Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ năm

Mã viên ngoại siêng nuôi dưỡng lễ thầy
Vương Trùng Dương lo tiền giúp người tu.(1)

Có bài thơ rằng:

Tiên Phật Thánh Hiền chỉ một tâm
Điểm tô tượng đất ắt mê lầm
Thế gian thắp nến xông nhang khói
Đâu thấy nụ cười Quán Thế Âm.(2)

Bốn câu trên ý nói muốn thành Tiên Phật, Thánh Hiền đều dụng công phu ở cái tâm này. Tâm chính thì thân cũng chính, việc làm cũng chính. Tâm tà thì thân cũng tà, việc làm cũng tà. Cho nên người tu hành trước tiên phải làm cho tâm mình đoan chính, rồi sau đó làm cho ý của mình chân thành. Nếu tâm mình không đoan chính thì ý không chân thành. Ý không chân thành thì vọng niệm phát sinh trăm mối, mãi mãi mất chân đạo. Người xưa có thơ rằng:

Niệm quấy vừa sinh thần đi liền
Thần đi sáu giặc loạn tâm điền
Tâm điền rối loạn thân vô chủ
Sáu nẻo luân hồi thấy nhãn tiền.(3)

Lại nói:

Sáu nẻo luân hồi nói hết đâu
Súc sinh quỷ đói luống u sầu
Khuyên ai ý niệm đừng sai quấy
Một kiếp làm người há dễ đâu.(4)

Bởi vậy nói rằng Tiên Phật, Thánh Hiền cũng từ cái tâm này mà thành. Tâm này không thể không đoan chính, ý này không thể không chân thành. Nếu không chính tâm và thành ý, dù cho đắp tượng điểm trang, đốt nến thắp nhang cũng chẳng ích gì, trái lại còn khiến Quán Thế Âm mỉm cười. Người đời không chính tâm thành ý, mà chỉ lo nhang đèn cúng vái để cầu phước, chứ không biết sự huyền diệu của tâm này. Vì thế mà Bồ Tát cười.

Trở lại chuyện đang nói về Mã Ngọc. Nghe báo rằng ông cụ mang bầu sắt vừa tới, Mã Ngọc vội vàng bước ra đón tiếp, mời ông vào nhà trong. Ông cụ theo Mã Ngọc vào tiền sảnh, tự ngồi lên ghế, dáng vẻ đường bệ, ngạo nghễ hỏi: “Ngươi gọi ta vào, muốn nói điều chi?”

Mã Ngọc đáp: “Con thấy cụ tuổi đã cao, suốt ngày hành khất, thật khó nhọc. Thôi thì cụ ở lại nhà con, con sẵn lòng nuôi dưỡng cụ. Chẳng hay ý cụ thế nào?”

Nghe chưa hết câu, ông cụ giận mặt biến sắc nói: “Ta xin ăn quen rồi. Ta không ăn thức ăn vô danh của ngươi.”

Mã Ngọc thấy ông cụ giận đổi sắc mặt, nên không dám hỏi nữa, bèn vào trong hỏi Tôn Uyên Trinh: “Tôi mời ông cụ mang bầu sắt ấy vào nhà. Tôi nói muốn phụng dưỡng ông, nhưng ông nói không ăn thức ăn vô danh của tôi. Ông không chịu lưu lại nhà mình. Nên tôi tới hỏi bà, tính sao đây?”

Tôn Uyên Trinh nghe vậy, cười nói: “Lẽ nào ông chẳng nghe nói: Quân tử cầu đạo chứ không cầu miếng ăn; tiểu nhân cầu miếng ăn chứ không cầu đạo.(5) Ông vừa gặp cụ liền lấy chuyện nuôi dưỡng ra mà dụ dỗ. Đối với bậc quân tử, lẽ nào có thể lấy miếng ăn miếng uống mà dụ dỗ cho được. Đó là ông lỡ lời, không có tâm cơ. Để tôi bước ra nói đôi lời, ông cụ chắc sẽ vui lòng ở lại.”

Có bài thơ rằng:

Nào phải thầy không khứng ở đâu
Chẳng qua Mã Ngọc nói lầm câu
Uyên Trinh giỏi giắn thông quyền biến
Khéo khiến tiên ông phải gật đầu.(6)

Nói về Tôn Uyên Trinh bước ra tiền sảnh, thấy ông cụ, liền vái chào: “Cụ được muôn phước ạ.”

Ông cụ cười đáp: “Ta là kẻ ăn mày, có phước gì đâu mà nói!”

Tôn Uyên Trinh nói: “Cụ không phải lo lắng về nhà cửa, tiêu dao tự tại, chẳng phải là phước đó sao? Chẳng ưu chẳng sầu, thanh tĩnh vô vi, chẳng phải là phước đó sao? Trên đời này biết bao nhà phú quý, biết bao kẻ danh lợi, mà rốt cuộc lao tâm khổ tứ, nhiều ưu lắm sầu, thương vợ yêu con, ràng buộc không dứt. Tuy tiếng là có phước mà thực là không hưởng được, toàn là cái danh hão mà thôi.”

Nghe vậy ông cụ cười ha hả, nói: “Ngươi đã biết tiêu dao tự tại là phước, biết thanh tĩnh vô vi là phước. Vậy sao không học tiêu dao tự tại? Sao không học thanh tĩnh vô vi?”

Tôn Uyên Trinh đáp: “Con chẳng phải không muốn học, nhưng vì chẳng được pháp ấy. Muốn tiêu dao mà chẳng được tiêu dao, muốn thanh tĩnh mà chẳng được thanh tĩnh.”

Ông cụ nói: “Miễn là ngươi chịu học thì ta không ngại dạy ngươi.”

Tôn Uyên Trinh nói: “Cụ đã chịu phát tâm dạy con rồi. Trong hoa viên phía sau nhà con có cái hiên đón trăng, rất thanh tĩnh. Kính mời cụ đến ở. Chúng con sẽ đến học tập.”

Ông cụ gật đầu đồng ý.

Có bài thơ rằng:

Lời nói tâm cơ suốt cổ kim
Thầy tiên nay gặp được tri âm
Tri âm nghe được tri âm nói
Đây đó vốn cùng một chữ tâm.(7)

Ông cụ nghe Tôn Uyên Trinh nói vậy, lòng rất vui, liền gật đầu đồng ý. Mã Ngọc sai người nhà quét dọn sạch sẽ hiên đón trăng, bày biện giường màn, chăn nệm, bàn ghế, rồi mời ông cụ vào nghỉ ngơi. Ông còn cho đứa ở tên là Trân Oa đến lo trà nước và đưa cơm sớm chiều cho cụ.

Mã Ngọc nói với Tôn Uyên Trinh rằng: “Hai ta với cụ trò chuyện nửa ngày mà chưa biết tên họ ông cụ là chi. Để tôi đi hỏi cụ.”

Tôn Uyên Trinh nói: “Bậc đại ân không cần ai cám ơn, bậc đại đức không cần ai biết tên. Mình lấy lễ tương ngộ, cần chi mà định biết tên cụ? Cứ gọi là ông cụ cũng được rồi.”

Mã Ngọc không tin, muốn đi hỏi tên. Tôn Uyên Trinh ngăn cản không được, đành để ông đi.

Mã Ngọc đến hiên đón trăng ở vườn hoa, thấy ông cụ đang tĩnh tọa trên trường kỷ. Mã Ngọc đến trước mặt ông, hỏi rằng: “Xin hỏi cụ tên họ là chi? Nhà ở đâu? Vì sao tới chốn này?”

Mã Ngọc hỏi liền mấy lần. Ông cụ trợn tròn mắt, cao giọng đáp: “Ta là Vương Trùng Dương, nhà ở Thiểm Tây, ngàn dặm chẳng ngại gian lao, vì ngươi mà tới đây.”

Mã Ngọc nghe nói, kinh ngạc nói: “Cụ vì con mà tới đây à?”

Vương Trùng Dương vỗ tay cười: “Ta chính vì ngươi mà tới đây.”

Mã Ngọc nói: “Cụ vì con mà tới đây. Rốt cuộc là tại sao?”

Vương Trùng Dương nói: “Vì cái gia tài to lớn của ngươi mà ta đến đây.”

Mã Ngọc nghe nói nửa cười nửa giận hỏi rằng: “Cụ vì gia tài to lớn của con mà tới, bộ cụ muốn lấy nó hay sao?”

Vương Trùng Dương nói: “Nếu không muốn cái gia tài to lớn của ngươi, thì ta chẳng đến đây.”

Nghe câu này, Mã Ngọc giận, sắc mặt sa sầm, vội vàng bước ra ngoài.

Có bài thơ rằng:

Tiên ông ăn nói khiến người kinh
Đời thuở chưa nghe chuyện bất bình
Tài sản của người đòi chiếm đoạt
Nào dè lý đạo khó tường minh.(8)

Nói về Mã Ngọc ra khỏi hiên đón trăng, thầm nghĩ: Cụ già này thật không biết điều. Tự dưng mà muốn chiếm đoạt gia tài của kẻ khác. Đến như con nít còn chẳng mở miệng nói vậy. Người như thế có đạo đức hay sao? Ông trở về phòng ngồi xuống, lặng lẽ chẳng nói.

Tôn Uyên Trinh thấy sắc mặt chồng, biết chắc là do ông cụ nói điều chi rồi, bà bèn cười nói: “Tôi cản ông đừng đi, mà ông chẳng tin, cứ nhất định đi. Rốt cuộc ông hỏi không hợp lẽ, nên bị ông cụ nói lời gây xung đột. Ông cần có đại lượng, đừng học thói chấp nhất của hạng tiểu nhân.”

Mã Ngọc nghe vợ nói, bình tĩnh đôi chút, rồi nói: “Tôi tưởng ông cụ là người đạo đức, ai ngờ là kẻ tham tài sản.”

Tôn Uyên Trinh hỏi: “Sao biết là kẻ tham tài sản?”

Mã Ngọc kể lại: “Ông cụ tên là Vương Trùng Dương. Vì gia tài họ Mã mà tới đây.”

Tôn Uyên Trinh nói: “Cụ Vương muốn gia tài mình chắc là có lý do. Sao ông không hỏi cho rõ ràng. Thường nghe nói: Ruộng đất ngàn năm có tám trăm đời chủ. Tài sản là của chung trong trời đất, chẳng qua là cho người mượn tạm mà dùng thôi. Người biết dùng thì hưởng được vài chục năm. Người không biết dùng thì như mưa vùi dập hoa, gió thổi tan mây, tài sản đến tay mình thì tiêu tán qua tay người. Cho nên nói tài sản là của chung trong trời đất vậy, luân lưu xoay chuyển hoài. Người nghèo thành giàu, người giàu thành nghèo. Nào có chủ nhân trăm đời đâu? Nào có tôi tớ ngàn năm đâu?”

Có bài thơ rằng:

Gia sản chớ khoe lớn dẫy tràn
Ai đâu giữ mãi, chẳng tan hoang
Tiền tài vốn của chung thiên hạ
Há giữ ngàn năm được vẹn toàn.(9)

Nói về Tôn Uyên Trinh khuyên chồng rằng: “Cụ Vương muốn gia tài mình chắc là có lý do. Nếu ông cụ nói hợp lý, thì mình chẳng ngại ngùng tặng ông cụ cho rồi. Huống chi hai ta không con không cái. Gia sản về sau biết rơi vào tay ai?”

Bà nói chưa dứt lời, Mã Ngọc cười nói: “Bà nói sao dễ dàng quá. Tổ tiên tôi từ Thiểm Tây di cư qua Sơn Đông, chịu trăm cay ngàn đắng mới lập được cái gia sản này. Tôi tuy bất tài, nhưng chẳng dám lấy cái gia sản mồ hôi nước mắt mà tổ tiên khổ công gầy dựng đem cho không người khác. Hơn nữa, vợ chồng mình mới sống được nửa đời. Nếu cho người ta tài sản rồi, về sau mình lấy gì sống qua ngày, rồi ăn mặc cái chi? Chẳng phải là lầm lẫn việc lớn hay sao?”

Tôn Uyên Trinh đáp:

“Uổng cho ông là bậc nam nhi mà chẳng có kiến thức. Mình giao gia tài cho ông cụ để cầu đạo trường sinh bất tử. Nếu có đạo trường sinh, ta tu hành thành thần tiên, thì cái gia tài này dùng làm chi?

Lại nghe nói: Một đứa con tu thành tiên thì chín tổ siêu thăng.(10) Vậy mình đâu có lầm lỗi gì đối với tổ tiên? Xem ra chữ đạo này đáng giá hơn cái gia sản to lớn của ông nhiều lắm.”

Có bài thơ rằng:

Bạc vàng của cải có hằng hà
Há sánh được bằng đạo pháp a
Tài sản tuy nhiều rồi cũng hết
Đạo mầu mãi mãi chẳng tiêu ma.(11)

Nói về Mã Ngọc nghe lời bà như vậy, bèn nói rằng: “Lời bà chẳng phải không hay. Nếu tu chẳng thành tiên thì sao? Giống như vẽ cọp chẳng thành, lại thành chó.”

Tôn Uyên Trinh nói:

“Làm người phải có lòng bền bỉ. Người chẳng có lòng bền bỉ thì chẳng thể làm thầy bói, thầy thuốc,(12) nói chi đến học thành Thần Tiên? Ai có chí sẽ thành công. Ai không có chí sẽ thất bại. Vấn đề ở chỗ có lòng bền bỉ hay không, có ý chí hay không mà thôi.

Thường nghe nói Thần Tiên vốn từ người phàm tu luyện thành. Chỉ sợ người phàm tâm không chuyên nhất thôi. Chỉ cần chuyên tâm chuyên ý tu luyện thì đắc đạo. Xưa nay Tiên Phật đều từ người phàm mà tu thành. Có phải sinh ra là Thần Tiên ngay đâu?”

Mã Ngọc nghe lời bà như vậy, gật đầu khen: “Hay quá!”

Hôm sau, ông đến hiên đón trăng gặp Vương Trùng Dương, nói rằng: “Hôm qua cụ nói muốn lấy gia tài của tôi. Chẳng hay cụ muốn dùng tiền tài này để làm gì?”

Vương Trùng Dương nghiêm sắc mặt nói: “Ý ta muốn chiêu mộ những bậc ngộ đạo tu hành khắp thiên hạ về đây tu hành, luận đạo. Ta lấy tiền tài của ngươi để dưỡng tánh cho họ và bảo vệ đạo. Giúp họ bên ngoài chẳng bị phiền lụy; bên trong được nuôi dưỡng. Khi đến thì họ an lạc, khi ở chung thì họ vui vẻ.”

Vương Trùng Dương nói chân tình với Mã Ngọc. Mã Ngọc nghe lời ấy, trong lòng mới vui vẻ, khâm phục. Nhưng chẳng biết gia tài họ Mã có xả bỏ được không. Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Xả bỏ bản thân theo việc người
Đại thánh siêu phàm mới thật là.(13)



CHÚ THÍCH:

1.
馬 員 外 勤 奉 養 師 禮 — Mã viên ngoại cần phụng dưỡng sư lễ
王 重 陽 經 營 護 道 財 — Vương Trùng Dương kinh doanh hộ đạo tài.

2.
仙 佛 聖 賢 只 此 心 — Tiên Phật Thánh Hiền chỉ thử tâm
何 須 泥 塑 與 裝 金 — Hà tu nê tố dữ trang câm
世 間 點 燭 燒 香 者 — Thế gian điểm chúc thiêu hương giả
笑 倒 慈 悲 觀 世 音 — Tiếu đảo từ bi Quán Thế Âm.

3.
妄 念 一 生 神 卽 遷 — Vọng niệm nhất sinh thần tức thiên
神 遷 六 賊 亂 心 田 — Thần thiên lục tặc loạn tâm điền
心 田 一 亂 身 無 主 — Tâm điền nhất loạn thân vô chủ
六 道 輪 回 在 目 前 — Lục đạo luân hồi tại mục tiền.

4.
六 道 輪 回 說 不 完 — Lục đạo luân hồi thuyết bất hoàn
畜 生 餓 鬼 若 干 般 — Súc sinh ngạ quỷ nhược can ban
勸 君 勿 起 妄 貪 念 — Khuyến quân vật khởi vọng tham niệm
一 劫 人 身 萬 劫 難 — Nhất kiếp nhân thân vạn kiếp nan.

5. Câu 君 子 謀 道 不 謀 食 Quân tử mưu đạo bất mưu thực chép trong Luận Ngữ (Vệ Linh Công, 32). Còn câu 小 人 謀 食 不 謀 道 Tiểu nhân mưu thực bất mưu đạo là lời suy diễn từ câu nói đó, như một ý đối lập hay tương phản.

6.
非 是 先 生 不 肯 留 — Phi thị tiên sinh bất khẳng lưu
只 因 言 語 未 相 投 — Chỉ nhân ngôn ngữ vị tương đầu
淵 貞 此 去 通 權 變 — Uyên Trinh thử khứ thông quyền biến
管 叫 老 人 自 點 頭 — Quản khiếu lão nhân tự điểm đầu.

7.
說 話 投 機 古 今 通 — Thuyết thoại đầu cơ cổ kim thông
先 生 今 日 遇 知 音 — Tiên sinh kim nhật ngộ tri âm
知 音 說 與 知 音 聽 — Tri âm thuyết dữ tri âm thính
彼 此 原 來 一 樣 心 — Bỉ thử nguyên lai nhất dạng tâm.

8.
先 生 說 話 令 人 驚 — Tiên sinh thuyết thoại lịnh nhân kinh
世 上 未 聞 這 事 情 — Thế thượng vị văn giá sự tình
平 白 要 人 財 與 產 — Bình bạch yêu nhân tài dữ sản
其 中 道 理 實 難 明 — Kỳ trung đạo lý thực nan minh.

9.
萬 貫 家 財 何 足 誇 — Vạn quán gia tài hà túc khoa
誰 能 保 守 永 無 差 — Thùy năng bảo thủ vĩnh vô sai
財 為 天 下 至 公 物 — Tài vi thiên hạ chí công vật
豈 可 千 年 守 著 他 — Khởi khả thiên niên thủ trước tha.

10. 一子 成仙, 九祖超昇. — Nhất tử thành tiên, cửu tổ siêu thăng.

11.
金 銀 財 寶 等 恆 河 — Kim ngân tài bảo đẳng hằng hà
不 及 道 功 值 價 多 — Bất cập đạo công trị giá đa
財 寶 雖 多 終 用 盡 — Tài bảo tuy đa chung dụng tận
道 功 萬 古 不 消 磨 — Đạo công vạn cổ bất tiêu ma.

12. Luận Ngữ (Tử Lộ, 22): 人 而 無 恆 , 不 可 以 作 巫 醫 . Nhân nhi vô hằng, bất khả dĩ tác vu y.

13.
能 做 捨 己 從 人 事 — Năng tố xả kỷ tòng nhân sự
方 算 超 凡 大 聖 人 — Phương toán siêu phàm đại thánh nhân.