Trang

【Liêu Trai Chí Dị】●Trộm đào (Thâu Đào)

Thời còn trẻ, đang dịp tết lập xuân ta lên quận thi. Theo lễ cũ, trước lập xuân một ngày, mỗi nhà treo đèn kết hoa chiêng trống vang lừng, người ta đi mua bán và đến trước đình quan Tuần dự hội “xuân diễn”. Ta cũng theo bè bạn đi xem.
Đúng ngày lập xuân, người ta nô nức kéo nhau đi chơi đông như kiến cỏ. Trên công đường, bốn vị quan lớn đều mặt áo đỏ, đối diện theo bốn hướng đông tây. Lúc ấy ta còn nhỏ không biết là những quan gì, chỉ nghe tiếng nói cười ồn ã, chiêng trống rát tai.
bỗng có người đàn ông dắt một đứa trẻ còn xỏa tóc, vai vác hòm nặng, tiến thẳng lên công đường, tựa như có việc gì muống bẩm báo. Thế là muôn ngàn tiếng hò reo sôi động, không còn nghe rõ là gì, chỉ thấy trên công đường, các quan nhìn nhau trao đổi. Viên nha lại hỏi giỏi về trò gì. Người ấy thưa: trò “đảo lộn vật sống”. Viên nha lại bẩm quan, lát sau hạ lệnh diễn trò “hái đào”.
Người biễu diễn tiếng dạ ran, cởi luôn áo trùm lấy cái hòm, cất tiếng làm bộ than oán:
- Bậc trưởng quan sao chẳng thấu tình! Trời rét băng chưa tan, đào đâu ra đào? Không hái thì sợ quan giận, vậy làm sao đây?
Đứa bé nói:
- Cha đã xin nhận, từ chối sao được?
Người cha rầu rầu suy nghĩ hồi lâu:
- Ta tính kỹ: đầu xuân băng tuyết, tìm đâu được đào trên cõi đời này. Chỉ có trên vường Tây Vương Mẫu bốn mùa hoa lá xanh tươi. Phải lấy trộm trên trời mới được.
- Úi chà! Trời chứ có phải cái thang đâu mà lần bậc lên được.
- Đã có phép chứ!
Nói rồi người cha mở hòm lấy ra một cuộn dây ước vào trăm thước, thắt nút thòng lọng một đầu rồi tung lên không trung. Sợi dây dựng đứng lên y như được treo móc vào một vật gì đó. Không lâu, càng ném càng cao, dây cứ lẩn dần vào mây cho đến khi hết.
Lúc ấy người đàn ông mới gọi con:
- Lại đây! Cha già thân nặng, lóng ngóng khó lên. Con đi giúp cha! Cứ bám lấy dây mà leo.
Con cầm lấy đầu dây, tỏ vẻ khó khăn ngao ngán:
- Cha thật là bất nhẫn. Một sợi dây mỏng manh thế này, bảo tôi bám vào để leo lên trời cao muôn trượng. Ngộ nhỡ chừng dây đứt thì còn gì xương thịt nhà tôi.
Người cha lại giục:
- Cha lỡ mồm nhận với quan trên, hối không kịp nữa. Nhờ con đi một chuyến, đừng có phàn nàn, nếu lấy được đào ắt có thưởng trăm đồng tiền vàng, thế nào cũng cưới cho mấy con vợ đẹp.
Thằng con có vẻ bùi tai, cầm đầu dây, bám lấy leo lên, tay co đến đâu, chân quấn đến đấy y như con nhện leo tơ. Cứ thế khuất dần trong đám mây trời không trông thấy đâu nữa.
Lâu sau có quả đào rơi xuống to như cái bát. Người nha hớn hở nhặt lấy dâng lên công đường. Trên ấy các quan truyền tay nhau xem xét hồi lâu, cũng không biết là thật hay giả.
Chợt, sợi dây từ trên trời bỗng rơi tuột xuống đất. Người cha kinh hoàng:
- Chết rồi! Trên ấy có người cắt dây. Con tôi biết tựa vào đâu?
Lát sau,. Có một gì rơi bịch xuống . Không bao lâu chân tay mình mẩy đều lần lượt rơi xuống đủ cả. Người cha buồn rũ rượi, thu thập tất cả bỏ vào hòm đậy lại ca thán:
- Lão này chỉ có một thằng bé hàng ngày cùng lên bắc xuống nam. Nay phải vâng nghiêm lệnh quan trên chẳng dè chuốc lấy vạ thảm thương kỳ lạ này. Tôi phải đi chôn nó thôi.
Rồi bước lên công đường, quỳ xuống kêu:
- Vì chuyện đào mà giết mất con tôi. Các quan thương đến kẻ hèn mọn mà cấp cho chút đỉnh tiền chôn cất thì tôi xin kết cỏ ngậm vành báo đền ơn ấy.
Quan khách ngồi xem rùng mình khen ngợi, đều bỏ tiền ra cho. Người cha tu lấy giắt vào thắt lưng rồi ra gõ vào cái hòm, gọi:
- Cu Bút! Bút ơi! Không ra ta thưởng còn đợi gì nữa.
Bỗng cái đầu bù đội nắp hòm lên, cả người nhoài ra, hướng về phia bắc, cúi đầu bái tạ. Thì ra thằng bé vừa leo dây.
Thật là một thuật lạ, mãi đến bây giờ ta vẫn nhớ. Sau nghe nói phái Bạch Liên (1) còn có người làm được thuật ấy, ý giả là dòng dõi chăng?
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch
(1) tức Bạch Liên giáo. Đó là một tổ chức bí mật của quần chúng ở TQ, xuất hiện vào thế kỷ 13, 14. Thông qua các hình thức tín ngưỡng tôn giáo. Hội đó đã tổ chức đoàn kết để mọi người tiến hành đấu tranh chống ách thống trị ngoại tộc Nguyên- Mông. Đến đời Thanh- thời tác giả- nó phát triển thành một tổ chức dân gian với mục đích chống ngoại tộc Mãn Thanh thống trị. Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra hơn mười năm ở nhiều tỉnh. Sau bị triều Thanh trấn áp rất khốc liệt.
Từ đó có thể thấy ý nghĩa sâu xa của câu chuyện này.