Trang

【Liêu Trai Chí Dị】●Câu đối của Hồ (Hồ Liên)

Tiêu sinh là em con chú của Tiên sinh Thạch Hồng ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) đọc sách trong vườn, nửa đêm thấy có hai mỹ nhân tới, đều rất xinh đẹp, một nàng khoảng mười bảy mười tám, một nàng khoảng mười bốn mười lăm tuổi, vỗ vào bàn nhoẻn miệng cười. Tiêu biết là hồ, nghiêm sắc mặt cự tuyệt. Nàng lớn nói "Chàng râu cứng như sắt, sao không có khí sắc đàn ông thế?”. Tiêu đáp "Ta bình sinh không dám biết tới người đàn bà thứ hai”. Cô gái cười nói “Thật là cổ hủ quá, chàng còn câu nệ chuyện ấy sao! Quỷ thần thời hạ nguyên* cũng đều lấy đen làm trắng, huống chi chuyện nhỏ nhặt trên giường”.
*Hạ nguyên: đây chỉ thời loạn lạc, phong tục suy đồi.
Tiêu lại xì khinh bỉ. Cô gái biết là không lay chuyển được, bèn nói "Chàng là bậc danh sĩ, thiếp có một vế đối xin chàng đối giúp, nếu đối được thì bọn ta tự đi: Mậu tuất đồng thể, phúc trung chỉ khiếm nhất điểm (Mậu tuất cùng thể, trong bụng chỉ thiếu một điểm)". Tiêu ngẫm nghĩ hồi lâu không đối được, cô gái cười nói "Danh sĩ mà như thế à? Ta đối thay cho cũng được: Kỷ tỵ liên tung, túc hạ hà bất song khiêu (Kỷ tỵ liền vết, dưới chân sao chẳng hai khều?)”* kế cười rộ bỏ đi. Chuyện này là Tư khấu họ Lý** ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) kể lại.
*Mậu tuất... hai khều: đôi câu đối này có chỗ chơi chữ: trong Hán tự, chữ mậu và chữ tuất, chữ kỵ và chữ tỵ có tự hình gần như nhau, ngoài ra hai chữ "túc hạ" còn là một đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít với ý nghĩa trang trọng. Hai cô gái hồ có ý chế nhạo nhân vật Tiêu sinh không có "phong thái đàn ông” vì không chịu thân mật với họ.
**Tư khấu họ Lý: bản Hương Cảng chú nhân vật này tên Hoa Hy, tự Ngũ Huyền, thi đỗ Tiến sĩ năm Giáp tuất niên hiệu Sùng Trinh thời Minh (1628 -1643), làm quan tới chức Thượng thư bộ Hình, theo đó thì hai chữ "Mậu tuất" và “Kỷ tỵ" của hai cô gái hồ trong truyện này có lẽ không chỉ đơn giản là chơi chữ mà có thể còn dính dáng hay ám chỉ hai sự kiện chính trị nào đó khoảng cuối Minh đầu Thanh.