Trang

【Huỳnh Song Dị Thảo】●Thiều Tú

挑綉

Trường Châu có nho sinh Trâu Đại Nhậm, tuổi khoảng hai mươi, dáng người tuấn tú, mặt mũi trắng trẻo xinh tươi, nhưng tính tình trì độn, ngốc nghếch, thường đóng cửa ở trong nhà đọc sách ngâm thơ. Còn chuyện trai gái nam nữ, thì mù tịt, chẳng biết gì . Nên thường bị các bạn đồng học trêu chọc, để cười đùa.

Một hôm, Nhậm đi ra chợ, gặp một đám rước dâu, kèn trống inh ỏi. Tân khách và bộc tòng nối đuôi nhau đi theo không dứt. Chàng không hiểu gì cả, mới hỏi một người bạn, thì người bạn nói dối, bảo :

-Thế ra huynh không biết sao ? Trong quận có người mới ra làm quan, nên khoa trương cho mọi người biết đấy thôi

Nhậm tin ngay, không ngờ vực chi cả. Vả, vốn có bụng công danh, bèn vui vẻ đi theo sau đám rước. Khi đến trước cổng nhà cô dâu, Nhậm thấy chú rể và cô dâu làm lễ giao bái, nghi thức có vẻ rườm rà phức tạp, trong lòng đâm ra tò mò, đứng lại xem hồi lâu, không chịu dời bước đi chỗ khác.

Một lát sau, tiếng kèn tiếng trống lại nổi lên om sõm, rước kiệu hoa của cô dâu lên đường. Nhậm nghe có tiếng người khóc tỉ tê bi thiết, từ trong kiệu hoa khe khẽ vọng ra. Chàng vỗ tay cười lớn, nói :

-Việc tốt lành tốt lành đến thế, có gì thương tâm đâu mà khóc ?

Những người xem, đều lấy làm kỳ quái, đưa mắt nhìn chàng, nhưng Nhậm chẳng hề mảy may biết gì . .

Ngày hôm sau, Nhậm lại ra chợ, gặp một đám ma. Kèn trống cũng inh ỏi, phảng phất như đám cưới hôm trước, nhưng khóc lóc có phần bi ai thống thiết hơn. Nhậm lại càng không hiểu gì, nói với mọi người :

-Đáng vui mà lại bi thiết, thế này là cái điềm sui sẻo bất tường cận kề rồi !

Ai nghe, cũng phải ôm bụng mà cười.

Đại loại, những cái ngố của Nhậm đều như thế.

Một hôm mùa hạ năm Canh Ngọ, Nhậm đến một ngôi chùa để đọc sách. Chùa này địa thế nằm sát vùng núi. Thường có nhiều ma quỷ xuất hiện quấy phá. Các chủ trì, sư sãi chịu không nổi, đều phải bỏ đi chỗ khác.

Các bạn đồng môn của Nhậm, thấy chàng ngờ nghệch ngốc nghếch, xúi chàng đến đó ở. Chàng cũng chẳng sợ gì.

Lúc chàng dọn đến, thấy mạng nhện giăng mắc khắp nơi. Đài giai, bậc thềm, cứt dơi lả tả, vãi đày. Bèn rửa ráy quét dọn sạch sẽ. Rồi đóng cửa, cố công khổ học. Ngay cả vườn, cũng không bước ra.

 Ở liền ba hôm, chẳng thấy hiện tượng quái gở nào khác xảy ra. Các bạn đồng môn của chàng, cho rằng thánh nhân đãi kẻ khù khờ, không ai khuyên chàng rời đi nữa.

Nhưng từ khi Nhậm vào cư trú ở trong chùa, tối tối đọc sách, luôn luôn nghe có tiếng cười, không biết ở chỗ nào. Mới đầu chàng lờ đi, không để ý đến. Mấy tối sau, khí trời oi bức, nồng nực, chàng cởi áo, ở trần, ngồi bên song cửa cầm sách ngâm nga vi vút, mãi tới tận khuya, cũng không chịu dời quyển. Thình lình, bỗng nghe một tiếng ‘’bình’’ vang dội. Rồi cửa phòng chàng tự động mở tung ra. Chàng giật mình, ngoảnh nhìn tứ phía.

Té ra là hai người con gái. Trông son phấn rạng rỡ, đẹp như người vẽ trong tranh. Quần áo thì mỏng như cánh ve sầu. Trên tay mỗi cô đều cầm một chiếc quạt lụa nhỏ, tha thướt bước vào. Nhậm lờ đi. Không để ý đến, cứ tiếp tục đọc sách như cũ.

Hai người con gái đến gần bên Nhậm, dùng những ngón tay thon nhỏ, vỗ vỗ vào da thịt

chàng nghịch ngợm, rồi cười đùa bảo với nhau :

-Gớm !Cái anh chàng này, thịt da cứ như bạch ngọc thôi.

Khẩu khí ra chiều âu yếm, quyến rũ.

Nhậm vẫn cứ làm thinh như không nghe thấy. Lại lớn tiếng ngâm nga lớn hơn trước.

Hai người con gái mò mẫm, xờ xoạng người chàng một hồi lâu, thấy Nhậm vẫn cứ nguội gíả thờ ơ, đành rút tay lại, có phần xấu hổ. Rồi bỏ đi ra ngoài cửa. Thoáng chốc, không thấy hình tích gì nữa.

Nhậm cũng chẳng lấy làm quái gở, chỉ nói .

 - Quái, chùa trong núi, đêm khuya thế này, chẳng biết hai cô ấy từ đâu đến, mà sao ngón tay vừa nhỏ lại vừa gầy, làm ta chịu hết nổi !

Nói xong, gấp sách lại, có ý muốn đi ngủ. Chợt lại nghe có tiếng nói. Thanh âm nhỏ nhẹ, dễ yêu, cười hỏi Nhậm :

-Thiếp đến xem lang quân ngủ chưa ?

Rồi một cô gái bước vào. Tuổi khoảng hai tám. Tóc đen bồng bềnh. Hồng hồng đôi má, rất là khả ái diễm lệ. Nhưng trên người không có một mảnh vải. Trắng như tuyết. Nàng lấy tay che miệng, đến sát gần trước mặt Nhậm, cười tủm tỉm.

Nhậm thấy nàng, dung mạo như hoa nở, thịt da nõn nường, mũm mĩm. Mà bụng vẫn giá tanh, không động tà niệm, lại còn cười khẩy, nói :

-Nàng tính bắt chước Nễ Hành đời Tam Quốc, đem tấm thân trần truồng trắng trẻo mà khoa trương với ta phải không ?Thân khu của Nhậm này, há không trắng sao !

Nói rồi, tụt luôn khố trong người xuống, đứng đối diện với người con gái. Trông phơi phới như hai con hạc trắng đang múa.

Người con gái thấy thế, đâm ra xấu hổ. Lẩm bẩm một mình :

- Cái anh chàng ngố này, chỉ hợp đôi với con quỉ ngố Thiều Tú được thôi.

Nhậm vẫn cứ tự như, thản nhiên cười, từ từ kéo quần lên, nói :

-Cuối cùng thì trắng như tuyết, không bằng trắng như ngọc !

Sau đó, quét phản đi ngủ, chẳng chút sợ hãi nào.

 Cái sự ngờ ngệch thật thà của Nhậm, đến như thế, thật cũng khó ai có thể sánh kịp.

Sáng hôm sau, chẳng có bạn bè nào đến hỏi han, Nhậm yên lòng học tập. Chừng đến chiều, thình lình trời đổ mưa lũ lụt. Nước ngập bờ hè tới cả gang tay, Nhậm đang đốt đèn, sửa soạn mở sách ra đọc, thì nghe có tiếng cười ríu tit, rồi tiếng người bảo chàng :

-Chị em thiếp đưa con nhỏ ngố này đến làm bạn với chàng, xin đừng hoàn trả lại nhé !

Nhậm ngững mặt lên nhìn. Té ra, cũng vẫn hai người con gái đêm qua, thêm vài người nữa. Trong đó, có cả cô gái ở truồng, nhưng xiêm y rạng rỡ, tề chỉnh. Họ cùng nhau dìu một cô gái khác, còn nhỏ tuổi, thật kiều diễm, đến gần Nhậm, nói :

- Cho con nhỏ này làm vợ chàng, chàng có chịu không ?

Nhậm không cự tuyệt, nhưng hỏi ngược lại :

-Làm vợ ta, thế là thế nào, thật ta không hiểu !.

Cả đám đều nói :

-Phu thê quan hệ, há chẳng phải giềng mối thứ ba trong đạo làm người sao ?

Nhậm bèn mở sách ra tìm tòi, rồi giật mình tỉnh ngộ, nóí :

-Thật quả đúng thế. Ta là chồng và cô ấy là vợ. Có phải ý nghĩa như thế chăng ?

Cả đám con gái lại cười ồ lên, vang ầm cả phòng, đáp:

-Đúng !Đúng !Đúng !

Nhậm cũng hài hước gọi người thiếu nữ ấy là vợ, và chẳng suy nghĩ gì, nói :

-Ta còn phải tìm hiểu xem cái đạo thần tử, cái nghĩa phu thê cho rõ . Các nàng cứ mang vợ ta về đi.

Đám con gái lại ồn ào, lao nhao phản đối. Rồi đó, có bọn tỳ nữ từ ngoài bước, bầy biện cỗ bàn, ép Nhậm và thiếu nữ ngồi kề bên nhau, uống rượu hợp cẩn, và thắt giải đồng tâm.

Nhậm ngắm nhìn thiếu nữ, thấy nước da rạng rỡ, mịn màng như châu bảo. Thân hình mềm mại thướt tha như hoa liễu. Bụng cũng lấy làm thấy thích, khảng khái nói :

-Được người đẹp thế này làm vợ, đủ mãn ý ta rồi !

Thiếu nữ cũng ngây thơ khờ khạo, chẳng hề một chút thẹn thùng, đưa mắt nhìn Nhậm chằm chằm, vừa cười vừa nói :

-Cái ông chồng em vô lại quá, cơ hồ thân em bị nhìn thấy hết !

Và quay sang bảo với đám con gái :

-Chồng của em, cũng là chồng của các chị, sao chẳng chia ‘’chén chè’’ này ra cùng chung nhau hưởng mà lại để mình em hưởng vậy ?

Cả bọn lại ôm bụng cười ngặt nghẽo, không sao ngừng lại được.

Chừng nghi lễ hoàn tất, họ quây quần ngồi vào bàn. Nâng ly. Cất chén. Vừa uống vừa cười đùa hài hước. Riêng Nhậm và thiếu nữ, cứ bốn mắt nhìn nhau đong đưa ngấm nguýt, chẳng ăn uống gì, ngây ngô cười khờ khạo.

Nhậm thấy mọi người gọi thiếu nữ là Thiều Tú, chàng cũng gọi như vậy. Trên bàn còn có quyển sách riêng của Nhậm, chàng bèn cầm lên đọc một :’’Nghĩa vợ tình chồng, ta phải bàn với Thiều Tú.

Chẳng mấy chốc, nghe tiếng trống đổ canh hai, cả bọn đều nửa say nửa tỉnh, đứng dậy nói :

-Thôi bọn ta đi về chứ, để cho cô dâu chú rể còn nghỉ ngơi hoan hợp !

Sau đó, tíu tít đi ra.

Nhưng có hai cô trở lại, bảo nhau :

-Đôi vợ chồng ngốc này, chưa biết về chuyện nam nữ đâu, phải giúp chúng mới được !

Rồi thay Nhậm, giải chăn mền, cởi áo quần cho hai người, và vỗ vào chiếc gối đầu, nói :

-Đêm nay chung ngủ gối này, thế nào sang năm cũng có con bế !

Nói xong cười mủm mỉm đi ra, nhanh như gió thoảng. Chớp mắt không thấy gì nữa.

Nhậm vời Thiều Tú tuy cùng chung gối nằm ngủ, nhưng ‘’cái việc ấy’’, chưa hề nếm thử bao giờ. Nằm một lúc, thì ngồi dậy, bảo với nàng:

-Vợ chồng có chỗ khác biệt, ta không thể không giữ lễ !

Rồi ngồi quay mặt về hướng đông. Thiều Tú nghe Nhậm nói thế, cũng nhỏm dậy, ngồi quay mặt về hướng tây. Hai người đều nhắm nghiền mắt lại, nín hơi, dưỡng thần. Im lặng không nói năng gì. Cho đến lúc mệt mỏi quá, muốn ngủ, dựa vào vách tường khò khè chợp mắt được một lát, đã thấy phương đông le lói ánh mặt trời. Rồi nghe tiếng rì rào như côn trùng nổi lên, cả đám thiếu nữ đã ào ào bước vào cửa.

Họ thấy Nhậm với Thiều Tú, cả hai đang ngồi cúi đầu nhìn đất, trông chẳng khác gì đôi tượng gỗ, đều không sao nín được cười, bảo nhau :

-Đôi vợ chồng nhà ngố này, quả không có tình dục !

Thiều Tú thấy họ tới, thì vội vã rời khỏi giường, có ý muốn theo họ cùng về, nói :

-Buồn chịu hết nổi, ở với chồng chẳng bằng về nhà vui đùa với các chị.

Cả bọn con gái đều cười rộ lên, nói :

-Con tì tử này, còn ngố hơn anh chàng nữa. Đã lấy chồng rồi, còn đòi về với bọn ta làm gì ?

Thiều Tú ghe nói thế, nước mắt hai hàng, thút thít khóc như con nít, khiến bọn con gái phải nín bụng cười, chỉnh trang quần áo, tóc tai lại cho Thiều Tú, rồi đi ra.

Từ đó, Thiều Tú ăn ở với Nhậm. Ngày ngày khâu vá quần áo, giầy vớ, trông lo cơm nước sáng chiều, cùng pha trà hâm rượu cho Nhậm. Mặt không hề lộ sắc mỏi mệt. Những lúc rảnh rỗi, thì lấy đất sét trộn lẫn với nước, nặn những đồ vật như trẻ con chơi. Thật chẳng giống những cô gái thành niên con nhà khuê các một chút nào.

Những vật mà nàng sáng tạo ra, đa số là những ngoạn cụ như bình rượu, chén tách, lư đỉnh dùng trong cung đình. Trông thập phần tinh sảo. Nhưng chẳng biết để làm gì. Nhậm cũng chẳng hề hỏi han cật vấn đến. Cứ tiếp tục việc đèn sách như thường nhật .

Vả, từ khi chung sống với Thiều Tú, dù gặp ngày nắng hạ oi bức, Nhậm chưa từng giải y lộ thể trước mặt Thiều Tú. Lại đối đãi với nàng, coi như tân khách.

Ban đêm, tuy cùng nàng chung giường, nhưng đông tây hai nẻo. Ai ngủ mắt người ấy. Mấy đêm liền như vậy, mà việc riêng nam nữ, vẫn chay tịnh hư không.

Nhậm vốn hàn sĩ cảnh nghèo, trong nhà chỉ có một người chị dâu goá bụa, nên thường phải cư trú ở chùa. Tuần lễ, mới về thăm chị một lần.

Có lần trên đường trở về, Nhậm gặp một người bạn ở giữa đường. Người bạn hỏi Nhậm về việc học. Nhậm nhanh nhảu khoe ngay :

 -Huynh nên mừng cho đệ. Việc học tiến bộ nhiều lắm. Gần đây, đệ đã hiểu rõ ý nghĩa của câu’’Phu phụ dã’’ trong sách Lễ ký rồi.

Người bạn nghe Nhậm nói thế, lấy làm lạ. Hỏi thêm. Thì Nhậm rành rọt thổ lộ. Không dấu diếm gì. Người bạn này, vốn tính tình trung hậu, nên khuyên bảo :

-Thế này là do ma hay chồn rồi. Nó có thể reo tai họa cho huynh đấy. Huynh mau tránh xa đi !

Nhậm không lãnh hội được ngay ý của người bạn, nên chỉ thuận khẩu đáp cho xong : ‘’ờ, ờ, được’’.

Rồi không trở về thăm người chị dâu nữa. Vội vã quay lại chùa.

Lúc bước vào cửa, gặp Thiều Tú, liền nói :

-Ta có người bạn bảo nàng là ma. Phải vậy không ?

Thiều Tú chỉ quắc mắt lườm Nhậm. Không trả lời. Nhậm bèn giở sách ra tìm chứng cứ, thì thấy câu ‘’Quỷ thần không có hình thể, không có tiếng nói’’. Bèn bực mình, nói :

-Cái thằng bạn này đánh lừa ta. Người con gái trước mặt ta đây, chẳng những có hình hài, lại còn nói năng truyện trò được.

Rồi lại giở đến trang sách có câu ‘’Hồ ly ăn thịt hắn hắn ‘’, càng bực tức thêm. Từ đấy, không chú ý gì đến lời nói của bạn bè nữa, cứ ăn ở với Thiều Tú như cũ.

Sau đấy, các bạn bè chàng đều được nghe biết truyện. Họ hẹn nhau cùng đến chùa để xem cho rõ. Cũng may, khi bước chân vào phòng, không có mặt Thiều Tú, những người bạn bèn dò hỏi Nhậm, thì được Nhậm rành rõ kể lại hết cho nghe. Rồi họ lại khăng khăng muốn gặp Thiều Tú.

Nhậm nói :

-Nhà tôi mới ra vườn trồng hoa, lát nữa trở về !

Quả nhiên, lát sau Thiều Tú trở về. Đầu quấn khăn đỏ. Vạt áo đựng đày hoa tươi. Bước đi uyển chuyển, tha thướt.

Cả bọn đều liếc nhìn, thấy đẹp chẳng khác gì tiên nữ.

Thiều Tú thấy khách lạ, trong lòng chẳng chút e dè tránh né. Nàng đặt hoa xuống đất, rồi lại cúi người dựng hoa lên, tựa hồ như không thấy ai. Những người bạn của Nhậm thấy Thiều Tú tuy áo quần rách vá, nhưng hình hài, âm sắc, không dấu diếm gì, nên chẳng dám cho nàng là dị loại. Bèn ngồi lại chuyện trò với Nhậm cho tới tối. Chốc chốc lại thấy Thiều Tú đi ra đi vô, nhưng không cùng khách đàm đạo. Chỉ lo sửa soạn bữa ăn.

Chừng khách khứa ra về, Nhậm và Thiều Tú lại vui vẻ tương hoan, mình mình, tớ tớ như trước.

Một người bạn của Nhậm, vốn có tật trào phúng, mới hỏi Nhậm :

-Huynh với tôn tẩu sống chung với nhau, thì đã chung ‘’chăn chiếu’’ bao giờ chưa ?

Nhậm thật thà, đáp :

-Chưa !

Người bạn cười hỏi :

-Tại sao chưa ?

Thì đáp :

-Đệ đọc thiên ‘’nội tắc’’, thấy sách nói ‘’Thất niên nam nữ bất đồng tịch’’. Chiếu còn chửa chung, huống chi đến chăn ?

Người bạn lại cười :

-Ai cha ! Như thế là huynh hiểu sai rồi. Đạo vợ chồng không thể sánh như quan hệ trai gái được. Kinh Thi chẳng có câu rằng :’’Giác đam xán hề, cẩm khâm lạn hề’’, không được đáp chăn chung, như thế trong Kinh Thi mới có lời than oán của người đàn bà phải ngủ đêm một mình chứ ?

Nhậm nghe bạn giải thích, mới nghiêm nét mặt, cảm tạ :

-Đệ xin theo lời chỉ dậy của huynh.

Rồi về bàn với Thiều Tú :

-Bạn ta bảo phải nằm chung chăn với khanh, khanh không được từ chối đấy nhá !

Thiều Tú cũng tỏ ý đồng tình, nhưng hỏi :

-Thế trong sách có dậy không ?

Nhậm đáp :

-Sách không nói đến điều ấy, nhưng trong Kinh Thi thì có.

Thế là, ngay đêm hôm ấy, hai người cùng ngủ chung chăn, nhưng vẫn không cởi bỏ áo quần, nên xoay sở bất tiện.

Sáng hôm sau, Nhậm đến gặp người bạn, thổ lộ :

-Quá nghe lời huynh, cả đêm qua không sao ngủ được !

Người bạn gạn hỏi. Nhậm cứ thực kể lại. Người bạn cười :

-Ngủ chung chăn mà không cởi bỏ áo quần, thì có khác gì mỗi người đắp một chăn, làm sao huynh ngủ yên được ?

Nhậm ngạc nhiên, hỏi :

-Sao ? Có thể cởi bỏ quần áo mà ngủ chung được à. Bằng cớ đâu . Điều này, đệ chưa từng nghe nói đến bao giờ.

Người bạn nói :

-Huynh đọc sách không thông. Nên mới ngốc đến thế. Sách Mạnh Tử chẳng dậy rằng :Nàng là nàng, ta là ta, nhưng vì nàng xích thân loã thể nằm cạnh, nên mới có sự vi vu hứng thú.

Nhậm cười :

-Sách quả có lời ấy, nhưng e rằng chép đi chép lại mà sai chăng ?

Người bạn cố nhịn cười, hồi đáp :

-Đúng, chứ không sai đâu.

Nhậm bèn tin, không nghi ngờ gì nữa.

Rồi nhân có việc khác phải làm, khi về đến chùa thì trời đã nhá nhem tối, không kịp duyệt độc sách vở nữa, mà đem chuyện ra hỏi Thiều Tú :

 -Bạn ta bảo phải cởi bỏ áo quần mà ngủ chung chăn với khanh, như vậy có được không ?

Mới đầu Thiều Tú lộ vẻ không bằng lòng, hỏi Nhậm xem sách giảng thế nào, thì chàng thở dài :

-Ta đọc sách mà không biết cách đọc, từ trước ta đã lãng phí mất nhiều. Nếu không có lời bạn ta chỉ bảo, thì ta chẳng biết gì ?

Rồi cố ép Thiều Tú cởi bỏ y phục, lên giường cùng đắp chăn ngủ. Lúc sờ lần, Nhậm thấy thịt da nàng mịn màng trơn nhẵn, khiến thần chí tê mê điên đảo, bèn đánh một giấc ngon lành cho đến sáng.

Ngày hôm sau, gặp người bạn, Nhậm cảm tạ, nói :

-Lời huynh dậy, quả thật đúng quá. Đệ ngủ một giấc thật say.

Người bạn nói :

-Chắc huynh chưa được hưởng cái thú tiêu hồn ‘’Ôn nhu hương ‘’ rồi phải không ?

Nhậm lại ngạc nhiên hỏi :

- Thú ấy như thế nào ?

Người bạn, nhân thế mới đem cái bí quyết của lạc thú gối chăn mà giảng giải cặn kẽ cho Nhậm . Nhậm chăm chú say sưa lắng nghe, nói :

-Quan hệ vợ chồng như vậy thì dâm uế quá.

Người bạn giải thích :

-Huynh không biết Kinh Dịch có câu ‘’Nam nữ cấu tinh, nhi nữ hoá sinh’’ à ? Nếu không thế, thì tổ tiên của huynh đã tuyệt mất hương hỏa rồi.

Nhậm nghe xong, rất ấy lãm kính phục người bạn, chắp tay vái một vái dài, nói :

-Đệ thật ngốc quá, nên không nhận ra việc ấy. Chẳng những đệ được lời dậy bảo của huynh, mà ngay tổ tiên của đệ cũng mang ơn huynh nữa.

Nói xong thì lẩn thẩn như người vừa mất một cái gì, đi trở về chùa. Còn người bạn thì được một mẻ cười nghiêng ngửa.

Nhậm về đến chùa, trời vẫn còn sáng, nhưng cứ đem chuyện ra bàn với Thiều Tú, muốn nàng lên giường đi ngủ ngay.

Nàng nói :

-Trời còn sáng mà, ngủ được sao ?

Nhậm đáp :

-Đêm ngủ được, thì ngày cũng ngủ được.

Thiều Tú chiều theo. Nhậm bèn cứ y lời người bạn mà hành sự. Mới vô việc, Thiều Tú đã tỏ ra đau đớn rên rỉ, tránh né. Nói :

-Hôm nay mình chẳng tử tế với em. Em chẳng thèm ở với mình nữa.

Nhậm cố nài ép. Thiều Tú chỉ đành cố gắng chịu đựng, mà hai hàng châu rơi. Bình thời, Nhậm chẳng thấy nàng như thế bao giờ. Lòng đâm ra ái ngại, bất nhẫn, mới hơi lỏng tay ôm. Thiều Tú liền thừa cơ chạy thoát. Nhậm tồng ngồng đuổi theo. Một thoáng, đã mất hút, không thấy tông tích gì. Giữa lúc Nhậm còn đang đứng bơ vơ ngơ ngác, thì người bạn thình lình xuất hiện, thấy Nhậm như vậy, cười bô bô, hỏi:

-Sao lại tồng ngồng thế này ?

Nhậm nghiêm mặt, trả lời :

-. Đệ muốn cùng nàng chăn gối, để có con nối dõi tông đường. Đây cũng là nhiệm vụ lớn trong đạo luân thường, sao huynh lại cười chế diễu đệ ?

Người bạn vỗ tay, kéo Nhậm vào trong nội thất, đợi cho Nhậm mặc quần áo, mới cùng ngồi chuyện vãn, mãi đến lúc trời tối hẳn mới ra về.

Nhậm bị mất vợ, trong lòng muôn phần buồn phiền rầu rĩ. Chừng mõ điểm canh khuya, thì thấy đám thiếu nữ ngày trước dẫn Thiều Tú bước vào cửa, vừa cười vừa nói :

-Cậu làm khổ con bé nhà chúng tôi, chúng tôi đâu có chịu !

Nhậm bướng bỉnh, lên giọng :

-Ngày trước cô ấy chưa lấy ta, việc do các nàng làm chủ. Nay đã là vợ ta, thì việc phải do ta quyết định. Bằng lòng hay không bằng lòng thì làm quái gì nhau !

Cả bọn thiếu nữ cùng cười ồ, nói :

-Cậu cả ngố, sao mà ngang bướng thế.

Rồi cùng nhau dùng sức đẩy Thiều Tú xuống giường, bảo Nhậm :

-Kẻ đào tẩu đã tìm lại được, nay hoàn trả cho cậu đây. Lần sau nó có trốn nữa, đừng có hỏi chị em tôi đấy nhá !

Xong, bỏ ra về.

Nhậm đóng cửa lại, cởi bỏ áo quần, muốn cùng Thiều Tú gần gụi, thì nàng lùi lại, không dám . Nhưng Nhậm cố ép. Đoạn cùng nhau hoan lạc, vu sơn một giấc mê ly.

Việc xong, Nhậm vui vẻ bảo Thiều Tú :

-Hôm nay, ta mới được hưởng cái món này, thật là khoái tỉ !

Từ đó về sau, đêm nào cũng như thế.

Thiều Tú dần dần được hưởng thú dương đài, không còn khước từ Nhậm như trước nữa. Còn chàng tự cho là một điều thú vị, hễ gặp ai cũng đem ra khoe, khiến người nghe đều buồn cười. Có lần chàng về nhà thăm người chị dâu, cũng đem cái thú đó ra tường tận kể lại. Người anh của người chị dâu cũng có mặt lúc đó, nghe Nhậm kể, thì biến sắc mặt bừng bừng nổi giận, hỏi :

-Chú nói như thế nghĩa là gì ?

Nhậm cười, ngố ngáo đáp :

-Điều gì có thể nói được cho mọi người nghe, há lại không nói được cho chị tôi nghe hay sao ?

Rồi điềm nhiên coi như thường, không cho là lạ.

Sau này Thiều Tú có thai, Nhậm tính dọn về nhà, thì Thiều Tú dặn phải mang theo hết những đồ chơi bằng đất sét mà nàng nặn .

Người chị dâu thấy thế phì cười bảo :

-Vật dụng của cô chú trông giống như các hộp trang sức, phong phú quá nhỉ !

 Thiều Tú chẳng hề mảy may xấu hổ, vẫn chơi nghịch với những đồ bằng đất như trước. Nhưng đối với người chị dâu rất mực cung kính. Sang năm sau, nàng sinh được một đứa con trai. Gia cảnh mỗi ngày một bần cùng thêm. Thiều Tú bảo Nhậm đem những vật bằng đất sét của nàng ra chợ bán, và phải đòi gíá cao. Người chị dâu cho rằng nàng dở người, bị bệnh tâm thần.

Nhưng đến chiều, Nhậm trở về mang theo cả ngàn lạng ngân tiền, mà hàng chỉ mới bán được chưa đày phân nửa. Bấy giờ người chị dâu mới lấy làm ngạc nhiên, nhìn kỹ. Té ra, những vật bằng đất sét của Thiều Tú, đều là cổ ngoạn cả. Từ đó, coi Thiều Tú như thần. Còn Nhậm cư xử với vợ cũng không còn khờ nữa.

Liền ba năm, Thiều Tú đẻ ba đứa con trai. Gia đình trở nên sung túc giàu có.

Như vậy được năm năm, bỗng một hôm Thiều Tú bảo Nhậm :

-Duyên xưa đến đây là hết rồi, em phải vĩnh biệt mình ra đi thôi.

Nhậm kinh ngạc, hỏi lý do. Nàng đáp :

-Em vốn không phải người ta, mà là ma. Sinh tiền vì thiên tính ngu khờ, bị nhân thế coi rẻ, nên buồn mà chết. May có các chị ấy dậy bảo mới dần dần thông minh ra. Tuy thế, cái gốc khờ vẫn chưa tuyệt. Lại vì túc duyên tiền kiếp nên phải lấy mình. Nay, sắp đầu thai vãng sinh vào một gia đĩnh giàu có phú quý, vậy xin mình đừng vì em nhớ nhung buồn rầu nhá !

Nhậm hỏi ở gia đình nào. Nàng chỉ cúi đầu không đáp, chau mày nói :

-Người kiếp sau này, bất tất phải biết nhau làm gì !

Đoạn biến mất, mong manh như sương khói.

Nhậm đêm ngày nhớ nhung không nguôi, bèn giao ba đứa con cho người chị dâu, rồi đến vùng Tương, Hồ ngao du sông nước, , không còn thiết gì đến việc tục huyền nữa.

Cuối cùng, Nhậm chẳng hiểu duyên tác hợp chàng với Thiều Tú là ma hay là quỷ, và mỗi khi nghĩ đến những điều chưa kịp hỏi rõ nàng, thường lấy làm tiếc.

Chú thích:
Tương Hồ (湘 湖):

Trong văn thơ và tiểu thuyết cổ Trung Hoa, các nhà văn thường gọi những tỉnh bằng những tên gọi tắt. Chẳng hạn gọi tỉnh :

- Hồ Nam là Tương hay Hồ. 
- Sơn Đông là Lỗ
- Thượng Hải là Lô, Hỗ
- Quảng Đông là Việt
- Phúc Kiến là Mân
- Sơn Tây là Tấn
- Thiên Tân là Tân
- Hà Bắc là Ký
- Giang Tây là Cống
- Tứ Xuyên là Thục, Xuyên
- Trùng Khánh là Du
- Hà Nam là Dự
- Hồ Bắc là Ngạc
- Cam Túc là Lũng, Cam
- Vân Nam là Điền
- An Huy là Hoãn

V. v. . . . . .



Nễ Hành (祢 衡):

Nễ Hành sinh năm 173 mất năm 198.

Ông là người cuối thời Đông Hán, tự là Chính Bình, là một nhà từ phú nổi tiếng, có tài biện luận, nhưng tính tình cương nghị ngạo mạn, lại thích hối nhục bọn quyền quý. Vì cự tuyệt Tào Tháo chiêu thỉnh, chê văn võ thủ hạ của Tháo là loại bình dong, khiến cho Tào Tháo phẫn hận, phạt bắt phải đánh trống trước yến tiệc để làm nhục Hành. Tả hữu của Tháo bảo Hành :

-Đánh trống thì phải mặc áo mới !

Nhưng Hành lại cố ý mặc áo rách cũ. Bọn thủ của Tháo lại hỏi :

-Sao không thay áo mới ?

Hành lập tức trước bữa tiệc, tụt bỏ hết quần áo ra, đứng lõa thể tông ngồng.

Tháo mắng là vô lễ. Hanh phản đối, nói :

-Lừa vua dối chúa mới là vô lễ. Còn ta để lộ cái hình hài của cha mẹ là để cho thấy sự trong sạch của thân thể !

Tháo cảm lời lẽ của Hành có vẻ châm chích, bèn hỏi :

-Vậy ngươi nói ai là kẻ ô trọc, dơ bẩn !

Hành trào lộng, chửi Tháo :

-Mày không biết kẻ tài người ngu, thế là mắt mầy bẩn. Không đọc Thi, Thư, thế là miệng bẩn. Không nghe lời trung, thế là tai bẩn. Không hiểu cổ kim, thế là thân bẩn. Không dung nạp chư hầu thế là bụng bẩn. Lòng thường mang chí soán đoạt, thế là tâm bẩn .

Tháo cay lắm, nhưng lại sợ mang tiếng ác là hại người hiền, bèn đầy đi Kinh Châu để nhờ tay người khác giêt. Sau Hành mạo phạm Thái Thú Giang Hạ là Hoàng Tổ nên bị Tổ giết.

Tác phẩm đại biểu của Nễ Hành là bài "Anh Vũ phú", là một bài phú ưu tú thời Hán mạt, được người ngâm vịnh lưu truyền.

Ngoài ra, Nễ Hành còn có hai tập là "Tùy Thư Kinh Tịch Chí" và "Nễ Hành tập", nhưng đều thất truyền.



Tam Quốc (三國):

Tên gọi một thời đại Trung Hoa.

Sau nhà Đông Hán, ba nước Ngụy, Ngô, Thục chia nước Trung Hoa thành thế đình vạc, sử gia gọi thời kỳ này là thời Tam Quốc. Gồm có nhà:

-Nhà Ngụy. Năm 220 CN, do con Tào Tháo là Tào Phi, phế Hán Hiến Đế tự lập làm vua, lấy quốc hiệu là Ngụy, kiến đô ở Lạc Dương. Chiếm hữu lưu vực sông Hoàng Hà, và hạ du sông Trường Giang, cùng các tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây, Liêu Ninh.

Đến năm 265 CN, Tư Mã Viêm thay nhà Ngụy lập ra nhà Tấn. Nhà Ngụy mất. Trải 5 đời vua cộng 45 năm.

-Nhà Thục. Năm 221 CN, Lưu Bị tại đất Thục xưng đế, lấy quốc hiệu là Hán, cũng gọi là Thục Hán, kiến đô ở Thành Đô. Chiếm hữu toàn bộ các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu ngày nay và địa khu Hán Trung và tỉnh Thiểm Tây. Năm 263 CN nhà Thục Hán bị Ngụy diệt. Trải hai đời vua, cộng 43 năm.

-Nhà Ngô. Năm 222 CN, Tôn Quyền xưng vương. Đến 229 CN thì xưng đế, lấy quốc hiệu là Ngô, cũng gọi là Đông Ngô, kiến đô ở Kiến Nghiệp(nay là Nam Kinh tỉnh Giang Tô). Chiếm hữu trung hạ du sông Trường Giang, các tỉnh Trết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, và vùng Lưỡng Quảng, Việt bắc bộ và trung bộ nước ta.

Năm 280 bị nhà Tấn tiêu diệt, trải 4 đời vua, cộng 59 năm.

Tính từ Tào Phi xưng đế năm 220 CN, đến khi năm 280 nhà Ngô mất, thời kỳ Tam Quốc kéo dài được 61 năm.



Ôn nhu hương (溫 柔 鄉):

Cổ nhân xưa, khi nói đến việc trai gái ngủ với nhau, thương tránh những từ ngữ thô tục, mà dùng những từ ngữ văn hoa đê thế vào. Ôn nhu (溫柔) có nghĩa là mềm mại. Hương (鄉) là nơi chốn, chỗ. Ôn nhu hương là chỗ mềm mại của nữ sắc làm đấm mê lòng người.



Dịch Kinh (易經):

Dịch 易, cũng gọi là "Chu Dịch", hay "Dịch kinh", là cuốn sách bói toán cổ xưa của người Trung Hoa, có 64 quái 卦, ta thường gọi là quẻ. Mỗi quẻ chia làm 2 bộ phận trên và dưới. Thượng quẻ có 3 hào爻. Hạ quẻ có ba hào, cộng là 6 hào. Hào có hào âm và hào dương không giống nhau. Quái thì có quái từ 卦 辭 (lời của quẻ), hào có hào từ 爻 辭(lời của của hào), cổ đại hào từ và quái từ mông lung lờ mờ khó hiểu, và văn tự lại giản đơn, Khổng Tử mới nghiên cứu những quái từ và hào từ rồi giảng giải từơng tận, làm thành tư tưởng triết học của Nho gia để truyền thụ cho học trò. Những lời giảng của Khổng Tử được ghi chép, về sau được các người chuyên môn về Dịch bổ sung gọi là Dịch truyện 易傳, hay là Thập Dực 十翼.

Tự 序, tức tự quái 序卦, giải thích ý nghĩa chung và thứ tự của 64 mươi quẻ. Tượng 象, tức tượng từ 象辭, là những câu luận đoán đại ý của quái từ, rõ ràng hơn lúc nguyên thủy, trong đó đại tượng 大象 căn cứ vào ý của quẻ đưa ra những điều nên tránh. Thuyết quái 說卦, thì tự thuật về sự biến hóa của bát quái 八卦(tức tám quẻ chính).

Văn Ngôn 文言, chuyên giải thích những quái từ của hai quẻ Càn và Khôn 乾坤;

Dịch bao hàm những yếu tố đơn sơ tự phát của tư tưởng biện chứng pháp, đó là cái căn bổn của triết học của Khổng Tử.

Dịch được người Trung Hoa xếp vào trong lục nghệ là Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, và Xuân Thu.