Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ ba

Nhận Thiên mệnh, tỉnh Sơn Đông độ thế
Vào địa đạo, núi Chung Nam ẩn thân.(1)

Có bài thơ rằng:

Lạnh nóng tình đời chán quá thôi
Tranh danh đoạt lợi khắp nơi nơi
Thú cầm dễ độ, người khó độ
Nguyện độ thú cầm, chẳng độ người.(2)

Nói về Vương Hiếu Liêm vốn trong người không bệnh, chẳng qua là giả đò mắc bệnh để dứt bỏ mọi ràng buộc quấy nhiễu, ngõ hầu học tốt huyền công.

Thầy thuốc Trương Hải Thanh nào biết được thâm tâm của Vương Hiếu Liêm, khám hoài mà chẳng thấy bệnh, bèn nói theo ý mọi người là ông Vương bị trúng gió á khẩu. Rồi kê toa mấy vị thuốc: xuyên khung ba đồng tiền, phòng phong nửa lạng. Kê toa xong, ông nói vài câu xã giao với mọi người, uống một tách trà thơm, sau đó lấy tiền thù lao, rồi đi.

Thầy thuốc đi rồi, mấy bạn bè của ông Vương Hiếu Liêm nói: “Anh ráng bảo trọng nha. Bọn tôi về đây. Hôm khác lại đến thăm anh.”

Vương Hiếu Liêm gật đầu. Mấy người bạn bèn ra về.

Khách ra về hết, bà Châu sai con gái là Thu cùng Ngọc Oa đến tiệm thuốc ở thôn tây, hốt thuốc về sắc. Sắc thuốc xong, cô Thu rót ra chén, hai tay bưng vào thư phòng, miệng kêu: “Cha ơi, uống thuốc.”

Nhưng cô thấy ông trợn mắt nhìn, giậm chân một cái dọa cô. Cô hoảng, vội đặt chén thuốc xuống rồi chạy ra khỏi phòng. Đợi cô Thu đi rồi, ông cầm chén thuốc đổ vào khe vách.

Lần kế, bà sai cô đem thuốc vào, cô không dám vào. Chỉ có Ngọc Oa thường ra vào, châm trà rót nước, chẳng ai dám đến trước cửa thư phòng. Hễ thấy ai là ông đấm ngực giậm chân, trợn mắt giận dữ, nên họ đều không dám tới. Bà Châu nghĩ tình vợ chồng đến thăm, ông cũng không muốn.

Từ khi ông giả bộ trúng gió á khẩu, mọi chuyện trong nhà ngoài cửa đều do một tay bà Châu lo liệu. Bà cũng không rảnh tới thăm ông thường xuyên.

Họ hàng bạn bè tới thăm ông vài lần, thấy ông cứ dáng vẻ như vậy, nên không tới nữa. Từ đó ai ai cũng nói: “Tiếc cho ông Vương Hiếu Liêm, là người tốt mà bị bệnh ngặt nghèo.”

Nhờ câu nói đó mà ông được yên ổn, thanh tĩnh, một mình trong thư phòng ngộ đạo tu chân, tu hành tĩnh tọa, trải mười hai năm thì đại đan thành tựu.

Có bài thơ rằng:

Vợ con thành bạn thành bè
Đói ăn cơm, khát uống chè thế thôi
Xem ra chẳng khác mọi người
Mười hai năm ẩn chợ đời luyện tu
Đến ngày viên mãn công phu
Chơn thần xuất hiện vân du mặc tình
Thế gian lắm kẻ tu hành
Mấy ai chánh quả tựu thành như ông.(3)

Vương Hiếu Liêm tại nhà tu hành đắc đạo, xuất được dương thần, phân thân biến hóa, tự lấy đạo hiệu là Trùng Dương. Đêm nọ, tại thư phòng Vương Trùng Dương ngồi tĩnh tọa, một niệm chẳng sinh, vạn duyên đều dứt, chợt nghe trên không trung có tiếng gọi: “Vương Trùng Dương mau lên mây tiếp ngọc chiếu.”

Vương Trùng Dương nghe thấy liền phóng lên trời, gặp Thái Bạch Kim Tinh đứng trên đám mây, nói: “Vương Trùng Dương quỳ nghe ta đọc chiếu của Ngọc Đế.”

Chiếu viết rằng: “Ta thấy Vương Trùng Dương tu hành gian khổ, trải mười hai năm không chút sai sót. Nay đạo quả viên mãn, ta phong ngươi làm Khai Hóa Chân Nhân, mau qua tỉnh Sơn Đông độ người đời, sớm giúp Thất Chân thượng thăng. Sau khi ngươi thành công, ta sẽ gia phong cho ngươi. Khá tuân lệnh.”

Thái Bạch Kim Tinh đọc ngọc chiếu xong, Vương Trùng Dương lạy tạ ân lần nữa, rồi thi lễ với Tinh Quân. Tinh Quân nói: “Chân Nhân mau đến Sơn Đông độ thế, chớ sợ khó nhọc mà phụ lòng Ngọc Đế. Ngày sau Hội Yến Bàn Đào ta sẽ gặp lại nhau và đàm đạo.”

Tinh Quân nói xong, bay trở về Thiên Cung. Vương Trùng Dương trở về thư phòng tĩnh tọa.

Sáng sớm ngày nọ, Ngọc Oa đem nước vào cho ông rửa mặt, đẩy cửa thấy không mở, bèn chạy báo cho bà Châu biết. Bà cùng hai đứa ở đến trước cửa thư phòng gọi ông. Thấy cửa không mở, bà nghĩ rằng ông chết rồi, bèn cho cạy cửa vào thì thấy thư phòng không có người.

Bà Châu hoảng sợ, cho người đi tìm bốn hướng, cũng không thấy tăm hơi gì. Bà khóc rống lên, kinh động làng xóm. Họ bèn đến nhà hỏi han. Ngọc Oa kể nguyên do cho họ nghe.

Vài người nói: “Việc này kỳ quái thật. Cửa đóng chặt mà người không thấy. Chẳng lẽ trổ nóc leo tường mà đi?”

Nói rồi vào xem kỹ, không thấy gạch ngói bị cạy gỡ. Bà Châu lại cho người đi tìm khắp nẻo, cũng không có dấu vết.

Trong số khách nọ có kẻ am hiểu, nói rằng: “Mấy người khỏi đi tìm nữa cho mất công. Tôi thấy ông Vương kiểu này chắc thành thần tiên rồi.”

Họ hỏi: “Ông thấy sao mà nói là ổng thành thần tiên?”

Người ấy đáp: “Ông Vương ngồi trong thư phòng mười hai năm, không di động một bước. Rồi ông giả bộ trúng gió á khẩu để dứt tuyệt trần gian. Tôi thường thấy ông Vương mặt sáng hồng hào, mắt có thần quang phóng ra. Chẳng phải thần tiên sao lại như thế?”

Mọi người nghe nói vậy thì nửa tin nửa ngờ, đồng thanh nói: “Vậy ổng thành tiên, cưỡi mây lên trời rồi.”

Bà Châu nghe nói vậy cũng vơi bớt sầu khổ. Mọi người tản ra, ai về nhà nấy.

Nói về Vương Trùng Dương, ngày đó trong thư phòng độn thổ rời khỏi thôn Đại Ngụy, rồi nhắm hướng Sơn Đông mà đi. Đi hết mấy ngàn dặm mà chẳng thấy Thất Chân đâu. Ông chỉ thấy hai hạng người: một hạng vì danh, một hạng vì lợi. Ngoài ra chẳng có ai mộ đạo để ông độ.

Ông bèn trở về Thiểm Tây, đến chân núi Chung Nam, thấy một núi đất vài trăm dặm, thanh u xinh đẹp. Ông nghĩ thôi thì độn thổ vào nơi sâu, ẩn thân nấp kỹ, đợi thế gian có người tu hành thì ra mà độ họ cũng không trễ.

Nghĩ xong, ông bắt quyết niệm chú, độn thổ, đi ước chừng nửa giờ thì thấy một chỗ rất sâu, có cái hang để dung thân. Ông bèn vào trong hang, lót chỗ ngồi, phục khí điều tức để bảo tồn mệnh.

Có bài thơ rằng:

Trời đất chỉ gồm hai hạng người
Tham danh hoặc hám lợi mà thôi
Thất Chân chưa biết phương nào độ
Hang núi ẩn thân đành đợi người.(4)

Nói về Vương Trùng Dương ẩn thân nơi hang núi chẳng biết bao ngày, dường như gần nửa năm. Bỗng ông nghe một tiếng nổ long trời lở đất, hang núi bị chấn động nứt một đường, bên trên có luồng kim quang rọi xuống. Vương Trùng Dương cả kinh, biết sư phụ tới, vội vàng nhảy lên khỏi chỗ nứt, quả nhiên thấy hai vị tiên Chung Tổ và Lã Tổ. Vương Trùng Dương quỳ mọp lạy, không dám ngước lên.

Lã Tổ cười nói: “Người khác tu đạo thì lên thiên đường, còn ngươi tu đạo thì xuống địa phủ, xem ra công trình của ngươi với họ khác nhau lắm. Trên thì trái lòng Trời, dưới thì nghịch ý thầy, như thế mà là tiên hay sao?”

Vương Trùng Dương dập đầu tạ tội rằng: “Thưa, đệ tử nào dám làm trái lòng Trời, nghịch ý thầy. Kỳ thực, nay Sơn Đông không có ai đáng độ, cho nên đệ tử tạm ẩn náu chốn này, đợi trên đời có người tu hành, thì đệ tử tái xuất mà độ cũng không muộn.”

Lã Tổ dạy:

“Người tu hành xứ nào mà chẳng có. Chỉ tại ngươi không gắng sức tìm, nên không thấy. Như hồi đầu ngươi đâu có lòng học đạo. Nếu ta và Chung Tổ Sư không mấy lần đến điểm hóa cho ngươi thì ngươi chẳng qua là một Vương Hiếu Liêm mà thôi, chứ đâu có thành Đại La Kim Tiên như ngày nay.

Ngươi nay an nhiên, chẳng chịu tinh tấn, mà còn nói thiên hạ không người để độ, chẳng phải là sai lầm hay sao? Nếu ngươi dùng cách ta độ ngươi mà đem độ người khác, thì thiên hạ sao chẳng có người để độ?

Xưa kia ta say ba lần ở Nhạc Dương mà người đời chẳng biết, rồi ta phi thân qua hồ Động Đình, cũng cho rằng trên đời chẳng có ai để độ.

Rồi ta trở ngược lên phương Bắc, tới Liêu Dương, thấy thừa tướng nước Kim có phong khí đáng độ, nên ta đích thân chỉ điểm cho.

Thừa tướng liền bỏ ấn từ quan, lên núi tu luyện, tu thành đại đạo, lấy hiệu Hải Thiềm. Lưu Hải Thiềm bắt chước ta, đi về phương Nam. Hải Thiềm độ được Trương Tử Dương. Tử Dương độ được Thạch Hạnh Lâm. Hạnh Lâm độ được Tiết Đạo Quang. Đạo Quang độ được Trần Trí Hư. Trí Hư độ được Bạch Tử Thanh. Tử Thanh độ được Lưu Vĩnh Niên. Vĩnh Niên độ được Bành Hạc Lâm. Bảy người này đều chứng quả, gọi là Nam Thất Chân.

Hồi đó ta cũng cho là chẳng có ai để độ, nào ngờ độ được nhiều người.

Thiên hạ to lớn, bốn biển bao la, diệu lý không cùng, chí nhân chẳng ít. Sao lại có cái lý lẽ rằng chẳng có ai để độ? Nay có Bắc Thất Chân là: Khưu, Lưu, Đàm, Mã, Hác, Vương, Tôn.(5) Ta mấy lần dặn dò, ngươi chẳng đi độ. Sức ngươi lẽ nào chẳng bằng Lưu Hải Thiềm sao? Nếu chẳng bằng, đó là vì lòng ngươi sợ khó khăn mà thôi.”

Lã Tổ nói xong, Vương Trùng Dương tỏ ngộ, sợ hãi quỳ lạy tạ tội, toát mồ hôi đầm đìa.

Chung Tổ bảo Vương Trùng Dương đứng dậy, đứng qua một bên, rồi dạy rằng:

- “Chẳng phải thầy đôi ba lần trách ngươi, mà vì kỳ Hội Bàn Đào cận kề. Phải độ người trong thiên hạ tu hành liễu đạo thành tiên, cùng đi dự Hội Bàn Đào.

Bàn đào này ở núi Côn Lôn. Một ngàn năm mới nở hoa, một ngàn năm mới kết trái, một ngàn năm mới chín. Cả thảy ba ngàn năm mới được trái đào hoàn toàn. Trái đào lớn như cái đấu, hồng như lửa bừng, ăn một miếng thì sống ngàn năm.

Tây Vương Mẫu không đành lòng hưởng riêng một mình, mà muốn cùng hưởng đào với chư Thần Thánh Phật Tiên, cho nên thiết lập hội yến tên gọi là Đại Hội Quần Tiên.

Mỗi lần đại hội thì phải có Thần Tiên mới tu thành chánh quả, vậy đại hội mới có vẻ rực rỡ, chứ tham dự hội yến chỉ có những vị Thần Tiên cũ, chứng tỏ thiên hạ không còn người tu hành học đạo nữa hay sao. Tây Vương Mẫu ắt rất buồn.

Thời thượng cổ, kỳ đại hội có hơn ngàn vị vừa chứng đắc Chân Tiên đi dự. Thời trung cổ, chỉ có hơn vài trăm vị vừa chứng đắc Chân Tiên đi dự.

Tới thời nay, số lượng Thần Tiên mới không nhiều, cho nên thầy dặn dò ngươi sớm độ bảy vị, để cùng đi dự Hội Bàn Đào, cho đại hội thêm rực rỡ, tăng uy nghiêm.

Đào tiên sắp chín, nếu ngươi lần lữa để lỡ cơ duyên này, thì phải đợi ba ngàn năm nữa mới đi dự hội được. Như thế không đáng tiếc lắm sao?”

Lời Chung Tổ dạy thấu triệt lý lẽ, Trùng Dương Chân Nhân sụp xuống lạy và nói: “Đệ tử nay nghe lời Tổ Sư dạy, như vừa tỉnh mộng, nguyện lần nữa tới Sơn Đông hóa độ, xin Tổ Sư chỉ rõ đường đi nước bước.”

Chung Ly Lão Tổ nói: “Ngươi tới vùng đất dân cư đông đúc, sống lẫn với người trần, hiện thân thuyết pháp, tự nhiên có người tới tìm ngươi. Ngươi nên theo đó mà khai đường mở lối cho họ, thì công lớn sẽ thành tựu. Lần này gặp Hải thì lưu, gặp Mã thì hưng, gặp Khưu thì dừng.”

Chung Tổ nói xong thì cùng Lã Tổ cưỡi mây đi.

Vương Trùng Dương lại nhắm hướng Sơn Đông mà đi. Ngày nọ, ông tới huyện Ninh Hải, thuộc phủ Đăng Châu, tỉnh Sơn Đông. Nhớ lời thầy dạy “Gặp Hải thì lưu”, chắc là chốn này đây, Vương Trùng Dương bèn lưu lại, giả làm hành khất. Ông lấy cách Lã Tổ dùng để độ ông trước đây, để độ người khác. Chẳng biết ông độ được ai chăng? Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Lẫn lộn trong trần đợi thời đến
Thời đến tự nhiên đạo quả thành.(6)

CHÚ THÍCH:

1.
受 天 詔 山 東 度 世 — Thụ Thiên chiếu Sơn Đông độ thế
入 地 道 終 南 藏 身 — Nhập địa đạo Chung Nam tàng thân.

2.
世 態 炎 涼 無 比 倫 — Thế thái viêm lương vô tỷ luân
爭 名 奪 利 滿 紅 塵 — Tranh danh đoạt lợi mãn hồng trần
眾 生 好 度 人 難 度 — Chúng sinh hảo độ nhân nan độ
願 度 眾 生 不 度 人 — Nguyện độ chúng sinh bất độ nhân.

3.
妻 為 朋 來 子 為 伴 — Thê vi bằng lai tử vi bạn
渴 飲 茶 湯 飢 餐 飯 — Khát ẩm trà thang cơ xan phạn
看 來 與 人 是 一 樣 — Khán lai dữ nhân thị nhất dạng
誰 曉 他 在 把 道 辦 — Thùy hiểu tha tại bả đạo biện
一 十 二 年 功 圓 滿 — Nhất thập nhị niên công viên mãn
陽 神 頂 上 來 出 現 — Dương thần đỉnh thượng lai xuất hiện
世 上 多 少 修 行 人 — Thế thượng đa thiểu tu hành nhân
誰 能 捨 得 這 樣 幹 — Thùy năng xả đắc giá dạng can.

4.
許 大 乾 坤 止 二 人 — Hứa đại càn khôn chỉ nhị nhân
一 名 一 利 轉 流 輪 — Nhất danh nhất lợi chuyển lưu luân
七 真 未 識 從 何 度 — Thất Chân vị thức tòng hà độ
土 內 蟄 身 待 後 因 — Thổ nội trập thân đãi hậu nhân.

5. Khưu Xứ Cơ, Lưu Xứ Huyền, Đàm Xứ Đoan, Mã Ngọc, Hác Đại Thông, Vương Xứ Nhất, và Tôn Bất Nhị.

6.
混 跡 同 塵 待 時 至 — Hỗn tích đồng trần đãi thời chí
時 來 道 果 自 然 成 — Thời lai đạo quả tự nhiên thành.