Trang

【Huỳnh Song Dị Thảo】●Ngân Châm

銀針

Năm Thiên Khải  đời nhà Minh, Tôn Đại Liêm người Đồng Thành, tỉnh An Huy, sau khi đỗ hiếu liêm, sửa soạn lên kinh để dự thi tiến sĩ, thì  lâm bệnnh , đi không được. Đến khi phát bảng, thấy người này đỗ tiến sĩ, người kia đỗ tiến sĩ, vốn là những kẻ mà Sinh coi thường, bụng đâm ra phẫn hận, bệnh vì thế càng thêm nặng thêm, khiến cho mẹ chàng lấy làm lo lắng. 
Thầy lang thấy thế, mới bảo : 
- Bệnh cũ của công tử đã hết rồi, hiện nay là do uất ức mà sinh ra, chỉ cần  công tử đi ra ngoài du lãm danh thắng cổ tích, thì uất ức tan đi, không cần thuốc thang chi cả và bệnh sẽ khỏi . 
Sinh cho lời thầy lang là đúng, bàn với mẹ. Mẹ chàng cũng cho là phải. Bèn thuê cho chàng một chiếc thuyền nhỏ, sắm sửa hành trang kỹ lưỡng , chuẩn bị để Sinh đi du ngoạn những thắng cảnh ở vùng Đại Giang Tam Giáp. 
Sinh từ giã mẹ lên đường, mang theo một đứa đầy tớ và một đứa tiểu đồng để gánh dụng cụ và sách vở. 
Lúc sửa soạn lên thuyền, có một ông già đợi sẵn ở đấy, đến nài nỉ xin Sinh cho đi theo để phụ chèo, vì không chịu nổi đi bộ nữa. . Chàng thấy ông ta tuy tuổi khoảng lục tuần, nhưng người trông hồng hào quắc thước, bụng có ý thương hại, nên gật đầu nhận lời. 
Ông già bước vào  trong thuyền, vái chào Sinh, xưng là họ Hồ, hiệu là Duyệt Am, ngừơi Trực Lệ Hà Bắc, tính đến Kim Lăng để làm ăn. 
Sinh hỏi ông lão làm nghề gì, thì ông ta chỉ cười , không trả lời trực tiếp, mà từ tốn đáp : 
- Nghề của lão, bậc nho gia không thích nghe đâu, xin công tử miễn cho ! 
Sinh cho là nghề chơi bời bí mật trong chốn phòng the, nên không hỏi tiếp ; 
Thuyền nhổ neo. Một lèo thuận buồm xuôi gió. 
Buổi trưa ngày hôm sau, Sinh mệt nằm nghỉ ở khoang sau, chợt nghe có tiếng cười đùa hoan lạc từ song cửa khoang trước vọng lại. Chàng lấy làm lạ, không biết thằng ở và đứa thư đồng vì sao lại ôm bụng mà cười rũ ra như vậy. Chàng lặng lẽ, bước xuống giường, lén đến xem. Chỉ thấy  trong khoang thuyền đằng trước, ông lão họ Hồ đang ngồi xổm trên một cái ghế thấp, ở trần từ vai đến bụng, lấy bút vẽ một hình người bé tí tẹo lên người. 
Hình người vẽ vừa xong, lập tức đứng thẳng dậy, khe khẽ phát xuất âm thanh, líu líu lo lo như tiếng chim con ca hót nhẩy múa. Thằng ở và đứa thư đồng của Sinh thì khoái trá, ôm tai , ôm cổ, cười ngặt nghẽo. 
Sinh biết ông lão thuộc hạng dị nhân, không phải người thường , bèn âm thầm trở về giường nằm, không dám hỏi han phiền nhiễu gì. 
Sáng hôm sau, chàng chuẩn rượu thịt, rau dưa, rất là thịnh soạn, để mời ông lão. Trong tiệc rượu, chàng tính cầu xin ông lão đem pháp thuật truyền cho mình. Ông lão đoán được ý định của Sinh, nói : 
- Công tử trong tương lai sẽ lên như diều, không nên học cái thuật giang hồ « cầu cơm » này làm gì. Còn cái ơn công tử cho phụ chèo, lão không thể không báo được. Năm ngày nữa sẽ cùng công tử chia tay nhau, lão nhất định sẽ có cái để tặng công tử. 
Do đấy, sinh không hỏi thêm gì nữa, cùng ông lão uống cho túy lúy, rồi mới về khoang thuyền của mình. 
Chừng đến ngày hẹn, thuyền sắp đến Nam Kinh, ông lão thừa lúc đêm tối, tìm đến gập Sinh, nói : 
- Sang mai thì lão từ biệt công tử. Cái điều hứa hôm trước, lão không nuốt lời được, nay xin đem hậu lễ kính tặng công tử. 
Sinh cảm tạ, và hỏi vật đó ở đâu. 
 Đáp : 
- Ở trong bụng lão đây ! 
Sinh không nín được cười, nói : 
- Cụ tính đùa cháu đấy à?Moi gan móc ruột, chỉ là lời nói thí dụ, chứ lẽ nào ai có thể moi ruột gan của mình mà tặng cho kẻ khác được. 
Ông lão chỉ mủm mỉm cười, không biện giải gì, cởi bỏ cái áo khoác ngoài ra, để lộ cái bụng trần, bảo với Sinh : 
- Công tử hãy thử gọi một tiếng xem, thể nào trong bụng cũng có ngừơi đáp lại ! 
Sinh càng cười rũ ra, kiên quyết không chịu gọi. 
Ông lão bèn vỗ vào bụng mình, hô lớn : 
- Ngân Châm đâu con !Mau ra tiếp khách, việc chi mà phải khép nép thẹn thùa như gái nhà quê vậy ? 
Sinh nghe thế lại càng cười ngặt nghẽo, cong cả ngừơi xuống. 
Bỗng có tiếng con gái nũng nịu, từ trong bụng ông lão trả lời : 
- Con không thích ngừời lạ, sao ép con quá vậy. 
Âm thanh vừa trong trẻo vừa nhỏ nhẹ như tiếng sáo, tiếng tiêu, uyển chuyển mà cao vút, ngọt ngào tưởng chừng như mật  rót vào tai. 
Sinh đâm hoảng sợ. Nín bặt không dám cười nữa. Mà chờ đợi. 
Ông lão lại vỗ bình bịch vào bụng, thôi thúc : 
- Ta đã hứa gả con cho Tôn công tử rồi, đâu phải kẻ lạ ngoài đường. Bé đừng e thẹn  nữa ! 
Sinh không thấy có tiếng trả lời. 
Ông lão lại dục. 
Thì có tiếng đáp : 
- Bố lè nhè như thế, chứng tỏ bố hồ đồ rồi. Thôi bố cứ mở hé cửa , con  xin ra ngay. 
Lúc đó Sinh càng sợ, hai mắt mở trừng trừng như con gà gỗ. 
Ông lão lấy tay đậpt thật mạnh vào bụng, làm bụng rách ra một lỗ nhỏ, rộng khoảng gang tay, mà chẳng chảy một giọt máu nào. Sinh càng kinh hãi, nhắm nghiền mắt lại. 
Đột nhiên, Sinh ngửi thấy có mùi hương thơm kỳ lạ, ngọt ngào, táp vào mũi. Bên tai sột soạt như tiếng người xé lụa. Chàng hé mắt  nhìn thử. Té ra là một người con gái. Quần trắng, áo hồng, dung nhan diễm lệ, mái tóc lòa xòa, đang giận dỗi đứng trước ánh đèn. Còn ông lão đi nhờ thuyền biến đâu mất, không thấy tung tích gì. 
Sinh sợ quá, cho người con gái là yêu quái. Nhưng nhìn kỹ lại, thấy dáng dấp xinh đẹp khả ái, lòng hơi xiêu xiêu dao động, bèn lấy can đảm, hỏi : 
- Này, nhà ngươi là loại yêu quái nào vậy ?Cả gan dám đến dụ mỗ. Mỗ đây là Tống Quảng Bình, không để bị lụy vì sắc đẹp đâu nhé. Có biến ngay đi tức khắc, bằng không mỗ cho một dao chết tươi. 
Người con gái thấy Sinh bên ngoài thì oai, bên trong thì nhát, không nín được cười, bèn vén áo khép nép, thi lễ : 
- Thiếp xin nói thật, thiếp là chồn tiên. Cha thiếp vâng lệnh Ngọc Hoàng  sai đến Trường Lăng  giữ mộ cho Cao Đế, nhưng sợ thiếp không có nơi cậy nhờ, nên cho đi theo. Mấy hôm trước đây, lúc đi qua sông, chẳng may gặp thủy thần. Ông ta thấy thiếp là ngừơi có chút nhan sắc, muốn ép làm vợ. Cha thiếp coi thủy thần chỉ là loại cóc nhái, không chịu gả, bèn dấu thiếp vào trong bụng. Nhờ phúc ấm của công tử cho quá giang. Nay sắp đến nơi, cha thiếp mang ơn công tử, nên gả thiếp cho công tử, để hầu hạ chiếu chăn, đền đáp ơn dầy, Thiếp không dám tác quái. Xin công tử đừng nghi ngại chi cả. 
Sinh thấy nàng không có vẻ gì là ác ý, lòng cũng nao nao, nói : 
- Ta bệnh đã lâu ngày không khỏi, lòng dạ nào mà lấy vợ. 
Ngừời con gái cười tủm tỉm, bảo Sinh : 
- Chuyện đó dễ!Xin chàng cứ gối cao ngủ yên, trước hết thiếp sẽ đuổi hai con ma ấy đi, để chàng thấy thiếp không phải loại yêu quái hại người. 
Sinh rất lấy làm mừng, cật hỏi : 
- Khanh còn biết cả thuốc nữa à. Nếu có thể chữa dùm ta căn bệnh nặng này, thì ta tiếc gì mà không vì tình mà chết. 
Người con gái không đáp, nhưng Sinh vừa đặt lưng xuống giường, thì nàng thình lình biến mất, không thấy đâu nữa. Duy cảm thấy một luồng nhiệt khí thổi qua lỗ rốn, đi vào trong bụng. Rồi từ từ đi lên lá lách, nhập vào gan. Sau chạy khắp tạng phủ. Một lát sau, mồ hôi trong người Sinh xuất ra như chưng nước. Tinh thần, trí óc, nhất thời sảng khoái, nhờ thế mà bệnh tiêu tan, như trút được gánh nặng. 
Chàng ngủ thiếp đi không còn biết gì, ngay cả người con gái cũng không biết biến đi đâu mất. 
Chừng tỉnh dậy, thuyền đã đậu vào bến. Đứa thư đồng vào báo là ông lão đã đi rồi, có để một lá thư lại. Sinh mở ra đọc, lời thư dặn Sinh nên đối đãi tử tế với người con gái. 
Nhưng Sinh biết nàng ở đâu mà tìm. Đành lên bờ, đi xe vào thành, đến tá túc trong gia đình một người bạn. 
Bằng hữu từ lâu không gặp, cùng nhau truyện trò yến ẩm rất lâu, mà Sinh chẳng hề mệt mỏi. Các bạn bè đều mừng cho chàng. Riêng chàng cũng rất lấy làm khoan khoái trong bụng. Mãi cho đến thật khuya, Sinh mới về buồng nằm nghỉ. Lòng tưởng nhớ người con gái, hy vọng được gặp lại nàng, nên bảo đứa thư đồng và thằng ở sang ngủ buồng khác. Nhưng chờ mãi chẳn thấy tung tích người con gái đâu, trong lòng buồn buồn lên giường, còn đang trằn trọc, chợt bên tai có tiếng người nói khe khẽ : 
- Thiếp đến bầu bạn với chàng nhé!Lòng chàng thật sắt đá, chẳng nhớ gì đến nhau sao ? 
Sinh cảm thấy mùi thơm son phấn từ miệng người con gái phả ra gần kề. Chàng vừa đưa tay lên sờ, thì người con gái  đã chui tọt vào trong chăn. 
Sinh cầm lòng không được, bèn cùng nhau âu yếm. 
Sáng dạy, chàng tính mưu dấu nàng vào một chỗ, nhưng nàng cương quyết không chịu. 
Rồi không thấy đâu nữa. 
Tới lúc lên giường đi ngủ, mới lại thấy nàng trở lại. 
Thời gian vùn vụt như tên bay, sau khi đã đi xem khắp những danh lam thắng cảnh vùng Nam Kinh, Sinh chợt nhớ đến quê nhà, nhân dịp vua mới đâng quang, cho mở ân khoa, chàng bèn trở về Đông Thành. 
Người con gái đưa tiễn Sinh đến bờ sông, sùi sụt gạt lệ bảo chàng : 
- Cha thiếp ở đây, thiếp phải ở lại, không thể đi theo chàng được ! 
Sinh quyến luyến không rời, cố ép nàng cùng đi. Nhưng người con gái đã biến mất. 
Năm sau, vào kinh thi xong, Sinh trở lại Nam Kinh tìm lại nàng , nhưng không gặp lại nhau nữa.

Chú thích:
Thiên Khải 
天 啟 
Thiên Khải là niên hiệu của vua Hy Tông (tên là Chu Do Hiệu)nhà Minh, làm vua từ năm 1621 đến năm 1627

Trường Giang Tam Giáp 
長 江 三 峽 
Giáp là chỗ hai vách núi kẹp giữa nước, thường dùng để chỉ địa danh, như Tam Môn Giáp ở Hà Nam, Thanh Đồng Giáp ở Ninh Hạ. 
Trường Giang Tam Giáp bao gồm Địch Đường Giáp, Vu Giáp, Tây Lăng Giáp nằm trên thượng du sông Trường Giang  khoảng từ huyện Phụng Tiết tỉnh Tứ Xuyên đến huyện Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc, dài 190 kilomet. Trừơng Giang Tam Giáp nổi tiếng có nhiều danh thắng cổ tích, hai bên vách núi thẳng đứng nguy nga hung hiểm, được nhiều văn nhân thi sì mô tả ngâm vịnh.

Kim Lăng 
金 陵 
Nhà thơ Lý Bạch có hai bài thơ nổi tiếng nhắc đến Kim Lăng, ở hai hoàn cảnh khác nhau là Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài, và Kim Lăng Tửu Tứ Lưu Biệt. 
Kim Lăng nay là thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô. 
Theo tác giả Cô Vong Ngôn thì Kim Lăng bị đổi nhiều tên gọi khác nhau, theo từng triêù đại . Thời Xuân Thu, Kim Lăng thuộc nước Ngô, thời Chiến Quốc thuộc nước Việt, sau thuộc nước Sở. Vì vua Sở Uy Vương dựng lăng chôn vàng để trấn yểm đất đó, nên mới gọi là Kim Lăng. 
Đến đời Tần Thủy Hoàng thì đổi là Mạt Lăng. Thời Tam Quốc, năm 212 CN Tôn Quyền xây cất Thạch Đầu Thành và đến năm 229 Quyền đóng đô ở đó mới đổi Kim Lăng là Kiến Nghiệp. Đời Tây Tấn, vì tị húy Tư Mã Nghiệp đổi Kiến Nghiệp  là Kiến Khang. Các đời Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, và Nam Đường đều đóng đô ở đó. Đời Tùy là Tưởng Châu. Đời Tống là Kiến Khang Phủ. Đơì Nguyên là Tập Khánh . 
Đến Minh Thái Tổ lại đổi là Ứng Thiên Phủ. 
Năm 1421 CN, Minh Thành Tổ rời đô đến Bắc Kinh, Ứng Thiên Phủ mới gọi là Nam Kinh 
Năm 1853 CN, Nam Kinh trở thành quốc đô của Hồng Tú Toàn và gọi là Thiên Kinh. 
Năm 1927 Trung Hoa Dân Quốc thành lập, đến năm 1930 lại gọi là Nâm Kinh Thị

Trường Lăng 
長 陵 
Tên ngôi mộ của Hán Cao Đế Lưu Bang. Lưu Bang chết năm 195 trước Công nguyên, chung niên 62 tuổi, miếu hiệu Cao Tổ, thụy hiệu là Cao Hoàng Đế, chôn ở Trường Lăng, nay là phía đông thị trấn Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây.

Ngọc Hoàng 
玉 皇 
Theo thần thoại truyền thuyết, Ngọc Hoàng là vị vua ở trên trời, cũng còn gọi là Ngọc Đế, hay Ngọc Hoàng Đại Đế. Tương truyền thì Ngọc Hoàng có pháp lực vô biên, coi quản mọi sựcát hung , họa, phúc ở tam giới 三 界 (thượng giới, trung giới, và hạ giới), thập phương thập十 方(đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng, hạ), lục đạo六 道(thiên, nhân, quỷ, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ), tứ sinh 四 生 (thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh). 
Trong nhiều tác phẩm văn học của Trung Quốc, như Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, đã mô tả Ngọc Hoàng là vị thần linh chủ tể của cả trên trời, dưới đất, và nhân gian.

Công tử 
公 子 
1-Cổ xưa, ngoài người con đích của chư hầu vương, thì những người con khác được gọi là công tử, chẳng hạn như trong sach "Sử Ký-Ngụy Công Tử Liệt Truyện" thì Ngụy Công Tử Vô Kỵ là con út của vua Ngụy Chiêu Vương, và  là em của vua Ngụy An Hy Vương, người anh cùng cha khác mẹ với Ngụy Công Tử Vô Kỵ. 
Tề Hoàn Công khi chưa lên ngôi được gọi là Công Tử Tiểu Bạch. Tấn Văn Công khi chưa tức vị cũng gọi là Công Tử Trùng Nhĩ. 
Về sau, người ta thường gọi con các quan lại là công tử, rồi dần dần tôn xưng con người khác cũng gọi là công tử. 
2-Trong cách xưng hô, gọi người đối thoại với mình là công tử là để tỏ ý kính trọng người  đó.

Cao Đế 
高 帝 
Tức Hán Cao Tổ Lưu Bang . Năm 206 trước CN, tức Cao Đế nguyên niên, đến năm Cao Đế thập nhị niên, tức năm 195 t CN thì mất, chung niên 62 tuổi, miếu hiệu là Cao Tổ, thụy hiệu là Cao Hoàng Đế, táng ở Trường Lăng.

Nam Kinh 
南  京 
Thành phố này là một trong sáu kinh đô cổ của Trung Hoa, thường giản xưng là Ninh, nằm ở phía nam tỉnh Giang Tô. Theo lịch sử, thÌ vào năm 427 trước công nguyên, sau khi diệt nước Ngô, Việt Vương Câu Tiễn kiến lập Việt thành ở đây. 
-Năm 333 trước công nguyên, Sở diệt Việt, dựng Kim Lăng ấp. -Tần đổi là Mạt Lăng. 
-Thời Tam Quốc, năm 211 công nguyên , Tôn Quyền cải danh là Kiến Nghiệp, đến năm 222 CN, Tôn Quyền xưng đế thiên đô từ Vũ Xương về Kiến Nghiệp, Nam Kinh trở thành quốc đô từ đó. Trong thời gian cai trị, trừ xây dựng Thạch Đầu Thành trở thành căn cứ thủy quân , nhà Ngô tu bổ xây dựng Kiến Nghiệp thành khu vực phồn hoa nhất, rộng khỏang ba bốn trăm cây số. Nhất là, dọc theo sông Tần Hoài, là nơi thị tứ, tập trung dân đông nhất 
-Nhà Tấn, năm 313 CN vì tị húy Tư Mã Nghiệp đổi ra Kiến Khang. 
-Từ Đông Ngô  đến Đông Tấn, và các vua Nam Triều, như  Tống, Tề, Lương Trần, đều đóng đô ở đây, tổng cộng 322 năm. Sử gọi là "Lục Triều Đô Hội " 
-Năm 937, Nam Đường đổi tên là Giang Ninh Phủ . 
-Đến thời Minh, Chu Nguyên Chương thống nhất nước Tàu, năm 1368 định đô ở đây, mới gọi tên là Nam Kinh. Năm 1421, Minh Thành Tổ dời đô về Bắc Kinh, Nam Kinh gọi là Lưu Kinh. 
-Đầu nhà Thanh đổi là Giang Ninh phủ, thuộc tỉnh Giang Nam. 
-Năm 1853, Thái Bình Thiên Quốc định đô ở đây  gọi là Thiên Kinh. 
-Năm 1912 , Tôn Trung Sơn tưụ nhậm Lâm Thời Tổng Thống lại gọi là Nam Kinh phủ 
-Năm 1927  Chính Phủ Quốc Dân Đảng chính thức lấy Nam Kinh làm thủ đô. Nam Kinh là một thành thị có rất nhiều cổ tích danh thắng nổi tiếng, như :Bán Sơn Tự, Trung Sơn Lăng, Minh Hiếu Lăng, Linh Cốc Tự, Thạch Đầu Thành, Bạch Lộ Châu, Yến Tử Ki, Thê Hà Tự, Cổ Lâu, Minh Cố cung. Mạc Sàu Hồ, Vũ Hoa Đài, Mai Viên Tân Thôn. Chẳng những có nhiều danh lam thắng cảnh, Nam Kinh còn là nơi lưu lại nhiều những sử tích, dật sự, của các văn nhân học sĩ.