Trang

【Liêu Trai Chí Dị】●Thần ếch (Thanh Oa Thần)

Vùng Giang Hán thờ cúng thần ếch rất kính cẩn, trong đền không biết là bao nhiêu ngàn vạn con ếch, có con to bằng cái lồng. Có ai xúc phạm làm thần giận thì trong nhà liền có điềm lạ, ếch nhái nhảy cả lên bàn lên giường, thậm chí bám đầy trên vách không rơi xuống, nhà ấy sẽ gặp tai họa. Người ta sợ hãi cứ cúng tế cầu khẩn, nếu thần vui lòng thì khỏi. Đất Sở (tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc) có Tiết Côn Sinh lúc nhỏ thông minh, diện mạo tuấn tú. Năm lên sáu bảy tuổi có bà già áo xanh tới nhà tự xưng là sứ giả của thần, vào ngồi trò chuyện ngỏ ý thần muốn gả con gái cho Côn Sinh. Ông Tiết tính chất phác vụng về nghe thế rất không thích, liền lấy cớ con trai còn nhỏ để từ chối, nhưng tuy cố từ chối vẫn chưa dám hỏi cưới con gái nhà khác.
Được vài năm Côn Sinh dần lớn lên, dạm hỏi con gái họ Khương, thần nói với Khương “Tiết Côn Sinh là con rể của ta, sao ngươi dám ăn đồ cúng hả?". Khương sợ hãi trả lại sính lễ, ông Tiết lo lắng trai giới mang lễ vật ra đền khấn khứa, tự nói không dám kết thông gia với thần. Vừa khấn xong thì thấy cỗ bàn cúng tế đều có giòi lớn bò ra lúc nhúc cựa quậy, bèn đổ bỏ tạ tội rồi về, trong lòng càng sợ nhưng cũng chờ để nghe ngóng xem sao.
Một hôm Côn Sinh đi đường có sứ giả đón báo thần tuyên triệu, cố mời ghé lại, sinh bất đắc dĩ phải đi theo. Vào tới một phủ đệ cánh cổng sơn son, lầu gác hoa lệ, có ông già ngồi trên sảnh đường, trông như người bảy tám mươi tuổi. Côn Sinh vào lạy ra mắt, ông già sai kéo đứng lên, cho ngồi cạnh bàn. Giây lát đám tỳ nữ, vú già tụ tập lại nhìn ngó dày đặc chung quanh, ông già quay lại nói "Vào trong báo là Tiết lang tới". Mấy người tỳ nữ chạy đi, lát sau có bà già đỡ một nữ lang ra, khoảng mười sáu mười bảy tuổi, xinh đẹp vô song. Ông già chỉ nàng nói "Đây là tiểu nữ tên Thập Nương, ta tự cho rằng có thể sánh đôi với chàng, nhưng cha chàng lại cho là khác loài nên cự tuyệt, vậy thì do chàng thôi". Côn Sinh chăm chú nhìn Thập Nương, trong lòng yêu thích, im lặng không nói gì. Bà già nói “Ta đã biết là chàng ưng thuận, xin cứ về trước, sẽ lập tức đưa Thập Nương tới ngay”. Côn Sinh vâng dạ rồi vội về kể vớì cha. Cha hốt hoảng không biết làm sao đành ưng thuận, sai con quay lại tạ ơn thần nhưng Côn Sinh không chịu đi.
Đang lời qua tiếng lại thì kiệu hoa đã tới ngoài cổng, cả đám tỳ nữ xúm xít đưa Thập Nương vào. Nàng lên sảnh đường làm lễ, cha mẹ chồng thấy mặt đều vui mừng. Ngay đêm ấy làm lễ hợp cẩn, cầm sắt rất hòa hợp. Từ đó vợ chồng thần thường giáng lâm nhà sinh, cứ thấy mặc áo đỏ là có tin vui, mặc áo tràng là có tiền bạc, vì vậy nhà ngày càng khá giả. Từ khi Côn Sinh cưới Thập Nương thì khắp nhà từ hàng rào đến cầu xí đều có ếch, mọi người không ai dám chửi bới giẫm đạp, chỉ có Côn Sinh tuổi trẻ ngông nghênh, vui thì thôi giận thì đạp cho chết chẳng thương xót gì lắm. Thập Nương tuy hiền lành nhu thuận nhưng hay giận, rất không thích việc ấy song Côn Sinh không vì có Thập Nương mà kiềm chế. Thập Nương bực tức nói năng có chỗ xúc phạm, Côn Sinh nổi giận nói "Ngươi cậy cha mẹ có thể gieo tai họa cho người ta à? Trượng phu có sợ gì con ếch?". Thập Nương nghe thế giận lắm, nói "Từ khi thiếp về đây thì nhà chàng ruộng thêm lúa, buôn thêm lời không phải là ít, nay cả nhà già trẻ đều được no ấm, lại như chim vọ mọc cánh rồi thì muốn mổ mắt chim mẹ sao?". Côn Sinh càng tức tối, nói “Ta đang ngại nhận thêm những thứ nhơ bẩn, không dám lưu lại cho con cháu, xin cứ chia tay cho sớm", rồi đuổi Thập Nương.
Cha mẹ vừa nghe tin thì Thập Nương đã đi rồi, bèn quát mắng Côn Sinh, sai mau đuổi theo giữ lại nhưng Côn Sinh căm tức không chịu. Đến đêm mẹ con đều ngã bệnh, trong người bứt rứt không ăn uống gì được. Ông Tiết sợ hãi tự mang roi tới đền thần tạ lỗi, thiết tha nài nỉ. Qua ba ngày thì hai người dần dần khỏi bệnh, Thập Nương tự quay về, vợ chồng lại đầm ấm như trước. Thập Nương hàng ngày cứ trang điểm xong là ngồi yên, không làm việc nội trợ, những áo quần giày tất của Côn Sinh đều nhờ mẹ khâu vá. Một hôm mẹ bực tức nói "Con trai đã có vợ còn làm phiền mẹ, nhà người ta thì con dâu hầu mẹ chồng, nhà này thì mẹ chồng hầu con dâu”. Thập Nương nghe thấy tức tối lên thêm nói "Con buổi sớm tới thăm, buổi tối tới viếng, đạo thờ mẹ chồng còn gì khác nữa? Còn như việc con kém cỏi, thì thật không thể tiếc chút tiền thuê mướn mà chuốc khổ vào thân được". Mẹ không biết nói sao, hổ thẹn khóc lóc.
Côn Sinh vào thấy mắt mẹ có ngấn lệ, hỏi biết được chuyện giận dữ mắng Thập Nương, Thập Nương cứ giữ ý mình không chịu thua. Côn Sinh nói "Lấy vợ mà không được vui sướng thì chẳng bằng đừng có, cho dù làm con ếch già giận thì bất quá cũng chỉ gặp nạn dữ mà chết là cùng”, lại đuổi Thập Nương, Thập Nương ra cửa đi thẳng. Hôm sau nhà Côn Sinh phát hỏa, lửa lan ra cháy rụi cả mấy gian, bàn ghế giường tủ đều thành tro. Côn Sinh tức giận tới đền thần quát mắng kể tội, nói "Nuôi con gái không thờ phụng được cha mẹ chồng, đã không dạy bảo gì mà lại còn bao che cái dở của con, thần là phải rất công bằng mà lại dạy người ta sợ vợ à? Vả lại việc bát đũa va chạm là do ta gây ra, không dính líu gì tới cha mẹ, muốn đâm chém cưa xẻ gì cứ nhằm vào ta thôi. Còn nếu không thế thì ta cũng đốt đền của ông để trả thù”. Nói xong vác củi vào chất dưới điện định châm lửa, dân quanh đó xúm lại năn nỉ mới tức tối bỏ về, cha mẹ nghe được đều sợ tái mặt.
Đến đêm thần báo mộng cho thôn bên cạnh, sai cất lại nhà cho con rể, sáng ra thì kẻ mua gỗ người mướn thợ kéo tới làm nhà cho Côn Sinh, từ chối thế nào họ cũng không chịu thôi, hàng ngày có mấy trăm người gọi nhau trên đường. Không mấy ngày thì nhà cửa đều xây xong, mọi thứ đồ dùng đều đầy đủ. Vừa dọn dẹp đâu đấy thì Thập Nương đã tới, lên thềm tạ lỗi với cha mẹ, ăn nói nhỏ nhẹ từ tốn rồi quay qua Côn Sinh tươi cười cả nhà bèn đổi oán làm vui. Từ đó Thập Nương càng hiền dịu, suốt hai năm không có chuyện xích mích. Thập Nương rất ghét rắn, Côn Sinh đùa bắt một con rắn nhỏ bỏ vào hộp bảo nàng mở ra. Thập Nương biến sắc mắng nhiếc, Côn Sinh cũng đổi cười thành giận tức tối cãi vã, Thập Nương nói “Lần này thì không cần phải đuổi, xin vĩnh biệt từ đây”, rồi ra cửa đi. Ông Tiết cả sợ đánh đòn Côn Sinh rồi tới tạ tội với thần, may mà không bị giáng họa nhưng cũng lặng ngắt không thấy đáp lại.
Hơn năm sau Côn Sinh nhớ Thập Nương, vô cùng hối hận, lén tới chỗ thần năn nỉ Thập Nương nhưng không ai trả lời. Không bao lâu nghe tin thần gả Thập Nương cho họ Viên, vô cùng thất vọng, cũng dạm hỏi người khác nhưng xem mặt mấy đám đều không có ai bằng Thập Nương, vì vậy càng thêm nhớ nhung. Tới nhà họ Viên nghe ngóng thì thấy họ đang quét dọn nhà cửa, sửa sang xe kiệu chuẩn bị đám cưới. Trong lòng thẹn thùng uất ức không thể tự chủ, bỏ ăn ngã bệnh, cha mẹ hoảng sợ lo lắng nhưng không biết làm sao. Chợt đang lúc mê man thấy có người vỗ về lay gọi, nói "Đại trượng phu mấy lần muốn dứt tình mà như thế này sao?”, mở mắt nhìn thì là Thập Nương. Côn Sinh mừng quýnh nhảy bật dậy hỏi “Sao nàng lại tới đây?", Thập Nương đáp “Vì gã khinh bạc đối xử với nhau tệ bạc, chỉ nên nghe lời cha mẹ mà lấy người khác nên từ lâu đã nhận sính lễ của nhà họ Viên, có điều thiếp nghĩ đi nghĩ lại cũng không nỡ. Đêm nay đã là ngày cưới, cha lại cho rằng không mặt mũi nào trả lại sính lễ nên đích thân thiếp đem tới trả. Lúc đi cha thiếp đưa ra cửa nói: ‘Con nhãi ngây không nghe lời ta, sau này có bị nhà họ Tiết đối xử tàn tệ thì có chết cũng đừng về đây nữa’ ".
Côn Sinh cảm vì tình nghĩa của nàng chảy nước mắt ròng ròng, gia nhân cùng mừng rỡ chạy đi báo cho ông bà hay. Bà Tiết nghe tin không chờ nàng qua chào, vội tới phòng con trai nắm tay nàng òa khóc. Từ đó Côn Sinh cũng trở nên đứng đắn không đùa ác nữa, vợ chồng vì thế càng yêu thương nhau. Thập Nương nói "Trước đây thiếp cho rằng chàng là người khinh bạc, chưa chắc đã sống được với nhau đến lúc bạc đầu nên không dám lưu lại con cái nơi trần thế. Nay chàng đã không có ý khác, thiếp sẽ sinh con trai”. Không bao lâu vợ chồng thần mặc áo đỏ giáng lâm nhà sinh, hôm sau Thập Nương lâm bồn, sinh một lần được hai con trai, từ đó hai bên đi lại không dứt. Dân quanh vùng nếu có ai xúc phạm làm thần giận cứ tới năn nỉ với Côn Sinh trước, sai đàn bà ăn mặc đẹp đẽ vào phòng vái lạy Thập Nương, nếu nàng cười thì được thần tha tội. Con cháu họ Tiết rất đông, người ta gọi là nhà Tiết ếch, nhưng người ở gần không dám gọi thế, chỉ có người ở xa gọi mà thôi.