Trang

【Liêu Trai Chí Dị】●Bậc vương công (Vương Giả)

Tuần phủ Hồ Nam là ông Mỗ sai quan Châu tá áp tải sáu mươi vạn tiền lương về kinh. Giữa đường gặp mưa, trời tối lỡ đường không có chỗ ngủ, thấy xa xa có một ngôi chùa cổ bèn tới đó nghỉ lại. Sáng ra nhìn tới số tiền thì đã mất hết. Mọi người kinh hãi nhưng không thể quy tội cho ai, bèn về bẩm với Tuần phủ. Tuần phủ cho là bịa đặt định đem trị tội, đến khi tra hỏi các sai dịch đi cùng thì không ai nói gì khác, liền bắt phải trở lại chỗ mất tiền điều tra manh mối.
Tới trước miếu thấy một người mù tướng mạo kỳ dị treo tấm bảng đề “Biết việc trong lòng", nhân nhờ bói cho. Người mù nói "Đây là vì việc mất vàng", viên Châu tá nói "Phải" rồi kể lể nỗi khổ. Người mù đòi một cỗ kiệu, nói "Cứ đi theo ta sẽ biết", mọi người theo lời, các sai dịch cũng đi theo. Người mù nói “Đi về phía đông", mọi người đi về phía đông, nói “Đi về phía bắc", mọi người đi về phía bắc. Được năm ngày thì vào trong núi sâu, chợt thấy thành quách, người đi lại nhộn nhịp. Vào thành đi một lúc, người mù nói “Dừng lại" rồi xuống kiệu, chỉ về hướng nam nói "Cứ tới cái cổng cao quay về phía tây thì vào mà hỏi” rồi chắp tay bỏ đi.
Viên Châu tá theo lời, quả tới cái cổng cao liền vào. Có một người ra, ăn mặc theo kiểu thời Hán, không xưng tên họ. Viên Châu tá kể nguyên do mình tới, người ấy nói "Xin ở lại vài hôm, sẽ đưa ông tới ra mắt người có trách nhiệm” Rồi đưa viên Châu tá đi, cho ở một nơi riêng, lo đủ cơm nước. Nhân lúc rảnh rỗi, viên Châu tá đi dạo ra sau nhà thấy có cái đình trong khu vườn, tùng già rợp bóng, cỏ mượt như nhung. Qua mấy đoạn hành lang lại tới một cái đình cao, theo bậc thềm bước lên, thấy trên vách treo mấy tấm da người còn đủ cả tai mắt mũi mồm, mùi tanh nồng nặc, bất giác sởn hết gai ốc, vội vàng quay về phòng. Tự nghĩ chắc phải gởi thây nơi đất lạ, không mong gì sống được. Nhưng nghĩ bề nào cũng chết, hãy cứ chờ xem.
Hôm sau người kia tới gọi đi, nói "Hôm nay có thể gặp được", viên Châu tá dạ dạ. Người kia cưỡi ngựa phóng như bay, viên Châu tá hộc tốc chạy theo. Lát sau tới một quân dinh oai vệ như dinh Tổng đốc, sai dịch dàn hàng hai bên, không khí nghiêm trang. Người kia xuống ngựa dẫn viên Châu tá vào, qua một lớp cửa nữa, thấy một vị vương giả áo gấm mũ ngọc ngồi quay về hướng nam. Viên Châu tá bước lên lạy chào, vị vương giả hỏi "Ngươi là quan giải lương ở Hồ Nam phải không?”, viên Châu tá thưa phải. Vị vương giả nói "Tiền còn đủ ở đây, chẳng đáng bao nhiêu, quan Tuần phủ của ngươi khẳng khái dâng nộp chắc cũng được mà".
Viên Châu tá khóc nói "Kỳ hạn đã mãn, trở về sẽ bị trị tội, biết lấy gì bẩm lại với quan trên?” Vị vương giả đáp "Chuyện đó không khó", rồi đưa cho một cái tráp to, nói "Đem cái này về đưa lên, chắc chắn vô sự". Kế hạ lệnh lực sĩ đưa ra, viên Châu tá sợ sệt không dám nói gì, nhận tráp mà về. Đường ra núi sông khác hẳn đường vào, ra khỏi núi người đưa đường quay về. Vài ngày về tới Trường Sa (tỉnh thành Hồ Nam) bẩm lại với Tuần phủ. Tuần phủ càng cho là bịa đặt, nổi giận không thèm nghe nữa, sai ngay tả hữu mang dây ra trói. Viên Châu tá cởi khăn lấy cái tráp đưa lên. Tuần phủ mở ra, vừa nhìn thấy đã tái mặt bảo thôi trói, nói "Tiền bạc là việc nhỏ, cho ngươi lui". Kế vội phát văn thư sai các thuộc quan tìm cách bù vào, vài hôm sau thì ốm rồi chết.
Trước đó Tuần phủ cùng người thiếp yêu nằm ngủ, khi tỉnh dậy thì tóc người thiếp bị cắt hết, cả nha môn hoảng sợ không biết vì sao, thì ra tóc ấy được đựng trong cái tráp. Ngoài ra còn có lá thư viết "Ngươi từ khi làm quan Tuần phủ, chúc vị cao sang, hối lộ tham ô tiền không kể xiết. Khoản tiền sáu mươi vạn kia đã xét thu vào kho, hãy mở túi tham mà nộp cho đủ. Viên quan áp tải không có tội, không được xử bậy. Trước đây cắt tóc người thiếp để cảnh cáo qua loa, nếu không tuân lệnh thì sớm tối sẽ lấy đầu ngươi. Món tóc gởi kèm là để làm tin đấy". Sau khi Tuần phủ chết, người nhà mới truyền lá thư ra. Về sau các thuộc viên sai người tìm tới chốn nọ thì chỉ thấy núi cao vực sâu, không có đường đi nào.
Dị Sử thị nói: Câu chuyện rất giống với chuyện các hiệp khách đời cổ lấy vàng chia cấp cho người nghèo, thật cũng lạ lùng khoái ý. Nhưng người tránh loạn vào Đào Nguyên thì không đi ăn cướp, mà nếu các bậc kiếm khách tụ họp thì làm sao có được thành quách nha thự như vậy được? Than ôi, đó là vị thần nào chăng? Nhưng nếu có một chỗ như vậy thật, thì chỉ sợ người trong thiên hạ tới tố cáo không lúc nào ngớt thôi.