Trang

【Liêu Trai Chí Dị】●Cô Tân mười bốn (Tân Thập Tứ Nương)

Phùng sinh ở huyện Quảng Bình (tỉnh Hà Bắc) là người thời Chính Đức nhà Minh (1506-1521), lúc trẻ lông bông hay rượu. Sáng sớm ra đường gặp một thiếu nữ mặc áo khoác đỏ, vô cùng xinh đẹp, có đứa tiểu đồng theo hầu, đạp bừa trên sương mà đi, giày tất ướt hết, lòng thầm yêu mến. Chiều tối say rượu trở về, bên đường vốn có ngôi chùa bỏ hoang đã lâu, có cô gái từ trong đi ra, chính là người đẹp lúc sáng. Nàng vừa thấy sinh tới, lập tức quay người trở vào. Sinh nghĩ thầm người đẹp như thế sao lại ở trong chùa, liền buộc lừa ở cổng rồi vào trong tìm hiểu chuyện lạ.
Vào thấy tường rào đổ nát, cỏ phủ đầy thềm, còn đang ngần ngừ thì một ông già tóc bạc đi ra, áo mũ chỉnh tề hỏi khách tới đây làm gì. Sinh đáp "Ngẫu nhiên đi ngang thấy ngôi chùa cổ nên muốn vào lễ Phật, còn ông tới đây làm gì?”. Ông già đáp “Lão phu ngụ cư không có chỗ ở nên mượn tạm nơi này cho gia đình ở, được ông quang lâm, có chén trà núi cũng tạm thay rượu được", rồi cung kính mời khách vào. Thấy hậu điện có gian nhà, đường đi lát đá sáng bóng không có chút rêu cỏ, vào nhà thì rèm cửa màn giường đều thơm phức. Ngồi xuống hỏi họ tên, ông già nói là Mông Tẩu họ Tân. Sinh nhân say hỏi "Nghe nói ông có một cô con gái chưa gả cưới, ta không xét mình, tình nguyện làm rể được không?”. Tân cười nói "Để ta bàn lại với bà ấy", sinh lập tức hỏi lấy giấy bút làm một bài thơ rằng:
Thiên kim mịch ngọc chử,
Ân cần thủ tự tương.
Vân Anh như hữu ý,
Thân vị đảo nguyên sương.
(Ngàn vàng tìm chày ngọc
Ân cần tay tự mang
Vân Anh như có ý
Xin giã thuốc cho nàng)*
*Vân Anh... cho nàng: Bùi Hàng truyền kỳ chép Bùi Hàng 1à người thời Đường đi ngang trạm Lam Kiều khát nước ghé vào nhà một bà già xin nước uống, bà già sai con gái là Vân Anh mang nước ra cho. Hàng thấy nàng xinh đẹp xin cưới làm vợ, bà già nói mình có phương thuốc tiên nhưng còn thiếu cối ngọc chày ngọc để giã, nếu Hàng tìm được sẽ gả Vân Anh cho. Sau Hàng mua được cối ngọc chày ngọc tới, bà già sai Hàng giã thuốc một trăm ngày rồi gả Vân Anh cho Hàng, kế hai vợ chồng cũng thành tiên. Bài thơ của Phùng sinh dùng tích này để ngỏ ý xin làm rể nhà ông Tân.
Chủ nhân đọc thơ cười đưa cho người hầu, giây lát có tỳ nữ từ nhà trong ra ghé tai Tân nói nhỏ. Tân đứng lên xin khách chịu khó ngồi đợi rồi vén rèm vào nhà trong, nghe trò chuyện loáng thoáng năm ba câu rồi lập tức trở ra. Sinh nghĩ chắc có tin hay nhưng Tân cứ ngồi cười nói trò chuyện chứ không nói gì tới việc đó. Sinh không kìm được hỏi luôn "Chưa rõ ý ông về việc đó thế nào, xin dạy bảo cho ta hết ngờ vực”. Tân đáp "ông là bậc tài sĩ, ta đã hâm mộ từ lâu, nhưng có chuyện riêng nên không dám nói thôi". Sinh cứ nài nỉ xin cho biết, Tân đáp "Ta có tất cả mười chín con gái, đã gả chồng cho mười hai đứa, nhưng việc cưới gả đều quyền ở bà nó chứ ta không dự bàn”. Sinh nói "Tiểu sinh chỉ muốn hỏi cưới người dắt đứa tiểu đồng lội sương sáng nay thôi”.
Tân không đáp, im lặng nhìn khách, nghe trong phòng có tiếng con gái thì thào, sinh mượn men vén rèm bước vào, nói “Đã không thành vợ chồng được, thì cũng phải thấy mặt một lần ta mới nguôi hận”. Bên trong nghe tiếng rèm khua đều sửng sốt đúng cả dậy, quả có cô gái áo đỏ xốc tay áo nghiêng đầu mân mê giải áo, thấy sinh xông vào hoảng hốt nhìn khắp mọi người trong phòng. Tân tức giận sai mấy người lôi sinh ra cửa. Men rượu càng bốc, sinh ngã lăn vào bụi gai, gạch đá ném xuống như mưa, may mà không trúng vào người. Nằm một lúc nghe con lừa vẫn còn gặm cỏ bên đường, bèn dậy lên lừa thất thểu ra đi.
Trời tối lầm đường lạc vào khe núi, sói gào cú rúc rợn gáy lạnh mình, ngập ngừng nhìn quanh không biết đang ở đâu. Nhìn tới khu rùng xa xa thấy có ánh đèn thấp thoáng, nghĩ là làng xóm, liền giục lừa tới, thấy cánh cổng cao rộng bèn cầm roi gõ cửa. Bên trong có người hỏi "Lang quân ở đâu mà nửa đêm tới đây?", sinh đáp là lạc đường. Người ấy nói “Chờ ta thưa với chủ nhân". Sinh đứng đợi chồn cả chân, chợt nghe tiếng then lạch cạch rồi cánh cổng mở ra, một người tớ trai khỏe mạnh bước ra đỡ dây cương lừa.
Sinh vào, thấy nhà cửa hoa lệ, trên sảnh thắp đèn sáng trưng. Ngồi giây lát thì có người đàn bà ra hỏi tên họ khách, sinh nói rõ. Hồi lâu có mấy tỳ nữ đỡ một bà già ra, nói “Quận quân tới”. Sinh đứng lên định vái lạy, bà già ngăn lại bảo ngồi rồi hỏi “Ngươi là cháu nội của Phùng Vân Tử phải không?", sinh đáp "Thưa phải". Bà già nói “Vậy thì ngươi là cháu gọi lão thân bằng bà mợ. Thân già như chuông câm lậu cạn, đến cuối đời họ hàng ruột thịt cũng không ai lui tới”. Sinh nói "Cháu lúc nhỏ mồ côi cha, những người lui tới với ông nội mười phần không biết một nên chưa được chào bà, xin chỉ bảo cho” Bà già nói "Rồi cháu sẽ tự rõ". Sinh không dám hỏi nữa, ngồi đối diện bà già trầm tư.
Bà già hỏi "Sao cháu lại nửa đêm tới đây?”, sinh bèn khoe khoang mình gan dạ, kể rõ những chuyện đã qua. Bà già cười nói “Đó là việc mừng lớn, huống hồ cháu là danh sĩ, chẳng có gì làm nhà thông gia phải xấu hổ mà con chồn tinh nhà quê sao dám làm cao như thế? Cháu đừng lo, để ta thu xếp cho". Sinh vâng dạ cám ơn, bà già quay lại hỏi tả hữu "Ta không biết con gái họ Tân lại có đứa xinh đẹp như thế đấy". Một tỳ nữ nói “Y có mười chín con gái, người nào cũng xinh xắn, không rõ quan nhân định hỏi người nào?”. Sinh đáp “Là người khoảng mười lăm tuổi". Người tỳ nữ nói "Vậy là cô Mười bốn, ba hôm trước từng theo mẹ tới đây chúc thọ Quận quân, Quận quân quên rồi sao?". Bà già cười nói "Phải là người kết hột sen làm giày cao gót, trong chứa bột thơm, ngoài bọc sa mỏng mà đi không?”, người tỳ nữ đáp "Thưa phải". Bà già nói "Con nhãi ấy biết làm ra vẻ quyến rũ khéo lắm, nhưng quả là xinh đẹp, cháu ta thưởng lãm không sai", rồi lập tức bảo "Sai thằng Mèo Con gọi nó tới đây".
Người tỳ nữ đó vâng dạ đi ra, lát sau quay vào bẩm "Đã gọi được cô Mười bốn nhà họ Tân tới", liền thấy cô gái áo đỏ bước vào phủ phục làm lễ, bà già kéo dậy nói “Sắp làm vợ cháu ta, không nên làm lễ như tỳ nữ thế nữa". Cô gái thướt tha đứng lên, hai tay áo đỏ rủ xuống, bà già sửa mái tóc cho, sờ đôi hoa tai của nàng hỏi "Gần đây Tân Mười bốn ở nhà làm gì?”. Nàng đáp khẽ "Lúc rảnh con chỉ thêu thùa” rồi quay đầu thấy sinh, có vẻ ngượng ngập bối rối. Bà già nói "Đó là cháu ta, nó có ý tốt muốn kết duyên với con, sao lại để nó lạc đường, đêm khuya thất thểu trong khe núi thế?”, nàng cúi đầu im lặng. Bà già nói "Ta gọi con tới đây không có chuyện gì khác, chỉ là muốn làm mai cho cháu ta đấy thôi”, nàng vẫn im lặng. Bà già sai quét giường trải nệm để làm lễ thành hôn lập tức, cô gái thẹn thùng nói “Xin cho con về thưa với cha mẹ". Bà già nói "Ta làm mai cho con thì còn có gì sai sót chứ?”. Nàng thưa "Quận quân ra lệnh thì cha mẹ con phải vâng lời chứ đâu đám trái, nhưng qua quít thế này thì con dù chết cũng không dám vâng mệnh". Bà già cười nói “Con bé này chí khí cứng cỏi, thật xứng đáng làm vợ cháu ta", bèn rút một chiếc thoa vàng trên tóc nàng đưa cho sinh làm tin, bảo về chọn ngày lành giờ tốt làm lễ cưới. Rồi sai tỳ nữ đưa nàng về, nghe xa xa có tiếng gà gáy lại sai dắt lừa tới tiễn sinh ra.
Sinh đi được vài bước, ngoảnh lại thì nhà cửa xóm làng đã biến mất, chỉ thấy cây cối um tùm, cỏ hoang mộ lở mà thôi, định thần ngẫm nghĩ hồi lâu mới nhớ ra chỗ đó là mộ quan Thượng thư họ Tiết. Tiết vốn là em bà nội sinh nên gọi sinh là cháu. Lúc ấy sinh biết mình đã gặp ma, nhưng không hiểu cô Tân Mười bốn là ai. Bèn than thở quay về, chọn bừa một ngày tốt chờ nhưng vẫn thầm ngờ vực lời hẹn của ma quỷ khó tin, lại tới ngôi chùa cổ xem thì trong ngoài vắng tanh, hỏi thăm thì người ở đó nói trong chùa thường có hồ quy. Sinh nghĩ thầm nếu được vợ đẹp thì có là hồ cũng tốt.
Đến ngày đã định liền cho dọn phòng quét ngõ, sai người nhà thay phiên nhau ra ngóng, đến nửa đêm vẫn yên ắng, sinh đã hết trông chờ. Giây lát nghe ngoài cổng ồn ào, lật đật ra xem thì kiệu hoa đã ngừng ở sân, hai a hoàn đỡ cô gái vào phòng, của hổi môn không có gì đáng giá chỉ có hai người tớ trai khiêng một cái phốc mãn to bằng cái khạp ghé vai đặt xuống góc phòng khách. Sinh mừng được vợ đẹp, không nghĩ gì tới việc khác loài, nhân hỏi cô gái "Một người đã chết như vậy sao nhà nàng quá phục tùng thế?”. Nàng đáp “Quan Thượng thư họ Tiết hiện làm Ngũ Đô Tuần hoàn sứ, hồ quỷ trong vài trăm dặm đều phải theo hầu, nên ít khi về mộ". Sinh nhớ cái ơn làm mối, hôm sau tới tế mộ ông bà, lúc về thấy hai tỳ nữ đem tới một cuộn gấm mừng, đặt lên bàn rồi đi. Sinh kể lại cho cô gái, nàng xem cuộn gấm rồi nói "Đây là vật của quận quân đấy".
Trong huyện có công tử con quan Thông chính ty họ Sở, thuở nhỏ học chung với sinh, chơi bời thân mật, nghe sinh cưới được vợ hồ liền đem thức ăn tới, sinh lập tức ra sảnh đường nhận rượu mừng. Vài hôm sau công tử lại bày tiệc mời, cô gái nghe chuyện nói với sinh “Hôm trước công tử tới, thiếp nhìn trộm qua kẽ vách thấy người ấy mắt vượn mũi ưng không thể thân cận, chàng đừng đi", sinh nghe theo. Hôm sau công tử tới trách sinh lỗi hẹn, nhân khoe bài văn mới làm. Sinh bình phẩm có ý giễu cợt, công tử cả thẹn không vui, kế chia tay. Sinh vào phòng cười kể lại, cô gái buồn bã nói “Công tử độc ác như sài lang, không nên trêu chọc. Chàng không nghe lời thiếp thì sắp gặp tai vạ rồi” sinh cười xin lỗi nàng.
Sau đó sinh gặp công tử thì cười đùa vui vẻ, chuyện xích mích trước dần tiêu tan. Gặp lúc có kỳ thi ở dinh Đốc học, công tử đỗ đầu, vô cùng vui vẻ sai người mời sinh qua uống rượu, sinh từ chối, công tử sai mời mấy lần mới tới. Khi tới mới biết là ngày sinh nhật của công tử, khách khứa đầy nhà, rượu thịt ê hề. Công tử đưa quyển thi cho sinh xem, bạn bè đua nhau ca tụng. Rượu được vài tuần, dàn nhạc ra tấu dưới thềm, tiếng đàn sáo tưng bùng, chủ khách đều rất vui vẻ. Bỗng công tử nói với sinh “Lời ngạn có câu Trong trường chớ bàn văn chương hơn kém, nay mới rõ câu ấy là sai. Sở dĩ mới rồi tiểu sinh may mắn đỗ trên ông là nhờ vài câu khởi đề cao hơn một bực mà thôi". Công tử nói xong, cả tiệc đều cất tiếng khen ngợi. Sinh đang say không nhín được, cười rộ nói “Mãi đến nay ông mới nhờ văn chương mà thành đạt tới mức ấy à?". Sinh nói xong cả tiệc đều tái mặt, công tử vừa thẹn vừa uất. Khách khứa lần lượt ra về, sinh cũng lẩn đi.
Khi tỉnh rượu hối hận bèn kể lại cho vợ, nàng không vui, nói "Chàng thật là gã thôn phu quê mùa! Phàm lấy thái độ khinh bạc đối xử với bậc quân tử thì tổn đức, đối xử với kẻ tiểu nhân thì hại thân, tai họa sắp tới cho chàng không còn xa đâu. Thiếp không nỡ thấy chàng lưu lạc, từ nay xin giã biệt". Sinh lo sợ sa nước mắt tỏ ý ăn năn, nàng nói "Nếu muốn thiếp ở lại thì chàng phải hứa là từ nay trở đi đóng cửa tuyệt hết bạn bè, không uống rượu say sưa nữa”, sinh kính cẩn theo lời.
Cô Mười bốn tính cần kiệm hơn người, hàng ngày thường lo việc canh cửi, có lúc về thăm nhà nhưng không bao giờ ở lại qua đêm. Có khi lại xuất tiền buôn bán, hàng ngày có lời thì bỏ vào cái phốc mãn. Ngày ngày đóng cửa, ai tới thăm viếng cững bảo gia nhân ra từ tạ không tiếp. Hôm sau, công tử họ Sở gửi thư tới, nàng đốt bỏ không cho sinh biết. Lại hôm sau sinh vào thành điếu tang, gặp công tử ở nhà tang chủ, công tử nắm tay lôi kéo mời mọc, sinh thác cớ không đi. Công tử sai mã phu nắm cương ngựa sinh kéo đi, tới nhà công tử lập tức sai bày tiệc, sinh lại cáo từ muốn về sớm. Công tử nhất định giữ lại, lại gọi ban nhạc trong nhà ra đàn hát giúp vui. Sinh vốn không chịu bị gò bó, từ khi phải đóng cửa ở lỳ trong nhà rất lấy làm buồn bực, gặp bữa rượu lớn chợt nổi hứng không nghĩ gì tới ý trước nữa, cứ thả sức uống đến lúc say mèm lăn ra luôn bên bàn tiệc.
Vợ công tử là Nguyễn thị rất hung dữ ghen tuông, đám tỳ thiếp không dám trang điểm son phấn. Hôm trước có một nàng hầu vào phòng sách của công tử bị Nguyễn thị bắt được, cứ lấy gậy đập vào đầu, nàng ấy vỡ đầu chết ngay. Công tử vẫn căm giận vì bị sinh chế giễu, hàng ngày nghĩ cách báo thù, bèn mưu phục rượu cho say để vu cáo. Nhân lúc sinh say ngủ, liền khiêng cái xác nàng hầu lên giường rồi khép cửa bỏ đi. Đến canh năm sinh tỉnh mới biết mình ngủ trên ghế bèn dậy tìm giường, thấy có vật mềm mềm vướng chân, mò xem thì là người. Bụng nghĩ chắc chủ nhân cho tiểu đồng ngủ chung để chăm sóc hầu hạ, nhưng lay gọi sờ nắn thì bất động mà cứng đờ, cả sợ ra cửa la ầm lên. Tôi tớ trong nhà vùng dậy, thắp đèn soi thấy xác chết liền bắt sinh đánh dập. Công tử tới giả xem xét xác chết rồi vu cho sinh cưỡng gian giết nàng hầu của mình, giải nộp lên huyện Quảng Bình.
Hôm sau cô Mười bốn mới biết chuyện, khóc nói “Ta đã biết trước là sẽ có ngày hôm nay mà", rồi hàng ngày gởi tiền bạc cho sinh. Sinh gặp quan Phủ doãn không có lý lẽ gì để minh oan nên sớm chiều bị tra khảo đánh đập tuột da nát thịt. Cô gái vào ngục thăm, sinh gặp nàng nghẹn ngào đau đớn không nói nên lời. Nàng biết đã mắc vào mưu sâu bèn khuyên cứ nhận tội bừa cho khỏi bị tra tấn đau đớn, sinh khóc nghe theo. Nàng ra vào trong ngục mà người cách nhau gang tấc cũng không nhìn thấy, về nhà thở dài buồn bã, đuổi hết tớ gái ra ngoài, ở trong phòng một mình liền mấy ngày. Kế nhờ bà mối mua giùm một cô gái nhà dân tên Lộc Nhi, tuổi vừa cập kê, nhan sắc khá đẹp, cho ăn cùng mâm nằm cùng chiếu, yêu mến khác hẳn đám tỳ thiếp trong nhà.
Sinh nhận tội ngộ sát bị kết án thắt cổ, người lão bộc nghe tin chạy về khóc lóc kể không ra tiếng, nhưng nàng thản nhiên như không để ý. Kế sắp đến ngày đem xử những tù phạm bị kết án tử hình, nàng mới nhớn nhác vội vã, ngày đi đêm về không lúc nào nghỉ ngơi, lúc vắng người thì ngồi buồn rầu, bỏ cả ăn ngủ. Một hôm trời vừa sập tối, chợt con hồ tỳ tới, nàng vội đứng lên dắt vào phòng kín trò chuyện, lúc quay ra thì có vẻ hón hở, lại coi sóc việc nhà như ngày thường. Hôm sau người lão bộc vào ngục thăm, sinh gởi lời vĩnh biệt nương tử, người lão bộc về thuật lại, nàng ậm ừ mà cũng chẳng có vẻ đau thương buồn bã, chỉ lạnh lùng mặc kệ, tôi tớ đều lén chê là nàng nhẫn tâm.
Chợt khắp nơi đồn đại quan Thông chính sứ họ Sở bị cách chức, quan Quan sát Bình Dương vâng đặc chỉ xét lại vụ án Phùng sinh. Lão bộc nghe tin, mừng rỡ vào nói với bà chủ. Nàng cũng mừng, lập tức sai lão bộc lên phủ thăm dò, thì sinh đã ra khỏi ngục, gặp nhau vừa mừng vừa tủi. Giây lát thấy công tử bị bắt giải tới, chỉ tra hỏi một lượt là biết hết nội tình, sinh được tha ngay về. Về tới nhà, sinh vừa nhìn thấy vợ vùng sa nước mắt, nàng cũng chua xót. Sinh buồn rồi lại vui, nhưng rốt lại vẫn không rõ nhờ đâu mà vua biết được. Nàng cười chỉ con hồ tỳ nói "Đây là công thần của chàng đấy", sinh mới kinh ngạc hỏi han.
Trước là nàng sai con hồ tỳ lên yên Kinh, muốn vào cung vua kêu oan cho sinh nhưng tới nơi thấy trong cung có thần canh giữ, cứ quanh quẩn ngoài ngự câu mấy tháng không vào được. Nó sợ hỏng việc, toan về bàn tính lại, chợt nghe tin Thiên tử sắp ngự giá tới huyện Đại Đồng (tỉnh Sơn Tây), liền tới đó trước, giả làm con hát rong. Vua tới kỹ viện gặp nó rất thương yêu, tỏ ý ngờ không phải là kẻ phong trần, nó bèn cúi đầu khóc lóc. Vua hỏi có chuyện gì oan khổ, con hồ tỳ tâu "Thiếp vốn quê ở huyện Quảng Bình, con gái sinh viên Phùng mỗ, vì cha bị vu oan sắp bị xử tử nên bị bán vào kỹ viện”. Vua nghe thấy buồn bã thương xót, ban cho một trăm lượng vàng, lúc ra về lại hỏi kỹ đầu đuôi câu chuyện, lấy giấy bút ghi lại tên họ, lại nói muốn đưa nó về cùng chung hưởng phú quý. Con hồ tỳ nói chỉ muốn cha con đoàn tụ chứ không mong được hưởng giàu sang, vua gật đầu rồi đi. Con hồ tỳ kể lại cho sinh nghe, sinh vội vái lạy tạ ơn, nước mắt lưng tròng.
Không bao lâu sau, cô gái chợt nói với sinh "Thiếp không vì tình duyên thì đâu phải chịu cảnh phiền não thế này. Lúc chàng bị giam, thiếp chạy chọt khắp cả họ hàng thân thuộc mà không một ai bàn tính giùm mưu kế gì, lúc ấy trong lòng chua cay, thật không thể nói ra. Nay thấy chán ghét tục lụy, đã tìm sẵn cho chàng một người vợ hiền, vậy từ đây xin giã biệt”. Sinh nghe lạy phục xuống đất khóc lóc không chịu đứng lên, cô gái mới ở lại. Đến đêm nàng sai Lộc Nhi qua với sinh, sinh nhất định từ chối. Sáng hôm sau thấy cô Mười bốn dung mạo sút hẳn, hơn một tháng thì già sọm đi, nửa năm thì mặt nám da đen như bà già nhà quê, nhưng sinh vẫn kính mến không khác trước.
Chợt cô gái lại đòi từ biệt, nói “Chàng đã có vợ đẹp rồi, cần gì tới con quỷ già này?” sinh lại khóc giữ lại như trước. Qua tháng sau, cô gái phát bệnh nguy cấp, bỏ cả ăn uống nằm liệt. Sinh hôm sớm thuốc thang như lo cho cha mẹ, nhưng thuốc men bùa chú gì cũng vô hiệu, kế nàng chết. Sinh đau thương muốn chết theo luôn, liền lấy số vàng của con hồ tỳ được vua ban cho trước kia lo việc chôn cất. Vài hôm sau con hồ tỳ cũng đi. Sinh bèn lấy Lộc Nhi làm vợ, hơn một năm sinh được một trai. Nhưng sinh đi thi mấy khoa liền không đỗ mà gia cảnh ngày càng sa sút, vợ chồng không biết làm sao, chỉ nhìn nhau buồn rầu. Chợt nhớ tới cái phốc mãn trong góc nhà, thường thấy cô Mười bốn bỏ tiền vào trong, không biết có còn không? Tới xem thì nồi niêu chai lọ bày la liệt ở trên, phải nhấc cả ra rồi lấy đũa chọc thử nhưng không chọc vào được, bung lên đập vỡ thì tiền bạc tuôn ra đầy nhà, nhờ thế bỗng chốc sinh lại trở thành sung túc.
Về sau người lão bộc tới núi Thái Hoa, gặp cô Tân Mười bốn cưỡi ngựa đi trước, con hồ tỳ cưỡi lừa theo sau, hỏi "Phùng lang bình yên chứ?”, lại dặn "Về nói cho ông chủ biết là ta đã thành tiên rồi", nói xong thì biến mất.
Dị Sử thị nói: Những lời khinh bạc phần lớn là do các kẻ sĩ nói ra, đó là điều bậc quân tử than tiếc. Ta từng mạo cái danh không thật, nói là oan uổng thì cũng đã lỡ rồi, song chưa từng không khắc khổ tự khích lệ mình để gượng dự vào hàng quân tử, còn chuyện họa hay phúc thì không dự bàn. Như Phùng sinh chỉ lỡ lời một câu mà mấy lần suýt mất mạng, nếu không phải là trong nhà có người tiên thì làm sao thoát khỏi ngục tù mà sống lại ở đời? Thật đáng sợ thay!