Trang

【Liêu Trai Chí Dị】●Vương Vân Hạc (Vương Vân Hạc)

Vương Trung Lập, tự Thang Thần, người Kha Lam. Học rộng nhớ dai, không gì không biết. Lúc trẻ chuyên Kinh Dịch, nổi tiếng chốn trường ốc. Trong nhà giàu có, hàng ngày khách tới chật cửa, tiếp đãi rất chu đáo, nhưng mình hưởng thụ thì hàng ngày chỉ một bát cơm suông canh miến mà thôi. Chưa được bốn mươi tuổi thì vợ chết, không lấy vợ kế, cũng không đi thi nữa. Ở riêng một phòng, giống hệt một nhà sư già. Như thế ba bốn năm mới ra ngoài, người ta cảm thấy trò chuyện lưu loát, thi họa hơn người, giống như có quỷ thần nhập vào, nhưng hỏi thì không nói. Từng ở trong quán trọ tại Bình Định, gặp Nhàn Nhàn công bảo làm thơ, liền viết "Ký dữ Nhàn Nhàn ngạo Lãng tiên, Ương tùy thi tửu trụy phàm duyên. Hoàng trần già đoạn lai thời lộ, Bất đáo Bồng Lai ngũ bách niên" (Gởi nhắn Nhàn Nhàn ngạo cuộc say, Uổng vì thơ rượu đọa trần ai. Bụi vàng che lấp đường lui tới, Xa cách Bồng Lai chục kiếp rồi). Nhân nói sĩ đại phu thời Đường có năm trăm người, đều là người tiên bị trích giáng, vì đời loạn mà trước tác, cũng có người mê muội không quay về, như ông và ta đều như thế.
Một hôm tới kinh đô, ngụ trong nhà Nhàn Nhàn công. Có thơ Trung thu rằng “Ấn thấu sơn hà ảnh, Chiếu khai thiên địa tâm. Nhân thế hữu giai hiểu, Ngã hung vô cổ câm” (Núi sông in bóng ấy, Trời đất rọi gương này. Dưới đời có sớm tối, Trong dạ chẳng xưa nay), Nhàn Nhàn công lấy làm lạ. Nhân đòi một chậu mực, theo lời đưa cho. Sáng hôm sau không cáo từ mà bỏ đi, trên vách còn lưu lại hai chữ “Cổ hạc”, nét chữ rộng một thước, theo thể phi hạc, khí vận sinh động, không biết lấy vật gì viết ra. Giây lát từ ngoài bước vào, hỏi vì sao làm thế thì không đáp, lại đề thơ bên cạnh rằng "Thiên địa chi gian nhất cổ nho, Tỉnh lai bất ký túy trung thư, Bàng nhân thác thử thần tiên tự, Chỉ khủng thần tiên tự bất như” (Đất trời có một hủ nho ta, Lúc say viết chữ nhớ đâu mà, Người ngoài cứ nói thần tiên viết, E chữ thần tiên cũng kém xa). Thơ của tiên sinh nhiều câu mang kỳ khí phương ngoại. Như "Túy tụ vũ hiềm thiên địa trách, Thi tình cuồng yếm hải sơn bình. Hốt kinh phong lãng nhĩ biên quá, Bất giác thần hình lai thế trung. Nhân quân cảm kích tùng quân thuyết, Tạc phá thiên cơ ngã diệc kinh” (Say múa luống chê trời đất hẹp, Hứng thơ lại chán núi gò bằng. Chợt nghe sóng gió vang bên gối, Chẳng biết thân mình đã xuống trần. Vì ông cảm kích nên ta nói, Nói rõ thiên cơ lại rợn lòng), như thế rất nhiều.
Có người hỏi chuyện ngoài đời cũng đáp một hai câu. Giỏi viết chữ lớn kiều phách khoa, thế rất mạnh mẽ, Nhàn Nhàn rất thích. Lý Chi Thuần ở Bình Sơn thường gặp tiên sinh, nói qua về nhân vật thời trước, dẫn lời tiên nho nghị luận mấy mươi điều, giống như từng người từng người tự bắt bí, kế theo ý mình mà đoán định, vì thế trở thành loại đứng đầu trong bọn biện giả. Lúc lên đường nói trước ngày chết, quả như lời ấy mà qua đời, được bốn mươi chín tuổi. Cuối đời đổi tên là Vân Hạc, hiệu là Nghĩ Hủ đạo nhân, nhân vật như Lữ Thế Họa cũng còn thua sút.