Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Hồi thứ nhất

Thương người nghèo sinh lòng trắc ẩn 
Nhập giấc mộng nói việc về sau (1)

Có bài thơ rằng:

Làm thiện nên từ chỗ thật tâm
Cầu khen danh hão chớ nên tầm
Hư danh giả dối đâu dùng được
Người thế cười chê kẻ lạc lầm.(2)

Bài thơ này ý nói làm điều thiện thì phải làm thực sự. Nếu chỉ làm để cho người ta thấy, người ta khen, tức là cầu danh tiếng, nghĩa là có danh chứ không có thực. Làm thiện ở những nơi xô bồ đông đúc để người ta thấy, chứ không làm thiện cứu giúp người nghèo khổ cùng cực. Dù tốn kém rất nhiều tiền của, nhưng kiểu làm từ thiện cầu danh này không phải là làm thiện chân chính, đã vậy còn sái quấy nữa.

Ngày xưa, cuối đời Tống, tỉnh Thiểm Tây, huyện Hàm Dương có thôn Đại Ngụy. Trong thôn trên mấy trăm nhà, hơn phân nửa mang họ Vương, cũng kể là một họ lớn.

Trong họ Vương có người đàn bà góa ngoài bốn mươi tuổi, sanh được một trai, một gái, đều dựng vợ gả chồng xong rồi. Bà góa này tâm lành tánh thiện, hễ thấy con nít người ta thì cũng xem như con mình sinh ra, nên thường gọi chúng là con. Trẻ nít khi khóc thì kêu má. Bà nghe thấy liền ứng khẩu: “Má đây con.” Do đó mà mọi người gọi bà là má Vương.

Má Vương nhà khá giàu, hay làm việc thiện, hâm mộ Phật Giáo và Đạo Giáo nhất, thường hay trai tăng bố thí, lạy Phật tụng kinh, nên ai cũng nói bà là người làm việc thiện. Do đó nhiều sư sãi và đạo sĩ hay tới nhà bà quyên góp. Nhiều kẻ nghèo khổ đến xóm xin ăn. Bà đều tùy lúc mà giúp đỡ nhiều hay ít.

Cuối đông năm đó, trời đổ tuyết rất lớn, bà Vương đứng trước cửa, thấy hai người ăn mày lội tuyết đến xin bà giúp. Bà trách: “Sao không đi làm kiếm sống qua ngày, mà lần cửa nhà người ta xin ăn vậy? Nếu không phải bọn ham ăn làm biếng, thì là bọn du thủ du thực ham ở không. Ta không có nhiều cơm dư canh thừa mà cung phụng mấy người đâu.”

Bà nói chưa dứt lời thì có mấy thầy tu đến quyên góp. Bà liền lấy tiền và gạo đưa họ.

Hai người ăn mày thấy vậy liền hỏi: “Bà ham bố thí cho thầy tu mà không giúp kẻ bần hàn? Tại sao vậy?”

Bà Vương nói: “Chẳng phải ta ham bố thí cho thầy tu, mà vì sư sãi biết tụng kinh, đạo sĩ biết tu hành. Ta bố thí chút tiền và gạo cho họ, sư sãi tụng kinh tiêu tai cho ta, đạo sĩ cầu thọ cho ta. Còn giúp đỡ cho mấy người, nào có ích chi đâu? Bất quá mấy người chỉ làm rùm cửa nhà ta thôi.”

Hai người ăn mày nói: “Làm ơn chẳng cầu trả ơn, nếu cầu trả ơn thì chẳng phải làm ơn. Nay bà cho một chén gạo với ít đồng tiền mà mong cầu cho tiêu tai, thêm thọ. Bà có lầm chăng?” Nói rồi bỏ đi.

Có bài thơ rằng:

Bố thí làm chay kết thiện duyên
Mồ côi đói khổ cũng đừng quên
Cúng dường tu sĩ quên người khổ
Trời xóa công lành đó trước tiên.(3)

Hai người ăn mày thấy bà chẳng chịu giúp, bèn bỏ đi. Đi qua không mấy nhà thì tới một nhà lầu cửa sơn đỏ, họ liền gọi lớn: “Gia gia cầu giúp!” (4)

Chẳng mấy chốc từ trong có người bước ra. Người này mặt đỏ râu dài, thần khí sảng khoái, có lượng bao dung, phong cách hào hiệp. Ông ước chừng bốn mươi tuổi, họ Vương, tên Triết, tự là Tri Minh, hiệu là Đức Uy. Lúc nhỏ có học thi thơ. Khi lớn, công danh chẳng thành, ông bỏ văn chương, chuyển sang luyện võ nghệ, đỗ đầu khoa thi võ, làm chức Hiếu Liêm.

Ngày nọ trời đổ tuyết lớn, rất rét lạnh. Vương Hiếu Liêm cùng bà vợ họ Châu và con gái là cô Thu, đang ngồi quanh bếp lửa sưởi ấm, chợt nghe bên ngoài cửa có tiếng gọi “Gia gia cầu giúp!” (4)

Ông nghe thấy, bèn ra xem thì thấy hai người ăn xin.

Ông hỏi: “Cầu gia gia giúp, hay là gia gia cầu giúp?”

Hai người đáp rằng: “Lời chẳng khá rõ. Nói rõ ắt ngờ lớn.”

Ông nghe nói thấy có lý, nên chẳng hỏi lại.

Bấy giờ tuyết đổ lớn, gió thổi mạnh. Tuyết tung bay theo gió. Khắp trời bông tuyết rơi, phủ đầy mặt đất. Chẳng thấy dáng núi, bặt bóng chim bay. Đường không người đi. Ông thấy hai người mặc áo mỏng, chịu lạnh sao nổi.

Ông động lòng trắc ẩn, bèn nói: “Mấy lời nói chơi chẳng bàn. Trời đang tuyết lớn, hai ông đi sao được? Bên cửa có gian nhà bỏ trống, trong có đống cỏ, nằm ngồi cũng được. Mời hai ông vào đó tránh tuyết.”

Hai người đáp: “Vậy tốt quá!”

Vương Hiếu Liêm liền mở cửa cho hai người vô nghỉ, rồi trở vào nhà trên sai tôi tớ dọn cơm cho họ ăn.

Có bài thơ rằng:

Mấy ai nặng nghĩa nhẹ tiền tài
Kẻ khó tới nhà mời đón ngay
Riêng có năm xưa Vương võ cử (5)
Trong đời hào hiệp đức vun bồi.(6)

Hai người ăn xin tạm trú ở nhà Vương Hiếu Liêm hai ngày. Trời bắt đầu quang đãng, họ có ý từ giã ra đi. Đúng lúc Vương Hiếu Liêm đi tới, phía sau là đứa tớ gái tên Ngọc Oa bưng mâm rượu và thức ăn.

Ông nói: “Mấy ngày nay tôi có việc, không đến thăm hai ông. Hôm nay rảnh rang, muốn cùng hai ông uống chén rượu, bàn chuyện ấm lạnh, có được chăng?”

Hai người ấy liền đáp: “Hay lắm!”

Vương Hiếu Liêm bèn bảo Ngọc Oa dọn chén đũa. Hai người không khách sáo, chẳng lời cám ơn, tự rót uống tì tì hết hai bầu rượu. Vương Hiếu Liêm bèn bảo Ngọc Oa lấy thêm rượu. Hai người ấy uống sảng khoái.

Vương Hiếu Liêm hỏi: “Hai ông bạn gặp khó khăn, tên họ là chi? Thường ngày làm ăn buôn bán gì?”

Một người đáp: “Anh em tôi xưa nay không biết làm ăn buôn bán chi. Anh này tên là Kim Trọng, còn tôi tên là Vô Tâm Xương.”

Vương Hiếu Liêm hỏi: “Ý tôi muốn giúp hai ông chút tiền vốn để kiếm sống qua ngày, khỏi phải xin ăn khó nhọc, chưa biết ý hai ông thế nào?”

Kim Trọng xua tay, nói: “Không được! Không được! Tôi xưa nay quen đạm bạc nhàn nhã, chẳng muốn việc ràng buộc tay chân.”

Vương Hiếu Liêm nghe nói, biết Kim Trọng không muốn buôn bán. Ông bèn hỏi Vô Tâm Xương rằng: “Ông Kim không muốn buôn bán qua ngày. Còn ông, chẳng biết có muốn chăng?”

Vô Tâm Xương đáp: “Tôi còn đạm bạc nhàn nhã hơn anh ấy nữa! Thường nghe rằng:

Gà nhà no thóc chết kề bên
Hạc ốm ngoài đồng chẳng lụy phiền
Chí hướng nhỏ nhen cầu lợi nhỏ
Thân này đâu được sướng như tiên“.(7)

Vương Hiếu Liêm than rằng: “Nghe lời hai ông, đủ thấy phong khí cao xa. Nhưng người đời nay xem trọng quan tước, ham thích tiền bạc. Như hai ông thanh nhàn đạm bạc như vậy, nào ai biết được?”

Vô Tâm Xương nói: “Bọn tôi chẳng cầu ai biết. Nếu muốn cầu người biết thì chẳng đi ăn mày làm chi.”

Vương Hiếu Liêm nghe thấy lời siêu quần tột bậc, chẳng dám nói nữa. Ông bảo Ngọc Oa dọn dẹp bàn tiệc, rồi cùng đi vào nhà trong.

Hôm sau hai người ăn xin cáo từ ra đi. Vương Hiếu Liêm đưa tiễn ra ngoài thôn, lòng còn mến chẳng rời. Đưa tiễn thêm một đỗi, ông liền thấy một cây cầu giữa đường. Ông thầm nhớ thôn này xưa nay chẳng có cầu. Quay đầu nhìn lại, thôn Đại Ngụy mịt mờ chẳng thấy rõ. Đang lúc ông nghi nghi ngờ ngờ thì nghe Vô Tâm Xương gọi: “Hiếu Liêm! Mau lại đây!”

Vương Hiếu Liêm ngó lại thấy hai người ngồi ở đầu cầu.

Kim Trọng vỗ tay hát:

Tiền tài tụ rồi tán, áo mão lâu cũng hoại.
Chẳng ai như hai ta, gởi thân nơi thế ngoại.
Không thiếu thuế quốc gia, chẳng đàn bà oan trái.
Không nói tốt với xấu, chẳng bàn hưng với bại.
Không kết giao người thế, chẳng bị chê kỳ quái.
Một manh áo tả tơi, che thân mấy năm dài.
Hễ rách ta vá lại, dơ giặt phơi đâu ngại.
Ban ngày che thân thể, ban đêm làm mền đậy.
Không sợ trộm ra tay, chẳng lo tiểu nhân khoái.
Thường giữ chí thanh cao, một lòng chơi thượng giái.
Nếu ai biết ý ta, ắt cúi đầu lễ bái.
Ta có lý vô cùng, cho người ngàn năm toại.
Tiếc thay người chẳng biết, lấy ân đổi làm hại.(8)

Hay là:

Tiền tài tụ tán như mây
Công danh phú quý lâu ngày cũng tiêu
Mấy ai như chúng ta đâu
Thân ngoài trần cấu sớm chiều thong dong
Thuế sưu chẳng lụy một đồng
Đàn bà oan trái chớ hòng trói trăn
Thị phi miệng thế vô ngằn
Hưng suy mặc kệ chẳng bàn luận chi
Khỏi lo mang tiếng dị kỳ
Bởi chưng người thế ta thì không chơi
Áo ta một mảnh tả tơi
Che thân cũng mấy năm trời được an
Rách thì cứ tạm vá quàng
Dơ thì giặt sạch rồi mang phơi liền
Ban đêm áo đắp làm mền
Ban ngày ta lại khoác lên thân này
Khỏi lo trộm cắp ra tay
Khỏi lo kẻ xấu trổ tài đoạt thâu
Ta hằng nuôi chí thanh cao
Mặc tình thượng giới ra vào dạo chơi
Như ai hiểu ý ta rồi
Cúi đầu lễ bái ta thời truyền ban
Đạo ta huyền nhiệm vô vàn
Ai theo sẽ thọ muôn ngàn năm dư
Lời ta rất thật chẳng hư
Cớ sao người vẫn nghi ngờ uổng thay.

Vương Hiếu Liêm bước lên cầu. Vô Tâm Xương nói: “Hiếu Liêm có lòng đưa tiễn xa, đáng đãi một chén rượu.”

Dứt lời, lấy trong tay áo ra bình rượu nhỏ rót một chén mời Hiếu Liêm. Vương Hiếu Liêm đón chén, uống cạn, rồi uống luôn ba chén, say gục xuống mặt cầu, mê man muốn ngủ.

Bỗng Vô Tâm Xương chạy tới, một tay lôi Hiếu Liêm dậy và nói: “Đừng ngủ! Đừng ngủ! Đi theo chúng ta xem cảnh lạ.”

Vương Hiếu Liêm say rồi, mơ màng đi theo Vô Tâm Xương một đỗi, thấy có ngọn núi cao vòi vọi chặn đường.
Hiếu Liêm kinh sợ nói: “Núi cao làm sao lên được?”

Kim Trọng nói: “Đi theo ta, thì tự lên trên được.”

Hiếu Liêm quả nhiên theo Kim Trọng chẳng tốn sức chút nào, khoảnh khắc thì tới đỉnh núi. Ông thấy trên đỉnh rất bằng phẳng, có một cái ao lớn, đầy nước trong veo. Trong nước trổ lên bảy đóa sen vàng, hoa lớn như cái mâm, tươi đẹp phi thường.

Vương Hiếu Liêm thích quá, liền khen: “Hoa đẹp quá! Hoa đẹp quá! Làm sao hái cho tôi một đóa?”

Hiếu Liêm nói xong, Vô Tâm Xương nhảy xuống ao, hái hết bảy đóa hoa sen, lên đưa trọn cho Hiếu Liêm và nói: “Giao hết cho ngươi. Phải giữ gìn bảy đóa này cẩn thận. Bảy đóa có bảy người chủ: Khưu, Lưu, Đàm, Mã, Hác, Vương, Tôn. Bảy người này cùng ngươi có duyên phận thầy trò. Ngày sau các ngươi sẽ gặp nhau. Ngươi khéo khai hóa cho họ mới không phụ lòng ta cho ngươi hoa sen.”

Hiếu Liêm ôm bảy hoa sen vào lòng, rồi muốn trở về nhà, đang đi thì hỏi Vô Tâm Xương: “Bao giờ sẽ gặp lại nhau nữa?”

Vô Tâm Xương đáp:

Ngày gặp vốn không xa
Chỉ trong hai cái ba
Từ khi lìa xứ gặp
Dứt vạn duyên bên cầu.(9)

Hiếu Liêm nghe xong liền bước xuống núi, bỗng vướng dây cát đằng (10) bên lối đi, nên rơi xuống núi, chẳng biết tính mạng thế nào, hồi sau sẽ phân giải.

Quả thật:

Chớ nói đi lên vốn chẳng dễ

Nào hay đi xuống lại khó hơn.(11)

CHÚ THÍCH:

(1).
憐 貧 困 偶 施 小惠 — Liên bần khốn, ngẫu thi tiểu huệ
入 夢 寐 明 指 迷途 — Nhập mộng mị, minh chỉ mê đồ.

(2).
行 善 當 從 實 處 行 — Hành thiện đương tòng thực xứ hành
莫 沽 虛 譽 圖 聲 名 — Mạc cô hư dự đồ thanh danh
虛 名 虛 譽 成 何 用 — Hư danh hư dự thành hà dụng
反 惹 窮 人 說 不 平 — Phản nhạ cùng nhân thuyết bất bình.

(3).
道 齋 僧 結 善 緣 — Bố đạo trai tăng kết thiện duyên
貧 窮 孤 苦 亦 堪 憐 — Bần cùng cô khổ diệc kham liên
只 施 僧 道 不 憐 苦 — Chỉ thi tăng đạo bất liên khổ
失 卻 善 功 第 一 先 — Thất khước thiện công đệ nhất tiên.

(4). Gia gia: Tiếng gọi tôn kính những người cao tuổi.

(5). Võ cử: Người đậu khoa thi võ.

(6).
幾 人 仗 義 能 疏 財 — Kỷ nhân trượng nghĩa năng sơ tài
肯 把 貧 窮 請 進 來 — Khẳng bả bần cùng thỉnh tiến lai
只 有 當 年 王 武 舉 — Chỉ hữu đương niên Vương võ cử
生 平 慷 慨 廣 培 栽 — Sinh bình khảng khái quảng bồi tài.

(7).
家 雞 有 食 湯 鍋 近 — Gia kê hữu thực thang oa cận
野 鶴 無 糧 任 高 飛 — Dã hạc vô lương nhậm cao phi
若 向 蠅 頭 求 微 利 — Nhược hướng dăng đầu cầu vi lợi
此 身 焉 能 得 逍 遙 — Thử thân yên năng đắc tiêu dao.

(8).
錢 財 聚 復 散 , 衣 冠 終 久 壞. — Tiền tài tụ phục tán, y quan chung cửu hoại.
怎 如 我 二 人 , 值 身 於 世 外. — Chẩm như ngã nhị nhân, trị thân ư thế ngoại.
不 欠 國 家 糧 , 不 少 兒 女 債. — Bất khiếm quốc gia lương, bất thiểu nhi nữ trái.
不 說 好 和 歹 , 不 言 興 和 敗. — Bất thuyết hảo hòa đãi, bất ngôn hưng hòa bại.
不 與 世 俗 交 , 免 得 惹 人 怪. — Bất dữ thế tục giao, miễn đắc nhạ nhân quái.
一 件 破 衲 襖 , 年 年 身 上 載. — Nhất kiện phá nạp áo, niên niên thân thượng tải.
爛 了 又 重 補 , 洗 淨 太 陽 晒. — Lạn liễu hựu trùng bổ, tẩy tịnh thái dương sái.
白 日 遮 身 體 , 晚 來 當 鋪 蓋. — Bạch nhật già thân thể, vãn lai đương phô cái.
不 怕 賊 來 偷 , 也 無 小 人 愛. — Bất phạ tặc lai thâu, dã vô tiểu nhân ái.
常 存 凌 雲 志 , 一 心 遊 上 界. — Thường tồn lăng vân chí, nhất tâm du thượng giái.
若 人 知 我 意 , 必 要 低 頭 拜. — Nhược nhân tri ngã ý, tất yếu đê đầu bái.
我 有 無 窮 理 , 使 他 千 年 在. — Ngã hữu vô cùng lý, sử tha thiên niên tại.
惜 乎 人 不 識 , 以 恩 反 為 害. — Tích hồ nhân bất thức, dĩ ân phản vi hại.

(9).
會 期 原 不 遠 — Hội kỳ nguyên bất viễn
只 在 兩 個 三 — Chỉ tại lưỡng cá tam
仍 從 離 處 遇 — Nhưng tùng ly xứ ngộ
橋 邊 了 萬 緣 — Kiều biên liễu vạn duyên.

(10). Cát đằng: (1) Cát là dây sắn, rễ dùng làm thuốc gọi là cát căn, vỏ dùng dệt vải gọi là cát bố. (2) Đằng có người bảo là dây bìm, dây mây, mọc thành bụi, quấn quít. Các loại dây leo mọc chằng chịt mà có tua xoăn lại đều gọi là đằng. Như qua đằng là tua dưa.

(11).
莫 說 上 來 原 不 易 — Mạc thuyết thượng lai nguyên bất dị
須 知 下 去 更 為 難 — Tu tri hạ khứ cánh vi nan.