Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ tư

Nói lẽ vô thường, bà Tôn khuyên bạn hiền
Tìm cầu Đại Đạo, ông Mã kiếm thầy sáng.(1)

Có bài thơ rằng:

Trời cũng không, đất cũng không
Kiếp người mờ mịt ở bên trong
Nhật cũng không, nguyệt cũng không
Mọc đông lặn tây, ai nên công
Ruộng cũng không, đất cũng không
Đổi thay mấy lượt chủ nhân ông
Vàng cũng không, bạc cũng không
Lúc chết tay còn giữ của không
Con cũng không, vợ cũng không
Suối vàng chín nẻo chẳng tương phùng
Sáng chạy tây, chiều chạy đông
Đời người bận bịu giống con ong
Hút lấy trăm hoa làm mật ngọt
Đắng cay rốt cuộc cũng hoàn không.(2)

Nói về Vương Trùng Dương đến tỉnh Sơn Đông, phủ Đăng Châu, huyện Ninh Hải, giả dạng làm kẻ ăn mày, thực tế là muốn tìm người tu hành.

Vùng tây bắc huyện Ninh Hải có nhà họ Mã, chủ là viên ngoại tên Mã Ngọc. Cha mẹ mất sớm, anh em không có. Ông tự lập gia đình, vợ là Tôn Uyên Trinh. Tôn Uyên Trinh dung mạo đoan trang, tâm tính kín đáo, điềm tĩnh. Bà biết chữ, đọc sách, nghiên cứu chuyện xưa nay, không thích nữ công thêu thùa may vá. Tuy là phận nữ, nhưng có khí khái đàn ông.

Nói chung, hễ Mã viên ngoại không quyết đoán được việc gì thì đều hỏi ý bà. Bà nói nửa câu, hay một lời, ông liền hết nghi ngờ. Bởi vậy ông bà kính trọng nhau như khách, tình cảm đối nhau như thầy như bạn, hiềm nỗi ông bà tuổi đã trung niên mà không con không cái.

Có bài thơ rằng:

Ngày tháng trôi nhanh chẳng đợi đâu
Về đông nước chảy đã bao lâu
Chẳng tin cứ thử soi màu tóc (3)
Xưa mặt tươi non, nay bạc đầu.(4)

Mấy câu này ý nói thời gian qua nhanh như tên bắn, thôi thúc người mau già. Ngày tháng qua lại như thoi đưa, xua tuổi trẻ đi mất.

Vợ chồng Mã viên ngoại tuổi gần bốn mươi mà không con cái. Ngày nọ ông nói với bà rằng: “Hai ta gần tứ tuần mà không người nối dõi, gia tài to lớn này chẳng biết về tay ai?”

Tôn Uyên Trinh đáp:

Tam Hoàng trị nước lâu, Ngũ Đế lập đại công (5)
Nghiêu Thuấn nhường ngôi đế, Đại Vũ mở chín sông (6)
Thành Thang thích Y Doãn, Văn Vương kiếm Thái Công (7)
Ngũ Bá bày mưu kế, Thất Hùng khiến động lòng (8)
Tần Vương gom sáu nước, Hán Sở bỗng tranh hùng (9)
Ngô Ngụy thờ nghiệp Hán, Lưu Bị rước Ngọa Long (10)
Đông Tấn cùng Tây Tấn, sự nghiệp rối bòng bong (11)
Nam Ngụy và Bắc Ngụy, núi sông quá mông lung (12)
Từ Đường Tống đến nay, phú quý có lắm ông (13)
Thử hỏi người đâu đó? Rốt cuộc chỉ là không.(14)

Từ xưa đến nay, hơn vài vạn năm, vua chúa quan tướng hơn mấy ngàn người, rốt cuộc chớp mắt cũng là không. Vợ chồng hai ta, mọi việc trước sau đều phó mặc cho hư không vậy. Xem như trong thiên hạ chưa từng có ta, và xem như cha mẹ chưa từng sinh hai ta.”

Mã Ngọc nghe thấy cười rằng: “Người khác tuy không, nhưng còn con cháu. Hai ta cũng không, mà gốc rễ đứt hết.”

Tôn Uyên Trinh nói: “Cái không này đạt tới không gốc rễ, mới đúng là thái không.”

Có bài thơ rằng:

Không tới tột cùng là thái không
Không kim không cổ tựa hồng mông
Nếu ai hiểu được lý không ấy
Thật đến Linh Sơn gặp Đại Hùng.(15) (16)

Tôn Uyên Trinh lại nói:

“Bàn về việc có con và không con. Có con cũng là không, không con cũng là không. Nghe nói Văn Vương có một trăm con, như nay có mấy người mang họ Cơ của ông ta? (17) Ai là con cháu vạn đời của ông ta? Có mấy người quét dọn mồ mả của ông ta?

Nghe nói Trương Công Nghệ (18) có chín trai hai gái. Quách Tử Nghi (19) bảy trai tám rể. Đậu Yên Sơn năm trai đều đỗ đạt.(20) Lưu Nguyên Phổ (21) có hai trai đều đậu cử nhân. Mấy người đó nhiều vinh hiển, con đàn cháu đống, nhưng nay con cháu ở đâu? Gió thảm mưa sầu, mồ hoang mả lạnh, mây sầu giăng đầy trời, cỏ dại lan khắp đất. Chẳng phải có con hay không con rốt cuộc cũng trở về không? Nấm mộ lẻ loi khó nói là của người không con nối dõi. Thành trì đẹp nguy nga chắc gì là của bọn có con có cháu?

Tôi nghĩ: kiếp người trên đời chỉ vài chục năm mà như trong khoảnh khắc, như cục đá lửa nhá sáng lên rồi tắt, như mộng ảo, như bọt nước, chẳng thật chẳng chân. Nhà lớn ngàn căn, tối ngủ chẳng qua bảy thước nằm.(22) Ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn chẳng qua ba bữa cơm. Biết bao nhiêu mỹ vị trân hào, vô số kể lụa là gấm vóc, trong nháy mắt quỷ vô thường bước tới,(23) rồi muôn sự đều hết. Vất bỏ bao vinh hoa, không còn hưởng phú quý, dù có vô số tiền bạc cũng không mua được cái sống cái chết. Uổng cho một kiếp làm người.”

Có bài thơ rằng:

Nhân tình thế thái lắm mang vương
Lầm nhận đường mê ấy cố hương
Nay lại xưa qua đều chẳng ở
Thời gian trộn lẫn, mượn soi gương.(24)

Tôn Uyên Trinh lại nói: “Hai ta ở chỗ không mà chẳng không, đi tìm một cái thật mà càng thật, luyện một lần công phu không sinh không diệt, học cách trường sinh bất tử vậy.”

Mã Ngọc nói: “Bà nói sai rồi. Từ xưa tới nay, hễ có sinh thì ắt có tử, sao có cái lý sống lâu không chết? Từ xưa tới nay, hễ có khởi đầu thì phải có kết thúc, sao có người làm việc không dứt?”

Tôn Uyên Trinh nói: “Tôi thường xem sách đạo. Sách có nói đến phép luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư, khiến cho chân tính thường tồn, linh quang bất diệt. Đó chính là đạo trường sinh vậy. Nếu học được đạo này, thì mình hơn người có con gấp trăm lần.”

Mã Ngọc nói: “Tuy nói vậy, làm sao có thể luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư, khiến cho chân tính thường tồn, linh quang bất diệt được?”

Tôn Uyên Trinh nói: “Ông phải cầu sư phụ truyền dạy, thì mới đạt được phép mầu đó.”

Mã Ngọc nói: “Tôi bái bà làm thầy cho rồi, để bà dạy công phu cho tôi.”

Tôn Uyên Trinh nói: “Tôi là phụ nữ, chẳng qua biết sơ sơ ít chữ nghĩa, xem qua vài cuốn sách, làm sao hiểu thấu được diệu lý này? Nếu ông thật lòng muốn học đạo, thì phải cầu bái minh sư thôi.”

Mã Ngọc nói: “Học thầy hỏi bạn là chuyện tôi vẫn thích, nhưng người tu đạo phải có căn tu, nếu không có căn tu, thì không thành Tiên, cũng chẳng thành Phật. Cho nên tôi tự xét căn tu mình còn nông cạn, không dám nói hai chữ tu đạo.”

Tôn Uyên Trinh nói:

“Lời ông sai rồi. Làm người trên đời, ai cũng đều có căn. Nếu không căn sao được làm người? Nhưng căn cơ mỗi người khác nhau.

Người căn cơ nông cạn thì sáu căn không vẹn toàn: hoặc mắt không sáng, tai không tỏ, tay chân khuyết tật; hoặc ngây ngô câm điếc; hoặc không vợ, không chồng, không con, mồ côi; hoặc nghèo hèn hạ tiện. Đó là người căn cơ nông cạn vậy.

Còn người căn cơ sâu dày thì: hoặc quý hiển làm thiên tử, giàu có bốn biển; hoặc ở ngôi cao trọng làm tể tướng cai quản muôn dân; hoặc làm quan tiếng tăm vinh hoa; hoặc nhà cửa giàu sang sung túc, vui hưởng ruộng vườn; sáu căn hoàn chỉnh: tai mắt sáng tỏ, tâm tính thiện lương, khí chất hiền hòa. Đó là người căn cơ sâu dày vậy.

Cái mà đời xem trọng là phú quý. Người phú quý so với người tầm thường, thì căn cơ sâu dày hơn. Nếu họ biết làm chuyện giúp người lợi vật, thì căn cơ còn sâu dày hơn nữa, muốn thành Tiên thành Phật, hay thành Thánh Hiền, đều có thể được.

Do đó phải xem căn cơ là cái tùy thời tăng bổ, không thể xem là một cái bẩm sinh cố định. Nếu căn cơ là cái từ kiếp trước mang tới, sao lại buồn là kiếp sau không mang theo được? Ví như cái núi, càng đắp càng lớn, càng đắp càng cao.

Chớ nói hai ta không có căn cơ. Nếu không có căn cơ, sao hưởng thụ nhà cửa ruộng vườn lớn như thế? Cho đến tôi tớ trong nhà, mình gọi một tiếng, chúng vâng dạ trăm tiếng. Như thế mà xem, mình cũng là người có căn cơ lớn rồi vậy.”

Mã Ngọc là người mộ đạo, chẳng qua nhất thời mê muội. Nay nghe vợ phân tích rõ ràng, nghĩa lý phân minh, ông chợt đại ngộ, bèn đứng dậy cảm tạ: “Nhờ bà chỉ bảo, tôi mở mang ra lắm. Nhưng chẳng biết sư phụ ở đâu mà cầu bái?”

Tôn Uyên Trinh nói: “Việc này không khó. Tôi thường thấy một ông cụ tay chống gậy trúc, mang cái cái bầu bằng sắt, thần khí mạnh mẽ, ánh mắt sáng rực, sắc mặt hồng hào. Ông xin ăn quanh thôn ta, hơn mấy năm mà dung nhan ít đổi, chẳng thấy già yếu. Tôi thấy ông cụ này ắt là có đạo. Đợi chừng nào ông cụ tới, ta tiếp đón vào nhà phụng dưỡng, rồi từ từ lạy xin học diệu lý.”

Mã Ngọc nói: “Mình có nhà cửa vườn tược rất lớn, phải làm việc kính người già, thương người nghèo, chẳng kể là người có đạo hay không có đạo. Rước ông vô nhà, ông ăn chẳng bao nhiêu, mặc cũng chẳng bao nhiêu. Để ngày mai tôi đi hỏi xem sao.”

Tôn Uyên Trinh nói: “Tu sớm một ngày, thì giải thoát sớm một ngày. Việc này chẳng nên chậm trễ.”


* * * * *



Nói về Vương Trùng Dương từ khi tới huyện Ninh Hải, đã chờ đợi mấy năm rồi. Thời gian này ông luyện huyền công tới mức tinh vi, tới chỗ linh hoạt, biết được chuyện quá khứ vị lai, hiểu thấu việc quỷ thần, có đủ phép thần thông, trí huệ viên minh, và hiểu rằng việc độ Thất Chân phải khởi đầu từ vợ chồng Mã viên ngoại. Thật là hợp với lời dạy của Chung Ly Lão Tổ: “Gặp Mã thì hưng.”

Vì thế Vương Trùng Dương loanh quanh qua lại chốn này, không xa gia trang Mã viên ngoại lắm. Như thế mấy năm cũng đã thấy mặt Mã viên ngoại vài lần, biết ông có đức tính lớn; cũng thấy mặt Tôn Uyên Trinh đôi lần, biết bà có trí huệ sâu. Ông cũng muốn tới khai thị cho hai người một lần. Nhưng lại nghĩ: Thầy thuốc chẳng nên tự tới gõ cửa người ta; đạo pháp chẳng nên truyền dạy dể duôi cho đời. Nếu họ không tới cầu khẩn, chí tâm học hỏi, thì không thể nói gì.

Vì Vương Trùng Dương hành khất ở chốn này mấy năm, ai nấy đều biết ông, đều xem ông là ông lão cô độc từ nơi xa tới, không ai nương tựa, bần cùng, xin ăn chốn này. Nào ai biết được ông là Thần Tiên, là Chân Nhân? Chỉ có Tôn Uyên Trinh là bậc kỳ nữ trong thiên hạ, là bậc dị nhân nhất trên đời, vốn tinh mắt nhìn người biết ai tốt ai xấu, biết ai phàm ai thánh. Bà biết ông lão cô độc từ nơi xa tới, không ai nương tựa, bần cùng xin ăn, chính là một vị Chân Tiên, nên bà nói với chồng, ý muốn mời ông cụ về nhà phụng dưỡng, để cầu đạo. Các vị khác trong Thất Chân cũng từ đó mà tiếp nối. Cho nên bàn về công phu tu hành của Thất Chân, thì phải kể Tôn Uyên Trinh là thứ nhất.

Có bài thơ rằng:

Trí huệ sinh ra vốn khác thường
Thần tiên đến xóm biết tinh tường
Uyên Trinh nhãn lực nếu không giỏi
Tông phái Thất Chân há tỏa hương.(25)

Nói về Mã Ngọc, nghe vợ nói rồi, bèn bước ra dặn người giữ cửa: “Nếu thấy ông cụ mang bầu sắt tới, phải gấp báo ta biết nhé.”

Người giữ cửa liền vâng vâng dạ dạ.

Ngày nọ Mã Ngọc đang ngồi ở tiền sảnh, chợt thấy người giữ cửa chạy vào báo tin ông cụ mang bầu sắt vừa tới. Mã Ngọc vội vàng bước ra đón tiếp. Đó cũng là đạo vận của Vương Trùng Dương đến. Thật ứng hợp với lời Chung Ly Lão Tổ nói trước đây: “Tự nhiên có người tới tìm ngươi.”

Chẳng biết Mã Ngọc tiếp đón ông lão rồi sẽ ra sao? Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Thần tiên cũng phải đợi thời cơ
Thời vận chẳng đến, đạo chẳng hành.(26)



CHÚ THÍCH:

1.
談 真 空 孫 氏 誨 夫 主 — Đàm chân không Tôn thị hối phu chủ
求 大 道 馬 鈺 訪 明 師 — Cầu Đại Đạo Mã Ngọc phỏng minh sư.

2.
天 也 空, 地 也 空 — Thiên dã không, địa dã không
人 生 渺 渺 在 其 中 — Nhân sinh miểu miểu tại kỳ trung
日 也 空, 月 也 空 — Nhật dã không, nguyệt dã không
東 升 西 墜 為 誰 功 — Đông thăng tây trụy vi thùy công
田 也 空, 地 也 空 — Điền dã không, địa dã không
換 了 多 少 主 人 翁 — Hoán liễu đa thiểu chủ nhân ông
金 也 空, 銀 也 空 — Kim dã không, ngân dã không
死 後 何 曾 在 手 中 — Tử hậu hà tằng tại thủ trung
妻 也 空, 子 也 空 — Thê dã không, tử dã không
黃 泉 路 上 不 相 逢 — Hoàng tuyền lộ thượng bất tương phùng
朝 走 西, 暮 走 東 — Triêu tẩu tây, mộ tẩu đông
人 生 猶 如 採 花 蜂 — Nhân sinh do như thái hoa phong
採 得 百 花 成 蜜 後 — Thái đắc bách hoa thành mật hậu
到 頭 辛 苦 一 場 空 — Đáo đầu tân khổ nhất trường không.

3. Bài Tương Tiến Tửu của Lý Bạch (701-762): Anh thấy chăng gương sáng nhà cao thương tóc bạc. Sáng như tơ xanh, chiều thành tuyết trắng. 君 不 見 高 堂 明 鏡 悲 白 髮, 朝 如 青 絲 暮 成 雪. Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát. Triêu như thanh ti mộ thành tuyết.

4.
迅 速 光 陰 不 可 留 — Tấn tốc quang âm bất khả lưu
年 年 只 見 水 東 流 — Niên niên chỉ kiến thủy đông lưu
不 信 試 把 青 絲 照 — Bất tín thí bả thanh ti chiếu
昔 日 朱 顏 今 白 頭 — Tích nhật chu nhan kim bạch đầu.

5. Tam Hoàng gồm Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế.
Ngũ Đế gồm Thái Hạo, Viêm Đế, Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc.

6. Vũ: Đại Vũ, con ông Cổn. Ông Cổn trị thủy thất bại, bị vua Thuấn giết. Con là Vũ trị thủy thành công. Vua Thuấn nhường ngôi, Đại Vũ sáng lập nhà Hạ.

7. Thành Thang: sáng lập nhà Thương.
Y Doãn: tướng của Thành Thang, nhiếp chính cho ấu vương Thái Giáp (cháu nội Thành Thang), dạy dỗ Thái Giáp thành người hiền đức, nối ngôi Thành Thang.
Văn Vương: Cơ Xương, hiệu Tây Bá, sáng lập nhà Chu.
Thái Công: Khương Thái Công, Khương Tử Nha, Lã Vọng.

8. Ngũ Bá gồm Tề Tuyên Vương, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Sở Trang Vương, Tần Mục Công.
Thất Hùng: đầu thời Chiến Quốc, gồm bảy bảy nước Hàn, Ngụy, Triệu, Tề, Yên, Sở, Tần tranh hùng, cuối cùng Tần diệt sáu nước, thống nhất Trung Quốc (221 trước Công Nguyên).

9. Doanh Tần: Tần Doanh Chính, năm 221 trước Công Nguyên thôn tính sáu nước, thống nhất Trung Quốc, xưng Tần Thủy Hoàng Đế.
Hán Sở tranh hùng: sau khi nhà Tần (221-206 trước Công Nguyên) sụp đổ, Lưu Bang và Hạng Vũ (tự xưng Tây Sở Bá Vương) nổi lên. Lưu Bang thắng, sáng lập nhà Hán (206 trước Công Nguyên – 220 Công Nguyên).

10. Khi nhà Hán sụp đổ, Trung Quốc chia ba: Ngụy (220-265), Thục (221-263), Ngô (222-280).
Ngọa Long (rồng nằm): Khổng Minh.

11. Tây Tấn (265-316), Đông Tấn (317-420).

12. Thời Nam Bắc Triều. Nam Triều có các đời: Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557), Trần (557-589). Bắc Triều có các đời: Bắc Ngụy (386-534), Đông Ngụy (534-550), Bắc Tề (550-577), Tây Ngụy (535-557), Bắc Chu (557-581). Theo sử thì không có đời Nam Ngụy.

13. Đường (618-907), Tống (960-1279), Kim (1115-1234).

14.
三 皇 治 世 久, 五 帝 建 大 功 — Tam Hoàng trị thế cửu, Ngũ Đế kiến đại công
堯 舜 相 揖 遜, 禹 疏 九 河 通 — Nghiêu Thuấn tương ấp tốn, Vũ sơ cửu hà thông
成 湯 聘 伊 尹, 文 王 訪 太 公 — Thành Thang sính Y Doãn, Văn Vương phỏng Thái Công
五 霸 展 謀 略, 七 雄 使 心 胸 — Ngũ Bá triển mưu lược, Thất Hùng sử tâm hung
贏 秦 吞 六 國, 楚 漢 兩 爭 雄 — Doanh Tần thôn lục quốc, Sở Hán lưỡng tranh hùng
吳 魏 事 漢 鼎, 劉 備 請 臥 龍 — Ngô Ngụy sự Hán đỉnh, Lưu Bị thỉnh Ngọa Long
東 晉 與 西 晉, 事 業 杳 無 蹤 — Đông Tấn dữ Tây Tấn, sự nghiệp yểu vô tung
南 魏 與 北 魏, 江 山 屬 朦 朧 — Nam Ngụy dữ Bắc Ngụy, giang sơn thuộc mông lung
唐 宋 到 於 今, 許 多 富 貴 翁 — Đường Tống đáo ư kim, hứa đa phú quý ông
試 問 人 何 在? 總 是 一 場 空. — Thí vấn nhân hà tại? Tổng thị nhất trường không.

15. Linh Sơn: nơi Phật ngự.
Đại Hùng: ngụ ý là Phật Tổ. Điện thờ Phật Thích Ca là Đại Hùng Bửu Điện. Kẻ tự chiến thắng chính mình, vượt lên lục dục thất tình để thành chánh quả còn khó hơn chiến thắng muôn vạn tinh binh. Vì thế gọi Phật là Đại Hùng.

16.
空 到 極 時 為 太 空 — Không đáo cực thời vi thái không
無 今 無 古 似 洪 濛 — Vô kim vô cổ tự hồng mông
若 人 識 得 太 空 理 — Nhược nhân thức đắc thái không lý
真 到 靈 山 睹 大 雄 — Chân đáo Linh Sơn đổ Đại Hùng.

17. Văn Vương họ là Cơ, tên là Xương, sáng lập nhà Chu.

18. Trương Công Nghệ (578-676) dạy con nghiêm và có phương pháp.

19. Quách Tử Nghi (697-781) là danh tướng đời Đường.

20. Bản chữ Hán: ngũ quế liên phương, nghĩa là năm cành quế đều tỏa hương thơm. Ngày xưa thi đậu gọi là bẻ quế, vin cành quế. Văn Xương Đế Quân trông coi việc thi cử, điện của Ngài có tên Quế Hương (Quế Hương nội điện, Văn Thỉ thượng cung…). Gia đình họ Đậu ở Yên Sơn có năm con trai đỗ đạt.

21. Lưu Nguyên Phổ sinh đôi được hai quý tử.

22. Thước tàu (xích 尺), tương đương 0,33 mét.

23. Quỷ vô thường: Cũng gọi vô thường đại quỷ, ám chỉ cái chết. Có câu: Vô thường đại quỷ bất kỳ nhi đáo. 無 常 大 鬼 不 期 而 到. (Cái chết không hẹn mà đến, ta có thể chết bất kỳ lúc nào.)

24.
經 營 世 故 日 忙 忙 — Kinh doanh thế cố nhật mang mang
錯 認 迷 途 是 本 鄉 — Thác nhận mê đồ thị bản hương
古 往 今 來 皆 不 在 — Cổ vãng kim lai giai bất tại
無 非 借 鏡 混 時 光 — Vô phi tá kính hỗn thời quang.

25.
生 成 智 慧 原 非 常 — Sinh thành trí huệ nguyên phi thường
識 得 神 仙 到 此 方 — Thức đắc thần tiên đáo thử phương
不 是 淵 貞 眼 力 好 — Bất thị Uyên Trinh nhãn lực hảo
七 真 宗 派 怎 流 芳 — Thất Chân tông phái chẩm lưu phương.

26.
神 仙 也 要 等 時 來 — Thần tiên dã yếu đẳng thời lai
時 運 不 來 道 不 行 — Thời vận bất lai đạo bất hành.