Trang

【Liêu Trai Chí Dị】●Vương Thành (Vương Thành)

Vương Thành là con nhà thế tộc cũ ở Bình Nguyên (phủ thành Tế Nam tỉnh Sơn Đông), tính rất lười biếng nên sinh sống ngày càng chật vật, chỉ còn mấy gian nhà nát, vợ chồng ngủ trong ổ xơ gai, oán trách nhau thậm tệ.
Gặp lúc giữa mùa hè nóng nực, trong làng có cái vườn của họ Chu, tường vách đổ nát chỉ còn một ngôi đình, người làng nhiều kẻ tới ngủ nhờ, Vương cũng trong số đó. Sáng ra mọi người đã đi cả, mặt trời lên cao ba con sào Vương mới dậy, dùng dằng định về thì nhặt được chiếc thoa vàng trong đám cỏ, trên có khắc hàng chữ nhỏ "Phủ Nghi tân chế tạo".
Ông nội Vương là Nghi tân Hành phủ*, vật cũ trong nhà phần nhiều đều có dấu hiệu ấy, vì vậy Vương cầm chiếc thoa ngần ngừ. Chợt có một bà già tới tìm chiếc thoa, Vương tuy rất nghèo nhung không tham vặt bèn đưa ra trả lại.
* Nghi tân Hành phủ: Hành phủ tức Hành Cung vương Chu Hựu Huy, con thứ sáu vua Hiến tông nhà Minh, được phong tước vương năm Thành Hóa thứ 13 (1477), đến năm Hoằng Trị thứ 13 (1500) đời vua Hiếu tông được ra làm phiên vương ở Thanh Châu. Nghi tân là từ gọi chung con rể, cháu rể các thân vương thời Minh.
Bà già mừng rỡ cảm tạ, nói "Chiếc thoa không đáng bao nhiêu nhưng đây là kỷ vật của ông nhà ta để lại”, Vương hỏi “Cụ nhà là ai?”, bà già đáp là Nghi tân Vương Giản Chi trước kia. Vương giật mình nói “Đó là ông nội ta, sao bà gặp gỡ được?”. Bà già cũng giật mình nói "Ngươi là cháu nội Vương Giản Chi sao? Ta là hồ tiên, một trăm năm trước có gần gũi với ông nội ngươi, sau khi ông mất thì lão thân ở ẩn, qua ngang đây đánh rơi chiếc thoa lại vào tay ngươi, không phải là số trời sao?”.
Vương cũng từng nghe nói ông nội có vợ hồ nên tin lời, nhân mời tới nhà chơi, bà già bèn đi theo. Vương gọi vợ ra chào, bà già thấy áo rách đầu bù, mặt mày xanh xao hốc hác bèn than rằng "Ôi, con cháu Vương Giản Chi lại nghèo khổ đến thế này ư!”. Lại nhìn gian bếp hư nát không nổi lửa mà nói “Gia cảnh thế này lấy gì để sống?". Vợ Vương bèn kể hết nỗi khổ, nghẹn ngào rơi lệ, bà già đưa chiếc thoa cho nàng bảo đem cầm lấy tiền đong gạo, ba ngày nữa sẽ tới thăm. Vương cố giữ lại, bà nói "Ngươi chỉ có một vợ mà nuôi không nổi, ta ở lại đây thì chỉ ngồi ngắm xà nhà chứ có ích gì?" rồi đi thẳng.
Vương kể lại đầu đuôi, vợ sợ lắm nhưng Vương ca tụng ơn nghĩa của bà già, dặn phải thờ bà như mẹ, vợ vâng dạ. Ba ngày sau quả nhiên bà già tới, đưa mấy đồng vàng bảo đong gạo và bột mì mỗi thứ một thạch, tối đến cùng vợ Vương nằm chung trên một cái giường nhỏ. Vợ Vương lúc đầu sợ sệt nhưng xét tình ý thấy bà rất trìu mến nên cũng không ngờ vực gì nữa. Hôm sau bà nói với Vương "Cháu đừng lười, nên tìm một nghề mọn mà làm chứ ngồi ăn không làm sao lâu dài được?”. Vương thưa là không có vốn, bà nói “Lúc ông nội ngươi còn sống thì vàng lụa cứ mặc ý mà lấy, nhưng vì ta không phải là người trần, không cần tới các thứ ấy nên không lấy nhiều, chỉ để dành bốn mươi lượng vàng làm tiền phấn sáp. Đến nay vẫn còn, cất lâu cũng chẳng làm gì, ngươi cứ đem đi mua hết vải cát rồi mang gấp vào kinh, có thể lãi chút ít”.
Vương vâng lời, mua hơn năm mươi tấm mang về, bà già bảo thu xếp hành trang, tính độ đường khoảng sáu bảy ngày là tới Yên Kinh, dặn rằng “Phải siêng đừng lười, phải gấp đừng hoãn, chậm mất một ngày, ăn năn đã muộn”. Vương kính cẩn vâng dạ, xếp hàng vào bọc lên đường.
Dọc đường gặp mưa, áo giày ướt sũng, Vương bình sinh chưa trải sương gió nên mệt quá bèn nghỉ tạm lại quán trọ, không ngờ mưa cứ tầm tã đến tối, nước trên máng xối rót xuống như dây thừng. Qua đêm đường càng lầy lội, thấy người đi đường bùn ngập lút cổ chân, trong lòng rất nản. Chờ đến trưa đường mới hơi mới hơi khô ráo, nhưng mây đen lại kéo tới, lại đổ mưa lớn, phải ngủ qua đêm nữa mới đi được.
Gần tới kinh nghe đồn vải cát đang có giá, trong lòng mừng thầm nhưng vào tới kinh thành ghé lại quán trọ thì chủ trọ rất tiếc vì Vương tới chậm. Trước đó đường giao thông với phía Nam mới mở, vải cát tới rất ít, các nhà giàu sang trong kinh lại thường mua nhiều nên giá đắt gấp ba, nhưng trước đó một ngày thì những người buôn vải cát đổ tới đông nghẹt nên giá sụt hẳn, những người tới sau đều thất vọng.
Chủ trọ nói rõ cho Vương biết, Vương ưu uất không vui. Qua một ngày vải cát tới càng nhiều, giá càng sụt, Vương thấy không có lãi nên không chịu bán. Nấn ná hơn mười ngày, tiền ăn ở tính ra đã tốn khá nhiều, càng thêm lo buồn. Chủ trọ khuyên nên bán rẻ để tính cách khác, Vương nghe theo bán tháo hết, lỗ vơn mười lượng. Sáng dậy sớm định ra về, mở túi ra xem thì tiền đã mất sạch, phát hoảng nói với chủ trọ, chủ trọ cũng không biết làm sao.
Có người khuyên lên kêu với quan bắt chủ trọ bồi thường, Vương than “Đó là số phận của ta chứ chủ trọ có lỗi gì?”. Chủ trọ nghe thế rất cám ơn Vương, tặng năm lượng vàng rồi an ủi khuyên về. Vương nghĩ không còn mặt mũi nào gặp lại bà nội, loanh quanh ra vào không biết tính sao.
Chợt thấy có bọn chọi chim thuần, mỗi lần chọi đặt cuộc tới mấy ngàn, mua một con chim thuần có khi hơn trăm quan tiền. Vương chợt động tâm, tính lại tiền túi thì chỉ đủ buôn chim thuần, bèn bàn với chủ trọ. Chủ trọ hết súc vun vào, lại hứa cho ăn ở không phải trả tiền. Vương mừng bèn đi, mua một gánh chim thuần trở lại kinh thành, chủ trọ cũng mừng, chúc cho bán đắt hàng.
Đến đêm mưa to đến sáng sớm, khi trời sáng nước trên đường chảy như sông mà mưa vẫn chưa ngớt, Vương ngồi chờ tạnh mà mưa liên tiếp mấy ngày không ngớt. Dậy nhìn thì thấy chim thuần trong lồng chết dần. Vương sợ lắm mà không biết làm sao. Đến hôm sau thuần chết càng nhiều, chỉ còn vài con bèn dồn chung vào một lồng, qua đêm lại ra xem thì chỉ còn một con sống. Bèn vào nói với chủ trọ, bất giác sa lệ, chủ trọ cũng ái ngại. Vương tự liệu hết tiền không về được chỉ muốn tìm đường chết, chủ trọ khuyên giải an ủi, kế cùng ra xem con thuần, ngắm kỹ rồi nói "Hình như là một con chim hay, những con kia biết đâu không phải do bị nó chọi chết? ông đang rảnh rỗi cứ tập luyện cho nó, nếu quả là chim hay thì mang đi đánh cuộc cũng mưu sinh được", Vương theo lời.
Khi con chim đã thuần, chủ trọ bảo đem ra phố đánh cuộc lấy rượu thịt. Con thuần rất khỏe, chọi lần nào cũng thắng, chủ trọ mừng rỡ đưa tiền cho Vương bảo đánh cuộc với đám con em nhà giàu, ba lần chọi ba lần thắng. Khoảng nửa năm thì tích cóp được hai mươi lượng vàng, trong lòng cũng được an ủi, coi con thuần như tính mạng của mình.
Trước đó có thân vương nọ thích chọi chim thuần, hàng năm cứ đến tiết Thuợng nguyên lại cho những người chơi chim thuần trong dân gian đem tới vương phủ để chọi. Chủ trọ nói với Vương "Nay thì có thể trở thành đại phú ngay, có điều không biết vận số của ông ra sao”. Bèn nói rõ sự tình rồi dắt Vương đi, dặn “Nếu thua thì đành im lặng đi ra thôi, còn vạn nhất con thuần này thắng ắt vương sẽ hỏi mua, ông đừng nhận lời, nếu vương ép thì cứ nhìn vào ta, lúc nào ta gật đầu hãy bán”, Vương vâng dạ.
Tới vương phủ thì những người chọi chim đã chen vai dưới thềm, giây lát vương ngự ra điện, tả hữu truyền ai có chim thuần muốn chọi thì lên. Lập tức có một người xách lồng lên điện, vương sai thả thuần ra, khách cũng thả. Mớỉ bay nhảy mổ đá qua loa, thuần của khách đã thua chạy, vương cả cười, trong giây lát đã có mấy người thua. Chủ trọ nói “Đến lúc rồi!", rồi cùng nhau lên điện. Vương nhìn con thuần của Thành, nói “Tròng mắt có vằn máu giận dữ, con thuần này khỏe lắm, không thể coi thường”, rồi sai đem con Thiết chủy ra chọi. Mới bay nhảy đấu đá vài hiệp thì lông con thuần của vương đã rụng tơi tả, vương sai chọn con hay hơn đem ra, hai lần thay đều thua. Vương vội sai lấy con Ngọc thuần trong cung, giây lát đem ra, thấy lông trắng như cò, thần thái mạnh mẽ khác thường, Vương Thành nao núng quỳ xuống xin thôi, nói “Thuần của đại vương là chim thần, sợ giết mất chim ta thì ta mất nghiệp!”.
Vương cười nói "Cứ cho chọi đi, nếu chết ta sẽ đền bù thật hậu!". Thành bèn thả thuần ra, con Ngọc thuần xông thẳng vào. Lúc con Ngọc thuần đang sấn vào thì con thuần của Thành nằm phục xuống như con gà dữ để đợi, con Ngọc thuần mổ mạnh một cái thì nó vùng bay lên như con hạc đánh lại, tiến lui lên xuống cầm cự một lúc thì con Ngọc thuần đuối dần mà con thuần của Vương càng hăng máu đánh ráo riết, không bao lâu bộ lông tuyết của Ngọc thuần rụng tơi tả, cụp cánh chạy trốn.
Cả ngàn người đúng xem ai cũng khen ngợi. Vương bảo bắt con thuần của Thành, đích thân xem xét từ đầu mỏ đến móng chân một lượt rồi hỏi “Con thuần này ngươi có bán không?”. Thành đáp "Tỉểu nhân không có tài sản gì, phải nhờ vào nó mà sống nên không dám bán". Vương nói "Ta sẽ trả giá cao cho ngươi có một gia tư bậc trung, có bằng lòng không?” Thành cúi đầu suy nghĩ hồi lâu rồi nói “Thật vốn không muốn bán, nhưng đại vương đã thích, vả lại nếu cho tiểu nhân được có ăn có mặc thì còn muốn gì hơn".
Vương hỏi giá, Thành xin ngàn lượng vàng, vương cười nói “Gã ngốc này, nó có phải châu ngọc gì mà giá ngàn vàng”. Thành nói "Đại vương không cho nó là quý báu nhưng đối với thần thì ngọc bích liên thành cũng không hơn được”, Vương hỏi vì sao, Thành đáp “Tiểu nhân đem nó ra chợ, mỗi ngày được vài đồng đổi lấy đấu gạo, một nhà mười miệng ăn không phải lo đói rét, còn của báu nào bằng". Vương nói "Ta không để ngươi thiệt, thôi trả ngươi hai trăm” Thành lắc đầu. Vương lại trả thêm một trăm, Thành nhìn chủ trọ không thấy tỏ vẻ gì bèn nói "Thừa mệnh đại vương, xin bớt một trăm. Vương nói "Thế thì thôi vậy, ai mà đem chín trăm luợng vàng mua một con chim thuần?".
Thành cho thuần vào lồng định đi thì vương gọi "Anh chọi chim lại đây, anh chọi chim lại đây” Ta trả sáu trăm, chịu thì bán, không chịu thì thôi vậy”. Thành lại nhìn chủ trọ nhưng chủ trọ vẫn điềm nhiên. Thành trong bụng đã thỏa mãn, chỉ sợ bỏ qua cơ hội bèn nói “Với cái giá ấy thì thật không được vừa ý, nhung đã bàn việc mua bán mà không thành e lại mắc tội lớn, bất đắc dĩ xin vâng lệnh đại vương. Vương mừng rỡ sai cân vàng đưa ngay. Thành nhận vàng, lạy tạ đi ra. Chủ trọ bực tức nói “Ta dặn thế nào mà ông hấp tấp như thế? Nếu kèo nài thêm một chút thì có tám trăm rồi!”.
Thành về nhà trọ đặt vàng lên bàn mời chủ trọ tự lấy. Chủ trọ không chịu, Thành ép mãi mới đem bàn tính ra tính toán nhận tiền ăn ở. Thành sắp xếp hành lý trở về, tới nhà kể lại những việc đã qua, lấy vàng ra chúc mừng nhau. Bà già bảo mua ba trăm mẫu ruộng tốt, xây nhà cửa sắm đồ đạc, nghiễm nhiên là nhà thế gia.
Bà già dậy sớm đôn đốc Thành coi việc cày bừa, vợ coi việc canh cửi, hơi lơ là thì quát mắng nhưng vợ chồng vẫn lễ phép không dám tỏ lời hờn oán. Qua ba năm nhà càng giàu lên, bà già từ biệt định đi, vợ chồng cùng cố giữ, chảy cả nước mắt bà mới ở lại. Sáng ngày vào hầu thì đã biến mất.
Dị Sử thị nói: Người ta giàu có đều nhờ chăm chỉ, đây lại riêng nhờ lười biếng, cũng là việc rất chướng tai. Nhưng không biết rằng kẻ kia nghèo thấu xương mà lòng chí thành không thay đổi nên trời ban đầu thì bỏ mà về sau lại thương đấy, chứ trong bọn lười biếng há có được kẻ giàu sang sao!