Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ tám

Nói tiên thiên, diệu lý chỉ một
Trừ ma căn, pháp môn không hai.(1)

Có bài thơ rằng:

Hướng ngoại cầu tiên lạc nẻo đường
Tìm trăng trong nước, hoa trong gương
Tiên thiên diệu lý ngươi biết chứ
Chỉ cốt nhất tâm, chớ phô trương.(2)

Nói về Vương Tổ dạy Mã Đan Dương và Tôn Bất Nhị rằng: “Tính vốn là vật tiên thiên, tròn trịa sáng rỡ, tuy có danh mà không có hình, không biết không hay, khó vẽ khó tả, nào có giống vật gì đâu. Nay ta vì hai ngươi mà gượng vẽ hình, hai ngươi phải tự hiểu.”

Vương Tổ nói xong bèn cầm bút vẽ một vòng tròn TCNQ8trên ghế sơn đỏ, rồi vẽ tiếp một vòng tròn nữa bên trong có chấm một điểm TCNQ82. Vẽ xong thì hỏi: “Hai ngươi có hiểu được nghĩa lý gì không?”

Mã Đan Dương và Tôn Bất Nhị cùng đáp: “Đệ tử tâm tính ngu muội, không hiểu nổi nghĩa lý này. Xin thầy chỉ dạy.”

Vương Tổ giảng:

“Cái vòng tròn đầu TCNQ8 là hình tượng lúc hỗn độn, trời đất chưa phân, nhật nguyệt chưa tách. Nó tên là Vô Cực. Vô sinh ra hữu. Cho nên ở trong cái vòng tròn kế TCNQ82, bên trong có một điểm. Điểm đó tên là Thái Cực. Điểm đó sinh trời sinh đất, sinh vạn vật.

Tiên thiên này do Thái Cực sinh ra. Cái điểm đó tức là một khí, cho nên khí này gọi là một khí tiên thiên.
Tính phát ra từ tiên thiên. Phát ra trước khi ta có cái xác thân này, cho tới sau khi ta mất cái xác thân này. Một điểm linh tính (tính thiêng) này là cái gốc không sinh không diệt, cho nên tên gọi là linh căn (gốc thiêng). Linh căn này ai cũng có.

Người phàm thì tự tối tăm. Kẻ tự tối tăm thì tự mê. Tự làm mê muội bản tính thì vọng niệm đều sinh ra. Tà quái theo vọng niệm mà xâm nhập ta, làm ta vĩnh viễn mất đi tiên thiên, không nghe được Đại Đạo.

Biển khổ vô biên, chẳng biết đâu là bờ. Hỡi ơi! Người ngộ đạo chẳng mấy ai, kẻ tu hành ít tham thiền thực sự.

Tiên thiên tùy chỗ mà ta có thể nghiệm ra. Chớ lấy tâm người mà hỏi về tiên thiên. Nếu lấy tâm người mà hỏi về tiên thiên, thì tiên thiên vốn không thể đắc. Nếu lấy tâm đạo mà hỏi về tiên thiên, thì tiên thiên ở ngay trước mắt.

Tâm người là cái tâm ám muội, tham cầu. Tâm đạo là cái tâm thiên lương phát hiện. Thiên lương phát hiện rồi thì tiên thiên không cầu mà tự có.

Lại còn phải trừ bệnh. Trừ bệnh không phải là trừ bệnh gió lạnh nắng nóng, mà là trừ các bệnh tham (tham lam), sân (giận dữ), si (ngu si), ái (yêu thương). Các bệnh này trừ rồi thì trăm bệnh chẳng sinh, có thể sống lâu thêm thọ, có thể thành Tiên thành Phật, thành Thánh thành Hiền. Nay ta đem công phu truyền cho hai ngươi. Hai ngươi phải cố gắng thực hành!

Đạo trừ bệnh là phải trừ cái gốc của bệnh. Tìm ra cái gốc của nó, thì trừ bệnh không khó. Các bệnh này hơn phân nửa là từ tham, sân, si, ái mà có. Bệnh lại còn từ tửu (rượu), sắc (sex), tài (tiền bạc), khí (tính khí) mà tới.(3) Cho nên người tu hành trước hết phải trừ bỏ tửu, sắc, tài, khí; tức là trừ ngoại cảm (cảm mạo từ bên ngoài đưa tới). Sau đó phải dứt tuyệt tham, sân, si, ái; tức là khử nội thương (tổn thương ở bên trong). Gốc bệnh tự mình nhổ lên, thì bệnh thể tự hết. Về sau có thể tu Đại Đạo, có thể đạt trường sinh bất tử.

Nay nói về chữ tửu (rượu). Có người biết rượu hại đạo, thề bỏ rượu, nhưng khi thấy rượu thì giống như thuyền cập bến, lúc đó phải lấy giới luật mà giữ gìn. Có khi người khác khuyên mình uống, hoặc ép mình uống, mà mình có ý muốn uống, như vậy dù mình vốn chưa uống nhưng cái ý đã khởi, tức là có dục (ham muốn). Đó là gốc của bệnh về tửu. Người trừ gốc khi ý niệm vừa khởi lên thì phải trừ nó ngay. Như thế mới nhổ sạch tận gốc cái bệnh về tửu.

Nói về chữ sắc (sex).(4) Có người biết sắc hại đạo, thề bỏ sắc, nhưng khi thấy sắc thì niệm khởi, lúc đó phải lấy giới luật mà giữ gìn. Có khi người đẹp tự dâng hiến, trao tình, mà mình có ý muốn tư thông, như vậy dù mình vốn chưa tư thông nhưng cái tình đã khởi, thì xem như đã tư thông rồi. Đó là gốc của bệnh về sắc. Người trừ gốc khi tình vừa khởi lên thì phải trừ nó ngay. Như thế mới nhổ sạch tận gốc cái bệnh về sắc.

Có thể thấy cái gốc của bệnh về tửu sắc đều nằm giữa tâm và ý, muốn trừ khử được cái gốc này thì trước tiên phải chính kỳ tâm (làm cho tâm mình đúng đắn), rồi thành kỳ ý (làm cho ý mình thành thực).(5) Như vậy cái gốc của bệnh về tửu sắc tự dứt tuyệt.

Nếu cái gốc của bệnh về tửu sắc không dứt tuyệt, là do tâm và ý chưa đúng đắn vậy. Tâm và ý chưa đúng đắn, bỗng phát ra một niệm, tuy chưa uống rượu mà cái ý đã muốn uống; tuy chưa tư thông mà cái tình đã muốn tư thông.

Ban đầu vốn không có tư tưởng ấy, nhưng vì tưởng đến bên ngoài mà làm động bên trong, giống như bóng trăng trong nước, ném đá vào nước thì nước xao động, và bóng trăng cũng động theo. Tuy cái hình ảnh này không có thực, mà nó cũng giao động. Chân đạo không thể đắc vậy.

Muốn cầu cái pháp trừ gốc của bệnh, thì Nho Giáo có câu: Phi lễ vật thị, phi lễ vật động, kiến như bất kiến, văn như vị văn.(6) (Chẳng đúng lễ thì chớ nhìn, chẳng đúng lễ thì chớ động; thấy như không thấy, nghe như chưa nghe.)

Phật Giáo có câu: Vong nhân, vong ngã, vong chúng sinh.(7) (Quên người, quên ta, quên chúng sinh.)

Còn Đạo Giáo có câu: Thị chi bất kiến, thính chi bất văn.(8) (Nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe.)

Những lời này đều có thể diệt trừ tận gốc của bệnh về tửu sắc.

Đến chữ tài (tiền bạc) thì khó nói. Có người duyên đạo chưa tựu, mà tạm đi tu để làm kế ganh đua. Có người nghèo khổ, đi tu để nương cửa chùa cầu sự sống. Cái thế của họ không vậy thì không được. Có người đi tu mà không hiểu đạo, nên còn trau chuốt bề ngoài, phô trương thanh thế hách dịch, khoe quần áo, nhà cửa ruộng vườn, cho đến khoe khoang kỹ năng này nọ, bon chen danh lợi. Có người cân đo đong đếm, cầu danh tranh lợi, vậy mà cầu thành Tiên thành Phật. Hạng người đó mà cũng đến học đạo, chẳng phải là đáng buồn cười hay sao?

Nói đến chữ khí (tính khí), người người chưa bình. Cương khí ai có? Chính khí ai dưỡng? Chẳng qua là tính khí nóng nảy. Có người lộ khí sân giận ở mặt. Có người lộ khí tranh thắng ở lời nói. Có người lộ khí tranh mạnh ở sự việc. Có người lộ khí anh hùng ở sự phẫn uất.

Nhận biết khí, mà không nhận biết lý, như vậy muốn có khí hạo nhiên được sao? Hạng người đó mà cũng đến học đạo, chẳng phải là đáng buồn cười hay sao?”

Muốn cầu cái pháp trừ gốc của bệnh, thì Nho Giáo có câu: Bất nghĩa nhi phú thả quý, ư ngã như phù vân.(9) (Làm điều bất nghĩa mà giàu sang, thì cái giàu sang ấy ta xem như mây nổi.)

Lại nói: Trì kỳ chí, vật bạo kỳ khí.(10) (Giữ cái chí, chớ bạo cái khí.)

Phật Giáo có câu: Bất thụ phúc đức, đắc thành ư nhẫn.(11) (Không nhận phúc đức [do người ta bố thí], đắc thành ở nhẫn.)

Còn Đạo Giáo có câu: Tất phá lận tham, từ tâm hạ khí.(12) (Phá bỏ keo kiệt tham lam, tâm hiền từ làm hạ khí.)

Những lời này đều có thể diệt trừ tận gốc của bệnh về tài và khí.

Bốn đầu mối (tửu, sắc, tài, khí) nói trên đây, muốn trừ dứt gốc của bệnh, thì ta ắt phải làm đúng đắn cái tâm và niệm của mình (chính kỳ tâm niệm).

Nho Giáo cốt ở chữ tỉnh. Phật Giáo cốt ở chữ giác. Đạo Giáo cốt ở chữ ngộ.(13) Nếu tỉnh được, giác được, ngộ được, thì ta thấu triệt mọi sự việc trong thiên hạ.”

Vương Tổ giảng cái lý trừ gốc của bệnh xong, Mã Đan Dương và Tôn Bất Nhị hỏi về tĩnh tọa, cách dùng như thế nào.

Vương Tổ dạy:

“Tĩnh tọa phải quên tình (tĩnh tọa vong tình). Dừng niệm (chỉ niệm). Phàm tâm chết thì chân thần sống (tâm tử thần hoạt). Ngồi nệm dày. Nới rộng dây lưng quần. Giờ Tý ngồi xếp bằng, ngó về hướng đông. Bàn tay nắm lại (ác cố). Giữ thân mình ngay ngắn (đoan thân). Hai hàm răng gõ nhau (khấu xỉ). Nuốt nước miếng (yết tân). Lưỡi đưa lên vòm miệng. Tai lắng nghe ngược vào trong (phản thính). Hai mắt hé mở, cho mi mắt cụp xuống, để ánh mắt (thần quang) chiếu xuống vào chỗ dưới rún [tức đan điền], cho nên gọi là huyền quan.”

Đang lúc công phu tĩnh tọa, phải dừng vọng niệm (chỉ vọng niệm). Nếu có một chút vọng niệm, thì thần sẽ không thuần dương, và công phu khó thành.

Lại còn phải quên tình (vong tình). Tình không quên thì tâm không an ninh, đạo cũng khó thành. Ngồi nệm dày thì ngồi được lâu và thân xác không mệt. Nới rộng dây lưng quần cho khí lưu thông.

Giờ Tý tĩnh tọa vì giờ Tý nhất dương sinh. Ngồi hướng phía đông, vì hướng đông sinh ra khí. Ngồi xếp bằng nhằm thu dưỡng thần khí.

Bàn tay nắm lại (ác cố) là bắt ấn Tý (đầu ngón cái bấm vào chân ngón áp út rồi nắm tay lại) để quên hình (vong hình).

Giữ thân mình ngay ngắn (đoan thân) để cho xương sống thẳng, giúp khí lưu thông không bị tắc nghẽn.

Răng gõ nhau cho thực quản (trùng lâu) không bị hao khí.

Miệng là lỗ của khí (khí khiếu). Miệng mở thì khí tán, cho nên phải ngậm miệng.

Nghe ngược vào trong (phản thính), vì tai thông với lỗ của tinh (tinh khiếu), tinh tổn ở âm thanh, cho nên nghe ngược vào trong để không nghe âm thanh bên ngoài.

Hai mắt hé mở, để khỏi sinh tối tăm. Mắt là lỗ của thần (thần khiếu), mắt bị sắc tướng làm tổn thương, thần tán theo sắc tướng. Mắt mở trọn thì thần phát lộ, mắt nhắm lại thì thần tối ám, cho nên hai mắt hé mở và mi cụp xuống là vậy. Ánh mắt từ huyền cung chiếu xuống vào chỗ dưới rún [tức đan điền]. Hai mắt giống như mặt trời mặt trăng của trời chiếu sáng mà sinh vạn vật.

Ít lời nói để tụ khí, khiến cho khí không rò thoát ở miệng. Dứt tuyệt âm thanh để dưỡng tinh, khiến cho tinh không rò thoát ở tai.

Không sắc tướng để ngưng thần, khiến cho thần không rò thoát ở mắt. Cho nên [ai giữ cho tam bảo (tinh, khí, thần) không rò thoát thì] gọi là bậc vô lậu chân nhân vậy.”

Vương Tổ giảng đạo xong, lại nói: “Đó là công phu tĩnh tọa, mới nhập môn. Hai ngươi phải cố gắng siêng năng thực hành, thì tự có hiệu nghiệm. Hễ lười biếng, thì tự sai đường lạc lối.”

Mã Đan Dương và Tôn Bất Nhị thầm lĩnh hội ý của thầy. Vái chào Vương Tổ xong, hai người ai lui về tư phòng người nấy, y theo pháp mà hành trì, dần dần có hiệu nghiệm. Hai người cho rằng đạo chỉ có bấy nhiêu, cho nên không trở lại am cỏ của Vương Tổ để cầu học lên mức tinh vi; cứ một điểm công phu ấy mà hành trì hơn một tháng.

Ngày nọ Mã Đan Dương đang tĩnh tọa tại tư phòng, thấy Vương Tổ tới, bèn vội tiếp rước vào phòng. Vương Tổ ngồi xuống, nói:

“Đại Đạo vô cùng, lấy hoài không cạn, dùng hoài không hết. Muốn quán thông được muôn biến hóa thì chớ chấp vào một đầu mối. Phải thành tâm hướng tới Đạo, thực lòng sửa lỗi, thì mới hữu ích cho thân tâm. Nếu ta không hướng tới Đạo thì sẽ không thành đạo. Một giờ một khắc cũng không xa lìa bản thể. Lời nói hành động nhất nhất đều phát từ thành thực, tỉnh ngộ không mê muội, các niệm niệm đều chân. Cái chân này hướng tới Đạo vậy.

Lầm lỗi không sửa không trừ, như bệnh ở riêng tư, thì lấy công tâm (tâm công chính) mà khử riêng tư, như bệnh ở ham muốn thì lấy lý tâm (tâm về lý) mà khử ham muốn, như bệnh ở thiên lệch thì lấy trung tâm (tâm trung chính) mà khử thiên lệch, như bệnh ở ngạo mạn thì lấy hòa tâm (tâm hiền hòa) mà khử ngạo mạn.

Hễ bệnh ở chỗ này, thì trị bệnh ở chỗ này. Bệnh khởi lên thì tùy theo mà giác nó, tùy theo mà quét nó, tùy theo mà diệt nó, tự nhiên tâm sẽ trung hòa như gió xuân, trong sáng như trăng sao, rộng thoáng như đất trời, yên tĩnh như núi. Dần dần thần khí tràn trề, âm thầm vận hành một năm, thần khí luân lưu tứ thể, chẳng biết chẳng hay, là Đại Đạo thành vậy.”

Vương Tổ cùng lúc phân thân hai nơi dạy Mã Đan Dương và Tôn Bất Nhị. Bấy giờ Tôn Bất Nhị đang một mình tĩnh tọa ở tư phòng, bỗng thấy Vương Tổ đến, vén màn bước vô. Tôn Bất Nhị cả kinh, hoang mang đứng dậy, toan hỏi thầy. Chỉ thấy Vương Tổ cười, nói:

“Đạo lý tinh vi, đạo pháp vô biên, một thể quán thông, muôn phái về gốc, muốn làm lưu loát, thực hành tự nhiên, mới có công hiệu.

Như ngươi lặng lẽ một mình ngồi chỗ này, thực là vô ích. Sao không biết cô âm thì chẳng sinh, cô dương thì chẳng lớn?.(14)

Như ngươi ngồi chết cứng chỗ này, âm dương không thông nhau, làm sao có thai, làm sao sinh Anh Nhi? Ta nói với ngươi: nếu muốn cái này chẳng lìa cái đó, thì cái đó y theo chẳng lìa cái này.”

Vương Tổ mới nói cái này cái đó, Tôn Bất Nhị mặt đỏ bừng, mắc cỡ chịu không nổi, vội vén màn chạy ra ngoài. Bà chạy tới tiền sảnh ngồi xuống, bèn gọi con Thu Hương chạy tới tư phòng Mã Đan Dương mời ông tới tiền sảnh. Thu Hương thấy bà giận, chẳng dám chậm trễ, mau tới phòng ở hiên phía trước mời ông.

Bấy giờ Mã Đan Dương đang ngồi nghe Vương Tổ dạy Đạo, bỗng thấy con Thu Hương hốt hoảng chạy tới nói: “Không biết bà giận dữ điều chi mà ra ngồi ở tiền sảnh, sai con tới mời ông đến đó nói chuyện.”

Mã Đơn Dương nghe nói, liền thưa thầy rằng: “Xin thầy ngồi thư thả một chút, cho đệ tử đi một chút rồi trở lại.”

Vương Tổ gật đầu: “Ngươi đi đi.”

Không biết đi rồi thế nào. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Chẳng thông lý cái này cái nọ
Nên khởi lòng kiểu nọ kiểu kia.(15)



CHÚ THÍCH:

1.
論 先 天 貞 一 妙 理 — Luận tiên thiên trinh nhất diệu lý
除 魔 根 不 二 法 門 — Trừ ma căn bất nhị pháp môn.

2.
心 外 求 仙 路 就 差 — Tâm ngoại cầu tiên lộ tựu sai
水 中 月 影 鏡 中 花 — Thủy trung nguyệt ảnh kính trung hoa
先 天 妙 理 君 知 否 — Tiên thiên diệu lý quân tri phủ
只 在 一 心 便 可 誇 — Chỉ tại nhất tâm tiện khả khoa.

3. Trong phần giảng đạo ở sau Tổ Sư Vương Trùng Dương giải thích khí là tính khí (temperament).

4. Chữ sắc 色: gồm chữ ba 巴 (gò má) ghép với chữ đao 刀 (con dao), ý nói chút má hồng (nhan sắc) của phụ nữ là lưỡi dao bén giết người không thấy máu.

5. Sách Đại Học chép: “Đạo của Đại Học là làm sáng thêm cái đức sáng, đổi mới dân chúng, và dừng ở chí thiện. Biết dừng thì sẽ định, định rồi sẽ tĩnh, tĩnh rồi sẽ an, an rồi sẽ suy nghĩ, suy nghĩ rồi sẽ đắc. Vật có gốc ngọn, việc có đầu cuối, biết thứ tự trước sau thì gần với đạo. Người xưa muốn làm sáng thêm đức sáng của mọi người thì trước phải trị quốc (làm cho nước bình yên). Muốn trị quốc thì trước phải tề gia (chỉnh đốn gia đạo). Muốn tề gia thì trước phải tu thân (sửa mình). Muốn tu thân thì trước phải chính tâm (làm cho tâm đúng đắn). Muốn chính tâm thì trước phải thành ý (làm cho ý chí trở nên thành thực). Muốn thành ý thì trước phải trí tri (biết tới nơi tới chốn). Trí tri ở cách vật (phân tích suy xét sự vật). Vật cách thì tri chí. Tri chí thì ý thành. Ý thành thì tâm chính. Tâm chính thì thân tu. Thân tu thì gia tề. Gia tề thì quốc trị. Quốc trị thì thiên hạ bình. Từ thiên tử cho đến dân chúng, tất cả đều lấy tu thân làm gốc. Gốc loạn mà ngọn trị thì không hề có. Cái dày dặn mà xem mỏng manh, cái mỏng manh mà xem dầy dặn thì chưa hề có. Đó gọi là biết gốc, là biết tới nơi tới chốn.”

大 學 之 道 , 在 明 明 德 , 在 親 (新) 民 , 在 止 於 至 善 . 知 止 而 後 有 定 , 定 而 後 能 安 , 安 而 後 能 慮 , 慮 而 後 能 得 . 物 有 本 末 , 事 有 終 始 , 知 所 先 後 , 則 近 道 矣 . 古 之 欲 明 明 德 於天 下 者 , 先 治 其 國 . 欲 治 其 國 者 , 先 齊 其 家 . 欲 齊 其 家 者 , 先 修 其 身 . 欲 修 其 身 者 , 先 正 其 心 . 欲 正 其 心 者 , 先 誠 其 意 . 欲 誠 其 意 者 , 先 致 其 知 . 致 知 在 格 物 . 物 格 而 後 知 至 . 知 至 而 後 意 誠 . 意 誠 而 後 心 正 . 心 正 而 後 身 修 . 身 修 而 後 家 齊 . 家 齊 而 後 國 治 . 國 治 而 後 天 下 平 . 自 天 子 至 於 庶 人 , 壹 是 皆 以 修 身 為 本 . 其 本 亂 而 末 治 者 否 矣 . 其 所 厚 者 薄 , 而 其 所 薄 者 厚 , 未 之 有 也 , 此 謂 知 本 , 此謂 知 之 至 也 .

Đại Học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc. Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ. Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc. Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm. Dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý. Dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri. Trí tri tại cách vật. Vật cách nhi hậu tri chí. Tri chí nhi hậu ý thành. Ý thành nhi hậu tâm chính. Tâm chính nhi hậu thân tu. Thân tu nhi hậu gia tề. Gia tề nhi hậu quốc trị. Quốc trị nhi hậu thiên hạ bình. Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Kỳ bản loạn nhi mạt trị giả phủ hỹ. Kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu dã. Thử vị tri bản, thử vị tri chi chí dã.

6. 非 禮 勿 視, 非 禮 勿 動, 見 如 不 見, 聞 如 未 聞.

7. 忘 人, 忘 我, 忘 眾 生.

8. 視 之 不 見, 聽 之 不 聞.

9. Luận Ngữ (Thuật Nhi, 16). 不 義 而 富 且 貴, 於 我 如 浮 雲.

10. Mạnh Tử (Công Tôn Sửu, thượng, 2). 持 其 志, 勿 暴 其 氣.

11. Kim Cương Kinh (phẩm 28). 不 受 福 德, 得 成 於 忍.

12. 悉 破 吝 貪, 慈 心 下 氣.

13. Ba chữ tỉnh, giác, ngộ đồng nghĩa.

14. Cô âm bất sinh, cô dương bất trưởng. Cô âm là âm thiếu dương. Cô dương là dương thiếu âm.

15.
不 知 這 個 那 個 理 — Bất tri giá cá ná cá lý
故 起 這 樣 那 樣 心 — Cố khởi giá dạng ná dạng tâm.