Tần Thủy Hoàng ngự giá thân chinh
Triệu Liêm Kiệt sai tướng cự giặc
Triệu Liêm Kiệt sai tướng cự giặc
Nói về nhà Tần từ lúc Thương Ưởng dự việc triều chánh, thì nước giàu binh mạnh, đã có ý muốn dẹp an sáu nước, song chưa gặp thời thế, nên chẳng thâu đặng, đến sau Tần Thủy Hoàng lên ngôi (tên tộc là Chính). Sanh ra có tướng lạ khác thường, thông minh mẫn đạt, các nước chư hầu không ai sánh kịp, vả lại quan văn có Cam La, quan võ thì bọn Chương Hàng có đại chí, vậy nên thế nước càng ngày càng mạnh.
Ngày kia vua Thủy Hoàng lâm triều, các quan văn võ tung hô rồi, Thủy Hoàng nói với chúng tướng rằng: "Từ lúc trẫm lên ngôi đến nay nước giàu binh mạnh, thì có ý muốn gồm thâu sáu nước, vậy chư khanh có mưu kế chi chăng?" Nói vừa dứt lời, bỗng thấy trong võ ban xông ra một viên đại tướng, đầu đội mão trâm anh, mình mặc áo la bào, lưng mang bích ngọc đái, chân đi giày thêu, mặt đen, chân mày sắc tựa gương, dưới hàm râu lốm đốm, tay cầm triều hốt, bước ra trước mặt vua Thủy Hoàng mà quỳ xuống.
Nguyên người này họ Vương tên Tiễn ở đất Hà Nam huyện Than Dương, vốn là Phổ Hóa thiên tôn trên thượng giới, vâng chỉ Ngọc Hoàng đại đế xuống phàm, vì đời chiến quốc dân tình làm nhiều điều ác nghịch dữ tợn, và khí số sáu nước chư hầu cũng gần hết, còn đất Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng chân mạng đế vương, úng vâng nghiệp cả (làm vua trong thiên hạ), cho nên trời sai vị tôn thần ấy đầu thai làm con Vương Thiện Nhơn, đến lúc lớn khôn tìm ông Liêm Pha làm thầy, học tập thương mã đến sau đi tới nước Ảo Ly quốc động vân quan, ông Hải Triều thánh nhân mà học tập ba năm, phép thuật tinh thông.
Hải Triều thánh nhân biết rằng: "Lục quốc khí số hết rồi, ứng cho Tần Thủy Hoàng tóm thâu thiên hạ gồm về một mối, bèn sai học trò lớn là Kim Từ Lăng và Vương Tiễn xuống mà phò tá Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng bèn phong cho Vương Tiễn làm Điện tay hầu, nay nghe ThủyHoàng phán hỏi việc gồm thâu thiên hạ bèn vội vàng bước ra quỳ xuống. Lúc ấy Thủy Hoàng ngồi trên bửu điện xem thấy Vương Tiễn thì hỏi rằng:
"Chẳng hay Vương huynh có diệu kế chi chăng? Vương Tiễn tâu rằng: "Lúc tôi chưa gặp bệ hạ, thì thường hay dạo chơi các nước, cho nên thông thuộc phong thổ nhân tình, cũng là các chổ núi sông quan ải, xem thấy vua tôi chúng nó đều không phải tài hữu dụng, vả chăng nước Tề từ khi bị Nhạc Nghị đánh phá đến nay, khôi phục lại cũng chưa đặng mấy lâu, ắt chẳng khỏi trong nước hư hao thì cũng là suy vì hèn yếu; còn nước Sở tuy có chí anh hùng, tranh đoạt bá vương, song kẻ già cả thông thuộc đều chết hết, vả vua nó hoang dâm vô đạo, quân dân hờn oán, còn nước khác thì chẳng lo gì, duy có nước Triệu là chỗ yết hầu của nhà Tần ta, vả lại ải Giới Bài là nơi ngăn trở đường binh ta ra vào, Tiên đế thường muốn tranh đoạt mà chẳng đặng, cho nên không gồm thâu thiên hạ đặng.
Nay nước Triệu tướng già binh yếu, thủa trước thường hiệp binh năm nước mà ngăn giữ chỗ yết hầu, song cũng không cự nổi binh ta, nay nó lo giữ nước nó không xong, có đâu lại đem binh mã phụ giúp.Nay bệ hạ đem binh đến đánh phá ải Giới Bài, thì dễ như trở bàn tay, hễ là Giới Bài phá đặng rồi thì nơi yết hầu yếu lộ đã thông, không ai ngăn trở chi nửa, xin bệ hạ nhân lúc dễ mà đánh thì trong một hồi trống ắt lấy đặng, như vậy thì oai danh lừng lẫy, các nước nghe đều vỡ mật, đến chừng đó thì có lo chi các nước chẳng chắp tay mà quy hàng.
" Tần Vương nghe tâu cả mừng mà rằng: "Trẫm có lòng ấy đã lâu. Song lo vì sáu nước, nếu nó hiệp sức với nhau ngăn trở ải Giới Bài, thì e đánh không đặng, mà trở lại làm mất nhuệ khí của ta". Nói vừa dứt lời, có quân sư là Kim Tử Lăng tâu rằng:
"Thầy tôi là Hải Triều thánh nhân có tài phép hay, di sơn đảo hải, trên thì rõ việc thiên văn, và biết trước những việc vị lai quá khứ thường có nói, nước ta đang hưng, còn sáu nước phải mất, cho nên sai tôi cùng Vương Tiễn xuống mà phò tá bệ hạ, gồm thâu sáu nước tóm về một mối, xin bệ hạ chuẩn theo lời tấu của Điện tây hầu, chẳng nên bỏ qua".
Thủy Vương nghe hai người tâu, thì mừng lắm bèn nói: "Hai khanh đều là học trò người tiên, ắt rõ ý trời, thì trẫm y lời tấu, song chưa biết ngày nào khởi binh". Kim Tử Lăng tâu rằng: "Đến ngày mười ba tháng tám thì là ngày thiên địa nhựt nguyệt song huỳnh, trong sách có nói, ngày thiên huỳnh đạo là rồng làm mưa, còn ngày địa huỳnh đạo, tướng dấy binh, như bệ hạ muốn ngự giá thân chinh, thì đúng ngày ấy tốt hơn".
Thủy Hoàng nói: "Trẫm y theo ngày ấy hưng binh, song trong quân sùng ai làm soái đặng?" Xảy có quan thừa tướng Cam La tâu rằng: "Chương Hàng là người tuổi tác, túc trí đa mưu và lại dõng quán tam quân người ấy khá dùng làm chức nguyên soái đặng".
Thủy Hoàng liền phong cho Chương Hàng làm chức Đại nguyên soái, lãnh ấn Đô chiêu thảo, điều khiển Đông Tây Nam Bắc các đạo văn võ quan binh, và cho một cây gươm Long Phụng kiếm tiền trảm hậu tấu, lại phong Vương Tiễn làm chức kiếm tiền hộ chánh ấn tiên phuông, Triệu Cao làm tả giám quân, Tôn Ninh làm hữu giám quân, Nhân Chơn làm tả quân thống lãnh, Võ an quân là Bạch Viên làm hậu đội giải lương, còn Kim Tử Lăng làm tham toán.
Chương Hàng cùng Vương Tiễn tới giáo trường điểm chọn binh hùng tướng mạnh cho sẵn, đặng chờ đến ngày mười ba khởi binh, lệnh truyền rồi, Thủy Hoàng ngự giá về cung.
Quangs âm thấm thoát ngày tháng như thoi, xảy đến ngày mười hai tháng tám, Thủy Hoàng truyền chỉ cho bọn Chương Hàng đều tựu đến giáo trường hầu trực, lệnh truyền rồi các nơi xe ngựa nhộn nhịp rần rộ vang rân. Qua ngày thứ, Thủy Hoàng từ biệt tam cung lục viện, mà phó thác việc triều chánh, dặn dò xong rồi, truyền chỉ đẩy xe đến giáo trường tế cờ khởi binh.
Lúc ấy các quan văn võ bày yến nơi cửa Ngọ môn, đưa Thiên tử lên đường, Thủy Hoàng uống ba chung rượu rồi nhắm giáo trường thẳng tới, Đến nơi vào nhà diễn võ, thì đã có bọn Chương Hàng lạy ra mắt, Thủy Hoàng xem khắp bốn phía, quả nhiên quân binh tề chỉnh, lòng vua cả mừng, liền hạ chỉ tế cờ kéo binh.
Tế cờ rồi, nổ chín tiếng pháo lớn, ba quân rần rộ ra khỏi giáo trường, nhắm Giới Bài quan thẳng tới, đi ngang mấy ải trong nước đều có quan binh ra thành nghinh tiếp. Ngày ấy Thủy Hoàng đang đi hậu đội, bỗng thấy Vương Tiễn chạy ngựa đến dưới cờ, xuống ngựa tới trước Long Phụng tán quỳ tâu rằng: "Đại binh đi đã tới ải Giới Bài còn cách chừng năm dặm, xin bệ hạ liệu định.
Thủy Hoàng bèn hạ chỉ an dinh, phát ba tiếng pháo đại binh dừng lại, đội ngũ xây lập trường phòng, và dựng Kim Đính huỳnh la trướng.
Thủy Hoàng vào trướng, truyền chỉ rằng: "Ngày nay hành quân cực nhọc,cho các quan văn võ miễn triều". Chúng tướng vâng chỉ, ai về trướng nấy nghỉ ngơi. Nói về ải Giới Bài ấy thuộc về đất biên cương nước Triệu, là nơi yết hầu của nước Tần ra vào, song nhà Tần mạnh bạo, nhiều khi muốn làm hại các nước mà không đặng vì ải ấy ngăn trở, vẫn là một ải rất trọng yếu, cho nên nước Triệu sai binh rồng tướng mạnh ở nhà gìn giữ, trong ải có một viên tổng binh, họ Liêm tên Kiệt, vốn là con của Liêm Pha, tinh thông thao lược, võ nghệ siêu quần, và có vài mươi viên phó tướng giữ gìn ải ấy, cách vài ngày trước thì có quân phi báo rằng:
"Vua Tần chọn ngày mười ba tháng tám thì dấy binh thâu gồm sáu nước, phong Chương Hàng làm nguyên soái, Vương Tiễn làm tiên phong, ngự giá thân chinh, chẳng bao lâu thì đến ải mình". Liêm Kiệt nghe báo, truyền lệnh, những dân ở ngoài thành đều dời vào trong thành, còn nhà cửa nhân dân ở ngoài, thì đỡ phá hết, và dự bị cung tên, gỗ đá và gìn giữ bốn phía đóng chặt cửa thành, ngày ấy lối giờNgọ, bỗng nghe ngoài thành pháo nổ vang trời, quân reo dậy đất, thì biết là quân Tần đến, bèn vội vàng dẫn chúng tướng lên thành xem, quả thấy xa xa bụi bay mù mịt, sát khí tối tăm.
Thật là: Cờ phất lao xao sông núi động, Khí lên nghi ngút cỏ cây kinh. Liêm Kiệt coi rồi truyền lệnh quân binh giữ thành, phải cho hết lòng cẩn thận, rồi quày ngựa xuống thành an nghỉ, qua ngày thứ lên trướng, quân kỳ bài giữ thành vào báo nói: "Có tướng Tần đến khiêu chiến, xin nguyên soái liệu toan".
Liêm Kiệt bèn ngó chúng tướng mà hỏi rằng: "Có vị tướng quân nào dám ra thành mà đánh cùng tướng Tần chăng?s" Nói vừa dứt lời bỗng nghe đại tướng là Hạ Khai Cơ, ứng tiếng lên nói rằng: "Tôi xin lãnh mệnh".
Liêm Kiệt mừng, nói: "Tướng quân hãy dẫn năm trăm binh mã, ra thành giao chiến, phải rất cẩn thận". Hạ Khai Cơ vừa mới lãnh chiến lệnh, xảy đâu trong đội xông ra một người nói với nguyên soái rằng: "Tiểu tướng xin đi cùng Hạ tướng quân". Liêm Kiệt coi lại người ấy, vẫn là chánh ấn tiên phuông tên Vương Bôn.
(Nguyên người này có sức mạnh bằng cả ba quân, cũng là tay hảo hán số một bên nước Triệu, tuổi chừng hai mươi mốt, mình cao một trượng, lưng lớn mười vây). Liêm Kiệt cả mừng nói rằng: "Nếu được tướng quân cùng Hạ tướng quân ra trận, thì ắt chém tướng không kịp trở cờ".
Hai tướng lãnh lệnh, từ biệt nguyên soái, nai nịt, tay cầm binh khí, thót lên ngựa ra đến dưới thành, phát ba tiếng pháo mở rộng cửa thành, Hạ Khai Cơ giục ngựa qua khỏi điếu kiều, ngó thấy trước mặt có năm trăm binh Tần, dàn ra một hàng, ở trước một viên đại tướng, đầu đội thiết khôi, mình mặc tạo la bào, cởi con ô dải báo tay cầm trượng bát xà mâu oai phong lẫm lẫm, sát khí đằng đằng, thì có ý khen thầm, bèn giục ngựa lướt tới hỏi: Tần tặc, sao vô cớ mà xâm lấn bờ cõi ta vậy, hãy thônh tên họ, chớ cái đao ta chẳng chém đứa vô danh".
Vương Tiễn nghe hỏi thì nạt lớn lên rằng: "Ta là Tần Vương giá hạ, làm chức Điện Tây hầu, gia phong tiền bộ chánh ấn tiên phong, ta đây họ Vương tên Tiễn, như biết ta lợi hại thì mau mauxuống ngựa quy hàng, ta sẽ tha cho, còn nếu trì hoãn thì ắt làm con quỷ không đầu". Hạ Khai Cơ không phải là tay đối thủ với Vương Tiễn, cho nên đánh chưa đặng vài hiệp bị một mâu té nhào xuống ngựa, Vương Tiễn lướt tới vừa muốn cắt lấy thủ cấp, bỗng nghe tiếng kêu vang như sấm, mà nói rằng:
"Tần tướng không đặng làm dữ, có ta đây". Vương Tiễn quay đầu lại thấy một viên tiểu tướng, môi son răng trắng, đầu đội mão tứ phụng mình mặc kim giáp, tay cầm kim bôi đao, cỡi ngựa báo huê, hầm hầm giục ngựa hươi đao chạy lại, Vương Tiễn nạt rằng: "Bớ tiểu tướng, mi có biết oai danh ta là Vương Tiễn đây không? Sao chẳng quày ngựa chạy trốn cho rồi mà còn dám ra trận, vậy mi chẳng sợ chết hay sao? Hãy xưng tên họ cho ta rõ".
Vương Bôn nghe nói, cười lớn rằng: "Ta là dưới cờ Liêm nguyên soái tiền bộ tiên phong, tên là Vương Bôn, cuồng đồ chớ chạy đề ta bắt mi đặng trả thù cho Hạtướng quân". Nói dứt lời hươi đao chém tới Vươnh Tiễn đón đánh, đánh được năm mươi hiệp, Vương Tiễn thấy Vương Bôn đao pháp tinh nhuần lại thêm tướng mạo siêu quần, thì trong lòng rất mừng, bèn nghĩ thầm rằng: "Tên tiểu tướng này quả nhiên mạnh bạo, làm sao mà dụ cho nó về đầu, thì nhà Tần ta cũng thêm được một cánh ray nữa".
Rồi đánh luôn đến một trăm hiệp, ngó thấy Vương Bôn đánh chừng nào càng mạnh thêm chừng nấy, còn Vương Tiễn thì cả mình mồ hôi như xối, hai tay bủn rủn, bèn nghĩ rằng: "Thằng tiểu tướng này quả nhiên khí huyết rất mạnh mẽ, mình không phải là tay đối thủ của nó, chi bằng ta giả thua mà chạy đặng dùng bửu kiếm giết nó mới xong".
Nghĩ rồi bèn đâm bậy một mâu quay ngựa nhắm phương Nam chạy dài, Vương Bôn ngó thấy nạt lớn rằng: "Mi là thằng tướng dở, sao lại ra chỗ sa trường làm chi, mi chạy đi đâu cho thoát, ta quyết theo mà bắt cho đặng". Nói rồiVương Bôn rượt tới gần thì trong lòng nghĩ thầm: "Nếu ta liệng bửu kiếm lên thì thằng tiều tướng này chắc phải chết, không sống đặng, như vậy thì há chẳng uổng lắm sao, vậy ta khuyên dỗ cho nó về đầu, coi nó có chịu cùng chăng".
Lúc ấy Vương Bôn đã rượt tới, hươi đao nhắm sau lưng Vương Tiễn chém nhầu, Vương Tiễn liền quày ô dãi báo, cử mâu lên đỡ và nói rằng: "Tiểu tướng quân hãy dừng lại, ta chẳng phải là đánh không lại ngươi đâu, nguyên vì ta thấy nhà ngươi võ nghệ siêu quần, ý ta muốn khuyên người về đầu.
Vốn ta vâng mệnh thầy ở nước Bảo Ly động vân quan, là Hải Triều thánh nhân, sai xuống núi bảo hộ vua Tần, gồm thâu thiên hạ, tướng quân nếu biết thời, sao chẳng về đầu nước ta, ngày sau sẽ đặng lưng mang ngọc đái, há chẳng tốt hơn sao?" Vương Bôn nghe nói đáp rằng: "Vương Tiễn người chớ nói xàm, tiểu tướng nay quyết lấy cho được cái đầu ngươi". Nói rồi hươi đao lên chém, Vương Tiễn cũng cử mâu rướt đánh, giận nói rằng:
"Thằng con nít không thông thời vụ, mi nói ta sợ mi sao?" Rồi đánh tới mười hiệp, Vương Tiễn quả thiệt đánh không lại Vương Bôn rồi phải thua chạy. Vương Bôn đuổi theo. Vương Tiễn đang chạy xảy nghe sau lưng có tiếng lạc ngựa reo rân, thì biết là Vương Bôn rượt tới, bèn dắt cây xà mau dừng con ô dải báo, lấy ra một cây tru tiên kiếm, vừa muốn liệng lên, bỗng nghe một tiếng vang rân, bèn ngoái lại, nguyên vì Vương Bôn tham công nóng nảy, giục ngựa gấp quá, nên con báo huê đã bị vấp chân trước làm Vương Bôn té nhào xuống ngựa. Vương Tiễn ngó thấy rất mừng liền quày báo, hươi mâu nhắm ngay bụng Vương Bôn đâm tới.