敬兒
Cao tăng Thiệu Bổn Nhất ở Linh Ẩn Tự, đạo hạnh tinh thông nghiêm túc, gốc người Thiểm Tây. Thuở còn trẻ từng là học trò trường huyện, nhân vì ái mộ vùng đất Giang Nam là nơi văn hoá phát đạt, nhân tình đông đúc, bèn thuê thuyền suôi nam, để tìm thầy học bạn.
Được vài năm, thì ngộ đạo, mới cắt tóc vào chùa quy y. Sau khi đã tu qua một số chùa chiền, chừng đến vùng Chiết Giang thì trở thành một vị cao tăng danh vọng trong giới thiền môn. Người Hàng Châu mộ danh ông, mới đón ông về Linh Ẩn Tự. Ngày nay thường gọi ông là Định Tâm Đại Sư.
Trước đó, đại sư có một người con tên là Tục. Lúc ông rời Thiểm Tây, Tục còn đang chập chững học bò. Nên khi trưởng thành, Tục thường lấy làm ân hận không biết mặt cha. Chàng đã hết lòng hỏi han tìm kiếm suốt vùng Giang Hoài mà không gặp.
Sau, Tục nghe tin thân phụ trụ trì Linh Ẩn Tự ở Hàng Châu, mới đáp thuyền suôi nam tìm đến.
Đi cùng thuyền với chàng, có một gã thiếu niên mặt mũi đẹp như con gái, tự xưng là họ Cung, từ kinh đô trở về quê ở Sơn Âm, thấy Tục có lòng hiếu thảo, thì đem lòng kính trọng, và cùng Tục trở thành đôi bạn tâm đầu ý hợp.
Khi đến Hàng Châu, Tục biết được ngôi chùa nơi phụ thân cư ngụ, nên vội vã tìm đến để gặp mặt ngay.
Cung xin được đi theo, Tục đồng ý cho đi. Lúc hai người vừa đến cổng chùa, đã thấy một nhà sư trẻ từ trong chùa đi ngược ra gặp, nói :
- Đại sư vừa mới nhập định tỉnh dậy, biết công tử từ xa tới đây, nhưng ngài không muốn Kính Nhi vào, xin vui lòng đứng ngòai chờ.
Tục nghe nói thế, chẳng hiểu mô tê gì.
Nhưng Cung thì biến sắc mặt. Tục lấy làm lạ, lại vì nóng lòng muốn được gặp thân phụ sớm hơn, chẳng tiện hỏi cặn kẽ. Bèn để Cung đứng chờ ngòai cổng, đi vào một mình. Chừng vào đến pháp đường, Tục thấy một vị thiền sư già đang ngồi bắt hai chân lên đùi nhập định. Chàng vốn chưa hề biết mặt cha bao giờ, thì vị sư trẻ bảo chàng :
- Đại sư đây, chính là thân phụ của công tử đấy !
Tự nhiên, Tục cảm thấy một niềm sót sa thương cảm, bèn quỳ xuống ôm lấy chân vị sư già mà khóc rống lên.
Vị đại sư sua tay, bảo chàng :
- Đừng reo mầm nghiệt căn, hãy đứng dậy. Ta đang an nhàn vui vẻ, con đáng lẽ phải lấy làm mừng, hà tất lại khóc lóc như thế.
Rồi bảo Tục ngồi xuống, vắn tắt hỏi han tin tức về những thân tộc trưởng bối, cùng những bạn bè đồng học ngày xưa. Tục nhất nhất hồi đáp.
Bỗng đại sư chau mày, nói :
- Con từ xa đến đây vất vả, đủ rỏ lòng hiếu thuận của con. Nhưng con muốn đến thì con cứ đến. Chứ sao dẫn theo Kính Nhi đến làm gì cho thêm phiền cha vậy ?
Tục vội vã phủ phục xuống đất, bẩm bạch sự vô tình không biết, cùng xin được rõ duyên cớ.
Thiền sư nói :
- Cung chính là chồng của Kính Nhi, và Kính Nhi là vợ của Cung, nhưng đó là một con chồn đồng. Cả hai vì tình dục mà quấn quýt, không rời được nhau. Chúng nhờ dựa tấm lòng hiếu thảo của con để độ giang đến đây, ý muốn mong ta ban cho mấy lời thành toàn vĩnh hảo. Kính Nhi lúc nào cũng ở gần bên người Cung, mà phàm thai nhục nhỡn như con, không thể nhìn thấy nó được đâu !
Ngừng một lát, ông lại tiếp :
- Con chồn đồng này, tuy vậy cũng có đôi chút tài năng phong nhã, biết được lòng hiếu thảo của con. Thôi ta cũng chẳng tiếc manh bùa giấy làm gì .
Rồi bảo đem ra một tờ giấy mầu vàng, viết lên đó mấy chữ, trao cho vị sư trẻ đứng hầu, và dặn :
- Ngươi đem tờ bùa này trao cho hắn, và bảo hắn thôi không được quấy nhiễu lâu ở chốn không môn này nhá.
Vị sư trẻ vâng lời, cầm lá buà đi ra trao cho Cung. Cung tỏ ra mừng rỡ, bái tạ rồi biến mất.
Tục ở lại Linh Ẩn Tự hơn một tháng, thì vị thiền sư bảo chàng phải trở về quê.
Nói :
- Con trở về nhà trông nom phụng dưỡng mẹ con, cũng coi như là hầu hạ ta vậy. Nơi đây là chỗ ở của kẻ xuất gia, con không nên ở lại thêm nữa.
Tục có ý quyến luyến, không muốn trở về, bị thiền sư quở trách mới đành phải lên đường trở về Thiểm Tây. Khi gặp lại mẹ chàng, thì bà vẫn mạnh khoẻ khang an như cũ. Chàng sống ở nhà với mẹ vài năm nữa, rồi lại nẩy lòng thương nhớ thân phụ, bèn lên đường đi Hàng Châu lần nữa. Nhưng đến nơi, thì cha chàng đã vân du xuống miền Nam rồi, không biết tỉnh nào. Chàng vì nhớ thương cha tha thiết, nên cũng theo tiếp xuống miền nam. Lúc đến Sơn Âm, giữa đường thình lình gặp một người cưỡi ngựa, áo quần hoa lệ, sang trọng, tòng bộc tiền hô hậu ủng, trông quen quen. Té ra, chẳng ai khác, chính là người đã cùng chung thuyền với chàng năm xưa.
Cung trông thấy Tục, lập tức xuống ngựa, phủ phục ở ven bờ đường, nói :
- Ân huynh, chẳng hay từ ngày cách biệt, có được mạnh khỏe không ?
Tục cũng vội vã cúi xuống nâng Cung dậy, đáp :
- Tình nghĩa cố tri, sao huynh lại khách khí với nhau như thế làm gì .
Cung đáp :
- Công đức của ân huynh và lệnh tôn đối với đệ, thật cao dầy như trời đất. Mỗi khi nhớ đến, mà không có dịp báo đáp, đệ thường lấy làm ân hận. Lẽ đâu lại dám cao ngạo tự tôn.
Rồi cố khẩn khoản mời mọc Tục về nhà.
Tục lòng riêng, sẵn có ý muốn tìm hiểu nhừng điều kỳ dị về Cung, vì thế hoan hỉ nhận lời đi theo ngay. Rồi lên một con ngựa khác, song song cùng đi với Cung. Từ chỗ đó, về nhà Cung còn nửa đường nữa.
Hai người vừa đi vừa trò chuyện. Nhân thế, Tục mới dò hỏi thử.
Cung cũng chẳng hề dấu diếm gì, đem chuyện mình thuật lại hết cho Tục nghe.
Nguyên lai, Cung vốn người Chiết Giang. Có người chú lên làm quan ở kinh sư, cho chàng cùng đi theo. Cung thuê mấy gian nhà ở trong núi phía tây bắc kinh thành để làm chỗ học tập. Chỗ này cảnh trí thật là tĩnh mịch và u nhã, nên Cung cứ đóng cửa ở trong nhà suốt ngày, cố công đèn sách.
Gặp hôm mùa đông tháng gía, bên ngoài tuyết đổ mù trời, Cung vừa mới đem sách ra ngồi bên lò sưởi i a ngâm vịnh, thình lình có một vật như bó lửa, màu đỏ chói lọi, cao hơn cả thước, từ trên cột nhà rớt xuống đất, quay long lóc liên hồi, khiến cho thư phòng của chàng trở nên ấm áp, rồi mỗi lúc một nóng hơn.
Cung thấy thế cả kinh, lo ngại nhà bị cháy, nên có ý chạy ra ngòai để trốn. Nhưng bó lửa bỗng tự dưng thu nhỏ lại, rồi hóa ra một bà lão tóc bạc, quần áo sơ sài giản dị, đến trước mặt Cung, chắp tay vái chào. Cung ngờ là yêu núi tác sùng, càng thêm sợ hãi, muốn lẩn tránh cho lẹ, thì bà lão dang tay chặn lại, bảo chàng :
- Cậu đừng có sợ, lão không phải là kẻ làm hại người đâu. Lão thấy cậu sớm khuya sách đèn tịch mịch đơn chiếc, mà lão thì có đứa con gái tên là Kính Nhi, tính ham thích văn chương bút mực, ý muốn đem gả cho cậu về hầu hạ khăn lược, mong được tiến bộ về sau, nên mới vội vàng hấp tấp đến tìm cậu. Chẳng biết cậu có bằng lòng hay không ?
Cung càng ngạc nhiên sợ hãi thêm, cố thoái từ, nói :
- Cháu là kẻ hạ sĩ bất tài, học hành chưa đạt, chỉ e làm lỡ con gái yêu của cụ. Vả, lai lịch tông tich của cụ kỳ bí khó hiểu, thêm điều canh cánh âu lo, lẽ đâu lại dám nhận lời. Mong cụ thương tình mà tha thứ cho !
Bà lão vốn tính nóng nẩy, tựa hồ như không muốn nghe lời giải thích của Cung, giận giữ nói :
- Con ta như tiên nữ nhà trời, gả cho đứa tiểu tử như ngươi, lại còn lẻo mép từ chối. Ngươi há lại không thấy oai phong vừa rồi của ta, có thể đốt ngươi thành tro hay sao ?
Nói xong, hai mắt bừng bừng nhìn Cung, trợn trừng như mắt trâu. Càng làm cho Cung thêm sợ.
Giữa lúc Cung chưa biết xử trí cách nào cho thỏa đáng. Chợt có đứa tỳ nữ, trang phục hoa lệ, diện mạo xinh xắn, từ ngoài đi vào, vừa cười vừa bảo với bà lão :
- Cụ ép hôn như thế này, chỉ làm tổn cái tình kháng lệ, cái nghĩa vợ chồng của người ta. Đâu phải là phương cách hay. Thôi, xin cụ về đi, cô Kính sẽ tự đến.
Và bâng quơ nói tiếp :
- Cháu biết trước tính cụ nóng nẩy, tất sẽ hỏng việc.
Rồi phò bà lão ra ngòai, nhưng bà lão vẫn còn tỏ vẻ hậm hực tức giận. Hai người ra khỏi cửa chừng vài bộ thì biến mất.
Lúc đó, Cung cảm thấy tinh thần, mật gan tưởng chừng vỡ nát. Chàng tính xuống núi vào thành. Nhưng tuyết vẫn tiếp tục rơi lả tả đày trời, làm tắc nghẽn sơn đạo, ngựa xe không thể nào đi lại được. Còn người lão bộc của chàng thì đã vào thành mua sắm lương thực than củi mất rồi. Ở nhà, trừ chàng, chỉ còn đứa tiểu đồng hơn mười tuổi, đâu có thể làm gì được hơn. Bất đắc dĩ, chàng đành ngồi yên chờ đợi. Sống chết phó mặc trời đất.
Chừng đến chiều, tuyết đã hơi tan, chàng đóng cửa lên giường, tính tạm thời đánh một giấc, sáng mai dậy dọn đi nơi khác. Nhưng tâm thần cứ phập phòng hồi hộp, trằn trọc mãi không sao ngủ được, thì nghe có tiếng búng tay gõ cửa cạch cạch, rồi có tiếng người ca vọng vào.
Lời ca rằng :
Thán không khuê hề yểm cô kềnh
嘆 空 閨 兮 掩 孤 檠
Vọng y nhân hề vi tố thành
望 伊 人 兮 違 素 誠
Phạt kha, phạt kha hề kỳ âm đinh đinh
伐 柯 伐 柯 兮 其 音 丁 丁
Quả đắc tương tuỳ hề ngã nguyện khanh khanh
果 得 相 随 兮 我 愿 卿 卿
Thanh âm nghe yêu kiều uyển chuyển, mà dư vận du dương trầm bổng, chừng như vấn vít mãi bên tai chàng không dứt.
Cung đoán thầm là Kính Nhi.
Chàng ghé mắt nhòm qua khe cửa. Chỉ thấy bên ngoài, giữa cảnh tuyết trắng mênh mông, trong sáng như trăng soi đêm rằm, có một người con gái, tóc vấn buông lưng, yêu thon dáng nhỏ, vóc hạc hình mai, thướt tha dựa cột hiên ngoài, mà câu thơ của Đỗ Phủ ''Thiên hàn thúy tụ bạc, nhật mộ ỷ tu trúc '', dùng mô tả người giai nhân tuyệt đại trong sơn cốc, chắc cũng chỉ đẹp như người con gái này thôi.
Cung thầm mừng trong bụng, nhưng nhớ đến sự dữ tợn của bà lão ban sáng, thì lại trù trừ gan thỏ, im lặng chẳng dám ho he gì.
Một lát sau, lại nghe người con gái cất tiếng hát :
Tuyết dục tình hề vân vi
雪 欲 睛 兮 雲 微
Điểu bất túc hề song phi
鳥 不 宿 兮 雙 飛
Nại hữu nhân hề nguyện cô vi
奈 友 人 兮 愿 孤 幃
Ngã bất kiến hề hựu không quy
我 不 見 兮 又 空 歸
Hát xong, buông một tiếng thở dài nhè nhè, quay gót muốn trở về. Cung thấy thế, không dằn lòng nổi, lớn tiếng gọi lại :
- Khanh muốn tìm tớ, thì tớ ở đây, sao lại phải đi tìm ở đâu ?
Người con gái nghe Cung gọi, bèn quay người lại, đứng ngòai song cửa, nói vọng vô :
- Thiếp bị người ta cự tuyệt mấy lần, thật cũng xấu hổ, chẳng lẽ không đi về, chứ nào có giận hờn gì ai !
Cung vội vã khoác áo, xuống giường, ra mở cửa, cầm tay người con gái mời vào. Lúc bấy giờ, ngọn đuốc tàn trong nhà vẫn còn lung linh, chưa tắt. Chàng bèn đưa tay sờ lần đùa cợt, thấy thịt da không béo, mà nhẵn mịn như ngọc. Mặt không thoa phấn, mà kiều diễm như hoa, mỗi lời nói là một tiếng cười, nhả ngọc phun châu Nhất nhất đều tỏ ra khả ái, làm quyến rũ mê động lòng người.
Khách phòng the, không dễ tìm được người thứ hai như thế.
Nhân vậy, mới hỏi :
- Khanh có phải là Kính Nhi không? Giả như bà lão đừng có qúa hung hãn, thì hảo sự của đôi ta đã sớm thành rồi.
Kính Nhi cười :
- Chàng sao mà lớn mật nhỉ !Thiếp mà chẳng tự tìm đến, thì việc vui đó đừng có hòng !
Cung muốn dìu nàng lên giường, nhưng nàng thoái thác nói :
- Thiếp còn ít tuổi, chàng chớ có lộn xộn ồn ào.
Rồi lấy ra một tập bản thảo, bảo với Cung :
- Tập thơ này do thiếp viết ra, nhưng vẫn tự thẹn là không có người chỉ bảo, nay xin chàng sửa chữa lại cho, ba ngày sau thiếp xin lấy lại. Chớ có dùng những lời khen ngợi mà đánh lừa thiếp đấy nhá !
Rồi vái chào Cung, lui ra. Thoáng chốc không còn thấy đâu nữa.
Cung đọc những bài thơ nàng làm. Thấy văn từ tú lệ. Ngôn ngữ lưu loát, tình tứ, lấy làm đắc ý mê say. Sáng hôm sau dậy, Cung mở tập bản thảo của Kính Nhi ra, dùng bút son bình điểm, tử tế thêm vào những lời bàn luận cho rõ, rồi không còn có ý dọn nhà đi nơi khác nữa.
Đến tối hai ngày sau, quả nhiên Kính Nhi đến thật.
Cung hoàn trả lại tập thơ cho nàng, nói :
- Theo ý khanh, ta đã sửa chữa đôi chút, nhưng lời thơ như hàng châu chuỗi ngọc, ta không thể không khen ngợi được !
Kính Nhi đọc lại những chỗ Cung đã bình, tươi cười nói :
- Quả danh bất hư truyền !
Nói xong, tính ra về. Nhưng Cung ngăn cản, kéo nàng lại, cởi bỏ giải quần cho nàng.
Kính Nhi vừa thẹn thùng vừa nói :
- Con gái mới mười lăm mà đã vội gả cho Ngọc Xương rồi !Thật rõ là nghiệt oan tiền kiếp.
Rồi cùng nhau lên giường mây mưa quấn quít, tận hưởng lạc thú trần gian.
Việc xong, Cung mới hỏi nàng về bà lão là người như thế nào.
Nàng đáp :
- Bà ấy là nghĩa mẫu của thiếp, họ Cổ, người ở trong thôn này .
Cung nói :
- Bà ấy oai phong dữ tợn quá, nhớ lại vẫn còn sợ.
Kính Nhi thú vị, trào phúng nói :
- Còn chàng tối nay, cũng oai phong dễ sợ, đâu có thua gì !
Rồi cả hai cùng phá lên cười, gối đầu chung, sát vào nhau mà ngủ.
Đến gần sáng, đứa nô tì gõ cửa vào. Cung nhân thế cảm tạ công nàng đã gỉai cứu.
Nó nói:
- Bà lão ấy đần độn, vốn chẳng biết gì đến chuyện này, nên em đã bảo chính cô nương phải tự đến mới được.
Rồi đợi cho Kính Nhi mặc áo quần xong mới dìu nàng cùng ra về.
Từ đấy, đêm nào nàng cũng đến. Càng ngày càng quấn quýt quyến luyến không rời. Kính Nhi vốn tính ham thích thi văn, những sáng tác của nàng mang nhiều tình tiết âm vận. Căn nhà Cung thì quá chật hẹp, lại thêm có đứa tiểu đồng ở, khiến Kính Nhi không thể làm những gì mình thích. Hai người chỉ đành chờ những lúc về đêm nằm giường ngủ, mà reo vần tìm điệu, ngâm nga. Hoặc chọn những ngôn từ thanh nhã thú vị để cợt ghẹo nhau. Tiếng cười nói của hai người, thường khi kéo dài suốt đêm không ngủ.
Bấy giờ, người lão bộc gìa đã từ trong thành đã trở về. Lão nghe thấy vậy, lấy làm kinh dị. Lúc trời gần sáng, lão lén phục ở ngoài cửa rình nghe. Chỉ thấy chủ nhân một mình nằm ngủ co trên giường, mà cửa thì tự động mở . Rồi có tiếng chân bước rón rén khẽ khàng đi ra, thoảng theo một mùi hương phấn nhè nhẹ. Nhưng tuyệt không thấy nhân hình chi cả. Lão đâm ra hoảng sợ. Bụng nghi là ma quỉ, hay chồn tinh, nên hết lời khuyên bảo Cung dọn vào trong thành. Nhưng chàng không nghe. Lão bèn đem chuyện mách với người chú của chàng, nhất quyết cho rằng Cung bị chồn tinh mê cảm.
Người chú sai lại dịch đến bắt chàng về. Nhưng lại dịch chưa kịp lên đường, thì Kính Nhi đã biết trước .
Đêm ấy, nàng vừa khóc vừa bảo với Cung :
- Thiếp e hạnh phúc của đôi ta không thể vĩnh cửu được !
Cung lấy làm lạ, gạn hỏi. Nàng đáp :
- Chuyện của chúng mình, người lão bộc đã tiết lộ cho chú của chàng biết rồi. Chàng về, không trở lại nữa. Thiếp biết nương dựa nhờ ai ?
Cung bùi ngùi than thở, muốn Kính Nhi cùng về với chàng. Nàng từ chối nói:
- Thiếp những muốn ăn ở với chàng, nhưng thực không dám. Vì thiếp vốn là hồ ly. Mà kinh đô lại là nơi cư trú của thiên tử, thiếp không thể tự tiện đến đó được. Chàng như còn thương thiếp, xin cùng về nam mới được.
Lúc đó, Cung đã quen mùi ân ái tình trường, bỏ nàng không nỡ, chỉ bảo Kính Nhi nghĩ kế vẹn toàn. Nàng đáp :
- Thiếp có chút tiền dành dụm, đủ để thuê thuyền và xe, có thể trở về quê nhà được, chứ chẳng nên quyến luyến chốn kinh thành này làm gì nưã.
Cung đồng ý ngay. Rồi bàn với nàng không mang theo một vật gì cả, nhân đêm khuya trời tối lẳng lặng mà đi. Người lão bộc còn ở lại trong thành chưa về. Đứa thư đồng thì ngủ say như chết, nên chẳng bị ai cản .
Hai người đi chừng được hơn một dặm, chợt thấy trong đám âm u rừng rậm, có ánh đèn lấp lánh, lúc ẩn lúc hiện, như hai bó đuốc lớn. Cung cho đó là nhà ở của người ta, chỉ cho Kính Nhi biết.
Nàng cười bảo :
- Chàng thật là người nhát nhất trên đời !Làm mất cả thể diện.
Cung còn chưa hiểu ý nàng nói gì, thì nghe có tiếng hổ gầm vang núi, khiến Cung kinh hoàng sợ hãi, cơ hồ muốn rơi xuống đất. Kính Nhi vi vã niú chàng lại, nói :
- Có thiếp ở đây, việc gì mà sợ như thế.
Sau đó lớn tiếng nói :
- Con và nhà con dọn đi nơi khác, xin nghĩa mẫu trợ giúp, khi trở về sẽ hậu báo.
Nói chưa dứt lời, thì hổ đã biến mất. Cung mới hơi hoàn hồn bình tĩnh, bèn khôi hài bảo với nàng :
- Lúc trước nàng làm cáo mượn oai hổ, nay thì là cáo phục oai hổ.
Chừng xuống đến chân núi, gặp một thôn trang, hai người bèn vào xin bữa cơm sáng. Tự xưng là vợ chồng, nên chẳng ai nghi hoặc gì cả.
Kính Nhi bỏ tiền ra mua sắm xe ngựa, y phục, rồi vòng qua kinh đô, thẳng tới Thông Huyện. Sau đó không lâu, thuê một chiếc thuyền theo đường sông mà về miền Nam. Đến khi những sai dịch của người chú của Cung đến, thì chàng đã rời nhà được ba hôm. Trên thuyền, Cung và Kính Nhi không còn bị ràng buc, cấm kỵ gì nữa, thả cửa thoải mái. Khi thì cuộc cờ dưới nguyệt, thưởng trà bên đèn. Khi thì reo vận làm thơ, xướng họa trăng thanh gió mát, ghi lại những cảnh đẹp sơn xuyên sông nước. Hào sảng hơn so với khi mới gặp nhau.
Mới đầu, Cung còn phải nài ép Kính Nhi mới chịu xướng họa. Sau dần dần nàng quen, ham thích quên cả mỏi mệt .
Khi thuyền đến Giang Tô, gần vào địa phận Triết Giang, bỗng Kính Nhi tỏ ra lo lắng bảo với Cung :
- Vùng này thủy thần cai quản rất là nghiêm khắc, thiếp không thể nào qua được. Phải chờ người nào có đại phúc, xin đi chung thuyền thì mới yên.
Cung gạn hỏi duyên cớ.
Đáp :
- Thuỷ thần vùng này là Ngũ Tử Tư và Phạm Lãi, nổi tiếng là oai linh, không giống như các vị thần khác. Thiếp lấy làm sợ lắm. .
Cung không tin, cứ tiếp tục cho thuyền đi tới. Lúc vừa trương buồm lên, thì một cơn sóng lớn ào tới, trời đất bỗng tối sầm lại, không trông thấy gì. Cung vô cùng sợ hãi, phải đình thuyền lại, không dám tiến thêm nữa.
Năm ngày sau thì gặp được chiếc thuyền nhỏ của Thiệu Tục, Kính Nhi mừng rỗ, hớn hở hiện lên sắc mặt, bảo với Cung :
- Người này đại phúc, hơn hẳn mọi người khác. Nếu chàng có thể chung thuyền quá giang được với ông ta, thì dù có gặp trăm vị thuỷ thần nữa, thiếp cũng không lo.
Cung y lời, thì gặp đúng lúc Thiệu Tục đổi thuyền, Cung vi thôi thúc thuyền nhân của mình hô gọi Tục. Và từ đó, Kính Nhi không hiện hình ban ngày nữa. Nàng dặn bảo với Cung :
- Đây là con người chí hiếu, được các thiên thần thiên tướng bảo vệ, ủng hộ. Thiếp nên ẩn tránh, giữ gìn hành tung, kẻo xẩy ra điều không hay.
Vì thế, tuy cùng thuyền với Cung, nhưng Tục không hề hay biết là Cung mang vợ theo.
Vài ngày sau, thuyền đến Hàng Châu, Tục muốn lên bờ tìm cha. Kính Nhi bảo với Cung :
- Cha ông ấy là một vị cao tăng, thiếp về quê chàng chỉ lo thổ thần ở đấy không chịu dung nạp, như được mấy chữ của vị cao tăng nói dùm, thì thiếp mới có thể ăn ở với chàng lâu dài được.
Cung đồng ý, hết sức thỉnh cầu với Tục cho đi theo vào gặp thiền sư.
Bấy giờ Kính Nhi mới dặn bảo chàng :
- Thiếp sẽ hoá thân là chiếc quạt trắng nằm trong tay chàng. Lúc gặp thiền sư thiếp sẽ bẩm bạch, chàng đừng nói chen vào nhá.
Nhưng khi mới tới cổng chùa, Kính Nhi đã bị thiền sư phái người ra ngăn lại, bụng đâm ra lo sợ. Cũng may, lát sau vị tiểu tăng cầm ra đưa cho một tờ giấy, trên viết có mấy chữ : ''Nhất thiết thủy thổ chư thần bất đắc lan trở ''. Y hệt như lệnh của quan phủ. Cung đọc tờ giấy, hớn hở mừng rỡ, cùng Kính Nhi vội vã xuống thuyền về quê.
Về đến nhà, Cung nói ngoa là được người chú cưới vợ cho ở kinh đô. Bà con thân hữu chẳng ai nghi ngờ gì . Khi ấy cha mẹ Cung đều đã qua đời, nên mọi việc trong nhà, đều do Kính Nhi quán xuyến. Nàng bỏ vài trăm lạng bạc ra mua sắm thêm điền sản, phòng thất. Cung nghiễm nhiên trở thành giầu sang phú quý.
Câu chuyện này, Tục được nghe Cung kể hôm ấy trên đường đi. Mãi đến lúc trời tối hẳn mới về đến nhà Cung. Tục chỉ thấy nhà cao, cửa rộng, hoằng vĩ huy hoàng. Rõ là một bậc phú gia đại hộ. Cung mời Tục vào trong nhà, bầy yến tiệc rất long trọng khỏan đãi, rồi ẵm một đứa bé ba tuổi ra cho Tục coi, nói là con do Kính Nhi sinh. Đứa bé trông mi thanh mục tú, khác hẳn những đứa bé khác. Đủ có thể đóan được nhan sắc diềm kiều của mẹ nó.
Tối hôm ấy, hai người tiệc rượu chuyện trò đến mãi khuya, mới tan. Tục ngủ tại nhà Cung. Giường mùng, chăn chiếu rất là hoa lệ .
Hai ngày hôm sau, Tục từ giã lên đường. Cung không lưu giữ lại được, chỉ bảo :
- Miền Nam đất rộng, không chắc gì huynh kiếm được lệnh tôn đâu, nhưng khi về, mời huynh ghé lại chơi đàm đạo.
Rồi đưa tiễn Tục ra đến tận ngoài ấp, cùng tặng cho Tục một trăm lạng bạc. Tục không từ chối được, đành phải nhận. Sau đó xuống thuyền suôi Nam. Nhưng hải giác thiên nhai, Tục không tìm được phụ thân, trong lòng sầu muộn không vui, bèn quay trở về, ghé vào nhà Cung, thì vừa may gặp người lão bộc của Kính Nhi, theo lời nàng dặn, trao cho Tục một cái gói nhỏ. Mở ra xem, té ra một chiếc ngọc Như Ý. Trắng như tuyết. Bóng loáng. Lại thêm lời nói rằng :
- Thiếp nhờ vật mọn này để báo ơn sâu. Vật biểu thị cái nghĩa trinh trắng như hoa và sự sự như ý Huynh nên cấp tốc hồi hương. Kẻo đã chẳng gặp được cha, lại không kịp thấy mẹ, mà ôm cái hận suốt đời.
Tục nghe nói thế, lấy làm kinh hãi, chẳng kịp chờ đợi Cung nữa, lên đường về quê ngay. Khi về đến nhà, mẹ chàng quả nhiên đang trên giường bệnh. Bệnh tình rất nguy cấp. Bà nhìn thấy Tục thì mỉm miệng cười, rồi vĩnh viễn an giấc ngàn thu. Mới hay những lời của Kính Nhi nhất nhất đều ứng nghiệm cả.
Mỗi khi chàng đem chuyện ra kể, ai cũng ngạc nhiên.
Về sau, Tục nhận được thư của Cung bảo là vì Kính Nhi ngại đường xa dặm thẳm, nên Cung không muốn lên kinh ứng thí cầu quan nữa, chỉ ở lại gia hương, vui thú ruộng vườn mà thôi. Tin tức về Thiền Sư, cha của Tục, cũng âm hao bằn bặt không thấy gì. Hoặc gỉa, ông đã đắc đạo thành tiên, lên chơi cõi Phật.
Còn làm con chí hiếu như Tục, mà cũng không được thành Phật như cha chàng, há chẳng phải là điều thật đáng tiếc trong kiếp nhân sinh này du ?
Chú thích:
Không môn
空 門
Không Môn có nghĩa là nhà chùa, chỉ chung Phật giáo. Sở dĩ Phật Giáo gọi là Không Môn là vì Nhà Phật cho rằng mọi sự trên thế gian nay đều là không cả.
Tiểu tử
小 子
Có các nghìa :
1-Tức tiểu nhi tử, trẻ con. thơ ấu
2-Người lớn tuổi gọi lớp người ít tuổi là tiểu tử
3-Con trai.
4-Tự xưng là tiểu tử, đẻ tỏ ý khiêm nhường của mình.
5-Gọi người người khác là tiểu tử, tỏ ý xem thường. Như ta nói "chú lỏi", "nhóc con", nhãi nhép" v. v. . .
Ngũ Tử Tư
伍 子 胥
Ngũ Tử Tư là Đại Phu nước Ngô thời Xuân Thu, tên là Viên, tự là Tử Tư, con của Đại Phu ước Sở là Ngũ Xá. Năm Sở Bình Vương thất niên (tức 522 trước Công Nguyên), cha ông bị giết. Ông đến nước Ngô, trợ giúp Hạp Lư giết Ngô Vương là Liêu, chiếm đoạt đế vị, chỉnh đốn quân sự và võ bi, nước Ngô mỗi ngày trở nên một cường thinh, ít lâu sau phá được nước Sở, và nhờ thế được phong ở đất Tư, nên còn gọi là Thân Tư.
Đến thời Ngô Vương Phù Sai,, Ngũ Tử Tư khuyên Phù Sai phạt Tề và không nên chấp nhận sự đầu hàng của Việt Vương, lời khuyên chẳng những không được nghe trái laij, dần dần bị Phù Sai xa lánh, .
Năm 484 trước Công Nguyên, Ngũ Tử Tư bị Phù Sai ban kiếm Chúc Lâu bắt phải tự sát. rồi vứt xác xuống sông. Theo truyền thuyết, Tử Tư bị chết oan linh hồn bất diêt, biến thành Thần Sóng, thường nổi sóng lớn hung dũng làm ngập lụt sông Tiền Đường, nhân thế được người Tầu lập miếu thờ phụng cúng tế. Và có câu Ngũ Viên Nộ Đào (伍 員 怒 濤 ) là do điển tích này mà ra.
Ngũ Tử Tư còn được nghề ăn mày thờ làm tổ sư, vì ông từng thổi tiêu ăn xin ở chợ nước Ngô (Theo sách Trung Quốc Hành Nghiệp Thần Sùng Bái ).
Phạm Lãi
范 蠡
Phạm Lãi tự Thiếu Bá là chính trị gia cuối đời Xuân Thu, người đất Uyển nước Sở, là Đại Phu nước Việt. khi nước Việt bị Ngô đánh bại, ông từng làm con tin ở Ngô hai năm. Khi trở về nước Việt, ông từng giúp Việt Vương Câu Tiễn khắc khổ để lo báo phục, diệt được nước Ngô. . .
Sau đó ông từ biệt Câu Tiễn chu du Ngũ Hồ. Đến nước Tề xưng là Si Di Tử Bì, đến đất Đào cải danh là Đào Chu Công, đến đâu cũng chỉ lo buôn bán làm giầu. Ông cho rằng thiên thời, khí tiết thay đổi biến hóa tùy vào sự mâu thuần của âm dương. Và việc nước thịnh suy cũng không ngừng thay đổi.
theo truyền thuyết thì người đời sau cho rằng Phạm Lãi mang theo Tây Thi cùng đi. Trong Sử Ký -Hóa Thực Liệt Truyên có truyện của ông.
Cũng theo sách « Trung Quốc Hành Nghiệp Thần Sùng Bái » thì Phạm lãi được người làm nghề đồ gốm tôn làm tổ sư.
Hạ sĩ
下 士
Lời nói khiêm nhường.
Tự xưng mình là hạ sì là tỏ ý khiêm nhường, cũng như chữ "hạ ngu", ”hạ nhân” vậy. Chữ " hạ " có nghĩa là thấp kém, « hạ tiện », vì thế cũng gọi tì nữ là hạ nữ.
Người sống nơi thôn dã cũng gọi là hạ sĩ.
Đỗ Phủ
杜 甫
Sinh năm 712 mất năm 770.
Tổ tiên của Đỗ Phủ vốn người Tương Dương (nay thuộc thành phố Tương Phàn tỉnh Hồ Bắc), đến đời ông nội mới thiên cư đến Củng Huyện.
Đỗ Phủ là đại thi nhân đời Đường, tự là Tử Mỹ, nhân vì từng cư trú ở Đỗ Lăng (nay thuộc huyện Trường An tỉnh Thiểm Tây, nên tự xưng là Đỗ Lăng Bố Y, cũng còn gọi là Thiếu Lăng Dã Lão. Về sau để phân biệt với Đỗ Mục, hậu thế gọi ông Lão Đỗ.
Hồi còn trẻ, Đỗ Phủ là người khắc khổ học tập, trí thức uyên bác, từng du lịch khắp vùng Giang Hoài, Sơn Đông, sau vào Trường An. Năm Thiên Bảo lục niên (năm 747) ông đi thi nhưng không đậu, phải sống vất vưởng ở Trường An gần mười năm. Đến năm 755 ông ra làm Hữu Vệ Xuất Phủ Trụ Tào Tham Quân (một thuộc quan của Thái Tử). Cùng năm, xẩy ra cuộc phản loạn của An Lộc Sơn. Năm sau trên đường đến Linh Võ, ông bị quân phản loạn bắt cầm tù. Năm 757, ông thoát thân đến Phụng Tường, được vua Đường Túc Tông dùng là Tả Thập Khiển. It lâu sau, vì dâng sớ để cứu tể thần Phòng Quản, ông bị biếm xuống làm Ty Quân Tham Quân ở Hoa Châu. Sau ông bỏ quan, vào đất Thục, dựng thảo đường ở Thành Đô để định cư. Hai năm sau, ông lại đến Tứ Xuyên làm mạc hữu cho Tiết Độ Sứ Nghiêm Võ, rồi được tiến làm Kiểm Hiệu Công Bộ Viên Ngoại Lang, vì thế người đời còn gọi ông là Đỗ Công Bộ. Sau khi Nghiêm Võ mất, Đỗ Phủ dời đến Quỳ Châu, sống ở đó ba năm. Năm Đại Lịch tam niên đời Đại Tông, tức năm 768, cả nhà dời đến Hồ Nam, vừa bệnh lại thêm nghèo, Đỗ Phủ chết ở trong một chiếc thuyền, trên sông Tương Giang ở Mạt Dương.
Xuất thân hàn vi, lại sống trong một hoàn cảnh xã hội hắc ám, loạn lạc của cuối đời Đường đang đến hồi suy bại, phiêu bạc rày đây mai đó, Đỗ Phủ đã cảm thấy nỗi đau khổ của người dân, viết ra những bài thơ phản ánh một cách trung thực cái thời đại của mình.
Những bài thơ của ổng rất hùng hồn, cuồn cuộn, nổi danh cùng Lý Bạch, nên người đương thời xưng là "Lý Đỗ". Ông được tôn là Thi Sử và được coi là nhà thơ lớn của Trung Quốc về chủ nghĩa hiện thực.
Ông để lại các bộ "Đỗ Thiếu Lăng Tập" và "Đỗ Công Bộ Tập ".