Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ bảy

Lót tay trưởng tộc, Mã lập xả ước
Giảng luận huyền công, Vương truyền Toàn Chân.(1)

Có bài thơ rằng:

Bon bon nước chảy chớ nhẩn nha
Danh lợi buộc ràng bủa lưới ta
Muôn trượng cheo leo, buông vách đá
Một tơ chẳng vướng chẳng thành ma.(2)(3)

Nói về Mã Ngọc nghe theo mưu kế của Tôn Uyên Trinh mà hối lộ ba người đang có uy quyền trong tộc họ xong rồi. Mã Văn Khôi sai Mã Chiêu nói với mọi người trong tộc họ rằng: “Việc Mã viên ngoại xả bỏ tài sản chỉ là mưu kế thôi.”

Họ hỏi: “Tại sao gọi là mưu kế?”

Mã Chiêu nói: “Đó gọi là kế giữ cọp canh núi.”

Họ hỏi: “Kế giữ cọp canh núi này có ý gì?”

Mã Chiêu đáp: “Mã Ngọc muốn hưởng thanh nhàn, nên muốn giữ chân ông già làm mọi giữ của.”

Họ lại hỏi: “Làm sao biết được mà giữ chân ông già làm mọi giữ của?”

Mã Chiêu đáp: “Mã Ngọc thấy ông già đó là người trung hậu, nên muốn giữ chân ông ta nhờ lo liệu giùm việc nhà, nhưng sợ ông ta không hết lòng, do đó giả bộ nói xả bỏ tài sản cho ông ta. Ông ta tưởng thật, bèn muốn lập tờ khế ước xả bỏ tài sản. Mã Ngọc nghĩ rằng không lập khế ước thì ông già không tận tụy giữ gìn. Cho nên Mã Ngọc mời chúng ta đến chứng kiến việc này. Đó chẳng phải là kế giữ cọp canh núi hay sao?”

Họ hỏi: “Xả bỏ gia tài cho ông già, thì nó là của ông ta rồi. Ông sao mà không coi giữ được?”

Mã Chiêu nói: “Một phân một hào cũng không đi mất thì làm sao nói tài sản là của ông già được?”

Họ hỏi: “Sao biết một phân một hào cũng không đi mất?”

Mã Chiêu đáp: “Ông già là kẻ đơn chiếc từ phương xa tới, không bà con thân thuộc, hơn nữa lại cao tuổi, ăn chẳng bao nhiêu, mặc chẳng bao nhiêu. Khi ông nhắm mắt, đến tay không, ra đi vẫn là tay không. Nguyên gia tài này trở về chủ cũ. Lão già giữ không công giùm gia tài cho người khác, chẳng phải là mọi giữ của hay sao?”

Mọi người nghe nói đều cười. Mã Chiêu liền lấy lợi dụ họ rằng: “Ông già chết rồi gia tài trở về Mã Ngọc. Mã Ngọc thì không con cái nối dõi, lo gì mà gia tài này không về tay con em chúng ta? Nay thuận con nước mà đưa thuyền đi. Giả bộ tình cảm như vậy, làm mãn nguyện ông già. Tôi thấy ông già cũng có tình có nghĩa. Chúng ta làm xong việc này cho ông ta, ngày sau thiếu hụt chút đỉnh thì có thể mượn ông. Cho nên người ta nói: Đối mặt lưu chút tình, ngày sau dễ gặp nhau.”

Thấy Mã Chiêu nói vậy, ai nấy đều vui vẻ.

Có bài thơ rằng:

Lời nói quý tinh, chẳng quý đa
Một câu cửa miệng dứt phong ba
Nếu không vật quý đem lo lót
Lời nói dù hay việc chẳng qua.(4)

Mã Chiêu thấy mọi người thuận tình, bèn hẹn ngày mai mọi người tề tựu.

Hôm sau, mọi người trong tộc họ tụ tập đủ ở nhà Mã Ngọc, thấy Mã Long đang tiếp Vương Trùng Dương tại tiền sảnh, cười nói vui vẻ, thân mật. Mã Khôi bảo Mã Ngọc làm thêm thức ăn đãi tiệc mọi người trong tộc họ.

Họ đến đủ mặt rồi, Mã Văn Khôi nói: “Thưa các vị lớn nhỏ trong tộc họ, nay Mã Ngọc đem gia tài giao cho tiên sinh Vương Trùng Dương, vậy có ai không chịu hay không?”

Họ đều được Mã Chiêu dặn trước, nên đồng thanh nói: “Chúng tôi y theo, không có ý khác.”

Mã Văn Khôi bảo Mã Ngọc viết tờ khế ước xả bỏ tài sản, để đọc cho mọi người trong tộc nghe. Mã Ngọc viết xong đưa tờ giấy cho Mã Văn Khôi. Mã Văn Khôi bảo Mã Chiêu đọc rằng:

“Người lập tờ khế ước xả bỏ tài sản là Mã Ngọc. Nay đem gia viên, điền sản, nhà cửa, tiền bạc, đồ vật của tổ phụ để lại, cùng gia nhân trong nhà, giao cho ông Vương Trùng Dương cai quản, tùy ý tự do tự tiện. Trong tộc họ Mã, mọi người không được trái lời. Mã Ngọc từ nay về sau cũng chẳng được hối tiếc đòi lại. Sợ miệng nói suông, không có bằng chứng, nên lập tờ khế ước này để làm bằng.
Trưởng tộc: Mã Long, Mã Văn Khôi, Mã Văn Hiền, Mã Văn Đức, Mã Văn Ngọc.
Người làm chứng: Mã Chiêu, Mã Minh, Mã Giám, Mã Trấn.
Người lập tờ khế ước xả bỏ gia tài Mã Ngọc là có thật.”

Mã Chiêu cầm tờ khế ước đọc xong, liền đưa cho Mã Ngọc. Mã Ngọc hai tay dâng cho cụ Vương Trùng Dương. Cụ Vương tiếp nhận. Kế đó khai tiệc, rượu thịt ê hề. Mọi người ăn uống no say xong thì ai tự về nhà nấy.

Thi nhân đời sau khen Mã Ngọc dũng cảm quyết tâm xả bỏ sản nghiệp, như vậy thành đạo cũng nhanh.

Bài thơ viết rằng:

Gia tài bỏ hết mến tu hành
Một vật không lưu, dục há sanh
Vọng niệm ngày nay đà sớm dứt
Năm sau ắt chóng đạo viên thành.(5)

Nói về Mã Ngọc, thấy mọi người trong tộc họ về hết, bèn vào nhà trong, nói với Tôn Uyên Trinh rằng: “Nếu bà chẳng dạy tôi kế đó, thì việc này chẳng thành.”

Tôn Uyên Trinh cười đáp: “Hễ sự việc cứ thuận theo lý mà làm, thì sao mà chẳng thành.”

Mã Ngọc hỏi: “Việc này thành công rồi. Còn việc hai ta cầu đạo thì cầu như thế nào?”

Tôn Uyên Trinh đáp: “Việc cầu đạo thì nên thư thả. Đợi thầy tịnh dưỡng vài ngày, rồi hai ta cùng đến bái sư.”

Mã Ngọc liền khen là hay.

Tạm ngưng nói tới chuyện Mã Ngọc và Tôn Uyên Trinh cầu đạo.

Nay nói về Vương Trùng Dương, một lòng chiêu tập người tu hành trong thiên hạ về nơi này, để tu chân dưỡng tính, nhưng ông còn ngại mọi người xung quanh lời ra tiếng vào, sinh chuyện thị phi. Cho nên trước tiên ông phải thi ân bố đức, cho người người cảm phục nhớ ơn, thì về sau mới đắc dụng.

Do đó ông làm từ thiện rộng khắp: giúp đỡ tiền hoặc gạo bất kể thời gian cho người nghèo khổ và những kẻ như ông già không vợ hoặc góa vợ, đàn bà không chồng hoặc góa chồng, trẻ mồ côi, và người già không con.

Họ Mã có ai túng thiếu, khó khăn thì ông giúp đỡ ít nhiều. Trai gái không lấy vợ lấy chồng được thì ông giúp cho lấy vợ lấy chồng. Nhà ai có người bệnh tật hay có việc tang ma thì ông giúp đỡ chu toàn. Ai vay mượn không trả thì ông cũng chẳng tìm đòi lại. Đúng như Mã Chiêu nói, ông là người nhân nghĩa vậy.

Do đó vùng này trong ngoài đều yên ổn, trên dưới đều an lòng. Ông chiêu tập nhiều người lại nơi này, giảng đạo, luận bàn huyền lý, mà chẳng ai lời ra tiếng vào, sinh sự với ông.

Sự việc đầu đuôi đều hoàn toàn, là bởi ông gắng sức thi ân huệ cho người. Hễ ai được hơn người khác, hay được giàu sang, thì chớ keo kiệt, mà nên ra ân huệ cho người vậy. Người đời sau đọc tới chỗ này, có bài thơ rằng:

Lòng mà rít róng việc đâu thành
Đàm tiếu thị phi ắt phải sinh
Vương Tổ nếu không ban bố đức
Nhiều năm đố hưởng được yên bình.(6)

Nói về Vương Trùng Dương, bên ngoài thì lo làm từ thiện, bên trong thì lo lập hơn mười cái am cỏ ở bên hông vườn hoa sau nhà, chuẩn bị chỗ cho người tu hành đến tịnh dưỡng. Mọi việc đều ổn thỏa, ông bèn dọn vào ở trong một cái am để luyện huyền công.

Ngày nọ, Mã Ngọc và Tôn Uyên Trinh cùng đến am của Vương Trùng Dương, quỳ xuống xin học đạo.

Vương Trùng Dương dạy:

“Đạo là con đường giác ngộ, khiến người ta lìa đường mê mà trở về nẻo giác. Nhưng việc này phải từ cạn tới sâu, từ nhỏ tới lớn, y theo thứ tự mà đi, thì mới thành công. Tuy nhiên, người học đạo trước tiên phải luyện tính.

Tính vốn là vật tiên thiên, phải luyện cho được tròn trịa sáng rỡ thì mới diệu dụng. Tính liên quan với tình. Tính và tình phát động, thì như rồng cọp hung dữ làm càn. Nếu không luyện tính và tình, hàng phục chúng, thì sao khử được thói hung dữ làm càn của chúng để trở về hư vô?

Đạo luyện tính là phải hồn nhiên thuần hậu, không biết không hay, không người không ta. Luyện được tính rồi thì vào chánh pháp.

Đạo hàng long phục hổ đã thực hành, lại còn phải khóa tâm viên và xiềng ý mã. Sở dĩ gọi là tâm viên ý mã, vì tâm của ta như con vượn chuyền cành, ý của ta như ngựa chạy rông. Do đó mà phải xiềng xích tâm và ý, cho tâm không lăng xăng, cho ý không lông bông, để chúng trở về tĩnh định.

Công phu tĩnh định này có thể đoạt được máy tạo hóa trời đất và diệu lý âm dương. Hễ tĩnh thì muôn tư lự đều hết, hễ định thì một niệm chẳng sinh. Thuận theo niệm lự mà làm thì thành phàm. Ngược lại niệm lự mà làm thì thành tiên.

Phải khiến cho trong tâm không có chút tạp niệm, không chút chướng ngại, trống rỗng hư không, không chấp trước cái gì, mịt mịt mờ mờ. Gọi là một sợi tơ không mắc vào người, một hạt bụi không nhiễm.

Đó là đại lược về Đạo. Còn chỗ thâm sâu huyền bí thì không thể nói ra tên và hình trạng của nó. Chỉ có thể tâm lĩnh ý hội mà thôi. Đợi cho hai ngươi tiến bộ rồi, thì ta mới chỉ điểm cho.”

Mã Ngọc nhận lãnh đạo hiệu là Đan Dương. Tôn Uyên Trinh nhận lãnh đạo hiệu là Bất Nhị, ngụ ý là vĩnh viễn không có hai lòng. Nhận lãnh đạo hiệu xong, cả hai quỳ lạy tạ ân thầy rồi trở về nhà trên.

Tôn Bất Nhị nói với Mã Đan Dương rằng: “Trước khi bái sư học đạo thì hai ta là vợ chồng. Như nay cùng bái sư rồi thì hai ta là đạo hữu, tôi gọi ông là sư huynh, ông gọi tôi là đạo hữu. Người học đạo phải dứt tuyệt ân ái, cho nên phải ở riêng biệt. Tôi không được tới chỗ riêng của huynh, huynh không được tới chỗ riêng của tôi. Có chuyện chi cần bàn bạc, thì sai hai đứa tôi tớ tới mời đến tiền sảnh để nói chuyện.”

Mã Đan Dương nói: “Cứ làm theo ý đạo hữu đi. Tôi không thể không theo. Đạo hữu có lòng chân, tôi có ý thực. Một năm hay nửa năm không đến phòng riêng đạo hữu, cũng không có trở ngại chi.”

Nói xong, Mã Đan Dương sai Mã Hưng dọn mùng màn chiếu gối ra cái phòng ở hiên phía trước cho ông ở. Từ biệt Tôn Bất Nhị rồi, ông liền ra đó an nghỉ.

Người đời sau nói rằng vợ chồng ông có dũng cảm và quyết tâm phân cách tu luyện, do đó thành đạo cũng dễ.

Có bài thơ rằng:

Đạo lớn xưa nay chẳng luyến tình
Luyến tình há đắc đạo tu hành
Năm xưa thấy rõ ông bà Mã
Chồng vợ ở riêng lòng chí thành.(7)

Nói về Mã Đan Dương và Tôn Bất Nhị phân chia phòng riêng được nửa tháng rồi. Ngày nọ Tôn Bất Nhị sai tôi tớ đi mời Mã Đan Dương cùng với mình tới am cỏ của Vương Tổ để học đạo.

Mã Đan Dương liền rời phòng riêng, cùng Tôn Bất Nhị đến gặp Vương Tổ, hỏi: “Hôm trước thầy dạy tính là vật tiên thiên. Xin hỏi thầy tiên thiên giống cái gì?”

Vương Tổ dạy:

“Tiên thiên là cái khí hỗn độn, không sắc không thanh, không hay không biết. Có chỗ nào mà làm. Như nói giống, thì chẳng phải tiên thiên. Cái chữ giống này mất diệu đế (chân lý kỳ diệu). Không thể làm và nói nó. Nói tiên thiên có chỗ giống, tức là chấp tướng. Chấp vào tướng thì mất lý tiên thiên.

Người ta nói tiên thiên ở chỗ này. Chỗ này không thuộc về tiên thiên. Người ta nói tiên thiên ở chỗ kia. Chỗ kia cũng chẳng phải ý nghĩa tiên thiên. Nói đi nói lại, không có một vật gì.

Lấy chữ nhất (một) mà bàn luận, thì đừng nói chữ nhất là tiên thiên. Chữ nhất vốn cũng không phải là tiên thiên. Ngươi nay muốn biết lý tiên thiên, ta lấy bút viết ra cho ngươi phân biện rõ ràng.”

Vương Trùng Dương nói xong, tay cầm bút muốn phân biện diệu đế. Chẳng biết cách phân biện thế nào. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Tính vốn tiên thiên, vật tối linh
Luyện được chân tính, ấy tiên thiên.(8)



CHÚ THÍCH:

1.
賄 族 長 馬 鈺 立 捨 約 — Hối tộc trưởng Mã Ngọc lập xả ước
論 玄 功 重 陽 傳 全 真 — Luận huyền công Trùng Dương truyền Toàn Chân.

2. Thiền sư Vân Môn (864-949) nói: “Suốt ngày nói chuyện, chưa từng có lời nào bám vào môi với răng, chưa từng nói một chữ. Suốt ngày mặc áo và ăn cơm, chưa từng chạm vào một hạt cơm, chưa từng vướng lấy một sợi tơ.” (Cổ Tôn Túc Ngữ Lục, quyển 16: 終 日 說 事, 未 嘗 挂 著 唇 齒, 未 曾 道 著 一 字. 終 日 著 衣 吃 飯, 未 曾 觸 著 一 粒 米, 挂 著 一 縷 絲. Chung nhật thuyết sự, vị thường quải trước thần xỉ, vị tằng đạo trước nhất tự. Chung nhật trước y ngật phạn, vị tằng xúc trước nhất lạp mễ, quải trước nhất lũ ti.) Ý nói thánh nhân cũng có sinh hoạt thường ngày y như người phàm, nhưng thánh nhân không chấp trước vào việc mình làm.

3.
流 水 迅 速 莫 蹉 跎 — Lưu thủy tấn tốc mạc tha đà
名 利 牽 纏 似 網 羅 — Danh lợi khiên triền tự võng la
萬 丈 懸 岩 撒 手 去 — Vạn trượng huyền nham tát thủ khứ
一 絲 不 掛 自 無 魔 — Nhất ti bất quải tự vô ma.

4.
言 語 原 來 不 在 多 — Ngôn ngữ nguyên lai bất tại đa
片 言 都 可 息 風 波 — Phiến ngôn đô khả tức phong ba
若 非 受 賄 了 私 事 — Nhược phi thụ hối liễu tư sự
總 有 好 言 也 錯 訛 — Tổng hữu hảo ngôn dã thác ngoa.

5.
家 財 捨 盡 慕 修 行 — Gia tài xả tận mộ tu hành
一 物 不 留 慾 怎 生 — Nhất vật bất lưu dục chẩm sinh
此 日 早 將 妄 念 了 — Thử nhật tảo tương vọng niệm liễu
他 年 故 得 道 先 成 — Tha niên cố đắc đạo tiên thành.

6.
慳 吝 居 心 事 不 成 — Khan lận cư tâm sự bất thành
閑 言 閑 語 隨 時 生 — Nhàn ngôn nhàn ngữ tùy thời sinh
若 非 王 祖 能 施 惠 — Nhược phi Vương Tổ năng thi huệ
焉 得 連 年 享 太 平 — Yên đắc liên niên hưởng thái bình.

7.
大 道 原 來 不 戀 情 — Đại đạo nguyên lai bất luyến tình
戀 情 焉 得 道 功 成 — Luyến tình yên đắc đạo công thành
且 看 馬 祖 當 年 事 — Thả khán Mã Tổ đương niên sự
夫 妻 分 房 意 最 誠 — Phu thê phân phòng ý tối thành.

8.
性 本 先 天 最 靈 物 — Tính bản tiên thiên tối linh vật
能 煉 真 性 即 先 天 — Năng luyện chân tính tức tiên thiên.