Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ hai

Cầu Vạn Duyên, Lã Tổ truyền đạo mầu
Xóm Đại Ngụy, Hiếu Liêm giả trúng phong.(1)

Có bài thơ rằng:

Giác ngộ như đêm tối được đèn
Nhà không ánh sáng chợt bừng lên
Kiếp này không độ thân này được
Thân đợi kiếp nào mới độ yên.(2)

Nói về Vương Hiếu Liêm ôm bảy đóa sen vào lòng, bước xuống núi bị vấp dây cát đằng mà ngã. Ông sợ hãi tỉnh dậy, thấy muôn việc đều là không, chỉ là một giấc mộng thôi. Khi mở mắt, ông thấy mình đang nằm nơi thư phòng trong nhà, và thấy con gái là Thu đứng một bên. Vương Hiếu Liêm ho một tiếng.

Cô Thu nghe thấy, la lớn: “Cha tỉnh rồi! Cha tỉnh rồi!”

Tiếng la làm kinh động bà Châu. Bà vội tới hỏi thăm: “Ông tỉnh rượu rồi à?”

Vương Hiếu Liêm nói: “Kỳ lạ quá! Kỳ lạ quá!”

Bà Châu nói: “Chuyện này đều tự ông mê mà ra, có chi kỳ lạ đâu?”

Ông hỏi: “Rõ ràng là ta đưa tiễn khách đi, sao lại nằm trong nhà?”

Bà đáp:

- “Ông thật phóng túng quá. Hôm qua ông tiễn hai kẻ ăn mày, nửa ngày không về. Cho người tìm ông mấy lần mà chẳng thấy tăm hơi gì, tôi thật chẳng yên. Chú hai Vương Mậu cùng con Ngọc Oa đi tìm ông thì thấy ông ngã nằm trên cầu, cách đây hơn hai mươi dặm.(3) Ông say khướt, bất tỉnh nhân sự, tôi bèn cho xe chở ông về nhà. Ông ngủ một ngày một đêm, bây giờ mới tỉnh.

Từ nay ông phải tự trọng, rượu phải uống ít, việc phải làm chính đáng. Ai lai lịch không rõ ràng thì ông chớ giao du. Nay ông có chức tước triều đình, được dân làng kính trọng. Nếu ngã nằm bờ nằm bụi thì còn chi thể thống? Chẳng những tự mình đánh mất uy nghi mà còn bị dân làng cười chê.”

Vương Hiếu Liêm ngồi dậy cám ơn: “Lời bà như thuốc hay, ta dám không khắc cốt ghi tâm hay sao. Ta nghĩ hôm qua hai bằng hữu hoạn nạn đó nhất định là thần tiên rồi.”

Bà nói: “Rõ ràng là hai kẻ ăn mày. Sao lại nói là hai vị thần tiên?”

Ông đáp: “Nghe lời nói, xét động tĩnh, nên biết hai vị ấy là tiên.”

Bà hỏi: “Người ấy nói cái gì, làm cái gì, mà ông cho là tiên?”

Vương Hiếu Liêm kể lại từ đầu, chuyện muốn giúp vốn cho họ làm ăn, họ từ chối thế nào; chuyện hôm sau đưa tiễn một đỗi đường ngoài hai mươi dặm thế nào; chuyện ca hát thế nào; mời uống rượu thế nào; lên núi hái sen thế nào, v.v…

Ông kể bà nghe không sót chút gì. Lại nói: “Tôi uống ba chén rượu mà say một ngày một đêm. Rồi bao nhiêu việc kỳ lạ xảy ra. Nếu chẳng phải là thần tiên thì sao có việc kỳ lạ ấy?”

Bà Châu nói: “Thường nghe người ta nói rằng thế gian có nhiều hạng người xấu, có phép thuật làm thu ngắn đường, bước vài bước là đi xa ngoài mười dặm. Một ngày có thể đi được ngàn dặm. Rồi họ bỏ thuốc mê vào rượu, mang theo bên mình. Gặp khách buôn đi một mình thì họ mời rượu. Kẻ ấy uống một chút thì mê man bất tỉnh, họ bèn trộm cắp tiền bạc, quần áo. Khi kẻ ấy tỉnh dậy thì chẳng biết đâu mà tìm. Nếu ông chẳng cẩn thận trước, thì ắt có hối hận về sau đó nghe.”

Bà nói xong, Vương Hiếu Liêm thầm nghĩ: vợ mình chẳng qua là đàn bà, nếu phân bua với vợ thì chẳng nói rõ ràng được, thôi thì cứ thuận theo ý vợ cho xong chuyện. Ông liền nói: “Bà nói đúng lắm. Tôi biết rồi.”

Bà Châu đi xuống nhà sau. Vương Hiếu Liêm ngồi một mình trong thư phòng, nhớ tới lời của Kim Trọng và Vô Tâm Xương. Suy đi gẫm lại hoài. Được mấy ngày thì bỗng tỉnh ngộ:

“Hai chữ Kim Trọng 金重 ghép lại là chữ Chung 鍾. Còn Vô Tâm Xương 無心昌 là chữ Xương 昌 không có ruột, tức là chữ Lã (Lữ) 吕. Rõ ràng hai ông tiên Chung và Lã tới độ mình rồi! Ta nay thật vô duyên, gặp tiên trước mặt mà để lỡ.”

Càng nghĩ càng thấy hai vị ấy giống tiên. Bất giác ông gào lớn: “Tiếc quá! Tiếc quá!” Lại nhớ khi từ biệt tiên ông đã nói mấy lời:

Ngày gặp vốn không xa
Chỉ trong hai cái ba
Từ khi lìa xứ gặp
Dứt vạn duyên bên cầu.
Không xa nghĩa là việc cốt ở gần.
Hai cái ba ắt là mồng ba tháng ba.
Lìa xứ gặp nghĩa là muốn biết chỗ đến, ắt tìm từ chỗ đi.
Dứt vạn duyên nghĩa là tất cả các pháp đều quy về nó.

Nghĩ được tới đó, lòng ông bỗng vui vẻ. Thời gian qua mau như tên bay, ngày tháng trôi qua như thoi đưa. Đông tàn rồi, xuân lại tới.

Có bài thơ rằng:

Một năm khí tượng, một năm tân
Hoa cỏ tranh đua, lại một xuân
Em bé nhi đồng đều lớn cả
Xem qua lại thấy bạc đầu nhân.(4)

Lại nói Vương Hiếu Liêm chờ qua hết năm, nháy mắt là đến tháng ba. Đúng ngày mồng ba, ông lẻn ra khỏi nhà, đi theo đường cũ tới cây cầu. Đợi hoài mà chẳng thấy ai tới, Hiếu Liêm thầm tưởng nhớ hình dung hai vị tiên, lòng đầy thành kính. Đứng trên cầu, ông ngó đông ngó tây, bỗng nghe sau lưng có tiếng gọi: “Hiếu Liêm sao đến sớm vậy?”

Vương Hiếu Liêm quay đầu lại nhìn, quả thật là hai người mình đã gặp năm ngoái. Ông vội chạy tới nắm tay áo hai người, nói: “Từ khi hai vị Đại Tiên đi, lòng đệ tử nhớ tưởng hoài.”

Vô Tâm Xương cùng Kim Trọng đi tới đầu cầu ngồi. Hiếu Liêm quỳ trước mặt hai vị, bẩm rằng: “Đệ tử Vương Triết mắt thịt thai phàm, chẳng biết được nhị vị Đại Tiên hạ giáng, thật vô lễ quá, kính xin nhị vị Đại Tiên tha tội. Ngày nay đệ tử thấy lại dung nhan nhị vị Đại Tiên, thiệt là phước ba đời mới có, nguyện xin nhị vị Đại Tiên chỉ dạy cho đệ tử thấy nẻo mê lầm, để bước theo đường giác ngộ, đệ tử đội ơn vô cùng.”

Vương Hiếu Liêm nói xong, cứ lạy hoài. Chỉ thấy hai người cười lớn, trong miệng có một luồng kim quang phóng ra, đôi mắt sáng rực.

Đang lúc Hiếu Liêm sụp lạy, hai người biến đổi hình dung: vị bên trái thì đầu có hai búi tóc, mặc áo dài, mặt hồng hào, mắt sáng như sao, râu dài tới ngực, tay cầm quạt lông ngỗng; vị bên phải thì đội khăn chín lớp, mặc áo đạo màu vàng, mặt như trăng tròn, nhãn quang sáng rực, đeo một thanh kiếm. Quả thực là Chung Ly Lão Tổ và Thuần Dương Lã Tổ rồi. Vương Hiếu Liêm quỳ mọp lạy, không dám ngước lên nhìn.

Lã Tổ dạy:

- “Người thời thượng cổ lòng chất phác, phong tục thuần lương. Người truyền đạo thì trước tiên truyền cho họ pháp thuật để họ hộ thân, sau mới truyền huyền công để họ thành tiên.

Ngày nay thế đạo suy bại, lòng người khác xưa. Nếu trước tiên dạy pháp thuật cho họ, ắt pháp thuật trở lại hại bản thân họ. Do đó trước tiên truyền dạy huyền công cho họ. Không có pháp thuật mà thân tự yên ổn. Chẳng dùng biến hóa mà đạo tự thành. Đạo thành thì muôn pháp đều thông suốt. Chẳng cầu pháp thuật mà pháp thuật tự có vậy. Đó gọi là giáo lý Toàn Chân.”

Lã Tổ giảng diệu lý Toàn Chân rằng:

- “Cái gọi là Toàn Chân ngụ ý thuần chân, không giả dối. Người ta ai mà chẳng có chân tâm? Chuyển một cái thì chẳng còn là chân tâm. Người ta ai mà chẳng có chân ý? Tạp niệm dấy lên thì mất chân ý. Người ta ai mà chẳng có chân tình? Thiên lệch một cái là sinh sai biệt.

Cái tâm ban đầu là chân tâm, hễ biến ảo thì thành giả tâm. Cái ý ban đầu là chân ý, hễ tính toán thì thành giả ý. Cái chí tình là chân tình, hễ ngược ngạo thì thành giả tình.

Cái tâm ban đầu tức là cái tâm vốn có của mình. Cái ý ban đầu tức là cái ý chưa có điềm triệu nảy sinh. Cái chí tình tức là cái tình thuộc bản tính.

Trong tâm có chân ý, chân tình. Trong tình mới thấy chân tâm, chân ý. Do chân tâm phát mà ra chân ý. Do chân ý phát mà ra chân tình. Cái tình ấy là cảnh tượng tự nhiên.

Không đúng lúc thì thiên cơ không hiển lộ. Nhưng con người thì bất chân. Người không chân tâm, tức không có chân ý. Không có chân ý, tức không có chân tình.

Thường thấy người tu đạo: Hễ động thì tư niệm khởi. Niệm ở tư tức là tâm bất chân. Hễ tĩnh thì dục và niệm theo nhau. Niệm ở dục tức là tâm bất chân.

Tư dục không dứt, phát ra hoặc là vô chân ý, hoặc là nửa chân nửa giả. Ở chỗ nửa giả nửa chân, chính là lúc Trời và người thừa tiếp nhau, là ý vậy.

Tình vốn không thể che đậy. Muốn nghiệm chân đạo thì phải nghiệm chân tình trước. Nghiệm chân tình tức sẽ biết được tâm là chân hay chưa chân, và biết được ý là chân hay chưa chân. Do đó đạo tu chân, ắt phải lấy ý làm đầu tiên. Ý có thành thực thì tâm mới thành thực. Tức là cái tình do tâm phát ra cũng thành thực.

Thành thực là chân vậy. Nếu thành thực không chân: khi thấy nó ở lời nói, tức là lời nói không phát xuất từ trung chính, nên chẳng phải là lời chân chính; khi thấy nó ở hành động, tức là hành động không noi theo bản tính, nên chẳng phải là hành động chân chính.

Người tu đạo thì phải trừ bỏ cái tâm ở ngoài chân tâm, trừ bỏ cái ý ở ngoài chân ý, trừ bỏ cái tình ở ngoài chân tình. Khi khởi niệm mà thốt ra lời nói, thì phải làm khởi dậy thiên lương và vất bỏ phàm tâm. Chớ để hai cái tâm (chân tâm và phàm tâm) chẳng rõ ràng, chớ để ý hỗn tạp, thì mới là chân tâm, chân ý, chân tình. Không giả dối một chút nào, tức là chân đạo. Chân đạo thi hành rộng khắp, nên gọi là Toàn Chân.”

Lã Tổ giảng cái lý Toàn Chân cho Vương Hiếu Liêm xong thì dạy các phép công phu: luyện kỷ trúc cơ (sửa mình, đắp nền), an lô lập đỉnh (đặt bếp lò, lập đảnh), thái dược (hái thuốc), hoàn đan, hỏa hầu, trừu thiêm (trừu diên thiêm hống: rút chì thêm thủy ngân). Vương Hiếu Liêm lạy thọ giáo.

Lã Tổ nói: “Sau khi ngươi thành đạo, mau đến Sơn Đông để độ bảy người. Bảy người đó là các chủ nhân của bảy hoa sen vàng mà trước đây ta đưa cho ngươi giữ.”

Lã Tổ dặn dò Hiếu Liêm xong, bèn cùng Chung Lão Tổ chuyển thân, khắp mặt đất hiện kim quang, hốt nhiên chẳng thấy hai ngài đâu.

Vương Hiếu Liêm vọng lên không trung bái tạ. Bái xong, ông còn ngước lên không trung, thầm tưởng dung nhan của hai đại tiên.

Bỗng thấy Vương Mậu và Ngọc Oa chạy tới nói: “Chúng con vâng lịnh bà đi tìm ông. Nghi là ông ở đây. Quả nhiên là gặp được ở đây. Xin mời ông về nhà, kẻo bà trông.”

Vương Hiếu Liêm thong thả đi. Trên đường ông thầm nhớ lời tiên truyền đạo. Về tới nhà, ông không vào nhà trong, mà vào ngồi ở thư phòng.

Bà Châu nghe thấy chồng về nhà, bèn đến hỏi han, thấy ông chẳng nói chẳng rằng, dáng vẻ như suy nghĩ điều gì dữ lắm. Bà liền khuyên chồng: “Ông mấy lần xem thường thân thể mà đi ra ngoài, khiến tôi lo lắng, chỉ sợ hư phẩm hạnh, bị làng xóm chê cười. Ông chẳng nghe lời khuyên, như thế nào mới là tốt?”

Vương Hiếu Liêm đang thầm nhớ phép huyền công. Khi bà Châu bước vào, ông không hề hay biết. Chợt nghe đoạn cuối lời bà nói “thế nào mới là tốt”, thì ông buột miệng nói theo: “Thế nào mới là tốt? Thế nào mới là không tốt?”

Bà Châu nghe ông nói chẳng nhằm lý lẽ, bèn thôi, không nói nữa, rồi bước ra khỏi thư phòng.

Vương Hiếu Liêm suy gẫm kỹ, thấy bị quấy rối như vậy thì tu làm sao mà thành công, làm sao mà ngộ đạo được. Nếu không tính kế để dứt tuyệt duyên trần, thì suốt đời không giải thoát được.

Cúi đầu suy nghĩ một hồi, ông nghĩ ra kế: giả bộ trúng gió á khẩu, thì mới dứt được các mối ràng buộc này. Nghĩ vậy rồi, khi thấy có ai tới gần thì ông liền làm ra dáng vẻ ngây dại, miệng kêu ú ớ. Ông không trở vào nhà trong với vợ nữa, mà cứ nằm ở thư phòng hoài.

Bà Châu thấy vậy, lòng bất an, một ngày mấy lần tới hỏi han, chỉ thấy ông suốt ngày nói ú ớ, nghe không rõ, la hét lắc đầu hoài.

Bà chịu không nổi, bèn bảo Ngọc Oa đi mời mấy bạn hữu giao du thường ngày với ông tới; để họ ở bên ông chuyện trò, xem nguyên do thế nào.

Mấy người bạn này là những người mà Vương Hiếu Liêm rất kính mến. Họ vừa bước vào thư phòng, liền hỏi: “Anh khỏe chưa?”

Vương Hiếu Liêm lắc đầu, xua tay, miệng ú ớ, nói không rõ lời. Mấy người bạn thấy ông nói không thành lời, thì biết là ông bệnh, mà không biết bệnh gì.

Một ông lớn tuổi nói: “Tôi thấy dường như anh Hiếu Liêm bị trúng gió á khẩu, chẳng biết phải vậy không. Ở phía đông của xóm mình có danh y Trương Hải Thanh. Nên cho người đi mời thầy thuốc tới bắt mạch xem bệnh thì mới biết được nguyên do.”

Bà Châu đứng ngoài cửa, nghe thấy lời ấy, bèn sai Ngọc Oa đi mời thầy thuốc.

Lát sau, thầy thuốc đến. Mấy người bạn ông Hiếu Liêm cùng đứng dậy và tránh qua một bên, để thầy thuốc vào ngồi xuống, rồi họ kể cho thầy thuốc nghe bệnh trạng của ông Hiếu Liêm.

Trương Hải Thanh bắt mạch Vương Hiếu Liêm. Mạch cả hai tay đều tốt, chẳng thấy bệnh chi. Ông bèn nói theo mọi người: “Quả nhiên là ông Vương bị trúng gió á khẩu rồi. Chỉ cần uống mấy thang thuốc là khỏi bệnh.”
Nói rồi, liền lấy bút kê toa, biên ra mấy vị thuốc.

Chẳng biết thầy thuốc có trị được hay chăng? Hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Chỉ vì Hiếu Liêm vốn không bệnh
Đâu phải lương y nghề chẳng rành. (5)

CHÚ THÍCH:

1.
萬 緣 橋 眞 傳 妙道 — Vạn Duyên kiều, chân truyền diệu đạo
大 魏 村 假 裝中 風 — Đại Ngụy thôn, giả trang trúng phong.

2.
了 悟 猶 如 夜 得 燈 — Liễu ngộ do như dạ đắc đăng
無 窗 暗 室 忽 光 明 — Vô song ám thất hốt quang minh
此 身 不 向 今 生 度 — Thử thân bất hướng kim sinh độ
更 向 何 時 度 此 身 — Cánh hướng hà thời độ thử thân.

3. Một dặm (lý) này tương đương nửa cây số (500 mét).

4.
一 年 氣 象 一 年 新 — Nhất niên khí tượng nhất niên tân
萬 卉 爭 研 又 一 春 — Vạn hủy tranh nghiên hựu nhất xuân
少 小 兒 童 皆 長 大 — Thiếu tiểu nhi đồng giai trưởng đại
看 看 又 是 白 頭 人 — Khán khán hựu thị bạch đầu nhân.

5.
只 緣 武 舉 原 無 病 — Chỉ duyên võ cử nguyên vô bệnh
非 是 先 生 醫 不 明 — Phi thị tiên sinh y bất minh.