Trang

【Thất Chân Nhân Quả】●Lời giới thiệu



Thất Chân Nhân Quả là một trong những cổ thư độc đáo thuộc kho tàng Đạo học Trung Quốc. Tác giả có lẽ là một đạo sĩ ẩn danh, đã tiểu thuyết hóa rất tài hoa nhân duyên và kết quả con đường tu tiên của Tổ Sư Vương Trùng Dương cùng bảy tông đồ là Mã Ngọc, Đàm Xứ Đoan, Lưu Xứ Huyền, Khưu Xứ Cơ, Vương Xứ Nhất, Hác Đại Thông, và Tôn Bất Nhị. Bảy vị Đại Tiên này được gọi chung là Bắc Thất Chân hay Toàn Chân Thất Tử.

Tại Vạn Quốc Tự (Chơn Lý Đàn), ngày 15-11 Ất Tỵ (07-12-1965), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy môn sanh Cao Đài “mỗi ngày phải chừa một giờ để đọc thánh kinh hiền truyện”. Chúng ta hiểu rằng, Ơn Trên giúp chúng ta một phương tiện hiệu quả để thánh hóa tâm hồn, đồng thời rút tỉa kinh nghiệm tu hành của các đấng Thánh Hiền, Tiên Phật thuở trước. Thất Chân Nhân Quả chính là một kỳ thư mà người tu học không thể thiếu nếu muốn thi hành lời dạy của Đức Giáo Tông.

Thật vậy, ngoài gương sáng đại hạnh khổ tu của tám vị thầy trò, truyện Thất Chân còn dạy ta nhiều bài giáo pháp cao siêu về tu đơn, tịnh luyện của Tiên gia, phương pháp đối trị những chướng ngại trên đường công phu mà bất kỳ hành giả nào từ sơ cơ cho đến thượng thừa cũng thường vướng mắc. Với những sự tích rất cảm động, truyện giúp ta thấu hiểu vì sao phải kết hợp công phu với công trình, công quả.

Dịch giả đã căn cứ theo Toàn Chân Thất Tử Toàn Thư 全眞七子全書, bản in của Xuân Phong Văn Nghệ Xuất Bản Xã (Liêu Ninh, Trung Quốc 1989) cống hiến chúng ta bản tiếng Việt này. Các bản chữ Hán đang có trên Internet cũng được tham khảo khi cần thiết.

Rất thú vị là hai mươi chín hồi (tức là chương) trong Thất Chân Nhân Quả đều xen kẽ nhiều bài thơ diễn bày đạo lý cao thâm. Dịch giả đã công phu phiên âm Hán-Việt, và lúc chuyển ngữ lại dùng thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn tứ tuyệt, hay bát cú như nguyên tác, nhờ đó chúng ta có dịp thưởng thức phong vị cổ kính của Đường thi bàng bạc suốt tập sách.

Hơn thế nữa, khi chú giải chi tiết câu văn lời thơ trong truyện Thất Chân, dịch giả dẫn chứng rõ ràng nguồn gốc ở Tứ Thư của đạo Nho hay kinh điển nhà Phật. Đủ thấy Thất Chân Nhân Quả dung thông Tam Giáo. Nói khác đi, phép tu hành trong truyện Thất Chân đề huề Nho, Thích, Lão thời Nhị Kỳ, tức là chẳng xa lìa giáo lý Cao Đài buổi Kỳ Ba.

Khi biên tập bản dịch này, chúng tôi chuyển tất cả phần chữ Hán và phiên âm Hán-Việt xuống cước chú. Như thế, quý đạo hữu đọc sách đỡ rối mắt mà những vị cần tham chiếu chữ Hán vẫn không trở ngại. Một bảng Từ Ngữ Việt-Hán cuối sách giúp quý vị dễ đối chiếu các thuật ngữ.

Đối với những lời thoại trong truyện nhằm truyền dạy giáo pháp cao siêu thì chúng tôi in xiên. Như thế, quý đạo hữu dễ phân biệt, dễ lưu ý những lời tâm huyết của các vị Đại Tiên.