化郎兒
Nho sĩ họ Chung, người đất Hàn Giang, có người con gái tên là Tiểu Liên, diễm lệ tuyệt trần, nhưng vì cảnh nhà bần hàn cùng túng, lại thêm nỗi cô đơn, nên họ Chung hết lòng yêu thương Tiểu Liên, coi như ngọc quý trên tay, thường đem thư pháp và toán thuật truyền thụ cho nàng. Nàng nhờ thông minh, nên học hành nhanh chóng.
Khi lên mười bốn tuổi, mẹ nàng qua đời, Tiểu Liên phải âm thầm thêu thùa vá may cho người ta, để kiếm thêm tiền độ nhật qua ngày. Nhờ thế, hai cha con không đến nỗi chết đói .
Nhữnh lúc họ Chung thấy con gái ngồi trong khuê phòng cầm bàn tính, tính tính toán toán, lòng khấp khởi mừng thầm, thường cao hứng bảo với mọi người :
- Nhà tôi có nữ Vương Nhung, chỉ tiếc là gái mà thôi !
Bèn mua một đứa tiểu tì, trông đoan trang thanh tú, tên là A Dung, đem về phục thị hầu hạ Tiểu Liên, nhưng thực tế, là làm bạn khuê phòng với nàng. Việc kén rể cho con, họ Chung tỏ ra rất là khe khắt, nên chẳng mấy ai hợp với ý ông cả.
Năm Tiểu Liên lên mười sáu tuổi, thì cha nàng qua đời.
Nàng phải đứng ra tự lo liệu ma chay chôn cất cho cha, xem ra còn chu đáo tươm tất, hơn cả con trai nữa. Khi vừa mãn tang, người đến mai mối hỏi nàng làm vợ đầy ngõ, đếm không xuể. Có kẻ là con quan Thái thú. Có kẻ là con quan Thị Trung. Nhưng Tiểu Liên chỉ cười, từ chối không nhận, bảo riêng với người mối rằng :
-Người chồng mà cháu chọn, chỉ cần trông tuấn nhã một chút, hợp với tuổi tác của cháu là được, dù có mồ côi, bần hàn cũng chẳng sao.
Người mối ra về, mấy ngày không thấy hồi âm.
Lúc đó, có ngừơi con trai họ Thái, cha mẹ mất sớm, sống một mình, không nơi nương dựa, và nghèo phải bỏ cả học, đến giữ kế toán sổ sách cho một tiệm bán vải vóc tơ lụa, diện mạo trông cũng tuấn mỹ, tuổi lại còn trẻ, từng hâm mộ nhan sắc Tiểu Liên, bèn bỏ tiền ra mua chuộc bà mối.
Bà mối cười bảo với chàng :
- Cậu đừng có mơ mộng viển vông. Cóc nhái dưới ao, mong gì được ăn thịt thiên nga ở trên trời cơ chứ !
Thái đáp :
- Thì bà cứ đi hỏi hộ coi, thành bại, đâu quan hệ !
Bà mối không làm sao được, miễn cưỡng ra đi.
Đến nơi, chỉ thấy cổng đóng im ỉm, trước ngõ lê rơi đầy, trắng xóa như tuyết. Dưới thềm, rêu xanh phủ kín, tròn như những đồng tiến, thưa thớt đôi ba dấu chân người. Bèn nhặt một viên đá lên, gõ vào cổng gọi. Một lát, bên trong có tiếng ngừơi trả lời, rồi một con hầu ra mở cửa đón vào.
Bà mối cười, hỏi :
- A Dung và cô Liên hẳn là còn nồng giấc xuân, mới dậy phải không ?
A Dung nhoẻn miệng cười không đáp, dẫn bà mối vào trong nội thất.
Gặp lúc Tiểu Liên đang ngồi khóac chăn bên cửa sổ, đọc thơ Lý Thương Ẩn. Làn tóc mây đen nhánh, vẻ mặt hơi gầy trông thanh nhã, trông càng yêu kiều khả ái.
Bà mối đến ngồi bên cạnh Tiểu Liên cười bảo nàng :
- Giai nhân kiều diễm mỹ lệ thế này, chẳng biết cậu trai nhà nào, có phúc được làm chồng nàng đây !
Tiểu Liên nghe nói thế, chỉ tủm tỉm cười, không đáp.
A Dung xen vaò, hỏi bà mối :
- Việc hôn nhân của cô cháu đến đâu rồi hở bà ?Tối qua, cháu thấy hoa đèn kết nhị, chắc là việc thành phải không ?
Bà mối vỗ tay cái độp, lớn tiếng cừơi nói :
-Mụ quên hẳn đi. Có chuyện cười muốn chết cô Liên ạ . Cái cậu học trò họ Thái, đã nghèo, chảng có mảnh đất cắm dùi, phải đi giữ sổ sách kế toán cho người ta, luơng bổng hàng năm bất quá được hai chục lạng, lại có ý muốn cưới vợ đẹp. Cũng may là mặt mũi, phong độ bảnh bao, bằng không thì mụ đã cho ăn mấy cái tát rồi.
Tiểu Liên cười, nói :
- Nghèo thì cháu chẳng sợ. Cháu có thể làm nên giầu được. Nhưng chẳng biết phong tư diện mạo người ta có quả đúng như bà noí không đấy !
Bà mối hết lời khoa trương khen ngợi vẻ bảnh trai tuấn tú của Thái, khen chàng đẹp như Vệ Giới đời Tấn.
Tiểu Liên nói :
- Bà hỏi thử cậu ta có chịu ở rể để nối dõi tông đường nhà cháu không?Như nếu bằng lòng, thì phiền bà đưa người ta đến trước cửa, để cháu lén nhìn mặt một lần cho biết.
Bà mối mừng thầm trong bụng, cáo từ ra về.
Ngày hôm sau, vào quãng buổi trưa, bà mối trở lại, mặt mày mồ hôi nhễ nhại, hớn hở nói :
- Cô Liên ơi ! Cậu ta đang đến kia kìa, cô ra mà xem mặt !
Tiểu Liên bèn đóng cửa lại, nấp ở phía sau, qua khe hở, nhìn ra ngoài. Quả nhiên thấy một thiếu niên mặc chiếc áo kép trắng, mặt đẹp như thoa phấn, điệu bộ ung dung tiêu sái, tay cầm chiếc quạt phe phẩy, đi đi lại lại ở trước cửa, tựa hồ như không hề biết có người đang nhìn trộm mình.
Bà mối bèn chạy ra, cố ý gọi lớn :
- Này, cậu Thái ơi, đi đâu đấy ! Sao lại tới lui như lừa kéo cối xay vậy ? Thôi, đi đi, đừng làm chướng mắt người ta nữa.
Thái đành tủm tỉm, bỏ đi.
Khi vào trong buồng, Tiểu Liên bảo với bà mối :
-Cậu Thái này, trông người cũng có phúc phận lớn đấy, chỉ hiềm phải chiụ bôn ba khổ lụy mất mấy năm, âu cũng là mệnh số cả !
Rồi nhờ bà, đứng ra làm mai.
Bà mối hỏi :
- Cậu ấy vốn chẳng có gia đình nhà cửa chi cả, đến ở rể cô có chịu không ?
Tiểu Liên gật đầu, tỏ ý bằng lòng. Sau đấy, chọn ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ.
Những lúc ái ân, hai người tỏ ra rất mặn nồng khắng khít, quấn quýt trăm bề, như uyên ương rỡn nước, như phỉ thuý hí lan thiều, cực kỳ hoan lạc. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Thái lại tỏ vẻ lo lắng về nỗi nhà thanh bần. Ngoài lúc ân ái nhàn hạ, chàng thường thở ngắn than dài với vợ. Tiểu Liên cũng đoán hiểu ý chồng, an ủi bảo Thái :
-Mình muốn lấy vợ đẹp, em cũng muốn có chồng bảnh. Nay thì tâm mãn ý túc, ước nguyện đã thành. Nhà em tuy không có ruộng cả liền mây, nhưng các cụ cũng để lại cho em đôi chút tiền bạc đủ để rau cháo độ nhật vài năm cho ba ngưòi, mình hà tất lại cứ ủ rũ buồn rầu không vui như vậy?
Nhưng rốt cuộc, vẫn không thấy Thái vui, Tiểu Liên bực mình, sắc mặt giận giữ, sẵng giọng bảo Thái rằng :
- Ở đời mỗi người một phận, nếu như mình muốn làm gì, đi đâu thì cứ tuỳ ý, đừng để cho người ta chê mình còn trẻ, vì quyến luyến vợ, không dám bỏ nhà đi làm ăn xa. .
Bấy giờ Thái mới nguôi ngoai, thay đổi thái độ, cảm ơn Tiểu Liên vul vẻ trở lại.
A Dung bèn bầy rượu ở trong khuê phòng để hai người đối ẩm hoan hợp, cho đến lúc rượu say mới lên giừơng cùng nằm. Vợ chồng ân ái càng thêm đằm thắm khắng khít.
Sau đó hơn một tháng, Thái nhận được thư của người bác đồng đường từ Phúc Kiến gửi về. Trong thư viết :
"Bác đã tìm được chỗ làm ăn cho cháu rồi, cháu hãy thuê thuyền đi Phúc Kiến ngay, vạn nhất đừng vì bi lụy, quyến luyến gia đình mà chậm trễ mất công nhá "
Thái đọc xong, trao cho Tiểu Liên xem. Nàng cũng lấy làm mừng rỡ, đặt tiệc để tiễn hành Thái, lại đưa cho chàng ít tiền làm lộ phí. Nhưng trong lúc cùng nàng nâng chén biệt ly, Thái tỏ ra buồn bã, nét mặt không vui.
Tiểu Liên thấy thế nói :
-Ngày mai mình lên đường, đi xa làm giầu, đó là một việc quang minh lỗi lạc, cũng giống như Phạm Lãi xưa kia. Hà tất lại nhi nữ thường tình bi lụy như thế !
Thái thở dài đáp:
-Chao ôi !Ta đi, chỉ sợ để em ở nhà ngủ một mình tịch mịch, lỡ làng tuổi xuân. Thảng hoặc có sơ sẩy, tình nghĩa vợ chồng bị sứt mẻ, ví như ngọc quý bị rạn nứt, làm sao có thể hàn gắn lại được !
Tiểu Liên nghe Thái nói thế thì cười như nắc nẻ, không kịp bụm miệng, rồi mới bảo với chàng :
-Té ra, là mình ghen, lo em phản bội, tặng mình cái sừng trên đầu phải không ?. Mình hãy cứ yên lòng ra đi, chừng nào y cẩm hoàn hương, bấy gìò sẽ biết người con gái của nho sĩ họ Chung như thế nào !
Sáng hôm sau dậy, Thái thu sếp mọi việc gia vụ, nhà cửa, rồi rầu rầu từ biệt vợ lên đường.
Tuy vậy, Thái chưa vội xuống thuyền ngay, chàng vào trọ mười ngày trong một lữ quán gần nhà để rình quan sát động tĩnh cuả vợ. Sáng nào Thái cũng chỉ thấy con thị nữ A Dung mở cửa đi chợ mua thức ăn. Khi về, thì đóng cửa ngay lại. Chàng không hề thấy Tiểu Liên ló mặt ra ngoài bao giờ. Bấy giờ, Thái mới yên bụng xuống thuyền.
Thời gian vùn vụt vèo trôi, Kim Liên độc cư ở nhà thoáng chốc đã gần hai năm, mà chẳng hề thấy Thái gửi một chữ về thăm nàng. Còn A Dung, thấy cảnh nhà mỗi ngày một cùng túng, nghèo khó, trong bụng cũng hơi lấy làm lo lắng .
Sau đó ít lâu, hàng xóm cách vách với nhà Tiểu Liên, có người đàn bà góa chồng, bán hạt châu, tên là A Tuyến, phấn son trang điểm rất là đỏm dáng. Sáng sáng vẫn thường cùng A Dung bắt chuyện gẫu, nhờ vậy mà làm quen được với Tiểu Liên rồi trở nên thân.
A Dung vốn ăn nói khéo léo, lại giỏi chuyện trò, gặp những đêm trời đẹp, thường ở lại nhà Tiểu Liên chuyện gẫu đến thâm canh bán dạ mới chịu ra về. Những phẩm vật thêu thùa của Tiểu Liên, đều do A Dung đứng ra bán hộ, nên đưọc gía cao. Về sau, nhân vì thiếu người trông coi cửa nẻo, Tiểu Liên bèn mở một cửa ngách nhỏ ở trên tường cho A Dung dễ đi lại. Những đêm trời mưa gió, A Dung thường ở lại, gác chân ngủ chung giường với Tiểu Liên rất là thân mật, tưởng chừng không thể xa nhau đến một giây.
Một hôm, Tiểu Liên và A Dung ngẫu nhiên đứng trước cửa xem trẻ con rước thần, thình lình có một thiếu niên, quần áo sặc sỡ đi ngang qua cửa, thấy Tiểu Liên thì mắt nhìn hau háu, cơ hồ chân bước không nổi. Tiểu Liên vội vã đóng sập cửa lại, và kéo A Dung vào trong nhà.
Gã ấy vốn là con một gia đình phú hào ở Hoa Đình, vàng chất đầy kho, bạc chôn từng hũ, giầu ngang với Vương Khải, Thạch Sùng cổ đại ngày xưa, tính tình hiếu sắc, ham thích săn hoa ghẹo nguyệt, nghe đồn đất Dương Châu này là nơi nổi tiếng có nhiều mỹ nhân, bèn mang một số tiền thật lớn đến đây để ăn chơi du hí. Nhưng các cô gái trong các câu lan kỹ viện nhan sắc chỉ thuộc loại phấn son tầm thường, chẳng cô nào vừa mắt gã. Hôm ấy, gã ngẫu nhiên đi qua cửa nhà Tiểu Liên, thấy nàng mặc chiếc áo ngắn mầu hoàng hạnh, đầu búi tóc cao, chân đi hài đỏ, trông tư thái thật vô cùng diễm tuyệt, lấy làm kinh ngạc, cho là tiên nữ lạc trần gian, mừng thầm trong bụng, tự nhủ : "Chuyến này thật bõ công xem cảnh đẹp Dương châu".
Tuy thế, chẳng biết Tiểu Liên là ai, nên không có nơi mà dò hỏi.
Ngày hôm sau, gã Hoa Đình lại đi qua nhà Tiểu Liên một lần nữa. Gã thấy ngôi nhà hàng xóm mé trái nhà nàng, cửa hé mở, thì vừa lúc A Tuyến ở trong đi ra, gã nhận ra là người đứng với Tiểu Liên hôm qua, bèn vội vã tiến tới, chắp tay vái chào.
A Tuyến cũng khép nép, hỏi :
-Chẳng hay công tử có điều gì cần hạ vấn ?
Gã nói :
- Tiểu sinh nhà ở Hoa Đình, đến đây tìm người thân không gặp, muốn ở lại chờ, nhưng sợ khách xá ồn ào, không tĩnh dưỡng được, nghe nói quý phủ có nhiều phòng trống, xin cho tiểu sinh mướn một gian, giá bao nhiêu cũng không ngại !
A Tuyến nghe nói đến tiền thì tham, bèn cười đáp :
-Nhà nghèo không có bộc dịch đầy tớ chi cả, thảng hoặc có việc vặt cần sai bảo thì biết làm thế nào ?
-Đồng bộc, tiểu sinh có người rồi !
Mặc cả xong giá thuê phòng thì đi.
Một lúc sau, quả nhiên có nhiều người khiêng hành lý hòm dương đến. Cái nào xem ra cũng nặng chịch. Lại có một đứa đồng bộc đi cùng, diện mạo trông rất là tuấn mỹ bảnh bao.
Gã Hoa Đình chọn một gian phòng mé đông để ở, suốt ngày chỉ ngồi đọc sách, ngắm nghía, thưởng ngoạn các loại cổ vật, chẳng mấy khi đi ra ngoài.
Một hôm gã bảo với A Tuyến :
-Tiểu sinh thấy a di ở goá một mình, lẻ loi sầm tịch, thật đáng thương, mà tiểu sinh thì cha mẹ không còn, nay xin nhận a di làm giả mẫu, như vậy nhất cử lưỡng toàn, có được không ?
A Tuyến nghe gã nói vậy thì hoảng hốt, há hốc miệng, ngạc nhiên :
-Công tử nói như thế, không sợ làm tôi tổn thọ hay sao ?
Nhưng gã Hoa Đình đã vội vã quỳ xuống đất, dập đầu bình bịch, đổi ngay cách xưng hô, gọi A Tuyến là mẹ.
A Tuyến cúi xuống đỡ gã dậy, từ đấy hai người xưng hô với nhau là mẹ con.
A Tuyến thấy trong phòng của gã Hoa Đình bầy biện toàn những bảo vật quý gía. Cổ ngoạn thứ nào cũng đáng cả trăm lạng. Bàn ghế, giường trõng đều được che phủ bằng gấm đoạn. Còn thức ăn trong bếp, toàn là trân tu hải vị.
Gã thỉnh thoảng lại bảo với A Tuyến rằng :"A di có con làm con nuôi, thì cuộc sống sau này sẽ sung sướng".
Ở chưa tròn hai tháng, gã biếu A Tuyến một số đồ vật, trị giá đến ba bốn trăm lạng. Rồi nhân đó hỏi A Tuyến :
- Mỗi ngày mẹ đều sang chơi nhà cô hàng xóm, chẳng hay mỹ nhân bên ấy là ai vậy, mẹ có thể giúp con kiến diện một lần được không ?
A Tuyến đáp :
- Không thể gặp cô ấy được đâu .
Rồi hết lời khen ngợi Tiểu Liên là người chẳng những diễm lệ xinh đẹp, lại còn thuỷ chung nữa, ai cũng nghe tiếng.
Ngày hôm sau, gã thình lình ngoạ bệnh. Hai đứa đồng bộc lo âu lộ ra nét mặt. A Tuyến cũng hoảng hốt, đích thân đến tận đầu giường để hỏi han bệnh tình, thăm nom gã.
Gã nghẹn ngào nức nở, bảo với A Tuyến :
-Con nay lâm bệnh trầm kha, nỗi tương tư làm con hao tổn tâm thần, chắc là không còn sống được nữa, nhưng sau khi chết, nhờ mẹ đưa hài cốt con về quê nhà dùm.
A Tuyến hỏi :
- Vậy cậu thương nhớ ai mà mua sầu chuốc não đến nông nỗi này. Cậu không muốn nói cho ai biết, nhưng chẳng lẽ cũng không cho mẹ biết được sao ?
Gã chỉ lẩm bẩm :"Khó lắm ! Khó lắm !"
A Tuyến gặng hỏi :
-Dù khó khăn thế nào, thì mẹ cũng nghĩ cách giúp cho con, con cứ nói đi !
Gã bèn nắm lấy tay A Tuyến, chỉ sang hướng tây, bảo :
-Chính nhan sắc diễm kiều của cô hàng xóm nhà mẹ đã thu bắt mất hồn phách của con. Như quả được gần gũi nàng một lần, thì bệnh con ắt khỏi.
A Tuyến suy nghĩ một hồi lâu, rồi nói :
-Thôi thì để mẹ thử nói dùm con. Nhưng con cũng nên bảo trọng thân mình.
Gã Hoa Đình bèn cúi đầu tạ ơn ba bốn lần.
Ngay tối hôm ấy, A Tuyến sang nhà Tiểu Liên, gặp chính lúc nàng đang ngồi thêu túi gấm. Mười ngón tay nhỏ bé xinh sắn, đẹp như mười chiếc đũa ngọc, cũng vừa ngừng vẽ mẫu thêu.
A Tuyến làm bộ ái ngại thương tiếc, lên giọng an ủi nàng, bảo :
-Phải chi em mà lấy được người chồng giầu có, thì bây giờ cũng có ít ra là ba bốn chục đứa bộc dịch để mà sai bảo, đâu đến nỗi nghèo khổ túng bấn thế này, thật là tức quá.
Tiểu Liên cười cười nói :
-Mệnh số như vậy, việc chi mà phải oán trách !
Sau đấy, A Dung mang trà lên mời, nói :
-Tối nay xin dì Tuyến ngủ lại làm bạn với cô Liên nhé, cả đêm qua cô Liên nẵm ngủ, miệng luôn u ớ gọi tên cậu Thái, cháu lay gọi thế nào cũng không tỉnh, cháu sợ muốn chết.
A Tuyến nói :
-Chắc là tại khi nằm ngủ đè tay lên ngực chứ gì. Ma bệnh đấy !
Rồi buông tiếng thở dài, tiếp :
-Mệnh cung cuả tôi tọa cô hư, phận phải ngủ một mình đã đành, chứ như cô Liên mà lấy được người chồng trẻ thì có khác gì một đôi ngọc bích. Ai lại vì ham lợi mà bỏ vợ ngủ một mình ở nhà thế này.
Sau đấy, hai người tắt đèn lên giường ngủ. A Tuyến ép Tiểu Liên gối chung một gối, rồi lấy tay vân vê đầu nhũ hoa của Tiểu Liên đùa nghịch, lại cầm cổ tay nàng sờ lần nắn bóp.
Tiểu Liên nói :
-Bà tử động hứng !Trở đầu lại mà ngủ đi, đừng quấy rầy người ta nữa.
A Tuyến nói :
-Chỉ tiếc thân này chẳng phải là con trai, nên không có « chầy ngọc », bằng không, thì tối nay sẽ không tha cô mình đâu .
Tiểu Liên chỉ se sẽ cười, không trả lời.
Đột nhiên A Tuyến lại lên tiếng hỏi :
-Liên à, có bao giờ em tưởng nhớ chồng không ?
Tiểu Liên vừa cười vừa thở dài, im lặng. A Tuyến biết là Tiểu Liên lòng đã bị mình khiêu động, nên càng dùng những ngôn từ khinh mạn, phóng đãng. Sau cùng hỏi :
-Em có uống rượu được không, Liên ?
Tiểu Liên đáp :
- Một hai chén thì được.
- Để tối mai mình mua một bình Mai Hoa Xuân Tửu đến cho em giải sầu nhé Tiểu Liên không đáp, cứ nhắm mắt ngủ yên.
Tối hôm sau, quả nhiên A Tuyến mang sang nhà Tiểu Liên một bình rượu. Thị nữ A Dung bưng lên một mâm đồ nhắm thật là tinh mỹ cho hai người đối ẩm. Nhưng chỉ sau vài chén, Tiểu Liên đã ngà ngà say, hây hây má đỏ, khóe hạnh long lanh tình tứ, trông càng yêu kiều khả ái. A Tuyến bè dìu nàng vào giường nằm.
Rồi nhân lúc vắng, đem nỗi tương tư của gã Hoa Đình nói với A Dung, cầu nàng giúp cho thành việc. Nhưng A Dung cảm thấy bối rối khó khăn, thì A Tuyến nói :
-Không sao đâu, đêm qua ta đã thấy cô ả xuân tâm giao động rồi, ta cứ đem việc này hỏi thẳng ả, được hay không là tuỳ, em cứ giúp cho một tay nhá !
A Dung gật đầu đồnh ý.
A Tuyến vào ngồi bên cạnh Tiểu Liên, rồi nói :
-Chị có người con nuôi, thuộc một gia đình giầu nhất vùng Hoa Đình, rất ái mộ nhan sắc của em, nay đang tạm trú ở nhà chị. Gần đây, vì tương tư em mà thành bệnh nặng, nếu được thân cận với em một lần thì bệnt tất khỏi. Em như đồng ý, đó thật là một âm đức lớn. Chị với em đều là phụ nữ, việc này sẽ chẳng ai biết được. Vả, em vì tưởng nhớ đến chồng mà thân hình tiều tuỵ. Đàn ông bỏ lâu, cố nhiên bất lợi. Còn đàn bà trường kỳ một mình phòng không, cũng không tốt. Chị nghĩ, đây là vì con nuôi chị một phần, và vì cả em nữa.
Tiểu Liên nghe A Tuyến nói thế, chỉ im lặng không nói gì.
A Dung đứng gần đấy, cũng lên tiếng hùa theo. Tiểu Liên nói :
-Chẳng biết cậu ta có thật lòng yêu em không ? Nhưng chỉ một lần thôi đấy, chứ không thể tái hồi đâu nhé. Cậu ta đã giầu có, thì một khắc hoan lạc, cũng phải có đủ năm ngàn lượng mới được. Việc xong, đường ai nấy đi, không nói năng nhiều lời.
A Tuyến đáp :
-Để chị về thương lượng lại xem, sẽ báo cho em biết sau.
Rồi theo lối cửa ngách mà về. Gã Hoa Đình lòng đang nôn nóng, thấy A Tuyến về, bèn hỏi ngay xem sự có thành không.
A Tuyến đáp :
-Việc thành rồi !
Và đem lời yêu cầu của Tiểu Liên nói cho gã biết. Gã đáp :
-Điều ấy đâu có khó khăn gì. Dễ mà ! Dễ mà !
Rồi lập tức mở ngay hòm, lấy ra năm ngàn lượng cho bộc dịch theo lối cửa ngách vận chuyển sang nhà Tiểu Liên, để ở dưới gầm giường của nàng.
Khi ấy, Tiểu Liên mới gọi thị nữ A Dung đến gần, lấy bút vẽ lông mày, tô son điểm phấn cho lộng lẫy, rồi bảo lên giường nằm thay mình. Còn nàng thì để hờ cửa, đèn sáng lờ mờ, xong xuôi đâu đó lén sang ngủ ở một gian phòng khác.
A Tuyến đưa gã Hoa Đình đến đứng ở trước cửa phòng, rồi đi vào, vén màn lên coi thử, thấy rõ ràng là Tiểu Liên, không sai mảy may, bèn nói :
-Người ta đến rồi đấy !
Sau đó đi ra.
Gã Hoa Đình rón rén bước vào trong phòng, khêu đèn cho sáng rõ hơn, và từ từ tiến đến bên cạnh giường để xem cho tỏ dung nhan người đẹp. Quả nhiên, người nằm trên giuờng chính là Tiểu Liên, mỹ nhân đứng dựa cửa mà gã đã thấy ngày nào. Gã mừng rỡ cuống cuồng, không cầm lòng kịp, vội vàng cởi bỏ quần áo, hùng hục mây mưa, chẳng hề nói năng một lời, còn A Dung cũng chẳng hỏi một tiếng.
Việc xong, gã xuống giường, sỏ dép vào chân, vội vã chuồn thẳng.
Chừng về đến nhà, gã nghe thấy tiếng A Tuyến rên rỉ trên giường. Gã cúi dòm qua khe hở, lòng kinh hoàng choáng váng. Té ra, nhân lúc gã vắng nhà, A Tuyến đã dụ dỗ được đứa tiểu đồng bảnh trai của gã, và đang cùng nó lâm ly cá nước trong cõi dương đài.
Gã bảo thầm trong bụng :
-Mẹ nuôi ta như thế này, thật đúng là kỹ nữ đứng cửa đón khách, còn Tiểu Liên mới thật là con nhà lương gia, vưu vật hiếm có trên đời, ta đã được cùng nàng một lần thịt da thân cận, là mãn nguyện rồi, không nên quyến luyến ở lại đây làm gì nữa, chỉ tổ cho thiên hạ chê cười !
Rồi gọi tên tiểu đồng ra, lấy năm trăm lạng để tạ ơn cho A Tuyến. Sáng sớm hôm sau, mặt trời vừa tỏ, gã vội vã cho ngựa phản hồi quê nhà.
Còn A Tuyến, trong lòng cũng lấy làm áy náy, ân hận, không khắc chế được, bèn sang nhà Tiểu Liên xem, chỉ thấy nàng đã sớm trang điểm xong suôi, tỏ ra như chẳng có sẩy ra sự gì. Những lúc rảnh rang, vẫn tiếp tục thêu thùa khâu vá sinh nhai như thường nhật. A Tuyến bụng riêng rất lấy làm kỳ lạ.
Quang âm thấm thoát, bỗng chốc đã đến ngày cuối năm, chàng Thái phải trở về quê ăn tết, hai gánh hành trang, một thân sơ xác. Tiểu Liên mừng rỡ ra đón chồng về, hỏi :
-Mình đi xa về, có gì thú vị không ?
Thái đáp :
-Cũng chỉ là tha hương cầu thực mà thôi, ta vẫn là ta, như Tô Tần vẫn là Tô Tần, đã công khanh gì đâu, mong nàng đừng bỉ bôi ta như vợ Tô Tần nhé!
Tiểu Liên chỉ mủm mỉm cười, không hỏi gì thêm nữa. Rồi sai thị nữ A Dung bầy tiệc rượu để Thái tẩy trần. Người ta thường nói :"Cửu biệt thắng tân hôn ", tối hôm đó, hai vợ chồng cùng nhau hoan hợp như cá gặp nước, mây mưa quấn quýt, hết sức nồng nàn thắm thiết. (Bỏ tám chữ)
Chợt Kim Liên baỏ với Thái :
-Từ nay em xin mình đừng lo gì đến chuyện bần hàn nữa nhé!Mình thử nhìn dưới gầm giường xem có phải tiền cả khối sáng loá ra đấy không ?
Thái kinh ngạc, hỏi Tiểu Liên lấy tiền đó ở đâu ra. Nàng đáp :
-Do phép thuật cuả em cả đấy !
Thái khoác vội áo vào người, xuống giường cầm đèn soi, quả nhiên bạch kim lóa mắt, chất đầy gầm giường, lòng đâm ra hoảng hốt, gắt gao cật vấn Tiểu Liên. Nàng đành đem chuyện gã Hoa Đình thuật lại cho Thái nghe, nhưng chưa kịp kể đến việc vẽ mày hoá trang cho A Dung, thì Thái đã dậm chân giận giữ mắng mỏ :
-Ta biết mà, ngươi chỉ là đứa dâm loàn, chứ trinh tiết gì !Việc sờ sờ ra đấy. Lời nói với ta lúc lâm biệt còn văng vẳng bên tai đây, nay mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa. Chao ôi !Con gái nho sĩ họ Chung, bất quá cũng chỉ vậy mà thôi !
Tiểu Liên muốn bộc bạch giãi bầy, nhưng Thái đã mở cửa ra ngoài.
Từ đấy, hạc vàng nhất khứ bất phục phản;không trở gặp lại Tiểu Liên nữa.
Sau này, Tiểu Liên được những người lái đò kể cho biết là ngay hôm ấy Thái đã thuê thuyền đi Giang Nam rồi. Nàng lấy làm hối hận vì đã hồ đồ, thiếu tế nhị, dầu vậy, việc không còn thể lấy lại được nữa, mới riêng bảo với thị nữ A Dung rằng :
-Với tài nghề cuả ta, ta nhất định không chịu làm gái gìa giữ phòng the, Thái lang phẫn khí bỏ đi, không thể một ngày mà quay trở về được, tất phải chịu cảnh bôn ba gian khổ vài năm, điều này ta đã dự đoán khi chàng ra đi lần trước rồi. Thầy trò mình nay hãy cải nam trang, dùng số tiền của gã Hoa Đình làm vốn đến Tô Châu buôn bán, làm giầu, trở thành Nữ Thạch Sùng cũng dễ thôi.
A Dung cũng cho ỳ kiến ấy của Tiểu Liên là phải.
Đến lúc tối, trời đã thật khuya, mới khóa hết cửa nẻo lại, rồi theo lối nhà A Tuyến, thuê mấy người phu lực lưỡng khuân hết tiền bạc cùng những đồ dùng xuống thuyền, suôi Nam. Sau khi thuyền đến Tô Châu, Tiểu Liên dắt A Dung dảo gót dạo chơi phố phường, ai thấy hai người áo quần hoa lệ, mặt mày tuấn tú đẹp trai, thái độ phong lưu nho nhã, đều cho hai người thuộc lọai thế gia công tử. Có vài tay từng trải già dặn, đến làm quen bắt chuyện, mới hay hai người đến đây để học tập buôn bán. Lại ngớp vì thấy vàng bạc của cải rủng rỉnh, bèn thuê giúp cho hai người một gian phòng ở vùng Hổ Khâu.
Tại đây, Tiểu Liên mở một tiệm chuyên mua bán các loại hàng gấm vóc tơ lụa. Và nàng nghiễm nhiên thành ông chủ tiệm, thâm cư trong nội thất. Còn việc giao dịch với khách hàng thì giao phó cho viên hỏa kế trông coi. Tối đến, nàng mới đem bàn tính ra tính toán. Không hề mảy may sai sót. Bọn người làm công tranh nhau khen ngợi thán phục tài nghệ của nàng.
Chỉ trong vòng hai năm, Tiểu Liên đã kiếm được một số tiền lời lên đến năm sắu nghìn lượng.
Năm sau nữa, trong cung của Trịnh Qúy Phi thôi thúc tỉnh Tô Châu phải cung cấp gấp aó quần múa hát, tiệm của Tiểu Linh còn vừa nửa số, nhờ đó cũng kiếm được món lợi là hai chục vạn lạng. Lúc bấy giờ, các chủ hàng ở chợ Hổ Khâu, ai cũng lấy làm hãnh diện được làm quen với nàng. Nhiều nhà giầu có tranh nhau gả con gái cho nàng, nhưng nàng chỉ cười ti tạ.
Một hôm trời lất phất mưa, Tiểu Liên đầu đội khăn the xanh, mình mặc áo lụa trắng, chân đi hài da, ngồi trong chiếc ghế lớn, sau bức rèm the mỏng, để xem người đi lại ngoài đường phố. A Dung cũng ăn vận đẹp đẽ, đứng bên cạnh hầu trà. Bất chợt có một gã bán hàng rong tới tiệm, đặt gánh xuống, bỏ tiền ra mua nhừng món tạp phẩm linh tinh của phụ nừ, ước chừng độ mười lạng, thì vừa đầy gánh.
Tiểu Liên thấy dung mạo gã có vẻ quen quen, chừng nhìn kỹ lại, nàng không khỏi sững sờ kinh ngạc, khẽ bảo thầm với A Dung :
-Không biết có phải Thái lang, chồng ta không ?
A Dung cũng chú ý nhìn, quả nhiên là Thái thật. Duy nét mặt phong trần mưa nắng, áo quần nhiều miếng vá chằng đụp.
Nguyên từ hôm xuống thuyền xuôi Nam, Thái nhất quyết đọan tuyệt liên hệ với vợ, đến Phúc Kiến mưu sinh. Chẳng ngờ, khi đến Phúc Kiến thì người bác đã qua đời, chủ quán lại từ khước không chịu cho chàng ở. Thái tính trở về Can Giang, chừng đến đất Tô Châu này, thì túng quẫn cùng cực quá, chẳngkém gì đứa ăn mày. Cũng may có người đồng hương, sẵn tính hào hiệp, thấy Thái như vậy, bèn chu cấp cho mươì lạng bạc, để Thái làm vốn bán hàng rong, kiếm tiền độ khẩu. Trải qua mấy năm tân khổ gian lao, nhưng vốn ít nên cũng chẳng lời lãi gì. Lúc nãy vào tiệm của Tiểu Liên tính mua ít hàng, lại gặp chính lúc nàng ngồi ở đấy.
Một lát sau, trời mỗi lúc một nặng hột, mưa to. Đường phố trở nên lầy lội. Thái ngồi co ro chờ mưa ngoài cửa tiệm, ngơ ngác đờ đẫn như con gà gỗ, khiến Tiểu Liên cảm thấy xót sai, không đành lòng.
Chừng mưa tạnh, Thái gánh hàng lên vai, tính ra về, chợt có đứa bộc dịch đẹp trai ở trong tiệm đi ra gọi giật lại, hỏi :
-Này anh bán hàng rong! Có phải người Dương Châu không đấy ?
Thái đáp :
- Bẩm vâng, tôi người Dương Châu.
Đứa bộc dịch nói :
-Thế thì đồng hương với chủ tôi rồi. Chủ tôi muốn gặp anh, anh hãy theo tôi.
Quanh co dăm khúc, đến một gian phòng nhỏ, Thái thấy một vị thiếu niên ngồi ngay ngắn chỉnh tề trên chiếc hồ sàng, y phục rực rỡ hoa lệ. Rồi nghe gã bộc dịch bảo với người thiếu niên :
-Anh bán hàng rong đã đến, xin bái yết lang quân!
Thái nghe nói thế, rất lấy làm lạ, bất giác khom người cúi xuống vái chào.
Tiểu Liên cũng cố tình trịnh trọng tiếp thụ, rồi bảo Thái ngồi xuống một bên, nói mấy câu khách sáo, hỏi :
-Anh ở Dương Châu, nhà ở vùng nào?
Thái đáp :
-Nhà tôi ở phía nam, cách Lôi Đường khoảng trăm bộ.
Lại hỏi :
-Bán hàng rong thế này, có lời không ?
Đáp :
-Cũng được chút đỉnh.
-Như thế thì khổ cực vất vả quá, không bằng mấy kẻ bộc dịch trong nhà này. Ta lấy làm ái ngại. Anh có muốn làm cho ta không ?
Thái chưa kịp trả lời thì A Dung đã vội vã kéo chàng, nhanh miệng nói dùm -Xin đa tạ chủ nhân có lòng thâu dụng.
Rồi dẫn Thái ra ngoài, chờ đợi sai bảo. Riêng lòng Thái cũng cho là mình gặp hạnh vận.
Tối hôm ấy, Thái phụng thị chủ nhân ăn cơm tối xong, đóng cửa phòng, tính lên giường ngủ. Chợt có lệnh chủ nhân đòi lên gặp ở tẩm thất. Chỉ thấy trong phòng đèn đóm huy hoàng, màn thêu trướng gấm. Chủ nhân đã bỏ khăn trên đầu xuống. Trên giường chăn gối đã trải sẵn. Chủ nhân cùng chàng đàm đạo chuyện vãn một lúc, thình lình chàng thấy chủ nhân đứng dậy, mở rương lấy ra một đĩnh bạc thật lớn, đặt lên bàn, nghe kêu keng một tiếng, rồi cầm lấy tay áo chàng ra chiều âu yếm, bảo :
-Thú thực cùng huynh, đệ có máu mê nam sắc, mà cái vị "đào dư", đâu phải không ngọt, còn ca khúc "hậu đình hoa " cũng là du dương say đắm. Nay thấy huynh diện mạo tuấn tú, đệ không cầm lòng nổi, xin có nén bạc lớn này để đổi lấy một đêm ân ái. Âu cũng là duyên phận trăm năm, mong huynh đừng từ khước!
Thái nghe nói vậy, nín thở, hai má đỏ ửng vì xấu hổ, tâm thần dao động. Nhưng tự nhủ thầm, thân bán hàng rong, chừng nào mới có được số tiền lớn như thế này? Chi bằng tạm thời thất thân một lần để có thể cải thiện cảnh cùng túng cũng là hợp lý thôi. Huống hồ, chủ nhân lại là một mỹ nam tử.
Bèn khẽ mỉm cười.
Tiểu Liên liền dắt tay Thái vào trong màn gấm (Bỏ mười bẩy chữ)
Một lát, Thái bỗng thấy chủ nhân phát vào mông chàng cả chục cái đau điếng, chàng vừa ngạc nhiên vừa kêu la, thì chủ nhân nói :
-Hảo nam nhi gì mà đê tiện đến nỗi này nhỉ !Ngày trước, em nhờ tì nữ thay hình bồi khách, mà kiếm hàng chục đính bạc lớn. Còn bây giờ, chàng là trai ,vai ba thước rộng thân mười thước cao mà chỉ đáng gía một đĩnh thôi.
Tì nữ A Dung nghe thấy thế phì cười, chạy vào phòng thì Thái đang ôm mông, vội vã can ngăn Tiểu Liên :
-Xin cô bớt giận làm lành, cũng tội nghiệp cho Thái lang !
Bấy giờ Thái mới ngồi bật dây, nhìn kỹ chủ nhân và đứa bộc dịch, buột miệng nói :
-Có lẽ nào ta đang ở trong mộng sao ?
A Dung nói :
-Thực chứ không phải là mộng đâu !
Thái càng lấy làm xấu hổ hơn. Tiểu Liên bèn bảo với chàng :
- Từ nay mình sẽ đứng ra làm chủ nhân, có được không ?
Thái chỉ còn biết gật đầu đồng ý. Tiểu Liên lại nói :
-A Dung đã thay em bồi khách, công ấy cũng không thể phụ được !
Thái bèn nhận A Dung làm thiếp. Sáng hôm sau dậy, Tiểu Liên cải lại nữ phục như cũ. Đầu dắt đầy ngọc thoa châu thuý, áo gấm quần là, hài son nho nhỏ. Còn A Dung cũng ăn bận hoa lệ, rồi cho gọi tất cải bọn bộc dịch làm công trong nhà đến gặp.
Tiểu Liên ngồi ở sau rèm bảo với mọi người rằng :
-Ta đây thực là nữ tử. Chồng ta đã trở về, từ nay tiệm có chủ nhân đích thực trông coi, xin các người cứ ai giữ việc nấy, lo cho tròn bổn phận. Mọi việc trong tiệm có điều gì cần hỏi, thì hỏi thẳng với chồng ta, còn ta đàn bà không dám dự bàn vào nữa.
Bọn bộc dịch đều lấy làm ngạc nhiên, sau mấy năm làm cho chủ, nay mới biết nàng là nữ giới. Rồi kéo nhau ra chào Thái, trình bày sổ sách. Lúc đó, vốn liếng của tiệm đã lên đến gần mười hai vạn lạng.
Một tối, Thái đi uống rượu say trở về, thấy Tiểu Liên đang ngồi thêu thùa, dáng chừng như đang tư lự điều gì. Thái lại gần nựng nịu, chỉ thấy nàng cười tủm tỉm, bèn dắt vào giường ân ái. Chợt từ bên ngoài có người cầm hồng đăng tiến vào. Thái nhìn xem, Té ra là Tiểu Liên, dung mạo so với người nằm trên giường chẳng khác gì nhau. Tiểu Liên đến gần, lấy tay xoa sạch mày ngài của người nằm trên giường. Thái nhìn lại, thì ra là A Dung. Bấy giờ chàng mới hiểu rõ lời giải thích của Tiểu Liên về việc xử dụng A Dung thay thế nàng không phải là ngoa vậy.
Sau, lại có người cho biết là lúc còn sinh tiền, Chung nho sĩ từng ăn nằm với một người con gái là chồn tinh hóa ra, và Tiểu Liên chính là con của chồn sinh ra.
Do đó, Tiểu Liên mới có pháp thuật thần thông đến thế.
Chú thích:
Vương Nhung
王 戎
Sinh năm 234 CN mất năm 305 CN.
Vương Nhung là người thời Tây Tấn, quê ở Lang Nha huyện Lâm Nghi (nay thuộc thành phố Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông), tự là Tuấn Xung, một trong Trúc Lâm Thất Hiền(Sơn Đào, Nguyễn Tịch, Kê Khang, Hướng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàm)
Thời Tấn Hụê Đế, Vương Nhung làm đến Thượng Thư Lệnh, Tư Đồ, nhưng tinhs tình tham lam hà tiện, mua ruộng vườn khắp nơi, tiền bạc tích lũy đếm không hết, nhưng ngày nào cũng cầm bàn toán mà tinh, đến tận khuya, nên bị người đương thời mỉa mai diễu cợt.
Thái Thú
太 守
Tên gọi một chức quan.
-Nhà Tần đặt chức Quận Thú, trông coi mọi việc cai trị.
-Đến đời Cảnh Đế nhà Hán thì đổi Quận Thú là Thái Thú, là vị quan đứng đầu coi việc hành chánh, trật nhị thiên thạch. ( Thái Thú đầu tiên của quận Giao Chỉ là Thạch Đới, do Hán Võ Đế phái đến, và Thái Thú nổi tiếng là tàn ác là Tô Định, bị hai Bà Trưng đánh đuổi về Tầu)
-Đời nhà Tùy đổi quận ra là châu, đặt quan Thứ Sử đứng đầu coi một châu.
-Đời Đường lại đổi châu thành quận, thì vị trưởng quan lại gọi là Thái Thú. Sau đó lại đổi là châu, thì lại goị là Thứ Sử.
-Đời Tống đổi quận làm phủ hoặc là châu, vì thế cũng gọi là tri phủ, hay tri châu, là thái thú.
Thiên nga
天 鵝
Là một loại chim, hình trạng giống con ngỗng nhưng thân thể to hơn, toàn thân mầu trắng, mỏ chia ra hai phần mầu vàng và mầu đen. Chân và đuôi ngắn. Chân mầu đen, có mạng ngón chân, sống ở ven hồ và bờ biển, ăn côn trùng và thực vật, biết bay, cũng còn gọi là chim hộc. Ta quen gọi là ngỗng trời.
Phạm Lãi
范 蠡
Phạm Lãi tự Thiếu Bá là chính trị gia cuối đời Xuân Thu, người đất Uyển nước Sở, là Đại Phu nước Việt. khi nước Việt bị Ngô đánh bại, ông từng làm con tin ở Ngô hai năm. Khi trở về nước Việt, ông từng giúp Việt Vương Câu Tiễn khắc khổ để lo báo phục, diệt được nước Ngô.
Sau đó ôngtừ biệt Câu Tiễn chu du Ngũ Hồ. Đến nước Tề xưng là Si Di Tử Bì, đến đất Đào cải danh là Đào Chu Công, đến đâu cũng chỉ lo buôn bán làm giầu. Ông cho rằng thiên thời, khí tiết thay đổi biến hóa tùy vào sự mâu thuần của âm dương. Và việc nước thịnh suy cũng không ngừng thay đổi.
Theo truyền thuyết thì người đời sau cho rằng Phạm Lãi mang theo Tây Thi cùng đi.chu du Ngũ Hồ. Trong Sử Ký -Hóa Thực Liệt Truyên có truyện của ông. .
Cũng theo sách « Trung Quốc Hành Nghiệp Thần Sùng Bái » thì Phạm lãi được người làm nghề đồ gốm tôn làm tổ sư.
Vương Khải
王 愷
Vương Khải sinh năm 234 CN mất năm 305 CN.
Vương Khải tự là Quân Phu, người Đông Hải Đàm Quận, con của Lan Lăng Hầu Vương Túc thời Tào Ngụy, và là cậu của Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm, từng được phong là Huyện Công, từng đảm nhậm Long Tương Tướng Quân, Hậu Quân Tướng Quân, nổi tiêng là thế gia hào phú, coi châu bảo như đất bùn, tính tình rất xa xỉ tàn bạo, từng tranh đua giầu có với Thạch Sùng, lấy mật ra rửa song chảo, và lấy lụa ra trải lối đi, dài hơn bốn chục dậm.
Một lần, Khải bầy tiệc đãi khách, sai thị tỳ rót rượu mời khách, nhưng khách không chịu uống hết, thế là Khải lôi người thị tỳ ấy ra đánh chết. Trong một lần tiệc khác, Khải sai một kỹ nữ ra thổi tiêu để trợ hứng rượu, nhưng người kỹ nữ này thổi sai vận, bèn bị Khải lôi ra giết để mua vui.
Sau Vương Khải bị bệnh mất, bị người đời chê là kẻ tàn ác, xấu xa.
Thạch Sùng
石 崇
Sinh năm 429 CN mất năm 308CN.
Thạch Sùng tự là Qúy Luân, sinh quán Thanh Châu huyện Nam Bì (nay là tỉnh Hà Bắc, Bì Huyện), người cùng thời với Vương Khải, làm thứ sử Kinh Châu, rồi thăng Vệ Uý, giâu sang xa xỉ, xây cất một ngôi biệt dã hết sức là hoa lệ đặt tên là Kim Cốc Viên , để làm nơi uống rượu, hưởng lạc, và làm nơi "đấu phú", đua giầu với Vương Khải. Trong nhà Sùng có người ái cơ là Lục Châu, bị Tôn Tú muốn chiếm đoạt, nhưng Lục Châu không chịu, nhẩy xuống lầu tự tận. Tôn Tú tức giận, rèm pha với Triệu Vương Tư Mã Luân, Thạch Sùng bị Tư Mã Luân xử tử hình. Lúc lâm hình, Sùng nói :"Bọn Tôn Tú và Tư Mã Luân muốn cướp đoạt gia sản của ta ". Người chấp pháp mới khôi hài trả lời :"Ông biết giầu có là có hại, sao không sớm đem tài sản mà phân phát cho người ta ".
Thạch Sùng á khẩu không nói gì, chờ đao phủ hành hình.
Tô Châu
蘇 州
Tô Châu là một trong 13 thành phố thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay.
Vùng đất này về thời Xuân Thu được vua Ngô là Hạp Lư xây thành. Đến thời Chiến Quốc thì thuộc nước Việt, và nước Sở. Sang đến nhà Tần đặt là Ngô huyện, là trị sở của quận Cối Kê. Từ sau thời kỳ Tần Hán, gọi là Ngô Quận, có khi còn gọi là Ngô Châu.
Tên Tô Châu chỉ bắt đầu có từ năm Khai Hoàng đời Tùy Văn Đế Dương Kiên, tức năm 589 CN. Khi quân nhà Tùy xuống phía nam diệt vương triều nhà Trần, bèn phế bỏ Ngô Quận, đổi tên là Tô Châu.
Tô Châu cũng đươc gọi một cách văn vẻ là Cô Tô 姑 蘇, bởi lẽ có núi Cô Tô Sơn. Thi nhân Trương Kế đời Đường có làm một bài thơ nổi tiếng là "Phong Kiều Dạ Bạc ", trong đó có câu :
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
姑 蘇 城 外 寒 山 寺
夜 半 鐘 聲 到 客 船
Và hai câu này đã được cụ Trần Trọng Kim dịch là :
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Tô Châu từ xưa đến nay vốn là thành phố nổi tiếng phồn thịnh về thương mại và thủ công nghiệp, có nhiều phong cảnh đẹp đẽ ưu mỹ, cùng với Hàng Châu mang danh thơm là "Thiên đường hạ giới", nên có câu ngạn ngữ lưu truyền trong dân gian là :"Thiên thượng thiên đường, địa hạ Tô Hàng, bất đáo Tô Hàng, nhất thế oan uổng ". Tô Châu nổi tiếng có nhiều phong cảnh sơn thủy, viên lâm nghệ thuật. Tự cổ đã có câu nói :"Vườn cây ở Giang Nam đẹp vào hàng bậc nhất thiên hạ, nhưng vườn cây ở Tô Châu lại đẹp nhất Giang Nam", như vườn Thương Lãng Đình xây cất thời Bắc Tống, Sư Tử Lâm thời Nguyên, Chuyết Chính Viên và Lưu Viên thời Minh, Võng Sư Viên, Di Viên, Ngẫu Viên đời Thanh. .
Tô Châu còn là nơi có nhiều di tích văn hóa, lịch sử như Huyền Diệu Quán, Tam Thanh Điện, Trung Vương Phủ của Thái Bình Thiên Quốc. Nơi đây, cũng là nơi lưu lại dấu chân của biết bao nhiêu thi nhân nổi tiếng với những bài thơ mô tả những thắng cảnh ở đây.
Lý Thương Ẩn
李 商 隱
Sinh năm 812 mất năm 858.
Lý Thương Ẩn là thi nhân đời Đường, tự là Nghĩa Sơn, hiệu là Ngọc Khê Sinh, người Hoài Châu Hà Nội, (nay thuộc tỉnh Hà Nam ), đậu tiến sĩ năm Khai Thành nă (836-840) đời vua Văn Tông, từng làm huyện úy, rồi Bí Thư Lang, Đông Xuyên
Tiết Độ Sứ Phán Quan. Nhân vì bị ảnh hương của sự tranh dành quyền lực của hai họ Lý và Ngưu, Lý Thương Ẩn bị lấn áp chèn ép, cả đời lận đận lao đao. Thơ của ông thường phơi bầy cùng phê phán tình trạng phiên trấn cát cứ, và sự thối nát hủ bại của tập đoàn thống trị thượng tầng, cùng bọ hoạn quan chuyên quyền. Thơ ông có phong cách độc đặc, cấu tứ tinh vi, nhưng dùng nhiều điển tích, khiến cho ý tứ trở nên mập mờ không rõ rệt.
Trên thi đàn thời vãn Đường, thơ của Lý Thương Ẩn chiếm một địa vị quan trọng, ông còn để lại tập thơ "Lý Nghĩa Sơn Thi Tập".