ muốn gặp Mã Đan Dương nói chuyện cho hả hơi, nào ngờ nói cũng như không. Bà buồn bực trở vào phòng riêng.

Hơn một tháng sau, Mã Đan Dương đến am cỏ của Vương Tổ để hỏi đạo. Vương Tổ nói: “Người ngồi xuống đi. Ta muốn nói chuyện với ngươi.”

Vương Tổ than rằng:

“Hỡi ơi! Kẻ tu hành trên đời này, hoặc tu ở sự việc, hoặc tu ở bề mặt, hoặc tu ở cái miệng. Đều là sai lầm xa lắm, chẳng có mảy may chút đạo nào hết. Lại còn tu ở lỗ tai, ở con mắt, tu ở cái bao tử.

Tất cả các pháp hữu vi đều không phải là Đạo. Chúng làm mất cái thể của Chân Đạo, cho nên chúng không thể gọi là Đạo được. Hình của chúng lộ ra, không thể nói cạn lời.

Có kẻ gần bàng môn, có kẻ giả vờ tu luyện, có kẻ trọng phù hoa nhưng ít trấn tĩnh. Có kẻ tâm chí thì tha thiết nhưng sức thì yếu. Bọn họ ai cũng có bệnh hết: Bệnh ở xem cái này quá nhẹ, bệnh ở xem cái kia quá trọng, đều bởi không làm đúng tự nhiên. Bởi vậy vui ở cái này mà buồn ở cái kia. Tiến một tấc mà lùi một trượng.(3) Chưa có cái hứng thú vi diệu của Đại Đạo, mà thực sự là họ không biết.

Nói chung, vì nhân tâm không giảm, đạo tâm chưa thấu triệt. Nhân tâm không giảm, nên chưa thấy nhạt tình phàm tục: còn sợ quần áo không lộng lẫy, còn ngại món ăn thức uống không ngon, còn lo không nổi danh tiếng, còn sợ không có tài hoa, còn lo tiền bạc của nả không đủ, còn sợ nhà cửa ruộng vườn không rộng lớn.
Mọi tình phàm không nhạt mà còn có lòng cầu phước. Khi thì có ý ham yên ổn, khi thì than van nghèo khổ, khi thì nghĩ tới xa xỉ.

Lòng tràn đầy tư dục, đó gọi là nhân tâm vậy. Không giảm nhân tâm, không thể thấy nhạt thế tục.

Người đời ai cũng có chân tính. Nó là khí cụ để tạo Tiên tác Phật, là nền tảng để thành Tiên thành Phật. Vì không coi nhẹ tình phàm, nên không thấu triệt đạo tâm.

Đạo tâm tức là cái tâm khinh có khinh không, khinh đẹp khinh xấu, khinh được khinh mất, khinh chê khinh khen, khinh sống khinh chết. Cái tâm khinh tất cả, thì mới là đạo tâm. Lấy cái tâm này mà tu đạo thì đạo mới thành. Dùng đạo tâm hàng ma phục quỷ thì ma quỷ tự tiêu.

Người tu đạo sao chẳng khử nhân tâm mà tồn đạo tâm vậy? Tuy nhiên ta mong cho mọi người phát đạo tâm để tu thành chánh quả vậy.”

Tạm ngưng nói về thầy trò Vương Tổ và Mã Đan Dương luận đạo.

Lại nói về Tôn Bất Nhị, hôm ấy nghe Mã Đan Dương nói vậy, bèn trở về phòng riêng, lặng thinh chẳng nói, lòng không phục. Nếu nói là chiêm bao, tại sao mình chưa ngủ mà chiêm bao? Hơn nữa, rõ ràng là Vương Tổ bước vào phòng, lời nói rõ mồn một bên lỗ tai, tại sao lại nói ông ta ngồi bên phòng riêng của Mã Đan Dương chưa rời nửa bước? Chuyện này khiến bà suy đoán mãi mà không rõ duyên cớ chi.

Đang suy nghĩ hoài thì lại thấy Vương Tổ vén màn bước vào phòng, cười nói: “Đại Đạo chẳng phân nam nữ, lìa âm dương thì đạo chẳng thành.”

Tôn Bất Nhị để cho Vương Tổ vào phòng ngồi xuống, rồi bà đi ra cửa đứng, hỏi rằng: “Tại sao thầy không ở am cỏ mà tĩnh tọa, đến phòng riêng của đàn bà có việc chi?”

Vương Tổ dạy:

Bởi lò Tạo Hóa ngươi đi ngược
Tịnh tọa một mình khí ắt khô
Gái nọ không chồng sinh oán hận
Trai kia chẳng vợ dạng bơ thờ
Nay ta nói rõ cho ngươi biết
Không thể âm này thiếu một dương
Phối hợp âm dương là chính lý
Hoàng Bà rót rượu khéo mời dâng
Nhà tây nàng ở, chàng nhà đông
Đây đó hảo hòa xứng lưỡng đàng
Chỉ bởi Hoàng Bà mai mối giỏi
Động phòng phối hợp vợ cùng chồng
Hai tám tương đương về giao cảm
Bào thai kết đặng ở thân trong
Mười tháng công phu ôn dưỡng đủ
Sinh ra em bé mạnh hơn người
Theo ta ngươi hãy làm như thế
Liền tới Thiên Cung chầu lạy Trời.(4)

Tôn Bất Nhị nghe nói vậy, không trả lời. Bà chạy ra ngoài sập cửa lại nhốt Vương Tổ trong phòng, quyết tâm lấy chứng cớ đối chất với Mã Đan Dương. Bà chạy tới phòng riêng của ông thì thấy cửa khóa, hỏi Mã Hưng ông đâu, thì nó nói ông đang đàm đạo với Vương Tổ ở am cỏ. Bà bèn chạy tới am cỏ của Vương Tổ.

Đây nói về Mã Đan Dương đang ở am cỏ nghe Vương Tổ giảng đạo, tới chỗ nhân tâm, đạo tâm. Bỗng Vương Tổ cười ha hả, nói với Mã Đan Dương: “Ngươi đi mau lên. Có người tìm ngươi kìa!”

Mã Đan Dương nghe nói tưởng nhà có khách, bèn vái chào thầy mà đi ra. Đến tiền sảnh thì đụng đầu Tôn Bất Nhị. Bà liền nắm áo ông lôi đi, nói: “Huynh đi xem đây nè!”

Mã Đan Dương hỏi: “Đi xem cái chi?”

Tôn Bất Nhị đáp: “Huynh đừng nói gì hết. Cứ đi rồi sẽ rõ.”

Ông đành đi theo bà tới trước phòng riêng của bà. Tôn Bất Nhị mở khóa cửa nói: “Huynh đi vào sẽ biết.”

Ông chẳng biết duyên cớ chi, đi vào thấy mùng màn chiếu gối y nguyên, bàn ghế như cũ, chẳng có ai hết. Ông hỏi: “Đạo hữu bảo tôi vô xem cái gì?”

Tôn Bất Nhị đáp: “Xem thầy của huynh đó.”

Mã Đan Dương nói: “Thầy giảng đạo cho tôi ở am cỏ mà. Ở đây có thầy nào nữa?”

Tôn Bất Nhị không tin, bước vô giở mùng màn chiếu gối, xem gầm giường cũng không thấy ai, buột miệng nói: “Quái lạ thiệt!”

Mã Đan Dương nói: “Có cái gì kỳ quái đâu. Đạo hữu đạo tâm chưa thuần, nên chấp trước ma cảnh thôi.”

Tôn Bất Nhị nói: “Huynh nói chuyện gì đâu. Tôi xưa nay không tạp niệm, một lòng hiếu tĩnh, làm sao có chuyện chấp trước ma cảnh được? Thầy hai lần đến phòng riêng của tôi, mặt mũi sờ sờ trước mắt, tiếng nói rõ ràng bên tai, tôi còn nhớ. Lẽ nào chấp trước ma cảnh?”

Mã Đan Dương hỏi: “Thầy nói cái gì? Đạo hữu nói lại tôi nghe được chăng?”

Tôn Bất Nhị kể đầu đuôi hai lần Vương Tổ đến nói những lời gì. Mã Đan Dương cười ha hả nói: “Đạo hữu ơi! Đạo hữu thông minh một đời, mà hồ đồ một lúc. Lần này đạo hữu mê muội rồi.”

Tôn Bất Nhị hỏi: “Tôi mê muội thế nào?”

Mã Đan Dương nói:

“Người học đạo phải có hư tâm (tâm trống rỗng), hạ khí (dằn tính khí nóng nảy xuống), và không hổ thẹn học hỏi kẻ dưới, mới là đi được một bước thì tiến một bước, lên cao một bậc thì tiến được một bậc.

Tích lũy sợi tơ thì được một tấc. Tích lũy một tấc thì được một thước. Tích lũy một thước thì được một trượng. Lấy mười thành ngàn, lấy ngàn thành vạn. Chỗ huyền diệu của Đạo không thể kể số. Cho nên nói Đạo huyền diệu vô cùng.

Nay đạo hữu mới có được một chút huyền công, thì cho rằng Đạo dừng ở đó. Mỗi tháng đạo hữu cố thủ trong phòng này, tâm như tro, ngồi như củi khô, chẳng biết lý âm dương, chẳng hiểu máy Tạo Hóa, cũng không đi tìm thầy để lĩnh giáo. Đạo hữu vướng chỗ phân biệt nam nữ, rồi khởi cái ý kiến phân chia người với ta.

Thầy thấy đạo hữu giữ chết cứng cái pháp này, thì không thể liễu đạo, nên thầy muốn chỉ điểm cho đạo hữu, nhưng vì tỵ hiềm nam nữ, nên dương thần của thầy xuất hiện, phân thân tới hóa độ cho đạo hữu.

Thầy mấy lần giảng cho tôi rằng: Một âm một dương gọi là Đạo. Lìa âm dương thì Đạo không thành. Cái âm dương này là âm dương của dương hỏa, âm phù, chẳng phải là cái âm dương trên đời liên quan việc nam lấy vợ nữ lấy chồng đâu. Chỗ này là diệu lý, tiếc thay đạo hữu không ngộ. Chỗ đó là huyền cơ, tiếc thay đạo hữu không biết.

Cô dương bất trưởng (dương lẻ loi thì chẳng lớn) nghĩa là: dương thuộc Hỏa, Hỏa nhiều thì khô nóng, không thể thành đan. Cô âm bất sinh (âm lẻ loi thì chẳng sinh) nghĩa là: âm thuộc Thủy, Thủy nhiều thì tràn trề, không thể thành đan.

Cái cô âm cô dương này ví như Thủy Hỏa không cứu giúp nhau. Nói tóm lại, người tu đạo thì phải cho Thủy Hỏa tương tế (Thủy Hỏa cứu giúp nhau), âm dương quán thông, thì mới có thể hoàn đan.

Thầy nói đạo hữu đi ngược lò Tạo Hóa (Tạo Hóa lô), ý nói đạo hữu không hiểu lý chân âm, chân dương. Trai thiếu thốn, gái oán hờn, cũng ngụ ý cô dương bất trưởng, cô âm bất sinh mà thôi. Cho nên thầy muốn đạo hữu hiểu rằng người học đạo không thể không vận hành âm dương. Cái âm dương này là diệu dụng của việc hoàn đan.

Hoàng Bà tức là chân ý. Lấy chân ý hội thông âm dương, giống như nâng bầu rượu mời uống rượu ngon vậy. Chân ý thuộc Thổ, Thổ màu vàng, nên ví nó là lão bà (và gọi chân ý là Hoàng Bà).

Tây gia nữ (nàng bên nhà tây) là Kim. Kim vượng ở hướng tây, nên gọi là tây gia. Đông gia lang (chàng bên nhà đông) là Mộc. Mộc vượng ở hướng đông, nên gọi là đông gia. Hai cái tương đương nhau, hai cái tám là một cân.

Kim chẳng phải là con của Mộc thì chẳng khắc. Mộc chẳng phải là con của Kim thì chẳng sinh. Đó là nói cái lý âm dương Tạo Hóa, cái lý ngũ hành sinh khắc vậy.

Người tu đạo phải lấy ý hội thông âm dương, giống như bà mai mối hợp hai nhà trai gái, khiến Kim và Mộc gặp nhau. Hai bên không ngăn cách, giống vợ chồng hảo hợp.

Động Phòng là Đan Đình. Người tu đạo khiến cho Kim và Mộc trở về Đan Đình. Kim là phách, Mộc là hồn. Tụ hợp hồn phách ở một chỗ, quyến luyến không rời. Hồn không lìa phách, phách không lìa hồn, giống như vợ chồng vậy.

Thầy nói hai tám tương đương, tức là hống tám lạng, diên cũng tám lạng.

Giao cảm tức là chỗ kết đan, ý nói hồn phách dựa nhau. Tinh khí nếu có cảm nhau thì ngưng kết trong đó, như có thai. Mười tháng, vì mười là số đủ.

Ôn dưỡng là hỏa hầu. Ở đây ý nói tinh khí ngưng kết, lấy hỏa hầu luyện thành đan. Công trình viên mãn thì Anh Nhi giáng sinh (em bé sinh ra). Anh Nhi là cái thần do chân khí hóa thành. Cái thần này từ Nê Hoàn Cung xuất ra, hướng lên chầu Kim Khuyết mà thành Chân Nhân. Chẳng phải là thành Thần Tiên hay sao?

Mã Đan Dương nói xong, Tôn Bất Nhị ngộ liền. Muốn biết việc sau thế nào, hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Điều phối âm dương chân ý thông
Nếu muốn tịnh thổ xét huyền cơ
Bồ đề sáng sạch, tâm cầm dấu
Đạo ở thầy, mà tu ở mình.(5)



CHÚ THÍCH:

1.
王 重 陽 分 身 化 度 — Vương Trùng Dương phân thân hóa độ
孫 不 二 忿 怒 首 師 — Tôn Bất Nhị phẫn nộ thủ sư.

2.
吾 度 眾 生 授 真 傳 — Ngô độ chúng sinh thụ chân truyền
無 無 有 有 口 難 宣 — Vô vô hữu hữu khẩu nan tuyên
明 知 大 道 非 遙 遠 — Minh tri Đại Đạo phi dao viễn
入 不 專 心 便 失 緣 — Nhập bất chuyên tâm tiện thất duyên.

3. Trượng 丈: tương đương 3 mét

4.
因 你 背 了 造 化 爐 — Nhân nễ bối liễu Tạo Hóa lô
靜 坐 孤 修 氣 轉 枯 — Tĩnh tọa cô tu khí chuyển khô
女 子 無 夫 為 怨 女 — Nữ tử vô phu vi oán nữ
男 子 無 妻 是 曠 夫 — Nam tử vô thê thị khoáng phu
我 今 明 明 對 你 講 — Ngã kim minh minh đối nễ giảng
一 陰 一 陽 不 可 無 — Nhất âm nhất dương bất khả vô
陰 陽 配 合 是 正 理 — Âm dương phối hợp thị chính lý
黃 婆 勸 飲 手 提 壺 — Hoàng Bà khuyến ẩm thủ đề hồ
西 家 女 , 東 家 郎 — Tây gia nữ, đông gia lang
彼 此 和 好 兩 相 當 — Bỉ thử hòa hảo lưỡng tương đương
只 因 黃 婆 為 媒 證 — Chỉ nhân Hoàng Bà vi môi chứng
配 合 夫 婦 入 洞 房 — Phối hợp phu phụ nhập động phòng
二 八 相 當 歸 交 感 — Nhị bát tương đương quy giao cảm
結 成 胎 孕 在 身 傍 — Kết thành thai dựng tại thân bàng
十 月 工 夫 溫 養 足 — Thập nguyệt công phu ôn dưỡng túc
產 個 嬰 兒 比 人 強 — Sản cá Anh Nhi tỷ nhân cường
你 今 依 我 這 樣 做 — Nễ kim y ngã giá dạng tố
立 到 天 宮 朝 玉 皇 — Lập đáo Thiên Cung triều Ngọc Hoàng.

5.
調 配 陰 陽 通 真 意 — Điều phối âm dương thông chân ý
若 要 淨 土 探 玄 奇 — Nhược yếu tịnh thổ thám huyền ky
菩 提 明 淨 心 掌 跡 — Bồ đề minh tịnh tâm chưởng tích
道 在 師 傅 修 在 己 — Đạo tại sư phó tu tại kỷ.