Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ sáu

Tôn Uyên Trinh khuyên chồng bỏ gia tài
Mã Văn Khôi ăn tiền thông quyền biến.(1)

Có bài thơ rằng:

Vạn pháp đều không, sao lại cầu
Mượn tiền trợ đạo giúp tu lâu
Tạm đem vật ấy thông quyền biến
Ngày khác tất nhiên sẽ hết sầu.(2)

Nói về Vương Trùng Dương bàn với Mã Ngọc về việc mượn tiền hộ đạo chiêu tập người tu hành. Mã Ngọc mới vui vẻ khâm phục nói rằng: “Cụ nói vậy thật là người có đạo đức lớn. Con và Tôn Uyên Trinh đều xin lạy cụ làm thầy. Chẳng biết ý cụ thế nào?”

Vương Trùng Dương nói: “Vợ chồng ngươi thực lòng tu đạo. Ta không thể không dạy. Nhưng trước tiên ngươi phải xả bỏ tài sản, rồi ta mới truyền dạy hai người về Chí Đạo 至道. Một lòng một ý thì tránh được ràng buộc.”

Mã Ngọc nói: “Cụ muốn dùng bao nhiêu tiền bạc thì cứ lấy dùng, con không hề cò kè thắc mắc, cần chi phải xả bỏ tài sản?”

Vương Trùng Dương nói: “Ngươi không xả bỏ, thì nó vẫn là của ngươi, ta chẳng được dùng tự do tự tiện.”

Mã Ngọc nói: “Ruộng đất bên ngoài, tiền bạc trong nhà, cùng giấy tờ kế ước con dâng hết cho cụ, vậy là xả bỏ rồi.”

Vương Trùng Dương nói: “Khế ước còn tên ngươi. Cần phải mời người trưởng tộc họ ra làm chứng, lập tờ giao ước xả bỏ tài sản, mới có thể làm bằng cứ.”

Mã Ngọc đang vui vẻ trở nên lo buồn, chào ông cụ rồi trở lên nhà trên, nói với Tôn Uyên Trinh rằng: “Theo tôi thấy, việc này không ổn.”

Tôn Uyên Trinh hỏi: “Sao mà không ổn?”

Mã Ngọc nói: “Người trong họ tôi, bà chẳng biết tâm địa của họ hay sao?”

Tôn Uyên Trinh nói: “Mỗi người mỗi tâm, sao biết hết tâm họ thế nào?”

Mã Ngọc nói: “Người trong họ tôi thấy vợ chồng mình không con nối dõi, ai nấy đều nghĩ tới chuyện phân chia tài sản. Chỉ đợi hai ta chết rồi, thì gia sản ruộng đất về tay họ. Làm sao họ chịu cho tôi đem xả bỏ tài sản, giao cho người khác? Nên tôi nói việc này không ổn.”

Tôn Uyên Trinh nói: “Việc này không khó. Ngày mai ông mời mấy vị có quyền lực trong tộc đến thương lượng. Nếu họ chịu theo ý ta thì thôi, còn như họ chẳng chịu, thì ông làm thế này, thế này… Chắc chắn họ sẽ vui vẻ theo ý ta. Bảo đảm với ông việc này sẽ thành công.”

Mã Ngọc cười nói: “Bà thật là tài tình. Việc này thành công hơn nửa rồi!”

Ông nói xong bèn bảo Mã Hưng đi mời trưởng tộc, hẹn tề tựu trước giờ ngọ ngày mai. Mã Hưng vâng lời đi mời ngay. Hôm sau, trưởng tộc và vài anh em cùng lứa đến, phân chia vai vế vào ngồi trong tiền sảnh, thầm tưởng có tiệc tùng gì đây. Một vị tối cao trong tộc tên Mã Long, là Cống Sinh, bấy giờ hỏi Mã Ngọc rằng: “Cháu mời chúng tôi đến là có chuyện gì vậy?”

Mã Ngọc đáp: “Mấy năm gần đây cháu thường bệnh hoạn. Ba ngày thì chẳng được hai ngày khỏe. Một người thì khó lo toan việc của trăm người. Vợ cháu cũng không khỏe, nên chẳng quản được việc nhà. Nay có một ông cụ họ Vương ở Thiểm Tây qua đây, là người trung hậu. Cháu muốn lưu giữ ông cụ ở lại đây, giao phó lo liệu việc nhà, để vợ chồng cháu an tâm tịnh dưỡng. Ông cụ nói vậy thì tốt lắm, bảo cháu mời trưởng tộc đến làm tờ giao ước xả bỏ gia sản. Vì vậy cháu mới mời các bậc tôn trưởng trong họ đến thương lượng, và làm tờ giao ước đưa cho ông cụ.”

Mã Ngọc dứt lời thì một người thuộc vai anh, tên Mã Minh, giận dữ đứng dậy, điểm mặt Mã Ngọc nói: “Chú có điên không? Có ngu không? Ăn nói lung tung. Cơ nghiệp tổ tông, chỉ nên giữ gìn, sao có chuyện đem cho người ngoài được? Chú bị ai lừa gạt, nên mới nói như vậy.”

Mã Ngọc tự biết lý lẽ mình không hợp, lại thấy anh kia nổi giận, nên không dám nói nữa.

Lại có một người thuộc vai chú, tên Mã Văn Khôi, là Tú Tài, và một người thuộc vai anh, tên Mã Chiêu, là Thái Học Sinh của Quốc Tử Giám. Hai người là người tài xuất sắc trong tộc họ. Hễ trong họ có chuyện lớn nhỏ gì, đều theo sự sắp đặt của hai người này. Việc được hay không, chỉ do một lời của họ. Mã Văn Khôi là người quyền biến, lúc đó thấy Mã Minh nặng lời với Mã Ngọc, bèn nói: “Đừng trách nữa. Viên ngoại của mấy người là kẻ thật thà. Trách móc vô ích. Cứ gọi ông cụ Vương ra đây cho tôi hỏi, xem có nguyên do gì.”

Nói xong liền bảo Mã Hưng đi mời cụ Vương. Mã Hưng đi chẳng mấy chốc thì Vương Trùng Dương tới. Cụ vào tiền sảnh, chẳng thi lễ, còn mấy người kia thì chẳng hỏi đến cụ. Mã Minh vừa thấy cụ Vương, liền cười lớn: “Tưởng cụ Vương là ai, hóa ra là lão ăn mày cô độc ở vùng này.”

Mã Văn Khôi nói với Vương Trùng Dương rằng: “Ông xin ăn chốn này được mấy năm. Chưa nghe nói ông có năng lực gì. Chẳng biết viên ngoại nhà tôi xem trọng ông cỡ nào mà đón về nhà nuôi dưỡng, có ăn có mặc đầy đủ. Ông phải an phận giữ mình, để sống qua ngày, thêm tuổi thọ. Cớ sao lừa cháu tôi, bảo nó xả bỏ gia sản, dâng cho ông? Ông nay năm sáu mươi tuổi, lẽ nào không hiểu chuyện. Trong thiên hạ sao có đạo lý ấy. Nói ra, không sợ bị chê cười hay sao?”

Mã Văn Khôi nói xong, Vương Trùng Dương đáp rằng: “Ta bình thường không biết làm gì hết. Chẳng qua vì sợ cái nghèo quá rồi, nên nói Mã viên ngoại đem tài sản cho ta, để ta sống thoải mái vài năm nữa, sá gì thiên hạ chê cười.”

Cụ nói chưa dứt lời, Mã Phú và Mã Quý nhảy qua, đến trước cụ, nhổ nước miếng vào mặt ông, rồi nói: “Lão già này chẳng biết thể diện gì cả: Nha đầu méo miệng mà muốn đội mão chim phượng, chuột mà muốn ăn thịt thiên nga. Uổng cho lão già sống mấy chục năm. Mở miệng mà không biết xấu hổ, khiến người ta tức giận.”

Mã Phú nói với Mã Quý rằng: “Bọn mình khỏi làm rùm nữa, tống cổ lão già ra khỏi gia trang này là xong.”

Nói rồi, hắn nhào tới muốn lôi ông cụ đi. Mã Chiêu bước tới cản lại: “Thôi chẳng cần xua đuổi ông lão, nên nghĩ tình lão là người đơn chiếc. Mã viên ngoại giữ ông lão lại, thì để ông lão tự đi. Đừng để viên ngoại xả bỏ sản nghiệp là được rồi.”

Mã Phú và Mã Quý nghe vậy bèn dừng tay. Mã Ngọc ghé miệng bên tai Mã Long, chẳng biết nói nhỏ điều chi, chỉ thấy Mã Long nói với mọi người rằng: “Mấy người đừng làm rùm beng nữa. Ai về nhà nấy đi. Ta tự có quyết định. Ta không bảo hắn xả bỏ tài sản, thì hắn nào dám làm.”

Mã Long là bậc tôn trưởng trong họ Mã, ai dám cãi lời. Cho nên ai về nhà nấy. Mã Ngọc ra ám hiệu cho ba người Mã Long, Mã Văn Khôi, Mã Chiêu ở lại, rồi mời qua thư phòng đãi tiệc. Mã Long ngồi bên trên, Mã Văn Khôi ngồi đối diện. Mã Chiêu ngồi bên trái Mã Long, Mã Ngọc ngồi bên phải Mã Long. Ngồi xong thì có gia nhân dọn tiệc ra, món ăn ngon khỏi cần nói. Uống được ba tuần rượu, Mã Ngọc đứng dậy nói: “Thưa ông Ba, chú Hai, và anh lớn có mặt hôm nay. Mã Ngọc tôi có tâm sự, muốn bàn bạc với ông Ba, chú Hai, và anh lớn đây.”

Mã Văn Khôi nói: “Cháu có việc gì, cứ nói ra, chúng tôi sẽ lo liệu.”

Mã Ngọc nói: “Cháu lẽ nào đem gia tài này cho không cụ Vương Trùng Dương. Chẳng qua là muốn ông cụ tạm trông nom gìn giữ vài năm, để cháu được rỗi rảnh mà thôi.”

Mã Chiêu hỏi: “Nhờ ông cụ gìn giữ thì được rồi, không hề chi, nhưng cần gì mà phải lập tờ giao ước xả bỏ tài sản?”

Mã Ngọc đáp: “Anh chẳng biết việc này là nhất thời quyền biến thôi. Làm vậy là muốn ông cụ thật lòng thật ý gìn giữ cho em, cho em yên tâm mà ông cụ cũng không làm biếng.”

Mã Văn Khôi nói: “Lý lẽ của cháu, ta chưa hiểu rõ lắm. Nói từ từ lại cho ta nghe xem nào.”

Mã Ngọc nói: “Kính thưa chú Hai, cháu xin nói đầu đuôi thế này: Bởi vì cháu nhiều bệnh, vợ cháu cũng thường nhức đầu chóng mặt, nên khó trông coi mọi việc. Từ lâu cháu muốn tìm một người thật thà trung hậu thay cháu chăm nom việc nhà. May thay, Trời chiều lòng người, nên cháu gặp cụ Vương là một người rất thật thà trung hậu. Cháu muốn giao phó gia tài cho ông cụ lo liệu. Nên cháu mới nói với ông cụ rằng: ‘Cụ thích quản lý tốt việc nhà này, thì nên xem gia sản này như của mình, đừng thay lòng đổi ý.’ Ông cụ không hiểu lời cháu, nên nói: ‘Ngươi bảo ta xem gia tài này như của ta, thì sao không đem cho ta luôn?’ Cháu thấy ông cụ nói lời ngây, nên cũng theo lời ngây mà nói đùa: ‘Cho cụ thì cho, có sao đâu.’ Rõ ràng là lời nói đùa, mà ông cụ tin là thật, lại còn muốn cháu mời các vị tôn trưởng trong họ cùng ông cụ lập tờ khế ước xả bỏ gia tài, đem cho ông cụ. Cháu nghĩ ông cụ là người đơn chiếc, chẳng họ hàng thân thích, không bạn không bè. Đem gia tài cho ông cụ, thì ông cụ chẳng mang nó đi đâu. Hơn nữa, ông cụ sống chẳng bao năm nữa, nếu lập tờ khế ước thì ông cụ vui lòng siêng năng quản lý công việc, để cháu hưởng nhàn dưỡng bệnh. Chừng nào ông cụ chết rồi, thì gia tài trở về tay cháu, có tổn hại chi? Cháu xin chú Hai làm chủ cho cháu, để việc này hoàn thành tốt đẹp.”

Mã Văn Khôi nói: “Tộc họ đông người, chú cũng không làm chủ được, thôi để hỏi ông Ba đây, xem thế nào.”

Mã Văn Khôi chưa dứt lời, Mã Long lắc đầu: “Ta cũng không làm chủ được. Thử hỏi Mã Chiêu xem thế nào.”

Mã Chiêu nói: “Có tôn trưởng trước mặt, cháu nào dám tự tôn.”

Mã Ngọc biết nói suông chẳng xong việc, bèn đi vào bên trong, lấy một thứ bảo bối đem ra, đặt trước mắt họ, làm họ mê liền.

Có bài thơ rằng:

Một vật cứng bền, trắng lắm a
Tròn tròn, vuông vắn, sáng mờ mờ
Xong xuôi trăm việc đều nhờ nó
Thiếu nó, muôn điều hỏng bét ra.(3)

Nói về Mã Ngọc lấy bảo bối đưa cho ba người, thì họ cười tít mắt, không nói đẩy đưa qua lại. Mã Long nói với Mã Văn Khôi rằng: “Mã Ngọc nói rõ ràng rồi, chẳng qua là giả bộ xả bỏ tài sản đem cho lão già, để ông ta yên tâm, hết lòng lo liệu việc nhà họ Mã này. Chuyện này cũng không có gì đáng ngại.”

Mã Văn Khôi nói: “Đó tuy là quyền biến tạm thời thôi, nhưng cần phải có mọi người hợp sức.”

Mã Chiêu nói: “Chỉ cần ông Ba và chú Hai chịu làm chủ thì mọi người yên lòng vâng theo.”

Mã Văn Khôi nói với Mã Chiêu: “Chú với ông Ba làm chủ, không biết cháu làm thế nào cho mọi người yên lòng vâng theo?”

Mã Chiêu kề tai Mã Văn Khôi nói mấy câu, Mã Văn Khôi vui mừng nói: “Diệu kế! Diệu kế! Nói kiểu này thì bảo sao mà mọi người không phục.”

Rồi đứng dậy nói Mã Ngọc rằng: “Cháu yên tâm, bảo đảm với cháu chuyện này thành công.”

Chẳng biết tờ khế ước xả bỏ tài sản sẽ lập thế nào. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Có bạc có tiền xong việc lớn
Lo chi khế ước chẳng thành công.(4)



CHÚ THÍCH:

1.
孫 淵 貞 勸 夫 捨 家 財 — Tôn Uyên Trinh khuyến phu xả gia tài
馬 文 魁 受 賄 通 權 變 — Mã Văn Khôi thụ lộ thông quyền biến.

2.
萬 法 皆 空 何 所 求 — Vạn pháp giai không hà sở cầu
借 財 護 道 養 真 修 — Tá tài hộ đạo dưỡng chân tu
暫 將 此 物 通 權 變 — Tạm tương thử vật thông quyền biến
他 日 依 然 一 概 丢 — Tha nhật y nhiên nhất khái đâu.

3.
白 森 森 又 硬 又 堅 — Bạch sâm sâm hựu ngạnh hựu kiên
明 幌 幌 有 圓 有 方 — Minh hoảng hoảng hữu viên hữu phương
有 了 他 百 事 可 做 — Hữu liễu tha bách sự khả tố
莫 得 他 萬 般 無 緣 — Mạc đắc tha vạn ban vô duyên.

4.
有 了 銀 兩 大 事 就 — Hữu liễu ngân lượng đại sự tựu
何 愁 捨 約 立 不 成 — Hà sầu xả ước lập bất thành.